User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
yeuemhanoihat
hình trên net
 
I/
Sinh năm một ngàn chín trăm ba mươi hai tại Hà Nội, mười sáu tuổi, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn được gia đình cho sang Pháp học trường điện ảnh IDHEC tại Paris. Năm một ngàn chín trăm năm mươi tám, ông về lại Sài Gòn và làm cho hãng phim Alpha của Thái Thúc Nha. Ông từng là đạo diễn phim: Hai Chuyến Xe Hoa, Ngàn Năm Mây Bay, Nước Mắt Đêm Xuân, Xa Lộ Không Đèn.

Ngoài đạo diễn phim, ông còn là tác giả kịch bản với những vở kịch nổi tiếng và được trình diễn nhiều lần như Hà Nội Bốn Mươi Tám và Ly Nước Lọc. Không chỉ thế, ông còn là một ký giả, viết feuilleton cho các báo Đồng Nai, Tiền Tuyến, Hiện Đại. 
 
Từ năm một ngàn chín trăm sáu mươi lăm đến năm một ngàn chín trăm bảy mươi tư, ông làm giám đốc đài phát thanh Đà Lạt. Năm một ngàn chín trăm bảy mươi chín, ông quay về Pháp. Năm một ngàn chín trăm tám mươi mốt, ông định cư tại Mỹ và mất năm hai ngàn không trăm lẻ sáu tại San Jose, Hoa Kỳ.

Ông viết nhiều thơ, nhưng do ông chỉ viết rồi đăng báo, không in sách nên sau này bị thất lạc cũng không ít. Tập thơ Yêu Em, Hà Nội Và Những Bài Thơ Khác là công trình sưu tập của Hoàng Lưu Thu Thuyền, con gái ông.

******
II/
Hoàng Anh Tuấn làm thơ rất sớm. Năm mười bốn tuổi, ông đã có thơ đăng trên Tiểu Thuyết Thứ Bảy. Qua Pháp, ông từng in tập thơ Về Provins như các bạn của mình, Nguyên Sa với tập thơ Hy Vọng, Đỗ Long Vân với tập thơ Người Em Sáng Trong Cô Độc vào những năm một ngàn chín trăm năm mươi hai.

Nhiều người từng cho rằng, thơ Hoàng Anh Tuấn sánh ngang với thơ Đinh Hùng và Nguyên Sa. Nhưng với Hoàng Anh Tuấn, một con người vui vẻ với cuộc sống và chẳng gì là quan trọng trong đời này, ông hay bỏ dở dang những công việc mà ban đầu, ông say mê theo đuổi. Thơ cũng vậy. Ông, thậm chí, cũng chẳng còn nhớ những bài ông đã viết. Nhiều người thích thơ ông, thuộc thơ ông, gặp ông, họ đọc lại cho ông nghe, ông chỉ cười, hỏi lại, đó là thơ của tôi ư.

Ông lấy bà Ngô Thị Liên, là du học sinh tại Pháp về ngành Dược và có với bà sáu người con. Người con gái thứ của ông bà là nhà văn Hoàng Lưu Thu Thuyền, là một người chị thân thiết của tôi. Tôi thương mến chị về sự hiền lành. Tôi tôn trọng chị về trình độ, kiến thức, nhân cách. Chị vui vẻ, hồn nhiên, nồng nhiệt, và cũng xem đời nhẹ tựa như tơ. Tánh cách ấy, tôi nghĩ chị thừa hưởng từ ba chị, nhà thơ Hoàng Anh Tuấn tài tử, phong lưu.

Và, rất mực tài hoa. Và, rất mực hào hoa.

******
III/
Ngoài tập thơ Yêu Em, Hà Nội Và Những Bài Thơ Khác là công trình sưu tập của Hoàng Lưu Thu Thuyền, con gái ông, trên trang Thi Viện, tôi thấy còn bốn mươi chín bài thơ khác của ông nữa.

Thơ ông viết, có nhiều thể loại khác nhau, từ thơ có vần cho đến thơ tự do, bài nào cũng hay. Dưới đây là bốn bài, tôi chọn ngẫu nhiên cho thể tám chữ, bảy chữ, bốn chữ và lục bát.

******
Đây là một bài thơ tám chữ trong tập Yêu Em, Hà Nội Và Những Bài Thơ Khác.

1. Bài Thơ Hà Nội

Em Hà Nội hàng Đường trong giọng nói
Để hàng Bông êm ái lót cơn mơ
Thương những buổi chiều Bác Cổ ngày xưa
Anh nắn nót một trường thi lãng mạn
 
Thơ thuở bé khắc ghi tình ngõ Trạm
Hàng Cỏ ơi, nét thảo có mờ phai
Theo gót chân em từng bước hàng Hài
Yêu hàng Lược chải mềm hương mái tóc
 
Thương dĩ vãng chiều Cổ Ngư trốn học
Hồn ngây ngô theo điệp khúc hàng Đàn
Hàng Guốc trưa hè gõ nhịp bình an
Khi hàng Nón quay nghiêng che mắt thỏ
 
Anh lúng túng cả Đồng Xuân xấu hổ
Gió mơn man hàng Quạt, áo đong đưa
Đây hàng Khay anh đưa tặng bài thơ
Em hốt hoảng chợ Hôm vừa tắt nắng
 
Thơ bay lạc, hồn anh là hàng Trống
Nghe hàng Gai cùng mũi nhọn buồn đau
Ôi hàng Ngang tội nghiệp mối tình đầu
Anh hờn giận mơ hàng Buồm lãng tử
 
Em Hà Nội dáng Sinh Từ thục nữ
Tìm đến anh hàng Giấy mỏng tương tư
Nghe khơi buồn sông Tô Lịch ngẩn ngơ
Thơ giàu có như thương về hàng Bạc
 
Hàng Vôi đó nồng nàn trong ngây ngất
Ý hàng Đào chín mọng trái môi chia
Xin hàng Than rực cháy lửa đam mê
Khi quấn quít trong ái ân Hà Nội.

**
Tôi đếm được trong Bài Thơ Hà Nội, có cả thảy mười chín phố: hàng Đường, hàng Bông, hàng Cỏ, hàng Hài, hàng Lược, hàng Đàn, hàng Guốc, hàng Nón, hàng Quạt, hàng Khay, hàng Trống, hàng Gai, hàng Ngang, hàng Buồm, hàng Giấy, hàng Bạc, hàng Vôi, hàng Đào, hàng Than; và các địa danh khác, như: vườn hoa Bác Cổ, ngõ Trạm, đường Cổ Ngư, chợ Đồng Xuân, chợ Hôm, phố Sinh Từ, sông Tô Lịch.

Tôi không sinh ra ở đây nhưng ba má tôi, cũng gốc Hà Nội di cư năm một ngàn chín trăm năm mươi tư, nên trong hồi ức của ông bà, vẫn thường nhắc đến những tên riêng trên. Vì vậy, tôi đọc thấy chúng trong thơ Hoàng Anh Tuấn mà không lấy làm xa lạ.

Chỉ ngộ ở chỗ, Hoàng Anh Tuấn rời Hà Nội năm mười bảy tuổi, qua Paris rồi quay về Sài Gòn, sau đó, sang Mỹ và sống hết đời tại đây. Chỉ sống cùng với Hà Nội mười bảy năm thôi, như ba má tôi, vậy mà, họ nhớ mãi, nhớ rất nhiều, và nhớ cho đến khi rời cõi sống.

Tôi thường nghĩ thế này, cái gì không bao giờ lặp lại nữa, không bao giờ gặp lại nữa, cái đó, trở thành thứ nhớ nhứt và quý giá nhứt.

Hà Nội là người em của Hoàng Anh Tuấn, là tình yêu của ông. Em có giọng nói ngọt như (hàng) đường. Em êm êm tựa (hàng) bông để êm ái lót cơn mơ anh. Để trong những buổi chiều nơi vườn hoa Bác Cổ ngày xưa, anh nơi đó, nắn nót một trường thi lãng mạn.
 
Thơ anh viết khắc ghi tình ngõ trạm (chạm). Chẳng biết đến bây giờ, nét thảo (hàng) cỏ ấy, có mờ phai. Thuở thơ anh theo gót chân em, từng bước chân (hàng) hài. Anh yêu cả (hàng) lược gương, chải mềm hương em, mái tóc.

Con đường Cổ Ngư, con đường lãng mạn và nên thơ, con đường, anh, buổi chiều trốn học. Hồn anh ngây ngô theo giọng hát, tiếng (hàng) đàn. (Hàng) Guốc trưa hè em, tim anh, gõ nhịp bình an. Cho anh thêm thương nhớ, lúc (hàng) nón em quay nghiêng che mắt thỏ.
 
Lúng túng trước em, lúng túng trước ánh nhìn em, cả chợ Đồng Xuân kia còn xấu hổ, huống gì anh, khi cơn gió bạo gan, làm (hàng) quạt mơn man, đong đưa em, tà áo. Liều mạng, đến hàng khay anh dâng tặng bài thơ. Em hốt hoảng, để anh ngỡ ngàng, ôi, (chợ) mới vừa sớm hôm mà sao đã vội vàng tắt nắng.
 
Thơ lạc lõng, hồn anh (hàng) trống vắng. Nghe (hàng) gai châm chích nhọn buồn đau. Vết dọc (hàng) ngang thêm tội nghiệp mối tình đầu. Anh hờn giận mơ giong (hàng) buồm, thuyền khơi lãng tử.

Em, Hà Nội của anh, dáng vóc lâu đời, Sinh Từ thục nữ. Cho anh tương tư, tìm đến (hàng) giấy mỏng. Nỗi buồn như sông Tô Lịch ngẩn ngơ. Thơ anh từ đấy, giàu có như thương lái nhiều tiền, nhiều (hàng) bạc.

Em, Hà Nội của anh, anh có ăn cau trầu quệt (hàng) vôi đâu, mà nghe nồng nàn, ngây ngất. Mà tâm trí anh, hoài môi em chín mọng trái (hàng) đào. Anh sẽ xin thêm (hàng) than hồng, đốt lên, rực cháy lửa đam mê.

Khi anh, quấn quýt trong ái ân, cùng em, Hà Nội!

******
Đây là một bài thơ bảy chữ trong tập Yêu Em, Hà Nội Và Những Bài Thơ Khác.

2. Yên Lặng Ban Mai

Tôi kiếm hồn tôi xưa. Hà Nội
Thuở còn trong vắt gió vào thu
Thoảng nghe ngọt tiếng cô hàng cốm
Chênh vênh đâu cuối phố Sinh Từ

Đâu từ Hàng Đẫy theo chân gió
Ngang phố Tuyên Quang tới cột cờ
Hoa sấu lẳng lơ từng giọt nhỏ
Cài yêu lên mái tóc – vu vơ

Tôi đi bước ngắn đo mai sớm
Tránh nỗi êm đềm những lá khô
Lá vẫn giật mình vô cỏ núp
Như lời âu yếm trốn trong thơ

Bài thơ có cả trời đôi mắt
Có đất mênh mông một dáng đi
Nguyên một vườn chanh trên mái tóc
Hoa chanh quyến luyến hoa tường vi

Cặp sách trong tay nghe hẫng nhẹ
Không đủ nghiêng hờ cân tiểu ly
Hình như em để quên lơ lửng
Trong niềm thanh vắng tôi mang đi?

Tôi xưa Hà Nội ngừng tay viết
Nửa trang giấy nhạt chữ chưa về
Tiếng hát vành khuyên ngoài cửa sổ
Len vào tôi của lặng thinh nghe.

**
Cũng vẫn là nỗi nhớ nhung Hà Nội của Hoàng Anh Tuấn.

Không chỉ là nỗi nhớ nhung khi xa, Hà Nội, có lẽ giờ đây đã là hồn cốt ông, hồn vía ông, trí não ông, trái tim ông, tâm hồn ông.

Hà Nội không còn ở cạnh bên, ông bèn đi kiếm hồn ông, Hà Nội xưa, thất lạc. Một Hà Nội mà mỗi lúc vào thu, gió trong vắt, thổi qua. Nghe tiếng rao cô hàng cốm, vừa ngọt ngào, vừa chênh vênh ở cuối phố Sinh Từ.

Và hương cốm thơm, theo chân gió, từ Hàng Đẫy, ngang phố Tuyên Quang, dẫn tới cột cờ. Nhành hoa sấu lẳng lơ treo từng giọt nhỏ, cài dấu yêu lên mái tóc, vu vơ.

Một hình ảnh tuyệt đẹp. Một giọng thơ tuyệt đẹp. Hoa sấu từng búp nhỏ, li ti, trắng muốt tinh khôi, vu vơ, cài lên mái tóc!

Lãng tử đi những bước ngắn đo buổi sớm mai, tự dặn mình, bước cho thật nhẹ. Tránh giẫm lên những lá khô, tránh làm vỡ nỗi êm đềm. Vậy mà lá vẫn giật mình vô cỏ núp. Giống hệt như lời âu yếm anh, mắc cỡ, núp trốn trong thơ.

Bài thơ anh làm gởi em, có cả bầu trời, đôi mắt đẹp. Có đất mênh mông một dáng của chân đi. Có nguyên một vườn chanh thơm, trên mái tóc xuân thì. Và quyến luyến, hoa chanh cùng hoa tường vi quấn quýt.

Thơ Hoàng Anh Tuấn quá đẹp. Mọi thứ trong thơ của Hoàng Anh Tuấn đều đẹp: Em, Hà Nội, bài thơ, tình yêu!

Yêu em, Hà Nội của anh, chiếc cặp sách trong tay anh nghe chừng hẫng nhẹ. Học hành chi đâu, cặp nhẹ đến mức, đặt lên cân tiểu ly, vạch kim cũng chỉ nghiêng hờ. Hình như em, Hà Nội, để quên trong tôi, nỗi lơ lửng ơ hờ. Nên tim tôi mang đi theo, chỉ một niềm thanh vắng.

Tôi xưa (nghĩa là không phải tôi của hôm nay) ngừng tay nắn nót. Viết mới được nửa trang thôi, nhạt nhẽo, chữ chưa về. Có tiếng con chim vành khuyên, hát ngoài cửa sổ, len vào.

Len vào, nghe hồn tôi, thinh lặng!

******
Đây là một bài thơ bốn chữ, ở phần ngoại tập.

3. Bài Ca Dao Sau Này

Buồn lên thềm đá
Lạnh hai bàn chân
Buồn lên bậc đá
Mỏi hai bàn chân
 
Buồn ôm cành gai
Ngón tay có sương
Buồn ôm cành gai
Bàn tay có sương
 
Buồn xuống đáy hồ
Cay hai hàng mi
Buồn dưới đáy hồ
Ướt hai hàng mi
Con chim khung cửa
 
Buồn từng câu thơ
Con chim khung cửa
Buồn cả bài thơ
Buồn trên dây thép
Nhớ theo chiều dài
 
Buồn nơi môi em
Buồn trên tay anh
Bốn bàn chân buồn
Leo từng bậc thang.

**
Kìa xem, chiếc thềm đá, nó đang buồn. Vì sao biết ư? Vì nó khiến hai bàn chân ta lạnh. Kìa xem, những bậc đá, nó cũng buồn. Vì sao biết ư? Vì nó làm hai bàn chân ta, rất mỏi.

Nỗi buồn em à, nó ôm phủ cành gai, như những ngón tay có sương. Nỗi buồn em à, nó ôm phủ cành gai, như những bàn tay có sương.

Nỗi buồn em à, chui xuống đáy hồ, làm cay hai hàng mi, lệ ứa. Nỗi buồn em à, sâu dưới đáy hồ, làm ướt hai hàng mi, lệ khóc.

Con chim khung cửa, nó buồn từng câu thơ. Con chim khung cửa, nó buồn cả bài thơ.

Nỗi buồn em à, nằm trên dây thép. Vì sao biết ư, vì chiều dài dằng dặc. Nỗi buồn em à, đậu nơi môi em. Vì sao biết ư, vì tay anh, buồn trĩu.
 
Bốn bàn chân buồn của hai đứa mình, đang leo từng bậc thang!

Càng đọc, tôi càng phục tài thơ Hoàng Anh Tuấn. Thơ ông hay quá. Ông tài thơ quá. Nỗi buồn thì xưa nay, không có thi nhân nào mà không từng viết. Nhưng viết theo cách của Hoàng Anh Tuấn, thì xem chừng, chưa ai.

Cái buồn trong giá lạnh. Cái buồn trong trống vắng, cô đơn. Cái buồn vừa lê thê vừa quạnh quẽ. Cái buồn chiếm lĩnh toàn bộ không gian sống và tâm tư con người ta.

Nỗi buồn, là bài ca dao sau này, dành cho đôi lứa!

******
Nhớ Xuống là một bài thơ lục bát, cùng hai bài nữa là Ý Qua và Im Lắng, tạo thành chùm thơ mang tên Điệu Xưa, và cả Bài Ca Dao Sau Này, được đăng cùng ngày trên tạp chí Hiện Đại vào khoảng năm 1960.

4. Nhớ Xuống

Nước xuôi buồn lả mái chèo
Hai hàng mi gọi đìu hiu xuống ngày
Nhớ gần buộc gót chân mây
Ngẩn ngơ vạt áo chiều dài khẽ canh
 
Buồn theo mộng nhỏ đi quanh
Hàng trăm lối mộng độc hành về khơi
Tóc thôi lưu bước sông dài
Thuyền xưa trót lạc ra ngoài mắt xưa
 
Tuy còn nguyên điệu chèo thơ
Khoang tình đã lặn cơn mưa gối đầu.

**
Thơ của Hoàng Anh Tuấn, không chỉ luôn nhắc về Hà Nội, mà còn viết về nỗi buồn, và đặc biệt, ông hay viết về buổi chiều, về buổi hoàng hôn.

Ông hay viết về lúc chiều xuống, lúc hoàng hôn xuống.

Chiều xuống, hoàng hôn xuống, cũng chính là lúc nỗi nhớ xuống, như bóng chiều, bóng hoàng hôn, nhớ xuống, và tràn ngập khắp nơi.

Nhớ Xuống, mang nghĩa như vậy!

Con nước trôi xuôi, lặng lờ, nghe mái chèo buồn lả. Ai đã gọi đìu hiu xuống ngày vậy, hay đôi mắt, hàng mi em? Nỗi nhớ xuống thật gần, buộc gót chân mây. Vào vạt áo, ngẩn ngơ, khẽ canh theo chiều dài dằng dặc.
 
Buồn theo mộng anh, buồn theo mộng em, những cơn mộng nhỏ, đi quanh. Viết đến chỗ này, không dưng tôi nhớ đến bài thơ Ngày Xưa Hoàng Thị của Phạm Thiên Thư: tìm xưa quẩn quanh / ai mang bụi đỏ / dáng em nho nhỏ / trong cõi xa vời / tình ơi tình ơi.

Quẩn quanh, đi quanh, hàng trăm, hàng ngàn lối mộng, độc hành về khơi.

Vì độc hành về khơi, vì một mình về khơi, vì cô đơn về khơi, nên nhớ mới càng nhiều. Nhớ đang tràn xuống, khắp nơi, trong anh, trong em, trong tất cả mọi người.

Tóc từ nay đành xa, tóc thôi không còn nữa, lưu lại bước sông dài. Thuyền cũng vậy, thuyền từ nay đành xưa, xa xưa, vì trót lạc ra ngoài mắt nhau, buồn nhớ.
 
Điệu chèo thơ vẫn còn đến muôn sau nhưng người trong khoang, tình trong khoang, đã lặn chìm theo sông, đầu gối lên cơn mưa dài nhớ xuống!
 
******
IV/
Đọc tiểu sử của Hoàng Anh Tuấn, đọc những giai thoại đây đó trong làng văn, và đọc thơ ông, tôi có cảm giác như, Hoàng Anh Tuấn được sinh ra để sống một cuộc đời lãng tử, để có một cuộc đời như thơ.

Gọi Hoàng Anh Tuấn là nhà thơ của Hà Nội thì có gì quá đáng không nhỉ. Tôi nghĩ là những người từng biết, từng đọc thơ ông, chắc sẽ không phản đối cách tôi gọi ông đâu.

Này nhé, ông để lại cho đời, không đến bảy mươi bài thơ, mà trong đó, có rất nhiều bài, ông viết riêng cho Hà Nội, có thể kể ra đây, như: Bài Thơ Hà Nội, Hà Nội Mùa Thu Và Em, Mưa Sài Gòn Mưa Hà Nội, Thơ Xuân Cho Cô Gái Làng Lim, Yêu Em Hà Nội, Yên Lặng Ban Mai.

**
Tôi có hai người “bạn” trên trang facebook, một là cô giáo Ngô Hoàng Liên, vợ của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Bà đẹp, hiền hậu, vui vẻ, giỏi giang, và mẫu mực. Kiến thức bà rộng, tánh cách bà hồn hậu nên tôi rất kính trọng bà.

Hai là nhà văn Hoàng Lưu Thu Thuyền, con gái thứ của nhà thơ Hoàng Anh Tuấn. Một cô con gái xứ Đà Lạt nên thơ, có ăn có học, đẹp người đẹp nết. Chị đang chống chọi với căn bệnh ung thư quái ác. Chị không giấu giếm điều này. Chị mạnh mẽ, phi thường. Chị chấp nhận sự thực, hợp tác với bác sĩ điều trị, và, chưa bao giờ, trong ba, bốn năm qua, tôi thấy chị thở than. Chị có một gia đình rất tuyệt. Bạn bè chị cũng tuyệt không kém.

Thế gian, quanh ta, không hiếm những người hiền lành, chân tình và can đảm, quả cảm, hết lòng với mọi người, hết lòng với cuộc sống, hết lòng trong từng giây phút khi trái tim họ còn vang đập, như bà Ngô Hoàng Liên, như chị Hoàng Lưu Thu Thuyền mà tôi vừa kể.

**
Thơ Hoàng Anh Tuấn hiền hòa. Thơ Hoàng Anh Tuấn đằm thắm. Thơ Hoàng Anh Tuấn dịu dàng. Thơ Hoàng Anh Tuấn chứa chan. Thơ Hoàng Anh Tuấn ngọt ngào. Thơ Hoàng Anh Tuấn ân cần. Thơ Hoàng Anh Tuấn đắm say. Cái hiền hòa, đằm thắm, dịu dàng, chứa chan, ngọt ngào, ân cần, đắm say của một công tử Hà Thành chính hiệu, lịch lãm, quý phái, sang trọng, và, vô cùng lãng mạn.

Tài hoa, lãng mạn, đầy nghệ sĩ tính, chính là Hoàng Anh Tuấn.

**
Nhà thơ Hoàng Anh Tuấn có một bài thơ hay lắm về Hà Nội, đó là bài Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội được Phạm Đình Chương phổ thành ca khúc cùng tên. Trong đó, có những câu thơ vô cùng đẹp như:

Mưa hoàng hôn
Trên thành phố buồn gió heo may vào hồn
Thoảng hương tóc em ngày qua
Ôi người em Hồ Gươm về nương chiều tà

Liễu sầu úa thềm cũ nằm mơ hiền hoà
Thương màu áo ngà
Thương mắt kiêu sa
Hiền ngoan thiết tha

Thơ ngây đôi má nhung hường
Hà thành trước kia thường thường
Về cùng lối đường
Khi mưa buốt lạnh mình ướt
Chung nón dìu bước
Thơm phố phường

Hà Nội trong ông đẹp đến vậy, mang nhiều kỷ niệm nơi ông sinh ra và lớn lên đến vậy, làm sao mà không nhớ, khi xa.

Nhưng nhớ có đến mấy thì cũng chỉ vậy thôi. Kiếp người, không phải đã được định sẵn sinh ly, tử biệt sao? Nên, vẫn cứ phải chuẩn bị một tinh thần ấy. Tinh thần: đời là đại mộng, đi vào đời một mình, thì khi rời khỏi đời, cũng chỉ một mình mình thôi.

Hàng Trăm Lối Mộng Độc Hành Về Khơi!

Sài Gòn 26.05.2024
Phạm Hiền Mây

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com