
Xin hãy cứu lấy các em. (Photo: Johan Ordonez/AFP via Getty Images)
Ngày 16 Tháng Mười, 2020, một bé gái năm tuổi, ngụ quận Tân Phú, bắt chước theo một trò chơi trên YouTube, đã dùng vải voan treo cổ trong phòng ngủ. Phát hiện sau ba phút, gia đình ngay lập tức, đưa cháu đến bệnh viện. Thật đáng tiếc, dù được các bác sĩ ở Nhi Đồng I ra sức cứu chữa, bé vẫn không thể nào qua khỏi sau bốn giờ vật lộn với tử thần.
Thân nhân của bé cho biết, bé xem rất nhiều kênh Youtube khác nhau, trong đó có vài lần gia đình phát hiện bé coi những kênh có nội dung xấu, bạo lực, gia đình có khuyên bảo bé tắt và bé vâng lời làm theo. Họ cũng thừa nhận, tuy nhiên, gia đình cũng không thể kiểm soát hết.
Thật thương tâm!
Thương tâm vì không gì có thể đền bù được cho mất mát về con người, mà con người ấy lại là một trẻ em.
Tôi nhớ lại câu chuyện khoảng hai mươi năm trước. Kế nhà tôi có một cháu trai cũng năm tuổi. Một hôm, cô giáo lớp Lá đã cho gọi ngay ba má bé đến trường vì bé đã dùng một cây gậy (người lớn vô tình để trong vườn trường,) vào giờ ra chơi, phang vào đầu bạn cùng lớp làm bé bị nạn máu me đầy mặt, phải đưa đi cấp cứu.
Mẹ mang bé về nhà, mặt cắt không còn giọt máu, run giọng hỏi con: Sao con lại làm thế? Bé hồn nhiên trả lời: “Con thấy Tom lấy búa đập đầu Jerry đó, có sao đâu?”
Đến lượt tôi ngạc nhiên đến tột cùng. Đâu phải một mình bé trai năm tuổi kia xem phim Tom and Jerry, con tôi cũng xem, trẻ em trên toàn hành tinh này xem, nhưng đâu phải em nào cũng hành động theo như thế?
Tôi lại nghĩ thêm, chính vì vậy, trẻ em cần lắm sự theo sát của người thân, của cha mẹ. Vì hơn ai hết, các bậc này biết rõ tâm tính con em mình để mà kịp thời uốn nắn, điều chỉnh. Có bé hiền nhưng có bé hiếu động. Có bé nhát và có bé dạn dĩ, gì cũng dám làm. Làm cha làm mẹ là phải nhận ra ngay những đặc điểm, tính cách trẻ để tìm ra biện pháp giáo dục riêng, hầu tránh cho trẻ không trở thành nạn nhân cũng như vô tình gieo tai ương cho người khác… khi bắt chước, thâm nhập vào đầu óc… các chương trình giải trí dành cho chính tuổi thơ.
Ấy là tôi chưa nói đến những chương trình vô cùng kinh dị, ngày mỗi nhiều, ngày mỗi tràn lan… trên Youtube hiện nay.
Xin hãy cứu lấy các em, ngay từ bây giờ kẻo không còn kịp, kẻo không ân hận nào có thể lấy lại được không chỉ tâm hồn, không chỉ trí óc mà còn là sinh mạng, duy nhất, chỉ một, của các em, trong tích tắc.
Trẻ dưới mười tuổi, theo tôi, chúng ta được quyền áp dụng biện pháp cấm cũng như kiểm duyệt tất cả các nội dung giải trí của các cháu: Đọc, nghe, nhìn… Tuổi này, các cháu non nớt, chưa có khả năng tự đánh giá tốt xấu, chưa có trình độ để phân tích điều đó sẽ đem lại kết quả hay hậu quả, nên người lớn không thể chiều chuộng theo lối: Kệ nó, không sao đâu… được. Càng không thể nói, có khuyên nhủ, có khuyên bảo… và, có thấy bé nghe theo.
Nghĩ như vậy thì hời hợt quá, vô tình quá, và, không sớm thì muộn, những tai nạn, những điều thương tâm sẽ đến với chính mình, chính con em mình, lập tức, mà thôi.
Khuyên nhủ, chỉ có thể đối với các em đã phần nào bước sang tuổi thanh thiếu niên, có dấu hiệu trưởng thành, bắt đầu hình thành tư duy độc lập. Còn tuổi lên năm, lên ba, phải hạn chế tối đa có thể các giải trí phim ảnh, hạn chế tối đa việc bỏ các cháu một mình, trong phòng riêng, nơi mà mình tưởng đã là rất an toàn cho các cháu.
Trách nhiệm của chúng ta hết đấy, không chuyển giao, không chối bỏ được đâu, hỡi bạn bè, người quen của tôi ơi – những người được trân trọng và tin cậy gọi là người lớn, gọi là các bậc-làm-cha-mẹ.
Phạm Hiền Mây