User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
cumaicong
Biệt thự góc ngã tư Trần Quốc Thảo - Lý Chính Thắng, quận 3 hiện nay do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế - Ảnh Cù Mai Công (CMC)
 
Giữa thập niên 1960, kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa - chủ Văn phòng Kiến trúc sư tư vụ Hoa - Thâng - Nhạc thiết kế một biệt thự của hãng xăng dầu Shell ở góc ngã tư Trương Minh Giảng (nay là Trần Quốc Thảo) – Yên Đổ (nay là Lý Chính Thắng). Biệt thự nhìn ra hướng Nam, ngả xíu hướng Tây nên góc hướng Tây có trồng một cây cản bớt nắng. 
 
Tới giờ, sau trên dưới 60 năm, với những đường vẽ thẳng thớm, biệt thự không lớn nằm trong một khuôn viên đất cũng không rộng này hầu như vẫn nguyên vẹn vẻ sang trọng và rất hiện đại của nó sau lớp tường bao. Chỉ có cánh cổng thay mới rộng hơn vì sau 1975, đây là nhà công vụ. Biệt thự này này là nơi ông Đ.L.T. chọn ở khi làm bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh. Trước đó, một vị chủ tịch nước khi xây lại ngôi nhà phố của mình cũng mượn tạm nơi đây ở vài tháng.
 
Cùng với hàng loạt biệt thự được xây dựng ở miền Nam từ đầu thập niên 1950 đến 1975, các kiến trúc sư Sài Gòn “đã thử nghiệm nhiều kỹ thuật kết cấu để tạo ra các thành phần kiến trúc độc nhất vô nhị trên thế giới” (Mel Schenck - kiến trúc sư Mỹ). Những công trình này khác hoàn toàn với kiểu dáng lẫn nguyên vật liệu xây dựng các biệt thự thời Pháp thuộc mà rõ nhất là tường bao mỏng nhẹ với đa số dùng đá rửa trắng, xanh xám… tạo cảm giác dịu mát thay màu vôi vàng; đường nét thẳng; ban công chạy dọc tầng một thay lô gia… Một số biệt thự tạo điểm nhấn, đường nhấn dọc, ngang nhà với gạch mosaic xanh lam, gạch Ceram sứ…
 
Có thể nói không kiến trúc sư Sài Gòn nào trước 1975 không từng thiết kế biệt thự theo phong cách hiện đại, tạo ra hàng ngàn biệt thự khắp các quận vùng Sài Gòn - Gia Định tới giờ vẫn sừng sững vẻ đẹp sang trọng của nó. Như ngôi biệt thự góc Duy Tân (nay là Phạm Ngọc Thạch) - Hồng Thập Tự (nay là Nguyễn Thị Minh Khai) của kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, biệt thự 140 Cách Mạng 1-11 (nay là Nguyễn Văn Trỗi) của kiến trúc sư Tô Công Văn…
 
Văn phòng Hoa - Thâng - Nhạc cũng vậy. Không chỉ ngôi biệt thự đơn giản nhưng đẹp và sang trọng một cách nền nã ở góc ngã tư Trương Minh Giảng - Lý Chính Thắng, ông Hoa còn tự tay thiết kế một loạt biệt thự khác dọc đường Trương Minh Giảng, Pasteur, Phan Đình Phùng (nay là Nguyễn Đình Chiểu), Phan Thanh Giản (nay là Điện Biên Phủ)… ở quận 1, 3; Võ Tánh (nay là Hoàng Văn Thụ), quận Tân Bình…
 
Hầu hết những ngôi biệt thự này một trệt một lầu, mái bằng, ban công rộng, đường nét khỏe và thẳng tắp. Tùy theo vị trí nhà, hướng gió, hướng nắng, ông thiết kế có sự thay đổi khối kiến trúc, dáng nhà, lam gió… 
 
Ở biệt thự cũng của hãng Shell, cũng trên đường Trương Minh Giảng, góc Tú Xương chẳng hạn, ngôi nhà này chếch hướng gió mùa, nắng quái Tây Nam nhưng bên ngoài có hàng cổ thụ. Ngôi biệt thự này dáng, khối chắc, khỏe với những mảng bê tông dày ở tầng một. Tầng trệt là hệ thống mái đua dày, dài hơn ở lối ra vào phòng khách.
 
cumaicong1
Biệt thự góc Trần Quốc Thảo - Tú Xương hiện nay do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế - Ảnh CMC 
 
Biệt thự bác sĩ Nguyễn Văn Út trên đường Pasteur hướng Đông Bắc, biệt thự giám đốc Việt Nam Thương Tín trên đường Nguyễn Đình Chiểu hướng Tây Bắc… không nhiều nắng gió. Ông Hoa tạo dáng nhà thanh mảnh, thoáng. 
 cumaicong2
Lam dọc biệt thự xưa hướng Đông cho biệt thự hướng Đông Bắc của bác sĩ Nguyễn Văn Út trên đường Pasteur do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế - Ảnh CMC 
 cumaicong3
Lam dọc biệt thự xưa hướng Bắc cho biệt thự hướng Tây Bắc của giám đốc ngân hàng Việt Nam Thương Tín trên đường Nguyễn Đình Chiểu do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế - Ảnh CMC 
 
Biệt thự bác sĩ Phạm Kim Tương trên đường Võ Tánh - gần ngã tư Thoại Ngọc Hầu (nay là Phạm Văn Hai), nhìn sang bên kia là Bộ Tổng tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa, trước nhà là bãi đất trống đậu máy bay trực thăng (nay là công viên Hoàng Văn Thụ), bên cạnh là Bệnh viện dã chiến số 3 của Mỹ (nay là Bảo tàng Lực lượng vũ trang Đông Nam bộ). Khu vực này xe nhà binh qua lại hàng ngày. Ngôi biệt thự lùi sâu vô bên trong đến 30 thước, thiết kế rất chắc chắn với các mảng tường rộng hai bên nhà. Khung cửa sắt tầng trệt thay cửa gỗ để đảm bảo an ninh và mảng vườn rất rộng trước nhà không trồng cây lớn, cản tầm quan sát bên ngoài…
 
cumaicong4
Biệt thự bác sĩ Phạm Kim Tương trên đường Võ Tánh, nay là Hoàng Văn Thụ, gần ngã ba Phạm Văn Hai hiện nay do KTS Nguyễn Văn Hoa thiết kế. Biệt thự này hướng Bắc ít nắng, gió, mưa. Hầu hết mặt tiền được thiết kế bung ra - Ảnh CMC 
 
Cũng những đường nét thẳng, từ xu thế xây dựng những ngôi nhà hiện đại lúc đó trên thế giới (như Ludwig Mies Van Der Rohe, Le Corbusier, Frank Lloyd Wright, Marcel Breuer…), phần đông những kiến trúc sư trẻ thập niên 1950, 1960, 1970 của Sài Gòn đều thiết kế nhà cửa kiểu hiện đại. Nhưng điều đáng ngưỡng mộ nhất là với họ, không có một kiểu dáng chung cho tất cả. 
 
Một điểm dễ nhận ra trong các bản vẽ của Văn phòng kiến trúc Hoa - Thâng - Nhạc cũng như vô số nhà cửa, công trình xây dựng hiện đại ở miền Nam trước 1975 là rất hiếm thấy những đường cong (như trong kiến trúc truyền thống Việt lẫn Pháp, kể cả tân cổ điển, kể cả tiền hiện đại Arc Deco). Điều này có nói lên tính cách của dân Sài Gòn: trực tính, dứt khoát và rõ ràng; “cái nào ra cái đó” kiểu Nam bộ?
 
Dù kiểu dáng ra sao, phong cách thiết kế nào, nội dung cực kỳ quan trọng trong thiết kế nhà cửa ở miền Nam trước 1975, của các kiến trúc sư Pháp trước đó và của ông bà ta ngàn đời nay: tìm cách giải quyết những cơn nắng chói chang lẫn mưa xối xả vùng nhiệt đới.
 
Kiến trúc sư Nguyễn Duy Tâm, con trai đầu của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa cho biết: Thiết kế của cha mình “mỗi thứ đều ở đúng chỗ và có lợi ích riêng. Mặt tiền được xây dựng với nhiều lớp để bắt mắt hơn, tạo nên cảnh tranh tối tranh sáng, với những bông gió, những mái hiên, những tấm cản ánh mặt trời có công dụng che nắng, mưa. Vì vậy mặt tiền không bao giờ phẳng lì. Ông cũng dùng ô gạch Ceram bằng sứ để tăng thêm màu sắc”.
 
Cũng theo ông Tâm, “vì ba tôi cũng có học về công chính trước khi học kiến trúc nên ông thích thử nghiệm nhiều kỹ thuật xây cất khác nhau. Ông đã "phát minh" ra mái nhà có chứa 30cm nước để cách nhiệt, chống lại ánh nắng gay gắt của vùng nhiệt đới. Ông thực hành kỹ thuật này lần đầu tiên chính tại ngôi nhà số 18 Phùng Khắc Khoan, nơi chúng tôi ở, khi ông xây một cánh phía sau để làm nhà ở. Sau này, mái nhà có lớp nước được thay thế bởi một mặt bằng trồng cây cỏ (biệt thự Shell Oil), tiền thân của những mái nhà sinh thái ngày nay”.
 
cumaicong5
Gia đình ông Nguyễn Văn Hoa trên đường Catinat (sau 1954 là đường Tự Do, nay là đường Đồng Khởi) thập niên 1950 - Ảnh Gia đình cung cấp
 
Xin tạm kết nội dung này qua trao đổi gọn với kỹ sư xây dựng bên Mỹ, Nguyễn Duy Thanh, con trai út của kiến trúc sư Nguyễn Văn Hoa.
 
Cù Mai Công: Anh cho biết thêm về thiết kế giảm nóng bằng nước trên nóc cầu thang ở ngôi biệt thự 12 Duy Tân cũng như nhà cũ của già đình anh ở 18 Phùng Khắc Khoan. 
 
Kỹ sư Nguyễn Duy Thanh: Chỗ nào nước đọng thì có nhiều muỗi (Hì hì…). Ông già phải thí nghiệm rất kỹ cách xây bê tông mà không bị nước thấm vô nhà. Và một vấn đề rất quan trọng: xây bê tông mà không bị thấm nước thời đó rất tốn tiền.
 
Cù Mai Công: Kiến trúc của ba anh hiện đại một cách đơn giản, đúng chất miền Tây và Sài Gòn: đường nét đơn giản, thẳng, không cong quẹo. Tôi cũng hay nói vài học trò mình là kiến trúc sư: "Hiện đại xét cho cùng là cố vẽ sao cho nhà cửa, công trình xây dựng dễ làm vệ sinh, dễ bảo quản, dễ tu sửa".
 
Kỹ sư Nguyễn Duy Thanh: Đúng vậy.
 
 
Cù Mai Công
 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com