User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
mua chay ngay an chay cong gia 2
 
Hàng năm, ở New Orleans có lễ hội Mardi Gras (Thứ Ba Béo – Fat Tuesday) trước Thứ Tư Lễ Tro của Công Giáo. Đây được coi như lễ hội ăn chơi thả dàn trước khi bước vào mùa chay tịnh. Lễ hội này có nguồn từ thời cổ sử La Mã, sau này được tín hữu Thiên Chúa Giáo hội nhập vào phong tục vui chơi trước mùa chay, mùa sửa soạn cho các ngày đại lễ tưởng niệm cuộc Tử Nạn và Phục Sinh của Đức Giê-Su. Dĩ nhiên là giáo hội Công Giáo không xem Mardi Gras là ngày lễ hội của đạo. Tuy nhiên, nhiều tín hữu Công Giáo xem lễ hội này là dịp cuối để ăn chơi trước mùa chay kiêng thịt.
 
Theo thông tin trên mạng của hội đồng giám mục Hoa kỳ, mùa chay khời từ ngày Lễ Tro (Ash Wednesday) và chấm dứt vào tối Thứ Năm Tuần Thánh (Holy Thursday). Trong Lễ Tro năm nay (2023), đức Thánh Cha Francis giảng mùa chay là cuộc hành trình “Trở về với sự thật, với bản thân mình, trở về với Thiên Chúa, và với người chung quanh.” Ngài cũng dạy trong mùa chay: “Chúng ta được khuyến khích đi theo ba con đường tuyệt vời: làm việc bác ái, cầu nguyện và ăn chay.”  Mùa chay kéo dài 40 ngày (không kể các Chủ Nhật).
 
Tại sao mùa chay của Công Giáo lại kéo dài 40 ngày? Có thể con số này chỉ là biểu tượng về một khoảng thời gian lâu dài. Tuy vậy, con số 40 là con số đánh dấu nhiều sự kiện lịch sử trong Kinh Thánh Công Giáo. Tôi chỉ nêu lên một vài thí dụ tiêu biểu cho con số 40: Chẳng hạn như sách Sáng Thế Ký của Kinh Thánh Cựu Ước kể câu chuyện về trận Đại Hồng Thuỷ kéo dài 40 ngày. Thánh Tổ Phụ Abram ăn chay 40 ngày để được nhận Giao Ước của Thiên Chúa, rồi Đức Giê-Su cũng vào hoang địa chay tịnh 40 ngày trước khi ngài rao giảng Tin Mừng Cứu Độ. Bây giờ là thời điểm tín hữu Công Giáo toàn cầu đang sống những ngày cuối của Mùa Chay.
 
Mùa Chay Kiêng Thịt
 
Nếu so với các tôn giáo khác như Hồi Giáo (Islam) và Phật Giáo thì việc ăn chay của người Công Giáo xem ra quá dễ dàng. Một năm người Công Giáo được kêu gọi ăn chay các ngày Thứ Sáu trong mùa chay, bằng cách kiêng không ăn thịt các loài thú trên đất cạn, nhưng được ăn các loài hải sản. Phật Tử thuần thành ăn chay không ăn bất cứ loại thịt nào. Tín đồ Hồi Giáo ăn chay nguyên một tháng, họ nhịn ăn, uống, và không ân ái từ rạng đông đến chiều tà. Bữa ăn tối của người Hồi Giáo trong mùa chay gọi là ifta, bữa ăn này thường được ăn chung với gia đình và bạn bè. Một người bạn hỏi tôi thế tín đồ Hồi giáo có được ái ân ban đêm trong mùa chay không? Câu trả lời là có, nhưng theo một nghiên cứu đăng trên tờ European Psychiatry, 2022 thì đa số tín đồ Hồi Giáo ái ân sau nửa đêm trong mùa chay, và nhiều sinh hoạt ân ái bị giảm thiểu trong mùa chay. Có lẽ cả ngày kiêng ăn uống nên kiệt sức, phải đợi vài tiếng lấy lại sinh lực. Thật ra thì tín đồ Hồi Giáo rất nghiêm túc trong việc ăn chay và cầu nguyện, ngoài 5 lần đọc kinh bắt buộc thường ngày, trong suốt mùa chay họ đến hội đường (Mosque) để cầu nguyện.
 
Gần đây tôi và vài bạn đi tham dự tang lễ mẹ vợ một người bạn ở một thành phố xa. Chúng tôi đi hai xe riêng; tôi và anh bạn một xe, còn hai cặp vợ chồng bạn khác đi một xe. Hôm ấy là ngày Thứ Sáu mùa chay. Anh bạn có mẹ vợ qua đời đã báo cho chúng tôi biết là sau nghi lễ phát tang và cầu nguyện, gia đình anh mời chúng tôi ăn tối ở một nhà hàng đồ biển. Nhóm bốn người bạn đi xe riêng là những tín hữu Công Giáo rất thuần thành và nghiêm túc. Họ kiêng ăn thịt, còn tôi và anh bạn đi chung, mải mê tán dóc trên đường, lúc vào nhà hàng ăn trưa, không hề nghĩ về ngày tháng nên mỗi người tự gọi cho mình một món quen thuộc. Bạn tôi ăn thịt bò, còn tôi cánh gà rán dòn và bia lạnh. Thật ra đây là hai món ăn rất bình dân. Ăn xong, bạn tôi giật mình bảo, “Chúng mình mà đi chung với bốn người bạn kia thì chắc chắn họ sẽ không cho phép gọi thức ăn trưa như hôm nay.” Đến tối, sau buổi cầu nguyện và đọc kinh dài, chúng tôi cùng đi ra nhà hàng đồ biển, tất cả những người trong nhóm là Công Giáo. Tôi thấy họ gọi tôm hùm, càng cua biển, tôm càng, rặt những món sang trọng và mắc tiền. Nếu ăn chay mà chỉ kiêng không ăn thịt thú vật, nhưng lại ăn những món hải sản sang trọng thì tinh thần chay chẳng còn ra thể thống gì. Việc kiêng thịt chỉ là việc làm giúp ta tránh làm những điều theo sở thích để nhắc ta trở về với chân thiện mỹ và sống sự tử tế với người quanh ta.
 
Mùa Chay Sám Hối Tật Xấu
 
Mùa chay cũng là thời điểm để người Công Giáo sám hối về những việc làm không tử tế. Người theo đạo Công Giáo phải tuân giữ điều luật là xưng tội và rước lễ ít nhất một lần trong mùa Phục Sinh. Các nhà thờ Công Giáo, nhất là nhà thờ Việt Nam, giáo dân đi xưng tội chật nhà thờ. Các linh mục chính xứ tổ chức nhiều chương trình xưng tội, có nhà thờ còn phải mời linh mục khách đến để giúp giáo dân xưng tội.
 
Hôm rồi, tôi đưa ông cụ 94 tuổi, bố vợ tôi đi lễ sáng ở nhà thờ Việt Nam gần nhà. Cụ muốn đến nhà thờ sớm để xưng tội trong mùa Phục Sinh, một việc làm rất quan trọng và cần thiết cho cụ. Việc đưa cụ đi càng ngày càng nhiêu khê, phần vì tuổi già chân tay yếu, phần vì mắt cụ đã quá loà. Cụ phải dùng xe đi bộ (walker) để giúp đi lại. Tôi dẫn cụ đẩy xe từ sân đậu xe vào nhà thờ; phải khó nhọc lắm cụ mới đến ghế ngồi chờ xưng tội. Trên ghế chờ có cặp vợ chồng trẻ rồi đến ông cụ. Có hai phòng giải tội bên sát cạnh nhau, nhưng hôm nay chỉ có một Linh Mục. Tôi ngồi bên cụ để chờ đến lượt sẽ giúp cụ vào phòng xưng tội. Bỗng nhiên có một ông lão khoảng hơn 70 tuổi, đi đứng nhanh nhẹn và mạnh khoẻ bước vội vã vào, không hỏi ai, ông đi thẳng vào toà giải tội không có người, quỳ xuống một lúc rồi đi ra lắc đầu ra hiệu không có Cha giải tội. Cùng lúc ấy, người phụ nữ ngồi trước ông cụ bố vợ tôi, bước ra từ phòng giải tội. Tôi giúp cụ đứng lên đẩy xe vào phòng giải tội, nhưng người đàn ông ấy đã vội lao đầu vào và đóng cửa lại. Tôi khựng lại một cách hụt hẫng, rồi giúp ông cụ ngồi xuống, khẽ bảo: “Mình phải chờ vì có người vào xưng tội trước rồi.” Sau khi người đàn ông xưng tội, vị Linh Mục bước vội ra nhìn tôi nói nhỏ: “Đến giờ lễ rồi, chú chờ sau lễ xưng tội nhá.” Người đàn ông giành chỗ đã biến mất. Tôi lặng lẽ giúp ông cụ sang dự lễ bên nhà thờ chính.
 
Việc xưng tội của người đàn ông đến trễ là việc tốt lành, nhưng tại sao ông đến sau mà lại giành xưng tội trước ông cụ bố vợ tôi? Điều này khiến tôi suy nghĩ lan man trong suốt thánh lễ. Lúc đầu tôi bực mình vì hành vi bất lịch sự của ông, và tự bảo chẳng lẽ người ta có thể tranh giành nhau cả việc đi xưng tội nữa sao? Để bớt bực mình trong thánh lễ, tôi tưởng tượng rằng ông ta, có lẽ, đêm qua đã phạm một tôi ghê gớm như đi chơi bời hay ngoại tình nên cần phải xưng tội ngay, như bệnh nhân cần vào phòng cấp cứu. Thật ra thì việc giành giật không nhường nhau xảy ra hàng tuần ngoài sân đậu xe trước và sau các Thánh Lễ Chủ Nhật. Có người phóng xe vội để chiếm chỗ đậu xe tốt, có người đi khoẻ như lực sĩ, nhưng lại đậu xe vào chỗ dành cho người giả cả, hay khuyết tật ngay trong sân nhà thờ. Lúc tan lễ cũng vậy, nhiều người cứ lái xe nhào ra cổng về, không hề nhường cho xe khác một phân.
 
Sắp hết mùa chay rồi, tôi phải sửa đổi lối sống để mình được làm người tử tế, bớt tính cà chớn, và bớt các tật xấu, dù rất nhỏ nhoi. Viết đến đây tôi nghĩ về lời ca trong bài thánh ca Kinh Hoà Bình của linh mục nhạc sĩ Kim Long, ông đã phiên dịch bài thơ bằng tiếng Pháp của một tác giả vô danh đăng trên tờ báo Công Giáo ngay trước Thế Chiến Thứ Nhất. Đến nay bài kinh này đã được soạn thành Thánh Ca bằng nhiều ngôn ngữ trên thế giới. Nếu người Công Giáo Việt Nam hát Kinh Hoà Bình Suốt mùa chay thay vì đọc những kinh dài lê thê thì tốt đẹp biết bao. Tôi ngồi hát một mình cho trái tim tôi nghe:
 
Vì chính khi thứ tha là khi được tha thứ…
Chính lúc quên mình là lúc gặp lại bản thân…
Vì chính khi hiến thân là khi được nhận lãnh….
Chính lúc chết đi là khi vui sống muôn đời…
 
Trần Thu Miên
(Tuỳ bút tâm linh, 2023)
 
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com