.
Gửi tặng 163 thuyền nhân trên tàu ĐN1601CA nhân dịp hội ngộ sau 30 năm tại Brisbane, Úc-đại-lợi
*Ghi Chú: Tất cả những nhân vật trong truyện đều hư cấu, mọi sự trùng hợp chỉ là ngẫu nhiên và nằm ngoài ý muốn của tác giả.
Tôi bất ngờ nhận được cú điện thoại từ Úc báo tin năm nay ông chủ tàu, ông Chung, sẽ tổ chức ngày hội ngộ cho tất cả những người vượt biển trên tàu ĐN1601. Hỏi tại sao đến giờ này mới tổ chức hội ngộ, ông trả lời rằng tính từ ngày rời cái đất khốn khổ đó đến nay là đúng ba mươi năm. Ý kiến độc đáo đấy chứ, tôi nghĩ thầm. Tôi hỏi tiếp, nhưng kể từ ngày rời đảo đi định cư đến nay, từng ấy người lưu lạc gặp bốn phương trời, biết làm sao mà quy tụ hết cho được. Tiếng ông cười giòn tan trên phôn:
- Đúng, làm sao báo cho hết từng ấy người. Tôi chỉ báo tin cho một số người còn giữ liên lạc với nhau, như anh chẳng hạn. Còn những người kia có muốn báo cũng không được vì có biết số điện thoại đâu mà gọi. Nhưng với hệ thống truyền thông hiện đại bây giờ thì tin tức lan đi rất xa, thế nào cũng có người đi cùng tàu nhận biết tin. Được cỡ một trăm người hiện diện là quá tốt. Ở Úc tính sơ sơ cũng đến năm chục, ở Mỹ thêm vài chục nữa, hy vọng Âu châu cũng có người đến. Thế là vui rồi, mong gì hơn.
Ông còn thòng thêm:
- Tôi tính tổ chức ngay tại sân sau nhà tôi. Có Thánh lễ tạ ơn, sau đó mình lai rai hàn huyên ôn lại quá khứ, dĩ vãng gì gì đó cũng được…
Dĩ vãng của những ngày lênh đênh trên mặt biển thoáng hiện rồi tan biến, để lại một vũng tối đen ngòm trong tâm trí tôi. Đột nhiên một khuôn mặt sáng rực nhoáng lên như ánh chớp. Tôi kêu thầm… Cát Hương… Cát Hương. Tôi chợt nhớ đến tên cô gái. Người con gái kỳ lạ trên biển Đông. Đã có lần tôi nhìn sâu vào đôi mắt ướt đẫm nỗi buồn của Hương mong chờ một quyết định khác. Ôi! Thấp thoáng thế mà đã ba mươi năm. Biết bao chuyện vật đổi sao dời từ đó đến nay. Không biết bây giờ nàng ra sao? Chồng con thế nào? Có ai biết thêm tin tức gì về nàng? Không hiết nàng có về tham dự hội ngộ? Tôi ngẩn người với hàng trăm câu hỏi dồn dập đổ về trong tâm tưởng. Miệng lẩm bẩm những câu hỏi như người mộng du, tôi rụt rè mở lại cánh cửa quá khứ đã khép chặt từ ba mươi năm.
Đột nhiên, tôi háo hức mong gặp lại nàng, mong cho mau đến ngày 9 tháng Mười. Cát Hương… Cát Hương…
* * *
Con tàu dài mười ba thước, rộng ba thước vượt bãi Hải Sơn ra cửa biển Vũng Tàu vào ngày 31 tháng 7 năm 1980. Ông chủ tàu ban đầu ước tính chỉ chở độ tám mươi người, thế mà khi ra đến cửa biển, thấy đàn bà con nít nằm la liệt khắp sàn tàu, chưa kể đàn ông thanh niên nhét cứng như nêm dưới hầm, ông lẩm nhẩm tính rồi phỏng chừng phải cỡ một trăm hai mươi người. Chạy được hơn nửa ngày đường, đến giữa trưa, ông cho phép mọi người lên hết boong tàu và đếm hết đầu người. Lúc đó, ông mới bật ngửa hóa ra con tàu đã oằn mình chở đến một trăm sáu mươi ba người.
Vượt biển trên chiếc tàu mong manh như lá giữa giòng ai cũng đã trải qua nên tôi không muốn kể lại làm gì. Tôi chỉ xin nói về những con sóng trong cơn bão nổi lên vào ngày thứ hai của chuyến vượt biển. Cơn bão kinh hoàng nhưng đã củng cố lòng tin của tất cả mọi người, bất kể họ tin vào tôn giáo nào. Thú thật, đứng ở gần mũi tàu, ngọn đèn bão treo trên đầu con thỏ chiếu ánh sáng nhờn nhợt vào mặt biển đen kịt nhưng đủ sáng để tôi thấy những con sóng cao nghễu nghện cỡ mấy tầng lầu gầm thét đổ ập xuống con tàu mong manh. Thế mà nó vẫn gối sóng tung lên cao rồi đập cả thân hình mỏng giòn xuống mặt biển. Tiếng va chạm của đáy tàu đập xuống mặt biển vì sức nặng của một trăm sáu mươi ba người phụ thêm tiếng gió thổi vun vút trong cơn bão và tiếng sấm chớp vang rền trên bầu trời đen đúa tạo nên một âm thanh khủng khiếp. Thoạt đầu khi mây kéo về đen kín cả một góc trời, gió gom lại từng cơn thổi mạnh dần, tiếng cầu kinh của các bà trên boong tàu đột nhiên vang lên khá nhịp nhàng như linh tính của phụ nữ báo biết trước một nguy hiểm gần kề. Hình như không ai bảo ai, khi nhìn thấy con tàu tròng trành theo cơn gió, họ hiểu ngay sự bất lực của con người trước cơn giận dữ của thiên nhiên và lời khẩn cầu với Đấng Tối Cao tự nhiên bật ra trên môi miệng. Tôi hiểu ngay đây là lời nguyện cầu của những người công giáo vì địa điểm nhổ neo ở Hải Sơn là tên của một họ đạo. Lời kinh bị cơn gió cuốn mất hút vào khoảng không đen ngòm, nghe chữ được chữ mất, ú ớ như người bị cấm khẩu. Tuy là người ngoại đạo nhưng tôi vẫn tin có Trời Phật. Miệng tôi cũng lẩm nhẩm những lời nguyện với Phật tổ, hiệp một lòng với những người có niềm tin sắt son. Chỉ độ chừng mươi phút sau đó, tiếng cầu kinh im bặt, vì những con sóng nhồi họ mửa đến mật xanh mật vàng. Tôi cũng chẳng còn lòng dạ nào mà nguyện xin, chỉ biết đứng nhìn sững thiên nhiên gầm thét đe dọa. Chưa bao giờ tôi cảm nhận được thân phận nhỏ bé của con người đến thế. Nó mong manh quá, yếu đuối quá. Một mạng người thật chẳng là gì khi ông Trời nổi cơn thịnh nộ. Những con sóng cao chập chùng, triền miên rú lên những âm thanh quái gở mà tôi chưa từng nghe một lần trong đời. Mũi tàu vẫn đập chan chát xuống mặt biển, con tàu vẫn gối sóng cố trườn tới với sinh lực của một người đang hấp hối. Biển như một con quái vật đang mở miệng rộng hoác sẵn sàng nuốt chửng lấy con tàu, cướp gọn sinh mạng của một trăm sáu mươi ba thuyền nhân.
Tôi nghĩ con tàu chỉ chịu đựng thêm một vài lần thử sức với mặt biển rồi thế nào cũng nát ra từng mảnh, nhận chìm từng ấy con người vào lòng biển sâu. Vậy mà chẳng hiểu sao nó vẫn bền chí chống chỏi với cơn bão suốt cả đêm. Sau này, lên đến đất Mã-lai, anh tài công thở dài nói tối hôm đó anh cầm lái như người mộng du, theo quán tính, theo sự điều khiển của một bàn tay nào đó mà lòng tin của anh khẳng định là của Mẹ Maria. Tôi tin anh nói thật. Chẳng biết là Mẹ Maria của anh hay là Phật Bà Quan Âm của tôi nhưng tôi tin chắc rằng chỉ có phép lạ mới có thể đưa chúng tôi thoát khỏi cơn cuồng phong và đặt chân an toàn lên đất Mã-lai, đủ một trăm sáu mươi ba người gồm cả đàn bà con nít không thiếu một người.
Nếu chỉ phải chống đỡ cơn cuồng phong trong suốt chuyến vượt biển thôi thì con tàu ĐNxxxx phải được kể là một trong những con tàu may mắn nhất sau sáu ngày năm đêm lênh đênh trên biển. Thế nhưng nó cũng chịu chung số phận như những con tàu khác khi băng qua vịnh Thái lan. Đó là nạn hải tặc. Chúng chận cướp tàu chúng tôi không biết bao nhiêu lần, mà lần nào chúng cũng moi được đâu đó một ít vàng mà các bà vắt óc nghĩ cách giấu kín. Nhìn những tên hải tặc vóc dáng to lớn kềnh càng như pho tượng đồng, nước da đen đủi, mảnh xà-rông phong phanh quấn ngang hông, tay lăm lăm cầm con dao chặt cá, thanh niên khỏe mạnh như tôi cũng rùng mình chẳng dám nhìn thẳng vào mặt chúng. Có một lần, bọn hải tặc bắt hết đàn bà con nít lên tàu lớn của chúng, và giữ hết đàn ông trên chiếc tàu mong manh kéo theo sau. Cứ tưởng chúng sẽ đâm ngang thuyền giết chết hết đàn ông và tha hồ làm nhục tất cả đàn bà con gái. Thế mà không hiểu sao, sau vài tiếng đồng hồ giam giữ chúng lại thả hết đàn bà con nít, lại còn cho tàu chúng tôi vài can nước để tiếp tục cuộc hải trình.
Sau một đêm vất vưởng trên biển cả, tàu chúng tôi cập bờ Terengganu, một tỉnh thuộc Mã-lai. Trải qua thủ tục hành chánh của Cao ủy, tất cả một trăm sáu mươi bốn người được đưa về đảo Biđông và phân loại theo từng hộ, từng diện để chờ các nước đến mở hồ sơ phỏng vấn. Trong thời gian chờ đợi tại đảo, mỗi người đều nhận một việc làm nhỏ trong ngày, góp sức với Ban Quản trị điều hành công việc cho hơn mười ngàn đồng bào trên đảo. Với số kiến thức thâu thập trong vài năm tại đại học Y khoa Sài gòn, tôi được nhận vào làm việc tại bệnh viện Sick Bay. Nữ y tá trưởng, người Úc, giao cho tôi nhiệm vụ y công kiêm luôn thông dịch. Thông thường mỗi buổi sáng, tôi ngồi tiếp từng bệnh nhân, giúp họ kê khai chi tiết cá nhân, đo mạch, lấy nhiệt độ và ghi vào hồ sơ bệnh lý. Sau khi bác sĩ hoặc y tá khám bệnh xong, tôi lại dặn dò họ từng loại thuốc để uống cho đúng. Chỉ cần hơn tháng tôi đã làm khá chạy việc.
Vào một buổi sáng, tôi tiếp một bệnh nhân là một cô gái dáng người nhỏ nhắn, tóc xõa dài ngang vai. Ngồi xuống ghế với dáng điệu mệt mỏi, cô trả lời khi tôi hỏi tên họ:
- Lê thị Cát Hương.
- Ngày tháng năm sinh của cô?
- 25 tháng 10, 1962.
- Số tàu?
- ĐN1601.
Tôi nhận ra ngay số tàu nhập trại tỵ nạn của tôi. Như reo lên, tôi cười cười:
- Ồ! Cùng tàu với tôi. Vậy mà tôi không biết cô.
- Đông quá làm sao ai biết ai. Nhưng em biết anh vì anh lo thủ tục nhập trại cho cả tàu vào những ngày đầu tiên.
- Nào, cô cho tôi biết bệnh ra sao?
- Không hiểu sao em cảm thấy mệt mệt trong người, với lại buổi sáng em cứ buồn nôn.
- Tình trạng này xảy ra bao lâu?
- Khoảng hai tuần nay.
Triệu chứng này thì ai cũng biết căn nguyên. Ngưng viết, tôi đưa mắt nhìn cô gái. Nàng cũng đưa mắt ngơ ngác nhìn tôi chờ đợi câu hỏi tiếp để trả lời. Tôi đọc được ở đôi mắt trong veo thoáng ẩn một chút buồn. Khuôn mặt cô bé tròn trĩnh, mái tóc chải giữa vén sang hai bên để lộ vầng trán cao, hơi nhô về phía trước. Tuy có cái trán bướng nhưng với cánh mũi khá gọn, cặp môi vừa, khuôn mặt của nàng thoát lên một vẻ đẹp ngây thơ, hiền dịu. Tôi dè dặt:
- Thế cô ở chung hộ với ai?
Cô bé lắc đầu nhè nhẹ:
- Không, em có ở chung với ai đâu. Em đi có một mình.
Tôi hỏi gặng:
- Ý tôi không hỏi cô vượt biển với ai. Tôi muốn hỏi là cô đang chung sống với ai? Hoặc giả cô có… liên hệ tình cảm với ai không?
Hơi nghiêng đầu qua một bên, cô tỏ vẻ ngạc nhiên:
- Không… em sống một mình, ở khu B. Mà anh hỏi liên hệ tình cảm là sao, em không hiểu?
Tôi nhìn thẳng vào mặt cô gái:
- Xin lỗi cô, vì đây là thủ tục của bệnh viện nên tôi phải hỏi những chi tiết khá riêng tư để ghi vào hồ sơ bệnh lý, mong cô thông cảm.
- Em hiểu. Mà có sao em khai vậy chứ chẳng thêm bớt gì.
Tôi nhỏ giọng:
- Tôi biết nhưng ý tôi muốn hỏi là cô có bạn trai không?
Khuôn mặt cô càng trở nên ngơ ngác:
- Em chưa hề có bạn trai bao giờ, kể cả lúc còn ở Việt Nam. Mà sao anh cứ hỏi gặng em về chuyện tình cảm vậy?
- Tại vì… tại vì nó dính đến cái chuyện buồn nôn vào mỗi buổi sáng của cô.
Đôi mắt cô mở lớn:
- Vậy sao?
Nhìn vẻ kinh ngạc của cô, tôi tin cô bé nói thật. Tất cả sự thành thật hiện rõ trên khuôn mặt thơ ngây. Có lẽ tuổi của cô còn nhỏ để biết những chuyện người lớn. Giọng ân cần, tôi nhìn thẳng vào đôi mắt của cô bé:
- Tôi tin cô nói thật. Thế này nhé, tôi ghi vào phần gia cảnh là cô còn độc thân. Lát nữa vào khám bệnh bác sĩ sẽ cho cô biết rõ hơn.
Bận rộn thêm một số bệnh nhân nữa rồi đến phiên tôi thay ca. Người thông dịch trong phòng khám bệnh không đến trực nên tôi lại phải thế chỗ. Khi đi ngang qua dãy ghế ngồi đợi, tôi thấy cô bé vẫn kiên nhẫn ngồi chờ, dáng người nhỏ nhắn trong bộ áo cánh, hiền lành như một con mèo. Nhìn thấy tôi, cô khẽ nhếch môi, gật đầu chào.
Thêm một vài bệnh nhân rồi đến phiên cô gái. Vị bác sĩ người Úc liếc sơ tờ khai và hỏi cô bằng tiếng Việt:
- Cô đau yếu thế nào?
Cô bình thản trả lời đúng như lời khai lúc sáng. Kéo chiếc màn gió cho kín đáo, vị bác sĩ bảo cô nằm xuống trên chiếc bàn dài. Dùng ống nghe ông rà khắp người cô bé để nghe nhịp tim, nhịp thở. Sau cùng, ông hỏi bằng tiếng Anh:
- Lần cuối cô thấy kinh nguyệt cách đây bao lâu?
Tôi đứng phía ngoài màn dịch theo lời khai của cô:
- Khoảng gần hai tháng.
Gạt chiếc màn gió sang bên, ông buông thõng:
- Có thể cô có thai hơn tháng rồi. Muốn biết chắc chắn, cô trở lại đây vào ngày mai để siêu âm.
Tôi vừa dịch xong, cô bé trợn tròn mắt:
- Anh nói sao? em có thai?
Nhìn cô gái đứng sững giữa phòng hỏi dồn dập, tôi chẳng biết nói sao với cô, chỉ nhè nhẹ gật đầu. Sự phỏng đoán của tôi lúc sáng phần nào đã thành sự thật. Nhìn tôi đăm đăm, nét mặt sửng sốt của cô chợt dịu dần rồi trong đôi mắt bỗng vỡ òa một nỗi buồn nào đó mà tôi cảm nhận nó đậm nét hơn, đau đớn hơn lúc tôi nhìn thấy cô buổi sáng. Nhìn đôi mắt sũng buồn long lanh giọt lệ tràn ra hai bên khóe mắt, tôi biết chắc đây chẳng phải tin vui. Tôi an ủi cô:
- Bác sĩ cũng không chắc nữa. Ngày mai cô đến đây để siêu âm, như thế sẽ biết rõ hơn.
Cô gật đầu chào tôi, cám ơn vị bác sĩ và ủ rũ bước ra ngoài. Tôi ái ngại nhìn theo cô bé, trong lòng vẫn thắc mắc sao một cô gái đã mười tám tuổi mà vẫn không biết gì đến chuyện thai nghén. Bận rộn với những bệnh nhân khác, suốt ngày tôi quên bẵng cô. Mãi đến chiều tối, trở về lán, sau bữa cơm chiều cơm nằm đong đưa trên võng, tôi chợt nhớ đến khuôn mặt ngây thơ của cô gái.
Tôi suy đoán có thể nào cô ta mang bầu trước khi xuống tàu vượt biển không? Có thể lắm vì bác sĩ phỏng đoán cô có thai độ hơn tháng. Tàu của tôi nhập trại cũng khoảng từng ấy thời gian. Nhưng làm sao một cô gái chưa hề có bạn trai, lên đến đảo ở riêng một mình mà lại mang bầu? Lạ quá! Người tôi chợt nổi gai ốc khi nghĩ đến chuyến vượt biển bị hải tặc cướp đến mấy lần. Tôi không hề thấy chuyện hãm hiếp, chỉ thấy cướp bóc. Và tôi bỗng nhớ đến lần cướp cuối cùng khi bọn hải tặc bắt hết đàn bà con gái lên tàu lớn của chúng và giam giữ họ khá lâu. Có thể chúng đã làm bậy một số cô gái trong thời gian này. Chắc chắn chúng chỉ chọn một số cô gái trẻ, độc thân. Vì xấu hổ nên khi lên tàu chẳng ai nói với ai điều gì, kể cả người thân vì tôi chẳng nghe những lời xầm xì bàn tán gì cả. Cho dù cha mẹ hay thân nhân có đoán được thì cũng vì tôn trọng sự đau khổ của những nạn nhân nên lờ đi, xem như không biết và cắn răng nuốt lấy nỗi đau. Khi nghe tôi báo cô có thai, tôi cũng thấy được một thoáng đau đớn và buồn rầu trong ánh mắt của cô bé. Nếu đây là một sự thật, tôi bỗng thấy mình cần phải gần gũi để giúp cô trong thời gian tới. Không hiểu sao tôi lại tự hứa với tôi những ràng buộc như thế. Có thể vì khuôn mặt ngây thơ của cô, hoặc vì đôi mắt ướt sũng một nỗi buồn nào đó mà tôi háo hức muốn tìm cho ra lẽ, cũng có thể vì thân cô côi cút một mình và bản chất đàn ông trong người tôi nổi dậy thấy cô cần được che chở, bao bọc. Cũng có thể vì từng ấy lý do nhưng rõ ràng ngay từ giây phút ấy, định mệnh đã nối kết hai chúng tôi lại và kéo dài mãi đến ba mươi năm về sau.
Kết quả của lần siêu âm vào ngày hôm sau xác nhận cô bé có thai. Nghe lời tuyên bố chắc nịch của bà y tá, đôi mắt cô rưng rưng rồi úp mặt vào hai bàn tay bật khóc. Nhìn cô gái nức nở, bà y tá trưởng cũng đứng sững như trời trồng. Lẽ ra đây phải là tin vui như những phụ nữ khác khi một mầm sống đang nhú lên trong lòng chứ. Tôi tiến lại gần, đặt tay lên vai cô:
- Cô Hương, cô Hương…
Nhưng nàng ngẩng mặt lên, khẽ cựa người tránh bàn tay tôi và đi gần như chạy ra khỏi phòng, để lại âm vang của nỗi đau đớn mà bà y tá trưởng vẫn chưa hiểu thấu. Cô vừa đi khuất, bà quay sang tôi:
- Anh có biết cô này không?
- Thưa không, cô ta đến bệnh viện lần đầu, nhưng tôi biết cô ta đang ở khu D.
- Làm sao mà cô ta có thể đau khổ đến vậy?
Tôi ngần ngừ, xoay xoay hai bàn tay:
- Có lẽ bà mới đến làm việc ở đây nên chưa hiểu những thảm cảnh xảy ra trên biển. Như bà biết, nạn thuyền nhân bắt đầu sớm lắm, khoảng 1977–78 đã có người mầy mò kiếm đường vượt biển rồi. Mãi đến đầu năm nay, số thuyền nhân bỏ nước ra đi đột nhiên nhảy vọt vì sự áp bức trong nước ngày càng gia tăng trầm trọng. Ban đầu nạn hải tặc không có gì đáng kể và họ cũng chỉ cướp vàng thôi. Mãi đến mấy tháng gần đây, bọn ngư phủ Thái đã bắt đầu hãm hiếp phụ nữ, gây ra chuyện thương tâm như trường hợp cô Hương vừa rồi. Nhưng tôi cũng chỉ phỏng đoán thôi, biết đâu bên trong còn nhiều uẩn khúc khác.
Bà thở dài, rồi nét mặt chợt nghiêm nghị hẳn:
- Anh nên tìm cô ta và nói rằng bệnh viện có đủ phương tiện để giúp cô ta trục thoát cái thai nếu không muốn giữ. Đừng để cô ta quá tuyệt vọng.
Buổi chiều hôm đó, tôi tản bộ về phía khu D. Hỏi thăm một vài người quen tôi tìm được lán của Hương. Lán ở trên đảo thì lán nào cũng như lán nào, chỉ khác nhau ở kích thước. Những người đi trước lên rừng chặt cây làm nhà, nghe đâu thuở trước phải mua đến mấy cây vàng. Tấm bạt xanh ni-lông của Cao-ủy phát khá dày, đủ làm mái và vách để che mưa che nắng, kể cả bức màn cửa. Đứng phía ngoài lán, tôi gọi nhỏ, cô Hương… cô Hương… Căn lán vẫn im lìm, mãi đến lúc sau mới có tiếng vọng ra nghe như mèo kêu:
- Ai đó?
- Tôi là Hòa, làm ở bệnh viện thông dịch cho cô lúc sáng.
Có tiếng trở mình trên chiếc chõng đan bằng tre, rồi giọng Hương hơi vội vã:
- Anh Hòa hả? anh chờ em một chút nhé.
Một lát sau, có tiếng Hương mời tôi vào nhà. Vén miếng vải xanh che cửa bước vào, tôi đã thấy Hương ngồi sát vách trên chiếc chõng tre, dựa lưng vào cột. Bên này là cái bếp với cái kiềng ba chân, nồi niêu treo thẳng tắp trên mấy chiếc đinh đóng sâu vào cột nhà, khuất bên trong là chiếc màn cửa. Nhà của con gái có khác, ngăn nắp, trật tự chứ không bừa bãi như lán của tôi. Hương mời:
- Anh ngồi tạm trên chiếc chõng này đi.
Chẳng lán nào có bàn để ngồi, tất cả sinh hoạt đều ở trên chõng, ăn và ngủ kể cả tiếp khách. Tôi ngồi thả hai chân gần chạm đất, ngập ngừng không biết phải mở lời thế nào thì cô gái đã lên tiếng:
- Xin lỗi anh… về chuyện sáng nay. Em xúc động quá nên có thái độ không nhã nhặn với anh và bà người Úc.
Tôi xua tay:
- Không… không, có gì đâu. Bà Ann không những chẳng trách cô mà còn nhờ tôi đến gặp cô để nói chuyện nữa.
Hương co hai chân lên, người chồm về phía trước, hai tay ôm lấy đầu gối. Cái dáng cô tựa cằm vào đầu gối, hai mắt mở to nhìn tôi như háo hức muốn biết bà y tá muốn nhắn với cô chuyện gì. Tôi nhìn thẳng vào mắt cô, hạ giọng vừa đủ hai người nghe:
- Thật ra tôi không có quyền đi sâu vào đời tư của Hương nhưng vì bà Ann nhờ tôi nhắn lại với cô một chuyện nên tôi phải hỏi thêm một chút nữa. Không biết có tiện cho Hương lắm không?
- Em biết anh muốn hỏi em điều gì rồi nhưng nói ở đây không tiện. Nếu được, chúng ta đi tản bộ ra bờ biển nói chuyện hay hơn. Anh thấy sao?
Tôi hiểu ngay những gì Hương sắp thổ lộ là chuyện quan trọng nên nàng mới đề nghị đến một chỗ khác kín đáo hơn. Nhà lán ở trên đảo nằm liền san sát, chỉ cách nhau một tấm vải mong manh. Chuyện bên này lán nói hơi lớn giọng là bên kia nghe rõ mồn một. Vì vậy, mọi người trong nhà nói chuyện rù rì với nhau nghe như muỗi kêu, trừ khi gây gỗ chẳng cần giữ gìn ý tứ gì nữa.
Tôi sánh vai đi với Hương về phía khu C, nơi có những quán cà phê mở cửa mỗi ngày sát bãi biển, thường ồn ào tấp nập về đêm. Chủ quán có thân nhân ở Mỹ gửi cho một chiếc máy hát to lớn cồng kềnh và thêm chục cuốn cát-sét nhạc ngoại quốc. Cà phê tuy cấm nhưng nếu chịu khó giao dịch với cảnh sát Mã lai thì cái gì cũng có. Từng ấy thứ cộng với chút vốn ban đầu là đủ để mở một quán cà phê kiếm tiền khá dễ. Dân tỵ nạn nằm dài trên đảo chờ ngày đi định cư nên ngày tháng thong dong không biết phải làm gì cho hết giờ. Nếu có chút tiền rủng rỉnh trong túi thì quán cà phê là nơi tiêu khiển thú vị nhất. Vừa kiếm lại chút không khí thuở xưa nay đã mất, vừa bảnh chọe khoe mình có tiền, vừa hãnh diện với người tình vừa mới làm quen trên đảo nên quán cà phê lúc nào cũng đông nghẹt khách. Cả hai chúng tôi đi lặng lẽ bên nhau, không nói một lời nào. Băng qua dãy lán nằm im lìm trong nắng chiều, tiếng nhạc rập rình đột nhiên nổi lên rộn rã. Hương khẽ kéo tay tôi về phía tàng cây dừa, cách xa những quán cà phê ồn ào tiếng nhạc. Ngồi bệt xuống bãi cát trắng, Hương vẫy tay:
- Mình ngồi đây được rồi anh.
Tôi ngồi xuống bên Hương, khoảng cách xa vừa đủ giữ lễ nhưng cũng gần vừa đủ thân mật. Ngồi bó gối nhìn mông lung ra biển lấp lánh ráng chiều, Hương lặng yên với những ý nghĩ. Tôi cũng chẳng biết nên mở lời thế nào cho tiện. Hương lấy ngón tay vẽ lên mặt cát những vòng tròn vô nghĩa như nỗi lòng ngổn ngang mà nàng đang giấu kín. Mặt biển ngoài khơi phẳng lì như một phiến đá, sóng biển vỗ nhẹ vào bờ nghe mơn man như một tâm sự buồn. Ngồi một lúc khá lâu, tôi quay lại nhìn Hương:
- Bà Ann nói với anh bệnh viện có đủ phương tiện để phá cái thai nếu Hương không muốn giữ.
Hương ngồi thẳng lên, nàng vẫn lặng lẽ câm nín. Không biết nàng có nghe tôi nói gì không nữa, tôi nhủ thầm. Tôi hỏi gặng:
- Hương nghe anh nói gì không?
Ngả người ra sau tựa lưng vào gốc dừa, Hương nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Còn anh, anh nghĩ sao?
Tôi ngập ngừng:
- Xin lỗi Hương nhưng anh rất đồng ý với bà Ann. Anh đoán cái thai của Hương là một tai nạn. Mà nếu là tai nạn thì giữ lại làm gì.
Vầng trán của Hương cau lại, trông càng bướng bỉnh thêm. Nàng mín chặt môi:
- Anh đoán đúng cái bào thai em đang cưu mang là một tai nạn. Anh với em cùng đi trên một tàu nên em chẳng giấu anh làm gì. Anh còn nhớ lần cướp tàu cuối cùng không. Bọn hải tặc dồn hết đàn bà con nít lên tàu lớn rồi lục xét hết đàn ông các anh. Đang khi lục xét ở cuối tàu thì có mấy đứa làm hỗn bọn em. Chuyện này hầu như không ai biết, vì hầu hết đàn bà say sóng mệt lả người, đàn ông thì chúng dồn hết về cuối tàu. Em xem đó là một tai nạn nên cắn răng nuốt lấy tủi nhục. Mãi đến lúc bà Ann xác nhận có thai em vẫn không giữ được xúc động. Sự tủi nhục lại dấy lên mãnh liệt nên cả tối hôm qua em chẳng chợp mắt được. Tuy đoán trước chuyện không may nhưng khi nghe tin em vẫn bàng hoàng sửng sốt. Từ sáng đến nay, mặc dù bàng hoàng nhưng em vẫn đủ lý trí để suy nghĩ giải quyết chuyện của em. Cám ơn anh đã cho em lời khuyên.
Câu cuối, Hương nói với giọng dấm dẳn, khách sáo nghe thật xa lạ. Cái kiểu không vừa lòng nên nói hờn, tôi nghĩ thầm. Tôi không hiểu Hương trách vì tôi đi sâu vào đời tư của nàng hoặc Hương muốn giữ lại cái thai mà tôi đưa ra lời khuyên trái ngược. Lời khuyên chân tình của tôi gặp phản ứng lạnh nhạt bất ngờ của Hương làm tôi hụt hẫng. Tôi thật sự lo lắng cho nàng. Đúng như tôi tiên đoán, bào thai trong bụng Hương là một tai nạn khủng khiếp mà có lẽ nó sẽ ám ảnh và đè nặng lên tâm trí suốt cả đời nàng. Tâm sinh lý của nàng sẽ bị ảnh hưởng nặng nề vì cái bào thai hệ lụy này. Bởi vậy tôi khuyên nàng thật tình, phải vất bỏ nó đi. Hòn máu bất đắc dĩ của một tên hải tặc trong cơn động cỡn của một con thú đực đang lớn dần trong bụng Hương. Nghĩ cho cùng, hận lắm chứ. Đó là hòn máu hận thù. Cần dứt bỏ nó như cắt đi một mầm mống ung thư không thương xót. Chỉ vì lo lắng cho Hương nên tôi mới có một đề nghị chân tình như thế. Vì không đo lường trước được phản ứng của Hương nên khi nàng tỏ ra lạnh nhạt tôi chợt thấy mình thừa thãi, vô duyên hơn bao giờ. Tôi tự trách mình không đâu lại dính vào chuyện riêng của một cô gái để giờ đây ngồi đực như tượng đá. Hương vẫn ngồi im lìm, lặng lẽ. Mấy lần tôi dợm đứng dậy bỏ về để mặc Hương ngồi lại một mình nhưng lại không muốn mang tiếng khiếm nhã. Đã đưa Hương ra đến bãi biển thì tôi phải có trách nhiệm đưa nàng về, cho dù nàng giận tôi thế nào đi chăng nữa.
Bóng tối từ ngoài khơi đang gầm gừ tiến dần vào bãi. Cơn gió thổi đến từ hướng Đông mang theo vị mằn mặn của biển và một chút se lạnh của hơi nước. Khẽ rùng mình, Hương đứng dậy:
- Về thôi anh.
Giọng nàng có vẻ hòa hoãn chứ không còn hờn giận như lúc nãy. Tôi khẽ thở phào nhẹ nhõm đứng lên dẫn Hương đi ngược lại phía khu D. Gần đến bệnh viện Sick Bay, tôi chào từ giã và hứa sẽ đến thăm nàng. Hương gật đầu nói cám ơn anh. Nhìn dáng đi ẩn nhẫn chịu đựng của một cô gái chưa đến mười tám lầm lũi bước trong cảnh chạng vạng của buổi chiều tà, lòng tôi chợt dấy lên một nỗi thương cảm u hoài. Sự hãm hiếp của tên hải tặc vóc dáng to lớn như con bò mộng mãi mãi là một cơn ác mộng trong đời Hương. Chỉ riêng điều đó tôi cảm thấy quá sức chịu đựng của Hương rồi. Thế mà ông Trời lại nhẫn tâm bắt nàng mang thêm hòn máu của tên hải tặc khốn khiếp. Tôi chưa hiểu được ý Trời tại sao lại “ghen tức” hành hạ những cô gái như Hương. “Trời xanh quen thói má hồng đánh ghen” chăng? Không, Hương chẳng sắc nước hương trời gì, cũng chẳng thiên kim ngọc diệp nào cho cam. Khuôn mặt Hương chỉ đượm một nét đẹp hiền từ, nhuốm chút ngây thơ của một cô gái chưa vướng bụi trần. Thôi thì cho rằng ông Trời bắt lầm người như Hương phải chịu “phong trần” cũng còn hiểu được đi nhưng chuyện nàng không tán thành đề nghị phá thai tôi vẫn không thể nào hiểu được.
Những tuần kế tiếp Hương thường xuyên đến bệnh viện để lấy thuốc và thăm thai. Tuyệt nhiên nàng không hề đề cập đến chuyện phá bỏ cái bào thai đang lớn dần. Bụng Hương đã nhu nhú nhô cao. Bà Ann nói với nàng những rủi ro có thể xảy ra nếu muốn trục thai sau quá ba tháng. Tuyệt nhiên bà vẫn tôn trọng quyết định của Hương. Tôi nói xúi vào:
- Bà phải nói thêm vào. Tôi chắc không thể nào khuyên cô ấy được nhưng với tư cách là y tá trưởng, bà nên nói rõ những bất lợi về tinh thần của nàng nếu giữ thai.
Bà Ann ôn tồn:
- Anh biết gì về bất lợi và thuận lợi. Sự yên ổn về tinh thần tùy thuộc vào quyết định theo ý của người mẹ. Chính sự bó buộc phải làm một việc gì không theo ý mình mới gây ra sự bất ổn tinh thần. Tôi chỉ trình bày hết tất cả mọi góc cạnh của sự việc, rồi để cô ta quyết định và chúng ta phải tôn trọng quyết định đó. Là phụ nữ với nhau, tôi càng thông cảm quyết định của nàng. Đừng áp đặt hoặc bó buộc điều gì nếu người ta không muốn.
Vài tuần sau, tôi mới nghe chính Hương nói lên nỗi lòng:
- Em quên nói với anh, gia đình em ở giáo xứ Bắc Hà. Ở mãi tận Sài Gòn mà mày mò mãi xuống tận Hải Sơn để vượt biển. Ba mẹ em tìm mối đẩy đi từng đứa một, em là đứa đầu tiên. Chuyện đau khổ trên đường vượt biển em xem như đi vấp cục đá trên đường. Tuy đau đớn nhưng rồi vết thương sẽ lành, em vững tin như thế. Thật không ngờ nó lại dây dưa đến cái bào thai. Em khóc hôm bà Ann đưa tin vì từ buổi chiều tai ương trên tàu bọn hải tặc em chỉ muốn quên nó đi, đâu có ngờ cả tháng sau lại nghe tin dữ nên bao nhiêu tủi nhục lại đổ về dồn dập. Em có đủ nghị lực để xếp chuyện không may vào quá khứ. Thế mà ý Chúa lại muốn em chấp nhận một hòn máu bất đắc dĩ. Em suy nghĩ cả ngày hôm đó. Luật bảo vệ mạng sống thật nghiêm khắc, rõ ràng trong đạo công giáo. Nhưng đó chỉ là luật đạo, phần lý trí, còn luật của trái tim sao chẳng ai nói đến. Cái bào thai vẫn là kết tinh một phần thân thể của em. Làm gì thì làm, nó vẫn là con em, anh ạ. Luật đạo em chưa nói đến, nhưng còn tình mẫu tử, luật của con tim không cho phép em làm cái điều bất nhân đó, nhất là khi đứa bé chẳng có một sức kháng cự nào.
Hương nói khoan thai, chậm rãi. Những nghĩ suy của nàng chất chứa từ lâu nay được giải bày một cách mạch lạc. Tình mẫu tử thiêng liêng là sợi dây ràng buộc khiến Hương quyết định giữ lấy hòn máu oan nghiệt. Tôi không dám bàn thêm một lời nào vì hành động liên quan đến bản năng, truyền thống tình cảm. Nhìn con gà mẹ liều mình bảo vệ đàn con khỏi móng vuốt của con diều hâu thì hiểu rõ bản năng của một người mẹ. Bao nhiêu thú dữ ở rừng già cũng giữ một truyền thống hy sinh cho đàn con nếu mạng sống của chúng bị đe dọa. Khi hiểu rõ được tấm lòng của Hương, mặc dù không đồng ý hẳn với quyết định như thế nhưng tôi thầm cảm phục sự can đảm của nàng. Những lời dị nghị, xầm xì bàn tán, dấu tích của một lần bị cưỡng hiếp, vết thương lòng sẽ khó lành, vết sẹo tâm lý sẽ lâu phai mờ… chỉ vì Hương quyết định giữ lấy cái bào thai. Tất cả những hệ lụy đó đều có thể tránh khỏi nhưng nàng vẫn ngang nhiên thách thức số phận, nghe theo tiếng nói tha thiết của tình mẫu tử.
Không biết sau đó bao lâu, tôi yêu Hương. Tôi chẳng biết tôi thật sự yêu nàng bắt đầu từ lúc nào. Lúc gặp gỡ tình cờ tại bệnh viện, tôi chợt muốn chăm sóc cho nàng vì biết thân con gái côi cút sống một mình trên đảo, lại mang thai vướng nhiều tủi nhục. Chỉ trong vài tuần, cái thai hành hạ đến nỗi Hương gần như kiệt sức hoàn toàn. Lúc đó, Hương rất cần một người bên cạnh để chăm sóc đỡ đần, nhất là lúc đưa nàng đến bệnh viện thăm thai. Không hiểu tại sao tôi lại tự nguyện nhận những trách nhiệm không đâu như thế. Quấn quýt bên Hương độ vài tháng thì tôi chợt nhận ra tình yêu đã bàng bạc ngấm vào tim. Tình yêu đến thật nhẹ nhàng với tiếng hót của con sáo ẩn mình trong tàng dừa cất tiếng vào những buổi sớm mai đi bộ với Hương trên bãi biển. Khi làn gió mơn man lọn tóc mai vào những buổi chiều ngồi bên Hương vọc đùa những hạt cát trắng tinh như tấm lòng trinh khiết của nàng là lúc tôi cảm nhận được đời tôi đã gắn bó với định mệnh oan nghiệt của Hương. Tình yêu sáng rực trong tim tôi như ánh nắng lấp lánh lung linh trên mặt biển.
Một lần, Hương ngả đầu vào vai tôi, thỏ thẻ:
- Em yêu anh có muộn màng lắm không?
Tôi hôn nhẹ lên mái tóc mượt mà của Hương:
- Muộn màng?
Hương nhìn tôi âu yếm:
- Thì thân em đã lỡ như thế này…
Tôi cướp lời nàng:
- Sao em nói lỡ. Chuyến tàu định mệnh đã run rủi em gặp phải chuyện không may. Chuyện ngoài ý muốn chứ có ai muốn thế đâu. Em quyết định chấp nhận chuyện không may bằng cả tấm lòng. Anh yêu Hương vì tấm lòng như thế.
Hương không nói gì. Nàng lặng lẽ nhìn tôi. Ánh mắt sâu thẳm xoáy vào hồn tôi như một thổ lộ nồng nàn hơn bao giờ. Đôi mắt sũng nước, Hương chớp chớp mắt. Giọt nước mắt rịn ra bên khóe, Hương ngả đầu vào vai tôi. Đâu đó trên vai áo tôi thấm đậm nước mắt của Hương. Tôi nghe như nước mắt của Hương rót vào tim tôi từng giọt tình yêu say đắm. Cả hai ngồi như thế lâu lắm để tình yêu thấm vào tim hòa chung một nhịp.
Bụng Hương ngày càng lớn. Tình yêu trong tôi cũng lớn dần theo thời gian. Nàng đi đứng khó khăn hơn. Mỗi lần muốn đứng lên Hương nhăn mặt lấy tay đè phía sau lưng, tay kia lấy thế vịn đâu đó rồi dùng hết sức đu người đứng dậy. Tôi bàn với Hương cả hai nên nhập chung một hộ. Hương không có thân nhân nào sống ở nước ngoài, còn tôi chuẩn bị định cư ở Mỹ. Hồ sơ bảo lãnh đã hoàn tất, phỏng vấn đợt đầu cũng đã xong. Nhập Hương vào chung hồ sơ thời gian đi định cư sẽ kéo dài thêm vài tháng vì phải bổ túc giấy tờ nhưng đối với tôi có Hương trong đời là một món quà quý giá nhất, cho dù phải ở lại trên đảo cả năm. Hương chấp nhận tình yêu của tôi, chấp nhận đi bên tôi trong suốt quãng đời còn lại. Nàng nói nếu không bị tai nạn mang thai không chắc gì anh và em yêu nhau. Hương đặt niềm tin vào sự xếp đặt của Thiên Chúa, đấng tối cao ở trên trời mà khi nghe nàng nói tôi chẳng hề có một khái niệm nào. Tôi không tin lắm vào số mệnh nhưng nghĩ cho cùng cơ duyên để yêu nhau đúng là có một bàn tay vô hình nào đó đưa đẩy. Tôi hạnh phúc vì từ đây tôi có Hương trong đời để bắt đầu một cuộc đời mới bên nhau và với nhau. Tình yêu đầu cả hai không một chút kinh nghiệm nhưng tôi vững tin vào khả năng của mình. Tôi sẽ đi học lại, đùm bọc Hương và chúng tôi sẽ có một gia đình hạnh phúc.
Một đêm, nằm trằn trọc sắp xếp tương lai, tôi chợt nhận ra trong toàn bộ kế hoạch tôi chưa từng nghĩ đến đứa bé, con của Hương. Đúng, bây giờ tôi đang bao bọc mẹ con nàng nhưng khi định cư ở Mỹ, dự tính tôi sẽ đi học lại kiếm mảnh bằng, có việc làm, giúp Hương học lại, và hạnh phúc sẽ ở giữa chúng tôi. Nhưng tôi giật mình khi nhận ra tôi chưa hề nghĩ đến đứa con sắp ra đời của Hương trong mái ấm gia đình mà chúng tôi sẽ cùng nhau xây dựng. Sinh nở xong, đứa con sẽ là một thành viên trong gia đình của tôi. Tôi không thể nào chối từ sự hiện diện của nó. Thế mà tại sao tôi không hề nghĩ đến một sự kiện quan trọng như thế. Tôi mang máng nhận ra rằng tôi chưa hề chuẩn bị tinh thần để đón nhận đứa con của Hương. Tôi bàn với nàng:
- Anh nghĩ đến đứa con sắp ra đời, Hương ạ! Anh hứa sẽ chăm sóc và lo lắng cho em cả đời anh. Nhưng anh lo sợ sự hiện diện của nó sẽ ảnh hưởng đến đời sống gia đình của chúng ta.
Hương ngơ ngác:
- Anh nói thế nghĩa là sao? Nó là con của em…
Tôi ngắt lời:
- Anh hiểu, nhưng ý anh nói nó với anh không có một liên hệ tình cảm nào cả. Anh không biết phải đón nhận nó như thế nào cho đúng.
- Thì anh cứ xem con em cũng là con của anh.
Tôi nhăn mặt:
- Anh cũng nghĩ như thế. Nhưng tình cảm của anh có đủ không, anh có sẵn sàng chập nhận nó không. Sau này khi chúng ta có con với nhau rồi làm sao. Thú thật với Hương, những câu hỏi này cứ lẩn quẩn trong đầu anh cả tuần nay.
Hương nghiêm sắc mặt:
- Thế anh tính thế nào?
Tôi phân trần:
- Anh với em đã ghép chung hộ rồi. Hồ sơ xem như xong và chỉ chừng vài tháng nữa mình sẽ đi định cư ở Mỹ. Anh tính, sau khi sinh nở xong, chúng ta nên giao nó cho một viện mồ côi nào đó hoặc đem cho những cơ sở chuyên tìm kiếm cha mẹ nuôi. Anh nghe nói người Mỹ họ từ tâm lắm, con nít bị bỏ rơi là họ đem về nuôi liền.
Hương quay đi, thở dài:
- Anh không thấy mâu thuẫn trong câu nói của anh. Anh nói người Mỹ họ có lòng từ tâm, thế lòng từ tâm của em đâu? Không lẽ lòng từ tâm của một người mẹ lại không bằng lòng từ tâm của một người Mỹ xa lạ khi họ bằng lòng thương yêu một đứa bé do chính em mang nặng đẻ đau? Nếu đem cho đứa con, con người em không bằng loài thú.
Một lần nữa, tình mẫu tử của Hương lại vượt lên tên tất cả. Nàng dứt khoát không chịu hy sinh đứa con để đổi lấy tình yêu, để có một mái ấm gia đình. Đối với Hương, đứa con hệ lụy chính là hạnh phúc duy nhất mà nàng khăng khăng giữ chặt. Hạnh phúc tương lai với tôi phải bao gồm đứa con đang lớn lên trong bụng Hương. Nếu không có đứa bé, tất cả hạnh phúc khác đều là hư vô, hão huyền.
Hương nói thêm:
- Em hiểu anh. Anh có cả một tương lai trước mặt. Em không nói dỗi nhưng thật sự cuộc đời lỡ làng của em không thể so sánh với tương lai của anh được. Anh chưa sẵn sàng để thương yêu một đứa bé xa lạ, không một chút máu mủ; điều này em cũng rất thông cảm với anh. Cám ơn anh đã cho em một chút hy vọng về tình yêu. Có thể sau này em sẽ nuối tiếc làm vuột mất hạnh phúc vì không chấp nhận đề nghị của anh nhưng em biết chắc em đang có hạnh phúc vì đứa con đang cưu mang. Em không muốn thả mồi bắt bóng.
Ý Hương đã quyết, cho dù tôi đề nghị và giải thích thế nào đi nữa. Tình yêu đến rồi đi trong thoáng chốc chỉ vì một bất đồng không thể có giải pháp dung hòa. Hương dứt khoát không chịu bỏ con, tôi hoàn toàn không chấp nhận một đứa bé rơi rớt từ biển Đông. Tôi yêu Hương, chấp nhận sự rủi ro ngoài ý muốn nhưng đứa bé mãi mãi là nhân chứng của một cơn thú tính Thái và tôi không thể xem nó là một thành viên bình thường trong gia đình. Tôi khăng khăng giữ ý nghĩ cực đoan đó để vô tình đánh mất một tình yêu đến bất ngờ như duyên kỳ ngộ. Mãi về sau, khi lập gia đình, tôi mới thấm được tình thương của cha mẹ với con cái và nhận ra đứa con của Hương quả tình vô tội. Hành động của tên hải tặc Thái đã bắt đứa bé hiện diện vào cõi đời này với nhiều nước mắt của người mẹ. Nó đáng được thương yêu hơn ai hết. Không thể vì một hành động điên rồ của người cha bất đắc dĩ mà nó cũng bị ghét lây. Tôi khuyên Hương đem cho đứa con là vô cùng sai trái. Có khác nào khuyên nàng cắt bỏ trái tim mình. Tôi cũng nhận ra tình yêu với Hương mang nhiều vị kỷ. Tôi yêu Hương nhưng tôi nghĩ đến tôi nhiều hơn, và do đó quyết định khi xa nàng cũng vì chất vị kỷ hèn yếu đó. Chỉ tiếc là những ngày cuối cùng trên đảo tôi không kịp nhận ra sự ích kỷ đó để đến nỗi phải xa Hương và dây dưa mãi đến hơn ba mươi năm sau trong ngày hội ngộ.
Hương cắn răng tách riêng hộ để giữ đứa con. Phái đoàn Thụy Sĩ ưu tiên cho những phụ nữ như Hương, diện không có thân nhân lại đang mang thai rất cần sự chăm sóc. Vì thế, sau khi đứng riêng hộ chừng hơn tháng, Hương lên đường định cư tại Thụy Sĩ, bỏ lại nỗi tiếc nuối nghẹn ngào cho tôi khi đứng trên cầu Jetty tiễn nàng lên tàu vào đất liền. Hương lặng lẽ ôm lấy tôi chia tay. Tôi vẫn níu kéo một chút hy vọng:
- Hứa với anh đi Hương. Chúng ta sẽ bắt đầu lại từ đầu…
Nàng lắc đầu không nói một lời nào, đôi mắt ướt đẫm nước mắt. Tôi dặn vói theo nhớ gọi phôn cho anh nếu em đổi ý, anh sẽ bảo lãnh em sang Mỹ ngay. Điều ước mong của tôi không bao giờ đến vì tôi chẳng bao giờ nhận được một cú phôn nào từ Thụy Sĩ. Điều này cũng có nghĩa là Hương đang sống nuôi con đâu đó ở vùng Bắc Âu. Ý nghĩ về Hương chập chờn trong giấc ngủ chừng khoảng một năm rồi trôi dần vào quên lãng vì tôi phải vùi đầu vào việc học. Đến khi có việc làm và lập gia đình thì tôi hoàn toàn chìm ngập vào công việc và trách nhiệm nên chẳng có dịp nhớ lại mối tình đầu thơ mộng đầy trắc trở thương đau. Cho đến bây giờ, ngày hội ngộ, ngày những thuyền nhân của tàu ĐN1601 gặp gỡ sau từng ấy năm. Lòng tôi bồn chồn với kỷ niệm lại đổ về dồn dập cả tháng trước ngày lên đường đi Úc. Tôi thổn thức nhớ lại bãi cát trắng ở khu C in dấu chân tôi và Hương khi lững thững bước bên nhau ngắm trăng lên. Gối tay cho Hương nằm giữa trời mây cùng nhau đếm những vì sao lung linh mà lòng thấy ấm hẳn một nỗi hạnh phúc vô bờ. Ôi, biết bao kỷ niệm tuyệt vời bên nhau. Tình yêu vàng óng những kỷ niệm như thế lại bị đánh mất dễ dàng đến thế sao, tôi ngẩn ngơ tự hỏi lòng mình. Hương, cô gái với vầng trán bướng bỉnh, cưu mang nhục nhã trên biển Đông với nhiều nước mắt. Gặp được tình yêu nàng cũng khóc trong hạnh phúc ngắn ngủi. Chưa được bao lâu thì Hương lại ngậm ngùi chia tay tình yêu để giữ đứa con. Vừa mới tròn mười tám tuổi, cuộc đời Hương chỉ thấy những giọt lệ lăn dài trên đôi má. Có bao giờ nàng nếm được vị hạnh phúc lâu dài…
Đột nhiên tôi thầm khấn xin Trời Phật cho tôi gặp lại Hương, một lần nữa.
* * *
Con đường dẫn đến nhà ông chủ tàu khá xa, ngoằn ngoèo. Hơn nửa đoạn đường toàn là rừng cây hai bên. Rừng không rậm nhưng cây cối mọc đủ đan kín tầm nhìn. Thấp thoáng những căn nhà nằm sâu đàng sau những hàng cây cao vút. Xe chạy bon bon trên con đường trải nhựa bằng phẳng. Bầu trời Brisbane xanh biếc vào ngày thứ Bảy đầu tháng Mười, hứa hẹn một ngày nắng ráo hợp với nhiều sinh hoạt ngoài trời. Tôi đến hơi trễ. Người nhà dẫn tôi ra phía sân sau, nơi mọi người đang nghiêm trang tham dự Thánh lễ tạ ơn. Sở dĩ tôi biết nghi thức này vì những ngày Chủ nhật trên đảo, Hương dẫn tôi lên đồi Tôn giáo để tham dự Thánh lễ với nàng. Người công giáo thường bắt đầu những buổi họp mặt bằng Thánh lễ để tạ ơn Thiên Chúa. Tôi đứng hẳn riêng ra một góc, lẩn thẩn nhìn ngang dọc. Số người tham dự khá đông, ghế ngồi không đủ chỗ. Một vài gia đình đứng chung với nhau. Ngày đi chỉ có một mình, bây giờ thì bầu đoàn thê tử ba bốn người. Tôi chưa nhận ra được một ai, phần vì chỉ nhìn nghiêng hoặc phía sau lưng. Thời gian chắc chắn đã làm thay đổi nhiều. Có người lúc lên đảo tuổi trung niên, bây giờ có lẽ tóc đã bạc phơ. Ba mươi năm, gần nửa đời người chứ ngắn ngủi gì.
Ở góc phải, tôi nhận ra một dáng đứng quen thuộc, mái tóc xõa ngang vai. Người đàn bà mặc chiếc áo đầm chấm gối, màu xanh nhạt. Tôi hồi hộp nhìn cái dáng nhỏ nhắn, gợi nhớ một vòng tay ôm thuở nào. Nhìn nàng đăm đăm, tôi ngần ngừ chẳng biết có nên tiến lại hỏi thăm không. May quá, nàng quay lại như linh tính báo cho biết có người đang nhìn trộm. Tôi nhận ra ngay khuôn mặt của Hương. Thời gian có tẩy xóa một vài nét thanh tú trên khuôn mặt nhưng đôi mắt ngây thơ đó, sống mũi đó như chìa khóa mở toang cánh cửa dĩ vãng của hơn ba mươi năm về trước. Hương thoáng nhíu mày nhìn tôi rồi chợt đưa bàn tay lên che miệng để kịp nuốt tiếng gọi thảng thốt của một quá khứ đã chôn kín từ lâu. Tôi tiến lại phía sau nàng, hỏi thầm Hương khỏe không? Nàng cúi mặt, gật gật đầu. Tôi cố cầm lòng không dám hỏi thêm một lời nào sợ làm mất bầu khí trang nghiêm của Thánh lễ. Tôi đứng lặng lẽ bên Hương trong suốt buổi lễ nhưng lòng ngổn ngang với trăm câu hỏi. Nàng cũng đứng âm thầm xem như không có tôi bên cạnh. Tôi chỉ mong Thánh lễ kết thúc để hỏi han Hương cho hết lời.
Sau Thánh lễ là lời chúc mừng và cảm tạ của ông chủ tàu. Tôi kéo Hương ra một góc vắng bỏ lại tiếng ồn ào giới thiệu quan khách ở khắp nơi về tham dự ngày hội ngộ đặc biệt. Tôi chỉ mong ôm lấy Hương nhưng lại sợ mang tiếng suồng sã. Ngồi xuống chiếc ghế, tôi vồn vã:
- Thật không ngờ em về được. Anh có linh tính là sẽ gặp lại Hương.
Nàng mỉm cười:
- Em phải về chứ. Về để gặp lại những người xưa.
Hương nhấn mạnh chữ những, ngụ ý về gặp lại nhiều hơn là một người chứ không riêng gì tôi. Có lẽ để tránh hiểu lầm. Con gái Bắc Kỳ có khác, cứ rào trước đón sau mãi. Riêng tôi, tôi về chỉ mong lại gặp mỗi Hương. Tôi tảng lờ như không hiểu:
- Dĩ nhiên, cả một quá khứ có biết bao nhiêu vui buồn với biết bao người.
Hỏi thăm Hương đến hôm nào, ở Brisbane ngụ tại nhà người quen hay khách sạn, tôi nói về chuyến đi của tôi. Một mình quay lại tìm dĩ vãng. Hương thắc mắc:
- Vậy là anh đi có một mình. Sao không dẫn chị ấy theo.
Không biết Hương hỏi thật tình hay dọ dẫm tìm hiểu đời sống của tôi. Tôi thú thật:
- Vợ anh mất khá lâu rồi Hương ạ!
Hương giật mình, mở tròn mắt. Ôi! Đôi mắt vẫn sáng long lanh như thuở nào, chỉ tội những giọt nước mắt rơi với nhiều phiền lụy:
- Ồ! Em xin lỗi. Thật không ngờ…
Trong đôi mắt Hương ánh lên một chút sáng rồi tắt ngúm như muốn chia sẻ nỗi đau góa vợ của tôi.
- Loan, vợ anh mất cách đây mấy năm vì ung thư ngực. Chữa xạ trị được một năm rồi cơ thể nàng đuối dần. Hai đứa con gái mất mẹ từ đó, nhưng bù lại chúng chăm ngoan nên anh cũng cảm thấy an ủi được phần nào.
Tôi nhìn Hương, dọ dẫm:
- Thế còn em, em đi có một mình?
Nàng nhếch môi cười, vẻ bí mật:
- Không, em đi hai mình, nhưng không phải chồng em. Nói thêm cho anh biết, em vẫn ở vậy từ đó đến nay.
Đến lượt tôi mở tròn mắt thốt lên hai tiếng vậy sao? Giọng nói của tôi mang chút ngạc nhiên nhưng cũng không kìm giữ được chút reo vui khi biết Hương vẫn còn độc thân. Nỗi vui hy vọng thoáng qua rồi tôi thật ngạc nhiên khi biết Hương vẫn ở vậy nuôi con trong suốt từng ấy năm. Giọng ngậm ngùi, tôi nâng bàn tay thuôn thuôn điểm chút sơn màu đỏ thẫm:
- Anh phục em. Một mình nơi xứ lạ mà bương chải nuôi con một mình. Phần anh, anh không dám nói quên hẳn em nhưng cuộc sống khắc nghiệt khiến con người trở nên chai đá lì lợm đi. Kỷ niệm cứ lãng đãng trong trí nhớ thuở mới định cư rồi sau này bị cuốn hút vào nhịp sống bận rộn đến nỗi anh mất hết dấu vết của thời gian ở trại tạm trú. Trách nhiệm gia đình mới cũng làm trí nhớ anh mai một mãi cho đến khi biết tin ngày hội ngộ. Anh cần có người đồng hành với anh trên đời. Và anh thật không ngờ em dám bước đi một mình.
Hương im lặng nghe tôi nói. Nàng khẽ thở dài quay mặt đi, tránh không cho tôi thấy đôi mắt ươn ướt:
- Em không thể yêu ai được nữa ngoài… anh. Em không nói với anh ba mươi năm trước nhưng bây giờ em nói thẳng với anh một lần. Vết thương tủi hổ trên biển Đông vẫn còn đậm nét trong những ngày trên đảo. Hễ thấy bóng đàn ông là em đã sợ run người. Cho đến khi yêu anh, em cảm thấy lòng thật ấm áp, hết còn cảm giác sợ hãi nữa. Cám ơn anh đã cấy tạo cho em niềm tin. Em yêu đời, yêu đứa con trong bụng. Vết thương lòng bớt xót xa sửa soạn kéo da non thì anh lại xa em. Lòng em nguội lạnh hẳn từ đó. Sang xứ Bắc Âu, em cố thử một vài lần, làm quen bạn trai Việt, kể cả người bản xứ tập cho con tim yêu thêm một lần nữa. Thế mà cái cảm giác run sợ lại đến mãnh liệt hơn bao giờ. Rồi cũng như anh, bận rộn với cuộc sống, em ở vậy và thật hạnh phúc khi thấy đứa con khôn lớn, chẳng tha thiết gì đến chuyện lập gia đình nữa.
Hương kể lại đời nàng mà sao tôi nghe như một lời kết tội. Không dám nhìn nàng, tôi cúi mặt cố giấu nét mặt ngượng ngùng. Tôi đã đem hạnh phúc tình yêu đến cho người con gái xấu số. Rồi tôi vất bỏ hạnh phúc để cô gái khóc tức tưởi một mình trong suốt ba mươi năm. Tôi cào sâu vào vết thương lòng của Hương. Nàng đã đau khổ hai lần trong từng ấy tháng ngắn ngủi: tên hải tặc Thái và tôi. Có lẽ tôi nặng tội hơn vì vết thương sắp lành thì tôi lại làm nó vỡ toang đớn đau như xát muối. Lần đau khổ khi mất tình yêu vì những tính toán vị kỷ của tôi chắc chắn đã giết chết những tình cảm còn may mắn sót lại trong tim của Hương. Tôi thì thầm:
- Anh xin lỗi Hương…
Nàng cướp lời:
- Không… không… anh không có lỗi gì. Có chăng là em bạc phận. Hôm nay là ngày vui, biết bao người cần gặp gỡ để ôn lại kỷ niệm. Em nói hết nỗi lòng một lần với anh cho dù khá muộn sau ba mươi năm nhưng không biết đến khi nào chúng ta mới gặp lại nhau. Em thổ lộ tâm sự chứ không trách anh; trái lại em cám ơn anh đã cho em một dịp yêu và được yêu, cho dù thời gian chỉ vài ba tháng.
Tấm lòng của Hương vẫn bao dung, độ lượng cho dù bị đời vùi dập đến tàn nhẫn. Lần tôi đặt điều kiện với nàng nghiệm ra tôi chưa thật sự yêu nàng. Vì nếu đó là tình yêu thật sự, như tôi đối với Loan – người vợ xấu số, thì rõ ràng tôi sẵn sàng chấp nhận hết tất cả để được yêu. Hương cho đó là tình yêu nhưng bây giờ ngồi nghĩ lại tôi mới thấy tình yêu đó mang nhiều vị kỷ, tính toán cho tương lai. Nghe Hương nói hai chữ cám ơn mà lòng tôi thêm xấu hổ.
- Lần anh đặt điều kiện hy sinh đứa con với em, bây giờ anh hiểu anh nghĩ về anh nhiều hơn là nghĩ về em. Yêu nhau là hy sinh cho nhau, nếu cần phải chịu phần thua thiệt như anh đã từng đối với vợ anh. Không hiểu sao anh vẫn chủ quan lúc đó cho rằng anh suy nghĩ đúng. Có lẽ anh ươm mơ cả một tương lai trước mặt với lòng tự tin sẽ tạo dựng nên sự nghiệp ở xứ người. Vì thế, anh mới xem thường tình yêu đối với Hương.
Nàng lắc đầu:
- Thôi, bỏ chuyện buồn xưa cũ đi. Gặp lại được anh là em vui rồi.
Rồi nàng nắm lấy tay tôi đứng dậy:
- Anh vào đây để em giới thiệu cho em một người đặc biệt.
Trở lại sân sau, mọi người đã đứng lố nhố cười đùa vui vẻ. Tiếng ông chủ tàu vẫn oang oang trên máy phóng thanh, giới thiệu từng nhân vật đến từ nhiều nơi. Thức ăn thức uống bày la liệt trên bàn. Lò nướng bốc khói nghi ngút mang theo hương thơm của món thịt ướp xứ kangaroo. Con nít chơi đùa khắp khoảng sân rộng bao la. Hương níu tay tôi dẫn đến trước mặt một thanh niên khá cao lớn:
- Em giới thiệu với anh. Đây là Nhân, còn đây là bác Hoà. Anh đoán xem nó là ai?
Tôi ngờ ngợ. Chàng thanh niên cao hơn tôi gần một cái đầu. Khuôn mặt hao hao giống Hương. Nước da ngăm ngăm, tóc xoắn, anh thanh niên cúi đầu chào tôi lễ phép bằng tiếng Việt đúng giọng:
- Chào bác.
Hương nheo nheo mắt:
- Anh đoán xem?
Tôi lắp bắp không nói thành lời:
- Con em? Đứa bé em… mang… thai ở đảo?
Hương gật đầu hãnh diện:
- Chứ còn ai nữa.
Rồi nàng quay sang cậu con trai:
- Đây là bác Hoà mà mẹ thường kể chuyện cho con nghe. Lúc mẹ mang bầu bác săn sóc cho mẹ nhiều lắm.
Cái cảm giác ngượng ngùng – một lần nữa – chợt đến như cơn bão. Đứa bé vô tội tôi xúi nàng giết chết khi mới tạo hình trong bụng mẹ. Tôi lại còn muốn nàng giết chết luôn tình mẫu tử để đổi lấy tình yêu của tôi. Cả hai đề nghị Hương đã khôn ngoan từ chối để giờ đây tôi bối rối đứng đối diện với nhân chứng của một tấm lòng bao dung, xấu hổ với nạn nhân của những tính toán ích kỷ. Tôi xoắn hai tay vào nhau:
- Thật không ngờ con cao lớn quá. Bác rất vui được biết con.
Nhân cúi đầu:
- Cám ơn bác. Mẹ con cũng nhắc đến bác luôn. Con tin chắc mẹ con cũng rất vui khi gặp lại bác.
- Hôm nay là ngày vui, con thấy không? Gặp lại được bao nhiêu người cũ. Khi đi có một mình, bây giờ ai cũng có gia đình, kéo theo vợ chồng con cái. Chỉ riêng mẹ con vẫn một mình như những ngày ở đảo.
Hương nheo mắt:
- Sao lại một mình, em đã có đứa con trai này đây. Ít nhất có thêm được một người.
Tôi chép miệng:
- Thì đành vậy, nhưng…
Tôi bỏ lửng câu nói, không tiện bày tỏ ý nghĩ trước mặt cậu con trai. Nhân ý tứ xin phép rút lui để chúng tôi được tự nhiên. Tôi dặn vói:
- Lát nữa bác muốn nói chuyện riêng với con nhé.
Nhân gật đầu rồi quay đi. Tôi và Hương đến chào ông bà chủ tàu. Ông bà thật hiếu khách, đến từng nhóm để chuyện trò, hỏi thăm. Có biết bao chuyện để nói sau từng ấy năm, tưởng chừng nói không bao giờ hết chuyện. Tay bắt mặt mừng, chúng tôi ôm chầm lấy nhau. Kỷ niệm chuyến hải hành sáu ngày lênh đênh trên biển khơi lại đổ ập về. Nói chuyện rôm rả được một lúc, Hương gặp mấy người quen lôi kéo nên xin kiếu. Tôi đi vòng vòng quanh sân tìm kiếm người quen. Những khuôn mặt xưa cũ giờ đây đã cằn cỗi theo thời gian. Có người tôi không còn nhận ra, phải nhắc lại nhiều chi tiết để trí nhớ có cơ may hồi tưởng. Từng người với mái tóc bạc phơ, nếp nhăn khắc sâu thêm trên trán, da dẻ nhăn nhúm màu xám xịt. Nhìn từng ấy đổi thay để thấy thời gian thật khắc nghiệt. Ba mươi năm đủ dài để lão hóa lớp thanh niên trên chuyến tàu ĐN1601. Sức sống bây giờ truyền lại cho lớp trẻ, lớp người sinh ra nơi xứ lạ. Chắc chắn cha mẹ đã nói cho họ biết ý nghĩa của cuộc hội ngộ. Nhờ chuyến tàu đó mà một trăm sáu mươi bốn người mới tiếp tục hưởng được bầu khí tự do rồi lập nghiệp, lập gia đình. Và từ đó họ được sinh ra làm người và hưởng tất cả mọi quyền lợi ở một đất nước dân chủ. Họ theo cha mẹ đến đây để làm nhân chứng cho một thế hệ hiên ngang vươn lên nơi quê người, làm hãnh diện giống nòi. Những thành công về mọi mặt họ gặt hái được minh chứng đất nước dân chủ hơn hẳn chế độ cộng sản độc tài. Những thành quả đó chắc chắn sẽ bị hạn chế rất nhiều nếu cha mẹ họ không trốn thoát trên chuyến tàu ĐN1601 và kẹt lại nơi quê nhà.
Nhân, đứa con của Hương lại khác. Chàng là kết quả của một sự tủi nhục mà có lẽ không muốn ai nhắc đến. Sự ra đời của chàng trong một hoàn cảnh thật éo le, đòi hỏi sự hy sinh lớn lao của người mẹ. Hương đã hy sinh và muốn chứng tỏ quyền làm người của những đứa bé ngay khi chỉ là một hòn máu đỏ hỏn. Nàng hãnh diện với quyết định đầy tình người ba mươi năm về trước khi dứt khoát giữ lại cái bào thai. Hương dẫn đứa con quay lại gặp những người cũ nhân ngày hội ngộ không hề đắn đo suy nghĩ về những lời dị nghị. Có thể nàng muốn nhắn nhủ với mọi người, hoặc riêng với tôi không chừng, rằng mạng sống thật quý giá, cho dù ở bất cứ tình huống nào. Tôi nao nao tự hỏi nếu Hương xuôi theo lời khuyên của tôi trục bỏ cái thai khi ở đảo thì giòng đời sẽ trôi về đâu, chuyện tình sẽ ra sao mỗi khi nhớ lại mình đã một lần phạm tội giết con. Tôi hăm hở đi kiếm Nhân. Tôi nợ chàng thanh niên một lời xin lỗi chân tình.
Kéo Nhân ra một góc sân, tôi nói với chàng, giọng run run:
- Bác nói ngay là bác với mẹ con đã có một thời yêu nhau khi còn ở trên đảo. Có lẽ mẹ con không nói rõ những ngày tháng gian truân mẹ con phải gánh chịu khi mang thai con. Con là nguyên nhân mà bác và mẹ con xa nhau. Mẹ con muốn giữ con còn bác thì không. Bác nợ với mẹ con một nhưng lại nợ với con hai lời xin lỗi vì bác đã cố tình giết chết con hai lần.
Đôi mắt Nhân mở lớn kinh ngạc. Vầng trán bướng bỉnh cau lại tỏ vẻ không hiểu.
- Mẹ con có nói đến những ngày ở đảo. Mẹ cũng thường nhắc đến tên bác nhưng con không ngờ câu chuyện lại bi thảm đến thế.
- Con đã lớn nên bác nghĩ cũng chẳng cần dấu con làm gì. Điều bác muốn nói là tình thương của mẹ con thật tuyệt vời.
Rồi tôi ân cần kể hết cho Nhân lần gặp gỡ duyên nợ cho đến lúc tiễn nhau ở cầu Jetty. Lần đầu bác đề nghị mẹ con phá cái thai, xem như bác khai tử con một lần. Vài tháng sau, bác lại đề nghị đem con vào viện mồ côi. Đó là lần thứ hai. Lần đầu mẹ con xem thường những lời dị nghị để giữ cháu. Lần thứ hai mẹ con hy sinh tình yêu để chọn cháu. Tôi siết chặt tay Nhân:
- Đây là dịp may cuối cùng để bác nói lời xin lỗi với con. Mong con tha lỗi cho bác.xin
Nhân đứng dậy ôm lấy tôi. Nét mặt nghiêm nghị, chàng nhìn thẳng vào mắt tôi:
- Con không dám nói là bác có lỗi với con. Ở hoàn cảnh đó, có lẽ ai cũng suy nghĩ và hành động như bác. Riêng con, con cám ơn bác đã nói rõ một lần. Khi lớn lên, con có nhận ra sự khác biệt giữa màu da và hình hài giữa hai mẹ con nhưng không nghĩ ngợi gì. Lên đến đại học, qua sách báo ở thư viện con biết phong trào thuyền nhân và những nguy hiểm trên đường vượt biển. Qua đó, con có ngờ ngợ về thân phận của mình. Con gặng hỏi mấy lần nhưng mẹ con lảng tránh không trả lời. Mãi về sau, mẹ con mới thú thật hoàn cảnh ra đời của con. Con nhớ lần đó, con quỳ xuống cám ơn mẹ đã cho con một cơ hội được sống. Mẹ ôm lấy con khóc hết nước mắt. Con chỉ biết thế và yêu thương mẹ con hơn. Nhưng không ngờ bác cũng đóng một vai trò quan trọng trong cuộc đời của mẹ con. Mẹ con lâu lâu có nhắc đến bác và chép miệng thở dài. Hôm nay bác lại cho con biết mẹ con đã hy sinh tình yêu của bác để giữ con. Con cũng hiểu thêm ý nghĩa của những tiếng thở dài của mẹ con. Như thế, con càng nợ mẹ con nhiều lắm.
Chuyến đi hội ngộ tìm lại được những người xưa. Cả hai ngày, tôi quấn quýt bên Hương, chăm sóc cho nàng tận tình như ba mươi năm về trước khi Hương bụng mang dạ chửa. Nàng vẫn giữ thân tình trong cách cư xử, hầu như quên hết những lỗi lầm của tôi. Tôi muốn nói thật nhiều với Hương nhưng không đủ can đảm. Có một chút mặc cảm tội lỗi, thêm một chút lo sợ không biết tình cảm của nàng có còn như xưa. Nếu Hương từ chối tình yêu của tôi, như tôi đã từ chối tình yêu tha thiết của nàng trước đây, tôi không dám trách nàng vì chính tôi là người gây ra cớ sự. Chính tôi đã cam tâm giết chết mối tình, Hương âm thầm sống vậy nuôi con, chịu đựng mọi thiệt thòi. Bây giờ tôi không có một lý do gì để bước chân vào cuộc đời của nàng. Trừ phi… trừ phi…
Buổi sáng tiễn mẹ con Hương ở phi trường Brisbane, trời trở lạnh hơn bao giờ. Cơn lạnh còn sót lại từ mùa Đông đủ làm tê tái lòng người, như tôi. Bắc Âu bây giờ cũng đã chớm lạnh vào thu. Không biết Hương bay về vùng trời đó có mang theo một chút ấm áp hội ngộ của trời Úc, để tình yêu có cơ may hồi sinh? Nhân ngồi riêng ra một góc để tôi và Hương được tự nhiên. Lần hội ngộ này là chắc chắn là lần cuối vì những mái tóc đã hoa râm. Tuổi già đã thấp thoáng trước mặt. Ba mươi năm xưa cuộc tình của tôi và Hương đã bắt đầu và kết thúc cùng một nơi chốn để giờ này có cơ may chắp nối ở bầu trời Úc. Tình yêu đã đi lạc một thời gian dài, gần nửa đời người, bây giờ gặp lại tôi không thể để lạc mất Hương một lần nữa. Ngày trước khi ngỏ lời yêu Hương, tôi chững chạc và tự tin vì dù sao nàng cũng cần một người bên cạnh để chăm sóc đỡ đần. Lần này, trong hai ngày qua tôi lại rụt rè và ngập ngừng như cậu con trai mới lớn, không biết phải ngỏ lời với Hương thế nào.
Chia tay nào mà không có ngậm ngùi. Lần tiễn Hương bụng mang dạ chửa nặng nề bước lên cầu Jetty rời đảo tôi thấy lòng chùng xuống, hy vọng nàng đổi ý vào phút chót. Nhìn đôi mắt sũng nước của Hương lúc đó lòng tôi bồi hồi nhưng không hiểu sao tôi vẫn khăng khăng giữ ý định nàng phải hy sinh đứa con để đổi lấy tình yêu. Bây giờ tiễn Hương đi, tôi cũng hy vọng nàng sẽ đổi ý yêu tôi một lần nữa. Ngồi đợi chuyến bay tôi ủ bàn tay Hương bằng thổn thức của tấm lòng. Tôi vuốt mái tóc nàng bằng sôi nổi của trái tim như một người mới biết yêu lần đầu. Ước mong tình yêu thấm qua bàn tay để cùng hòa chung một nhịp như những lần ngồi ngắm trăng lên ở bờ biển khu C. Tôi có quyền hy vọng, không có gì ngăn trở tình yêu của tôi và Hương nữa.
Nhân tiến lại gần nhắc mẹ đã đến giờ trình vé vào cửa. Hương lặng lẽ đứng dậy, đôi mắt ươn ướt nhìn tôi. Lòng thổn thức hơn bao giờ, tôi siết chặt lấy Hương, thủ thỉ bên tai nàng:
- Anh yêu em bây giờ có muộn màng lắm không?
Thật không ngờ tôi lập lại đúng câu nói của nàng ba mươi năm trước. Dĩ vãng dẫn dắt tôi nhớ lại câu nói và tôi thốt ra lời tỏ tình như một phản xạ. Hương buông tôi ra, nước mắt rơi lã chã trên đôi má đỏ hồng. Nàng lắc nhẹ đầu:
- Nhớ gọi cho em…
Rồi quày quả bước vội về phía cổng soát vé. Hai vai Hương run lên theo tiếng nấc. Nhân kiên nhẫn đứng đợi mẹ ở bên trong. Chàng đỡ lấy mẹ. Cơ hồ người Hương lả đi không còn bước vững nữa. Vẫy tay chào Nhân, tôi đứng nhìn mãi đến khi mẹ con Hương chìm khuất vào biển người ở phía bên kia hàng rào an ninh. Trước khi khuất bóng ở dãy hành lang dẫn đến cổng đợi, tôi cố nhoài người ra ở khung cửa kính đưa tay vẫy cố để cho nàng thấy. Thấp thoáng tôi nhận ra Hương bước chậm lại, nàng nháo nhác kiễng chân nhìn về phía tôi vẫy vẫy tay.
Tôi quay lưng huýt sáo bước về phía bãi đậu xe. Lòng tôi rộn rã một niềm hy vọng. Yêu Hương trước đây, tôi không có cái háo hức sôi nổi như bây giờ. Tôi muốn chăm sóc cho Hương rồi yêu nàng như bản năng của một người đàn ông. Mọi chuyện đến tự nhiên, như một gạch nối để khi tôi đặt điều kiện với Hương, tôi đánh mất tình yêu với tiếc nuối nhưng vẫn có thể tiếp tục sống, vẫn gầy dựng một gia đình khác có hạnh phúc ở xứ người. Bây giờ tôi yêu Hương lại khác hoàn toàn. Cũng một tình yêu nhưng vị ngọt đắng lại khác nhau. Ngọt hy vọng, đắng đợi chờ. Tình yêu nghe da diết hơn, nồng nàn hơn, và say đắm đến ngất ngây như hớp một cốc rượu mạnh. Tôi chợt nghiệm ra rằng nếu lỡ tôi mất Hương lần này, không biết tôi có thể tiếp tục sống được nữa hay không.
Lúc lái xe ra khỏi phi trường, tôi bỗng nhận ra một chi tiết thú vị. Không biết vô tình hay cố ý, Hương đặt tên cho cậu con trai – Nhân – trùng với tên lót của tôi.
Hải Ngữ