User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
Năm 1963, trên quê hương Việt Nam, một thanh niên vừa hoàn tất bậc Trung Học như bao thanh niên Việt khác. Vốn kiến thức của anh được căn cứ vào mười hai năm học theo một chương trình để lại từ thời Pháp thuộc, một chương trình tuy đã được nhiều lần sửa đổi, lúc thêm, lúc bớt, nhưng chưa bao giờ được duyệt lại toàn diện cho thích hợp với nền văn minh nhảy vọt của thế giới trong thế kỷ XX.
 
Năm 1970, anh trở thành một bác sĩ Quân Y để rồi những năm sau phục vụ ngoài mặt trận, ngành chuyên môn của anh, sau nhiều năm thụ huấn tại Đại Học và các bệnh viện ở đô thành, nay được trau giồi và tinh luyện thêm khi anh săn sóc thương binh ngoài chiến trường. Trước đó một năm, vào ngày 21 tháng 7 năm 1969, là sứ giả của nhân loại, phi hành gia Neil Armstrong đặt bước chân đầu tiên lên mặt trăng. Giấc mơ của loài người được lên Cung Quảng nhìn tận mắt chị Hằng đã được thực hiện.
Ở Hoa Kỳ và ở nhiều nước văn minh khác trên thế giới, ở những lớp Tiểu Học, các em bé đã từ lâu tập làm bằng giấy bồi và những quả bóng xốp buộc bằng những sợi dây nhỏ, những mô hình Thái Dương Hệ với những hành tinh theo thứ tự xa gần từ mặt trời. Sau chuyến bay lên mặt trăng của phi thuyền Apollo 11, Neil Armstrong được cử đi thăm viếng những nước bạn của Hoa Kỳ và đã ghé Sài Gòn, thủ đô của Việt Nam Cộng Hòa. Vào dịp đó, được đọc những thông tin phổ biến từ Tòa Đại Sứ Hoa Kỳ, chàng thanh niên nước Việt, nay là bác sĩ Quân Y Hoàng Xuân Trường, mới chợt nhận thấy những gì thiếu sót trong chương trình Trung Học nước nhà. Một trong những phần lệch lạc đó là môn Thiên Văn Học, trước kia được để trong năm học cuối cùng, nhưng không may mắn cho thế hệ của anh, đã bị bãi bỏ từ mấy năm trước. Với một chương trình học không đầy đủ, người thanh niên Việt, sau khi tốt nghiệp bậc Trung Học, có thể không biết được vị trí của địa cầu trong không gian, và trên trái cầu nhỏ bé trong vũ trụ vô cùng này, với kiến thức hạn hẹp, khi thời thế đưa đẩy mà anh phải ra nước ngoài để tranh đua với các bạn đồng nghiệp ngoại quốc, đứng trên một bình diện, chắc chắn anh sẽ bị thiệt thòi.
 
Nhưng bác sĩ Hoàng Xuân Trường đã tạo lại được thế đứng của mình giữa các bạn đồng nghiệp ở hải ngoại. Với bản tính hiếu học, kể từ ngày phải buông súng và sau mấy năm phải ở lại để được nếm mùi trại cải tạo, vừa tới được Hoa Kỳ, anh đã lao đầu vào sách đèn và dùi mài kinh sử, trước hết là để lấy lại bằng hành nghề bác sĩ Y khoa, và cùng một lúc để học những gì từ xưa anh vẫn khao khát được biết mà nay mới có phương tiện tìm hiểu. Từ gần hai thập niên qua, anh đã đọc thêm được bao nhiêu kinh điển, thấu triệt được thêm những điều gì, có lẽ chỉ mình anh biết được. Nhưng qua những bài anh đã viết và đăng trên sách báo, hoặc ký tên thật, hoặc ký dưới bút hiệu Hoàng Dung, và đặc biệt qua cuốn sách Chiến Tranh Đông Dương III nói về những cuộc chiến Hoa-Việt và Miên-Việt vào những năm 1979, do Văn Nghệ xuất bản năm 2000 và đã được độc giả nồng nhiệt đón nhận, thì ta có thể nói không những anh là một chuyên gia trong y giới, Hoàng Xuân Trường, với bút hiệu Hoàng Dung, nay cũng là một nhà trí thức, hiểu theo đúng ý nghĩa của danh từ này. Vì vậy, tôi không ngạc nhiên sau khi nhận được và đã đọc kỹ bản thảo cuốn sách Đi Vào Cõi Vô Cùng, viết về Thiên Văn Học anh mới viết và đang chuẩn bị cho in.
 
Hoàng Dung đã tìm tòi trong sách vở, đã đọc và nay đã có một hiểu biết thấu triệt về môn Thiên Văn Học, môn học ngày xưa không có trong chương trình Tú Tài của anh. Hơn thế nữa, không những anh đã học cho mình, mà còn học cho cả thế hệ của anh và cả cho thế hệ trẻ tiếp nối anh bằng cách trình bày thành sách một cách mạch lạc những gì anh hiểu biết về vấn đề này. Với ý nghĩ đó anh đã viết ra cuốn sách Đi Vào Cõi Vô Cùng và sau này chắc anh sẽ còn viết tiếp theo nhiều cuốn sách khác với cùng mục đích là chia sẻ những điều anh đã học hỏi và tìm tòi được với những người đọc sách viết bằng tiếng Việt.
 
Viết mấy lời giới thiệu cuốn sách này, tôi muốn nêu lên một khía cạnh là ít người có thể làm được, hay sẵn lòng làm những điều mà tác giả cuốn sách đã làm. Thứ nhất là người có thiện chí phải bỏ ra nhiều thì giờ tìm tài liệu để nghiên cứu và thấu triệt những vấn đề mình muốn hiểu biết. Sau đó lại cần có can đảm và kiên nhẫn để làm một công việc mà người đời thường gọi là một công việc bội bạc, là viết một cuốn sách tìm hiểu về khoa học khô khan cho một số độc giả hạn hẹp. Hoàng Dung đã có đủ kiến thức, đủ kiên nhẫn và can đảm để làm điều này. Hơn nữa, nhờ lòng say mê văn thơ và biết tận dụng sự hiểu biết của mình, anh đã đưa Thiên Văn Học tới người đọc như đưa ánh trăng tới Lý Bạch, đưa giấc mơ lên Cung Quảng tới Đường Minh Hoàng. Qua những trang sách anh viết, môn học về trời đất, tinh tú cùng giải Ngân Hà và vũ trụ bao la không còn phải là môn học khô khan nữa, vì theo tác giả: Đọc về Thiên Văn Học, chính là đọc về Thơ, về triết lý, về ý nghĩa của cuộc tồn sinh, trong đó thời gian đã hòa nhập với không gian, con người đã hòa nhập với vũ trụ.
 
divaocoivocung
Bìa trước và sau (Kệ sách Học Xá)
 
Cuốn Đi Vào Cõi Vô Cùng của Hoàng Dung viết thật dễ đọc và dễ hiểu. Anh đã để chen lẫn vào những trang sách giải thích những định luật vạn vật hấp dẫn làm căn bản cho sự chuyển vận các hành tinh, những câu thơ kim và cổ, trích dẫn ra từ những bài thơ đã có giá trị bất diệt với thời gian, để cùng một lúc gây thi vị cho người đọc, tác giả như muốn chứng tỏ rằng chân lý của khoa học và vẻ đẹp của thơ văn đều là những thứ gì vĩnh cửu đối với loài người. Lấy một tỷ dụ là trước khi bàn đến những phương pháp đo những chiều dài và rộng của trái đất, bắt đầu bởi nhà quản thủ thư viện Eratosthenes ở Ai Cập, anh đã đưa ra hai câu thơ của Hồ Xuân Hương để gợi hứng:
 
Giơ tay với thử trời cao thấp,
Xoạc cẳng đo xem đất ngắn dài
 
Những trang sách tả những chòm sao trong dải Ngân Hà cũng là những dòng lá thắm để tác giả thả trôi theo những câu thơ, từ những câu thơ bình dân được học từ thuở ấu thơ:
 
Buồn chông chênh chếch sao mai
Sao ơi, sao hỡi, nhớ ai sao mờ?
 
cho đến những câu thơ cận đại như của Huyền Kiêu tiễn Nhất Linh sang Tàu làm cách mạng:
 
Hiu hắt trăng khuya lạnh bốn bề
Ý sầu lên vút tới sao Khuê
Tất cả những điều căn bản cần thiết về Thiên Văn Học, để biết về chuyển động của trái đất, của mặt trăng và các hành tinh, những độ lớn và những khoảng cách giữa các thiên thể, để hiểu thêm về sự phân chia bốn mùa và thời tiết có ảnh hưởng đến đời sống thực tế của loài người, và đi xa hơn nữa về thuyết tương đối của nhà bác học Einstein và những giả thuyết về nguồn gốc và về tương lai của vũ trụ, cũng rất cần thiết cho cuộc sống tâm linh của chúng ta, đã được tác giả phơi bày trên hơn một trăm trang sách. Lời trình bày giản dị, viết bởi một bác sĩ y khoa, yêu văn thơ, chắc chắn sẽ mang lại thích thú cho người đọc, nhất là khi những trang sách lại luôn luôn được tô điểm đó đây, như những nét chấm phá thủy mặc, bởi những câu thơ của các thi sĩ cổ kim danh tiếng. Những hình vẽ thích hợp cho các trương mục mà tác giả sưu tầm được trong các thư viện vùng Hoa Thịnh Đốn, nay được trình bày lại trên những trang sách cũng làm thêm vui mắt người đọc. Lấy một thí dụ, ngay ở một trong những trang đầu, khi kể lại rằng ngành Thiên Văn đã xuất hiện rất sớm ở Trung Hoa, từ thời vua Nghiêu, tác giả đã trích lời ghi của Khổng Tử trong kinh Thư rằng vua Nghiêu đã sai hai họ Hi và họ Hòa quan sát sự chuyển vận của mặt trời, mặt trăng và tinh tú để tiên đoán cho dân biết về thời tiết và, cùng với lời trích dẫn, anh đã kèm theo tranh vẽ cảnh hai họ đang triều kiến để phụng mạng thiên tử.
 
Viết sách và trình bày một vấn đề khoa học như Thiên Văn Học như vậy, Hoàng Dung đã đưa hiểu biết lại cho đại chúng, theo đúng truyền thống Lạc Việt của các vị đại sư chúng ta khi xưa. Khi muốn quảng bá cho dân chúng biết rằng từ đời vua Nghiêu (2357-2256 trước Công Nguyên), vua đã sai hai họ Hi và Hòa làm lịch đặt ra tháng đủ, tháng thiếu, rồi có năm lại phải thêm tháng nhuận để cho ngày tháng năm, khi phân chia theo thời tiết và sự canh tác của người dân, phù hợp theo với sự chuyển động của mặt trăng và mặt trời, từ cửa miệng của những nhà nho thông thái đã đọc ra những câu phong dao thật bình dân:
 
Ai về trách họ Hi, Hòa
Nhuận năm sao chẳng nhuận vài trống canh
 
Câu phong dao được truyền miệng nhanh chóng và người dân quê ít đọc sách cũng biết công làm lịch đầu tiên của hai họ Hi và Hòa, cũng một phần nhờ ở câu hát nói đúng lên nỗi lòng của người thiếu phụ đương xuân những mong sao đêm dài thêm một vài canh để còn được nằm trong chăn ấm cùng chồng.
 
Tôi đã đọc cuốn Đi Vào Cõi Vô Cùng một cách thích thú và cùng với lời khen ngợi và chúc mừng thành công tới tác giả, tôi xin gửi lời giới thiệu thật nồng nhiệt cuốn sách tới độc giả.
 
Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh
 
Nguyễn Xuân Vinh
 
Nguồn: Đi Vào Cõi Vô Cùng
 
Thời Văn xb, USA 2001
 
Mục Lục
 
Tóm tắt nội dung ... trang 7
 
Lời giới thiệu ... 9
 
Dẫn nhập: đi vào cõi vô cùng ... 15
 
Chương I: đại cương về thiên văn học và những định luật vật lý căn bản ... 17
 
Chương II: những hành tinh trong thái dương hệ ... 41
 
Chương III: những vì sao và những chòm sao quen thuộc ... 59
 
Chương IV: thuyết tương đối không - thời gian bốn chiều của Einstein ... 75
 
Chương V: vật lý lượng tử và ý nghĩa thiền học của vật chất ... 93
 
Chương VI: chung cuộc những vì sao tiểu bạch, sao trung hòa tử và hố đen ... 109
 
Chương VII: vấn đề di chuyển trong thời gian ... 131
 
Chương VIII: nguồn gốc và tương lai vũ trụ ... 143
 
Ghi chú ... 157
 
Những trị số quan trọng ... 165
 
Những hạt điện tử đặc biệt ... 169
 
Sách tham khảo ... 173
 
Cảm tạ ... 175
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com