
Sáng ngày, vừa bước ra ngõ, mai trên cành một bông nở sớm đã nhoẻn miệng tươi. Ông cụ láng giềng, gốc ở Vĩnh Long đang kể say sưa cho các bà lão hàng xóm về cái Tết của miền Tây Nam bộ. Tôi vốn cũng là con gái gốc miền Tây nhưng sinh ra và lớn lên ở miền Đông. Hóng chuyện cười khì. Rồi thả lòng vào giấc mơ để sống với một miền quê xa...
Rồi đọc bài thơ của thi sĩ Nguyễn Sông Trẹm. Lắng lòng nghe hương Tết quê cha đất mẹ...
Ôi nồng nàn quá...
Đâu đây như thoảng vị tình yêu...
Khao khát tìm về...
Cùng bài thơ... tôi như đang đón Tết miền Tây:
Cho Tôi Về Lại Ngày Xuân Cũ
Cho tôi về lại ngày xuân cũ
Đồng lúa vàng ươm mới gặt xong
Nếp mới nhà ai rang cốm dẹp
Hương bay nhè nhẹ chớm vào xuân...
Tôi về nghe gió trên đồng vắng
Mùi rạ quyện theo khói đốt đồng
Lúa bó chất đầy trên sân nắng
Nghe tiếng nhà ai quết bánh phồng
Đêm ngồi vây quanh nồi bánh tét
Bập bùng ánh lửa ấm chờ xuân
Mùi hương của lá pha mùi nếp
Quyện cả niềm vui phút đầu năm
Đốt đống lửa rơm còn sương sớm
Quây quần bên mẹ nướng bánh phồng
Khói rơm hòa lẫn mùi bánh nướng
Thơm tiếng chèo ai khua nước sông
Cho tôi về lại ngày xuân ấy
Hương tết còn nghe thoảng đâu đây
Tôi như cánh chim trời bay mãi
Một ngày mỏi cánh, muốn về thôi !...
(Nguyễn Sông Trẹm)
Thi sĩ chắc cũng giống như tôi, xa quê lâu rồi?
Tôi xa quê từ khi còn ở trong ống quyển của ba tôi. Cũng khao khát tìm về. Chu du miền Tây cũng nhiều nhưng chưa bao giờ có dịp ăn Tết ở một địa phương nào trong ba vùng có cả quê hương nội và ngoại là: Mộc Hóa ( Long An), Chợ Gạo ( Tiền Giang) và Bạc Liêu.
Nhưng nhà thơ Sông Trẹm có diễm phúc là lúc nhỏ đã sống với hương Tết miền Tây. Thích thật đấy! Phải là người miền Tây mới đưa vào Thơ những hương vị của cốm giẹp, bánh phồng...
Chao ui... Thơm đến nồng mơ. Và có chút tưởng tượng: nếu thả hồn bay bay, trở bánh không kịp là thơm cả mùi khét luôn...
Bài thơ "Cho Tôi Về Lại Ngày Xuân Cũ" là một điển hình cho phong cách thơ của thi sĩ Nguyễn Sông Trẹm. Ngữ điệu Thơ anh luôn nhẹ nhàng, thân tình, ấm áp và ngôn từ chân phương, nhưng luôn rất ý tứ trong kể, tả và xưng hô...
Chỉ là "tôi" - đại từ ngôi thứ nhất quen thuộc của thơ anh. Nhưng "tôi" là một cá thể luôn hòa nhập với cộng đồng. Niềm vui, nỗi buồn và sự nhớ thương của anh mang dấu ấn của tất cả chúng ta. "Tôi" của anh và "tôi" của mỗi tâm hồn cùng hướng về Tết thật lãng mạn, nghi ngút khói mây...
Tết bắt đầu với những tín hiệu bản lề khi mùi lúa non vụ Đông Xuân thoảng đưa:
"Cho tôi về lại ngày xuân cũ
Đồng lúa vàng ươm mới gặt xong
Nếp mới nhà ai rang cốm giẹp
Hương bay nhè nhẹ chớm vào xuân..."
Mùi hương "nhè nhẹ" mà quyến rũ lạ lùng. Hương lúa non mới gặt thấm đậm mùi lửa của mẻ rang, chuẩn bị cho món ăn rất đặc trưng của miền Tây Nam bộ. Món cốm giẹp của đồng bào Khơ me đã đi vào Tết của người Việt một cách tự nhiên bổ sung thêm vị hòa hợp, yêu thương của bản sắc Đông Nam Á. Ngoài Bắc có cốm xanh, trong Nam có cốm trắng. Và cốm trắng ấy cũng là món ăn ngày Tết của các dân tộc trên bán đảo Đông Dương. Họ di dân, họ định cư cũng không quên món ăn được chế biến từ lúa nếp non rang đủ tới để giã cốm, kết hợp cùng các sản vật đặc thù của miền Nam: cơm dừa, nước dừa và đường thốt nốt...
À! thì ra cái thú thưởng thức hương vị tinh khôi trong hạt sữa của đất trời là một nét chung, rất chung của cư dân nông nghiệp lúa nước...
Cái "chớm Xuân" của ký ức nồng nàn ngày cũ dường như có cả dấu ấn của hình ảnh Xuân thì, mang bóng dáng ai đó.
Ừ thì Xuân của một thời đã xa! Bóng em, phải chăng bóng mơ đầy sức sống - cô gái ngực căng phồng, làm thoáng nhớ mùi thơm của bầu sữa đang tích tụ, ủ hương mẹ Đất. Ôi chao, mùi cốm của hương em hay hương trời? Tất cả hòa quyện, len nhè nhẹ, nhè nhẹ... phiêu thật!
Và sự phiêu du tâm hồn bắt đầu từ hương cốm rồi lãng du, nối qua một thứ mùi quen thuộc, rất đời thường:
"Tôi về nghe gió trên đồng vắng
Mùi rạ quyện theo khói đốt đồng
Lúa bó chất đầy trên sân nắng
Nghe tiếng nhà ai quết bánh phồng"
Bức tranh khói đốt đồng và quang cảnh miền quê hiện lên ấm áp. Cảnh làng xóm trù phú đáng yêu làm sao: "lúa bó chất đầy sân nắng". Thu hoạch mùa đầy sân nên nắng trời càng tươi vàng hơn. Trong cái mùi ngai ngái khói đồng của rạ, của bùn chợt âm thanh của nhà ai "quết bánh phồng" gợi hương lúa thơm tho đã cân bằng cho hương vị, khiến cái mùi khói găn gắt dường như hòa quyện với bánh phồng hóa thành hương tình yêu. Sở dĩ mùi hương ấy đọng lại đậm sâu vì nó phơi ra cả cái cảm giác thèm thuồng rất thật của trẻ thơ. Cảm giác hồn nhiên thèm bánh phồng - cái bánh nếp giòn rồi tan và ngọt ngào thấm trong đầu lưỡi. Kể cả khi lớn rồi nhớ mãi về âm thanh những ngày "quết bánh phồng" vẫn không thay đổi, bởi nó đã nhắc thèm cho ngũ quan tinh nhạy. Trong món ngon của trẻ, từ đời nao đời nào, những mùi vị thơm tho có cả hương thơm nồng mặn của mồ hôi. Sự liên tưởng về mùi còn tinh tế gói thương, gói xót cho người xa quê về sự vất vả của người làng mình... Và trong cái thương nhớ mùi bánh phồng, dường như có cả tâm trạng tràn đầy tự hào về nét đặc sản trong văn hóa ẩm thực của vựa lúa miền Tây. Người miền Tây hay bảo:
"Bánh tráng Mỹ Lòng, bánh phồng Sơn Đốc"
Hai địa danh nổi tiếng về bánh tráng và bánh phồng trong thơ thuộc về Bến Tre nhưng thật ra nghề làm bánh tráng và bánh phồng thì hầu như có mặt khắp hang cùng ngõ hẹp của miền Tây xưa. Nó chính là một nghề chân tay rất phổ biến của các mẹ và các chị. Nhất là vào dịp Tết, để có chút quà quê trao đổi với thị thành, người miền Tây sau khi thu hoạch vụ mùa đều tráng bánh, quết bánh vừa để dành ăn Tết vừa làm quà biếu và mang ra chợ bán đổi cá thịt, hoa quả ngày Tết. Tráng bánh xong thì thời gian đón Giao Thừa cũng cận kề. Tác giả đưa người đọc đi qua những bước chân của thời gian
"Đêm ngồi vây quanh nồi bánh tét
Bập bùng ánh lửa ấm chờ xuân
Mùi hương của lá pha mùi nếp
Quyện cả niềm vui phút đầu năm"
Trong hương lá, hương nếp có cả hương niềm vui ấm áp của trẻ thơ trông chờ nôn nao đón Giao Thừa. Niềm vui lóe sáng bập bùng theo ánh lửa của nồi bánh. Tết quê xưa rất vui. Không khí rộn ràng, rực rỡ. Mọi người quần tụ rôm rả hướng về Tết. Trong đoạn thơ, tác giả ngầm gọi niềm vui ngày Tết là một thứ hương thầm. Nó len lén, nhè nhẹ tỏa hương như các mùi hương của Tết. Nó không tồn tại ở dạng vật chất nhưng nó hóa thân trong hương lúa, trong ánh lửa trong sự thôi thúc của thời gian đếm ngược, dồn dập... khiến cái hương niềm vui thêm vỡ òa, lan rộng và thấm sâu trong hồn vào cái "phút đầu năm"...
Thật là ấm áp và hạnh phúc trong giờ khắc quê nhà đón Giao Thừa!
Sáng Mùng Một, cái yên ả của Tết nhà được khắc họa rất bình yên, rất ấm cúng. Thường là ở miền quê Nam bộ, mọi sự chuẩn bị tráng lệ uy nghiêm đều dồn hết cho phút đầu năm - lúc 0 giờ. Đó là giây phút ánh sáng và âm thanh nhân tạo dâng lên ở tột đỉnh cho không khí mùa Xuân. Đèn nhà thắp lên, pháo nổ đì đùng... khói hương nghi ngút đón ông bà về ăn Tết... để rồi sáng hôm sau mọi thứ rất yên bình trong sinh hoạt gia đình:
"Đốt đống lửa rơm còn sương sớm
Quây quần bên mẹ nướng bánh phồng
Khói rơm hòa lẫn mùi bánh nướng
Thơm tiếng chèo ai khua nước sông"
Yên bình mà tươi mới, xôn xao. Cái hạnh phúc quây quần bên mẹ ấm áp vô cùng. Bức tranh quê đẹp lạ lùng qua khổ thơ này. Trong bài thơ của tác giả Nguyễn Sông Trẹm, tôi yêu khổ thơ này nhất. Có lẽ ngay từ đầu, đọc bài thơ thì lòng tôi đã bị hút vào bức tranh Thơ. Bàng bạc ánh sáng huyền ảo của khói sương trong cái se se lạnh của một ngày đầu năm. Đất trời thanh tân bắt đầu từ niềm vui của gia đình hòa hợp và ấm áp. Cái không khí lạnh dường như bị xua tan từ bàn tay thắp sáng hạnh phúc của mẹ. Mẹ đốt lửa rơm sớm vừa sưởi ấm con, vừa thắp cả một niềm mơ về một năm mới tươi sáng, quây quần và yêu thương tràn ngập.
A ha... lại nướng bánh phồng?
Chả nướng bánh phồng thì làm gì?
Chính tập tục chọn tên để định danh cho năm mới đã khiến cảm giác ngon lành của bánh phồng càng tăng thêm hương vị ngọt ngào, thơm tho đến hút hồn. Phải nướng kỹ, nướng đều đủ lửa vừa tới để chúc một năm mới to phồng lên tròn đẹp như mặt trăng, như cái vầng sáng hạnh phúc đầy đặn hoàn hảo...
Giọng thơ mượt mà và gợi hình gợi cảm lắm luôn ở khổ thơ này. Những từ ngữ mộc mạc đến tận đỉnh của sự mộc chân: "thơm", "mùi", "đốt", "đống"... khắc họa Tết quê bằng đúng chất liệu phương ngôn càng làm tăng giá trị câu thơ, đoạn thơ và cả bài luôn. Diễn tả Tết quê phải là ngôn từ của quê, của máu thịt trong lời quê thì khi đọc Thơ ta mới thấy mình tan chảy trong tình yêu quê.
Rất trân quý những kết tinh của ngôn ngữ quê qua Thơ của anh Nguyễn Sông Trẹm ạ! Và hồn bạn đọc như đang khua mái chèo hành hương cùng sông nước miền quê đi chúc Tết bà con vào buổi sớm đậm hương tình:
"Khói rơm hòa lẫn mùi bánh nướng
Thơm tiếng chèo ai khua nước sông"
Chỉ hai câu này thôi là hồn người đủ ngất ngây trong niềm hạnh phúc đầu năm. Nó ấm áp làm sao! Nó thơm tho làm sao khi đưa đón cõi lòng trở về với sông nước. Con sông đời dài lắm, đi mãi cũng không hết. Nhưng nếu có một ngày trở lại Sông quê để lắng lòng trong tiếng chèo thơm nghe mùi bánh phồng quê hương... chắc là khóc mừng vì vui... sướng lắm!
Bởi yêu quê lắm lắm nên xa quê nỗi lòng tác giả, nỗi lòng chúng ta làm sao không khỏi bùi ngùi:
"Cho tôi về lại ngày xuân ấy
Hương Tết còn nghe thoảng đâu đây
Tôi như cánh chim trời bay mãi
Một ngày mỏi cánh, muốn về thôi!..."
Dương Hồng Diên- tháng 20/1/2019
Nguồn: Fb Trang Văn Chương Miền Nam - Dương Diên Hồng