User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
nhacblues 
Tôi không thể nói là tôi mê nhạc Jazz hay nhạc Blues. Loại nhạc này vẫn còn quá mới mẻ với tôi. Tuy nhiên, nhạc Blues, nhất là Blues cổ truyền, luôn làm tôi nghĩ rằng, có một vài nét tương đồng giữa Blues với dân ca Việt Nam, nhất là ở những bài hò khoan và ca dao.
 
Rất thận trọng, tôi không hề nói rằng nhạc Việt Nam chịu ảnh hưởng của nhạc Blues. Tôi cũng không đủ  kiến thức về âm nhạc để trình bày rõ ràng những chi tiết mà tôi cho là đồng dạng. Tôi chỉ nhìn thấy sự đồng dạng qua ca từ của nhạc Blues và các bài hò khoan và ca dao.
 
Blues là những bài dân ca của người nô lệ, họ hát hò đối đáp trong những lúc làm việc với nhạc cụ thô sơ, đàn guitar, đàn banjo hay gõ phách bằng xương sườn bò. Họ hát khi làm việc trong đồn điền, canh nông hay đốn củi phá rừng, hoặc là xây cất đường rầy xe lửa, những người nô lệ thường hát cho nhau nghe để giúp vui, quên mệt. Sau đây xin mời bạn nghe một bài Blues được hát trong lúc đốn cây rừng:
 
 
Và đây là một đoạn ca từ của bài hát Lightning Long John.
 
He long gone
He Long John
Brother John said
In Chapter 14
If a man live
let his sin be seen.
 
Tạm dịch:
 
Ông ấy đã đi rồi
Tên ông là Long John
Giáo sĩ John đã nói:
Trong kinh Chương 14
Nếu một người còn sống
hãy để tội lỗi của ông ta được phơi bầy.
 
Tôi đoán Brother John là một nhân vật được nhắc đến trong Chương 14 của Thánh Kinh. Bản nhạc này, khiến tôi liên tưởng đến những bài hò kéo lưới, hò giã gạo, của Việt Nam. Tuy lời hát của bài Long John Blues có vẻ xa lạ với dân ca, nhưng cách họ hát trong lúc đốn gỗ khá giống cách hò của người Việt. Rất tiếc tôi không có những bản nhạc Hò Giã Vôi hay Hát Giã Gạo để bạn đọc so sánh. Tôi vẫn còn mường tượng những bài hát trước năm 75 như Tiếng Dân Chài, Hò Leo Núi, là những bản nhạc được viết phỏng theo cách hò của dân ca.
 
Hò Giã Vôi
 
Hố hò hố hụi! Hố ô hụi. Xứ hụi hò khoan! Hụi hò khoan.
Lửa cháy núi lan! Hụi hò khoan.
A ngó lên, hụi hò khoan.
Lửa cháy núi lan.
Hụi hò khoan, a bạn ơi mà khoan đã.
Là hố ô khoan.
A lửa tàn. Hụi hò khoan.
Lửa tàn hãy hay. Hụi hò khoan![i]
 
Hát Giã Gạo
 
theo nhịp giã gạo, một người đếm, một người hát.
 
Bước vô (đôi mốt) cối gạo (một một hai) đồ đầy (hai đôi hài) hò chơi (đôi hai ba) đôi cối (ba đôi bà) sao gá gầy (đôi ba tư) lương duyên (bốn đôi bồn) đũa tre ((đôi bốn năm).
 
Cả hai bài hò đều được trích trong Ca Dao Nam Trung Bộ.
 
Blues thường là những bản nhạc hát về khổ đau. Xin mời độc giả xem một đoạn nhạc nói về nỗi đau đớn của người bị mất người yêu:                                                                                                          
 
Son House – “Death Letter Blues”
 
I got a letter this morning
How do you reckon it read
It said hurry, hurry
the gal you love is dead
 
Sáng nay tôi nhận được lá thư
Bạn có biết thư nói gì không
Thư nói, nhanh lên, nhanh lên
Cô gái anh yêu đã chết.
[…]
look like ten thousand
standing around the burying ground
You know I didn’t know that I loved her
until they began to let her down
 
giống như cả chục ngàn người
đứng chung quanh nghĩa địa
Anh biết không, tôi chẳng biết là tôi yêu nàng
cho đến khi người ta đưa nàng xuống mộ
 
Nhạc Việt Nam có biết bao nhiêu bài hát về sự chia tay và cái chết. Cái chết của người cùng dân tộc, như Bài Ca Dành Cho Những Xác Người của Trịnh Công Sơn:
 
“Xác nào nằm quanh đây, trong mưa lạnh này.
Bên những người già yếu, có xác còn thơ ngây.”
 
hay cái chết của người tình kêu khóc từ huyệt sâu của Phạm Duy “Đưa em vào huyệt đất sâu, đưa em vào huyệt đất sâu, một chiều thu mưa giăng âu sầu…” Hoặc cái chết của người vợ trẻ nơi quê nhà khi người chồng còn ở nơi chiến trường trong Những Đồi Hoa Sim. Đôi khi tôi ước gì có thể mở những tập nhạc Ca khúc Da Vàng được in trước năm 75 để xem khi viết những ca khúc này nhạc sĩ Trịnh Công Sơn có dặn dò hát theo điệu nhạc Blues không, bởi vì nhạc của ông có những bài hát theo kiểu thong thả, tự sự rất Blues. Thí dụ như:
 
Một buổi sáng mùa xuân,
Một đứa bé ra đồng
Đạp trái mìn nổ chậm
Xác không còn đôi chân
 
Ở đây tôi xin mở ngoặc xin lỗi độc giả vì thay vì chỉ giới hạn bài tản mạn trong phạm vi ca dao tôi đã đi lấn sang tân nhạc, một lãnh vực tôi càng mù mịt hơn. Nhưng trộm nghĩ đã gọi bài viết là tản mạng thì cứ tản mạng thôi.
 
Khi Charley Patton viết về cái khổ vì nước lụt trong bài: “High Water Everywhere”
 
Lord, the whole round country, Lord,
creek water has overflowed
I would go to the hill country
but they got me barred
Oh, women and children sinkin’ down
Lord, have mercy
I couln’t see nobody at home and
wasn’t no one to be found
 
Trời ơi, cả xứ cả miền
nước trong con rạch dâng tràn
Tôi muốn lên vùng đất cao
Nhưng bị người ta ngăn lại
Ôi đàn bà và trẻ con đắm chìm
Trời ơi, xin hãy đoái thương
Tôi không thấy ai ở nhà     
Và cũng không tìm thấy người nào cả.
 
Tôi tưởng tượng đến những cơn lũ lụt ở miền Trung và như đang nghe câu hát của Phạm Duy. “Trời hành, trời hành cơn lụt mỗi năm.”
 
Người nô lệ khi mới được trả tự do cuộc sống của họ rất nghèo khó. Các nghệ sĩ Blues thường rày đây mai đó để trình diễn. Người ra đi thường là đàn ông, và phụ nữ ở lại hay bị bỏ lại. Họ có những bài ca Blues bày tỏ lòng thương nhớ người ra đi. Thập niên của 1920 và 1930, các giọng ca nữ da đen hầu như thống lĩnh thị trường nhạc Blues. Sau đây là một đoạn trong bản nhạc Blues, Goodbye Mama Forever Blues, do ca sĩ Gertrude “Ma” Rainey trình diễn.
 
Here comes that train to take my man away
Here comes that train to take my man away
I’m gonna stay right here, he might come back some day
 
Chuyến tàu đến để đưa chàng ra đi
Chuyến tàu đến để đưa chàng ra đi
Tôi sẽ ở lại đây và ngày nào đó chàng sẽ quay về
 
và một đoạn khác cũng do Ma Rainey trình diễn, trong bài Honey, Where you Been So Long.
 
My honey left me, he’s gone away
I’ve had the worried blues all day
My heart is aching about that man
What makes me love him, I can’t understand.
 
Người tôi yêu rời bỏ tôi để đi xa
Tôi mang nỗi buồn lo suốt cả ngày
Trái tim tôi nát tan vì chàng
Điều gì khiến tôi yêu chàng thật tình tôi chẳng hiểu
 
Những câu hát này làm tôi nhớ ngay đến những câu ca dao như:
 
Tàu súp lê một còn trông còn đợi 
Tàu súp lê hai còn đợi còn chờ 
Tàu súp lê ba, tàu ra biển Bắc
Hai tay tôi vịn song sắt, nước mắt chảy ròng ròng 
Miệng kêu bớ chú tài công; khoan khoan, chậm chậm 
Vợ chồng tôi thôi đành ngàn dặm cách phân.
                                                                                        
Ai đi đường ấy xa xa,
Để em ôm bóng trăng tà năm canh.
 
Hay là,
 
Anh đi em ở lại nhà,
Vườn rau em hái, mẹ già em trông
                                                    
Sự đồng dạng của nhạc Blues với ca dao không nhiều, hầu như ngừng lại ở chỗ người đàn ông ra đi và người đàn bà ở lại khóc than thương nhớ. Nhưng những người phụ nữ Hoa Kỳ trong nhạc Blues thì chủ động hơn phụ nữ Việt Nam trong ca dao. Khi người đàn ông đi lâu không về, phụ nữ Hoa Kỳ (trong nhạc Blues) khăn gói đi tìm.
 
I’m dangerous and blue, can’t stay here no more
I’m dangerous and blue, can’t stay here no more
Here come my train, folks, and I’ve got to go (Ma Reiney, Travelling Blues)
 
Có khi người đàn ông trở lại nhưng người đàn bà không chấp nhận tình cũ, hoặc chính họ có hành động phụ bạc trước khi người đàn ông trở về. Người phụ nữ Việt Nam ít khi lên đường, họ ở lại quê nhà trông chờ héo hắt. Những câu ca dao người phụ nữ ở nhà chờ đợi thì nhiều. Họa hoằn mới có một đôi câu diễn tả sự lên đường của người phụ nữ.
 
Đói lòng ăn nửa trái sim,
Uống lưng bát nước đi tìm người thương.
 
Hay:

Ra đi muôn sự đánh liều
Mưa mai không biết nắng chiều không hay
 
Thật ra cũng khó mà xác định tiếng nói trong bốn câu ca dao này có phải là tiếng nói của người phụ nữ hay cũng là tiếng nói của một đấng nam nhi đang lên đường.
 
Bessie Smith, một trong những nữ ca sĩ danh tiếng chuyên hát nhạc Blues có bài hát Young Woman’s Blues nói lên sự suy nghĩ độc lập của phụ nữ trẻ.
 
No time to mary, no time to settle down
I’m a young woman and ain’t done running’ ‘round.
I’m a young woman and ain’t done running’ ‘round.
[…]
I ain’t gonna marry, ain’t gon’ settle down
I’m gon’ drink good moonshine and run these browns down
 
Tôi không có rảnh để lấy chồng, để an bài cuộc đời
Tôi là một cô gái trẻ chưa muốn ngừng cuộc rong chơi
Tôi là một cô gái trẻ chưa muốn ngừng cuộc rong chơi
[…]
Tôi chẳng muốn lấy chồng, chẳng muốn sống cuộc đời an bài
Tôi sẽ uống rượu nấu lén và tông xe vào mấy anh chàng da nâu.
 
Tôi tìm trong nhiều cuốn tuyển tập ca dao, yêu chồng, thờ chồng, thủ tiết với chồng thì nhiều, phụ nữ Việt Nam cam phận, chỉ biết xin xỏ van nài, chồng đi thì xin được đi theo:
 
Đi đâu cho thiếp theo cùng,
Đói no thiếp chịu lạnh lùng thiếp cam.
 
Hay là:
 
Lên non thiếp cũng lên theo,
Tay vịn chân trèo hái trái nuôi nhau.
 
Đọc ba bốn cuốn ca dao tôi mới tìm ra hai câu ca dao người phụ nữ Việt Nam có giọng điệu đe dọa người chồng, nếu chồng đi xa.
 
Chồng đi thì có chồng nhà,
Hơi đâu mà đợi chồng xa trở về.
 
Danh tiếng của nhạc Jazz và Blues vang khắp nơi trên thế giới. Ở miền Nam có nhà thơ Thanh Tâm Tuyền vinh danh nhạc Jazz bằng bài thơ Đen. Và một ngạc nhiên thật là thú vị, ngay cả trong lúc chiến tranh dữ dội, miền Bắc Việt Nam là kẻ thù của Hoa Kỳ thế mà nhà thơ kiêm nhạc sĩ Văn Cao, năm 1968 có viết bài thơ nói về nhạc Blues. Những câu những khúc nhạc xanh, những cung đàn xanh, có lẽ đã dịch từ chữ Blue(s). Dù người Hoa Kỳ cố phân biệt giữa màu xanh (blue) và nhạc Blue(s) bằng chữ “s” nhưng nhiều nơi, kể cả người Hoa Kỳ thường đánh đồng hai chữ “blue” với nhau
 
Gửi Các Bạn Da Đen
 
Tôi hiểu các anh quá ít
Một Hác-lem[ii] quen quen len vào trí nhớ
Đêm Nô-en tiếng kèn quán rượu
Đêm Hác-lem và men nhạc da đen
Những khúc nhạc xanh
Những cung đàn xanh
Xanh màu đêm quê hương các anh
Xanh màu mắt quê hương các anh
Xanh đôi tay đôi chân các anh
Những màu xanh những màu xanh lượn sóng
Những tiếng trống long lanh xanh xanh ánh lửa
Hình như những vì sao trên Mi-xi-xi-pi[iii] di chuyển
Đưa những diệu bu-gi u-gi[iv] đi mãi
Trên đất phì nhiêu Châu Mĩ la-tinh
Tấn bi kịch người da đen nước Mĩ sẽ đi đâu
Những người Mĩ da đen
Tự hào về màu da và tiếng hát
Sinh ra không được sống bình yên
11.4.1968
 
Trích trong Thơ Văn Cao, Nhà Xuất Bản Đồng Nai, trang 124-126
 
Không phải chỉ có một bài thơ Đen của Thanh Tâm Tuyền, tôi ngờ rằng bài thơ Cầm Dương Xanh của Joseph Huỳnh Văn cũng là một bài thơ nhắc đến nhạc Blues.
 
Ôi khúc cầm xanh sầu quí-phái
Đàn ai. ngăn-ngắt trời tây-phương
Xanh đoá hồn tôi xanh lá lệ
Trong vườn tôi xanh đẫm tinh-sương.
           
Ôi khúc cầm xanh
sầu quí-phái.
Mưa trầm xanh cầm mộ ngát xanh
 
Cầm dương xanh phải chăng là khúc nhạc Blues được trình tấu bằng dương cầm?
 
Nếu bạn đọc bảo rằng không thích nhạc Blues tôi hoàn toàn thông cảm. Không như ca sĩ Jazz diễm lệ và hào nhoáng, ca sĩ của nhạc Blues cổ truyền thường không đẹp hình đẹp dáng. Họ sống trong hoàn cảnh khó khăn thiếu chăm sóc đến bản thân đến độ nhiều ca sĩ chỉ còn lại một hai chiếc răng. Họ hát trong khung cảnh nghèo nàn hoang phế. Điểm đặc biệt của ca từ nhạc Blues không phải là những lời thơ bóng bẩy với triết lý sâu xa mà là câu hát đơn giản biểu lộ tình cảm chân thật từ tấm lòng. Có nhiều ca sĩ danh tiếng, nổi tiếng hát nhạc nào cũng hay, nhưng không thể hát nhạc Blues.
 
Nhạc Blues (và Jazz) trước khi bị người da trắng khai thác để làm giàu, là một lãnh vực các nhạc sĩ Blues tìm được sự tự do sáng tác và tự do trình diễn. Qua nhạc Blues các nhạc sĩ cũng bày tỏ được bất công của xã hội. Bạn đọc hẳn đã từng nghe bài Strange Fruit do nữ danh ca Blues Billie Holiday nói về tệ trạng kỳ thị người da đen và không thể nào nghe bài này mà không nghĩ đến bài ca người con gái da đen (Song for a Dark Girl) của Langston Hughes. Nhạc Blues phổ biến rộng rãi do bản chất tự sự, kể chuyện, lời ca đơn giản, được dùng để thổ lộ tâm tình. Những người lính Hoa Kỳ tham gia cuộc chiến Việt Nam cũng bày tỏ nỗi buồn của họ qua các bản nhạc Blues.
 
Để chấm dứt bài này, xin mời độc giả nghe Cassandra Blues hát về quan điểm của một ca sĩ đối với chiến tranh Việt Nam.
 
Mister President you always cry about peace, but you must clean up your house before you leave
Oh how you cry about peace, but you must clean up your house before you leave
How can you tell the world how we need peace, and you still mistreat and killin' poor me.
 
Kính thưa ngài Tổng Thống, ngài luôn kêu ca hòa bình nhưng ngài phải thu xếp chuyện nước nhà trước khi ngài không còn tại chức.

Ồ ngài kêu ca hòa bình, nhưng ngài phải thu xếp chuyện nước nhà trước khi ngài mãn nhiệm kỳ.
 
Làm sao mà ngài có thể tuyên bố với thế giới là chúng ta cần hòa bình, nhưng ngài vẫn đối xử tệ và giết chết một người khốn khổ như tôi.
 
[i] Ca dao Nam Trung Bộ của Thạch Phương và Ngô Quang Hiển biên tập.
 
[ii] Harlem
 
[iii] Mississippi
 
[iv] Boogie-Woogie
 
Nguyễn Thị Hải Hà

 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com