Đêm hôm qua, trước khi ngủ, anh Tin Nhái kể mình nghe đoạn trích Trong Vòng Tay Mẹ từ tác phẩm Những Ngày Thơ Ấu của Nguyên Hồng. Đây là bài học trong chương trình Văn lớp 8 ảnh mới học được hồi sáng, còn nóng hổi. Ảnh nói, đoạn trích này kể về thời thơ ấu của chính tác giả Nguyên Hồng, một tuổi thơ không còn ba mẹ kề bên, ‘thầy’ (ba) ông mất sớm do nghiện ngập thuốc phiện, ‘mợ’ (mẹ) ông, do cuộc sống, đã đi tiếp bước nữa, ở xa, để lại ông sống với bà cô ruột khá khó tính. Ngày ngày sống trong sự chì chiết của bà cô về đức hạnh mẹ mình, sao ông lại không hề thấy thù ghét mẹ, chỉ khắc khoải thèm nhớ vòng tay của mẹ. Rồi một ngày, đi học về, ông nhác thấy có cỗ xe ngựa đỗ ở trước cổng. Ông nửa thèm mong đó chính là mẹ mình về thăm, lại nửa sợ lỡ mà không phải… Đắn đo, giằng co một lúc, ông cũng chạy đến chiếc xe ngựa…, và trên đó, đúng là người mẹ mà ông ngày đêm mong nhớ. Kể tới đây, giọng cậu con nghẹn nghẹn, nhưng ảnh nói “không phải con muốn khóc đâu, chỉ tại bị khàn giọng thôi”. Rồi ảnh kể lại, hầu như nguyên văn cái đoạn tả cậu bé Nguyên Hồng thời thơ bé dụi mãi vào lòng mợ (mẹ) mình, ôm chặt lấy mẹ, hít mãi cái mùi trầu nồng nồng thương thương từ mẹ…
Lúc đó, ảnh cũng đang nhùi cuộn vào lòng mình, dụi dụi hít hít cái mùi mà ảnh kêu là “mùi mẹ”. Mấy ngày nay ba đi công tác, ảnh được nhủi lên ngủ cùng mẹ. Cái bộ điệu của ảnh làm mình nhớ lại cái cảm giác y chang như vậy, mấy chục năm trước, con bé Quỳnh là mình hồi nhỏ cũng từng mê mẩn mà cuộn vào trong lòng mẹ, hít lấy hít để cái ‘mùi mẹ’ đặc trưng mà chắc đứa con nít nào cũng ghiền.
Tin Nhái bảo, tản văn trích Trong Lòng Mẹ là tác phẩm con thích nhất trong toàn bộ chương trình Văn học từ trước đến giờ con được học. Hơn cả trích đoạn Tôi Đi Học của Thanh Tịnh mà con vừa học tuần trước, dù con biết, đoản văn Tôi Đi Học nổi tiếng hơn Trong Lòng Mẹ nhiều. Mình nói, con cảm thấy như thế cũng không có gì là lạ. Bởi vì, vì mặc dù những câu văn xuôi trong Tôi Đi Học ấy đẹp như tranh vẽ: “…Buổi sáng mai hôm ấy, một buổi mai đầy sương thu và gió lạnh. Mẹ tôi âu yếm nắm tay tôi dẫn đi trên con đường làng dài và hẹp. Con đường này tôi đã quen đi lại lắm lần, nhưng lần này tự nhiên tôi thấy lạ. Cảnh vật chung quanh tôi đều thay đổi, vì chính lòng tôi đang có sự thay đổi lớn: Hôm nay tôi đi học”, nó gợi nên trong lòng người đọc một cảm giác của sự ấm áp, đầy đủ. Một đứa trẻ đến trường trong bàn tay dắt đi đầy yêu thương của mẹ, nó khác hẳn cái cảm giác đứa bé tủi thân nhào vào lòng người mẹ, gấp gáp cuống quýt ôm chầm và hít lấy hít để cái mùi đến là thân thương từ cơ thể mẹ, mà nó biết chắc rằng chỉ vài phút vài giờ nữa thôi, là lại phải xa nhau rồi... Mình xoa xoa đầu thằng con, nói con thấy không, có lẽ cái hạnh phúc lớn nhất trên đời của một đứa con nít là được bao bọc bởi sự ấm áp của mẹ của cha. Bởi vậy, con nên cảm thấy con thật may mắn, bởi vì không phải đứa bé nào sinh ra cũng hưởng được điều đó.
Nói thật, khi cậu con kể lại gần như thuộc lòng cái đoạn hai mẹ con cậu bé ấy được gặp lại nhau, trái tim mình thắt thắt, tâm trí tự nhiên chạy về một bài viết nhỏ mà mình đọc được, của một cậu em đồng hương hiện cũng khá thành đạt. Một gã đàn ông trông có vẻ mạnh mẽ, đôi khi bất cần đời đến vậy, vậy mà bữa đó làm mình chảy nước mắt khi đọc được cậu kể về thằng bé, là cậu ấy lúc nhỏ, cũng từng sống trong cái sự mỏi mòn chờ đợi người mẹ cậu quay về thăm mấy anh em cậu. Mình nhớ mang máng, cậu viết là mẹ cậu hình như cũng vì hoàn cảnh đi lấy chồng khác, lâu lắm mới về thăm cậu được một lần duy nhất. Cũng những đặc tả về cảm giác, về ‘mùi mẹ’, về cái nón mẹ đội cái khăn mẹ quấn..., mấy bánh trái mẹ xách về mấy anh em cậu ăn. Rồi mẹ lại đi. Và lần đó, là đi luôn thiệt.
Đứa trẻ nào rồi cũng sẽ lớn lên, trở thành những người trưởng thành. Nhưng những khắc khoải, thèm mong về sự gần gụi yêu thương trong vòng tay mẹ, về ‘mùi mẹ’… có lẽ sẽ còn theo họ đến suốt cuộc đời.
Nên, dẫu biết cuộc sống này mỗi cây mỗi hoa mỗi nhà mỗi cảnh, thật lòng vẫn thấy, với con nít, thứ quan trọng nhất có lẽ không phải là đồ ăn bổ dưỡng cơ thể và trí não, những đồ chơi sang trọng đắt tiền hay gia cảnh sống khang trang khá giả.

- Hình cách đây mấy năm rồi, hồi ở còn nhà cũ. Hồi đó mới tập tành vọc chụp selfie nên anh Tin Nhái chỉ còn nửa bên mắt
Quỳnh Hương Lê Đỗ
Nguồn: Fb Quynh Huong Le Do