Như một đứa trẻ, tôi nôn nóng chờ đợi chuyến đi xa này. Nghĩ cũng thật buồn cười, không phải đi du lịch, mà là đi công tác, nhưng sao tôi lại hăm hở đến vậy! Có lẽ vì đây là lần đầu tiên tôi được đi đến tận cùng đất nước, Mũi Cà Mau. Không hiểu sao, tuy chưa từng đặt chân đến vùng đất xa xôi ấy, nhưng tôi lại cảm thấy có gì đó gần gũi lạ lùng! Phải chăng vì bà nội tôi là con gái gốc gác xứ Cà Mau? Tôi không làm sao giải thích được cảm giác này, đành thôi suy nghĩ và tiếp tục sắp xếp hành lý.
Tôi rất thích công việc mà mình đang làm. Nó thỏa mãn sở thích đi đây đi đó của tôi. Tôi không ngại đi xa, không sợ mưa nắng. Tôi mê khám phá và cảm thấy những cuộc gặp gỡ tình cờ luôn làm tôi thích thú. Tôi tò mò không biết dịp này mình sẽ gặp ai, thấy gì, nghe gì và học được điều gì. Tôi tự hỏi có điều nào đó thú vị chờ đợi tôi trong chuyến công tác này không.
Lần này tôi đến thăm những người đang thụ hưởng dự án hỗ trợ của chúng tôi. Đó là những bệnh nhân phong nghèo, sống rải rác ở vùng sâu xa, chằng chịt kênh rạch của miền Cà Mau sông nước. Khi chưa gặp họ, tôi làm sao mà ngờ được những người kém may mắn đó lại có cuộc sống đầm ấm, an vui! Đến khi được tiếp xúc với họ rồi, tôi mới thấy thấm thía khi nhận ra rằng, chính những người bất hạnh ấy đã giúp ngược lại tôi hiểu ra được một bài học quý giá về tình yêu và sự hy sinh cao cả của nó. Câu chuyện tình yêu khó tin này cứ ám ảnh tôi suốt nhiều năm tháng…
******
Từ huyện, phải lặn lội mấy chặng đuờng gồ ghề bằng xe gắn máy, rồi tiếp tục đi đò, hết kênh lớn qua kênh nhỏ, cho đến khi không còn cách nào để đi. Chúng tôi ghé bến khi mặt trời gần đứng bóng. Sông nước mênh mông chỉ làm dịu đôi chút cái nóng giữa trưa nắng chói chang. Đi bộ một đỗi trên những bờ ruộng hoang vắng mọc đầy những cây dừa nước lúp xúp qua khỏi đầu, tôi mừng rỡ khi nghe anh bạn dẫn đường chỉ mái nhà tranh lấp ló trong màu xanh ngắt trước mặt:
- Nhà anh Mẫn ở phía sau đám dừa nước rậm rạp đằng kia.
Theo tay chỉ của anh Bân, nhân viên y tế xã, tôi thấy căn nhà nhỏ vách lá, mái lá, ngoan ngoãn ẩn mình trong đám dừa nước tươi xanh đầy những chùm trái nâu nâu, sậm sậm. Tôi hít một hơi thật sâu để cảm nhận hết hương vị tươi mát, trong lành đến quyến rũ của không gian yên bình ở chốn tận cùng này. Tự nhiên tôi có cảm giác như trở về nguồn cội, về với nguyên thủy của con người mà tôi chưa hề có. Tôi muốn mở rộng lòng mình, không ngại ngần để yêu thương tất cả.
Trong nhà vắng hoe, chẳng có một bóng người. Tôi tự nhủ: “Nơi đây không giống như ở Sài Gòn. Đi vắng không cần đóng cửa. Hy vọng chủ nhà trở về để mình còn có cơ hội gặp gỡ!”. Tiếng chó sủa gâu gâu vang lên trên cánh đồng yên tĩnh làm tôi ngoái đầu nhìn ra bờ ruộng phía trước. Xa xa, bóng một phụ nữ xăng xái đi về phía chúng tôi. Trên vai, đôi gánh có vẻ nhẹ tênh như không còn gì trong thúng. Anh Bân vui mừng làm tôi cũng hớn hở như một đứa con nít thấy mẹ đi chợ về:
- Kìa kìa, vợ anh Mẫn đã về! Chắc chị ấy gánh tôm, gánh cá đi bán cho bạn hàng ở ngoài chợ xã.
Người phụ nữ đó bước vào nhà. Vừa mở chiếc nón lá, vừa nhanh nhẹn chào hỏi khách:
- Ủa, anh Bân tới hồi nào? Anh không thấy nhà em sao? Chắc ảnh lui cui ở sau hè không nghe anh chị tới!
Rồi quay qua tôi, chị ấy mời thân thiện:
- Chị ngồi chơi uống nước, để em đi kêu nhà em vô!
Anh Bân tử tế đề nghị:
- Chị Mẫn ngồi đây nói chuyện với chị Diệu Huyền đi! Để tôi đi kiếm anh Mẫn giùm cho!
Tôi nhẹ nhàng quan sát người phụ nữ trẻ ấy. Nàng có vẻ nhỏ tuổi hơn tôi một chút. Không tới ba mươi, nhan sắc mặn mà. Nét đẹp hiền lành, chân chất mà tôi nhìn thấy cho tôi biết đây là một phụ nữ phúc hậu, hết lòng yêu chồng, hết mực thương con. Điều này khiến tôi tò mò, muốn trò chuyện cởi mở với người vợ, đầu ấp tay gối với người chồng bị bệnh phong, một căn bệnh đối với y học tiến bộ không còn là nan y nữa. Nhưng tôi biết trong đối xử của nhiều người, họ vẫn còn e dè vì những câu chuyện thêu dệt kỳ lạ về căn bệnh này. Hoặc là người ta còn bị ám ảnh khi thấy những di chứng để lại trên người bệnh nhân khi không được chữa trị sớm.
Sau một lúc hỏi thăm này nọ, tôi và vợ anh Mẫn vui vẻ nhận ra chúng tôi là đồng hương. Hai người con gái của xứ Thủ Dầu Một tình cờ gặp nhau ở nơi tận cùng tổ quốc, bỗng nhiên hóa ra thân thiết từ lúc nào không hay! Tôi thân tình hỏi thăm người phụ nữ trẻ đó:
- Làm sao mà em quen được với anh ấy khi kẻ ở Bình Dương, người sống ở Cà Mau?
Nàng ấy tự nhiên tâm sự:
- Ảnh đi bán chiếu ở trên mình. Tháng nào cũng đến cắm sào ở gần chỗ em buôn bán. Thấy ảnh hiền lành, cần cù; từ từ em thương ảnh hồi nào không hay! Đến khi ảnh biết mình bị bệnh, buồn bã và mặc cảm, ảnh trốn luôn ở nhà, không muốn gặp ai, thôi không đi bán nữa! Không thấy ảnh, em thương nhớ đến tương tư! Bởi vậy em đã khăn gói đi Cà Mau để tìm anh ấy. Em đã làm chuyện “cột đi tìm trâu” mà không biết mắc cỡ, chị ơi!
Nghe nàng kể, tôi ngạc nhiên tự hỏi không biết người đàn ông đang mang trong người một căn bệnh có sức hấp dẫn gì mà khiến nàng ấy bỏ qua lòng tự tôn để đi tìm anh, cho thỏa lòng mong nhớ! Anh ta có ma lực gì mà đã khiến nàng vui vẻ hy sinh tuổi thanh xuân để ở bên anh, nơi xa xôi cách trở này? Người đàn ông ấy có sức mạnh gì mà có thể truyền cho nàng niềm tin, vượt qua ám ảnh về bệnh tật và nghịch cảnh, tình nguyện ở lại bên anh cùng nhau chia sẻ hoạn nạn? Lòng nhiều thắc mắc khiến tôi tò mò hỏi tiếp:
- Chị xin phép hỏi em câu này, vì cũng hơi tế nhị, mong em đừng ngại!
- Chị nói đi, không sao đâu! Em nghe nè!
- Đến khi em gặp lại anh ấy, biết ảnh bị bệnh, em thấy sao? Anh ấy nói sao?
Tôi xót xa thấy vợ anh Mẫn rưng rưng:
- Ảnh xúc động lắm, nhưng kiên quyết không muốn giữ em ở lại với ảnh, vì sợ liên lụy đến em, sợ làm em khổ! Em lại càng thấy thương tâm và yêu ảnh hơn!
Tôi nghẹn ngào nhận ra người phụ nữ chân chất trước mặt tôi không chỉ có tình yêu chân thật mà còn có trái tim nhân hậu. Nàng không chỉ yêu khi anh ấy khỏe mạnh, mà ngay cả lúc biết anh ấy bệnh hoạn cũng không xa lánh, không bỏ rơi anh.
Rồi cũng có lúc giọng nàng ấy trầm xuống:
- Chị biết không, ảnh thấy em cực khổ, nên có lần đã buồn bã hỏi em: “có khi nào em thấy ân hận vì lỡ thương anh, một người bệnh hoạn mà còn nghèo khổ?”.
- Vậy em trả lời ảnh làm sao?
Nàng ấy lại mỉm cười, vẻ thẹn thùng khi thổ lộ với tôi:
- Em nhớ là mình đã nói với ảnh là em không ân hận mà còn hạnh phúc vì đã yêu bất kể bản thân. Em cũng chẳng hối tiếc khi yêu và được yêu… Em đâu có yêu lầm người… Anh ấy xứng đáng để em yêu thương và hy sinh trọn vẹn!
Nhìn nàng, tôi ngẩn ngơ tự hỏi: “Người đàn ông này đã phù phép gì mà thổi vào hồn nàng bài thơ tình lãng mạn, đã nhóm trong đôi mắt nàng ngọn lửa nồng nàn, khiến ánh mắt ấy luôn rạng rỡ tin yêu? Anh ấy có pháp thuật gì mà đã gieo vào tim nàng mầm tình yêu tươi tốt cho trái yêu thương bốn mùa ngọt ngào như vậy?”. Tôi lặng người vì không ngờ ở nơi tận cùng, hẻo lánh này, tôi bất chợt khám phá ra rằng vẫn còn tồn tại một tình yêu. Một thứ “tình yêu dâng hiến” trọn vẹn, chỉ có trong tiểu thuyết mà thôi!
Đến khi tôi thấy anh Mẫn tươi cười, hồn hậu từ bên ngoài bước vào, một tay bưng rổ cá lòng tong tươi chong, nhảy tí tách, một tay xách quày dừa còn rỉ nước mới tinh, tôi mới biết hạnh phúc đơn giản của đôi vợ chồng chất phác này thật không có gì so sánh được! Tôi xúc động vì chợt nhận ra mình đã có lời giải đáp cho những thắc mắc ở trong lòng.
Anh ấy ân cần mời chúng tôi:
- Mấy thuở gặp anh Bân và chị đến thăm, tôi mời anh chị ở lại dùng cơm đạm bạc với vợ chồng tôi. Thấy vợ tôi vui vẻ nói chuyện với chị, tôi mừng vui khôn xiết! Tôi cám ơn chị lặn lội đến thăm chúng tôi. Tôi cũng cám ơn anh Bân luôn quan tâm, giúp đỡ những người bệnh như tôi. Xin anh chị đừng từ chối tấm lòng của vợ chồng tôi!
******
Trên đường về, hình ảnh vợ chồng anh Mẫn quyến luyến bên nhau khiến tâm trạng tôi bồi hồi khó tả! Lời kể hồn nhiên của vợ anh Mẫn cứ văng vẳng bên tai:
“Anh ấy nói với em, ảnh nguyện yêu thương và chăm sóc em suốt đời để đền đáp ân tình của em. Kiếp nầy không xong, ảnh sẽ đền đáp ở kiếp sau! ”.
Câu nói ân tình của anh Mẫn làm tôi thấy vợ anh ấy như là một thiên thần, đã xuống trần gian để giúp anh ấy thoát khỏi đọa đày của bệnh tật. Nếu không có nàng ấy, tôi không biết anh Mẫn giờ này ra sao! Đau bệnh thể xác có thể chữa trị bằng thuốc men. Nhưng để có sức khỏe về tinh thần, có niềm tin vào con người, niềm vui trong cuộc sống thì chỉ có tình yêu thương kỳ diệu mới làm được mà thôi! Ân tình của nàng đối với anh Mẫn thật quá sâu nặng! Anh ấy nguyện suốt đời đền đáp cho nàng cũng phải mà thôi! Tôi mới hiểu ra tình yêu dâng hiến của họ là ghép lại của hai từ “ân” và “tình”. Có “ân” và “tình” mới suốt đời gắn kết bên nhau để yêu thương trong dâng hiến và cùng nhau đền đáp. Tôi cũng đã học được ở đôi vợ chồng bệnh tật, nghèo khổ này giá trị của tình yêu duy nhất, chân thành và tuyệt đối. Tình yêu này mới khiến người ta hy sinh tất cả cho nhau!
Tôi mừng cho anh Mẫn sắp hoàn thành phác đồ điều trị và gần như hoàn toàn bình phục. Tôi cầu chúc đứa con mà họ đang hân hoan chờ đợi sẽ chào đời mạnh khỏe, mang lại tiếng cười trẻ thơ trong ngôi nhà yêu thương ấy. Tôi mong cho gia đình anh Mẫn mãi mãi hạnh phúc, an vui.
******
Hôm nay trước cảnh cháu tôi và vợ của nó kiên quyết ly hôn vì chuyện tiền bạc khi đứa con mới được năm tuổi, nhìn tình yêu của đôi trẻ bị tan vỡ vì cám dỗ của cuộc sống xa hoa vật chất, tôi thấy nhớ mối tình dâng hiến của vợ chồng anh Mẫn hồi đó. Tôi tự hỏi bây giờ với cuộc sống vật chất trong thời buổi đảo điên mà người ta đang theo đuổi, chị ấy có thay lòng đổi dạ mà chê bai anh chồng nghèo khổ hay không! Hay là người chồng đã quên lời hứa của mình, phụ bạc vợ hiền, người luôn chăm sóc anh, cùng anh đối đầu với nghịch cảnh? Tôi không biết tình yêu của họ có bị chao đảo hay không; nhưng tôi vẫn tin vào hai chữ “ân” và “tình” không thể nào tách rời nhau được.
Tôi hít thật sâu để nhớ lại cảm giác ngày nào trên cánh đồng Cà Mau thanh bình ấy, tôi đã tưởng mình về lại với nguồn cội xa xưa. Nơi mà con người sống với thiên nhiên và hòa mình trong tình yêu thương, không gian dối và chẳng biết làm đau lòng nhau.
Hình ảnh xúc động về “bữa cơm tình người” hôm đó là kỷ niệm đẹp nhất trong cuộc đời đi làm việc của tôi, là bài học sâu sắc nhất về tình yêu và tình người, mà tôi cảm thấy không bao giờ lỗi thời.
Nét mặt hạnh phúc của vợ chồng anh Mẫn luôn ở đâu đó trong trí nhớ của tôi.
Đỗ Thu Hồng
Vichy, tháng 11/2019