User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
runglathap
Graphic by Kayla Ng
 
LTS: Bài hát về người lính vẫn âm vang trong các ngôi nhà ở Việt Nam, thậm chí là ở miền Bắc. Dù là âm nhạc “nhạy cảm” nhưng người dân vẫn hát với lòng thương mến, và nó vẫn sống mãi trong một xã hội đấu tố triền miên. Bài viết dưới đây của một nữ nhà báo, sinh sau 1975, và cảm nhận nó một cách sâu sắc, cho thấy sức mạnh của nền âm nhạc tự do VNCH đã sống như thế nào.
 
– Ngày xưa (sau 1975), bài hát này bị coi là nhạc vàng, nhạc phản động, bị cấm hát. Nhưng bằng nhiều cách, bài hát vẫn cất lên, được nhiều người nghe và nhiều người yêu thích. Vì sự chân thật của đời sống tâm hồn lính chiến, vì giai điệu ngân lên vô cùng xót xa… Đó là “Rừng Lá Thấp” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh.
 
– Người lính được nói tới trong ca khúc là lính Việt Nam Cộng Hòa. Tìm hiểu về sự ra đời của bài hát này, tôi được biết nhạc sĩ Trần Thiện Thanh sáng tác trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến chống Cộng Tết Mậu Thân 1968. Bài hát là nỗi thương tiếc, sự vinh danh người bạn học và là người bạn thân của tác giả, Đại Úy Vũ Mạnh Hùng, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 “Hậu Nghĩa” thuộc Tiểu Đoàn 3 TQLC, đã tử trận khi đang trấn thủ tại cầu Bình Lợi cửa ngõ Sài Gòn.
 
– Hôm nay không còn hai bên chiến tuyến nữa, chúng ta có đủ thời gian nhìn lại lịch sử một cách khách quan hơn, để trả lại những giá trị đích thực cho một tác phẩm nghệ thuật. Tôi không coi bài hát này là ca khúc phản Cách mạng, tôi chỉ thấy đây là một bài ca tràn ngập lòng yêu thương con người, yêu đất nước và buồn xót xa vì đất nước phân ly, vì những thân phận con người không biết tương lai sẽ thế nào.
 
– Nghe bài hát, tôi không muốn phân biệt người lính được nói tới trong nhạc của Trần Thiện Thanh là thuộc “phe” nào. Họ là người lính đang tham chiến với mục đích chung: “Đánh giặc lâu bền cho non nước bình yên”. Họ có một tâm hồn đẹp, và nhạc sĩ Trần Thiện Thanh đã viết về họ với những dòng nhạc ngợi ca, lời thơ trữ tình, biểu hiện những ước mơ nhân bản. Đời sống chiến trường được phản ánh trong bài hát với những chi tiết tả thực: “bùn lầy còn pha sắc áo xanh, khói súng xây thành – mắt quầng thâm mất ngủ, tàn đêm khói lửa”… Không một chút tô vẽ nào, đó hoàn toàn là hiện thực của cả hai phía: Những người lính đã hành quân trong lửa đạn và đã chết khắp nơi suốt miền Nam, nơi chân cầu Bình Lợi, trong đám lá lục bình sùi sụt bùn hôi, ở cửa ngõ Sài Gòn, đường đi Thủ Đức, Lái Thiêu… Và rừng lá thấp um tùm nơi ấy đã trở thành nơi nương náu cho những linh hồn…
 
– Một thời gian rất dài, người ta né tránh những ca khúc phản ánh hiện thực như thế này, vì sợ nó sẽ làm lung lạc ý chí chiến đấu của con người. Đặt vào hoàn cảnh lịch sử khi ấy, có thể đúng. Nhưng chưa hẳn đã hoàn toàn đúng! Vì lúc đó, rất nhiều người trẻ tuổi vẫn nghe ca khúc này mà họ vẫn khoác áo lính lên đường. Và họ vẫn hát những bài họ thích. Họ vẫn yêu giọng hát cô ca sĩ mà họ mến mộ. Họ lớn lên trong chiến tranh, từ thuở ấu thơ đã quen nghe tiếng súng: “Nghe từ ngày thơ tiếng súng triền miên” nên khi vào đời lính đã ngay lập tức hiểu rằng “mộng ước đầu tôi nghe đã chìm sâu” và “quen yêu gian khổ quân hành”. Thế mà họ vẫn chiến đấu với một tình yêu đất nước không thay đổi. Vậy thì tại sao lại phủ nhận họ? Phủ nhận lòng yêu nước của họ?
 
– Bài ca có rất nhiều câu hỏi: “Sao không hát cho người đánh giặc trên cầu?… Sao không hát cho những người còn mải mê – Lá rừng che kín đường về phồn hoa?… Sao không hát cho những bà mẹ từng đêm ngóng con xa.. Hay hát cho những người vừa nằm xuống chiều qua?…” Những câu hỏi ấy vừa là lời tự vấn, vừa là câu hỏi dành cho tất cả mọi người: Hôm nay, ai nghĩ đến những người đã bỏ tuổi xanh nơi chiến trường? Ai xót thương những bà mẹ mất con? Hôm qua, lá rừng che kín đường về quê mẹ của những người lính xa nhà, và hôm nay, phải chăng những người còn sống đã mặc cho lá rừng phủ lấp quá khứ, phủ kín kí ức?
 
Đoạn kết là những lời ca khắc khoải đến cháy lòng:
 
“Lời hát xin gây rung động thật sâu
Đừng hát như chim giữa rừng lá sầu
Xin thật lòng qua câu hát đầu môi
Như lính giữa rừng yêu lá thấp mà thôi!”
 
“Xin thật lòng qua câu hát đầu môi”! Phải, bây giờ ta cần cái “thật lòng” ấy, để có cái nhìn đúng đắn về những gì thuộc về lịch sử. Giờ đây và chắc nhiều năm nữa, người yêu âm nhạc Việt Nam vẫn tiếp tục lắng nghe những bài hát như thế này về cuộc đời, về thân phận, về tình yêu trong chiến tranh. Hãy trân trọng tấm lòng ấy trong một ca khúc chất chứa nỗi buồn và tình yêu đất nước, con người thẳm sâu như thế – “Rừng Lá Thấp”!
 
Bài hát được nhạc sĩ Nhật Trường – Trần Thiện Thanh sáng tác trong giai đoạn cao điểm của cuộc chiến chống cộng Tết Mậu Thân 1968, là món quà và nỗi thương tiếc, sự vinh danh của người nhạc sĩ tài hoa dành cho người bạn học và là người bạn thân của mình, đó là Đại Úy Vũ Mạnh Trường, Đại Đội Trưởng Đại Đội 2 “Hậu Nghĩa” thuộc Tiểu Đoàn 3 TQLC, đã tử trận khi đang trấn thủ tại cầu Bình Lợi cửa ngõ vô Saigon.
Bài hát mang tên “Rừng Lá Thấp”
 
1/ có người cho rằng người lính VNCH dùng lá của loại cây lá thấp để gắn trên nón, trên ba lô nhằm ngụy trang;
 
2/ lại có ý kiến cho rằng vì khu vực cầu BL ở thời điểm đó chưa có khu dân cư dày đặc, chỉ có những lùm cây có tán cây thấp, cỏ mọc um tùm nên bài hát có tên RLT
 
3/ lại có ý kiến cho rằng vì người lính xa nhà, cái chết kề bên mọi lúc nên rất trâm trọng những giá trị gần gũi, là tình đồng đội, là chí làm trai, là tương lai nên cầm chắc tay súng, cũng như những tán lá thấp thật gần gũi, hơn là phố phường xa hoa, lộng lẫy, nơi có người thương, những lời ước hẹn của những cô gái “trọn kiếp yêu anh lính khổ xa nhà.”
 
Thùy Anh

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com