Sau biến cố năm 1975 là phong trào Boat People rần rộ vượt biên đi tìm sự sống trong cõi chết. Họ ra đi mà một nửa trái tim còn để lại quê nhà.
Phong trào vượt biên đã làm rung động cả thế giới, đánh thức lương tâm những người ngoại quốc có nhận thức và thành kiến sai lầm về cuộc chiến Việt Nam. Nhờ vậy họ đã dang tay đón nhận người Việt tị nạn với tấm lòng rộng mở.
Từ bàn tay trắng với ý chí kiên cường, người Việt hải ngoại đã vượt qua mọi khó khăn lúc ban đầu, kiêu hãnh vươn lên và đã tạo nên một thế đứng vững vàng như ngày nay. Bàn tay và khối óc người Mỹ gốc Việt đang góp phần xây dựng sự phồn vinh của xứ Mỹ. Văn học Việt Nam đang đi vào lịch sử Mỹ.
Trước năm 1975, người Việt Nam không ai có ý tưởng bỏ xứ mà đi nói chi đến chuyện liều chết vượt biên. Thuyền nhân ra đi vì không còn lối thoát. Họ tức tưởi từ bỏ quê hương ra đi với trái tim tan nát, thề rằng sẽ không bao giờ trở lại cái xứ sở bất hạnh nầy ngày nào cộng sản còn thống trị ở Việt Nam.
Trong khi đó có những người tuy đã định cư ở ngoại quốc nhưng tâm hồn luôn hướng về quê hương. Có cụ đi lượm từng hộp lon bia, trồng từng luống rau dàn mướp bán kiếm ít tiền gởi về Việt Nam giúp con cháu đang đói khổ. Thương lắm những người anh, người chị đã hy sinh tuổi trẻ của mình, cặm cụi đi làm ngày đêm dành dụm đủ tiền để lo bảo lãnh gia đình sang Mỹ. Tội lắm những người chồng xa vợ, những người mẹ xa con, những đứa con xa gia đình chắt chiu, gom góp từng món đồ nhỏ nhặt để gởi về Việt Nam làm “Một Chút Quà Cho Quê Hương” *, gởi theo bao niềm thương nỗi nhớ, trong nước mắt nghẹn ngào.
Đó là chuyện ngày xưa, thời loạn lạc. Ngày nay thế sự đã đổi thay. Trải qua một cuộc bể dâu, chuyện xưa đã đi vào dĩ vãng. Thuyền nhân nay về hưu, an phận sống bên lề dòng chảy của xã hội đảo điên. Chân chùn gối mỏi, họ nhìn lại đời mình sao như một giấc mơ. Nhà cao cửa rộng, vật chất xa hoa không còn gì hấp dẫn nữa. Họ thấy mình lạc lõng như ngày nào vừa đặt chân đến xứ Mỹ. Cô đơn, họ có khuynh hướng quay về sống với nội tâm.
Trong cùng tận đáy lòng, họ thấy ray rứt như có một cái gì thiếu thốn, một khoảng trống vắng trong tim không thể nào khoả lấp được. Đó là khoảng trống của một nửa trái tim mà họ đã để lại quê nhà ngày ra đi biệt xứ. Nay họ muốn tìm về với nó, được sống lại với nó, sống thật với chính mình thuở xa xưa, bên vườn rau ao cá, với thửa ruộng mảnh vườn, bên cạnh các người thân. Đó là tình quê hương thiếu thốn, như đứa trẻ mồ côi thiếu tình phụ mẫu, cho đến bạc đầu vẫn thấy thiếu thốn tình thương. Họ mơ ước một ngày về, được tiếp tục sống với khoảng đời đã đánh mất, được sống trong giấc mộng hồi hương của nhạc sĩ Lam Phương:
"Tàu đưa ta đi tàu sẽ đón ta hồi hương, Tây Đô sẽ sống lại yêu thương" **
Ngày nào con tàu hồi hương rộn ràng đỗ bến, ngày ấy mới rõ mặt anh hùng, mới biết đâu là chính nghĩa. Những trái tim nóng bỏng, những khối óc sáng ngời của con cháu hậu duệ được ông cha hun đúc bấy lâu nay, sẽ rần rộ kéo nhau về cùng góp một bàn tay xây dựng lại đất nước. Những chiến sĩ Việt Nam Cộng Hòa dẫu đã ra đi cũng ngậm cười nơi chín suối vì biết mình không lãng phí một đời cho chánh nghĩa quốc gia. Hồn thiêng sông núi cũng khấp khởi reo mừng ngày hạnh phúc.
Họ không muốn gì hơn khi được một lần cùng toàn dân vỗ tay reo mừng ngày hạnh phúc, được hân hoan nhìn lại lá cờ vàng bay phất phới trên quê hương trước khi vĩnh viễn ra đi.
Có nhiều người biết rằng thực tế không cho phép họ thực hiện được ý nguyện của mình; họ nuôi dưỡng một giấc mơ, mơ ngày nào khi về với cát bụi được nằm cạnh những người thân, được cùng chia sẻ khói hương gia tộc, mớ tro cốt được rải trên đất mẹ để được gần gũi với quê hương. Ôi tình quê hương sao quá đậm đà thắm thiết. Quê hương làm sao mất một khi nó còn được ấp ủ trong tim. Đất nước mãi mãi còn đó đợi chờ ngày nào lá cờ vàng còn ngạo nghễ tung bay. Còn quê hương, còn đất nước, ta còn giấc mộng hồi hương.
Nhưng than ôi, thời gian không biết đợi chờ! Bao nhiêu người ôm ấp giấc mộng hồi hương phải bỏ lỡ chuyến tàu, ngậm ngùi ra đi trong nuối tiếc. Chuyến tàu hồi hương nay thiếu vắng thêm một bóng người, nhạc sĩ Lam Phương. Tuy người đã nằm xuống, nhưng con tàu mang tên người vẫn âm thầm vượt sóng ra khơi, hướng về đất phương Nam..
****
Chiều đã xuống từ lâu. Bao nhiêu lần mặt trời đã lặn. Mặt trời lặn rồi mặt trời sẽ mọc.
Những con chim già mỏi cánh vẫn còn đó, kiên nhẫn đợi chờ. Chúng đợi chờ con tàu hồi hương với cánh buồm lộng gió. Chúng đợi chờ ánh sáng bình minh bên kia bờ đại dương, nơi đó có mẹ Việt Nam ngày đêm trông ngóng những đứa con lưu lạc.
Gió lên, lạy trời gió lên…
"Chim có bầy"
"Cây có cội".
"Ta chẳng lẽ suốt đời lưu vong"? ***
Chú Chín Cali
Chuyến tàu hồi hương nay thiếu vắng rồi nhạc sĩ Lam Phương, một thiên tài âm nhạc, một nghệ sĩ khả kính. Người ra đi nhưng hình ảnh của người vẫn còn sống mãi trong trong trái tim ấm áp của người Việt Nam mọi nơi, mọi thế hệ, qua dòng nhạc bất hủ và tinh thần quốc gia kiên cường.
* Đề tựa một nhạc phẩm của nhạc sĩ Việt Dzũng.
** Trích từ nhạc phẩm “Chiều Tây Đô” của nhạc sĩ Lam Phương.
*** Trích từ nhạc phẩm “Gởi Người Ngàn Dặm” của nhạc sĩ Lam Phương.