User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

GSNVT

Tiểu sử:

• Cử Nhân Giáo Khoa Toán. Cao Học Toán

• Nguyên Quyền Giám Đốc Học Vụ Ban Khoa Học Trường ĐH Sư Phạm Huế

• Nguyên Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và BDGD

• Nguyên Tổng Trưởng Giáo Dục, Nội Các Trần Văn Hương

• Nguyên Ủy Viên Giáo Dục, Nội Các Nguyễn Cao Kỳ

• Nguyên Giảng Sư Trường ĐH Sư Phạm Huế và Sài-Gòn

• Nguyên Giảng Viên các Trường ĐH Đà Lạt, Vạn Hạnh

Giáo Sư Nguyễn Văn Trường sinh năm 1930 tại Vĩnh Long, đã từng theo học các trường trung học Phan Thanh Giản, Cần Thơ, và Collège Le Myre de Vilers, Mỹ Tho, trước khi sang Pháp học tiếp ở Toulouse.

Ở Pháp về Giáo Sư Trường dạy ở Đại Học Huế. Năm 1963, sau khi Ngô Đình Diệm bị lật đổ, Giáo Sư Nguyễn Văn Trường được bổ nhiệm làm Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và Bình Dân Giáo Dục thay thế ông Trần Bá Chức được lên làm Đổng Lý Văn Phòng cho Bộ Trưởng Bộ Giáo Dục lúc bấy giờ là Giáo Sư Phạm Hoàng Hộ.

Giáo Sư Nguyễn Văn Trường là ông Tổng Giám Đốc Trung Tiểu Học và BDGD trẻ nhất từ trước đến giờ. Ông là một trong những người thuộc lớp trẻ đi vào hàng ngũ lãnh đạo giáo dục. Từ lúc này trở đi sự lãnh đạo trong lãnh vực giáo dục ở Nam Việt Nam đã được chuyền sang tay của nhiều người trong giới trẻ. Ít lâu sau khi cụ Trần Văn Hương làm Thủ Tướng lần đầu, Giáo Sư Trường được mời làm Tổng Trưởng bộ Giáo Dục. Năm 1966 thời của Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương, Giáo Sư Trường lại được mời ra làm Tổng Trưởng Giáo Dục lần thứ hai. Thuộc nhóm người trẻ, có đầu óc cởi mở, tiến bộ, Giáo Sư Nguyễn Văn Trường rất thiết tha, rất tích cực với nền giáo dục nước nhà. Rất tiếc là ông phải nắm giữ vai trò lãnh đạo giáo dục ở thời hỗn loạn, lại chỉ ở địa vị Tổng Trưởng một thời gian ngắn thành ra những ý tưởng cải cách cũng như những dự án phát triển lớn lao của ông chưa có cơ hội thực hiện được.

Dù vậy những biện pháp của ông đưa ra để đối phó với tình thế rối ren, chấn chỉnh học đường, đem lại trật tự kỷ cương cho ngành giáo dục trong thời hỗn loạn này cũng rất đáng được nói đến. Chúng ta còn nhớ là sau khi ông Diệm bị đảo chánh các trường Trung Học ở Sài Gòn và một số các tỉnh lỵ lớn khác phải trải qua một thời kỳ hết sức tối tăm. Một số học sinh do sự xúi giục của những nhóm đầu cơ chính trị đã nổi lên đả đảo Hiệu Trưởng và Ban Giám Đốc các trường đưa đến tình trạng hỗn loạn, vô kỷ luật, vô trật tự, khiến cho việc dạy dỗ của Giáo Sư và việc học hành của học sinh bị trở ngại rất nhiều. Trước tình trạng hỗn loạn đó ông Tổng Giám Đốc Nguyễn Văn Trường cương quyết dùng biện pháp mạnh đem lại kỷ luật và trật tự cho học đường với bất cứ giá nào. Theo lệnh mới của ông Tổng Giám Đốc thì khi học sinh bất tuân kỷ luật thì Hiệu Trưởng báo cáo thẳng về ông Tổng Giám Đốc để ông ký giấy đuổi học. Ông muốn chính ông lãnh trách nhiệm đuổi học sinh như vậy để tránh áp lực địa phương, tránh sự trả thù hay làm khó dễ Ban Giám Đốc nhà trường.

Nhờ biện pháp cứng rắn đó mà kỷ luật, trật tự ở học đường được hồi phục nhanh chóng. Nhưng ông cũng đã rất đau lòng khi phải ký giấy đuổi một học sinh con của một cô giáo cũ của ông ở Vĩnh Long. Pháp bất vị thân, ông đã làm hết bổn phận của mình đối với chính sách giáo dục do chính mình đề xướng. Khi cụ Trần Văn Hương ra làm Thủ Tướng Chính Phủ lần thứ nhất cụ đã mời Giáo Sư Nguyễn Văn Trường làm Tổng Trưởng Giáo Dục. Thời này cũng là thời hỗn loạn ở ngoài xã hội cũng như trong học đường. Một số đảng phái đầu cơ chính trị xúi giục học sinh biểu tình, chống dối chính phủ, tạo cảnh bất ổn trong một số các trường Trung Học lớn ở Đô Thành như Petrus Ký, Gia Long v v... khiến cho an ninh trật tự bị xáo trộn, chẳng còn dạy dỗ học hành gì được cả. Một lần nữa Giáo Sư Nguyễn Văn Trường phải dùng biện pháp cứng rắn đối phó với tình thế.

Thông Cáo Số Một ra đời. Đây là lần đầu tiên Bộ Giáo Dục có thông cáo đặc biệt như vậy. Thông cáo này đặt chính trị ra ngoài học đường, nghĩa là không có chính trị ở trong hay chen vào học đường. Các đảng phái chính trị phải trả kỷ luật và trật tự lại cho trường học để cho việc học hỏi dạy dỗ được thực hiện tốt đẹp. Chính sách đặt chính trị ra ngoài học đường là một chính sách đúng về phương diện giáo dục, đúng với tinh thần nhân bản là một trong ba phương châm giáo dục của Việt Nam Cộng Hòa đã được đề xướng trước đây trong Hội Nghị Giáo Dục toàn quốc và được Quốc Hội chấp thuận ban hành. Theo đúng tinh thần này không ai có quyền, dù với bất cứ danh nghĩa tôn giáo hay đảng phái nào, xúi giục học sinh Trung Học chưa đủ tuổi trưởng thành, lợi dụng sự hăng say bồng bột của tuổi trẻ, đẩy họ vào những công cuộc chống đối, đấu tranh cốt để phục vụ cho quyền lợi riêng tư của phe nhóm mình. Dùng tuổi trẻ vị thành niên, dùng học đường (trường Trung Học) làm phương tiện phục vụ cho chính trị là một hành động trái với tinh thần nhân bản, tinh thần tôn trọng giá trị của con người, xem con người là một cứu cánh chớ không phải là một phương tiện.

Công lớn nhất của Giáo Sư Trường là đem lại cho dân Hậu Giang trường Đại Học Cần Thơ. Công lớn này thật khó quên đối với người dân Miền Tây Nam Phần. Tuy nhiên Giáo Sư Trường là người rất khiêm nhường, ông không muốn nhận công lao đó là của ông, ông thường nói là ông chẳng có công gì cả, kết quả tốt đẹp đó có được là nhờ sự tranh đấu mạnh mẽ của nhiều anh em trẻ như Lê Thanh Liêm, Lâm Phi Điểu, Nguyễn Trung Quân, Trần Ngọc Thái, Phan Công Minh, Đào Khánh Thọ v v... và nhất là Kỹ Sư Võ Long Triều. Kỹ Sư Võ Long Triều là người Bình Đại, Kiến Hòa. Ông có học Le Myre de Vilers một thời gian ngắn trước khi sang Pháp lấy bằng Kỹ Sư Canh Nông. Trong Chánh Phủ Nguyễn Cao Kỳ ông Triều giữ chức vụ Ủy Viên Thanh Niên.

Ông đã dùng uy tín và tình cảm cá nhân để áp lực ông Kỳ cho Viện Đại Học Cần Thơ ra đời. Giáo Sư Trường có những suy tư rất sâu sắc về giáo dục. Tiếc là thời gian ông làm ở Bộ Giáo Dục quá ngắn, lại nhằm lúc hỗn loạn luôn, thành ra ông không có cơ hội để thực hiện những ý tưởng sâu sắc của ông. Những ý tưởng đó ông đã ghi lại trong bài viết "Trường Phan Thanh Giản Cần Thơ Tự Truyện" đăng trong giai phẩm Phan Thanh Giản & Đoàn Thị Điểm kỷ niệm 80 năm thành lập, và trong hai bài viết của giáo sư về tôn sư trọng đạo cũng như về cách dạy của giáo sư trong quyển sách này.

GS/TS Nguyễn Thanh Liêm

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com