Bài báo này sẽ hiện ra trong tầm mắt bạn đọc lần đầu tiên vào ngày 12 Tháng Tư, 2012. Thời gian này đang đóng lại năm thứ 37 sau khi Sài Gòn thất thủ, chấm dứt cuộc chiến tranh tàn khốc và đẫm máu khởi sự mở ra trong những ngày thế giới chấm dứt cuộc Thế Chiến Thứ Hai, 1945.
Tác giả và nguyên Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Văn Thiệu, Virginia, 1991. Tháng 11, 1974, tại Dinh Ðộc Lập, tác giả Viên Linh đã được TT Thiệu trao chứng chỉ và huy hiệu Giải nhất Giải Văn học Nghệ thuật Toàn quốc với cuốn truyện Gió Thấp, (chưa xuất bản ở hải ngoại). [Xin đón đọc Hồi Ký “60 năm viết văn làm báo (1953-2013)” của Viên Linh, đang viết](Hình: Tác giả cung cấp)
Trên bề mặt cuộc chiến Việt Nam có thể mang những danh nghĩa khác nhau, song ở đáy tầng của các vỏ bên trên, nòng cốt một bên là cộng sản quốc tế ủy nhiệm, bên kia là những người thuộc các đảng phái quốc gia được khối Tây phương hỗ trợ. Kỳ trước, mục này đã viết về “cuốn sử hiện đại” của sử gia chuyên nghiệp Nguyễn Khắc Ngữ nhan đề “Những Ngày Cuối Cùng Của Việt Nam Cộng Hòa,” cuốn sách phát hành năm 1979, được kể là sớm nhất trong cùng loại. Ðể tiếp tục loạt bài về Tháng Tư, kỳ này chúng tôi góp nhặt một số dữ kiện liên hệ, trích dẫn từ những tác giả khác nhau, kèm với nhật ký của người viết.
- “Ngày 10 Tháng Tư 1975, Tổng Thống Ford đã ra trước Lưỡng Viện Quốc Hội [...] yêu cầu viện trợ quân sự phụ trội 722 triệu đô la cho Nam Việt Nam như Tướng Wayand đề nghị cộng với 250 triệu đô la dùng vào việc cứu trợ khẩn cấp [...] để cho phép di tản 10,000 người Việt Nam mà Hoa Kỳ có trách nhiệm che chở [...] xin Quốc Hội quyết định chậm nhất là ngày 19 Tháng Tư.” (Trần Ðức Minh, Một Thời Nhiễu Nhương (1945-1975), trang 1659.)
- “Ngày 17 Tháng Tư 1975, Quốc Hội Hoa Kỳ đã biểu quyết không cấp bất cứ ngân khoản phụ trội nào cho Nam Việt Nam cả.” (Trần Ðức Minh, Một Thời Nhiễu Nhương (1945-1975), trang 1659,1960)
- “Ngày 7 Tháng Tư 1975, xảy ra vụ ném bom Dinh Ðộc Lập” của một “Trung Úy phi công 26 tuổi thuộc phi đội F5, Không Ðoàn 3 đóng tại Biên Hòa,” 4 trái được thả nhưng chỉ có 2 trái nổ mà thôi. “Ðúng lúc ấy Tổng Thống Nguyễn Văn Thiệu đang ăn sáng vội vàng chạy vào hầm trú ẩn. Sợ rằng có đảo chính [bởi ông phó Nguyễn Cao Kỳ] tiếp theo nên ông hạ lệnh giới nghiêm 24/24.” Phi cơ ném bom hạ cánh tại một phần đất do Việt Cộng kiểm soát, nên y “được VC thăng cấp Đại Úy cho gia nhập Không Quân Bắc Việt Nam.” (Nguyễn Khắc Ngữ, tr. 202)
- “Ngày 19 Tháng Tư 1975, Ðô Ðốc Noel Gayler, TTL Lực Lượng Hoa Kỳ tại Thái Bình Dương đã đến Sài Gòn gặp Ðại Sứ Martin cho biết Oa-sinh-tôn muốn số người Mỹ ở Sài Gòn phải giảm xuống mức 1,100 người và những người Việt Nam dự trù di tản bằng tàu ra các tàu Mỹ đang ở ngoài khơi Vũng Tàu. Ðại Sứ Martin không đồng ý [...] vì cho “rằng công khai cho người Việt Nam di tản từ Tân Cảng sẽ làm cho Sài Gòn bị rối loạn.” (Trần Ðức Minh, Một Thời Nhiễu Nhương, tr. 1683)
- “Ðến tối hôm đó (21 Tháng Tư 1975)... trong khi chính phủ ra lệnh thiết quân luật 24/24, ông [Nguyễn Văn Thiệu] mời các Dân Biểu Nghị Sĩ, các Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện, nhân viên Hội Ðồng Nội Các và các Tướng Lãnh đến Dinh Ðộc Lập để nghe ông đọc diễn văn từ chức. Bài diễn văn này được trực tiếp truyền hình và truyền thanh để đồng bào cùng nghe. Bài diễn văn dài 90 phút chỉ chấm dứt lúc 22 giờ [...] Cuối cùng ông vừa khóc, vừa nói, 'Hôm nay tôi từ chức, tôi xin đồng bào, quân đội, và các giáo phái hãy tha thứ những lỗi lầm của tôi trong khi tôi cầm quyền.'” (Nguyễn Khắc Ngữ, sđd, tr. 342).
- “Tờ New York Times ngày 24 Tháng Tư 1975 tường thuật rằng một kinh tế gia trẻ từng được đào luyện ở Mỹ đề nghị biếu một người Mỹ 10,000 Mỹ kim để thành hôn với vợ anh ta, lúc ấy có bầu 3 tháng, đặng nàng có thể đạt tiêu chuẩn để được chính thức di tản. Cũng tờ báo này viết tiếp rằng, trước viễn ảnh tắm máu, nhiều người Việt Nam đã mua thuốc ngủ để tự tử nếu chuyện tệ hại xảy ra.” (Vietnam, a complete photographic history, Michael MacLear, page 724)
- “Lực lượng của [Văn Tiếng] Dũng đã vượt qua sông ở vòng bảo vệ ngoài Sài Gòn. Ngày 25 các Tòa Đại Sứ Tây phương lần lượt đóng cửa, Tây Ðức, Hòa Lan, Thái, Nhật, Úc, Anh và Canada, cùng nhân viên nước họ. Người ta mô tả Đại Sứ Anh mặc đồ săn bắn tự lái chiếc xe Jaguar màu bạc lìa trụ sở. Gia Nã Ðại gửi riêng một chiếc máy bay vượt 13,000 dặm đường dài để chở về nước chiếc xe hơi của ông Đại Sứ, trong khi bỏ lại hầu hết các nhân viên người Việt của Tòa Đại Sứ. Chỉ riêng có Pháp và Bỉ, vì có quen lớn với Việt Cộng, nên ở lại Sài gòn.
- “25 Tháng Tư: 3,500 đồng Việt Nam ăn một Mỹ kim. 26 Tháng Tư: 4,000 ăn một Mỹ kim, giá vàng: 3 triệu đồng (hay 700 Mỹ kim) một chỉ hay 35.5 gờ ram. Tới ngày 29, gần phi trường Tân Sơn Nhất: 7,000 đồng ăn 1 Mỹ kim. (Tường thuật của Jean Larteguy, trong L'Adieu a Saigon, 6.1976, Firmin-Didiot, France)
- “Thế mà theo Ðại Sứ Hoa Kỳ Martin, ông Kissinger vẫn còn tin vào hy vọng một ánh sáng le lói ở cuối đường hầm, cho nên chưa ra lệnh thực hiện cuộc di tản.” (Michael MacLear, sđd, page 724)
- Ngày 26, Phó Tổng Thống Trần Văn Hương, người kế vị ông Thiệu, làm tổng thống 5 ngày, được Quốc Hội chuẩn nhận, đã nhường chức Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa cho Ðại Tướng Dương Văn Minh.
- Ngày 28, ông Minh lên làm Tổng Thống. Ông ra lệnh quân đội buông súng đầu hàng trong vòng 24 tiếng đồng hồ.
Viên Linh (Westminster, 10 Tháng Tư 2012)