User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Nhân ngày cuối tuần nghỉ lễ, em đi thăm con làm việc ở miền thung lũng hoa vàng. Xa nhau, em gởi anh vài dòng tin ngắn qua chiếc Iphone:

- Ở nhà một mình mấy hôm rồi có nhớ Em không? Đi rồi đến đây mới hiểu là các con “lonely” và nhớ nhà lắm.

Em đâu biết vài chữ trong lời nhắn lại dài như bức thư tình. Anh đọc đi đọc lại... cảm động chỉ vì một chữ “Em”. Danh xưng ấy bộc lộ cả một cõi lòng bởi nếu thiếu nó thì động từ đằng trước hẳn sẽ mông lung, mất đi nhiều ý nghĩa. Chỉ một chữ “Em” mà đã thức tỉnh mối tình mùa đông lạnh lùng đang yên ngủ. Viết được như vậy phải chăng câu hỏi cũng là tâm trạng của người hỏi? Anh đoán thế và trả lời em:

- Khi xa mới thấy gần! Thỉnh thoảng nên xa để thấy gần nhau. Tâm lý nhân sinh sống gần mà cư xử như đang ở xa nhau, yên ả vô tâm lúc mất rồi mới tiếc thì đã muộn! Tình cảm sinh ra và luôn ẩn hiện trong bóng tối vì con người so đo, sợ sự thật. Phương cách giúp nó hiện ra ánh sáng là chánh niệm. Chánh niệm chính là những khi xa nhau cách mặt rồi nghĩ về nhau tựa như người thiền nhắm mắt để lòng chăm chú hai động tác “thở vào, thở ra”.

Quan tâm sẽ dễ nhận thấy sự chân tình nhưng đầu nguồn sinh lực làm cho họ nhớ nhau vẫn là tình yêu. Có tình yêu thì dù xa mặt cũng không cách lòng. Hiểu tâm tình đó thì em tự biết mấy ngày qua, anh cô đơn, nhớ em cỡ nào rồi! Những điều này đàn ông thường hay giữ kín vì khó thổ lộ.

- Qua câu kế tiếp, em viết thiếu mất chủ từ nhưng vẫn êm ái vì chữ “Em” anh đã ca ngợi ở phần trên. Các con tuy nhớ nhà nhưng tâm trạng đó ví như cơn gió thoảng chỉ chốc lát là yên cây lặng gió... Tuổi đôi mươi không cho phép chúng tơ vương với buồn vui lâu dài vì con đường tương lai luôn bận rộn giống như chúng mình khi xưa lúc còn trẻ bôn ba tìm sự nghiệp. Đừng lo, chúng “lonely” cũng sẽ mau quên vì mải mê theo đuổi những mục đích chính đáng đang chờ trước mặt.

Vào những ngày rảnh rỗi, bỏ thời giờ đi thăm các con là niềm vui lớn của cha mẹ nhưng chỉ nên thăm ngắn hạn, vài ngày đoàn tụ rồi lại đi... Cố níu kéo ở lâu sẽ làm chúng không vui khi phải chia sẻ không gian, cắt bớt thời gian, thay đổi dự tính, thu xếp công việc để tiếp đón. Thông cảm với chúng vì đời sống riêng tư của tuổi trẻ luôn hữu hạn. Nói xa nói gần chi bằng nói với kinh nghiệm thực tế vẫn hơn mọi bề. Cuối cùng thì vợ chồng vẫn phải nương nhau mà đi hết quãng đời còn lại với một nhận xét tích cực là khi đôi đũa còn có đôi thì cuộc sống còn thực dụng và hữu dụng.

- Có gì ở trên cõi đời này vĩnh cửu nếu không vĩnh viễn là sự đổi thay! Đổi thay sẽ biến vầng trăng đang tròn thành khuyết giống như đôi ta, hai người ngày mai sẽ chỉ còn một... Ấy là cái bóng một cụ già lẻ loi đứng trước cửa nhà nhìn bình minh đến hay hoàng hôn đi. Làm gì với một chiếc đũa? Sử dụng thế nào với một chiếc dép? Đi kiếm chiếc khác thế vào ư? Có người nghĩ và làm thế... đoán chừng khi xưa ở “sòng bài cuộc đời” họ “cay cú” chưa ngả ngũ được thua! “Cuộc sống là làm sao biết nhảy múa dưới cơn mưa” thì có lẽ không may đã bị ướt như chuột lột! Phải tìm mọi cách để chẳng bao giờ “cuộc đời phải chịu đựng qua cơn bão” mà luôn luôn là những ngày nắng đẹp.

Một năm có bốn mùa, cuộc đời chia từng giai đoạn. Mỗi mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông đều sẵn có nét đẹp riêng nhưng chúng ta chỉ nhận biết khi chúng qua đi rồi tìm lại. Tình yêu trong tâm hồn cũng thế! Thỉnh thoảng hãy xa nhau để nhìn thấy nhau cận kề và trả lời câu hỏi “Ở nhà một mình mấy hôm rồi có nhớ Em không?” mãi mãi tích cực tựa như tâm tình này.

01/21/2015
Cao Đắc Vinh

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com