.
“Em áo lụa qua cầu nghiêng tóc xõa,
Nắng thu vàng âu yếm ngủ trên vai
Anh đi ngang dừng chân nhìn nước chảy
Thấy long lanh sóng mắt của ai cười”.
Mùa tựu trường lớp 6, cô gái 11 tuổi bỡ ngỡ bước vào cổng trường trung học trong bộ đồng phục áo dài trắng tinh khôi. Thân hình chanh cốm vẫn còn suôn đuột trong lúc các chị nữ sinh trung học đệ II cấp trông thật đẹp, thật uyển chuyển trong các áo dài tơ lụa, soie,… Nhìn các chị tha thướt trong áo dài, quần trắng hoặc quần satin đen bóng, mái tóc xõa ngang vai hoặc chấm lửng ngang lưng, chiếc nón lá quai màu hồng, màu tím nghiêng che gương mặt trắng hồng, mắt sáng ngời sao mà đẹp, lãng mạn, thơ mộng đến thế?! Giờ tan học, từ cổng trường tuôn ra đàn bướm trắng tỏa ra trăm hướng: ”Dịu dàng áo trắng trong như suối, Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay”, xen lẫn giữa đoàn nữ sinh áo trắng, tà áo bay lượn trong gió là các tà áo màu, áo hoa của các cô giáo.
Chiếc áo dài Việt Nam đoan trang, kín đáo nhưng thật vô cùng gợi cảm. Chiếc áo dài bà Nội, bà Ngoại mặc được may hơi rộng, không chít eo xít xao. Hàng vải, màu sắc dẫu là gấm nhiễu, the hay nhung vẫn kín đáo trang trọng. Chiếc áo may cho các bà mẹ trung niên có màu sắc tươi mát hơn nhưng vẫn kín đáo, dịu dàng cho phù hợp với tuổi tác. Áo dài cho các bà mẹ trẻ và các cô thiếu nữ ở tuổi thanh xuân màu sắc mới thật rạo rực tươi mát tràn đầy sức sống.
Áo dài được mặc trong tất cả các dịp lễ hội hoặc trong những sinh hoạt bình thường. Tuy nhiên không phải vì vậy mà chiếc áo dài mất đi vẻ trang trọng đài các. Áo dài đồng phục nữ sinh thật đơn giản để phù hợp với vẻ hồn nhiên ngây thơ thiên thần của tuổi học trò. Áo dài may bằng tơ, lụa, soie, không kiểu cách cầu kỳ.
“Áo trắng đơn sơ mộng trắng trong
Hôm xưa em đến mắt như lòng
Nở bừng ánh sáng em đi đến
Gót ngọc dồn hương, bước tỏa nồng”.
(Huy Cận)
Học sinh bắt buộc phải mặc áo lót bên trong cho kín đáo. Cô nào “xí xọn” không mặc để lồ lộ phần da thịt bên trong là bị giám thị nghiêm mặt cảnh cáo bắt phải về nhà thay áo ngay mới được vào trường. Áo dài đi dự tiệc, dạ hội được “nâng cấp” trang trọng hơn từ hàng vải cho đến màu sắc, hoa văn. Nào là hàng mouselline, gấm, nhung; các loại soie hoặc áo thêu hoa, rồng phụng, kết cườm, sau này có thêm áo vẽ. Hãy tưởng tượng người yêu bé bỏng một chiều lộng gió, lá vàng bay trong áo dài tha thướt tay trong tay dạo phố bên người tình sinh viên hay người tình lính chiến. Gió bay mái tóc, tà áo dài nàng quấn quýt bước chân. Hình ảnh đẹp và lãng mạn quá phải không? Rồi khi người yêu trở thành cô dâu:
“Ngày xưa em chửa theo chồng
Mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
Mùa thu, áo biếc da trời
Sang đông em lại đổi dời áo hoa”.
(Phạm Thiên Thư)
Áo dài ngày cưới rực rỡ sang trọng nâng cô lên ngôi hoàng hậu của lòng chàng.
Hãy nhìn ngắm chiếc áo dài trên một thân hình thiếu nữ Việt Nam yêu kiều xinh xắn. Cô gái ở tuổi đôi mươi, thân hình mảnh mai ẻo lả. Chiếc áo dài soie màu hoa đào điểm những bông mai trắng. Áo dài may cổ cao, tay raglant. Chiếc áo dài tận gót chân ôm gọn bờ ngực cao tròn, chiếc eo nhỏ, tấm lưng thon. Tà áo được xẻ trên lưng quần một chút vừa để tạo nét trẻ trung vừa nửa kín nửa hở khoe một khoảng da trắng ngần nõn nà. Chiếc quần trắng được may loe ở dưới ống. Gương mặt cô sáng như trăng rằm. Đôi chân mày cong cong như hai vòng nguyệt, đôi mắt to, hàng mi dài, chiếc mũi thanh thanh, đôi môi đỏ mọng, mái tóc dài đen mướt buông xõa ngang lưng. Cô bước đi trên đôi giày trắng gót cao cao. Dáng đi dịu dàng uyển chuyển, mỗi bước đi của người đẹp như tiết ra hương thơm từ tấm thân ngà ngọc. Ôi! Đẹp làm sao người con gái Việt Nam trong chiếc áo dài thướt tha! Cô bước đi lôi cuốn bao nhiêu ánh nhìn ngưỡng mộ.
“Anh đi thơ thẩn như ngây dại,
Hứng lấy hương nồng trong áo em”.
(Thế Lữ)
Hãy để trí tưởng tượng đi xa thêm chút nữa. Xung quanh người con gái yêu kiều đó là những người bạn gái cùng trang lứa xinh xắn duyên dáng như cô trong màu áo thiên thanh như màu trời, áo màu vàng hoàng yến rực rỡ như màu nắng, màu tím bằng lăng, tím hoa soan, tím hoa cà hay rực đỏ màu xác pháo,… Trông các cô như những bông hoa biết nói, như bầy tiên giáng trần làm xôn xao rộn ràng sức sống của miền hạ giới.
Thời đi học chưa được mặc áo dài màu nhưng nhìn các cô giáo, các cô nhân viên đẹp đẽ tươi mát trong tà áo hoa, áo màu lượt là thướt tha trong các công sở, ngoài phố chợ,… Tôi ước ao khi lớn lên đi làm việc có tiền sẽ sắm thật nhiều áo dài đủ màu: “vàng như hoa cúc“, xanh như ”lá sân trường”, tím như hoa mồng tơi, hồng rực như hoa đào,… để tha hồ làm duyên làm dáng nhưng rồi cái mơ ước bình thường đơn giản đó cũng đã vỡ tan theo vận nước. Bây giờ tôi có thể sắm thật nhiều áo dài thật đẹp thật sang và đắc tiền nhưng làm gì còn có thể trở lại cái dáng vẻ thanh mảnh thủa nào! Tuổi hoa niên đã trôi qua không bao giờ trở lại, khoác lên người chiếc áo dài cũng cảm thấy lạc lõng lẻ loi nếu không có người đồng điệu.
Chiếc áo dài là niềm cảm hứng cho biết bao nhạc sĩ, văn nhân, thi sĩ. Đã có biết bao bài thơ tuyệt tác ra đời ca tụng chiếc áo dài. Chiếc áo đã “hớp hồn” nhà thi sĩ như đã nói ở trên: ”Anh đi thơ thẩn như ngây dại, Hứng lấy hương nồng trong áo em”. Nhìn người mặc áo dài lòng ta như mềm lại,vì cảm động. Người mặc áo dài như dịu dàng hơn, như gần gũi, thân ái và dễ cảm thông hơn:
“Nón ngả sau lưng trước gió chiều
Áo hồng nô gió cũng bay theo
Tay nâng tà áo, tay vin nón
Khi tóc bồng tuôn những nét yêu”.
(Phan Khắc Khoan)
Nhà thơ Nguyên Sa đã nhìn tà áo của “em” mà “nhả” ra những lời thơ bất hủ:
“Nắng Sàigòn anh đi mà chợt mát,
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông”.
Xa quê hương nửa vòng trái đất, rất hiếm hoi có dịp nhìn tà áo dài bay trong buổi tan trường, tan sở, nhà thơ nuối tiếc:
“Có kẻ đi tìm áo trắng bay
Trường xưa năm tháng dáng em gầy
Áo nay đâu có bay màu trắng
Chỉ thấy trắng đời trong gió bay”.
(Song Linh)
Chiếc áo dài gắn liền với kỷ niệm của tất cả phụ nữ của mọi lứa tuổi. Không ai trong chúng ta mà không có lần khoác chiếc áo dài lên người. Không phải chỉ một lần mà là rất nhiều lần. (Tôi là người mặc áo dài ít nhất cũng phải gần một ngàn lần). Một lần cũng đã vấn vương, huống chi chiếc áo quê hương đã ôm trọn thân hình của mình bao nhiêu năm tháng, nỡ lòng nào quên đi quá khứ thương yêu của một thời tuổi trẻ hồn nhiên vàng son rực rỡ?
Đặng Thúy Định