“Cánh Hoa Thời Loạn” là một trong ba nhạc phẩm nổi tiếng của nhạc sĩ Y Vân viết về thân phận và tâm sự của người phụ nữ Việt Nam giữa cảnh chiến tranh tràn ngập quê hương hồi hậu bán thế kỷ 20.
Nhạc phẩm “Cánh Hoa Thời Loạn” của Y Vân. (Hình: Tài liệu)
Trong khi hai nhạc phẩm “Xa Vắng,” “Tình Chàng Ý Thiếp” lấy cảm hứng từ thi phẩm “Chinh Phụ Ngâm Khúc,” nguyên tác bằng chữ Hán của Đặng Trần Côn và do Đoàn Thị Điểm diễn ca qua thể thơ song thất lục bát (từ hồi giữa thế kỷ 18), thì nhạc phẩm “Cánh Hoa Thời Loạn” được Y Vân sáng tác vào năm 1965 và lấy cảm hứng ngay từ nỗi lòng của những người phụ nữ miền Nam Việt Nam giữa thời chính chiến điêu linh.
Đây là lời nhắn nhủ của người yêu gởi ra tiền tuyến cho các anh chiến sĩ, là những người tình từng phải rời bỏ mái âm gia đình và thôn làng mến yêu mà băng mình vào sương gió, sống trọn kiếp trai hùng, để lại những tháng ngày cô đơn, trống vắng cho người yêu bé nhỏ nơi hậu phương.
Những người phụ nữ Việt Nam, nhất là những cô gái ở Miền Nam Tự Do, nơi họ được trìu mến gọi là “phái đẹp,” luôn được ví như những cánh hoa tươi thắm. Và giữa lúc khói lửa chiến chinh do những người Cộng Sản gây ra đang bao trùm thế hệ và tàn phá quê hương mến yêu thì những loài hoa không vỡ, nở trong vườn yêu như thế đó lại càng phải được gìn giữ, nâng niu hơn cho trọn vẹn sắc hương.
Hỡi những người anh dấu yêu! Nếu có thương cho đời hoa của chúng em thì xin các anh hãy nắm vững tay súng mà giữ yên quê nhà, để chúng em khỏi lâm cảnh đời hoa tàn úa, ai còn mê say: “Như cánh hoa trong thời loạn ly/ Ai đem giông tố bao trùm thế hệ/ Anh nếu thương cho một đời hoa/ Thì xin giữ yên quê nhà.”
Những câu chuyện tình đẹp nhất trên trần đời qua bao thế hệ vẫn là câu chuyện của “người hùng và giai nhân” thời Trung Cổ đầy huyền thoại, khi những chàng trai nơi tiền tuyến ngày nay vừa xả thân bảo vệ quê hương vừa dang rộng cánh tay nghĩa hiệp ra che chở cho những tấm đời nhỏ bé được sống yên vui miền hậu phương: “Xin anh che chở/ Tấm đời nhỏ bé hậu phương/ Như câu chuyện tình/ Người hùng và giai nhân.”
Chắc các anh cũng hiểu rằng những cánh hoa phong kín đằng sau những hàng rào kẽm gai và bãi mìn kia luôn nuôi khát vọng được các anh đưa về nơi Vườn Địa Đàng của riêng anh mà chắt chiu, vun xới, để cho những đóa hoa hồng có dịp nở trong vườn yêu, cánh hoa lại tươi màu thắm, sắc hương nồng say: “Những cánh hoa hồng/ Bên hàng rào kẽm hầm chông/ Vẫn mong bàn tay/ Người đem tưới vun trong vườn…”
“Như cánh hoa trong thời biển dâu/ Xin anh săn sóc cho đời thắm màu/ Ôi nước non chia lìa vì đâu/ Nòng súng anh xây nhịp cầu.” Thật đúng như vậy, thân phận chúng em nào có khác gì những cánh hoa yêu giữa mùa tao loạn đang cần sự chăm nom, bảo vệ từng phút, từng giây của các anh, để chúng em có được những ngày thắm tươi bên đời Xuân mới, lòng đắm say bao niềm vui sống.
Chúng em luôn tin tưởng rằng, với nòng súng nhân đạo cứu người lầm than, các anh thừa khả năng và cơ hội đắp xây những nhịp cầu thương yêu, cho dù đất nước mình có bị ai đó nhẫn tâm chia cắt đôi đường…
***
Nhạc sĩ Y Vân, tên thật là Trần Tấn Hậu, sinh tại Hà Nội nhưng gốc người Thanh Hóa. Thời niên thiếu, ông từng theo học nhạc với nhạc sĩ Tạ Phước, nhờ đó ông có khả năng sáng tác nhạc từ hồi còn trẻ. Năm 1952, Y Vân lên đường vào Nam sinh sống, tiếp tục sáng tác, dạy nhạc và dạy đàn guitar.
Vợ chồng cố nhạc sĩ Y Vân lúc trẻ. (Hình: VNExpress)
Nghệ danh Y Vân của người nhạc sĩ có nghĩa là “Yêu Vân,” tức là yêu một tiểu thư cùng trang lứa, có mỹ danh là Vân, mối tình đầu tiên nhưng không thành của ông. Là một nhạc sĩ tiêu biểu của nền Tân Nhạc Việt Nam, từ cuối thập niên 1950 đến đầu thập niên 1990, nhạc sĩ Y Vân là tác giả của nhiều sáng tác bất hủ rất được ưa chuộng tại Việt Nam, trước cũng như sau năm 1975.
Ngoài ba ca khúc “Xa Vắng,” “Tình Chàng Ý Thiếp” và “Cánh Hoa Thời Loạn,” các sáng tác của Y Vân còn bao gồm những nhạc phẩm: “Ngoại Ô Đèn Vàng,” “Đêm Tái Ngộ,” “Xa Lộ Không Đèn,” “Ngăn Cách,” “Tôi Trở Về Thành Phố”… Y Vân còn là người nhạc sĩ đi tiên phong trong dòng nhạc nhẹ, với những ca khúc viết theo điệu chachacha, disco, twist, như “Sài Gòn,” “Ảo Ảnh,” “Thôi,” “60 Năm Cuộc Đời”…
Y Vân có hai đời vợ cùng tám người con, và có người em là nhạc sĩ Y Vũ. Nhạc sĩ Y Vân mất đúng vào năm ông 60 tuổi, vào ngày 28 Tháng Mười Một năm 1992, tại Sài Gòn.
Có thể nói nhạc phẩm “Cánh Hoa Thời Loạn,” sáng tác của Y Vân, là một trong những bài ca tâm lý chiến tuyệt vời của Việt Nam Cộng Hòa thời Chiến Tranh Việt Nam. Bài hát này, theo thể điệu boléro với nhịp độ nhanh vừa (moderato), tuy không dài lắm nhưng lại đầy những ca từ nhẹ nhàng, bóng bẩy và hoa mỹ, có khả năng chuyên chở những tình ý vừa sâu sắc vừa nồng nàn, như “cánh hoa trong thời loạn ly,” “giông tố bao trùm thế hệ,” “tấm đời nhỏ bé hậu phương,” “chuyện tình người hùng và giai nhân,” “bên hàng rào kẽm hầm chông,” “người đem tưới vun trong vườn,” “cánh hoa trong thời biển dâu,” “cho đời thắm màu,” “nước non chia lìa vì đâu,” “xây nhịp cầu”….
Khi nói “Cánh Hoa Thời Loạn” là một bài ca tâm lý chiến tuyệt vời tức là nói đến cái cung cách thực hiện cuộc chiến tranh tâm lý một cách nhẹ nhàng và đầy tính nhân bản của các cơ quan thông tin, dân vận, chiêu hồi, và chiến tranh chính trị của chính phủ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa, nhằm chống lại lề lối tuyên truyền vừa có tính cưỡng ép vừa có dụng ý hăm dọa của nhà cầm quyền và bộ đội Cộng Sản Bắc Việt. Quân, dân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa đều lấy Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm làm mục tiêu phục vụ nhằm bảo vệ quê hương. Trái lại, guồng máy cai trị và các lực lượng võ trang của Cộng Sản Bắc Việt lại luôn coi Đảng (Cộng Sản) và Bác (Hồ, Tôn) là các đối tượng mà họ phải luôn tôn thờ và tuân phục vô điều kiện trong suốt cuộc chiến tranh đánh chiếm Miền Nam Tự Do để giành lấy độc quyền cai trị đất nước cho đảng Cộng Sản Việt Nam.
Trong khi bộ đội Cộng Sản được các viên chính ủy dạy rằng phải “trung với đảng, hiếu với dân,” người lính Cộng Hòa được dạy cho lòng yêu nước và bổn phận bảo vệ quê hương khỏi kẻ thù xâm lược đang ra tay phá vỡ cuộc sống an lành của người dân. Trong khi người phụ nữ miền Bắc phải tham gia các hoạt động sản xuất để nuôi quân nơi hậu phương hoặc gia nhập các đơn vị “chiến sĩ gái” để trực tiếp tham gia chiến trận nhằm tiếp sức và bổ sung cho các đơn vị bộ đội bị hao hụt quân số sau những tổn thất trên chiến trường, người phụ nữ miền Nam thường được trân quý hơn, chủ yếu là ở lại hậu phương để chăm lo cho mẹ già, con dại hoặc đàn em thơ, tùy theo hoàn cảnh, bởi vì nền văn hóa Việt Nam Cộng Hòa luôn coi gia đình là nền tảng của xã hội, trong khi chinh chiến, trước hết, là nhiệm vụ của người trai thời ly loạn.
Các cán binh Cộng Sản phải cầm súng chiến đấu trong cuộc chiến tranh đánh chiếm miền Nam Việt Nam bởi vì nhà cầm quyền luôn dùng áp lực chính trị và kinh tế (qua việc cấp hoặc cắt “hộ khẩu” hoặc làm khó dễ người thân trong gia đình), còn các anh chiến sĩ Cộng Hòa tại Miền Nam Tự Do, ngoài ba đối tượng Tổ Quốc, Danh Dự và Trách Nhiệm mà ai cũng có nghĩa vụ phải bảo vệ, họ được chính phủ và quân đội tạo điều kiện để tô bồi tình yêu của mình đối với người vợ hiền nơi quê nhà hoặc người em gái nơi hậu phương. Người trai nơi chiến tuyến được nhắc nhở rằng, muốn thể hiện lòng thương yêu người vợ hoặc người tình nơi hậu phương, họ phải nỗ lực hy sinh chiến đấu nơi tiền tuyến để “giữ yên quê nhà” khỏi bàn tay quân xâm lược.
Khi cuộc Chiến Tranh Việt Nam kết thúc, nhiều người vẫn cho rằng miền Nam thua miền Bắc, một phần, cũng vì đường lối chiến tranh tâm lý của Miền Nam Tự Do kém hiệu quả so với sách lược tuyên truyền của Cộng Sản Bắc Việt. Nhưng thời gian đã cho thấy điều này chỉ đúng trong ngắn hạn mà thôi, bởi vì, về lâu về dài, nền văn hóa nhân bản của Việt Nam Cộng Hòa vẫn trường tồn trong dòng lịch sử dân tộc. Chiến tranh tâm lý của miền Nam chỉ nhằm thuyết phục con người hãy làm theo lẽ phải và chu toàn bổn phận của mình đối với đất nước, tức là chú trọng tới cái tâm của những con người có nhân vị được xã hội nhìn nhận, trong khi những lời tuyên truyền của Cộng Sản luôn đi đôi với bạo lực và sự hăm dọa để ép buộc con người phải tuân theo.
Nhạc sĩ Y Vân. (Hình: Tài liệu)
Âm nhạc không chỉ là một phương tiện giải trí mà còn là tấm gương phản ảnh nhân tình, thế thái, và, đặc biệt hơn nữa, là thước đo giá trị đạo đức của thời đại. Ngày nay, người dân thường từ thành thị đến thôn quê tại Việt Nam đang quay trở lại ôm ấp và trân trọng những di sản tốt đẹp của nền văn minh và văn hóa Việt Nam Cộng Hòa, tiêu biểu là những ca khúc boléro – trong đó có những bản nhạc Xuân – hiện đang được trình chiếu trên các đài truyền hình hoặc YouTube khắp nơi.
Được viết ra dưới thời Việt Nam Cộng Hòa, những sản phẩm của trí tuệ và tâm hồn này, kể cả ca khúc “Cánh Hoa Thời Loạn” của Y Vân, trong tương lai, xứng đáng được xếp ngang hàng với những câu ca dao cùng những khúc dân ca và những điệu lý, câu hò muôn thuở của dân tộc Việt Nam.
Vann Phan/Người Việt
Nhạc phẩm “Cánh Hoa Thời Loạn” của Y Vân
Ô… ô…
Như cánh hoa trong thời loạn ly (hum hum)
Ai đem giông tố bao trùm thế hệ (hum hum)
Anh nếu thương cho một đời hoa (hum hum)
Thì xin giữ yên quê nhà
Như cánh hoa trong thời loạn ly (hum hum)
Ai đem giông tố bao trùm thế hệ (hum hum)
Anh nếu thương cho một đời hoa (hum hum)
Thì xin giữ yên quê nhà
Ô… ô…
Xin anh che chở
Tấm đời nhỏ bé hậu phương
Như câu chuyện tình
Người hùng và giai nhân
Những cánh hoa hồng
Bên hàng rào kẽm hầm chông
Vẫn mong bàn tay
Người đem tưới vun trong vườn
Xin anh che chở
Tấm đời nhỏ bé hậu phương
Như câu chuyện tình
Người hùng và giai nhân
Những cánh hoa hồng
Bên hàng rào kẽm hầm chông
Vẫn mong bàn tay
Người đem tưới vun trong vườn
Ô… ô…
Như cánh hoa trong thời biển dâu (hum hum)
Xin anh săn sóc cho đời thắm màu (hum hum)
Ôi nước non chia lìa vì đâu (hum hum)
Nòng súng anh xây nhịp cầu.
Ô… ô…
Như cánh hoa trong thời biển dâu (hum hum)
Xin anh săn sóc cho đời thắm màu (hum hum)
Ôi nước non chia lìa vì đâu (hum hum)
Nòng súng anh xây nhịp cầu.
Ô… ô…