User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
cauhienluong
Cách một dòng sông mà đó thương đây nhớ,
Chung một nhịp cầu mà duyên nợ cách xa

Thời Trịnh Nguyễn phân tranh, nước ta có một sông Gianh làm ranh giới phân chia Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786).

Trong thời Trường kỳ Kháng chiến thay thế cho sông Gianh là sông Bến Hải ở tỉnh Quảng Trị, ranh giới chia cắt Việt Nam thành hai vùng tập kết quân sự. Phía Bắc là lãnh thổ của Quân đội Nhân dân Việt Nam.

Phía Nam là nơi chiếm cứ Quân đội Liên hiệp Pháp, bao gồm cả Quân đội Quốc gia Việt Nam. Phía Nam vĩ tuyến 17, từ sau khi quân đội Pháp rút khỏi Đông Dương vào năm 1954 thì chỉ còn chính thức Quân đội Quốc gia Việt Nam và hoạt động trong bóng tối các lực lượng bán vũ trang, du kích của Việt Minh, không tập kết ra Bắc vì không chính qui theo quy định Hiệp định Genève. Năm 1955, Quân lực Việt Nam Cộng hòa kế thừa Quân đội Quốc gia Việt Nam, Quân giải phóng miền Nam được thành lập trên cơ sở các lực lượng bán vũ trang, du kích của Việt Minh trước đây.

Sông Bến Hải, còn gọi Rào Thanh, bắt nguồn từ vùng núi Động Chân, chảy theo vĩ truyến 17, thuộc dãy Trường Sơn, từ tây nam sang đông bắc, rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng thuộc quận Vĩnh Linh, Quảng Trị. Từ đầu nguồn sông Bến Hải chảy được 80km thì gặp sông Sa Lung từ phía tây bắc đổ vào, hai sông hợp lưu chảy tiếp ra biển, qua làng Minh Lương ở bờ bắc nên có tên là sông Minh Lương. Do phải kiêng húy tên vua Minh Mạng, nên cả tên làng và tên sông đều đổi thành Hiền Lương, cây cầu gần ngã ba sông cũng mang tên là Hiền Lương. Địa danh Bến Hải nguyên là Bến Hói có nghĩa dòng sông nhỏ đọc trạnh ra. Dòng sông dài khoảng 100km, rộng chừng 20m, nơi rộng nhất không quá 200m, được ca tụng trong nhiều bài hát.

Ngó bên tê Trường Sơn một dải
Nghe bên ni sóng vỗ Cửa Tùng
Vĩnh Linh ơi trăm mến ngàn thương
Quê ta đó đứng đầu sóng gió Hoàng Vân (Bài Ca Vĩnh Linh)
Hồi trước chưa có cầu, qua sông phải dùng phà, mãi đến năm 1928 mới được xây dựng nhờ đóng góp công sức của nhân dân. Qua năm 1943, cầu được nâng cấp để xe cơ giới loại nhỏ có thể qua được. Năm 1950, do nhu cầu quân sự, Pháp cho xây dựng lại cầu bằng bê tông cốt thép, dài 162m, rộng 3,6m trọng tải 10 tấn. Hai năm sau cầu bị Việt Minh đánh sập, Pháp cho xây lại dài hơn, hai bên cầu có thành chắn cao 1,2m, trọng tấn 18 tấn. Chiếc cầu nầy tồn tại được 15 năm thì bị bom Mỹ đánh sập. Sau một thời gian hai năm tạm dùng cầu phao thay thế, năm1974 chính quyền Việt Nam cho xây dựng lại cầu, lần nầy dài 186m, rộng 9m, có hành lang 1,2m cho người đi bộ. Sau khi hòa bình lập lại, cầu cũ xuống cấp nghiêm trọng, năm 1996, bộ Giao thông Vận tải cho xây một chiếc mới dài 230m rộng 11,5m. Đặc biệt phương pháp hiên đại đúc đẩy lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Năm 2001 một chứng tích lịch sử là chiếc cầu sắt 1952 được phục chế lại nguyên bản. Khánh thành công trình phục chế được tổ chức ngày 18.05.2003 tại Quảng Trị, cầu bây giờ dài 183m, gồm 7 nhịp, mặt lát gỗ lim.
cauhienluong1
Sau khi thiết lập ranh giới phi quân sự theo hiệp định Genève, Quân đội Nhân dân Việt Nam từ miền Nam phải tập kết ra Bắc nhưng lực lượng bán vũ trang và lực lượng chính trị được tập trung tại chỗ, quân đội Pháp từ miền Bắc phải tập kết vào Nam. Giữa hai quân đội vùng 5 km từ mỗi bên Sông Bến Hải được sử dụng làm vùng đệm nhằm tránh sự xung đột có thể xảy ra giữa hai bên. Điều khoản khu phi quân sự và giới tuyến quân sự này chỉ có giá trị lý thuyết trong vòng hai năm, 1954-1956, vì sau đó sẽ tổ chức cuộc tổng tuyển cử để hoàn toàn thống nhất đất nước. Nhưng năm 1956, Tổng Thống Việt Nam Cộng hòa Ngô Ðình Diệm, lên cầm quyền sau một cuộc trưng cầu dân ý, từ chối không tham gia cuộc tổng tuyển cử cho nên sông Bến Hải tiếp tục chia cắt đất nước và làm ly tán nhiều gia đình ở hai miền Việt Nam. Hiền Lương đã trở thành biểu tượng của sự cách trở, chờ đợi, ngóng trông, chia ly và nỗi đau mất mát... Đôi bờ Bến Hải đã trở thành nhân chứng lịch sử, mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước, nơi đã chứng kiến nhiều cảnh vô cùng tang tóc, đau thương và cũng là nơi chịu hậu quả nặng nề và tàn khốc. Đây là nơi trục xuất ra Bắc Giáo Sư Tôn Thất Dương Kỵ và Bác Sĩ Thú Y Phạm Văn Huyến năm 1965.
cauhienluong2
Hai bên bờ sông Bến Hải vì có hai chính quyền đối lập giáp nhau cho nên cầu Hiền Lương trở thành trung khu tranh chấp, không những quân sự mà còn về những mặt khác. Ngay chuyện màu sắc là cả một vấn đề. Ở đoạn giữa cầu có một vạch trắng kẽ ngang, rộng 1cm, được dùng làm ranh giới. Thoạt đầu Việt Nam Cộng hòa chủ động sơn một nửa cầu phía Nam màu xanh, Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn tiếp màu xanh một nửa cầu còn lại. Sau Việt Nam Cộng hòa lại chuyển sang màu nâu thì Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cũng sơn lại màu nâu. Cứ như thế, cầu Hiền Lương luôn thay đổi màu sắc, hễ Việt Nam Cộng hòa sơn một màu khác đi để tạo ra hai màu đối lập thì ngay lập tức Việt Nam Dân chủ Cộng hòa liền sơn lại cho giống. Cuối cùng vào năm 1975, cây cầu có chung một màu xanh thống nhất.
cauhienluongloa
Một thời sau 1954 tiếng súng vừa chấm dứt, tiếng loa rầm rộ, căng thẳng thay thế. Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho xây dựng một hệ thống loa phóng thanh được phân bố thành 5 cụm trong chiều dài 1.500m ở bờ Bắc, mỗi cụm gồm 24 loa có công suất 25W. Hệ thống loa phóng thanh này không đủ mạnh để át được các loa do Tây Ðức và Úc cung cấp phát với âm thanh lớn hơn của chính quyền Việt Nam Cộng Hoà. Chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa trả đũa bằng cách tăng thêm 8 loa công suất 50W và 1 loa công suất 250W được viện trợ từ Liên Xô. Ngay sau đó, chính quyền Việt Nam Cộng hòa lại được Mỹ viện trợ cho những loại loa tối tân hơn, vang xa hàng chục cây số. Vào đầu năm 1960, một giàn loa của Mỹ với công suất mỗi loa lên tới hàng trăm oát được chuyển đến và đặt tại bờ Nam sông Bến Hải. Không chịu thua, lúc bấy giờ chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã lắp đặt chiếc loa có công suất 500W với đường kính rộng đến 1,7m và bổ sung thêm 20 loa loại 50W, 4 loa loại 250W của Liên Xô tại chiến tuyến Bến Hải. Khi thuận gió, tiếng loa có thể truyền xa hơn 10km.
Sau tranh chấp màu sắc, cuộc đấu khẩu tiếng loa giữa hai phía qua hệ thống loa là những lời tuyên truyền chính trị chỉ trích đối phương, thường là những tin không có lợi hoặc có thể trái ngược với thực trạng. Mỗi ngày buổi phát thanh kéo dài 14-15 tiếng đồng hồ, có khi phát vào lúc 1 - 2 giờ sáng, mở hết công suất làm người dân cả hai bờ đều nghe thấy. Ngoài ra, còn có cuộc tranh nhau hào hứng treo cờ thường đươc gọi chọi cờ giới tuyến.
Lúc đầu chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa cho làm một cột cờ bằng cây phi lao cao 12m để treo một lá cờ có khổ 3,2m x 4,8m. Ở bờ Nam, Pháp cắm cờ tam tài lên nóc lô cốt Xuân Hoà cao 15m. Theo lời yêu cầu của nhân dân giới tuyến, binh lính chính quyền Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã vào rừng sâu để tìm bằng được một cây gỗ cao 18m, cao hơn cột cờ của Pháp 3m và treo một lá cờ bằng vải sa tanh rộng 24m. Ngay sau đó, chính quyền miền Nam đã cho dựng một trụ cờ bằng xi măng cốt thép cao 30m tại bờ Nam, trên đỉnh treo một lá cờ Việt Nam Cộng Hòa lớn, có hệ thống đèn huỳnh quang nhấp nháy đủ màu. Khi dựng cờ xong, họ cho loa chiến tranh tâm lý hướng sang bờ Bắc tuyên truyền: Tổng Thống Việt Nam Cộng hoà cho dựng cột cờ cao 30m ở Vĩ tuyến 17 để dân chúng miền Bắc thấy rõ chánh nghĩa Quốc gia. Năm 1957, chính quyền miền Bắc dựng lên một cột cờ bằng thép ống cao 34,5m mang trên đỉnh một ngôi sao bằng đồng đường kính 1,2m, 5 gắn thêm một chùm bóng điện loại 500W, lá cờ rộng 108m2. Trước sự kiện này Chính quyền miền Nam xây tiếp cột cờ của họ lên thành 35m và cất loa.
Việt Nam Dân chủ Cộng hòa muốn chọi cờ nhưng chọi sao nổi với phe Quốc gia. Năm 1962, một cột cờ cao 38,6m kéo lên lá cờ đại 134m2, nặng 15kg ở miền Nam được xem là cột cờ cao nhất giới tuyến. Ngày 8-02-1965, Tướng Không Quân Nguyễn Cao Kỳ đã lái chiếc máy bay AD6 bắn phá cột cờ, nhưng pháo cao xạ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bắn trả bị thương. Mặc dù Việt Nam Cộng hòa huy động hàng trăm chiếc máy bay ném bom và hàng vạn đạn pháo cỡ lớn từ Dốc Miếu, Cồn Tiên bắn ra, từ Hạm đội 7 ngoài biển bắn vào, nhưng vẫn không thể làm sập được cột cờ ở bờ bắc sông Bến Hải.
cauhienluongsap
Ðến ngày 2-8-1967, họ lại tập trung nhiều tốp máy bay thay nhau đánh phá liên tục suốt ngày làm cho cột cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa bị gãy và đánh sập cầu Hiền Lương. Tối hôm đó, loa của Việt Nam Cộng Hòa loan rằng: Cột cờ của Bắc Việt trên đầu cầu Hiền Lương đã bị không lực Hoa Kỳ đánh tan tành tro bụi. Nhưng ngay đêm hôm đó, một cột cờ mới được dựng lên. Sáng hôm sau, trong lúc loa Việt Nam Cộng Hòa đang đọc bản tin thì lá cờ của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa tiếp tục xuất hiện... Như bao mảnh đất khác ở khắp vùng đất nước, khi hai miền bị chia cắt trong cuộc chiến thì dòng sông Bến Hải và mảnh đất đôi bờ trở nên nổi tiếng. Đôi bờ Hiền Lương đã trở thành nhân chứng lịch sử trên 20 năm mang trên mình nỗi đau chia cắt đất nước: cụm di tích gồm tại đôi bờ Hiền Lương: cầu Hiền Lương, sông Bến Hải, cột cờ ở bờ Bắc, nhà Liên hợp, Đồn công an giới tuyến, giàn loa phóng thanh, cụm tượng đài Khát vọng thống nhất ở bờ Nam, Nhà Bảo tàng Vĩ tuyến 17. Một dòng sông rộng không quá 100m, một chiếc cầu dài 178m bắc qua mà dân tộc Việt Nam ta phải đi suốt hơn 20 năm ròng, cống hiến không biết bao xương máu. Có những trận chiến ác liệt với bom đạn, và ở đó cũng có cả những trận chiến ác liệt nhưng không một tiếng súng. Tại khu di tích, hiện vật nổi tiếng không chỉ có những chiếc loa mà còn cờ Tổ quốc.

Võ Quang Yến

 

Tìm các bài LỊCH SỬ khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com