User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
dongsongLongHo
 
Tôi sanh ra vào năm cuối của thập niên 1940s tại Miền Tây Nam Việt trong một gia đình nghèo, nghèo lắm. Giờ đây đã quá tuổi thất thập với trên năm mươi năm xa quê và gần bốn mươi năm biệt xứ, nhưng mãi cho đến ngày hôm nay tôi vẫn và sẽ mãi nhớ về quê tôi, nhớ dòng sông Long Hồ nơi cất giấu tuổi thơ nghèo khổ của tôi trong suốt thời niên thiếu. Sông Long Hồ là một trong 14 con sông khá lớn trong tỉnh Vĩnh Long, trong đó có một số dòng sông quan trọng khác như sông Tiền, sông Hậu, sông Mang Thít… Sông Long Hồ bắt nguồn từ sông Cổ Chiên, một nhánh của Tiền Giang, chảy từ thành phố Vĩnh Long đến Ngã Tư An Đức, nay là huyện Long Hồ. Khi chảy đến Ngã Tư An Đức hay Ngã Tư Long Hồ, sông Long Hồ chia làm 2 nhánh: Một nhánh rẽ phải theo sông Cái Cau chảy đến ngã ba Xã Sĩ, một nhánh chảy vào xã Hòa Tịnh và Bình Phước của vùng Mang Thít. Sông Long Hồ dài khoảng 8 cây số, rộng khoảng 60 mét, và sâu từ 8 đến 15 mét. Ngay từ thời mở cõi, khi lưu dân từ miền ngoài vào khai phá vùng Dinh Long Hồ, cả người Việt lẫn người Hoa đã xây dựng hai bên bờ sông từ vàm sông về hướng Đông vài cây số rất nhiều đình miếu và chùa chiềng như ở gần Vàm sông Long Hồ có Thất Phủ Miếu, Minh Hương hội quán, Long Hưng hội quán, chùa Thanh Châu, đình Long Châu (sau được làm nơi thờ quan Phủ Hữu Quốc Công Tống Phước Hiệp nên còn gọi là Miễu Quốc Công, đã bị đập phá sau biến cố 20 tháng 4 1975), Miếu Bà Thiên Hậu, chùa Long Phước, đình Long Thanh, đình Long Hồ… Những cơ sở này được xây dựng bằng cây ván và lợp lá, nhưng sau nhiều lần trùng tu, hầu hết đều được xây dựng lại bằng những loại danh mộc vẫn còn tồn tại cho đến ngày nay.
 
Ngay từ thời mở cõi, sông Long Hồ là một trong những tuyến đường thủy quan trọng của vùng đất này. Bên cạnh đó, dòng sông còn giúp dẫn nước ngọt và phù sa về những cánh đồng màu mỡ nằm sâu bên trong cù lao Vĩnh Long. Quan trọng hơn cả, dòng sông này đã và đang luôn ôm trọn vào lòng cả một dòng chảy lịch sử của vùng đất mang tên Long Hồ hay Vĩnh Long nói riêng, và cả vùng Đất Phương Nam nói chung. Theo Đại Nam Nhất Thống Chí, phần Lục tỉnh Nam Phần, tập hạ, “dòng sông Long Hồ có nước ngọt quanh năm, chảy đến thì khuất khúc, chảy đi thì là đà, chảy ngang ra thì đi quanh co, tích tụ lại thì đứng trong trẻo, bốn mùa nước ngọt, quanh lộn trong các châu chử thôn lạc, có chỗ như lâm động, có chỗ thành vực đầm, nên gọi là Long Hồ. Chảy quanh trước tỉnh thành hiệp với Tiền Giang, hình thế như một hùng quan thiên tạm vậy”. Cũng theo Đại Nam Nhất Thống Chí, bên cạnh sông Long Hồ, quanh thành Vĩnh Long còn có những sông rạch khác như rạch Cái Cá (Ngư Câu ngày trước), phía sau thành có sông Cổ Chiên, trước mặt thành có rạch Cầu Lầu… Chẳng những sông Long Hồ đóng vai trò quan trọng trong chính trị, quân sự, mà nó còn là một trong những mắt xích trọng yếu trên đường giao thương giữa các địa phương trong tỉnh và khu vực Sài Gòn, Gia Định lúc bấy giờ. Chính vì vậy mà không bao lâu sau khi thành lập Dinh Long Hồ vào năm 1732, tại vàm sông Long Hồ đã thành lập một khu chợ, cũng mang tên Long Hồ (ngày nay là vùng Bến Đá thuộc phường 5, thành phố Vĩnh Long). Chợ Long Hồ ngày ấy hai mặt giáp sông (Cổ Chiên và Long Hồ), dưới sông thì ghe thuyền đậu đầy ở bến sông, còn trên bờ thì phố sá liền nhau chạy dài đến 5 dặm, hàng hoá đủ loại từ các nơi đưa về, khiến nó trở thành một trong những ngôi chợ lớn nhất trên vùng đất nầy.
 
Dòng sông Long Hồ còn là nơi chôn dấu tuổi thơ nghèo khổ của tôi với biết bao nhiêu là kỷ niệm. Khi Ba Mẹ tôi dọn về Vĩnh Long vào cuối năm 1958, ngoài chị Hai và tôi ra, anh em chúng tôi còn có Ngọc Minh, Ngọc Châu và Ngọc Sương. Khi đó, ông ngoại hỏi chị Hai có muốn về với Ba Má không? Chị Hai trả lời ông ngoại ngay: “Dạ, con phải về đặng giữ em với làm công chuyện phụ má chớ ông ngoại.” Ông ngoại liền xoay qua hỏi tôi, còn con thì sao? Tôi cũng trả lời ông ngoại giống như chị Hai: Con cũng về để giữ em và phụ làm công chuyện với chị Hai. Ông ngoại nói thêm, bộ bây hổng sợ thằng cha bây nó đánh bờm đầu sao? Chị Hai nói: “Con có làm gì đâu mà sợ hả ông ngoại?” Còn tôi thì nín thinh, nhưng trong lòng vẫn sợ bị đòn vì chưa biết đòn là cái gì, vì từ nhỏ đến năm chín tuổi ở với ông bà ngoại và mấy dì cậu có biết bị đòn là bị cái gì đâu.
 
Sau khi chị Hai và tôi về ở chung với Ba Má được vài tháng thì chị Hai quyết định nghỉ học luôn để ở nhà phụ với má buôn bán, lúc ấy chị chỉ là một đứa con gái khoảng mười tuổi đời. Lúc đó chị đang là một học sinh giỏi của trường Nữ Tiểu Học Vĩnh Long, từ năm lớp Năm (lớp 1 bây giờ) đến năm lớp nhì (lớp 4) năm nào chị cũng được lãnh phần thưởng. Vì thế mà sau khi chị xin phép nghỉ học, bà hiệu trưởng có vô tận nhà nói chuyện với Ba Má và bà xin được lo cho chị Hai đi học tiếp, nhưng chị Hai đã thưa với bà: “Thưa bà Hiệu Trưởng, chuyện nghỉ học là do con muốn nghỉ học để ở nhà phụ giúp má con buôn bán để có tiền nuôi dạy mấy đứa em. Tội nghiệp chị Hai, mới mười tuổi đầu mà phải bỏ học. Có lẽ vì chữ hiếu và cũng vì thương em út chính là nguồn động lực lớn giúp chị Hai lạc quan và vượt qua tất cả mọi khó khăn và thử thách. Dường như trong đời chị Hai, chị quên hẳn đi hạnh phúc riêng của chính mình để chỉ dồn hết nỗ lực lo cho em út và tương lai của chúng. Hạnh phúc của chị chính là thấy em út của chị luôn được hạnh phúc.
 
Rồi những năm sau đó, nhà ngày càng đông người mà thu nhập buôn bán của Ba Má ngày càng khó khăn. Má thì buôn gánh bán bưng, ba thì làm thợ mộc. Khi dọn về xóm Kho Dầu Cũ, nhà tôi có 5 chị em: chị Hai, tôi, Ngọc Minh, Ngọc Châu, và Ngọc Sương. Đến cuối năm 1959 thì có thêm 2 em gái và 1 trai nữa là Ngọc Mai, Ngọc Trước, Ngọc Đào (Mạnh) và Kim Hoàng. Chị Hai ngoài chuyện phụ má chuẩn bị gánh hàng, còn phải giữ em và tắm rửa cho em út, vì má đi bán từ sáng sớm đến chiều tối mới về, có khi đến nửa đêm má mới về. Riêng tôi, dầu lúc nào má cũng khuyên cố gắng học hành cho có chữ có nghĩa với đời chứ để dốt là cả đời phải cực. Má nói: Con ơi ráng học, dầu không làm ông này bà nọ, nhưng dẫu sao vẫn đỡ hơn dốt. Trong xã hội hôm nay, dốt cũng là một cái tội đó con ơi! Má nói thì nói, nhưng đến khi tôi thấy má và chị Hai quá cực, sau khi vừa học xong bậc Tiểu Học, tôi quyết định nghỉ học ở nhà phụ việc với chị Hai và má. Tôi nói với má: “Con bây giờ đã học xong Tiểu Học, chứ đâu có dốt, con bây giờ biết đọc biết viết và còn biết làm toán nữa kìa.” Má thấy trong xóm nầy, ngay cả mấy đứa bạn đồng lứa với con lại là con nhà khá giả như thằng Út con nhà ông Chín, thằng Phước con bác Năm Đặng đó cũng lần lượt nghỉ ở nhà để đi bán bánh mì phụ giúp gia đình, nhà mình nghèo, con nghỉ học đi bán bánh mì phụ giúp ba má là phải rồi. Má nói: Con nghỉ ở nhà rồi suốt đời con chỉ đi bán bánh mì thôi hả? Dầu tôi biết má nói có lý, và dầu má và chị Hai có cản tôi nghỉ học thế mấy, tôi cũng không thèm đi học nữa. Thấy tôi nghỉ học thật sự, chị Hai luôn tìm cách khuyên tôi đi học trở lại. chị nói: “Chị bỏ học để bị dốt là dữ lắm rồi, em mà dốt nữa thì coi như gia đình mình sụp luôn. Trong khi Ba tôi thì luôn thúc tôi ra tiệm mộc làm phụ với Ba. Tôi nói với Ba: “con nghỉ học là để phụ việc nhà và giúp chị Hai giữ em út, chứ con đâu muốn nghỉ học để đi làm thợ mộc đâu. Sau hơn một năm nghỉ học, tôi thấy má tôi ngày nào cũng khóc. Chị Hai thì nói: Thôi bây giờ em ráng đi học một buổi, buổi còn lại ở nhà làm công chuyện phụ với chị cũng được mà. Điều quan trọng là em phải đi học thì chị mới có bài vở đặng chị tự học ở nhà chứ! Hơn một năm sau, tôi thấy chị Hai và má nói có lý, nên tôi tiếp tục nộp đơn thi vào lớp Đệ Thất của trường Trung Học Tống Phước Hiệp, và đậu được hạng 6, nên mỗi năm vừa đi học mà vẫn được nhà trường phát học bổng cho 1.800 đồng bạc VNCH, năm 1962, một đồng Mỹ Kim ăn 76 đồng VNCH, như vậy số tiền lãnh học bổng cho một năm cũng khá lớn.
 
Đến cuối năm 1963, bác ba Tình thấy hoàn cảnh gia đình nhà tôi nghèo quá nên bác kêu Ba tôi và bán rẻ một tai lưới kéo, một tai lưới giăng, một bộ đăng và một chiếc tam bản bị gãy mũi. Ba quyết định mua lại và sửa chữa chiếc tam bản. Thế là từ đó, trong suốt thời gian Trung Học, từ năm 1962 đến năm 1968, mỗi đêm tôi và em Minh đều ra sông Long Hồ giăng lưới hay bủa đăng ở mấy vàm rạch nhỏ quanh đó, dầu có cực khổ hơn, nhưng gia đình chúng tôi cũng đỡ khổ hơn về mặt thực phẩm. Thú thật, ngày đó, tới trường học là tôi phải ráng mà thu lên đầu những gì thầy cô dạy ngay trong lớp, được phần nào hay phần ấy, chứ mỗi khi đi học về, quăng cặp xuống là phải giữ em, làm công chuyện phụ mẹ và chị Hai, rồi chiều đến là hai anh em chúng tôi phải chống xuồng ra sông Long Hồ để giăng lưới hay bủa đăng, nên chuyện có thời gian để học bài ở nhà đối với tôi là một thứ xa xỉ phẩm không thể nào mơ tới được. Đối với tôi, dòng sông Long Hồ không còn đơn thuần là tên của một dòng sông quen thuộc nơi Đất Vĩnh, mà nó là một báu vật, nơi cất giấu nhiều phần tuổi thơ cơ hàn của tôi. Bây giờ dầu đã nghìn trùng xa cách quê hương, nhưng làm sao tôi quên được dòng sông thân yêu ngày ấy. Tôi đã từng đi qua những dòng sông nổi tiếng như Sông Hằng ở Ấn Độ, sông Dương Tử ở Trung Hoa, sông Seine ở Pháp chảy qua Paris thơ mộng, sông Potomac ở Washington D.C., sông Colorado ở Arizona… Nhưng có lẽ với tôi, sẽ không và không bao giờ có bất cứ dòng sông nào đẹp như dòng sông Long Hồ, vì một lý do hết sức đơn giản là bởi vì Dòng Sông Long Hồ Là Nơi Cất Giấu Tuổi Thơ Cơ Hàn Của Tôi.
 
Hình 1-2-3-4: Hình ảnh dòng sông Long Hồ thời Pháp thuộc, ảnh Bulletin de Cochinchine 1920.
Hình 5-6-7-8: Hình ảnh dòng sông Long Hồ những năm 1960 đến 1970, ảnh internet.
Hình 9-10-11-12-13: Hình ảnh dòng sông Long Hồ từ Vàm sông đến vùng Văn Thánh Miếu, ảnh 2018.
Hình 14-15-16-17: Hình ảnh dòng sông Long Hồ vùng Ngã Tư An Đức (lỵ sở huyện Long Hồ ngày nay), ảnh 2018.
 
Người Long Hồ
Nguồn: Fb Trường Xưa Tống Phước Hiệp
 

Tìm các bài LỜI HAY Ý ĐẸP khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com