User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Viết bài này, người viết bày tỏ ở đây một sự nuối tiếc là bài viết của nhà thơ Du Tử Lê về Nguyễn Tất Nhiên đã không nói lên được tính chất phối hợp đến kỳ diệu giữa thi ca và âm nhạc. Đó là điều quan trọng cần được nói tới. Thơ Nguyễn Tất Nhiên không có âm nhạc Phạm Duy thì sẽ ra sao?

Sự phối hợp ở hai lãnh vực nghệ thuật này khi cộng sinh đôi khi trở thành những bài ca khó quên, thấm vào lòng người.

thicavaamnhac
Thật vậy, những bài thi ca đượm chất triết lý Thiền của Phạm Thiên Thư cộng với âm thanh tài hoa của Phạm Duy biến cho cuộc gặp gỡ văn học ấy như núi gặp mây.

Những dòng thơ chắt lọc trong Đạo ca được gửi gấm trong dòng nhạc của Phạm Duy biến thành chất ngọc không còn vực bờ hữu hạn, xóa bỏ tất cả ngã và phi ngã, xóa bỏ ngoại vật. Không gian như mở rộng ra đến cõi vô hạn, bay bổng..

Xưa em làm kiếp ao, ưu tư mùa cuối Hạ.
Anh làm chim bói cá, đậu soi mấy mùa trăng.
Xưa em làm chữ biếc, nằm giữa lòng cuốn kinh
Anh là thiền sư buồn, ngồi tụng dưới ánh trăng…

(Đạo ca 1, Pháp Thân, Phạm Thiên Thư)

Sự nuối tiếc ấy buộc người viết đi lại từ đầu câu chuyện như sau.

Trong dịp đầu năm, tờ Người Việt California có cho đăng một bài “tản mạn văn học” của tác giả Du Tử Lê viết về nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Câu chuyện ông Du Tử Lê kể lại không có mục đích đánh giá thơ Nguyễn Tất Nhiên, cũng không nói lên được thơ và nhạc đã phối hợp với nhau thế nào, càng không có dụng tâm viết một bài phê bình văn học.

Thời điểm mà theo tôi đánh dấu sự an nguy mất còn của miền Nam. Ông chỉ muốn kể lại một mảnh vụn văn chương, một câu chuyện “đời thường” giữa hai nhà thơ về những chuyện rất bên lề của văn chương trong đó ông cho rằng, ông chính là người đặt tên hiệu Nguyễn Tất Nhiên cho một nhà thơ trẻ mới tập tễnh bước vào nghề.

Chẳng biết trí nhớ ông còn đủ tốt hay không để viết lại chính xác một “giai thoại văn chương” như thế? Câu chuyện thật hư ra sao thế nào? Những người liên hệ như Minh Thủy, nhà văn Nguyễn Đạt Thịnh đã lên tiếng phản bác cho là Du Tử Lê viết bịa đặt. Vì vậy, bài báo đã gây nhiều tiếng vang ồn ào bất lợi cho ông.

Nhưng xét nội dung, đó chỉ là một bài viết đọc cho vui, đọc qua rồi bỏ cũng được. Nó không có liên quan đích thực đến thực trạng nền văn học thời điểm 1970. Một thời điểm mà những người từng có uy tín nhất trong lãnh vực thi ca – ca ngợi tình yêu – một thời như nhà thơ Nguyên Sa đã viết bài, “Hãy Rời Bỏ Nền Văn Chương Trú Ẩn”.

Thơ Nguyên Sa bây giờ không còn là thơ tình nữa:
 
Không nói tao sợ mày phiền
Nói ra với rượu tao buồn gấp hai
Em mày đi lấy chồng rồi
Gặp tao ngoài ngõ ngậm ngùi nhìn nhau
Tao nhìn tao thấy mày đau
Nó nhìn nó thấy trong tao có mày
 
Lời cảnh cáo của Nguyên Sa ở trên nói lên thực trạng đất nước không cho phép những nhà văn, nhà thơ, nhà trí thức tiếp tục ngủ quên và tiếp tục ru ngủ mình và người đọc. Sự lãnh đạm và thờ ơ trước thời cuộc là một thái độ thiếu trách nhiệm của người cầm bút?

Thơ của Du Tử Lê cũng như thơ của Nguyễn Tất Nhiên là những hoa trái sinh trái mùa
 
Đã có lần tôi viết phê bình nhà văn Mai Thảo, “Mai Thảo 1954 cũng vẫn là Mai Thảo 1963 và không khác gì Mai thảo 1970 và 1975. Mai Thảo vẫn thế. Vẫn là thứ văn chương phòng trà, văn nghệ sa lông, suy tư bên tách cà phê tiệm nhảy… dửng dưng trước tiếng bom đạn, chết chóc.”

Tôi không trách móc văn chương Mai Thảo hay hay dở mà tôi trách móc vai trò nhà văn đã bị lãng quên.

Một nhà văn với tư cách nhân chứng thời đại không thể có thái độ bàng quan, đứng ngoài cuộc như thế được. Nó phản bội lại chính vai trò nhà văn của mình.

Nghĩ như thế rồi, tôi nhận thấy Du Tử Lê hay Nguyễn Tất Nhiên đều đi theo lối mòn của Mai Thảo. Vẫn làm thơ tình. Vẫn mơ mộng, vẫn dằn vặt, vẫn đau khổ, vẫn ca ngợi tình yêu, vẫn những chuyện tình cỏn con mà lại muốn đưa lên cao, đi ra biển lớn.

Tôi không dám nói đến giá trị hay dở, có thể thơ ấy rất hay ở một thời điểm nào khác. Có thể không thiếu người mê thích. Nhưng những thơ ấy không thích hợp ở thời điểm năm 1970 được. Nó sinh lầm thời đại. Đứng trước khổ dau mất mát, trước chết chóc bom đạn gần kề, trước nước mắt mẹ già, nước mắt trẻ thơ và nước mắt người vợ trẻ mất chồng mỗi ngày.

Thơ ấy trở thành lạc điệu, mỉa mai nếu so với những dòng thơ tôi trích dẫn sau đây.

Thơ hôm nay là những vần thơ oằn oại nước mắt.

Thơ Tô Đình Sự làm trước khi chết “Thân Tín Đời”
 
Đầy trước mắt chia lìa chất ngất
Đứa quân trường, đứa lính chiến một năm
Đứa lơ ngơ những ngày chờ chết
Đứa vinh thăng dĩ vãng đâu màng
Đồi Gia Hựu dài cơn đồng thiếp
Thăm hỏi nhau mày còn mạnh giỏi
Còn nguyên lành thân xác phàm phu
Bao giờ giải ngũ, bao giờ có phép
Lúc nào vào lính nhớ cho tao biết
Vợ con mày mấy đứa ra sao
Lũ tình nhân còn đầy nhân ngãi
Bạn bè đứa nào còn đứa nào đã khuất
Nơi tao ở rừng cao tiếp núi
Súng lăm le như cái chết dõi đêm chừng
Chợt sáng sớm biết mình sống sót…
 
Và bài thơ của Phạm Nhã Dự, “Buổi Chiều Ở Nghĩa Trang Cà Đú” khóc Tô Đình Sự:

Trở lại Phan Rang lần này nữa
Thăm mày không biết ngắn hay lâu
Thăm mày đù má mày đã chết
Hay chỉ thăm cỏ mọc xanh mầu ..
Chiều này sao gió nhiều mày nhỉ
Gió nổi trong tao đến lạnh mình
Đù má nhang mày sao chẳng cháy
Đốt mãi que diêm đến cạn cùng
Bên kia dãy núi trơ thân chó
Cỏ dưới dân tao lại sụt sùi
Mẹ kiếp vợ mày đang khóc mướt
Con mày, trời hỡi nó cười vui
Còn tao, tao chẳng cười chẳng khóc
Chẳng ngậm ngùi chi lũ kiếp người
Đù má, tao chửi thề đây Sự
Chửi suốt trăn năm, chửi hết đời
Bây giờ mày đã nằm yên phận
Còn vợ, bào thai ba đứa con
Đù má một đời làm thi sĩ
Chẳng đủ cho con lấy một đồng
Tụi mình dăm đứa đời lang bạt
Sống chẳng ra chi chẳng bận lòng..(…)
 
Tất cả các bài thơ được trích dẫn trong bài “Kỷ Niệm Mười Năm Của Báo Đi Tới” của tác giả NVL, trang 21, số 69-70, tháng 5-6.

Linh Phương trong bài Kỷ Vật Cho Em được Phạm Duy phổ nhạc đã kể trong bài thơ Hành Quân:
 
Dăm thằng đánh trận. Dăm thằng chết
Chỉ sống mình ta cứ sống nhăn
Đù má, nhiều khi buồn hết biết.
Lo mãi sau này cụt mất chân

Và bài thơ Đêm Giáng Sinh, khát vọng hòa bình trong một ngày ngưng bắn của Hồ Minh Dũng:

Dù chỉ một ngày ngưng bắn đó con
Cũng đem chiếc áo lành ra mặc
Cũng ăn một bữa cơm cho no
Cũng ngủ một giấc trên giường trên chiếu
Khổ đau lúc này mẹ gói trong mo

Và một bài thơ khác “Căn Bệnh Trong Thời Chiến Này”, Nguyễn Bắc Sơn nói về mẹ :

Mày gửi một chân ngoài trận mạc
Mang về cho mẹ một bàn chân
Mẹ già khóc đến mù hai mắt
Đời tàn theo lứa tuổi thanh xuân
 
Và Nguyễn Dương Quang trong bài Đêm Cuối Năm Viết Cho Má:

Hình như có súng con lạ lắm
Sao nó run lên khi đạn lên nòng
Tâm hồn nó như tâm hồn con vậy
Một kẻ nằm, kẻ đứng xót xa không?
 
Bùi Khiết trong bài Tiễn Đưa
 
Sân ga đầy người
Nhìn em không nói
Anh nắm tay em
Anh muốn hôn em
Một năm cách trở
Anh về núi rừng
Em qua xứ lạ
Lòng buồn rưng rưng
Sao em không nói
Sao em không hôn
Trời làm xa cách
Mây vương đầy hồn
 
Thơ Bùi Nghi Trang Từ Trong Rừng
 
Ta cám ơn những người yêu thương ta tha thiết
Lo cho mạng sống của ta
Tìm sổ số ta trên Thiên Đình
Xem từng vì sao xấu tốt
Lo cho gia đình ta không thua thiệt
Dạy cho vợ ta không mặc quần pát, không mặc mi-ni
Dạy cho con ta không để tóc dài không mang hoa hippi
Ta cám ơn cha mẹ, những thầy những cô muôn thuở
Ngày nào đó ta trả súng ta về
Ta sẽ xin lạy tạ
Lời cuối cùng ta cám ơn tất cả
Cám ơn cuộc đời
Mang hớn hở trên vai…
 
Tất cả những bài thơ trích dẫn ở trên từ thơ Linh Phương, tôi rút ra từ tuyển tập Thơ Miền Nam Trong Thời Chiến, sưu tập sáng tác của 263 nhà thơ miền Nam trong thời chiến do anh Trần Hoài Thư sưu tập.

Hầu hết những nhà thơ viết về chiến tranh ở trên đều không có dịp đăng thơ của mình, đều trở thành vô danh, không có tên, không có tuổi hoặc đã không còn ở chốn dương gian này như trường hợp Tô Đình Sự, hoặc sống cuộc đời phế vật ở quê nhà.

Xin cám ơn tấm lòng của nhà văn Trần Hoài Thư đã thu tập tất cả 265 nhà thơ với thơ văn của họ tản mác khắp nơi thành tuyển tập.

Nếu thơ hôm nay là thứ “văn chương dấn thân, nhập cuộc” thì bên cạnh đó cò một thứ văn chương trái chiều ở thành phố với những tình cảm đậm đặc, có những cảm giác, có ham muốn, có đòi hỏi, có da có thịt, có để vào, có khoái lạc.

Đó là thứ văn chương “nổi loạn” trước phi lý, trước chết chóc của chiến tranh, của thời thế qua văn phong của một số nhà văn nữ.

Tôi không thấy được những trình bày các xu hướng, các biểu hiện văn học trong những giai đoạn ấy trong bài viết của Du Tử Lê.

Ông vẫn viết như kẻ đứng ngoài cuộc, thản nhiên và vô tình, kênh khiệu, khệnh khạng.

Vì thế, đọc xong bài viết của ông Du Tử Lê, tôi có cảm tưởng ông có đôi chút tự mãn dư thừa rất đời thường ở trong giai đoạn ấy trong vai trò “đàn anh văn nghệ”, ở thành phố xa bom đạn và coi nhẹ đến dễ dãi đối với việc sáng tác thơ văn nói chung.

Ông thiếu một ý thức sáng tác trong văn học, ở một thời điểm nhất định. Viết để làm gì? Viết cho ai? Tại sao viết? Có thể không bào giờ trong suốt cuộc đời làm thơ tình ông chưa hề có dịp để tự hỏi mình.

Cái vision về sứ mạng văn chương không có, cái trách nhiệm đối với “mầm non” bằng lòng với mấy bài thơ tình thì coi như đã trọn vẹn cho một một sự nghiệp văn học.

Cái không lớn, không cao lên được, không có tầm mức vươn lên trong văn học của một số nhà văn, nhà thơ bằt đầu từ một quan điểm sáng tác thấp và sự tự mãn đã kéo thấp sinh hoạt văn học miền Nam xuống một bực.

Vì thế, những nhà văn nhà thơ ấy phần đông không đáp ứng được nhu cầu đòi hỏi của giới người đọc nên mới nảy sinh ra hiện tượng sách dịch ngoại quốc tràn lan ra tiếng Việt trong thời kỳ này.

Thật vậy, nay thì có đến 70% sách dịch ngoại quốc chiếm thị phần sách xuất bản trong nước thay thế chỗ sách văn học sáng tác.

Các nhà văn như Mai Thảo trở thành những người viết chuyện feuilleton kiếm sống qua ngày.

Hiện tượng sách dịch đủ loại tố cáo sự “nghèo nàn” “vẫn như thế” của một số nhà văn nhà thơ.

Phong cách làm văn học ấy cũng đẩy đưa tới hệ quả là thiếu những phê bình văn học nghiêm chỉnh trong văn học.

Sứ mệnh văn chương, nghệ thuật là hướng đi lên, một sự tư vượt trội ngay cả chính mình ở tầm cao đôi khi là một thải lọc cố ý (sélection intentionnelle) khắc nghiệt giúp cho văn học, nghệ thuật vươn lên từ nơi đối tác sáng tác và kẻ thưởng ngoạn.

Chúng ta thiếu cái hướng vươn lên cao theo chức năng đòi hỏi của tác phẩm nghệ thuật.

Cho nên sự “dễ dãi” trong văn học là điều tệ hại nhất. Chính vì thế, mặc dầu cuộc chiến tàn bạo đến như thế, chúng ta không có mấy tác phẩm về chiến tranh sánh tầm.

Một cách thức gây scandal không cần thiết
 
Nói cho công bằng, khi viết bài này, Du Tử Lê muốn cho mọi người thấy rằng thơ Nguyễn Tất Nhiên dưới mắt ông và Trần Phong Giao chỉ là “thơ học trò” nên Trần Phong Giao hồi đó nhất định không đăng trên báo Văn. Trần Phong Giao không nói nhận xét của ông cho độc giả mà cũng không nói trực tiếp với nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên. Sự nhận xét của Trần Phong Giao có thể là cảm quan đứng đắn, mặc dầu rough của một chủ bút chuyên nghiệp trước hằng trăm những bài thơ, đủ loại, đủ mức độ hay dở được gửi tới tòa soạn mỗi tháng, “Mày đừng đưa thơ thằng này cho tao nữa. Thơ của nó không thích hợp với báo Văn.”
 
Nhưng chuyện riêng mà nay trở thành chuyện công khai thì sẽ có người đọc bị sốc bởi vì không định vị câu nói giữa hai người bạn về một người thứ ba. Rõ ràng Trần Phong Giao không nói cho độc giả – những người bây giờ có thể yêu mến thơ Nguyễn Tất Nhiên. Nó chẳng khác gì một thứ tiết lộ cố ý như một thứ nghe lén bị công khai hóa.

Khi có sự công khai hóa thì câu chuyện trở thành những lời bàn tán dân gian mất tính nghiêm chỉnh cũng như tính chất văn học, đi ra khỏi cái context của câu chuyện giữa Trần Phong Giao và Du Tử Lê cách nay mấy chục năm.

Thơ Nguyễn Tất Nhiên có thể là thơ học trò. Nhưng dầu gì thì nay nhà thơ cũng có một tên tuổi.

Nhận xét như thế là đụng chạm tới một tên tuổi và nó trở thành một scandal bôi nhọ một nhà thơ. Độc giả, đám đông bám lấy câu nói đó như thể mới nói và phản ứng tức thời.

Tiếp đến sau đó Du Tử Lê năn nỉ với Phạm Duy cho phổ nhạc, nhờ đó Nguyễn Tất Nhiên trở thành “nổi tiếng”!

Bài viết có một đôi điều làm người đọc hiểu là ông coi thường thơ văn của Nguyễn Tất Nhiên.

Thế rồi có phản ứng.

Người phản ứng đầu tiên là Nguyễn Thị Minh Thủy, vợ cũ của Nguyễn Tất Nhiên, lên tiếng. Minh Thủy đọc bài này thấy Du Tử Lê viết sai, xúc phạm đến Nguyễn Tất Nhiên nên viết thư lên tiếng và cho rằng tên Nguyễn Tất Nhiên đã được chính thức trong tập thơ Thiên Tai của tác giả, in năm 1970..

Tôi không muốn đi vào các chi tiết và cũng chẳng muốn “sa lầy” vào những vòng tranh cãi sau đó, bởi vì những ý kiến đóng góp sau đó cũng rất xa với lãnh vực văn học.

Tôi chỉ muốn dùng câu chuyện Du Tử Lê–Nguyễn Tất Nhiên để mọi người cùng nhìn văn học trong một số thực tiễn Văn học qua một số nhà văn, nhà thơ Việt Nam để thấy được tính cách khắt khe, cay nghiệt và phũ phàng của Văn chương Nghệ thuật, đồng thời cho thấy thi ca đòi hỏi một tầm cao mà không dễ mấy ai đạt được!

Thi ca và nghệ thuật, một ranh giới khó vượt ♦

Du Tử Lê đã diễn tả trung thực sinh hoạt văn học là như thế. Nó không có cánh cửa mở rộng thênh thang cho bất cứ ai muốn vào. Nó phải qua nhiều của ải. Nhất là đối với những nhà văn, nhà thơ trẻ.

Cho dù bây giờ có một số người đọc yêu thích thơ Nguyễn Tất Nhiên thì không có nghĩa là thơ của Tất Nhiên được các chủ bút hân hoan đón nhận. Họ thích là quyền của họ. Nhưng đây là luật chơi phải chấp nhận.

Bởi vì ở phạm trù văn học, ranh giới thi ca được đặt ở một vị trí cao nhất trong nghệ thuật nói chung. Giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật, ranh giới có khi chỉ cách nhau một đường chỉ mỏng manh. Nhưng lại là đường chỉ của một chân trời, đi mãi đi hoài cũng không tới.

Thơ tình của Nguyên Sa là tuyệt. Người ta có thể bắt chước cũng từ đó, cũng vần điệu đó, cũng văn ảnh đó. Nó vẫn có chút gì đó không phải Nguyên Sa. Cái chút gì đó chính là nghệ thuật và phi nghệ thuật.

Thi ca bằng cách nào đó nó được coi là nghệ thuật của mọi nghệ thuật. Bởi vì thi ca là thứ ngôn ngử “đặc sủng” nhờ đó thi sĩ cảm nhận được với đất trời, cảm nhận được cái “thần khi” của con người và thiên nhiên, nhận ra những giao cản thiên nhiên – con người, nắm bắt được thời gian tính với cái hữu hạn, vô hạn, nắm bắt được những khoảnh khắc hiếm hoi đã đi qua trong đời người, nắm bắt được cái bao la vô cùng lớn và vô cùng nhỏ của vũ trụ quanh ta, nắm bắt được cái chiều sâu thẳm của bản ngã người, nắm bắt được cái phức hợp, cái cao cả cũng như cái thấp hèn của cuộc nhân sinh.

Nói cho cùng thi ca là một sáng tạo đòi hỏi cao. Không có chỗ cho thi ca tầm thường. Thi ca ấy đã được chứng tỏ trong tác phẩm vĩ đại như Đoạn Trường Tân Thanh và Chinh Phụ Ngâm và một số không nhỏ nơi một số nhà thơ.

Chẳng hạn, như vào một lúc nào đó, Nguyễn Tất Nhiên cũng cảm nhận được cái hữu hạn của cuộc đời, của con người qua những câu thơ sau đây:

Ngày sắp hết, năm sắp hết
Thời gian nào cho bốn mắt ta xanh?
Thời gian nào đưa ta về địa ngục?
(những kẻ yêu nhau chẳng có thiên đàng)
 
Trích thơ Nguyễn Tất Nhiên, Như Những Hoàng Hôn Bỏ Mặt Trời
 
Con người trong cõi nhân gian, trầm luân và chuyển kiếp luân hồi lúc ta là người lúc là bướm như trong thi ca của thi sĩ Bùi Giáng, “Trước Là Thi Sĩ Sau Là Đười Ươi.”
 
Và cũng một lẽ ấy, người ta bắt gặp trong thi ca thi ca Holderlin bắt chợt được ánh sáng hiện ra giữa những con đường u uẩn, tối tăm của cuộc đời bạc mệnh.

Thơ trở thành sức sống, là cuộc đời tác giả.

“Je laisse mes regards souvent monter jusqu’à l’Ether et plonger jusqu’au fond de la mer sacrée”.

Trích 1ère Part. ier tiv tet. Hypérion à Bellarmin.

Lạc lõng trong khoảng trời xanh bao la, tôi thường phóng xa tầm mắt lên tới “Thanh Khí” và xuống sâu tận đáy biển thẳm.

Sự đòi hỏi của thi ca là cao lắm, đến tuyệt đối, thứ ngôn ngữ “vô ngôn” ngôn ngữ không lời, uyên nguyên tinh ròng, thứ ngôn ngữ như thể lần đầu được nói tới, thứ ngôn ngữ sáng tạo, tại ý.

Sự đòi hỏi của thi ca càng cao thì giá trị nhà thơ càng cao.
 
Đôi lời
 
Nếu hiểu sứ mệnh thi ca như thế, con đường của những nhà thơ như Nguyễn Tất Nhiên đi chưa tới và làm thế nào để có thể có chỗ đứng dễ dàng trong văn học khi có tập thơ đầu tay? Thiên tài là không có. Chỗ đứng trong văn học chắc cũng không. Chỉ còn lại đôi chút quý mến của một số người đọc, bạn bè cũng là quý lắm rồi.

Ông không phải là người đầu tiên làm thơ cũng không phải người cuối cùng. Hàng ngàn nhà thơ đã làm hàng vạn bài thơ nay phỏng được bao nhiêu người? Nguyên Sa có môt tập thơ Những Năm Sáu Mươi, do nhà Trình Bày xuất bản. Trong phần bài tựa ông viết, “Nhà nước là một nhân vật buồn cười…” hay câu “chính trị là một động vật được đào luyện như thế…” khi bài thơ “Điệu Buồn Cho Charlie” của ông bị Bộ Thông Tin kiểm duyệt, không cho in. Nay mấy người còn biết đến những câu thơ của một “Nguyên Sa khác”.
 
Em Nhìn Coi
 
Mùa xuân đã trôi qua
Mùa hạ đã trôi qua
Mùa thu đã trôi qua
Bây giờ là mùa đông
Mùa đông ở trên vai
Mùa đông trên thành phố
Lá chết ở trên cành
Cành chết ở trên cây
Cây chết ở trên đường
Thành phố
Phải thành phố đó
Tàhnh phố chiến xa và đại bác
Thành phố trống vắng.
 
Hay bài Cắt Tóc Ăn Tết
 
Cắt cho ta, hãy cắt cho ta
Cắt cho ta sợi dài
Cắt cho ta sợi ngắn
Cắt cái sợi ăn gian
Cắt cái sợi nói dối
Sợi ăn cắp trên đầu
Sợi vu oan dưới gáy
Sợi bè phái đâm ngang
Sợi ghen tuông đứng dọc
Sợi xích chiến xa, sợi dây thòng lọng
Sợi hưu chiến mỏng manh, sợi hận thù buộc chặt
Sợi nấp trong hầm
Sợi ngồi trong hố
Sợi đau xót như giây dù chẳng mở
Sợi treo cổ tình yêu, sợi trói tay hy vọng
Cắt cho ta, (…)
Hãy cắt tóc
Hẵy cắt tóc và nhìn
Mặt quê hương đổi mới.
 
Trích thơ Những Năm Sáu Mươi, Nguyên Sa, Trình Bày. Sách gồm 63 bài thơ, bị kiểm duyệt nên chỉ có bản photocopy.

Hơn 30 chục năm ở Hải ngoại, nắm trong lòng bàn tay được bao nhiêu nhà thơ nổi tiếng? Tôi chỉ cầu được vài người cũng là quý rồi.

Vai trò các “thẩm phán quan văn nghệ” trong các báo Văn Học
 
Phải nói thẳng là những tờ báo có uy tín như Sáng Tạo khó có người “lạ” lọt vô được tờ báo để đăng thơ đăng bài.Trước sau Sáng Tạo gồm có Mai Thảo, Thanh Tâm Tuyền, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Sỹ Tế, Thái Tuấn, Tạ Ty, Cung Trầm Tưởng, Tô Thùy Yên, Quách Thoại, Nguyễn Văn Trung, Hoàng Thái Linh, Trần Thanh Hiệp. Sau này có thêm Thảo Trưởng. Chỗ nào cho những nhà thơ khác có thể có mặt trên Sáng Tạo khi Sáng Tạo đã có thứ “Thơ Tự Do”, “Thơ Hôm nay” của Thanh Tâm Tuyền, Quách Thoại?

Phải khiêm tốn mà nhìn nhận như vậy.

Tờ Hiện Đại cũng vậy, ngoài những khuôn mặt quen thuộc như Mặc Đỗ, Mặc Thu, Đình Hùng, Hoàng Anh Tuấn, Doãn Quốc Sỹ, Tạ Tỵ, Thanh Nam, Lưu Trung Khảo, Trịnh Viết Thành, Hoàng Anh Tuấn, Thái Thủy, Nguyễn Duy Diễn, Tô Kiều Ngân, Đinh Hùng, Hoàng Hải Thủy. Họ đều là bạn bè “lâu đời” của Nguyên Sa mà phần đông là các nhà giáo hơặc bạn bè thời du học bên Tây.

Họa hiếm có hai người lọt được vào tờ Hiện Đại là nhà thơ Sao Trân Rừng và Trần Thy Nhã Ca.

Tờ Trình Bày, Đất Nước ở một dạng khác, ít chú trọng tới thơ văn sáng tác. Nhưng chú trọng tới khuynh hướng chính trị với phần lớn những nhà văn trí thức trẻ cùng chí hướng như Ngụy Ngữ, Nguyễn Quốc Thái, Tôn Thất Lập, Trần Tuấn Nhậm, Nguyễn Ước, Võ Hồng Ngự, Nguyễn Khắc Ngữ, Nguyễn Đa, Nguyễn Đồng, Thái Ngọc San, Hoàng Ngọc Nguyên, Huỳnh Ngọc Sơn, Trần Hoài Thư, Trần Đông Phương, Chu Vương Miện, Mường Mán, Thế Vũ, Cao Thanh Tùng, Nguyễn Sa Mạc, Nguyễn Đăng Thường.

Chỗ của thi ca thật là hiếm hoi. Và nếu có thơ thì đó là thứ thơ đầy lửa đấu tranh hoặc khát vọng hòa bình.

Tờ Bách Khoa thì tiếp đón rộng rãi hơn đủ loại nhà văn: già trẻ có, khuynh hướng chính trị từ tả sang hữu, sử gia có. Các bài về triết học có, ngôn ngữ học có, kinh tế, chính trị có. Có thể nói đến một nừa số nhà văn ở miền Nam cộng tác với Bách Khoa. Rất nhiều nhà văn ở thế hệ thứ hai xuất thân từ Bách Khoa.

Xin xem thêm đầy đủ hai bài viết của người viết bài này: Những Người Cộng Tác Với Bách Khoa và bài Từ Huỳnh Văn Lang Đến Lê Ngộ Châu.

Một nhà văn có mặt ở các báo chí trên kể như có chỗ đứng trên văn đàn văn học.

Vì thế, phần lớn các nhà thơ trẻ chưa nổi danh chỉ có một lối thoát là tự in, tự ấn hành, tự trao đổi với nhau, tự nhìn nhận nhau.

Hiếm hoi mới có nhà thơ, nhà văn được nhìn nhận, nghĩa là có tên chính thức trên các báo văn học.

Sự chọn lọc các nhà thơ, nhà văn trẻ do một số nhà văn lão thành ở thời điểm từ 1954-1975 như sau:

Tờ Bách Khoa có Võ Phiến, Nguyễn Ngu Ý, Nguyễn Hiến Lê và nhất là Lê Ngộ Châu.

Tờ Sáng Tạo có Mai Thảo và sau này ở tờ Văn.

Tờ Văn do Trần Phong Giao.

Tờ Hiện Đại do Nguyên Sa Trần Bích Lan.

Tờ báo Sống do Chu Tử.

Tờ Trình Bày, Đất Nước do Thế Nguyên, Nguyễn Văn Trung.

Thử hỏi một số nhà văn ở thế hệ thứ hai làm thế nào để có chỗ trên chiếu Văn Học? Nhã Ca, Trần Dạ từ, Nguyễn Mộng Giác, Túy Hồng có mặt vào lúc nảo, ở đâu?

Những “cây cổ thụ” trong Văn Học, những chủ bút, nhà báo, những nhân sĩ trí thức ấy uy tín của họ lớn lắm, ảnh hưởng tơi sinh hoạt văn học toàn miền Nam.

Sự nổi tiếng của nhà thơ Nguyễn Tất Nhiên ở tuổi 18, hai mươi cho dù có văn tài thực sự đi nữa cũng là điều hiếm hoi có một không hai nếu không nhờ vào tính “xông xáo” thi sĩ và sự giơ tay ra của Du Tử Lê.

Và cho dù thơ của thi sĩ đã được Phạm Duy phổ nhạc, thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cũng không thể len lỏi vào các tờ báo Văn học ở miền Nam lúc bấy giờ.

Vì thế, sự phê phán về thơ Nguyễn Tất Nhiên, xin đặt vào bối cảnh 1970 để có thể hiểu được những phát biểu của Trần Phong Giao nay đã không còn nữa. Đúng sai chỉ có Du Tử Lê và Trần Phong Giao biết, nay một người sống, một người đã chết.

Ngoài ra, đừng quên rằng, với luật đào thải, có vô số các nhà văn nhà thơ dù đã có tiếng tăm một thời vẫn có thể bị rơi vào quên lãng, hoặc xuất hiện họa hiếm, hoặc loại hẳn ra bên lề sinh hoạt văn học một cách này cách khác một cách không thương tiếc.

Vì thế, thơ của Nguyễn Tất Nhiên chắc hẳn không phải là thứ thơ có thể đi vào bất tử. Những người còn lại hôm nay, bạn bè quen biết cứ dành những tình cảm tốt đẹp cho thơ ông đi, nhưng rồi ra sau đó thời gian sẽ xóa nhòa tất cả.

Tiêu biểu nhất là nhà văn Nhất Linh, nổi tiếng của cả một thời. Các nhà văn khác, các độc giả vẫn quý mến, trân trọng, nhưng số người không đọc ông càng ngày càng nhiều.

Cũng đừng quên còn vô số nhà văn khác cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Chẳng hạn Tchya Đái Đức Tuấn, tự Mai Nguyệt, viết phiếm cho Chính Luận một thời. Cụ Á Nam Trần Tuấn Khải, Phú Đức, Vi Huyễn Đắc, Đông Xuyên, Hoàng Khanh, Thạch Hà, Thế Viên, Hợp Phố [theo cộng sản], Thẩm Thệ Hà, Đông Hồ, Tam Lang, Quách Tấn, Thiên Giang, Vũ Bằng, Phạm Văn Hạnh, Vân Trang, Nguyễn Đức Quỳnh, Lê Văn Siêu, Bàng Bá Lân, Mộng Tuyêt, Phạm Cao Củng, kiêm Minh và nhất là Lê Văn Trương.

Lê Văn Trương, Tác giả của 255 cuốn chuyện dài. Và vào cái thời 1935-1940, thiên hạ “mê Lê Văn Trương như điếu đổ”.

Thế giá văn học “NGƯỜI HÙNG” như Lê Văn Trương đến một lúc nào đó vẫn có thể bị đào thải và xin đọc đôi dòng trích dẫn sau đây để thương cho số kiếp nhà văn.

“Vậy mà lúc chết không có đồng xu dính túi. Chết nằm nhà thương Chợ Rẫy, tiền giường 160 đồng/ngày. Trước khi vào nhà thương bán nhà lấy tiền đặt cọc 10 ngàn đồng mới khỏi phải phải nằm giường thí. Hội Văn bút với Thanh Lãng, Nguyễn Văn Trung, Vi Huyễn Đắc phải quyên tiền giúp anh mỗi người một tay. Trần Tuấn Kiệt thay mặt chủ báo Nguyễn Vỹ giúp 500 đồng. Thi sĩ Nguyễn Hữu Túy giúp 300 đồng, Nguyễn Đắc Lộc 700 đồng. Lúc chết nợ hàng xóm 5000 đồng mà không ai nỡ đòi”.

Tóm tắt bài “Vài Kỷ Niệm Về Lê Văn Trương” của Nguyễn Ngu Ý, đăng trên Bách Khoa, CLXXIV, ngày 27 tháng 2, 1964.

Viết phần này để thấy số phận cay nghiệt dành cho các nhà văn như thế nào và đừng quá chủ quan trong đánh giá nhà thơ này, nhà thơ kia.

Người đọc nên hiểu sinh hoạt văn học với luật đào thải tự nhiên để thấy rằng may lắm thì một nhà văn, nhà thơ có một thời. Họ có tiếng tăm một thời. Nay không còn là những nhà văn tiêu biểu nữa. Ai có thể so sánh được với Nhất Linh, với Mai Thảo?

Số phận dành cho thi sĩ Nguyễn Tất Nhiên cũng là số phận dành cho nhiều nhà thơ nổi tiếng khác
 
Hình như bệnh tật đi đôi với tài năng, ngay cả trường hợp đối với những người mất trí. Theo những thí nghiệm bệnh lý học, người bệnh trí nhìn vũ trụ như tan vỡ và bị tán vụn. Chính vì thân thể của họ không còn là một thân thể tri giác bình thường.

Nghĩa là có một vũ trụ của tri giác bình thường. Nhưng cũng có một vũ trụ dành cho người mất trí với nhãn quan khác thường.

Chẳng hạn Holderlin điên loạn ròng rã 40 năm và ông đã để lại hơn 200 bài thơ và nhiều bài ca.

Chúng ta thử xem Holderline đã cảm nghiệm, cảm xúc thế nào về vũ trụ trước mắt ông? Dĩ nhiên, cảm xúc này không thể giống cảm xúc của người có tâm trí bình thường. Trong bức thư gửi cho Neuffer, người bạn của ông [12.11.1798], Holderlin đã phác họa một trong những giờ phút đặc biệt cảm hứng thơ của ông bằng những dòng sau đây:

“Cái gì là hồn sống trong thơ chính là mối băn khoăn lớn của tâm hồn và tinh thần của tôi lúc này. Tôi cảm thấy một cách sâu xa rằng: tôi còn rất xa với lý tưởng cao cả đó. Nhưng cả con người tôi phấn đấu để đạt tới đích đó. Nhiều khi tôi cảm xúc, xáo động đến nỗi phải khóc như một đứa trẻ nhỏ. Than ôi, Từ khi còn xuân xanh, tôi đã cảm thấy vũ trũ, như đe dọa tâm thần tôi và khép kín trước mắt tôi. “.

Trích Thiên nhiên trong thi ca Holderlin của Hoàng Châu Thanh, Thế Kỷ 20, số 1, từ trang 54-đến 61

Đặc biệt các nhà thơ tài danh thường mang bệnh hoạn và mệnh yểu. Phải chăng chính cái không bình thường ấy tạo nên danh phận nhà thơ?

‒ Nguyễn Nhược Pháp,1914-1938, con của văn hào Nguyễn Văn Vĩnh. Nguyễn Nhược Pháp qua đời vì bệnh thương hàn ngày 19-11-1938, để lại cho đời dăm bài thơ và chết yểu. Như bài Tay ngà, Chùa Hương trong tập Ngày xưa. Tân Fong Hiệp trong một bài viết đăng trên Bách Khoa gọi ông là nhà thơ dề thương. Mà ông dễ thương thật như bài Chùa Hương.

‒ Quách Thoại. Người viết xin trích dẫn là bài viết của Lý Hoàng Phong, anh ruột của Quách Thoại mà may mắn người viết còn sưu tập được. Bài viết cũng được đăng trên Thế kỷ 20 của Nguyễn Khắc Hoạch. Người viết muốn giới thiệu đặc biệt về nhà thơ này mà phần đông bạn đọc bây giờ đã không được biết đến tên tuổi. Quách Thoại sống giữa thời loạn ở thành phố Huế nghẹt thở, tù hãm giữa những chém giết, hãm hiếp, ám sát, tù đầy. Cuộc đời ông bỗng nhiên biến thành những ngõ hẻm bế tắc mà mỗi người phải lựa chọn lấy một nhãn hiệu khoác vào mình : Quốcg gia, cộng sản, thành phần thứ ba. Lớn lên Thoại sa lầy vào con đường mất lý tưởng, mất phương hướng vì tự thấy có lựa chọn nạo rồi đi vào con đường trụy lạc nơi những tiệm hút. Thoại bỏ Huế vài Sài Gòn và như một phép lạ, Thoại tìm thấy được cuộc đời, sự thật, niềm tin tưởng, ước mơ và hoài bão.

Đó là con đường của nghệ thuật, của thi ca. Quách Thoại viết cho người Việt. Tờ này chết, Thoại viết tiếp, đăng thơ trên Sáng Tạo. Danh của Thoại được nhiều người biết đến từ đây. Nhưng rồi sức lực mỗi ngày một suy tàn do nghiện ngập tàn phá. Thọai biết mình không sống lâu được nữa. Quẫn trí và tuyệt vọng.

Xin ghi lại vài dòng thơ của Quách Thoại mở đầu cho dòng thơ được gọi là thơ Tự Do cùng với Thanh Tâm Tuyền trên tờ Sáng Tạo.

Ôi! Những tâm hồn nghệ sĩ
Chúng ta không quỳ lâu được ở ghế nhà thờ
Chúng ta yêu cực điểm một người đàn bà
Nhưng vẫn muốn chết
Sau khi làm xong một bài thơ
Chúng ta là những kẻ hoàn toàn bơ vơ
Không chịu thở theo nhịp đều hơi thở… (…)
Những kẻ bộ hành đứng dưới một mái hiên ga
Để thấy tầu đi rồi khóc
Và lại nghĩ rằng
Mình cũng đã từng đi.

Thoại cũng đã từng đi. Và bây giờ, đã sắp đến đoạn đường cùng, sắp đến giờ từ giã cuộc đời mà nó từng yêu, từng say mê, từng chiến đấu. Nước mắt lại tuôn ra ườt đẫm trên má nó. Nó thổn thức khóc.

Vài tuần sau, Thoại hấp hối trong bệnh viện nơi một căn phòng bố thí. Thoại nằm xuống lòng đất trong một bộ áo tu trắng với nơi cổ tay một tượng ảnh Đức Mẹ. Những giờ vất vả với cái chết trên giường bệnh, Thoại van xin ”Lạy Thượng Đế ban ơn”. Cho đến phút chót. Thoại vẫn kêu gào muốn sống.
 
Thoại mất ngày 7-11-1957. Người viết bài này nhớ lại còn ngỡ ngàng khi nghe tin ông mất và vẫn tự hỏi tại sao ông lại chết sớm như thế?

Đến bây giờ người viết vẫn tự hỏi, ông là cây bút chủ lực về thơ Tự Do của Sáng Tạo mà sao lúc chết cô đơn một mình, phải nằm giường thí. Chỉ có hai người bên cạnh ông lúc chết là một người bạn thân và người anh ruột là Lý Hoàng Phong. Những Mai Thảo, Doãn Quốc Sĩ, Trần Thanh Hiệp đâu rồi? Vậy mà sau khi Quách Thoại chết, đã có biết bao nhiêu bài viết ca tụng Quách Thoại? Lúc sống bị bỏ rơi, lúc chết thì không thiếu lời ca tụng. Điều đó phải chăng cũng đúng trong trường hợp Nguyễn Tất Nhiên vào 2,3 năm cuối đời. Ông sống lang bang, lạc loài không nơi nương tựa, sự bỏ rơi của bạn bè, của gia đình. Phải chăng cuối cùng thì ông đã chọn sân chùa như một chỗ nương nhờ đi về thế giới bên kia?

Cái thương, cái nhớ của người đời nhiều khi cũng khó nói lắm.

Những gì Du Tử Lê nói về cá tính con người Nguyễn Tất Nhiên có thể là đúng như vậy. Cái bất thường trong cá tính con người Nguyễn Tất Nhiên phải chăng đã ảnh hưởng thơ văn của ông? Và cuốii cùng là bi kịch của một cái chết tự ý . Hệ lụy cuộc đời làm nên hệ lụy văn chương bằng một cái giá trả khá đắt.

Thi ca giao hòa với âm nhạc
 
Thi ca và âm nhạc như có đồng điệu. Cung Trầm Tưởng trong thời gian ở Pháp có làm rất nhiều thơ tình. Nhưng có hai bài thơ rất lãng mạn nổi tiếng một thời là bài Mùa thu Paris và bài Chưa bao giờ buốn thế.

Theo Cung Trầm Tưởng, khi trả lời Mặc Lâm, RFA ngày 06/01/2010 thì:

Ngôn ngữ bài thơ thật ra không phải mới lạ, phá cách để nổi tiếng. Chúng ta đọc thử:

Mùa Thu Paris
 
Mùa thu Paris
Trời buốt ra đi
Hẹn em quán nhỏ
Rưng rưng rượu đỏ tràn ly
Mùa thu đêm mưa
Phố cũ hè xưa
Công trường lá đổ
Ngóng em kiên khổ phút, giờ
Mùa thu âm thầm
Bên vườn Lục-Xâm
Ngồi quen ghế đá
Không em buốt giá từ tâm
Mùa thu nơi đâu?
Người em mắt nâu
Tóc vàng sợi nhỏ
Mong em chín đỏ trái sầu
Mùa thu Paris
Tràn dâng đôi mi
Người em gác trọ
Sang anh, gót nhỏ thầm thì
Mùa thu không lời
Son nhạt đôi môi
Em buồn trở lại
Hờn quên, hối cải cuộc đời
Mùa thu! mùa thu
Mây trời âm u
Yêu người độ lượng
Trông em tâm tưởng, giam tù
Mùa thu!… Trời ơi! Tình thu!
 
Bạn đọc bài thơ và giả dụ bài thơ này không được Phạm Duy phổ nhạc thì số phận nó sẽ ra sao ?

Để trả lời câu hỏi này, tôi trích dẫn một đoạn thơ khác của Cung Trầm Tưởng để bạn đọc có nhớ được bài thơ này hay không?

Huệ trắng tinh nguyên sau một đêm
Huệ trong thư các, huệ ngoài thềm
Sớm nay chủ nhật thơm thương quá
Chỉ có Sài Gòn trong dáng em
 
Và một đoạn thơ khác trong bài “Nụ Hôn Khốc Liệt”
 
Cõi sầu ta tinh khiết
Thép quắc vầng trán cao
Phong sương dệt chiến bào
Với máu se làm chỉ
 
Một trường hợp khác, nhà thơ Phạm Thiên Thư
 
Phạm Thiên Thư, tức tu sĩ Tuệ Không (đã hoàn tục – DCVOnline), tên thật Phạm Kim Long, sinh tại Thái Bình, tốt nghiệp Đại Học Vạn Hạnh, ngành Phật Học và Triết học Đông Phương năm 1970, viết cho Bách Khoa, Quần Chúng, Vấn Đề, Quật Khởi, Hóa Đạo, Khởi Hành, Tư Tưởng. Ông cho biết vào năm 1970. có viết năm bản thảo thi hóa kinh Phật và được đăng trên tuần báo Đời, trong đó có hai tập là Kinh Ngọc, tức Kinh Kim Cương và Khinh Thơ, tức Pháp cú kinh giao cho Nguyễn Đức Quỳnh. Nguyễn Đức Quỳnh lúc bấy giờ bị ung thư dạ dày đang nằm bệnh viện, Phạm Thiên Thư vào thăm nên đồng thời gặp Phạm Duy ở đó.

Nguyễn Đức Quỳnh thích bài thơ Pháp thân, rồi nhân tiện đưa cho Phạm Duy, thế rồi Phạm Duy phổ nhạc để trở thành bài Đạo Ca 1 kể từ từ đó. Sau đó tiếp theo là 9 bài đạo ca khác ra đời. Chúng ta hãy nghe lời phát biểu của Phạm Thiên Thư về Phạm Duy:

“Nhưng tôi phải nhận ở con người Phạm Duy là đa diện. Anh Phạm Duy còn là một nhà thơ có trực cảm bén nhạy và nhiều ngôn ngữ rất đẹp. Dù nhiều đoạn anh phải lược, đôi câu anh phải thêm cho hợp với kỹ thuật hòa âm, và một vài chữ cũng phải thay thế mà ý nghĩa vẫn không bị thiếu, và chẳng khác gì nguyên tác. Tóm lại, qua 10 bài Đạo ca, tôi vì “Tứ mà phải hạn “Từ”, anh Phạm Duy vì “âm “mà phải bớt “tứ”.

Đó là cả một nỗ lực để hòa hợp tương xứng giữa lý tưởng – từ hoa – và âm điệu.

Anh Duy cho biết cảm tưởng của anh khi mỗi khuya nằm nghe Đạo ca – dường như một người khác Phạm Duy làm – Tôi cũng có trực giác như vậy về mình”.

Trích tóm tắt bài phỏng vấn Phạm Thiên Thư về Đạo ca và Kinh Ngọc, từ loạt bài phỏng vấn giới nhạc sĩ của Nguyễn Ngu-Í đăng trên Bách Khoa CXXIV.
 
Nhà thơ Phạm Thiên Thư còn tiết lộ cho biết chỉ nội bộ Pháp Cú Kinh gồm 423 câu, tác giả đã thi hóa thành ra 423 bài thơ ngũ ngôn. Nghĩa là có hàng ngàn câu thơ như thế đã được thi hóa. Ai trong chúng ta có thể nhớ một câu thơ nào trong hàng ngàn câu thơ ấy ngoài những câu thơ đã được phổ nhạc trong 10 bài Đạo ca của Phạm Duy?

Trong Hồi ký Phạm Duy, ông đã viết như sau về trường hợp bài Ngày Xưa Hoàng Thị:

Tôi và Phạm Thiên Thư yêu mến nhau từ đó. Sau đó chúng tôi gặp nhau hầu như hằng ngày. Đọc được bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị mà anh bạn trao cho tôi, tôi như bắt được viên ngọc quý và xin phổ nhạc ngay:

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Anh theo Ngọ về
Giót giày lặng lẽ đường quê…
 
Từ đó, tôi luôn luôn tìm đọc thơ của Pham Thiên Thư như tập thơ Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng hay bài thơ Gọi Em Là Đóa Hoa Sầu để phổ thành những bài hát thanh cao nhất của thời đại… (…) Bài Đưa Em Tìm Động Hoa Vàng được rút ra từ mấy trăm câu thơ của thi sĩ, và ta chỉ cần có hai đoạn ca là nói lên hết được cái cảnh ngày xưa, có kẻ từ quan, lên non tìm động hoa vàng.”

Trích tóm lược Hồi Ký Phạm Duy, tập 3, chương 21, trang 1-5.

Thật không ở đâu Thi ca và âm nhạc lại cuốn lấy nhau như thế. Họ gặp nhau trong nghệ thuật và nhờ thê đưa thi ca và nhạc cất cánh bay lên.

Trong bài viết Phạm Duy đã chết hay còn sống? Tôi có dành gần một trang để chê trách Phạm Duy đã lấy thơ của Nguyễn Tất Nhiên mà không có một lời.
Nhân cách Phạm Duy thật đáng để phê phán.

Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng Phạm Duy là tay “phù thủy” về âm nhạc. Ông đã đưa thi ca và âm nhạc lên một tầng cao, hòa điệu với nhau tạo nên những tình khúc bất diệt. Ông đã phổ nhạc khoảng 1000 bài thơ của các thi sĩ và trong nhiều bài, nhất là những bài thơ tình của Alice (con gái của một người tình cũ của Phạm Duy hồi năm 1944 tên Hélène ‒ DCVOnline, Nguồn: Wikipadia.org) nay trở thành những bài tình ca bất hủ.

Riêng trường hợp Nguyễn Tất Nhiên, nếu không có bàn tay phù thủy của Phạm Duy, những bài thơ tình của Nguyễn Tất Nhiên có thể có một số phận không may mắn như hiện nay.

Phải cám ơn đời, cám ơn những người nghệ sĩ đã cho ta những giây phút tuyệt với và quên đi những nhỏ nhen ti tiện và những tranh thua ngoài phạm vi nghệ thuật.

Nguyễn Văn Lục
Nguồn : Đàn Chim Việt

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com