User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
caitrongty1Nhà thơ Cái Trọng Ty 
 
Dù cùng nơi cư ngụ với anh Cái Trọng Ty ở Houston cách nay đâu chừng vài ba năm, dù cùng có dịp cụng ly với anh vài ly rượu ấm hôm nào, dù cùng ngồi nhiều buổi cà phê Nguyễn Ngọ với anh trong những dịp cuối tuần, nhưng tôi chưa lần nào nghe anh kể về những bài thơ anh viết, những gian truân trong mỗi bước chân đời mà anh đã phải trải qua, cùng những trăn trở về những thời khốn khó mà anh đã có những ngày phải để hết tâm tư mình cố vượt qua nó! Anh thì điềm đạm, khiêm nhường, thích lắng nghe với nụ cười hiền, ít nói, càng làm cho người quen biết quanh anh càng khó nhận ra ở anh có một đời sống tâm hồn vô cùng phong phú qua thi phẩm “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển”(*) mà anh vừa mới cho chào đời hồi tháng 4 năm 2015.
 
caitrongty
Bìa thi phẩm “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển”
 
Thật thế, với tuổi trẻ như bao chàng trai cùng thế hệ, anh đã có một thời khoác chiến y với súng trên vai đi vào miền gió cát bụi mù… Và những ngày tuổi đôi mươi ấy có lần anh đã ghi lại vào một buổi chiều trên bãi biển Tuy Hòa (Phú Yên) với “cuộc rượu bốn người”:
 
“năm ấy ra trường về phố biển
trời Tuy Hòa màu áo trận buồn hiu
bờ cát vắng dấu giày saut sóng xóa
quán bên đường nhìn xuống biển mù khơi”

(Cuộc Rượu Bốn Người, trang 11)
 
Thế rồi, theo dấu binh lửa, ba người bạn của anh từ chiến trường Kontum xuôi về miền duyên hải cùng vui trong “cuộc rượu” ấy nay cũng đã tản lạc hết rồi, để anh ngậm ngùi ngồi ghi lại cái bi thảm của một thời chinh chiến cũ:
 
“soi mình một bóng trên đồi đá
ngọn nến võ vàng áo trận phai
màu nắng chiều vàng màu thuở đó
quán nhậu ngày mưa tìm ở đâu
ta về như nắng về xa lạ
thấy cả chiều xưa cuộc rượu tàn.”

(Cuộc Rượu Bốn Người, trang 11)
 
Rồi đời lính chiến ấy như mãi hoài làm anh nhớ lại những buổi quân hành, những chiều dừng quân, những lúc hiểm nguy, những lần thoát chết chỉ trong đường tơ kẽ tóc… Nỗi nhớ ấy mang trong anh biết bao địa danh trải dài suốt dãy đất miền Trung khô cằn qua từng nhịp thở của một người lính trẻ… Hết làng ven biển Lương Sơn với hàng dừa vi vu trong gió chiều của Nha Trang ngày nào rồi quay về Phan Rí Cửa, Tuy Phong  của Phan Thiết với gạo trắng hạt dài ngon cơm ngày mùa mới gặt; rồi lại ngược lên Sông Pha bên này chân đèo Ngoạn Mục với núi rừng cao nguyên chớn chở, nhìn về phía bên kia đèo cao vòi vọi, khách lữ hành nhìn thấy quận lỵ Đơn Dương của Đà Lạt nằm ẩn mình dưới chân đèo bao bọc bởi gió thông reo rì rào; và anh lại phải trở xuống miền xuôi để xuôi về Nam qua Mường Mán (Phan Thiết) vào những ngày binh lửa sắp tàn với sân ga một thời hiu hắt…
 
“Lương Sơn xa lắc đồi rỉ máu
ta ngựa cuồng quay quắt chiến trường xưa
đồng đội cũ đâu lưng từ nỗi chết
ngẫm chung thân cuộc thế phiêu du”

(…)
“rừng âm u còn vọng tiếng quân đi
khuya Mường Mán
đường qua Ga hiu hắt
đơn vị tàn
sông núi cũng tàn theo…”

(Tháng Tư Bẻ Súng, trang 7)
 
Khi binh lửa tàn, đơn vị lại tàn và sông núi cũng tàn theo để rồi cuộc tình cũng tan theo cùng dâu biển cuộc đời… Với hệ lụy bi thảm ấy của những ngày cuối tháng tư được tác giả ghi lại rất não nùng bi thiết:
 
“Em trồng một đóa hoa trên đá
vỡ nát tàn phai một cuộc tình
ngày ấy bên sông tàn nắng mật
chiều vàng rơi lại giọt thiên thu…”

(Tháng Tư Bẻ Súng trang 10)
 
Thế nhưng người lính chiến ấy với tâm hồn lãng mạn của một thi sĩ, anh không quên ghi lại những mối tình qua mỗi chặng dừng quân trên đường ra trận ngày nào:
 
“quê em tận đồng sâu heo hút
lúa mùa lép hạt gió Lào khô
sáng di quân quay quắt em nhìn
sau tay áo có lệ nhòa giấu kín
trong bụi mù bóng em đang trôi…”

(Tình Em Rau Đắng, trang 14)
 
Và rồi, với niềm riêng thổn thức trong lòng khi cảnh vật chung quanh tiêu điều, hoang phế đã làm anh chợt nhớ lại quê mình:
 
“đời rong ruổi rừng thâm u muỗi vắt
hắt nước sình gạn lọc nấu nồi canh
những gói cơm khô nhai hoài nhạt thếch
thèm bát canh chua. mẹ nấu chiều xưa
 
tình tôi một cánh chim trôi giạt
đáy ba lô mệt nhọc trĩu âu lo
chân bước xuống thuyền lính thú lên ngàn
nghe vượn hú nhớ vườn quê da diết
 
giữa đêm trăng non bãi gò hoang dã
lửa ma trơi nhòe nhoẹt gió đồng không
ngày lưới đạn đêm trói mù hỏa pháo
biết bao giờ em hỡi chút tình quê.”
(Tình Em Rau Đắng, trang 14)
 
Nhớ quê, nhớ Mẹ, và rồi người lính Cái Trọng Ty ấy lại nhớ bạn, nhớ đồng đội một thời nay đã ra người thiên cổ từ độ nào:
 
“đầm hoang chạy mãi về phương Bắc
đơn vị hành quân trục lộ Tuy An
chi khu cằn cỗi kề núi đá
thôn xóm đìu hiu đất triệt người
đường vắng chiều lên dốc Đại Hàn
trường sơn xa hút ngày sắp hết
nương rẫy nhà ai khói thở ra

đất sầu lạnh lẽo mờ hốc đá
quanh quẩn đồng chiều địch bắn nheo”
…..
“ngày đó đơn vị về biên trấn
Củng Sơn khí độc da xanh mét
bốn hướng trời tru
                          đất diệt người
bên kia Trường Sơn cọp gầm rú
chàng bơ vơ giữa núi rừng già
một tối qua đèo địch phục kích
xác nằm phơi suối độc sông sâu
chàng không về lại Nha Trang cũ
biển chiều nay đỏ quạch máu người
mẹ già mỏng như khói trà hôm sớm
xó rừng con của mẹ vùi thây…”
(Qua Đầm Thị Nại, trang 19-21)
 
Theo dấu chân nhà thơ, tôi cũng nhận ra trong từng địa danh anh dừng lại dường như nơi nào anh cũng để lại chút tương tư… Chẳng hạn như khi về Sông Mao, Chợ Lầu, Phan Rí thuộc vùng Phan Thiết, anh cũng có “những đêm trăng hoang dại” để thấy đời “bạc bẽo” mà nhớ hoài, nhớ mãi tới tận bây giờ như lúc nào bên anh cũng “có một mùa trăng xa như biển”:
 
“bữa đó giữa đồi khuya bát ngát
tôi theo trăng về muộn trước sân ga
nghe xa vắng còi tàu qua phố chợ
thân bọt bèo sống chết như chơi
dòng sông đục nước trôi mù mịt sóng
cuồn cuộn tai ương
                     đời bạc bẽo vô cùng
(Đêm Trăng Hoang Dại, trang 17)
 
Trong những ngày lang bạt theo những dấu chân những buổi hành quân qua khắp các vùng đất khô cằn ấy, người lính làm thơ Cái Trọng Ty ngồi nghĩ lại phận mình cùng thân phận tuổi trẻ của những người cùng thế hệ với anh mà đành buông tiếng thở dài “thiên địa bất nhân”, một lời trách mà cũng là một lời ta thán đất trời, với tôi, nghĩ cho cùng lời than trách ấy không lấy gì làm quá đáng:
 
“dòng sinh tử đang ập đùn ải bắc
cõi nhân quần chuyển động bến lao xao

chí cùn sức kiệt dài mơ ước
bão tố vần xoay thiên địa bất nhân…”
(Thiên Địa Bất Nhân, trang 22)
 
Qua những vần thơ vừa dẫn, hình như nhà thơ muốn nhìn lại mình thêm một lần để cạn tỏ những suy tư về mình, về tha nhân, về thân phận con người chẳng khác nào một chu kỳ giữa đến và đi qua những làn sóng nhấp nhô vỗ vào chân cầu chơi vơi giữa dòng nước mà mùa nào cũng chảy xiết:
 
“tôi qua cầu độ nhật
nhìn sông sâu nước chảy luân hồi
thấy tôi trôi
               cùng mây về với biển…”
(…)
“sóng nước vô hồi
              lạc mất biển về đâu
(Sóng Nước Luân Hồi, trang 30)
 
Với dòng nước chảy qua cầu không hề ngừng lại ấy, tác giả cũng phải nhận ra rằng sau những mùa chinh chiến tàn, dường như cũng đồng nghĩa với những ngày tháng dài dằng dặc phải qua những trại tù Trà Bương, Xuân Phước để rồi không dám hẹn một ngày về:
 
“tuyệt đường Kỳ Lộ lưu đày
kiếp tù thay vật kéo cày vỡ hoang
dấu chân mộ huyệt rũ tàn
xó rừng Xuân Phước gian nan nẻo về
 
xương tàn bóng ngả dài lê
rừng mai vàng kiếp người mê mải thừa
vườn Uyên phương ấy mùa xưa
nhớ người u ám nắng vừa khuất mây
 
tù ôm đất vỡ loay hoay
đời trong lao nhục lưỡi cày khổ đau…”

(Bên Dòng Trà Bương, trang 33)
 
Ai đã từng ở tù những ngày xưa tan tác ấy chắc sẽ nhận ra ngay những năm tháng thay vật kéo cày… cơ cực đến thế nào! Thế nhưng, trớ trêu thay, khi người lính được trở lại nhà thì lúc bấy giờ nhà thơ cũng phải chứng kiến bao cảnh đời đổ nát của những người chung quanh, trong đó có bạn bè mình, mà nghe như “khúc tù ca” còn âm ỉ mãi mãi trong lòng:
 
“ra khỏi trại tù ngỡ ngàng hụt hẫng
quê hương lầm than đoạn đời cơ khổ
tau gặp lại mày thời thân áo khố
những ân tình cứ đuổi bắt bơ vơ…”

(Khúc Tù Ca, trang 36)
 
Rồi nào là những cảnh đời ngang trái chung quanh hiện ra trước mặt như cảnh cha đau bại liệt, cảnh vợ con nheo nhóc, rồi cảnh người vợ lính ấy lại bỏ quê chồng về lại quê mình, Phan Thiết, thật chia cắt đoạn trường. Đứt ruột kẻ ở đã đành mà còn đau lòng người đi nữa! Quả thật hậu quả của chiến tranh thật bi thảm biết dường nào! Nhà thơ Cái Trọng Ty là người cùng quê với anh bạn một thời gốc Huế ở cố đô, anh thay bạn diễn tả lại nỗi lòng kẻ phải xa lìa vợ con giữa những ngày cam khổ ấy:
 
“Huế nắng Huế mưa nặng tình da diết
mày cô đơn chăn chiếu rộng một mình
bữa đói bữa no từng bữa mong manh
cha mẹ qua đời quê nhà tách biệt…”

(Khúc Tù Ca, trang 37)
 
Qua những ngày chinh chiến, qua những năm tháng tù đày nhưng dường như với người lính làm thơ như Cái Trọng Ty không phải anh không có “một thời để nhớ”. Một thời để nhớ ấy của anh thấp thoáng qua những vần thơ trong thi phẩm này:
 
“khi có em
ghé thăm ngày tháng mới
chốn không gian đi ngược với thời gian
những ước ao len lén chợt nồng nàn”

(…)
“đêm có muộn
trăng vẫn nhoài ra biển
ngày mai này chỉ tội nhớ nhau thôi

mối tình đó lặng câm thăng hóa
ủ kín bưng thuyền ngược sóng đời

…em đi qua đời anh tình khách lạ
đêm thu mình ôm kín mảnh tình riêng”

(Chỉ Là Mây Sao, trang 38)
 
Nhưng có lẽ nỗi buồn tê tái trong lòng người nghệ sĩ vốn giàu chất lãng mạn ấy chợt thấy bơ vơ giữa hiện tại và quá khứ, giữa hư và thực, như mây hợp rồi tan theo cùng với gió:
 
“tình chưa ấm từ son môi trìu mến
vói tay vừa bóng núi chạm bơ vơ”
(Chỉ Là Mây Sao, trang 40)
 
Với“Chỉ là mây sao” vừa kể hay chỉ là mộng tưởng trong mối “tình vọng tưởng” sau đây chắc cũng là những kỷ niệm một thời đáng nhớ ấy nữa của riêng tác giả:
 
“tình u mê làm loài chim bói cá
sóng đong đưa nghìn dặm kiếm tìm em

tình vọng tưởng chỉ là hương nguyệt mật
dẫu hân hoan cũng chỉ chốn riêng mình
eo gió đẩy hạnh phúc tròn đi mất

cội nguồn giờ cách biệt bóng chim xa…”
(Tình Vọng Tưởng, trang 42)
 
Trong thi tập Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển của Cái Trọng Ty một thời đáng nhớ khác nữa qua các vần thơ “Chuyến Đò Ba Bến”,“Tháp Hời Trăng Cổ Lũy”, “Sợi Nắng”, “Màu Thời Gian”, “Bèo Chơ Vơ Tiếng Sóng”, “Thư Tình Trên Cát”… Mỗi câu thơ qua những bài thơ ấy đều chuyên chở những kỷ niệm một thời, dĩ nhiên trong những niềm nhớ tưởng ấy có nỗi buồn man mác như gió chiều nhẹ thổi qua vườn nhà cũ mà nghe ra xao xuyến biết dường nào! Nhưng bài thơ “Mẹ” mà tôi được đọc có lẽ là niềm thương nhớ trong lòng tác giả vô bờ bến bởi lẽ trên cõi đời này không ai chiếm trọn trái tim mình bằng người sanh ra và nuôi nấng dưỡng dục mình từ lúc mới lọt lòng mẹ cho chí đến những ngày khôn lớn… Người con có hiếu ấy lại có một tâm hồn nghệ sĩ nữa thì tình thương mẹ tăng lên gấp bội phần qua những vần thơ chan chứa biết bao tình mẫu tử:
 
“đêm ấy giữa mịt mù sóng biển
con đã xuống thuyền
sinh tử đỏ đen
ngoảnh lại bờ xa
thấy lờ mờ phố nhỏ
Mẹ vẫn đứng ngồi dưới ngọn đèn khuya
thắp một nén nhang
trước bàn thờ Tiên Tổ
nguyện cầu cho con sóng nước bình yên…”

(…)
“đêm nay mưa ướt trong hơi thở
đêm đoạn đành
con phải vượt biên
thuyền giữa biển khơi
giữa hai lằn ranh giới
con chỉ muốn quay về hơi ấm Mẹ thôi
nhớ thương mà quay quắt trong lòng
đời Mẹ ngày một héo hon
nỗi mất còn tựa gió thu hiu hắt mỏng

thăm thẳm trong tim
ngọt ngào tiếng Mẹ
một đời con
con ve sầu chưa lột xác
nhặt nhạnh thu gom
những quá khứ hao mòn
tóc Mẹ ưu phiền thêm bạc trắng ra
như cánh buồm trong gió giạt mưa nhòa.”

 
Và đặc biệt với bài thơ “Có một mùa trăng xa như biển” mà tác giả đã chọn để làm tựa cho toàn thi phẩm này, quả nó có ý nghĩa riêng của nó. Cảm nhận về điều này người đọc bắt gặp trong lòng thi nhân dường như lúc nào cũng nhớ đến ánh trăng, chẳng những một đôi lần mà cả một mùa trăng, thì đủ biết lòng nhớ nhung của tác giả về những đêm trăng chốn cũ triền miên, khắc khoải biết dường nào! Mỗi bận mùa hạ về, mỗi lần chiều chầm chậm xuống nơi chốn xa xăm vời vợi nơi xứ người, kẻ lữ khách mới thấy lòng mình lạc lõng đến rã rời, và rồi nhà thơ lại nhớ đến mùa trăng trên ngọn đồi ngày nào mà cứ nao nao trong lòng:
 
“mùa hạ đêm về nhớ đồi trăng
lưu lạc hư hao chiều viễn xứ
khoát tay hú gọi dấu tàn phai
và gió cũng mong manh se sắt
mưa buồn ta lạnh tháng mười hai

quê nhà hạt bụi cay khóe mắt
trăng rụng hồ vụn vỡ dấu yêu

có một mùa trăng xa như biển
lênh đênh trôi mãi bến vô cùng…”
(Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển, trang 68-69)
 
Cũng chính từ “có một mùa trăng xa như biển” ấy mà hồn thi nhân cứ vấn vương hoài với biết bao những bóng hình thương nhớ một thời:
 
“bỗng thấy em bay trăng run rẩy
tôi đứng chờ ai núi rất xa
khói trắng nhà em phun mái lóa
là tôi khói trắng vịn quê nhà”
(Bản Quán, trang 94)
 
Nhưng nhà thơ cũng không quên có một mùa trăng không trọn vẹn thuở nào, để rồi chính mình lại hỏi cố nhân:
 
“vòng cơ nguyệt có điều gì khuyết tật
vòng đồng lương tuế toái chuyện nhân tâm
trăng đêm đó băng hà nơi cung cấm
áo hoài dung thoát vội cũng thăng đồng
hồn xa cách xót thương còn đắng mộng
em về đâu trăm nhánh chảy quanh đời?”
(Cơ Nguyệt Đồng Lương, trang 134)
 
Qua gần 172 trang sách trong thi tập “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển” của nhà thơ Cái Trọng Ty mà tôi vừa đọc được, có thể đúc kết lại thành một chuỗi thời gian dài tạo thành một dòng sống liền mạch trong tâm hồn anh qua “những ngày lính chiến – những lúc tù đày và một thời để nhớ” với những bài thơ đa phần làm theo thể tự do mà như dòng nước từ trong núi thẳm của cõi lòng anh với chút lãng mạn của người nghệ sĩ nó cứ rì rào tuôn chảy mãi hoài bất tận vậy! Dường như ở đó, thơ anh là tiếng nói của lòng anh đã đành mà nó còn cưu mang nỗi niềm của những người lính trẻ một thời với thế hệ của anh giữa những ngày mùa chinh chiến cũ nữa! Có lẽ chính vì cái nét ít nói rất dễ gần ấy khi tôi tình cờ đọc được những suy tư của anh về chiến tranh, về cuộc đời, về những kỷ niệm của một thời đáng nhớ với những trăn trở của người lính trẻ ngày nào cùng cách nhìn đời của một người già giặn của anh hôm nay qua thi phẩm này càng làm cho tôi cảm thấy thú vị biết bao! Hôm nay qua rồi bốn mươi năm cuộc chiến đã tàn mà chừng như nỗi niềm người lính-làm thơ Cái Trọng Ty vẫn canh cánh bên lòng “có một mùa trăng xa như biển” mãi hoài vậy!
 
 
Lương Thư Trung
Houston, ngày 29 tháng 11 năm 2015
 
Cước chú:
(*) Thi phẩm “Có Một Mùa Trăng Xa Như Biển” của Cái Trọng Ty
Do Thư Ấn Quán xuất bản, tháng 4 năm 2015.
Tranh bìa: Họa sĩ Đinh Cường.
Trình bày bìa: Phạm Cao Hoàng.
Layout: Phạm Văn Nhàn.
Sách dành biếu tặng.
 
 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com