
photo: https://refugeehistory.org/
Ngày Thuyền Nhân: 2 Tháng 5
Ngày 30 Tháng Tư, 1975 là ngày Cộng Sản Hà Nội hoàn tất âm mưu chiếm Nam Việt Nam (NVN) mà họ đã hoạch định ngay sau khi đất nước chia đôi vào năm 1954.
Ðó cũng là ngày đánh dấu sự thất bại của HK trong đường lối trợ giúp Việt Nam Cộng Hòa với vai trò là một đồng minh trong chính sách ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa Mác-xít ở Ðông Nam Á, và dẫn tới những cuộc vượt biên không tiền khoáng hậu và kéo dài nhất vào cuối thế kỷ 20.
Sau cuộc bỏ nước ra đi hàng loạt vào năm 1975, số người trốn khỏi VN giảm đi đáng kể. Cuộc tắm máu đã không xảy ra như nhiều người tiên đoán chắc chắn không phải do lòng nhân đạo của Ðảng Cộng Sản mà hẳn là do đã có giao kết mật giữa CSHN với Mỹ để Miền Nam được bàn giao nguyên vẹn.
Tuy nhiên, quân CS đã tức khắc lùa hàng trăm ngàn quân nhân, công chức chế độ Saigòn cũ vào các trại cải tạo, nhưng thực tế là các trại tù khổ sai rải rác khắp các vùng rừng núi hẻo lánh và tiến hành một chương trình buộc dân chúng Miền Nam dời đi vùng khác sinh sống. Nên nhớ rằng trong cuộc chiến, nhiều gia đình đã phải bỏ vùng bất an ninh vào các thành phố. Dân số Saigòn đã gia tăng gấp bội. CS lấy cớ đó buộc nhiều gia đình đi về các vùng gọi là Vùng Kinh Tế Mới. Ðó chỉ là các vùng khỉ ho, cò gáy, không người ở và tiện nghi gì cả. Hầu như tất cả mọi người phải tự lo liệu lấy mọi thứ từ đầu đến cuối.
Trong những năm 1970, hàng trăm ngàn người, nhất là những người có tài sản hoặc dính líu với chế độ Saigòn hay Mỹ - đã bị buộc bỏ Saigon đi Vùng Kinh Tế Mới và tất nhiên nhà họ bị chiếm. Vì không có phương tiện sinh sống, và chính các viên chức CS cũng không đủ sức quản lý các Vùng Kinh Tế Mới khi không có tài khoản nào yểm trợ, mọi người đã tìm cách trốn khỏi vùng. Kế hoạch Vùng Kinh Tế Mới tự tan rã sau khi các viên chức CS đã chiếm hữu nhà và của cải của những người bỏ đi. Ði đâu? Ða số đi vượt biên và tạo thành làn sóng tị nạn đợt hai tới Hoa Kỳ.
Phong trào vượt biên lúc đó trở thành một chuyện nóng sốt hàng ngày ở khắp mọi nơi đặc biệt là ở Saigòn. Người dân tụ tại các quán café bàn chuyện vượt biên; công an, cán bộ CS cũng bàn chuyện tổ chức cho vượt biên để kiếm vàng. Nhà nước CS cũng tổ chức các chuyến vượt biên bán chính thức. Hoa Kỳ quyết định đưa ra những chương trình cứu người vượt biển trên những quy mô lớn.
Thuyền Nhân Và Niềm Kiêu Hãnh Vượt Biên
Ngọn đuốc của Nữ Thần Tự Do ở Cảng New York là nguồn gợi cảm sâu xa cho những người tị nạn. Thuyền Nhân Việt đã ra đi với một niềm kiêu hãnh chung của những con người: “Tự Do hay là Chết”.
Những người ra đi đợt một đã tìm đủ mọi cách gửi tin tức về quê nhà, do đó người còn kẹt ở lại rất nôn nóng tìm cách vượt biên. Người có tiền thì đóng thuyền. Người không có tiền thì đóng bè hay đi bằng đường bộ. Những người biết lái tàu hay những người trong Hải Quân cũ được mời đi không phải đóng tiền. Một con thuyền thường phải chở một số lượng gấp bốn lần số người mà thuyền có thể chở cho an toàn. Trong số đó, có nhiều người của công an gửi đi. Người đi phải trả một số lượng vàng từ hai cây (lượng) trở lên. Thường những chuyến đi phải có vàng mua bãi với công an biên phòng và trả tiền cho các ghe gọi là taxi có nhiệm vụ ém người và đưa người ra thuyền lớn. Thức ăn và nước uống thường mang theo không đủ. Vào những năm 1978 và 79, nhà nước lại tổ chức cho vượt biên bán chính thức. Giá biểu khoảng từ sáu đến mười hai cây vàng mỗi người. Một vài chuyến đã trót lọt. Sau đó thì HK lên tiếng phản đối và những người đóng vàng đã không thể nào lấy lại vàng. Người Hoa ở Chợ Lớn mất không biết bao nhiêu tấn vàng cho nhà nước và không biết bao nhiêu cán bộ trở nên tỉ phú với những số lượng vàng khổng lồ này.
Người vượt biên biết là sẽ bị tù khi bị bắt, bị cướp biển hoặc chết vì bão tố, hay thiếu thức ăn, nước uống, họ vẫn chấp nhận ra đi. Có người nói rằng “Nếu cột đèn điện có chân, nó cũng sẽ vượt biên.” Nhiều yếu tố khiến người ta ra đi không sợ chết dọc đường: ghê tởm chế độ áp bức của Cộng Sản, khao khát cuộc sống tự do, và có tiền đễ tiếp tế cho cho cha mẹ, anh em.
Kể từ khi bước chân ra khỏi nhà theo người dẫn đi ém chỗ, rồi xuống ghe taxi, người vượt biên đã chấp nhận mọi hiểm nguy, phó mặc thân mình cho may rủi. Tuy nhiên trong thâm tâm, họ cảm thấy một niềm kiêu hãnh và thích thú là được góp phần vào con số người dũng cảm ra đi trong ý nghĩa “tự do hay là chết”.
Khi biết con tàu đã ra khỏi tầm kiểm soát của tàu tuần CS, mọi người trên tàu vùng dậy tung hô, ca hát trong niềm vui: từ nay vĩnh viễn thoát khỏi cái gọi là Cộng Hòa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam mà thực chất chỉ là Cướp Hết Xạo Hết Chỗ Nói. Họ trao nhau những ánh mắt sáng ngời. Những làn không khí mới của vùng tự do hít vào làm cho từng thớ thịt, sợi gân run lên và tâm hồn cảm thấy vô cùng sảng khoái với ý nghĩ: đời mình từ nay có cơ hội để sống có ý nghĩa.
Trung bình hàng tháng có tới 14.000 người vượt biên. Số người bị bắt trở lại vượt hơn số đó. Số người chết và mất tích lên tới hàng trăm ngàn. Trên 200.000 người Hoa vượt biên vào Trung Quốc và khoảng 300.000 Hoa người vượt biển.
Người giúp người việc nhỏ. Trời giúp người việc lớn.
Bến Cảng Ðầu Tiên Nhận Tị Nạn và Trại Tị Nạn
Không phải là những người vượt biên cứ nhảy xuống tàu hay thuyền bè nào đi tới bờ bến của một nước nào đó là được tị nạn. Khó khăn chính của người vượt biên là kiếm được bến bờ gần nhất của một nước họ chấp nhận cho tị nạn.
Những thuyền vượt biên đầu tiên từ VN hướng tới Malaysia đã bị Hải Quân Mã chặn lại và buộc họ đổi hướng tới các nước khác. Thái Lan thì làm ngơ cho các hải tặc hoành hành nên thuyền nhân lúc đầu không dám vào vịnh Thái Lan. Các thương thuyền cũng không được lệnh cứu vớt thuyền nhân.
Biết trước tình huống đó, HK đã phải tính toán, lo liệu ngay việc điều đình với các nước có bờ biển gần VN nhất đón nhận người tị nạn và yêu cầu các thương thuyền cứu thuyền nhân đưa đến các trung tâm tị nạn. Thật là một nỗ lực vĩ đại cần tới những con người vĩ đại.
Anh Quốc là nước thân nhất với HK và Hồng Kông, nguyên thuộc địa của Anh, là bến cảng đầu tiên đón nhận thuyền nhân. Lập tức, các trại tị nạn với sự trợ giúp của Hồng Thập Tự Quốc Tế và Cao Ủy Tị Nạn Liên Hiệp Quốc được thiết lập ngay tại Hồng Kông. Chẳng bao lâu sau đó, các bến cảng khác đón nhận thuyền nhân được mở ra trên khắp thế giới. Úc, Canada, Ðài Loan, và Pháp, tiếp nhận những số lượng lớn người tị nạn. Hoa Kỳ nhận người tị nạn nhiều hơn tất cả các nước khác cộng lại.
Trại Tị Nạn
Làn sóng vượt biên tiếp tục tăng. Khoảng 13.000 thuyền nhân tới các nước Á Châu trong nửa năm đầu của 1985. Người tị nạn bằng đường biển hay đường bộ tràn ngập trong các trại ở Phi, Thái, và Hồng Kông. Phần lớn muốn được định cư tại Mỹ.
Cuộc sống ở trong trại không phải là dễ dàng vì số người quá đông mà phương tiện và nhân lực thì có hạn. Nước và thực phẩm không nhiều để phân phối; người thông dịch và phục vụ không đủ; không có sẵn công ăn việc làm để cung cấp. Người trong trại phải làm đơn xin nhập HK và phải chờ cứu xét. Thời gian chờ có thể là vài tháng có khi vài năm. Tuy nhiên, đối với nhiều người, thời gian ở trại cũng có nhiều điều rất lý thú: trước hết là đã trút được hẳn mối lo về tai ách cộng sản; sau là có một tương lai tươi đẹp hơn trước và nhiều cuộc tình đã nẩy nở nơi đây.
Ân Nhân Của Thuyền Nhân
Ði tìm lại ân nhân đã cứu vớt mình để tỏ lòng biết ơn là khao khát lớn nhất của các Thuyền Nhân. May mắn thay đã có những nỗ lực đặc biệt của một vài nhóm người trong đó có nhóm Asia Productions đã thực hiện vài bộ phim tài liệu và có mời được một số ân nhân của các thuyền nhân tới để vinh danh.
Trong số những ân nhân trước hết phải kể là những vị đề xuất ra các dự án cứu người tị nạn Việt. Quý vị này là những kế hoạch gia, những Nghị Sĩ và Dân Biểu, những khuôn mặt lớn trong mọi giới, những nhà hoạt động cộng đồng Việt, Mỹ. Ða số những vị này hoạt động là vì lòng nhân đạo đối với những người phải bỏ quê hương để tránh nạn áp bức của chính quyền CS và đồng thời cũng là muốn đền bù những gì mà người tị nạn đã mất vì HK đã không giữ trọn cam kết bảo vệ NVN, tuy rằng sự mất mát nhiều khi quá lớn không thể vớt vát lại được. Số ân nhân của thuyền nhân tuy nhiều, nhưng nay chỉ tìm lại được một số.
Con tàu đầu tiên ra khơi cứu nạn là tàu Pháp có tên là La Lumière. Ðây là một sự ngẫu nhiên hay lại là một sự sắp xếp trước? Tưởng cũng nên nhắc lại rằng Pháp vốn là nước không thân thiện với Mỹ và trong Cuộc Chiến VN, Pháp đã chiếu cố Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam và ủng hộ phản chiến. Nhưng chẳng bao lâu sau ngày NVN rơi vào tay CSHN, báo Le Monde của Pháp đã đăng tải nhiều bài tỏ ý ân hận về hành động cổ võ phản chiến.
Sự ra khơi của con tàu La Lumière và một nhóm y sĩ quốc tế trong đó có BS Việt Nam Nguyễn Anh Tuấn đã lập tức dấy lên một phong trào cứu người vượt biên mạnh mẽ. Lòng nhân đạo của đoàn y sĩ chói lòa đại dương khắp năm Châu.
Tiếp theo đó là những con tàu nhân đạo như Mary Kingstown Ship với Bác Sĩ D. Monchicourt, Sứ Mạng Trưởng, Ðoàn Bác Sĩ Thế Giới, trong đó có BS Việt Nam Nguyễn Ngọc Kỳ. B.S. Kỳ mô tả lại nỗi đau lòng khi ông không thể đưa 72 thuyền nhân lên tàu nếu sợi dây kéo không đứt hay thuyền không bị bể; và như vậy họ sẽ được dẫn tới tá túc ở một hòn đảo không an toàn. Nhiều thuyền rút kinh nghiệm này đã tự đục thủng thuyền để được vớt lên tàu.
Ðặc biệt nhất là đoàn tàu Cap Anamur của sáng lập viên người Ðức, Tiến Sĩ Rupert Neudeck ngày đêm túc trực ở ngoài khơi bờ biển Phi Luật và đã vớt trên dưới 10.000 thuyền nhân. Ngày nay gặp lại các thuyền nhân, ông chân thành ca ngợi những thành tựu của người Việt tị nạn và có lời khuyên người tị nạn hãy gìn giữ gốc tích của mình, nghĩa là những truyền thống mang bản sắc của dân tộc, dù có mang quốc tịch nước nào chăng nữa.
Ngày 14 tháng 11, 1985, một vị thuyền trưởng tàu Kwang Myung 87, người Ðại Hàn, ông Jeon Je Yong, cho biết ông đã quyết định cứu vớt đám thuyền nhân gồm 96 người mặc dù chưa có lệnh và mặc dù hậu quả là ông sẽ bị mất việc. Sau 19 năm, ông Nguyễn Hùng Cường gặp lại vị ân nhân và mời vị đó sang Cali vào ngày 05/8/2004. Ông Cường viết cuốn hồi ký mang tên Tấm Lòng Biển (xuất bản 7/2007, Nhà in Mr. Print, l/l: (714) 588- 4919); This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.) Báo chí Cali đã tường thuật lại cuộc tái ngộ vô cùng cảm động giữa ông và một số thuyền nhân sống sót nhờ tầu ông cứu vớt.
Vị Ðại Ðức Phật Giáo Thái Lan Saddhaloka Bhiku đã bỏ ra 16 năm làm việc tại trại tị Nạn Hồng Kông.
Luật cứu người vượt biển cũng được đưa ra nhằm buộc các thương thuyền phải cứu người vượt biển.
Các thuyền nhân vô vọng trên biển khơi đã được các tàu tiếp cứu tưởng như đó là những cứu tinh tự Trời sai xuống. Sau 5 năm định cư, đa số người Việt tị nạn đã quen với nếp sống mới và hãnh diện trở thành công dân HK.
Sau cùng phải kể đến tổ chức cứu người vượt biển mới đầu lấy tên là Ủy Ban Cứu Người Vượt Biển (UBCNVB) hay còn gọi là Boat People SOS được thành lập năm 1980 tại San Diego, California nhằm mục đích liên kết với các tổ chức quốc tế để nỗ lực cứu người vượt biển đạt được nhiều kết quả hơn.
Tính đến nay, UBCNVB đã giúp hàng chục ngàn người tị nạn, di dân, và cựu tù nhân chính trị đến bến bờ tự do và đóng góp vào công cuộc phát triển của cộng đồng người Mỹ gốc Việt trên toàn quốc. BPSOS hiện có 13 văn phòng tại một số tiểu bang. Hiện nay, tiếng nói chính thức của UBCNVB là tờ báo Mạch Sống xuất bản hàng tháng (email: This email address is being protected from spambots. You need JavaScript enabled to view it.; www.machsongmedia.com)
UBCNVB hiện nay (Tháng Hai, 2010) đổi danh xưng thành BPSOS với mục đích “phát huy sức mạnh, tổ chức, và trang bị cho các cá nhân và cộng đồng Việt trên hành trình đạt tự do và nhân phẩm”. Luật Sư Tuyết Dương, Chủ Tịch Hội Ðồng Quản Trị BPSOS phát biểu: “Danh xưng mới BPSOS nối liền lịch sử thành lập đầy tính nhân bản, các giá trị chân chính, và các thành tích phục vụ cộng đồng người Mỹ gốc Việt trong suốt 30 năm qua của tổ chức với mục tiêu phát triển và chiến lược mới cho thập niên kế tiếp.”
Trong thời gian tới, BPSOS sẽ không còn giới hạn trong công tác phục vụ và đáp ứng nhu cầu của người dân tị nạn, mà sẽ mở rộng, “chú trọng đầu tư, thu hút và liên kết những công dân Mỹ gốc Việt thành đạt, có tài năng và có nhiệt tâm phục vụ cộng đồng.”
Tiến Sĩ Nguyễn Ðình Thắng, Giám Ðốc Ðiều Hành BPSOS cho biết, qua nhiều năm hoạt động, đội ngũ lãnh đạo trẻ cùng mạng lưới văn phòng, chi nhánh được tổ chức chặt chẽ trong và ngoài nước Mỹ. Ông cho biết, BPSOS “tin vào sức mạnh chuyển hóa cộng đồng Mỹ gốc Việt thành một cộng đồng người Mỹ mới, mạnh mẽ và có ảnh hưởng, có thể sử dụng sức mạnh tập thể trong tinh thần trách nhiệm cao nhằm đóng góp hiệu quả hơn cho những thay đổi tích cực tại Hoa Kỳ cũng như tại Việt Nam.”
Trở Thành Công Dân Mỹ và Quê Hương Mới
Trở thành công dân Mỹ là chặng đường cuối cùng của người tị nạn. Ðó có thể nói là giấc mơ chung của người tị nạn tuy có một số nhỏ lại không chịu vào quốc tịch. Chính quyền Mỹ muốn người tị nạn nhập quốc tịch để được hưởng quyền lợi như người Mỹ.
Muốn được nhập tịch, người tị nạn phải ở Mỹ được ít nhất là 5 năm và phải qua một kỳ khảo hạch. Phần khảo hạch là 100 câu hỏi về quyền công dân và lịch sử HK. Người tị nạn được mời phỏng vấn và trả lời khoảng 10 câu hỏi miệng bằng tiếng Anh trong đó có một câu người tị nạn viết ra câu trả lời. Có trường hợp được thi bằng tiếng Việt vì quá nhiều tuổi.
Nhiều lớp của các hội đoàn hay cơ quan chính quyền được mở ra giúp học thi quốc tịch miễn phí. Ðã có lúc có luật quá 7 năm mà không có quốc tịch là không được hưởng trợ cấp xã hội. Nhiều ông bà già thi đậu được quốc tịch mừng chảy nước mắt.
Ngày nhận lãnh bằng quốc tịch được tổ chức long trọng và bằng cấp được khuyên là nên giữ cẩn thận. Có bằng này là xin được thông hành (passport) có giá trị 10 năm để đi tới một số nước mà khỏi cần xin chiếu khán (visa). Một số người, nhân lúc lãnh bằng, xin đổi tên ra tiếng Mỹ cho dễ giao dịch trong xã hội Mỹ.
Có nhiều người còn trẻ tuổi không đậu quốc tịch chỉ vì không chịu học 100 câu hỏi. Có một số ít không chịu thi vào quốc tịch vì muốn mình là người Việt “gin” 100%. Cũng có người không vô quốc tịch với hy vọng sẽ trở về VN nắm một chức vụ gì đó khi chế độ cộng sản giải thể.
Từ lúc được tuyên đậu quốc tịch, ai cũng cảm thấy một niềm hãnh diện và một niềm tự tin mới. Từ nay họ là thành viên của một nước hùng cường và giàu có nhất thế giới; họ sẽ được cấp một thông hành có giá trị nhập cảnh nhiều nước mà không cần xin chiếu khán; họ được hưởng đủ quyền lợi của một công dân Mỹ như đi bầu cử và bảo lạnh thân nhân.
Người bạn Mỹ đến chúc mừng người vừa đậu quốc tịch với câu hỏi kèm theo “Where are you from?”. Nếu câu trả lời quen miệng là “I am from Vietnam” thì bạn Mỹ sẽ phá lên cười và chỉnh lại là: “No, you are not Vietnamese. You are American now.”
Quê Hương Mới
Tình cảm của con người gắn bó với quê hương là thiêng liêng vì ở đó có huyết thống của dòng họ và trong huyết quản của họ hằng chứa những hơi thở của cỏ cây cùng sông núi. Phải xa lìa quê hương là một mất mát hết sức lớn lao. Chính sự áp bức và bạo ngược của chế độ cộng sản là nguyên nhân làm hàng trăm ngàn người phải bỏ quê hương ra đi. Hoa Kỳ và nhiều quốc gia khác đã cưu mang và giúp đỡ họ lập lại cuộc đời. Họ và con cháu họ đã và sẽ cũng có những kỷ niệm khó quên khi đã quen với môi sinh và lối sống ở miền đất mới.
Có quốc tịch, người tị nạn mặc nhiên đã chấp nhận Hoa Kỳ là quê hương mới và VN là quê hương cũ. Người tị nạn thường có những tình cảm lấn cấn giữa quê hương cũ và mới. Sự kiện nhận nơi đây là quê hương mới có gì lỗi đạo với quê hương cũ không?
Ðịnh nghĩa về quê hương, có người nói: “Nơi đâu tôi được sống tự do và hạnh phúc là quê hương của tôi.” Một người khác nói: “Nếu các bạn luôn nên nhớ tới người mẹ sinh ra các bạn, nhưng cũng đừng bao giờ quên người mẹ nuôi các bạn.”
Vậy, nhận một đất nước khác đã cho mình cơ hội xây dựng lại cuộc đời làm quê hương mới là một sự công bằng và hữu lý. Còn VN, VN vẫn mãi mãi là quê hương của những người Việt tị nạn. Họ rất đau lòng khi quê hương đó vẫn còn nghèo hèn và người dân chưa được hưởng tự do, hạnh phúc và dân chủ như hằng mong muốn. Ðảng cộng sản từ lâu đã biến thể thành một đảng cướp và dùng bạo lực để cầm quyền. Ðất nước đã trở thành một thuộc địa kinh tế béo bở của các ngoại bang và những con người từng thờ chủ nghĩa vô sản nay là những tư bản kếch xù.
Một chân lý không thay đổi là: Người tị nạn, không thế hệ này thì cũng thế hệ khác, sẽ trở về xây dựng lại quê hương cũ khi chế độ cộng sản VN bị giải thể như ở Liên Xô trước đây.
Người Mỹ Gốc Việt Thành Ðạt
Tuy mới chỉ có 35 năm kể từ 1975 đến nay, 2010, cộng đồng Việt tị nạn tại Hoa Kỳ đã có khá nhiều nhân vật thành đạt nổi tiếng khiến cho Cục Ðiều Tra Dân Số Hoa Kỳ năm 2000 đã phát biểu: “Cộng đồng Việt đã phát triển tích cức và thành đạt đáng kể”. Những người này có vị trí sáng chói trong các lãnh vực như giáo dục, chính trị, kinh tế, thương mại, khoa học, Luật Pháp, Quân Ðội, kỹ thuật, văn học, nghệ thuật, võ thuật, phim ảnh, v.v.
Ðây là một sự kiện không lạ dưới con mắt tìm kiếm sắc bén của Hoa Kỳ khi tiếp xúc với nền văn hóa đặc thù của nòi giống Việt, một nòi giống từng có những kinh nghiệm chống ngoại xâm từ Trung Quốc trong suốt khoảng 1800 năm kể từ thời Hai Bà Trưng (141 Sau Tây Lịch) và có một trí thông minh vượt trội đã bị kìm hãm trong một thời gian non một thế kỷ của đô hộ Pháp (1885 – 1954) và cuộc chiến Quốc - Cộng (1954 – 1975). Những Việt tố đó chỉ cần có môi trường và cơ hội tốt là phát triển rất sung mãn.
Sau đây là một số nhân vật tiêu biểu:
Những thống kê cho biết thì đã có hơn 300 có ít nhất 3 bằng sáng chế cho mỗi người.
Kỹ Sư Ðoàn Chánh Trung, Phó Chủ Tịch, Micro Corporation, Boise, Idoho, đã trình 132 bằng sáng chế. Về ngành y, có trên 4500 bác sĩ gốc Việt.
Cha Bảo: Cha Anthony Bảo là một trong những nhà lãnh đạo tôn giáo giúp đỡ nhiều người tị nạn. Cha Bảo là trưởng đoàn Công Giáo Việt ở Lady’s Cathedral, Thành phố Oklahoma. Cha Bảo giúp giáo dân mọi thứ họ cần. Cha cũng tới các trường học để thuyết trình về Văn Hóa Lạc Việt và cũng tìm cách lấp khoảng cách giữa hai nền văn hóa Việt và Mỹ.
Khoa Học Gia Tinh Thể Học Nguyễn Hữu Xương: Giáo Sư Nguyễn Hữu Xương tốt nghiệp Kỹ Sư Ðiện Tử Trường Kỹ Nghệ Marseille, Pháp, (1955); tốt nghiệp Cao Học về Ðiện Khí (1957), Toán học (1958), và Vật Lý Học (1961); Tiến Sĩ Vật Lý, Ðại Học Berkely, California (1962). Ông là nhà khoa học tiền phong nghiên cứu khoa tinh thể học và phát minh ra Máy Quang Tuyến Xuong (Xuong’s X-Ray Machine) hiện nay được áp dụng trong các nghiên cứu các tế bào liên hệ đến bịnh ung thư và tìm loại thuốc diệt các virus giết người như virus HIV.
Ðặc biệt, ông tích cực tham gia các sinh hoạt cộng đồng Việt tị nạn. Năm 1980, ông thành lập và là Chủ Tịch Ủy Ban Cứu Nguy Người Vượt Biển (Boat People SOS Committee). Năm 1985, ông hợp tác với Hội Y Sĩ Thế Giới, Pháp, đưa con tàu Jean Charcot ra Biển Ðông cứu vớt được 520 Thuyền Nhân. Ông cũng đã về Việt Nam tổ chức các khoa tu nghiệp ngắn hạn tại một số trường Đại Học, như “Seminar Deternination of 3D Structures of Viruses” using a new detector for Electron Microscopy tại Ðại Học Quốc Gia TPHCM.
Ngày 27 Tháng Mười Hai, 2003, ông được trao Giải Thưởng Charles Supper của Hội Nghiên Cứu Tinh thể Học Hoa Kỳ (ACA – American Crystallography Association).
Bác Sĩ Nghiêm Ðạo Ðại: Ông là Giáo Sư nổi tiếng ở trường Ðại Học Y Khoa Pittsburgh, PA và là người đưa ra phương pháp giải phẫu tân tiến khi ghép tụy tạng cho bịnh nhân tiểu đường loại I. Ông cũng có khoảng 200 bài khảo cứu đăng trên các tạp chí y khoa.
Dr. Nguyễn Ánh Nga: Nguyễn Ánh Nga là bác sĩ phân tâm học của Của Trung Tâm Khoa Học Sức Khỏe, Ðại Học Oklahoma (psychiatrist at the University of Oklahoma Health Science Center). Bà trị bịnh tâm thần của những người Việt bị ám ảnh bởi sự chết chóc và đổ nát tại quê hương. Bà cũng giúp bịnh nhân vượt qua nỗi đau đớn và khiếp đảm trong cuộc hành trình tìm tự do.
Dr. Hồ Huệ Tâm, Dr. Huỳnh Sanh Thông, và Dr. Khoa Học Gia Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh; Dr. Huệ Tâm Hồ, Giáo Sư Phụ Tá về Lịch Sử, Ðại Học Havard.
Eugene Trịnh: Eugene Trịnh đậu Ph.D. về Vật Lý, Ðại Học Yale, 1978 và sau đó làm cho NASA. Dr Trịnh là một phi hành gia luân phiên cho phi thuyền Spacelab 3.
Jean Nguyễn và Hùng Vũ: Tháng Năm 1985, Jean Nguyễn và Hùng Vũ trở thành di dân đầu tiên tốt nghiệp Học Viện Quân Sự HK ở West Point. Cha của cô Jean là một Đại Tá trong Quân Lực VNCH vượt biên bằng thuyền năm 1975. Gia đình Hùng Vũ thuộc Quân Lực VNCH và định cư tại New York. Không biết nói một chữ tiếng Anh nào, Hùng đã nỗ lực học và tốt nghiệp trường West Point. Cả hai đã chọn binh nghiệp không những cho sự nghiệp cá nhân mà còn là để có cơ hội phục vụ xứ sở nuôi dưỡng họ.
Tiến Sĩ Dương Nguyệt Ánh: Trong lãnh vực kỹ thuật cũng có nhiều nhân vật rất nổi bật như Tiến Sĩ Dương Nguyệt Ánh, hiện là Tổng Giám Ðốc Trung Tâm Nghiên Cứu Kỹ Thuật Hải Quân, Bộ Quốc Phòng HK và là nhân vật chế tạo trái bom nổ sâu trong hang núi được sử dụng tại Irak.
Kỹ Sữ Ðỗ Mỹ Hạnh: Bà Mỹ Hạnh Ðỗ là một nhà họa kiểu phần mềm (software designer) cho công ty điện thoại AT&T
Cao Học Ðiện Toán Trung Dung: Trong lãnh vực buôn bán, nhiều người Việt cũng rất thành công ở Bắc Cali. Ông ghi danh học tại Massachusettes University ngành Computer; đậu kỹ sư điện toán và học tiếp lấy bằng Master. Ông được một người Mỹ là ông Mark Pine, nguyên là ủy quản trị viên của Sybas, Inc., giới thiệu nhiều nhà bỏ vốn cho ông lập công ty On Display, Inc vào năm 1996. Công ty rất phát triển và được công ty Vignette Corp mua lại với giá 1.8 tỷ Mỹ kim. Nay ông đã trở thành một tỉ phú trẻ với số tuổi 39.
Nữ Luật Gia Lê Thanh Trai là vị phụ nữ đầu tiên làm Giáo Sư Thực Thụ Phân Khoa Luật Ðại Học Nôtre Dame, South Bend, Indiana. Bà phụ trách môn Luật Thương Mại.
Thể Thao Gia Nguyễn Ðạt: Anh đã chiếm Giải Lombardi vào năm 1998 về môn bóng bầu dục ở Dallas, TX.
Võ Sĩ Lê Cung: anh hiện là một võ sĩ nổi bật nhất trên võ đài quốc tế. Trong 20 năm qua, anh đã đấu thắng 20 trận liên tiếp trong đó có 15 trận hạ đo ván địch thủ và đoạt 3 giải vô địch quốc tế. Anh theo cha mẹ tị nạn ở Mỹ vào năm 1976 lúc đó anh mới 4 tuổi và bắt đầu tập võ từ 10 tuổi. Ðến năm 1994, anh bắt đầu đoạt vài giải vô địch tại Mỹ. Anh chuyên đấu loại võ tự do và tỏ ra rất có bản lĩnh và đầy tự tin khi thượng đài. Anh kết hợp tài tình nhiều môn võ nên đường võ của anh rất uyển chuyển nhịp nhàng và rất đẹp mắt. Năm 2006, anh bị thương gãy mũi nhưng vẫn chiến thắng đối thủ. Năm 2008, anh đã chiến thắng lẫy lừng khi hạ Frank Shamrock, một võ sĩ rất kiêu dũng và nổi tiếng đã 5 lần thắng vô địch UFC (Ultimate Fighting Championship). Ðiểm đặc biệt là khi xuất hiện giao đấu, Lê Cung lúc nào khoác áo mang cờ vàng ba sọc đỏ. Anh còn được mời đóng phim mang tựa đề Cung Le, The Making of a Champion – Lê Cung, Người Tạo Dựng nên Một Nhà Vô Ðịch.
Ðạo Diễn Tony Bùi: Anh đã đoạt ba giải thưởng quan trọng: Grand Jury Prize, Audience Award, và Cinematography Award vói phim Three Seasons.
Nhà Báo Huỳnh Nghi: Huỳnh Nghi là một nhà lãnh đạo cộng đồng giúp người tị nạn những phương tiện liên lạc. Ông là sáng lập viên và chủ bút của tờ nguyệt san Asian Business & Community News xuất bản ở Minnesota, một tiểu bang có số dân tị nạn từ Ðông Nam Á đứng vào hàng thứ sáu toàn quốc. Tờ báo của ông mang đến cho đồng hương những tin tức về các dịch vụ, các cơ sở buôn bán, giáo dục, và các truyện ký.
Nhà Hàng Kim Sơn: Về tiệm ăn thì không thể không nhắc tới nhà hàng Kim Sơn ở Houston. Ông đã là chủ nhân Tiệm Ăn Kim Sơn có tiếng ở Vĩnh Long trước 1975. Chân ướt chân ráo qua tới Mỹ với hai bàn tay trắng, gia đình ông đã phải dành dụm chắt bóp từng đồng, từng cắc để tạo vốn.
Ông khởi sự từ một tiệm ăn nhỏ. Rất nhanh sau đó, ông vay vốn mở nhà hàng Kim Sơn 1 chứa khoảng 500 thực khách tại khu trung tâm thành phố Houston vào năm 1993. Các món ăn thuần túy VN của nhà hàng được người Mỹ rất ưa thích. Ông nhận được nhiều bằng khen của chính quyền địa phương. Hiện nay gia đình ông có 4 nhà hàng lớn tại Houston. Nhà hàng Kim Sơn 4 khánh thành tháng 5, 2006, tọa lạc trên đường Bellaire, khu Tây Nam Houston.
Tuy mở nhà hàng, nhưng ông bà vẫn khuyến khích các con đi học và tất cả đều đã tốt nghiệp đại học. Báo chí Mỹ ca ngợi nhà hàng Kim Sơn có những món ăn VN ngon miệng nhất trên nước Mỹ như là gỏi ngó sen, bò nướng cuốn bành tráng, cá kho tộ, và xôi nếp gà chiên.
Hải Bằng HDB
Nguồn: William B. Hoàng FaceBook: April, 13, 2024 Maryland