.
Tháng chạp rồi tháng giêng đang dần trôi. Thời tiết bốn mùa luân phiên thay đổi từ đông sang xuân rồi tới hạ thu. Khí trời lạnh lẽo mà nắng lại lên rộn ràng tươi vui. Màu nắng vàng óng trong suốt như mật ong lan đầy trong không gian ngoài kia gợi lên nỗi nhớ nhà. Những lúc nắng lên rực rỡ như thế này, nơi khu vườn xưa, ong bướm bay vờn trên những nụ hoa bầu, hoa bưởi trắng xoá, hoa khổ hoa, hoa bí vàng để hút mật.
Nơi đây đang vào tháng giêng. Chỉ còn vài ngày nữa xuân mới sẽ rộn ràng về đến quê nhà. Mùa xuân. Cái tên nghe đẹp quá phải không? Xuân đồng nghĩa với sức sống tươi mát. Hãy nhìn ra ngoài sân: cây đào đang đâm chồi xanh. Chỉ sau vài ngày cả rừng hoa sẽ nở bừng lên rợp trời. Cánh hồng tím phơn phớt đẹp tươi như má hồng mơn mởn cô gái mới lớn. Mùa xuân khí trời mát mẻ, khung cảnh tươi mát gợi trong con người những tình cảm thoáng, nhẹ nhàng.
Tôi rất thích mùa Xuân Việt Nam. Xuân quê mình có những ngày Tết thần tiên, đầm ấm và hạnh phúc nhất trong đời: ”Tuổi thần tiên nép trong tay mẹ hiền. Một dòng sữa thơm xa xưa còn truyền. Tuổi thần tiên lớn lên theo thầy cô, phá vỡ sương mù theo ánh sáng xa… Mùa xuân đến lên chùa phát tâm nguyện. Trước Phật Đài tuổi thêm thần tiên…”. Bài hát tuổi thơ thần tiên còn vang mãi trong ký ức.
Tôi bắt gặp mình đang rón rén lần bước trở về chốn cũ, gõ cửa kỷ niệm, xin được phép bước vào bên trong ký ức thanh bình: ”Xin hãy cho tôi được “Trở Về Tâm Tư” mỗi năm một lần bằng những ngày tháng cũ xưa để tìm lại cảm giác nồng nàn thân ái của những mùa xuân tuổi nhỏ”. Ô kìa! Lời ước nguyện chân thành đã được chấp thuận. Cánh cửa khu vườn thân yêu đã được mở rộng, tôi nghe xôn xao bước chân, xôn xao giọng nói tiếng cười. Hạnh phúc như có thể nắm bắt từ thinh không trước mắt để có thể cầm ”mảnh” hạnh phúc cắn nhẹ vào giữa hai hàm răng, sữa mật ngọt ứa ra thấm vào lưỡi, ngất ngây men say chếch choáng.
Cùng thiên nhiên rộng lượng bao dung, Chúa Xuân đưa tín hiệu xuân về. Vạn vật chuyển mình, cây lá thay áo mới. Hoa xoài, hoa bưởi đơm trắng trên cây. Cam xanh, quýt vàng trĩu nặng đong đưa trên cành như tặng vật của đất trời. Khí trời dường như tinh khiết hơn. Nắng như vàng hơn, trong trẻo hơn. Bầu trời như xanh cao thêm, như rộng lớn ra. Thiên nhiên bát ngát, lòng người dường như cũng nở lớn để ôm trọn mùa xuân vào ánh mắt, vào tâm hồn.
Phố chợ đã khởi sắc tưng bừng. Hàng hóa từ khắp nơi đổ về tràn ngập. Các sạp hàng bánh mứt đã mọc lên san sát. Nào mứt hạt sen, mứt bí, khoai lang, mứt gừng, mứt dừa, mứt tầm ruột, mãng cầu, mứt dừa xanh vàng đỏ,.. hạt dưa, thèo lèo, bánh gai, bánh men, bánh kẹp, bánh phục linh,… được bao bọc bằng giấy kiếng trông sạch sẽ, ngon lành và đẹp mắt nhưng thích nhất là gian hàng trái cây: nhãn, ổi, cam, quýt, dừa tươi, đu đủ, dưa hấu chất đầy các nhà vựa tha hồ cho khách lựa chọn. Kẻ mua người bán ồn ào náo nhiệt. Thiên nhiên ưu đãi con người nên Tết cũng là mùa cho rau củ xum xuê. Hãy đến ghé thăm các vựa rau cải: đậu cô-ve xanh mướt, củ kiệu, cải dún, cải kim chi, cà tô-mát, cà-rốt đỏ tươi, bắp cải Đà Lạt, trái su, bông cải trắng (cauliflower),… được xe vận tải chuyển về từ xứ lạnh cao nguyên Lâm Viên chất đầy vun cao như những ngọn đồi nhỏ.
Đi chợ Tết cũng là cái thú của những ngày cuối năm. Nhiều ngày trước khi sắm sửa thịt cá, rau đậu, trang hoàng nhà cửa là những buổi dạo phố mua hàng vải may quần áo mới. Không phải con nhà giàu có nên mỗi năm chỉ được sắm sửa quần áo một đôi lần nhất là dịp Tết nên niềm vui sướng thật bao la. Vải từng cây chất đầy tận đến nóc tiệm. Nào soie Pháp, soie Phi, soie Đức, Thái Lan. Nào lụa, nào tơ, nào gấm, kate,.. bông hoa, màu sắc, cái nào cũng đẹp, cũng vừa ý. Những khúc vải được mang về, qua bàn tay của người thợ may, sẽ trở thành những bộ đồ, những chiếc áo dài, áo kiểu, quần tây. Ngày đầu năm sẽ sung sướng “mặc vào người rồi ra. Ngồi lạy chào mẹ cha, hàng lụa là thơm dáng tiểu thư,…”.
Cũng ngôi nhà nhỏ bé thường ngày mà trong những ngày đầu năm bỗng trở nên ấm cúng, thân mật, yêu dấu lạ thường! Những chiếc màn cửa được tháo ra thay vào bằng những cái mới bay phất phơ nhè nhẹ khi có gió thoảng qua tạo nên vẻ thơ mộng sang trọng kín đáo. Bình hoa tươi thắm sắc ngát hương trên bàn thờ Phật. Ngọn đèn tỏa sáng ánh hào quang gương mặt hiền lành từ bi của Đấng Chí Tôn gợi lên niềm tin, an lạc trong lòng người. Những bức tường, khung cửa sổ hàng ngày lặng yên vô tri bỗng dường như cũng có linh hồn, cũng biết cười vui rạng rỡ chào mừng năm mới.
Đi khoảng độ chừng nửa cây số là khu rẫy đã bày ra trước mắt xanh tươi bát ngát. Cà chua đỏ tươi, cà tím căng tròn, đậu bắp cùng rau dền tím, dền xanh, rau muống, cải ngọt, bồ ngót, rau cần Tàu non nhuốc vươn cao phơi phới. Rau thơm, giấp cá, tía tô, húng lủi, kinh giới, cần dày lá, ngò gai, ngò rí, hành hương, ớt chỉ thiên,… được trồng khéo léo thẳng tắp, thành từng vồng đẹp đẽ. Các giàn đậu đũa, mồng tơi, mướp hương, mướp khía, khổ qua, bầu, bí đao trái xanh mướt lông tơ đong đưa trong gió chiều mát lạnh. Những phẩm vật từ lòng đất được qua bàn tay chế biến khéo léo của các bà nội trợ sẽ trở thành những keo dưa chua, dưa món trông ngon lành hấp dẫn; những dĩa rau xào xanh mướt bóng mỡ; các thố canh hầm bốc khói thơm ngon đầy dinh dưỡng,… Trong khi các chị bận tíu tít ngã giá mua bán, tôi vui sướng ngắm nhìn khung cảnh xung quanh trong bóng chiều bàng bạc sương khói mà nghe hạnh phúc dâng lên trong lòng.
Hạnh phúc nào phải ở đâu xa! Hạnh phúc cũng không phải quá cao vời! Hạnh phúc ở quanh ta ngay cả trong những điều thật đơn giản. Tôi yêu những giờ phút được đứng giữa khung cảnh giàu sức sống xanh tươi sinh động như thế, để cảm nhận được niềm yêu thương tỏa ra từ lòng đất mẹ, sự gắn bó giữa đất và người, giữa thiên nhiên Tạo vật và sự sống hòa quyện vào nhau, giữa khai phá dựng xây cùng sự cần mẫn tảo tần. Từ đó tôi cảm nhận được cái giản dị hạnh phúc quý giá của một đời sống thanh bình thịnh trị.
Tôi yêu mùa xuân lắm vì thiên nhiên mùa xuân tươi đẹp. Tôi yêu mùa xuân bởi vì mùa xuân biểu hiện cho sự sum vầy, đoàn tựu. Mùa xuân tượng trưng cho sức sống rạt rào, là biểu tương no đủ hạnh phúc. Một năm trôi qua. Một chu kỳ thời tiết chấm dứt. Đã đến lúc có thể tạm kết thúc lại mọi việc, ngay cả những nhọc mệt bận rộn khắc khoải của tâm hồn, để đón chào một mùa mới. Có ai không yêu hoa xuân đang bừng nở? Có ai không cảm thấy tâm hồn bâng khuâng rung động trong không khí thiêng liêng ngày Tết? Cái rộn ràng náo nức, lâng lâng, xao xuyến của những ngày Tết thật khó tả. Niềm hạnh phúc, hân hoan, phấn khởi căng đầy trong từng thước khối không khí.
Sang Mỹ lâu quá rồi chưa có dịp nhìn thấy lại ngọn lửa trong bếp lò cháy bập bùng. Lửa của bếp gas, bếp điện tuy tiện lợi, sạch sẽ và nhanh nhưng không gợi lên được nỗi hoài cảm tha thiết. Nhìn ngọn lửa cháy được đốt lên bằng củi ta cảm thấy được hơi ấm nồng nàn, ngửi được mùi khói thơm. Tùy loại củi mà mùi thơm bốc lên khác nhau. Củi của cây bạch dương, cây xoài, cây mù u, cây khuynh diệp cùng ánh sáng từ lửa tỏa lên vách bếp gợi lên nỗi ấm áp khó tả. Tôi khơi gợi lại trong tâm trí ngọn lửa rừng rực trong bếp chiều 30 Tết như xua đi nỗi hàn ôn, sưởi ấm không gian.
Nhắc đến Tết hãy nhớ về tiếng chuông chùa. Vì là một Phật Tử nên tiếng chuông chùa cũng đọng lại trong tôi kỷ niệm. Tôi đã rất thường nghe tiếng chuông công phu mỗi sáng mỗi tối của ông bà Ngoại nhưng tiếng Đại Hồng Chung mới thật có sức chấn động nội tâm mãnh liệt. Tôi không biết mình sử dụng từ ngữ như thế có đúng không nhưng quả thật mỗi khi nghe tiếng Đại Hồng Chung vào lúc trời gần sáng tôi nghe tâm tư rung động sâu xa, một nỗi gì đó dâng đầy mênh mang tâm trí giống như xao xuyến, giống như ngậm ngùi nhỏ lệ không thể diễn đạt. Khi ông Ngoại còn sinh thời ông có nói rằng tiếng Đại Hồng Chung có khả năng vọng tới âm phủ vang tới các cửa địa ngục để cứu độ những linh hồn tội lỗi. Tôi không biết lời người xưa có đúng hay không nhưng tiếng chuông chùa, nhất là được gióng lên trong đêm Giao Thừa bao giờ cũng gây trong lòng người nỗi cảm xúc dạt dào.
Tôi đang ở một nơi rất xa quê hương, tim óc căng đầy hoài niệm về những ngày qua. Bao người yêu thương đã ra đi về miền xa xôi, chỉ còn kỷ niệm. Kỷ niệm ngày xanh quý giá vẫn sống mãi, vẫn nồng nàn trong tâm tưởng. Mùa xuân nơi chốn quê xa xin trìu mến gửi về cố hương, cố nhân niềm thương nỗi nhớ dạt dào. Hy vọng ngày mai trời lại sáng, dân Nam lại được sống trong thanh bình và người ly hương mong một ngày hồi hương, về ngồi lại bên thềm nắng ngắm mai vàng đưa hương theo gió dưới bầu trời xanh cao cho dù mái tóc xanh ngày nào có pha màu sương tuyết.
Đặng Thúy Định