
Ông sinh năm 1953, đến năm 1972, năm của Mùa Hè Đỏ Lửa, năm của đại lộ kinh hoàng, năm mà, mảnh đất Cổ thành Quảng Trị, bị bom đạn hai phía, Tư bản, Cộng sản, làm vùng oanh kích tự do, là năm ông 19 tuổi, đã nói lời chia tay quê hương Quảng Nam, hành phương Nam, nói như thơ Nguyễn Bính, để, tìm khuôn mặt của số phận, để thoả chí giang hồ, của một gã thanh niên có dòng dõi thi ca.
Ông, sinh ra và lớn lên, dẫu chỉ 19 năm, ngày bỏ xứ, nhưng cái cuộc đất, cái nòi tình, cái thổ địa, mà nói như nhà thơ Phan xuân Sinh, cây cỏ cũng kêu trời, khiếu nại, là “bọn” làm thơ xứ hay cãi, những người làm thơ mọc lên, không còn đất cho loài cỏ mọc.
Điều này, thì tôi có một lý cớ khác, một hình ảnh khác, là, trong một họp mặt văn chương nào đó, nếu từ xa, ném một viên sỏi tới, thế nào cũng trúng đầu một ông xứ Quảng, không nhà thơ, cũng nhà văn hay nhà báo.
Tưởng cũng nên biết, ông, có một người cậu ruột, là nhà thơ, dạng không vừa, Thành Tôn, từ những năm đầu 1960, đã quậy nát chiếu văn chương vùng Vĩnh Điện, Hội An, bên cạnh những Luân Hoán, Hoàng Lộc, Phương Tấn, Vũ Hữu Định, Nguyễn Nho Sa Mạc….
Chúng ta cần lưu ý cho ông, kẻo quên là thiệt thòi cho ông, cũng là điều gây khó cho những nhà viết văn học sử nay mai, khi động bút đến nhà thơ, vì tồn tại, to be or not to be, mà ông phải Nín Thở.
Đó là năm 1972, năm ông thoát ly gia đình, không để đi làm cách mạng, như Dũng, trong Đoạn Tuyệt của Nhất Linh, mà là năm 1972, ông nói lời tạm biệt với vương quốc của những nhà thơ được sản sinh, vì, cái tương lai chưa biết, phía trước, để hành phương Nam, cũng như tổ tiên ông ngày xưa, nghe theo chúa Nguyễn, đã từ Nghệ An, hành vào Quảng vậy.
Vậy thì, hãy nhớ giùm ông, năm 1972, là năm bản lề, là mốc thời gian, là khởi đầu cho bước nhảy vọt, là bước ngoặt, của đời ông, Thụy, Nguyễn Hữu.
Và, năm 1972, làm sao Thụy quên, làm sao chúng ta không nhớ, 1972, cũng là năm bước ngoặt của chiến tranh Việt Nam, và hơn thế, nếu nói, trận chiến cổ thành Quảng Trị, là trận chiến mang tầm thời đại, thế giới, khi vũ khí tư bản, cộng sản đều đem ra thi thố, thử nghiệm, thì việc ông nhà thơ Nín Thở, bỏ xứ thi ca, ra đi, cũng là mốc thời gian mang tầm thế kỷ.
Và bây giờ, ngay lúc này, chúng ta, trước khi vào khảo sát, ngâm cứu, nội dung thơ bên trong, là gan ruột, là máu xương ông Nín Thở để làm thơ, chúng ta, ngoái nhìn, chằm chằm, dõi mắt vào áo thơ, cái bìa tập thơ, của gã bụi đời thi sĩ.
Cái áo thơ, bìa thơ, làm tôi sợ, hơn thế, là sự khiếp đảm.
Tôi đã làm thơ, tôi đã in thơ, tôi đã được bạn bè tặng thơ, nhưng chưa bao giờ tôi thấy một cái áo thơ, bìa thơ, ngộ nghĩnh, bạo tàn, hung hiểm, như lần này của ông Thụy.
Nó có chút gì đó, triết lý.
Nó có chút gì đó, hơi hướm thiền.
Nó có chút gì đó, chút Phật giáo, rất Thích Minh Tuệ.
Hãy đốt (quẹt) lên ngọn đèn, (que diêm) đừng ngồi đó nguyền rủa bóng tối.
Thụy, Nguyễn Hữu, thoạt đầu đã đốt hai que, nhưng vận mệnh chưa tới, số trời chưa chốt, cả hai que đều tắt ngúm.
Thi sĩ không bỏ cuộc, nhà thơ vẫn kiên nhẫn, ông chơi tiếp que diêm thứ ba, và, trời không phụ lòng ông, định mệnh đã nói với ông, mày đã thắng, cây diêm đã sáng rực rỡ, sáng chói lọi, sáng kiêu hùng, sáng ngạo nghễ…
Nó đứng thẳng, dũng mãnh, bên cạnh một Nguyễn Hữu Thụy, dũng mãnh không kém, song song với ánh sáng ngọn lửa que diêm.
Sẽ có người hỏi, Thụy đâu, cha nội.
Xin thưa, Thụy đây:
Bên cạnh, song song cây ánh sáng, là một Nguyễn Hữu Thụy đứng ngạo nghễ, thẳng, không nằm, như thường hằng.
Nguyễn hữu Thụy là từ vai tới chân, mà Nín Thở là cái đầu, Nín Thở.
Biết chưa, thấy chưa!
Hành động đó, hãy đốt lên ngọn đèn hơn là ngồi nguyền rủa bóng đêm, không triết lý, là thiền, đó sao?
Còn tính Phật giáo ư, chất Thích Minh Tuệ ư?
Hãy xem, thi sĩ chọn màu và tranh vẽ cho tập thơ, như một tiên tri, cho màu của chiếc áo của nhà sư Thích Minh Tuệ, đen, vàng, đỏ, trắng.
Nên nhớ, tập thơ Nín Thở ra đời trước hiện tượng TMT xuất hiện.
Tưởng cũng nên biết, trước Nín Thở, thi sĩ có tập thơ thứ nhất Hoa Tim.
Mà, Hoa Tim, cũng là một tên không quen, rất lạ.
Thường, người ta nói, tim thổn thức, tim thao thức, tim ấm ức.
Thường, người ta nói, tim ngục tù, tim rối mù, tim lù mù.
Thường, người ta nói, tim vụng dại, tim nghi ngại, tim xuội bại.
Tất cả, đều là tim tiêu cực, tim tiêu tán, tim nằm khám.
Nhưng ở đây, nhà thơ vinh danh cho tim, tìm vị trí mới cho tim, cho tim địa vị mang tầm, nhan sắc, là hoa: Hoa Tim.
Bây chừ, ngay giờ, ta đi vào cõi thơ của ông Nín Thở.
Thường hằng, tập thơ nào cũng vậy, nhà thơ nào cũng rứa, bài thơ đầu tiên, là lời chào hàng, là thực đơn giới thiệu, là nụ cười giao duyên, là cái bắt tay xã giao, là cái liếc mắt trao tình, là cái hẹn hò cho muôn sau.
Bài thơ khai mở cho tập Nín Thở là bài thơ có tựa đề Không Giống Ai.
Tên bài thơ thật thà quá, hiền lành quá, như bản chất con người nhà thơ.
Nó nông, không sâu, nó không xoáy trọng tâm vào người nhìn, người đọc.
Nếu nó là, phải là, Chân Dung Tự Họa, thì hay biết bao, mấy.
Hết sảy, hết biết, trên cả con cào cào.
Hết sảy con cào cào.
Nguyên văn bài thơ, mà ông đặt tên:
Không Giống Ai
Không giống ai- ta chỉ giống chính mình
Thằng trái tính khó ưa mà rất thiệt
Trái thời cuộc lâu ngày thành trái nết
Ít người thương mà đứa ghét lại nhiều.
Sách đắc nhân tâm chỉ dạy đủ điều
Ai làm được đã danh nhân hiền triết
Lại nghe nói “cái tôi là đáng ghét“
Nghiệm lại chính mình bù trớt cả hai.
Thấy đám ruồi bu mà ngứa lỗ tai
Nghe thở hơi đồng xốn con mắt đỏ
Trong suy nghĩ thắp treo mình đèn bảo
Tim- bấc sắp tàn vừa đủ tự soi.
Cứ sống chính danh dù biết lỗi thời
Như phần mềm nằm sâu trong bộ não
Khi được lập trình dưới tay tạo hóa
Ngay từ đầu lộn cái bị điên điên.
Cõi tạm dung đời có một cõi riêng
Ai thương ghét khác nhau thì đã rõ
Xin cúi xuống cảm ơn lời hỉ… nộ
Trong xa vời để ngó mảnh vườn rêu.
Bài thơ này, qua bài thơ này, ta thấy được, lục phủ ngũ tạng, cõi lòng nhà thơ.
Nhà thơ, qua bài thơ chào hàng này, như thế, ông đang đứng trước máy X Quang, cho đời thấy ông đang triển lãm cõi lòng mình.
Mà, cõi lòng như rứa, tê, trong buổi can qua, khi cả một cõi người đang im lặng, chỉ có nhóm ông thi sĩ Lý Đợi Mở Miệng, thì, chàng ta, nhà thơ xứ Quảng Nín Thở, không thể trách, là lựa chọn đúng thời và vận.
Nín Thở của Thụy cũng như cái Sợ, đã giúp nhà văn Nguyễn Tuân sống tới ngày, chính ông nói: “Tôi Sống Tới Hôm Nay Nhờ Tôi Biết Sợ”
Qua bài thơ này, qua vẻ đẹp rất ngầu của thi sĩ, tôi hiểu rõ hơn câu nói, “em bây giờ kinh tế ổn định, con cái lớn, vợ không càm ràm, nên em chỉ rong chơi và làm thơ”.
Điều này làm tôi không thể không nói: hoan hô, vạn tuế, muôn năm, gởi tới chị nhà, nàng thơ của nhà thơ.
Nếu ví thi phẩm Nín Thở là một sân vận động bóng đá, thì tác gỉa của nó, Thụy Nguyễn Hữu, là một cầu thủ bao sân.
Trong đó, thơ ông trải rộng, đều khắp, mọi mặt thế thái, nhân tình, là một bóng hình dấu yêu xưa, là chiến tranh, là một quê hương trong trí nhớ, là hình ảnh người cha, người mẹ, người em, là bước can qua thời kháng chiến, là con sông tắm mát tuổi thơ, là con đò của buổi hẹn hò.
Những suy nghĩ sau chót:
Thơ ông hay.
Hẳn nhiên là thơ ông hay.
Một người làm thơ trong nước, mà vươn cánh thi ca ra tới hải ngoại, để góp mặt trong các tạp chí hàng đầu của văn học VN lưu vong như Văn, Văn Học, Tân Văn, Hợp Lưu, là một dấu ấn lớn lao cho sự nghiệp thi ca của ông.
Tuy nhiên, thơ ông, chưa tạo được nét riêng, một cõi thơ lạ lẫm, độc đáo, đọc lên là gây ấn tượng ngay, biết liền, như Thụy Sơn, Vũ Hữu Định, My Thục, Trần Thị Cổ Tích, Phương Tấn, Gia Nguyễn, Thanh Đặng, Phan Xuân Sinh, Thái Tú Hạp…
Mà thơ ông, ở mức chung chung, same same, như Luân Hoán, Hoàng Lộc, Lê Nho Quế Sơn, Hà Nguyên Thạch, Tần Hoài Dạ Vũ, Thành Tôn, Nguyễn Nho Nhượng…
Đó là nói riêng trong lãnh địa song Quảng, chứ không nói tới miền Nam, như Nguyên Sa, Thanh Tâm Tuyền, Tô Thùy Yên, Du Tử Lê, Quách Thoại…
USA, 1/6/2024
Lê Mai Lĩnh