User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

huyentran

Nhà Trần kể từ Đức Thái Tông tới vua Anh Tông, là một giai đoạn lịch sử cường thịnh nhất trong dòng sử Việt. Vua thánh tôi thần, nên đã lập được nhiều chiến công hiển hách oanh liệt nhất, qua ba lần đuổi đánh quân Nguyên-Mông ra khỏi bờ cõi Đại Việt. Năm Tân Sửu 1301, Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông khi du ngoạn tại Chiêm quốc, có hứa với vua Chế Mân là sẽ gả Huyền Trân công chúa cho người nhưng triều đình, nhất là Vua Anh Tôn không tán thành, nại lý do xa xôi diệu vợi lại thêm phong thổ và tập quán khác biệt giữa hai dân tộc, nên không muốn đưa em gái mình tới miền đất lạ. Cuối cùng vua Chiêm phải dâng hai châu Ô và Lý làm sính lễ mới được chấp thuận.

Tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) Huyền Trân lên đường sang Chiêm quốc khi nhà Trần đã tiếp nhận miền đất trên và đổi thành Thuận Hóa cũng là các tỉnh Quảng Trị, Thừa Thiên và phần đất cực Bắc của Quảng Nam ngày nay. Dù thời gian có đổi thay và bia lời nọc rắn của vài kẻ đố kỵ ganh hờn vẫn còn kéo dài chưa dứt, lại không ngớt đặt chuyện trách chê biếm nhẽ, nhưng muôn đời Trần Huyền Trân, cũng vẫn là một anh thư nước Việt và trên hết, câu chuyện tình tay ba giữa Huyền Trân – Khắc Chung – Chế Mân, nếu có cũng là một huyền thoại diễm tình nhất trong những mối tình đẹp có máu lệ, của những phụ nữ phi thường đất Việt, mà mở đầu là mối tình đắm đuối của Trọng Thủy – Mỵ Châu, tới nay ai cũng muốn nhắc, cho dù chỉ đề thương sầu và tiếc hận cho tha nhân hay chính mình.

Xưa nay tình là cái gì, chẳng qua cũng chỉ là những niềm đau đứt ruột, nên ta sao dám trách tiền nhân, vì có ai trong chúng ta đã thoát được nợ tình?

“Người đến đó rồi đi vào thiên cổ
bỏ trơ ta với nguyện ước mùa xuân
cuộc tình hờ e ấp lắm bâng khuâng
nay thoáng chốc thành tình sầu cô quạnh..

Ôi đau đớn trót sinh nhằm thế kỷ
nên cho dù có đắm đuối hiến dâng
người là hoa ta đâu dám lại gần
chỉ vĩnh cửu ôm tình hờ bước vội…”    

Cũng theo sử liệu còn ghi, thì phần đất ranh giới giữa hai nước Chiêm – Việt lúc đó tức là các quận Hiệp Đức, Đại Lộc thuộc vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Nam trước tháng 4-1975, nay VC gọi là huyện Hiên, huyện Giằng.. núi non trùng điệp hiểm trở, sông suối thác ghềnh chảy xiết nhưng lại có các đặc sản là trái bòn bon ngon ngọt, rừng quế và bến Giằng (Thạnh Mỹ) với câu chuyện diễm tình liên quan tới Huyền Trân Công Chúa.

Truyện kể rằng trước khi về kinh đô Đồ Bàn (Bình Định) để làm lễ sánh phong Hoàng Hậu Chiêm quốc, Huyền Trân cùng đoàn tùy tùng phải tới thánh địa Trà Kiệu (Quảng Nam) để tương kiến với Quốc Vương Chế Mân đang đợi theo nghi thức tôn giáo. Thuở đó sự giao thông đường bộ rất khó khăn, nhất là trên các thượng đạo chênh vênh hiểm trở. Khi trời sắp vào chiều thì mọi người tới một bến sông nước trong xanh vắt, Công Chúa muốn dừng kiệu để nghỉ nên mới biết, đây chính là phần đất cuối cùng thuộc hai châu Ô Lý vừa được nhập vào Đại Việt.

huyentran1

Cảm khái trước cảnh sông núi muôn trùng, càng làm tăng thêm nỗi nhớ nhà xa nước, và trên hết là phận gái lênh đênh nên nàng đã khóc thầm, làm cho những giọt lệ thương hận sầu tủi kia đã từ trên đôi má phấn vô tình rớt xuống dòng sông. Nhưng cũng thật lạ lùng vì nó đã không hòa tan vào dòng sông mà lại chìm sâu dưới đáy nước, kết tinh thành một viên hồng ngọc, để rồi hằng đêm nổi lên soi sáng một góc rừng lặng vắng. Bến sông này từ đó được gọi là bến Giằng, diễn tả sự bịn rịn thảm thê của nàng Công Chúa nước Việt, trước khi bước chân xuống thuyền qua sông, coi như vĩnh viễn đoạn lìa cố quốc.

Ngoài ra huyền thoại còn ghi rằng mùi hương từ mái tóc dài óng mượt của Công Chúa, theo gió ngàn phương bay vào khu rừng mông mênh trước mặt, làm nẩy sinh ra một giống cây đặc biệt có hương vị lạ đời nên được gọi là quế. Sau đó Huyền Trân trở thành Hoàng Hậu Chiêm quốc với mỹ danh Paramervan rất được vua yêu dấu, nuông chìu nên đã cho người ra tận biên giới xứ Quảng đốn gỗ quế mang về kinh đô, đẽo thành đôi guốc để nàng mang trị chứng bệnh phong thổ trong suốt thời gian ‘nước non ngàn dặm ra đi’.

Tóm lại từ năm 1306, cũng nhờ có cuộc hôn nhân trên với món sính lễ ‘vuông ngàn dặm’ mà phên giậu của Đại Việt lên được tới đỉnh Hải Vân Sơn cao ngất sát biển đông. Và Huyền Trân cũng là người con gái đầu tiên của nước Việt đã qua cửa ải ngăn cách giữa hai nước để theo chồng.

1- Trần Nhân Tông:

Sinh năm 1258 trong giai đoạn đất nước vừa trải cuộc chiến thảm khốc lần thứ nhất với giặc Mông Cổ. Ông là con trai của Thánh Tông, được lịch sử đánh giá là một Minh Quân Thánh Chúa, tài kiêm văn võ, trí thức uyên bác lỗi lạc nhất là tài ngoại giao uyển chuyển được thể hiện qua bài thơ viết năm 1289 để tặng sứ thần nhà Nguyên tên Lý Tự Diễn ‘Tịch hiệp thiên hà tẩy chiến trần, thắng như cầm điện ngũ huyền huân’. Nhờ vậy nhà vua đã lãnh đạo quân dân đánh bại được hai trong ba cuộc xâm lăng của quân Mông Cổ vào các năm 1285 và 1288. Thắng được quân giặc được xem là mạnh nhất thế giới vào lúc đó, đã là một chiến công kinh thiên động địa của Đại Việt. Rồi phải làm sao để không làm chạm đến tự ái của đế quốc thực dân phương bắc, thì còn khó hơn gấp vạn lần nhưng cuối cùng vua Nhân Tông cũng xoa dịu được lòng tham của Hốt Tất Liệt nhờ sự mềm mỏng khôn khéo ngoại giao.

huyentran2

Tượng Vua Trần Nhân Tông

Có lẽ trong dòng sử Việt, không có vị vua nào có thể sánh nổi Trần Nhân Tông về lòng Nhân và đức Trí, Dũng song toàn, nhân từ với thần dân trong nước kể cả những người có tội, vị tha với kẻ thù vừa quyết đấu tử sinh nay ngã ngựa. Ngoài ra nhờ đã cùng vào sinh ra tử với quân dân trong hai cuộc chiến, nên nhà Vua cũng đã nhìn thấy sự quan trọng của vùng phên giậu biên giới phía Nam với Chiêm Thành. Vì vậy dù đã nhường ngôi cho vua Anh Tôn giữ chức Thái Thượng Hoàng nhưng Ngài vẫn hết lòng lo toan việc nước, bôn ba khắp nơi để thấu triệt tình hình. Cuối cùng đã nhận lời gả Huyền Trân Công Chúa cho vua Chế Mân để tạo nên mối tình thân như các vị vua đời Lý cũng đã làm từ trước, khi đem các Công Chúa Việt gả cho các vị tù trưởng Mường, Thái, Nùng.. ở Thượng Du. Nhờ đó mà vùng này bao đời đã trở thành phên giậu kiên cố của Đại Việt ngăn chống quân xâm lăng phương Bắc.

Lịch sử Việt đã gọi cuộc phiêu du Nam phương của Trần Nhân Tông là bước chân kỳ diệu dù rằng sự hy sinh của nàng Công Chúa đất Việt là nỗi đau rỉ máu nát lòng nhất của vị vua nhân từ. Nhưng tất cả cũng chỉ vì lịch sử mến yêu của nước Việt mà phải hy sinh to lớn để đổi lấy sơn hà, nhờ vậy ta mới có được Huế và Sài Gòn hôm nay. Sau này, Sãi Vương Nguyễn Phúc Nguyên cũng noi theo tiền nhân, hy sinh cả hai người con gái cưng là Ngọc Vạn và Ngọc Khoa để đổi lấy con đường an toàn cho dân Việt từ Thuận Hóa tới Mũi Cà Mau dựng nghiệp và mở nước, công đức được sử xanh truyền tụng và ghi nhớ đời đời.

– Vua Chế Mân:

Đọc Việt sử, tới những trang viết về cuộc tình của Huyền Trân Công Chúa và Vua Chế Mân, thường thấy bên lề câu chuyện chính sử, có kèm theo những câu ca dao không rõ xuất xứ,

‘Tiếc thay cây quế giữa rừng,
để cho thằng Mán, thằng Mường nó leo’.

‘Tiếc thay hạt gạo trắng ngần,
đã vo nước đục, lại vần lửa rơm’.

Thực tế không thấy chính sử nào đề cập tới chuyện tình giữa Công Chúa Huyền Trân và quan Nhập Nội Hành Khiển Thượng Thư Tả Bộc Xạ Trần Khắc Chung, mà toàn là lời đồn bên lề. Cho nên thời tiền chiến, đã có một nhà văn viết cuốn tiểu thuyết dã sử “Cánh Buồm Thoát Tục”, nói về câu chuyện tình lãng mạn trên. Mới đây trên báo chí VC năm 1995, có Nguyễn Nhân Thống viết bài, nói Vua Chế Mân bị bệnh phong lác, nên đã có tên là vua Lác qua tên Chàm là Po Klong Giray (1151-1205). Đây là một sự lầm lẫn vô tình hay giả vờ quên có ác ý, với mục đích đổ dầu vào lửa, làm sống lại một niềm đau quá khứ mà chẳng ai muốn. Theo sử liệu, vua này sinh trước vua Chế Mân hơn một thế kỷ, và nổi danh là một đấng minh quân của Chiêm Thành. Ngài đã xây dựng Ba Tháp và Đập Nha Trịnh, trên sông Dinh tại Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận ngày nay.

Cũng căn cứ vào sử liệu, ta biết vua Chế Mân có tên là Harijit, con vua Indravarman đệ ngũ, hiện gia phả của dòng họ này, còn thấy khắc trên văn bia Đông Dương I và II, tại tỉnh Quảng Nam (Trung Phần) như sau: “Triều đại UROJA, Paramxvara sinh Uroja – Dharmaraja – Rudravarman – Indravarman – Jaya Indravarman – Jaya Sinhavarman, tức thế tử Harijit hay vua Chế Mân  sinh Chế Chi, Chế Đà A Bà Niêm và Chế Đa Đa (con Huyền Trân).

Theo Việt Sử, tháng Sáu năm Ất Mùi (1295), Thái Thượng Hoàng Trần Nhân Tông đi tu, sau khi nhường ngôi vua cho con là Anh Tôn. Tháng Tám năm Kỷ Hợi (1299), Ngài vào núi Yên Tử, sống đời khổ hạnh và trở thành Tổ của Thiền phái Trúc Lâm, đạo hiệu Trúc Lâm Đại Sĩ. Việc vua Trần Nhân Tông hứa gả Công Chúa yêu quý nhất của Ngài cho vua Chế Mân, cũng không ngoài việc ‘anh hùng trọng anh hùng’, qua cái tư cách hào hoa mã thượng của nhà vua trẻ này, đã thể hiện vào năm 1283, vua Chế Mân đã lãnh đạo quân dân Chiêm quốc chống lại quân Mông Cổ khi chúng xâm lăng nước này. Chính vua Trần Nhân Tông đã tăng cường, 2 vạn quân và 500 chiến thuyền sang giúp Chiêm Thành trong lúc đó.

Do tình cảm gắn bó tốt đẹp trên, nên khi Thượng Hoàng cùng với đoàn tăng lữ sang thăm và nghiên cứu tình hình tôn giáo của nước này, được dịp chứng kiến hành động của vua Chế Mân, khiến ngài quý trọng mới chịu gả Huyền Trân. Theo sử, thì tháng 2 năm Ất Tỵ (1305), sứ bộ nước Chiêm do sứ thần Chế Bồ Đài tới Thăng Long, dâng lễ cầu hôn, tháng 6 năm Bính Ngọ (1306) thì gả Công Chúa Huyền Trân. Nói tóm lại, qua con mắt của Trúc Lâm Đại Sĩ, việc gả Công Chúa Huyền Trân cho vua Chế Mân là xứng đáng vì nhà vua là bậc anh hùng thời đại, chứ không phải thằng Mường hay Mán, cũng không phải là lửa rơm hay nước đục gì cả. Ngoài ra hiện nay có ít người không biết dựa vào nguồn sử liệu nào, đã kết tội cho nhà Trần là đem Huyền Trần gả cho Chế Mân, mục đích chỉ để chiếm đất đai của người Chàm. Họ quên là lúc đó, Đại Việt rất hùng mạnh, kể cả đế quốc Nguyên Mông vô địch thế giới, nhưng khi đến nước Nam, cả ba lần đều bị đánh tan. Như vậy lúc đó, trong sức mạnh xẻ núi đó, quân Việt nếu có lòng xâm lăng cướp đất lân bang, liệu người Chiêm chống giữ nổi hay không?

Về việc bia miệng căn cứ chuyện Khắc Chung cứu Huyền Trân, sau đó gần một năm mới về nước, mà cho rằng hai người đã tư thông. Chuyện này đến nay vẫn là huyền thoại vì chính sử không hề nhắc tới. Theo sử liệu, trong phái đoàn sang Chiêm Thành giải cứu Công Chúa Huyền Trân lúc đó, rất đông đảo, ngoài Chủ Tướng họ Trần còn có An phù sứ Đặng Vân…

Phương Chi, Thượng Tướng Trần Khắc Chung là một người rất có danh vọng đời Trần, ông còn là một thiền sư, đã từng đề bạt cho tập ‘Tuệ Trung Thượng Sĩ Ngữ Lục’ do nhà sư Pháp Loa biên tập, vua Nhân Tông hiệu đính. Bao nhiêu đó đủ thấy đạo đức của ông, vì vậy sau khi về triều, Trần Khắc Chung vẫn được từ vua tới dân chúng kính nể ngưỡng mộ, qua các triều Anh Tông, Minh Tông. Sau rốt theo sử, cho biết vua Anh Tông rất nghiêm khắc, nếu quả thật Trần Khắc Chung tư thông với Huyền Trân, làm nhục quốc thể Đại Việt, liệu ông có thoát được sự trừng phạt của triều đình lúc đó, như Thượng Phẩm Nguyễn Hưng, chỉ can tội đánh bạc, mà đã bị vua Anh Tôn ra lệnh đánh chết vào Tháng Ba năm Bính Thân 1296.

– Hải Vân Quan:

Từng được nổi danh là ‘thiên hạ đệ nhất hùng quan’ và được sáp nhập vào lãnh thổ Đại Việt vào năm 1306 nhờ cuộc hôn nhân giữa Công Chúa Huyền Trân và Vua Chế Mân. Hải Vân Quan nằm trên cao độ 1192m sát biển Đông. Sự kiện lịch sử này đều được ghi trong các tài liệu cổ như Dư Địa Chí của Nguyễn Trãi (1438), Thiên Nam Du Hạ Tập thời Hồng Đức (1470-1494), Ô Châu Cận Lục của Dương Văn An (1555) , Phủ Biên Tạp Lục của Lê Quý Đôn (1776) và Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí của Phan Huy Chú (1821).. đều mô tả sự hùng vỹ với độ cao tới tận mây xanh và tiếp liền với biển cả, cho thấy tầm mức quan trọng của một biên ải từng ngăn chận bước tiến của quân Việt trên đường về phương Nam.

Về địa thế của Hải Vân Sơn, căn cứ vào các bản đồ xưa như Thiên Nam Tứ Chí Lộ Đồ Thư (1630-1653), Giáp Ngọ Niên Bình Nam Đồ (1774) và sách Hoàng Việt Nhất Thống Dư Địa Chí (1806) của Lê Quang Định.. đều có ghi Ải nằm trên đường quan lộ Bắc Nam. Đây là nơi đã tạo rất nhiều cảm hứng cho các danh nhân qua nhiều thời đại như Lê Thánh Tôn (1471), Chúa Nguyễn Phúc Chu (1719).. Tuy nhiên Hải Vân Quan thời trước được xây dựng rất sơ sài, mãi tới năm 1826 đời vua Minh Mạng, ải mới được kiến trúc kiên cố và hùng vĩ. Tất cả đều được ghi lại trong các sách Đại Nam Thực Lực, Minh Mệnh Chính Yếu và Đại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn.

Thời Pháp thuộc đã cho phá hủy một đoạn đường dài trên quan lộ xuyên Việt để làm quốc lộ 1 không còn chạy qua cửa ải theo con đường cũ cao chót vót trên đỉnh núi. Tóm lại Ải Hải Vân Sơn còn lại ngày nay là một công trình được xây dựng từ thời vua Minh Mệnh. Nhưng cái nền cũ của Ải đã có từ bao đời, hằng in đậm bước chân của tiền nhân mang gươm đi mở cõi. Trong số đó có một người con gái Việt mang tên Huyền Trân. Năm 1859 liên quân Pháp Y Pha Nho do Rigault de Genouilly và Théodore Francois Page chỉ huy, trên đường từ Đà Nẵng ra Huế, đã bị quân Việt chận đứng tại Ải Hải Vân. Vị Tướng Chỉ Huy lúc đó là Phạm Văn Nghị đã cảm hứng viết ‘Ải mây trên vách đá sừng sững, công tích ghi truyền muôn đời sau’.

– Huyền Trân Công Chúa Về Chiêm Quốc:

Sử đã kể lại cuộc tiễn đưa Huyền Trân Công Chúa về Chiêm quốc làm vợ Vua Chế Mân, thật long trọng. Từ kinh đô Đại Việt đến Bến Đông Bộ Đầu, cờ xí rợp trời, hai bên đường người đứng xem đông nghịt.

Dẫn đầu là Sứ Bộ Chiêm Thành, kế đó là kiệu hoa của Công Chúa, bên tả là kiệu của Văn Túc Vương Trần Đạo Tải, bên hữu là kiệu của Thượng Tướng Trần Khắc Chung, tiếp theo là Trí Khu Mật viện Sự Đoàn Nhử Hài, Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi, Hoàng Giáp Nguyễn Trung Ngạn. Đoàn tuỳ tùng gồm các quan văn võ và hoàng gia theo đưa tiễn, trên ngàn người. Riêng dân vì lòng mến mộ một vị Công Chúa vì nước hy sinh, lại có đức hạnh và nhan sắc thiên kiều bá mỵ, nên nô nức rủ nhau đi xem đông không kể xiết.

huyentran3

Dù cố gạt lệ trước mặt những người đưa tiễn, nhưng Công Chúa cũng không sao cầm lòng nổi khi bước chân xuống thuyền, nên nàng chỉ còn biết đưa tay vái lạy non nước và đồng bào trong giờ vĩnh biệt. Người sau cảm thông nỗi niềm cay đắng của một kiếp hoa vì nước quên mình, nên đã trút cạn lòng mình trong lời ca bi thiết của điệu Nam Bình:

‘Nước non ngàn dặm ra đi,
Mối tình chi
Mượn màu son phấn
Đền nợ Ô Ly
Xót thay vì
Đương độ xuân thì.. ’  

Và rồi một phát pháo hiệu nổ vang, tiếp theo là hàng chục ánh pháo bông tỏa sáng khắp bầu trời. Đoàn thuyền căng buồm rời bến. Trong khoang thuyền, Công Chúa ngồi giữa hoa trầm thơm hương ngào ngạt nhưng hồn thì như đã gởi tận ngàn phương. Bên tai, tiếng cha già căn dặn vẫn còn văng vẳng: ‘Đây là cuộc tình ngoại giao, con phải cố làm sao giữ hòa khí giữa hai nước và trách nhiệm làm làm vợ đối với Chế Mân’. Thuyền ra khỏi cửa biển Đại Hoàng vừa lúc hoàng hôn ập xuống bao trùm vạn vật. Người buồn gặp cảnh càng buồn hơn, làm ai có thể ngăn được lệ, huống chi là một Công Chúa đa sầu?

Thật ra nhiệm vụ của Huyền Trân hoàn toàn khác xa với lần đi cống Hồ của Chiêu Quân hay Trần Hạnh Nguyên. Công Chúa lấy chồng vì trách nhiệm với đất nước, vừa đem về bờ cõi thêm hai châu Ô Lý, vừa kết thân với Chiêm Quốc làm thành thế phên giậu, chống giặc Mông Nguyên phương Bắc. Thế nhưng thiên hạ cứ vô tình, mai mỉa, ngay cả hoàng tộc cũng không tha

‘hoài công mà gả chồng xa,
trước là mất giỗ, sau là mất con.. ’

Sáng hôm sau, trong khi đoàn thuyền hoa còn đang lênh đênh trên biển, thì bỗng vang lên một tiếng pháo lệnh thật lớn, thì ra đoàn thuyền rồng của Vua Chế Mân ra tận biển rước Công Chúa. Khi hai đoàn thuyền xáp lại gần nhau, bên thuyền Hoàng gia Chiêm Thành trống kèn, đàn sáo vang lên rộn rã. Trong lúc đó, đoàn thuyền của Đại Việt cũng đốt pháo mừng, xác pháo theo gió bay đỏ cả mặt biển. Hòa Thượng Du Già, trong bộ áo cà sa màu vàng, đội mũ hoa sen, đứng trước mũi thuyền rồng, đại diện cho Vua Chế Mân, tiếp kiến Hòa Thượng Minh Thái, đại diện cho Vua Trần Anh Tôn của Đại Việt. Sau đó hai đoàn thuyền song song tiến vào đất liền, nơi biên giới giữa hai nước.

Thuyền cập bến, cũng vừa lúc Vua Chế Mân từ kiệu vàng tiến lại. Nhà Vua cao lớn, mình vận áo bào trắng, quần che cũng màu trắng, ngoài khoác áo giáp đan bằng sợi vàng, chân mang hia đen thêu chim thần Garuda. Ngang ngực thắt đai ngọc, lung lẳng bên hông là một thanh bảo kiếm khắc hình thần Ganesa đầu voi mình người, vỏ kiếm bằng vàng, chuôi kiếm bằng ngà voi nạm hồng ngọc. Đầu đội mũ trụ bằng vàng, chóp nhọn, trên đỉnh nạm một viên ngọc quí to bằng trứng chim sẻ, luôn luôn tỏa ánh sáng bảy màu.

Vua còn trẻ, da màu nâu sạm nhưng cốt cách thanh kỳ, toát lên cái vẻ hào hoa phong nhã của một quân vương đa tình, đa cảm. Bên này, Huyền Trân e ấp chấp tay khép nép chào nhà Vua bằng tiếng Chàm, khiến Vua sững sờ: không ngờ một nàng Công Chúa Đại Việt lại thông thạo tiếng nước mình một cách trôi chảy. Rồi cả hai sóng đôi bước về phía kiệu đang chờ, giữa tiếng hô chào vang dậy của thần dân Chiêm quốc, dành cho một Hoàng Hậu người Đại Việt. Trước hương án nghi ngút khói hương nơi vùng biên tái, có sự chứng kiến của Hoà Thượng Minh Thái, bên cạnh Công Chúa Huyền Trân, Quốc Vương Chiêm Thành là Chế Mân dõng dạc tuyên bố sẽ dâng hai châu Ô Lý cho Đại Việt như lời hứa để làm sinh lễ cưới Công Chúa Đại Việt, phong cho Công Chúa Huyền Trân làm Hoàng Hậu Chiêm quốc, tên hiệu là Paramervan, cùng với Hoàng Hậu Tapasi, cả hai đều làm Mẫu Nghi Thiên Hạ.

Tương truyền, khi còn cầm quyền, Vua Chế Mân đã lập vườn Mai Uyển ở Cà Ná, ranh giới giữa Ninh và Bình Thuận. Tại đây, Vua cùng Hoàng Hậu Paramervan (Huyền Trân) dạo chơi và thưởng ngoạn các loại hoa quý trong vườn, nhất là Mai đủ loại, từ Bạch Mai, Hồng Mai hai tầng cánh rất lạ cho tới loại Hoàng Mai cánh vàng mỏng mà ta thường thấy trong những ngày Tết.

huyentran4

Tượng thờ Công Chúa Huyền Trân tại Huế

Trước tháng 4-1975, thị xã Phan Thiết có một con đường rất dài, chạy dọc theo bờ sông Mường Mán, từ Trường Trung Học Tư Thục Chính Tâm ở Bình Hưng, qua Ấp Hưng Long và Vĩnh Phú, tới tận cửa biển Thương Chánh, mang tên Huyền Trân Công Chúa. Đây cũng là một trong những con đường diễm tình của Phan Thiết, vì hằng ngày có rất nhiều tà áo dài trắng của các trường Trung Học xuôi ngược, khiến cho con đường đã heo hút vì chiều dài, lại càng thêm gợi tình, khi những cánh hoa đẹp mất hút trong mù sương nhưng vẫn để lại cho khách tình si một mùi hương diễm tuyệt:

‘Chào em áo trắng giờ tan học
gót ngọc làm mây vỡ cuối trời
phố nhỏ buồn hiu chờ thức giấc
những hàng phượng cũng vỗ tay vui’.

Cảnh vẫn còn đó mà người xưa đâu tá? kể cả tên đường ‘Huyền Trân Công Chúa‘, cũng bị VC xóa sổ và thay vào cái tên lạ hoắc Võ Thị Sáu, không biết đâu mà mò.

‘Trong đầm gì đẹp bằng sen
lá xanh bông trắng lại chen nhụy vàng
nhụy vàng bông trắng lá xanh
gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn.’  

Bởi vậy không ai có thể lội ngược thời gian để mà xóa bỏ sự thật lịch sử vì lịch sử vẫn là lịch sử cho dù đó là những câu chuyện rất tàn nhẫn và nát lòng mà bất cứ ai cũng đều không muốn nhắc lại để thêm đau lòng.

Viết từ Xóm Cồn Hạ Uy Di

Mường Giang Cuối năm 2017

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com