Chương I
Nó được sinh ra tại một nhà bảo sanh tư ở gần nhà. Nghe mẹ kể, mười hai giờ đêm, bà đau bụng, đến một giờ sáng là nó đã rống họng khóc to, chuyến vượt cạn dễ dàng và nhanh nhẹn.
Nơi nó lớn lên có cái tên đơn giản cư xá Kiến Thiết. Đó là những căn nhà hình chữ nhật, ngang ba mét, dài mười lăm, xếp ngay hàng, thẳng lối, đều đặn, tăm tắp theo từng lô. Là nhân viên của Phủ Tổng Thống NĐD, ba nó được mua trả góp căn nhà vào năm 59.
Sáu tuổi, nó vào Trường Saint Thomas, một trường tư thục chỉ cách nhà mấy bước chân (do sức khỏe còi cọc, nó vào trễ, sau ngày khai giảng một tuần, nghiệt cái, ngày đầu đến trường của nó là ngày mẹ nó đi... sinh thằng em út). Nó, lúc đó, quắt như con sâu róm, mẹ bảo thế (mà sau này, nhìn lại hình ảnh xưa, nó cũng thấy vậy thật). Anh Cả nó, khi ấy học Đệ Tứ. Anh đi trước, nó - rúm ró, một tay ôm cặp, một tay túm hông áo anh, lẳng nhẳng, bước những bước loạng choạng vì hoảng sợ, theo sau.
Trước lúc đến trường, nó không hề được ra khỏi nhà, vì bố mẹ sợ xe cộ. Cũng không có bạn hàng xóm, vì ở cư xá đấy, người ta có thói quen riêng tư, nhà nào biết nhà nấy, lịch sự lắm là một cái gật đầu và mỉm cười nhè nhẹ mỗi khi chạm mặt. Trên là hai anh trai nhưng do mẹ nó sinh thưa nên khoảng cách tuổi cũng cách biệt. Nó luôn phải chơi lủi thủi một mình, luôn sống với cảm giác cô đơn từ bé. Tất cả những điều ấy tạo nên tính cách nhút nhát hơi thái quá nơi nó.
Anh Cả nó thì ra dáng lắm - dong dỏng thư sinh lại thêm cặp kính cận trắng, đi đứng chững chạc, đàng hoàng. Tướng tá làm khối nữ sinh mê mệt ấy thì làm sao có thể chấp nhận cái con em còi cọc, xấu xí, mặt luôn muốn chực mếu máo như nó đeo bám? Anh dứt tay nó ra, mắt chẳng thèm dòm, gằn giọng: đi sau lưng, đừng túm áo nữa. Nỗi sợ hãi càng lớn dần hơn khi vào đến trường, tay anh chỉ rất nhanh về phía cuối dãy hành lang lầu hai: vào lớp đi - rồi quay lưng bỏ mặc.
Sẽ không bao giờ nó có thể quên được giây phút kinh hoàng ấy. Nó luẩn quẩn, lòng vòng quanh mấy cái cột to ở dưới sân trường thênh thang, mênh mông rộng, lòng rối bời, không dám bước về phía những bậc thang dài với sóng người dập dìu đông đúc kia. Nó sợ, sợ đủ thứ: sợ lạc, sợ té, sợ bị đè bẹp... Nó mong ước một phép màu: anh Cả nó xuất hiện và nó sẽ thiết tha van xin, năn nỉ anh dẫn nó vào lớp. Nhưng phép màu không đếm xỉa. Hồi chuông reng chấm dứt tiếng ồn ào, huyên náo. Sân trường vắng dần và không còn ai. Trong trơ trọi - các mạch máu như đông cứng lại - hai chân nó chôn chặt xuống đất.
Từ xa, xuất hiện một người đàn ông lớn tuổi, to cao, đường bệ. Ông mặc một cái áo rộng dài trắng toát phủ đến gót chân, hai tay chắp trước bụng, ngực đeo Thánh giá - tiến về phía nó. Đặt bàn tay lên vai, ông cúi xuống nhìn nhân hậu (nhưng nó nào nhận ra được điều ấy).
Nỗi sợ chạy ngược hết lên đầu làm miệng nó há hốc. Nó, dường không thể đủ sức chờ đợi một đại họa ghê gớm sắp sửa giáng xuống trừng phạt tội lang thang ở sân trường giờ này.
Sao con không vào lớp? Ục một cái - tiếng khóc vỡ òa. Tiếng khóc tỉ lệ nghịch với thân hình nhỏ thó của nó (không chừng, nhờ tiếng khóc mà bố mẹ nó nghe thấy và đến cứu nó chăng, chắc nó nghĩ vậy... - lúc ấy). Nó khóc nức nở, những giọt nước mắt chảy ròng ròng, nhòe nhoẹt. Khuôn mặt đạo mạo giả hiệu đáng ghét của anh Cả nó hiện ra, vừa khóc trong đầu nó vừa nghĩ đến việc mách bố mẹ chuyện anh ấy dám bỏ rơi nó như thế này. Mê mải khóc tồ tồ, sướng... , nó quên béng cả người đàn ông đang đứng trước mặt.
Lớp con ở đâu? Câu hỏi làm nó sực tỉnh: chắc ông ta không bắt mình (!) Tay chỉ về dãy hành lang mông lung trên lầu, đầu lắc, nó thưa trong màn nước mắt: Dạ, con không biết - rồi càng tức tửi hơn.
Người đàn ông bật cười, xoa đầu bảo: Thôi nín, để Cha dắt con vào lớp nhé. Một niềm tin mãnh liệt lan truyền vào thân thể. Nó im thít, chỉ còn tiếng nấc khe khẽ, đặt bàn tay bé xíu của mình vào tay Cha Hiệu Trưởng (Sau này, nó mới biết ông là Cha Vang - Hiệu Trưởng trường) hiên ngang, sóng bước cùng ông.
Vừa đi, ông vừa hỏi nó: Con tên gì? Giấy vào lớp của con đâu? Đến trước cửa lớp, một phụ nữ trùm khăn, mặc áo đen dài giống như Cha vậy, ra đón nó. Khác hẳn với Đức Cha hiền từ, bà mím môi, nhìn nó nghiêm khắc qua gọng kính to bản đồi mồi. Cha Hiệu Trưởng nhắc: Chào Sơ Mai đi con.
Cha nói thêm gì đó với Sơ (hình như là một lời nhắc nhở thì phải - nó đoán thế). Nhìn nó lần cuối, ông đưa tay vẫy chào rồi khoan thai bước đi. Nó hụt hẫng. Sơ chằm chằm quan sát. Chỉ tay vào trong, Sơ ra lịnh: Vào đi, chờ gì nữa, đến lớp học rồi còn không biết hả?
Nó riu ríu cúi đầu bước mà nào hay biết - tiếp sau đó với mình - sẽ là những ngày dài... khó quên.
Sau Mậu Thân, những đợt vắng nhà nhiều ngày của ba nó lại dày đặc hơn bao giờ hết. Tuổi thơ, nó có một thứ thèm - không phải là búp bê, đồ hàng, truyện tranh... hay một món nào đại loại như vậy mà là thèm... ba. Nó thèm sự có mặt của ba bên cạnh, người quan tâm đến nó nhiều hơn hết thảy những người thân trong nhà cộng lại. Ông tuy hà khắc, độc đoán, gia trưởng, dạy con theo Nho giáo một cách cực đoan... nhưng lại quý con cái vô cùng. Trong mắt nó, ba là sự hội tụ của tất cả những tinh hoa: mẫu mực, hiểu biết, lịch lãm, duyên dáng, phong độ... mà không một người đàn ông nào sánh bằng. Nó thần tượng ba mình đến mức, khi vào tuổi thiếu nữ, nó thầm ao ước, người đàn ông sau này của mình cũng giống như ba vậy.
Mẹ nó thở dài thườn thượt khi nhìn thấy những tờ sự vụ lệnh, biệt phái ba nó đi công tác triền miên. Bà mệt mỏi, thường cáu giận vô cớ khi cứ phải vò võ cơm nước, chợ búa... lo cho bầy con liu điu đang tuổi lớn. Nó học trường nào, ngày đầu tiên nó đến lớp ra sao... , không phải là nỗi lo lắng hàng đầu của người mẹ đang bụng mang dạ chửa sắp đến ngày khai hoa nở nhụy. Chọn trường gần nhà chính là biện pháp tối ưu mà bà có thể làm được cho nó trước khi xách giỏ lủi thủi một mình vào Từ Dũ.
Buổi tối mẹ vào bệnh viện sinh em bé, nó lần đầu tiên, ngủ một mình - nhưng cảm giác lẻ loi ấy không thể nào sánh bằng việc phải chống chọi với nỗi ám ảnh khủng khiếp: ngày mai, mình sẽ lại đến cái trường chết tiệt ấy. Nó thiếp đi trong giấc mơ hãi hùng: bà Sơ dạy lớp nó bỗng biến thành người khổng lồ, nhe răng, trừng mắt, hai tay đưa lên thật cao rồi bất ngờ chụp xuống, ô hô, nó nằm gọn lỏn trong bàn tay đang dần siết lại, nó vùng vẫy hét thất thanh: ba ơi, cứu con với. Bật dậy, nó toát mồ hôi lạnh đầm đìa. Lấy cái chăn trùm lên người kín mít, đứa bé cứ thế, tiếp tục chập chờn trong tư thế ngủ ngồi, đầu gập xuống chiếu.
Buổi học bắt đầu lúc bảy giờ. Vào trễ một tuần sau ngày khai giảng, nó được Sơ xếp cho ngồi ở bàn gần cuối, dãy thứ nhì, phía trong. Lớp có năm dãy bàn, một bàn có hai học sinh. Trên nó là Phụng, kế nó là Hòa. Chẳng biết chúng ăn gì mà đều cao hơn nó một cái đầu.
Sơ vào, cả lớp đứng lên chào. Cái cặp nó thừa hưởng từ người anh kế bị hư một cái khóa, cái khóa còn lại không chịu nổi sức căng phồng của quá nhiều thứ hỗn độn nằm trong đó, cũng buột ra. Trong không gian im phăng phắc, âm thanh rơi rồi lăn lông lốc của nào là: hộp bút, mấy cây viết, lọ mực, đồ chuốt... - vang lên khô khốc, gây khó chịu một cách lạ thường. Năm mươi hai cặp mắt, kể cả Sơ, đổ dồn về chỗ nó. Thời gian như đứng lại, không quay nữa. Nó bủn rủn, hai chân như muốn khuỵu xuống. Nếu không có cái bàn nhỏ chật giúp nó tì vào gọn ghẽ, chắc nó đã ngã ngửa, lăn đùng ra vì quá sợ.
Sơ bước xuống bục đi nhanh về phía nó (dáng Sơ thấp đậm, tuổi khoảng năm mươi, suốt một năm nó theo học, Sơ rất ít cười). Bà nhìn nó, nó nhìn mặt bàn. Giấc mơ đêm qua thành sự thật, bà đưa tay, một cái tát như trời giáng, hừng hực hằn in năm vệt đỏ lên cái má mỏng tang, trắng xanh của con bé có nước da nhợt nhạt. Nó xiểng niểng, mắt nổ đom đóm, chới với đổ nghiêng. Cái tát làm nó thoát khỏi cơn mộng du, nó lom khom bò lượm lại các vật dụng dưới gậm bàn, dưới chân Sơ.
Sơ quay trở lên, bắt đầu buổi học bằng Kinh Lạy Cha như thường lệ. Đến nhiều chục năm sau đó, nó cứ thường tự hỏi hoài mà không tìm được câu trả lời thỏa đáng: Tại sao đứa mít ướt như nó, hôm ấy, lại không khóc nhỉ?
Điều làm nó mặc cảm nhất khi đến lớp là nó không phải người Công giáo - đồng nghĩa với việc nó không hiểu Giáo Lý là gì và tại sao phải học Giáo Lý.
Như các bạn khác, học kỳ một, nó được Sơ phát cho quyển Giáo Lý Hỏi Đáp - tập một. Quyển sách nhỏ, dầy, chi chít chữ. Mỗi ngày, Sơ trả một, hai trang. Nó nhai nuốt chúng một cách ì ạch, khó khăn. Nó không hình dung được những điều mà người ta viết trong đó. Nó chỉ học như một con vẹt - một con vẹt tối dạ. Nhưng đám bạn trong lớp nó thì rất hay, chúng ro ro đọc cứ như chữ có chân, mở miệng là lập tức chạy ra. Nó đem thắc mắc về hỏi mẹ, bà ngập ngừng: ừ thì... bạn con thường đi nhà thờ, thường nghe kinh. Nhà thờ của ai, ở đâu? Ừ thì... của người có Đạo. Vậy mình có Đạo không? Không. Tại sao lại không? Đến đây thì bà gắt: thôi, học đi, đừng hỏi nữa. Nó nhìn mẹ khó hiểu nhưng bà đã quay đi chỗ khác.
Thật ra, nó đã không chọn được đúng câu để hỏi mặc dù bà biết rất rõ câu trả lời. Trường Thánh Tô-Ma trực thuộc dòng Đa Minh quản lý (sau 75, nó trở thành trường Trung Học Phú Nhuận), đa phần các con em theo học tại đây là người theo đạo Thiên Chúa. Khi mẹ xin cho nó vào học vì lý do gần nhà, bà đã không thể hình dung ra được sự lạc lõng mà nó phải đối mặt. Anh Cả nó thì khác, anh đã đủ hiểu biết để có thể hòa nhập, xóa mờ những cách biệt ấy một cách dễ dàng.
Tay ôm quyển Giáo Lý, tay xách cái ghế con, nó ra hàng ba ngồi. Cái ghế rất xinh được đóng riêng cho nó từ đôi tay khéo léo của ba. Ông tài lắm, chỉ với búa, cưa, bào, đục... , ông có thể biến những miếng gỗ thô thành bất cứ thứ gì ông muốn. Cái gì ông cũng giỏi. Đặc biệt là chữ viết, rất đẹp - mà nó tự hào là được thừa hưởng từ ông duy nhất điều đó. Ông rành cả hai thứ tiếng Pháp, Anh. Ông có thể làm và viết thơ bằng chữ Hán... . Hàng ba là khung trời, không gian riêng tư nhất mà nó có được trong thời thơ ấu. Nó có thể ngửa cổ hàng nhiều giờ không biết mỏi chỉ để ngắm... mây bay. Những đám, những lọn mây mang hình thù kỳ dị, lạ lùng - thay đổi liên tục từ dạng này sang dạng khác. Vừa nhìn những sắc sáng ấy, nó vừa miên man vẽ ra trong đầu tất cả những gì có thể (như truyện cổ tích, nó tưởng tượng nó là nàng công chúa, là ... - mà thôi, chắc ai cũng có một thời thả hồn vào những viễn mơ rất đỗi ngây thơ, buồn cười... bây giờ, nó vẫn thấy ngường ngượng, mắc cỡ lắm). Khi chúng vỡ ra, tan thành những mảng mờ trong màn đêm nhòe tối, nó chép miệng tiếc nuối, mong chờ đến ngày mai.
Sáu tuổi, nó còn ngủ chung với mẹ. Sau này thêm em bé nữa, giường trở nên chật hẳn. Sợ đè trúng em, mẹ cứ ép nó vào sát góc giường. Nó tủi thân lắm, nó thấy mình bị ra rìa - đôi lúc, nó đâm ra hờn mẹ nhưng nó không ghét em, hai má em đỏ hây hây, tay chân em mũm mĩm, chẳng bù cho cái đứa chỉ da bọc xương như nó.
Hai anh nó độc chiếm căn gác lửng. Làm người lớn sướng thật, nó nghĩ thế. Nó rất ít khi được bén mảng lên giang sơn riêng của các anh trừ phi nó lập được một công trạng gì đó, tỉ như đi... đổi truyện cho họ. Những quyển truyện chưởng, truyện kiếm hiệp, truyện trinh thám... giấy vàng khè, bìa dầy cui ở tiệm Thanh Vân trên đường Huỳnh Quang Tiên - được nó giấu đút vào trước bụng, sau lưng để đem vào nhà. Ba nó dư sức biết trò qua mặt vặt vãnh của hai thằng anh đầu têu cho con em. Ông mà bắt được hai thằng con trai lén lút, trước hết là bắt nằm ra quất cho vài roi, sau nữa là xé tan nát truyện. Roi thì chẳng nhằm nhò gì, nhưng xé truyện thì xem như toi đời tiền đặt cọc, phải lâu lắm mới để dành được một khoản tiền mới. Vậy mà nó, lần nào cũng lọt qua cửa ải một cách thần kỳ. Lướt ngang qua ba, nó thấy ông ngó mênh mang hướng khác. Giờ nó mới hiểu, ông làm ngơ cho nó. Biết mà không trị tội thì gia phong không nghiêm, mà trị thì... chỉ nửa roi thôi, cũng đủ để đứt đời con thằn lằn như nó rồi.
Thế giới tuổi thơ của nó không ồn ào, vui nhộn. Đi học, có bạn, nhưng do yếu ớt, nhút nhát... , nó không thường tham gia đủ tất cả các trò chơi "nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò". Lớp Năm (tức lớp Một bây giờ) của nó chỉ toàn nữ sinh nhưng nghịch thì không chắc kém bọn con trai. Phụng là đứa to, khỏe, mặt mũi sáng láng, thông minh, lại có bố làm Tướng, đi học có chú tài xế mặc quân phục rất oai đưa đón bằng xe Jeep, nghiễm nhiên trở thành thủ lĩnh. Những ngày đầu nhìn thấy nó, Phụng khinh khỉnh, không thèm cười, ngụ ý: cái con ranh này chui từ đâu ra thế nhỉ? Phụng "dợt" nó vài đòn ra trò: giấu vở, làm gãy đầu chì, làm tè ngòi bút, đổ mực ra sách... . Nó chịu đựng, không hé nửa lời, không mách Sơ, mách mẹ. Trong trí óc non nớt, nó hình dung lớp học của mình là một xã hội thu nhỏ. Sơ to nhất, là chính phủ - nơi tập trung quyền lực công khai; Phụng cầm đầu giới giang hồ - nắm giữ quyền lực của thế giới ngầm; Hòa là bà hàng xóm cạnh nhà - hôm nay là phe ta, ngày mai có thể trở thành địch... - tất cả đều có luật lệ. Và nó mơ hồ hiểu, việc kéo kín cái miệng chính là lựa chọn khôn ngoan nhất để tự cứu mình ra khỏi những trò bắt nạt mạnh được yếu thua của tuổi học trò.
Hàng đêm, nó lẩm nhẩm ôn: "Lạy Cha chúng con ở trên trời, chúng con nguyện danh Cha cả sáng, nước Cha trị đến, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời. Xin Cha cho chúng con hôm nay lương thực hàng ngày, và tha nợ chúng con, như chúng con cũng tha kẻ có nợ. Xin chớ để chúng con sa trước cám dỗ, nhưng cứu chúng con cho khỏi sự dữ...". Và luôn luôn, tiếng Amen kết thúc không bao giờ được cất thành từ trọn vẹn, bởi nó đã... ngoẻo cổ ngủ rồi còn đâu...
(còn tiếp)
Hiền Mây