Chương II
Hồi chưa di cư vào Nam, ba nó vốn từng là thầy giáo dạy lớp Nhất cuối cấp (lớp Năm bây giờ), cho nên, với tinh thần hiếu học ấy, căn nhà nhỏ sáu người của bố mẹ nó sau này, luôn phải chứa thêm nhiều hơn khả năng. Có lúc, ba má nó nhận thêm ba, bốn... con, cháu của người quen từ các vùng chiến sự Bình Long, Phước Long... lên ở nhờ ăn học.
Ngoài giờ đến trường, xem ti-vi, nghe nhạc... - đôi lúc các anh cũng rủ nhau chơi trò đánh kiếm, thi triển võ công, cao bồi bắn súng... . Chẳng phe nào chịu nhận nó, sợ thiệt. Bị đứng ngoài cuộc, nó phụng phịu, giậm chân giậm cẳng mè nheo mẹ. Bà mắng té tát lũ con, cháu rồi hạ lệnh phải cho nó tham gia. Choàng cái khăn lông lớn vào cổ, buộc túm lại bằng sợi dây thun, tay cầm chổi lông gà, đứng trên giường, nó... phi thân. Do kỹ thuật non kém - bịch - nó nằm dang hai tay hay chân sóng soãi, mặt úp sấp xuống đất, nghe... lổn nhổn trong miệng. Các anh đỡ lên, máu be bét dưới đất, trên mặt, thì ra hai cái răng cửa hàm trên của nó... đã rời ra khỏi nướu, nát vụn.
Sau lần ấy, nó chả còn ham muốn tham dự trò chơi của con trai. Nó bắt đầu đọc truyện. Thượng vàng hạ cám, tranh hay chữ, dày hoặc mỏng... , nó ngốn tất tật, vô tội vạ. Ai cũng có quá nhiều việc riêng để không thể kiểm soát xem nó nên đọc cái gì và không nên đọc cái gì. Đọc chui, đọc trốn nên các xó xỉnh tối tăm là chốn dung thân an toàn của nó. Có khi, nó còn lăn cả vào gầm giường để đọc và ngủ quên luôn trong đấy. Và rồi nó... cận.
Không ai phát hiện ra nó cận. Không nhìn thấy rõ chữ trên bảng, nó nhìn sang vở con Hòa. Hòa lấy tay che tập: sao mày cóp-py tao? Việc học của nó càng lúc càng tệ hơn: không thuộc Giáo Lý, không chép bài đầy đủ. Sơ phê vào vở, Sơ bắt quỳ gối, Sơ xoắn lỗ tai, Sơ ký vào đầu, Sơ lấy cây thước kẽ bằng sắt gõ vào bốn đốt xương trên mu bàn tay... - không ngày nào đi học về mà nó an toàn thân thể. Một lần nọ, mẹ tắm cho nó, phát hiện ra mông đít của đứa con gái còn lằn những vết roi, bà chết sững để rơi cái ca múc nước xuống sàn phòng tắm. Bà hỏi, nó nhất quyết không nói (chiến thuật tự đề ra của nó mà). Cáu sườn, bà lấy tay phết mạnh vào người nó mấy cái, rồi cứ thế mà ngồi phệt ra nền nhà tắm ướt mem, bà ôm nó vào lòng, khóc: có phải Sơ đánh con không?
Đêm đó, lần đầu tiên nó nằm trong mùng tỉ tê với mẹ như hai người lớn. Nó nói về những khó khăn khi nó không sao học được cuốn Giáo Lý căn bản một cách thuận lợi, dễ dàng. Nó nói về cảm giác thất vọng, nặng nề, chán chường, lo lắng vào mỗi buổi sáng. Mẹ nó im lặng nghe. Bà nhìn ra sơ sót của mình. Chuyện này được mẹ nó giữ kín để không đến tai ba vì sợ ông giận rằng bà đã không theo sát con cái. Bà nói với chồng là muốn nó vào trường công hơn.
Sang năm sau, bà xin cho nó vào học lại lớp Năm Trường Công Lập Tân Sơn Hòa, cách nhà chừng một cây số (sau này đổi tên thành Ngô Sỹ Liên - Tân Bình). Nó trở nên già dặn, bạo dạn, tự tin hẳn khi bước vào môi trường học đường mới. Suốt thời tiểu học rồi trung học và cả lên đại học, nó luôn quanh quẩn những vị trí đầu lớp, nhưng nó vẫn không vui, nó vẫn trầm mặc. Nó thấy như mình đánh mất một cái gì đó mà không sao tìm lại được - cái gì đó như là sự hồn nhiên... thì phải.
Một điều rất lạ là ngày xưa nó học Giáo Lý vất vả bao nhiêu thì bây giờ các bài Kinh đọc thường ngày lại lưu dấu trong nó rất đậm sâu. Nó có thể đọc Kinh cùng các câu hỏi đáp Giáo Lý rất nhanh, vanh vách, có giai điệu hẳn hoi và không sai chạy từ nào. Bạn thân nó hầu hết là người Công giáo. Nó đi cùng chúng đến nhà thờ và gia nhập vào các ca đoàn, tập hát siêng năng với các Thầy, thậm chí được tin tưởng giao cho giọng nữ chính trong một số chương trình của các buổi lễ trọng.
Dẫu sao, mỗi khi nhớ lại buổi đầu đi học không mấy bằng phẳng của mình, nó cũng không tránh khỏi cảm giác bùi ngùi, tự thán!
(còn tiếp)
Hiền Mây