Nhà thơ, Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
Đỗ Hồng Ngọc là một nhà thơ trước khi tốt nghiệp Bác Sĩ Y Khoa Đại Học đường Saigon vào năm 1969. Bài thơ đầu tiên được đăng trên tạp chí Bách Khoa năm 1960. Sau đó, ông đã có nhiều thơ đi trên các tạp chí Bách Khoa, Mai, Tình Thương, Ý Thức… Năm 1967, khi đang là sinh viên Y Khoa, ông đã có tập thơ đầu tay “Tình Người” xuất bản. Thơ ông đẹp, hay. Đã hẳn. Vì được viết từ chính trái tim, từ xúc động chân thành “như không thôi đi được” mà Chu Hy đã nói đến trong Thi Kinh tập truyện. Ông tâm sự: “Tôi không có khả năng ‘hư cấu’ nên không viết được truyện dài truyện ngắn tiểu thuyết như các bạn mình… Tôi chỉ có một truyện ngắn duy nhất “Người Thứ Hai” đã đi trên tạp chí Mai xuất bản tại Saigon vào năm 1965, sau này được in lại trong tập truyện “Cuộc Đi Dạo Tình Cảm” của nhiều tác giả, Nhà xb Trẻ, 1998.
Georges-Louis Leclerc, Comte de Buffon (1707 – 1788) có lần phát biểu: “Phong cách chính là người” (Le style c’est l’homme même) mà người Việt chúng ta thường diễn dịch “Văn chính là người”. Đọc truyện ngắn này của ông, độc giả có thể nhận ra ngay điều đó.
Nhân vật chính trong truyện xưng “tôi” hoặc “anh” là hình ảnh của Đỗ Hồng Ngọc thời đang là sinh viên Y khoa mà chắc chắn sản phụ nào cũng mong là người đỡ đẻ cho chính mình. Có thể thấy ông đã đặt cả trái tim mình trong công việc. “Tôi hỏi thật nhỏ nhẹ, lời lẽ cân nhắc đắn đo sao cho người đàn bà nằm đây chờ sanh tin cậy nơi tôi mà không thẹn thùng khi phải trả lời những câu hỏi của tôi đôi khi như chạm đến bí mật riêng tư của bà. Tôi hỏi về gia đình bà, và những đứa con của bà. Tôi giảng giải cho bà nghe những giai đoạn trong việc sanh nở. Tôi nhớ mang máng có đọc trong tạp chí nào đó một phương pháp đẻ không đau nên thử áp dụng… Bây giờ thì bà đã đau rột. Tôi bắt mạch, đo thời gian co tử cung, rồi nói chuyện cho bà nghe để bà quên đau… Người đàn bà cắn môi, nhăn mặt, chuẩn bị rặn. Tôi khuyên hãy đợi một lát, chờ cho cổ tử cung nở hẳn, để tránh nguy hiểm về sau. Bà uốn cong người, nhịn rặn, hả miệng to để thở và những giọt mồ hôi gặp dịp tốt không quên túa ra, tụ lại, chảy xuống thành dòng… Tôi đặt tay lên bụng bà, lo lắng, thầm khấn cho bà sanh dễ dàng, mau chóng…”
Nhân vật chính trong truyện xưng “tôi” hoặc “anh” là hình ảnh của Đỗ Hồng Ngọc thời đang là sinh viên Y khoa mà chắc chắn sản phụ nào cũng mong là người đỡ đẻ cho chính mình. Có thể thấy ông đã đặt cả trái tim mình trong công việc. “Tôi hỏi thật nhỏ nhẹ, lời lẽ cân nhắc đắn đo sao cho người đàn bà nằm đây chờ sanh tin cậy nơi tôi mà không thẹn thùng khi phải trả lời những câu hỏi của tôi đôi khi như chạm đến bí mật riêng tư của bà. Tôi hỏi về gia đình bà, và những đứa con của bà. Tôi giảng giải cho bà nghe những giai đoạn trong việc sanh nở. Tôi nhớ mang máng có đọc trong tạp chí nào đó một phương pháp đẻ không đau nên thử áp dụng… Bây giờ thì bà đã đau rột. Tôi bắt mạch, đo thời gian co tử cung, rồi nói chuyện cho bà nghe để bà quên đau… Người đàn bà cắn môi, nhăn mặt, chuẩn bị rặn. Tôi khuyên hãy đợi một lát, chờ cho cổ tử cung nở hẳn, để tránh nguy hiểm về sau. Bà uốn cong người, nhịn rặn, hả miệng to để thở và những giọt mồ hôi gặp dịp tốt không quên túa ra, tụ lại, chảy xuống thành dòng… Tôi đặt tay lên bụng bà, lo lắng, thầm khấn cho bà sanh dễ dàng, mau chóng…”
Nhớ hồi sinh cháu đầu lòng, cha mẹ hai bên đều không ở gần, không được chỉ vẽ điều gì, lại càng không có cơ may có trong tay cuốn sách “Viết Cho Các Bà Mẹ Sinh Con Đầu Lòng” của Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nơi xứ lạ quê người, tôi đã lúng túng biết bao. Đỡ đẻ cho tôi là bác sĩ R.V. nổi tiếng mát tay ở thành phố nơi tôi sinh sống, nhưng ông không chỉ có tôi là sản phụ duy nhất trong phòng sanh. Chỉ có y tá vào ra, thăm độ nở của cổ tử cung và báo cho ông biết, trong khi ông còn lo cho những sản phụ khác. Không có bác sĩ hay y tá nào ngồi nói chuyện cho mình quên đau, hoặc chỉ dẫn điều này điều nọ. Chỉ khi cổ tử cung đã nở, bác sĩ mới vào cùng y tá, khuyến khích mình ráng rặn để cho con ra.
Từ cơn đau của người sản phụ, “Lấm tấm trên trán, trên mũi bà đọng mấy giọt mồ hôi – giọt mồ hôi của những người mẹ hợp với nước mắt của họ làm thành biển mẹ bình bồng những đứa con – tôi nghĩ về mẹ tôi một cách biết ơn hơn bao giờ hết.” Với trái tim mẫn cảm ông đã nhìn ra mẹ mình và tất cả những người mẹ đã chịu đớn đau cho con được ra đời vuông tròn, để từ đó lòng biết ơn Mẹ đã thêm ngập tràn trong trái tim ông.
Những câu tả cảnh tả tình trong bài cũng rất đẹp, chẳng hạn:
“Trên bãi cát phẳng lì này, anh đã nằm nghe trời đất tự tình. Những đợt sóng lớn nhỏ đuổi nhau, đùa giỡn trên bãi, cuốn đến chân anh rồi ngại ngùng rút đi. Những con sò ca trên cát trắng. Em thấy còng gió đó không Mai? Nó chạy nhanh hơn gió. Đừng đuổi mất công. Để hôm nào anh đưa em đi xem cách người ta bắt còng nghe. Quê hương anh thật nghèo, thật đẹp. Rừng dương reo vi vu ru mình vào giấc ngủ.”
Một trong những tác phẩm của ông tôi cũng rất thích là “Áo Xưa Dù Nhàu…”, ghi lại 18 chân dung văn học mà ông có dịp gặp gỡ, quen biết, do Phanbook xuất bản 2022. Tôi yêu những đoạn văn ông tả mùa thu ở Boston rất nên thơ. “… lá như ráng níu lại chút xanh, và vì níu lại nên có vẻ chặt hơn, xanh hơn lên mà thôi. Bởi vì rất nhanh, lá bỗng vàng rượm, vàng rực, vàng tía, vàng buốt… và bầu trời rộng ra, thênh thang, yểu điệu kỳ cục.” Hay: “Tôi bước đi từng bước nhẹ dưới những vòm cây và nghe cho hết tiếng thu về. Dưới chân mình là từng lớp lá rụng, bước chân bỗng như hẫng đi và tôi chợt ngơ ngác. Thấy mình như không còn là mình nữa. Hay mình là nai? Có thể chứ? Con nai vàng ngơ ngác của Lưu Trọng Lư?” Phải đọc mùa thu Boston, tôi mới cảm thấy trân quý với thiên nhiên thời tiết mà mình đang được hưởng. Để biết thưởng thức “… Cái tiếng mùa đi, mùa về, cái tiếng đời của mỗi chúng ta. Nó ở trong không gian dằng dặc, đùng đục thênh thang kia, và ở cả trong thời gian hun hút, héo hon rơi rụng nọ, một thứ ‘tiếng động nào gõ nhịp không hay’ (TCS) đó chăng.”
Cách tả của ông cũng rất độc đáo. Với học giả Nguyễn Hiến Lê ghiền thuốc cỡ “thường thường bậc trung” thì “Lúc nào cũng có lon thuốc rê bên mình, ông vừa trò chuyện với khách vừa vấn vấn vê vê điếu thuốc lá, liếm nhẹ rồi bật quẹt hút. Các ngón tay ông nhanh nhẹn, thuần thục đến vàng sậm màu khói”. Còn với nhà văn Trang Thế Hy, việc hút thuốc đã trở thành một nghệ thuật, một “nghi lễ tôn giáo”: “Thấy cái cách ông ngậm điếu thuốc chếch qua một bên khóe miệng, thấy cái cách ông khum khum đôi bàn tay ấp ủ ngọn lửa như một bông hoa tự dưng thấy lòng xao xuyến… Một người gần 90 tuổi, ghiền thuốc lá từ ngày còn trẻ, ngồi bên cạnh mình, nhẹ nhàng rút một điếu, nâng niu đưa lên miệng, rồi ân cần xoay xoay chiếc hộp quẹt trong tay chuẩn bị bật lửa…” Bằng những nét chấm phá như thế, ông đã cho người đọc thấy được một Trang Thế Hy ghiền thuốc đến cỡ nào!
Văn ông dí dỏm, rất có duyên, khiến người đọc không muốn buông sách, mà cứ muốn tiếp tục đọc cho đến hết để tủm tỉm cười một mình. Như ông tả “chàng” Huy Cận chẳng nên thơ chút nào như trong trí tưởng, “một ông già lùn mập, trông giống như Bất Giới hòa thượng, ì ạch leo lên cầu thang. Trời, Huy Cận bằng xương bằng thịt đây sao? Người mà ‘em ơi hãy ngủ anh hầu quạt đây’ đây sao?” Nhưng khi nói về thơ thì Huy Cận lập tức biến thành một con người khác. “… Rồi ông lại ư ử. Hay. Câu này hay. ‘Một ngày Đập Đá nghiêng vai biếc người’. Một ngày Vỹ Dạ trăng soi, một ngày Đập Đá nghiêng vai biếc người. Ngày thì trăng không soi được rồi, mà tại sao lại biếc người? Không phải chỉ là cái quán cà phê bên dòng nước xanh um bóng cây kia mà chính là, à phải rồi, chính là con thuyền ai đó có chở trăng về kịp tối nay và vườn của ai kia lá có còn mướt xanh như ngọc. Vâng, xanh nên biếc và người nên ngọc. Ông Huy Cận này ghê thiệt. Quả là danh bất hư truyền. Ông đọc và cảm nhận thơ tinh tế không thể tưởng. Mới vừa thấy ông là Bất Giới hòa thượng đó bỗng đã thành Nghi Lâm tiểu sư muội, rồi bây giờ lại là Lệnh Hồ huynh đệ, chỉ dùng kiếm ý mà không cần kiếm chiêu…” Và tôi không thể không tủm tỉm cười khi đọc đến chỗ, “Bỗng nhiên ông hỏi: ‘Duyệt chưa?’ Tôi trả lời: ‘Chừng nào in mới đưa Nhà xuất bản duyệt’. ‘Không, vợ duyệt chưa?’ Trời đất quỷ thần cái ông Huy Cận này. Lại có vụ đó nữa ư? Tôi ấp úng đành cười trừ. Lê Phương Chi cười ha hả: Cái ông Huy Cận nhứt vợ nhì trời này, mày không biết sao?”
Qua tập sách này, tôi cũng thấy được ĐHN còn là một nhà báo có tài phỏng vấn. Như nhà văn Trang Thế Hy đã thổ lộ: “Hôm trước có cô nhà văn gì đó hỏi tôi tại sao không ưa… mà thích Lỗ Tấn? Tôi không trả lời, nhưng hôm nay nói cho Đỗ Hồng Ngọc nghe nha: Tôi thích Lỗ Tấn vì…” Ông đến với mọi người bằng tấm chân tình, nên ông cũng được đối đãi lại như thế. Nhà thơ Quách Tấn đã không ngại chia sẻ với ông về tính dục. “Trước kia tôi có nhiều nhơn tình. Tôi cám ơn họ lắm vì nhờ họ tôi có nguồn cảm hứng luôn. Tôi quan niệm ‘làm thơ cũng như chơi gái’. Làm thơ không phải chỉ thuần có khoái cảm ở tâm hồn, nhiều lúc thấy vibrer cả cơ thể. Làm xong một bài thơ, cơ thể cũng rã rời, mệt mỏi. Có những bài thơ làm bằng nước mắt. Ngược lại, chơi gái cũng phải là một hành động thơ, chứ không phải chỉ là sự giải quyết sinh lý.”
Hiện nay ông tiếp tục dùng ngòi bút văn chương của mình, mang thơ nhạc để giảng giải lời kinh cũng rất hay, giúp người học Phật trình độ sơ cơ hiểu được và từ đó đến với Phật pháp dễ dàng hơn. Tôi rất “mê” cách ông giải thích kinh Kim Cang qua bài viết “Con Mắt Còn Lại”.
“Bùi Giáng, một thi sĩ thấm đẫm Kim Cang thường hạ những câu ‘hà dĩ cố’ trong thơ có lần viết ‘Còn hai con mắt khóc người một con…’ mà Trịnh Công Sơn đã nối theo: Còn hai con mắt một con khóc người! Con mắt còn lại…? Ừ, con mắt còn lại thì sao? Con mắt còn lại… nhìn một thành hai, nhìn em yêu thương nhìn em thú dữ… (TCS). Phải rồi, cái con mắt còn lại quả thực là con mắt gây phiền hà! Nó bị diplopie, nhìn một thành hai! Nhưng người bị diplopie thì nhìn một thành hai giống hệt nhau còn đằng này nó nhìn em… yêu thương thành em thú dữ, rồi còn ‘nhìn tôi lên cao nhìn tôi xuống thấp…’, nghĩa là cái nhìn đầy “phân biệt đối xử”! Nó như của ai khác- nó quan sát ta, nhìn ngắm ta và rồi nó… thở dài thấy mà ghét (Con mắt còn lại là con mắt ai? Con mắt còn lại nhìn tôi thở dài! TCS)! Thở dài, bởi nó thấy ta tội nghiệp! Thấy ta đáng đời! “… đời tôi ngốc dại, tự làm khô héo tôi đây…” (TCS).
Đó chính là con mắt của “Thức”. Của biện biệt, so sánh, đếm đo. Khi “thức” biến thành “trí” thì mọi chuyện đã khác! Lúc đó, Con mắt còn lại/ nhìn đời là không/ nhìn em hư vô/ nhìn em bóng nắng! Là không, chứ không phải bằng không! Là không, đó là cái không của có, cái có của không… Tóm lại, còn hai con mắt… “khóc người một con” kia là con mắt của Bi! “Con mắt còn lại nhìn đời là không” này chính là con mắt của Trí. Bi mà không Trí thì cứ sẽ khóc hoài, dỗ không nín! (trích từ Gươm báu trao tay – Đỗ Hồng Ngọc. Nhà xb Phương Đông 2008)
Nơi đây xin được tỏ lòng biết ơn đến Nhà thơ – Bác sĩ – Cư sĩ Đỗ Hồng Ngọc, ông đã giúp tôi thêm vốn kiến thức văn chương, y khoa, âm nhạc, Phật học… Tôi vẫn thầm nghĩ mình là người may mắn được học hỏi từ những cuốn sách của ông, và từ những điều ông viết chia sẻ trên trang nhà Đỗ Hồng Ngọc cũng như trên các trang mạng khác.
Phạm Bảo Kim
24.3.2024
24.3.2024
(Nguồn: Ngôn Ngữ đặc biệt Đỗ Nghê – Đỗ Hồng Ngọc, tháng 5-2024)