User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
truong hong son tranh truong thi thinh
Chân dung Trương Hồng Sơn, sơn dầu trên bố, 18" x 24", thực hiện 1986. Tranh của Trương Thị Thịnh. (Trương Hồng Sơn là tên khai sanh của họa sĩ Trương Vũ)
 
Lần cuối, nghĩa là lần mới nhất, không phải là lần cuối cùng, tôi gặp Trương Vũ tại nhà của Trần Vũ, khi Trương Vũ ghé Quận Cam, trước khi anh bay lên Bắc California để thăm chị ruột của anh, họa sĩ Trương Thị Thịnh. Lúc đó là, có lẽ năm ngoái. Lúc đó, mối giao tình của Trương Vũ và tôi đã trải rộng từ hơn ba thập niên, từ những ngày tôi còn ở Miền Đông Hoa Kỳ.

Thời xa xưa, tôi gọi anh bằng tên là anh Sơn, anh Trương Hồng Sơn, khi nhìn anh như một nhà khoa học. Và nhiều năm sau, khi đọc nhiều bài viết của anh trên Văn Học và Hợp Lưu, tôi gọi anh qua bút hiệu là Trương Vũ. Rồi vài năm gần đây là nhìn anh như họa sĩ. Thời gian đã cho anh hiển lộ qua nhiều tài năng, và với rất nhiều tóc bạc. Nhưng nụ cười của Trương Vũ vẫn hiền lành, đôi mắt vẫn tinh anh, cử chỉ và thái độ vẫn luôn là từ tốn, cẩn trọng, dịu dàng.

Thực sự, Trương Vũ thuộc thế hệ đàn anh của tôi, tuy rằng khi giao tiếp, văn nghệ sĩ vẫn không có thói quen cách biệt như xã hội đời thường. Đúng ra, nếu nói kiểu đời thường, giữa anh và tôi có nhiều cách biệt, rất nhiều cách biệt: Trương Vũ là một nhà khoa học, một lĩnh vực mà tôi chẳng biết gì. Nhưng môi trường tôi tiếp cận với anh là văn nghệ. Lần đầu tiên tôi gặp họa sĩ Võ Đình là tại nhà của Trương Vũ, trong một thị trấn ở Maryland. Lúc đó, tôi cư trú ở Virginia, nơi tôi đều đặn viết bài gửi về nhà văn Tưởng Năng Tiến ở tòa soạn Nhân Văn tại San Jose, Bắc California. Thời đó là thuở còn viết tay trên giấy, mỗi truyện ngắn gửi đi là hồi hộp, lo sợ bưu điện sẽ làm thất lạc phong bì, bên trong là xấp giấy truyện ngắn dày hơn mười trang viết tay, rằng có bao giờ phong bì này sẽ bay vào hư vô. 

Virginia là nơi đã cho tôi nhiều tình bạn văn nghệ tuyệt vời. Đúng ra, cùng thế hệ, có lẽ cùng tuổi với tôi, bạn văn nghệ lúc đó ở Virginia chỉ có anh Nguyễn Văn Khanh, người về sau đã nổi bật trong lĩnh vực truyền thanh, và rồi có thời gian điều hành Đài Á Châu Tự Do (RFA). Ngoài ra, đều là đàn anh, đàn chị của tôi. Từ nơi đó, tôi đã có giao tình thân thiết với Giáo sư Nguyễn Ngọc Bích, người về sau là Chủ Tịch Trung Tâm Văn Bút Miền Đông Hoa Kỳ, mà tôi có cơ duyên làm Tổng Thư Ký cơ chế này, trước khi định cư sang California. Rồi cũng nơi Virginia, tôi hân hạnh làm bạn với những người đi trước, như nhà báo Ngô Vương Toại, nhà thơ Giang Hữu Tuyên, nhà thơ Trương Anh Thụy, và một số vị nữa. Những địa danh không quên được, với các thị trấn thơ mộng, như Springfield, Falls Church, Arlington…

Tuy nhiên, người gần với nhiều hoạt động của tôi trong làng báo về sau, lại là Trương Vũ, người cách xa tôi một tiểu bang và khoảng 2 giờ lái xe. Lúc đó, tôi chỉ nhìn anh như một khoa học gia. Có một lần, Trương Vũ chở tôi vào thăm một căn cứ khoa học, có lẽ là NASA hay một cái gì tương tự, mà nơi nào cũng có lính quân cảnh đứng gác. Và chỉ một lần thôi, nhưng là một kỷ niệm khó quên. Lúc đó, chị Trương Vũ còn ở Việt Nam, và đó cũng là lý do Trương Vũ thường tổ chức các buổi họp mặt văn nghệ, nơi đó thường xuyên là có mặt GS Nguyễn Ngọc Bích, họa sĩ Võ Đình, và những người mà tôi thường gọi tắt (kiểu thân tình nhưng hơi hỗn) là Tuyên, Toại, Khanh… Về sau, Miền Đông có thêm các nhà văn Nguyễn Thị Hoàng Bắc, Nguyễn Thị Thanh Bình…

Trương Vũ không tập trung vào sáng tác văn học, cho dù anh là bạn của hầu hết các nhà văn, nhà thơ. Trương Vũ viết các bài lý luận, một phần lớn gắn liền với phê bình văn học, thường là hiển lộ các cảm xúc liên hệ tới các vấn đề xã hội và văn học quốc nội. Nghĩa là, Trương Vũ theo dõi tình hình trong VN thường xuyên. Theo tôi nhớ, Trương Vũ không viết thường xuyên trên tạp chí Văn Học, cho dù giao tình anh có thể là thân tình với nhà văn Nguyễn Mộng Giác, một bậc trưởng thượng của tôi. Tôi nhớ, lần nào anh Nguyễn Mộng Giác lên thăm Miền Đông, đều được GS Nguyễn Ngọc Bích và nhà khoa học Trương Hồng Sơn đón tiếp nồng nhiệt. Thế rồi, tôi thấy, Trương Vũ lộ ra cảm xúc sôi nổi khi xã hội Việt Nam bước vào thời kỳ Đổi mới, và văn học Việt Nam bước vào thời kỳ Cởi trói. Lúc đó, nhà văn Dương Thu Hương xuất hiện như một người đi giữa hai làn đạn. Lúc đó, Khánh Trường trình làng Tạp chí Hợp Lưu, đăng nhiều sáng tác từ trong Việt Nam gửi ra, ban đầu, phần lớn là nhờ nhà văn Nhật Tiến chuyển đến. Lúc đó, Trương Vũ gọi những sáng tác đó là phong trào văn nghệ phản kháng tại Việt Nam từ 1986 đến 1989, và anh kỳ vọng… Bây giờ, dân chủ vẫn còn là một ước vọng xa vời tại Việt Nam, kể cả khái niệm tự do sáng tác cho các nhà văn, nhà thơ.

Một đôi khi, tôi nghĩ về Trương Vũ và đối chiếu anh với những hình ảnh tôi gặp hàng ngày, qua các bản tin. Công việc của tôi là nhà báo, hàng ngày dịch tin, luôn luôn nhìn thấy những bất tường của thế giới. Cuộc chiến ở Ukraine, tình hình Biển Đông, thảm sát ở Trung Đông, giá xăng lên và xuống ở California… Luôn luôn, thế giới này, vui cũng ít hơn buồn. Những lúc đó, nhớ tới Trương Vũ, lòng tôi như dịu lại. Tìm đâu ra trên thế giới này một người như Trương Vũ, một nhà khoa học lưu vong, sống thật xa quê nhà mà lòng lúc nào cũng ước mong những gì tốt đẹp nhất cho quê nhà. Tôi đoán rằng, Trương Vũ cầm bút viết chỉ vì những cảm xúc hướng về quê nhà, về bạn văn… và Trương Vũ đã cầm cọ vẽ để cho nước mắt khỏi rơi, và để cho màu sắc che đi những nỗi u uẩn trong tâm hồn anh, một người tỵ nạn đã bị bứt rời nơi anh rất mực yêu thương.

Đôi khi, tôi thử nhìn xem những trường hợp tương tự, nhưng thực sự không có một hình ảnh nào để thấy gần gần như Trương Vũ. Khoa học gia viết văn có Isaac Asimov, có Carl Sagan, có Arthur C. Clarke, nhưng họ không vẽ. Khoa học gia và là họa sĩ lại càng hiếm hơn, có Samuel Morse, có Santiago Ramón y Cajal, nhưng họ không viết văn. Khoa học gia và là người tỵ nạn có Albert Einstein, có Viktor Frankl, có Leó Szilárd, nhưng họ không gắn liền với các các chuyển biến văn nghệ nơi họ lưu vong và nơi quê cũ của họ như anh. Và Trương Vũ, chỉ có thể như là Trương Vũ.

Những lúc đó, tôi nghĩ, tôi đoán, tôi biết Trương Vũ làm gì vào những buồi chiều tuyết rơi rất buồn. Nhà anh ở Maryland, nơi đó tuyết rơi vài tháng mỗi năm. Tôi hình dung ra, Trương Vũ khi ngưng tay vẽ, sẽ ngồi nhìn tuyết rơi ngoài hiên trước, tay nâng ly rượu, và nhớ tới câu thơ Lý Bạch: Thiên lý tương tư minh nguyệt lâu… Nơi lầu trăng sáng, thương nhớ nghìn dặm rất xa… Tôi cũng đoán rằng, bức tranh cuối cùng Trương Vũ muốn vẽ sẽ là hình ảnh một họa sĩ ngồi nhìn ra, vẽ những trận mưa tuyết rơi ngoài hiên nhà, và vọng rất xa là dáng núi Blue Ridge Mountains. Bên kia dãy núi, nơi những ngàn dặm rất xa, vượt ra ngoài trùng dương bát ngát, cũng là những phương trời ký ức của anh.
 
Tiểu Sử

Tên thật: Trương Hồng Sơn.
 
Tốt nghiệp Cử Nhân Giáo Khoa và học Đệ Tam Cấp Toán, Đại Học Sài Gòn. Thạc Sĩ Vật Lý Hạt Nhân, University of Pennsylvania. Thạc Sĩ Kỹ Sư Điện (Truyền Thông) và Tiến Sĩ Khoa Học (Điện trong Kỹ Thuật Không Gian), The George Washington University.
 
Trước 1975, dạy toán và đặc trách Sinh Viên Vụ tại Đại Học Duyên Hải, Nha Trang.
 
Vượt biển và định cư tại Hoa Kỳ từ 1976.
 
Chuyên gia nghiên cứu cho NASA tại Trung Tâm Không Gian Goddard từ 1980 cho đến khi nghỉ hưu năm 2006. Tham dự và phụ trách nhiều công trình khác nhau, về khoa học và kỹ thuật. Đóng góp quan trọng nhất thuộc lãnh vực nghiên cứu và phát triển kỹ thuật xác định quỹ đạo (Orbit Determination) và phi hành tự động cho phi thuyền (Autonomous Spacecraft Navigation). Đăng tải nhiều công trình nghiên cứu với tư cách tác giả chính về vật lý và kỹ thuật không gian.
 
Luận án Tiến Sĩ: A Robust and Self-tuning Kalman Filter for Autonomous Spacecraft Navigation.
 
Ngoài công việc chính ở NASA, đóng góp vào một số sinh hoạt văn học ở hải ngoại. Đồng Chủ Biên tuyển tập văn chương chiến tranh The Other Side of Heaven (do Curbstone Press xuất bản năm 1995). Nguyên đồng chủ biên tập san Việt Học The Vietnam Review (1996-1998). Hợp tác, đóng góp bài vở cho một số tạp chí văn chương (giấy và mạng) như Văn Học, Hợp Lưu, Văn, Talawas, Tiền Vệ, Da Màu, Tương Tri, Phạm Cao Hoàng, Phố Văn, Trần Thị Nguyệt Mai,...
 
Về hội họa, ngoài các lớp học rải rác tại đại học và tư nhân, phần chính là tự học. Riêng về tranh chân dung, theo học các lớp vẽ của danh họa Daniel Greene, New York. Tham dự một số triển lãm tại Hoa Kỳ.
 
Hiện cư ngụ với gia đình tại tiểu bang Virginia, chú tâm vào chuyện vẽ và viết.

Tác Phẩm Đã Xuất Bản:

Đuổi Bóng Hoàng Hôn (Tuyển tập 19 bài tiểu luận - NXB Nhân Ảnh, Hoa Kỳ, 2019).
 
Phan Tấn Hải

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com