.
“Tình nghĩa đùn quanh gốc ngủ chiều
Đường quê mỗi bước một đìu hiu
Đôi bờ lộ hẹp sao mà rộng!
Vẽ lại ngày xưa được ít nhiều…”
Trần Yên Thảo
Trên tỉnh lộ 8, cách thị xã Phan Thiết chừng 6 cây số về hướng tây bắc, có một cây cổ thụ mà người trong làng gọi là cây “ngủ chiều”. Thực tình, từ nhỏ đến lớn tôi chưa hề thấy qua loại cây này bao giờ. Khi ở tù về, nghe người ta gọi là cây ngủ chiều, tôi nghe là lạ, nhưng riết rồi cũng quen. Loại cây này có tàng lớn, cành lá sùm sòe, thả xuống một vùng bóng mát khá rộng. Cây ngủ chiều đứng ngay bên lề đường ở ngã ba con hương lộ và tỉnh lộ 8, một giao điểm rất quan trọng đối với bà con sinh sống trong các làng mạc dọc theo con lộ này. Chung quanh cây ngủ chiều, có một vài quán bán tạp hóa, quán giải khát và một tiệm hớt tóc. Nói là tiệm cho ra vẻ một chút, thật ra đây chỉ là một cái cóc nhỏ, mái lợp bằng rạ, vách dừng bằng lá buông, vừa đủ để một cái ghế hớt và một cái băng cho khách ngồi trong khi chờ đợi. Tiệm chỉ có một người thợ duy nhất, thằng Chín Út, lính Sư Đoàn 23 bộ binh. Nghe đâu hắn được giải ngũ từ thời còn chiến tranh vì đạp phải mìn, mất đi một nửa bàn chân trái. Tính tình thằng Chín Út rất dễ thương lại có biệt tài đàn hát vọng cổ rất mùi. Những tháng đầu tiên khi mới ra tù, tôi thường đến đây hớt tóc chịu. Hắn rất thông cảm với hoàn cảnh của tôi lúc bấy giờ. Gia đình tôi nghèo túng đến tột cùng. Hắn biết rõ.
Một hôm, tôi bàn với vợ tôi:
“Này bà, ít bữa nữa tôi ra gốc ngủ chiều gò đít thùng cho bà con, kiếm chút ít tiền mua gạo”
“Ông khéo nói, gò đít mấy bà thì được. Ông học gò hồi nào mà bày đặt”
“Đừng nói bậy. Hồi còn trong tù mấy thằng bạn có chỉ cho tôi cách làm mấy thứ lặt vặt như hàn đít thùng, gàu tát nước và mấy món lặt vặt khác nên chắc không trở ngại gì đâu.
Vợ tôi ngẫm nghĩ một lúc rồi trả lời bằng một giọng miễn cưỡng:
“Vậy cũng được. Ra đó ngồi cho đỡ buồn”
Thấy tôi đang lay hoay đóng cái tấm carton có ghi mấy chữ “SỬA ĐÍT THÙNG” bằng than lên thân cây ngủ chiều, thằng Chín Út tò mò:
“Làm gì đó anh Tám? Bộ anh tính làm nghề gò thùng ở đây hả? Ủa, mà anh học cái nghề này từ hồi nào vậy?”
“Có học mẹ gì đâu chú. Hồi còn trong tù thấy người ta gò mình cũng bắt chước được chút đỉnh vậy mà”
Không ngờ cái nghề bất đắc dĩ này lại giúp tôi có được đồng vô đồng ra, cháo rau đắp đổi qua ngày. Ngoài việc kiếm được tiền mua cá gạo, tôi còn dằn túi chút ít để mua rượu và từ đó tôi thường hay “lai rai” ở nhà thằng Chín Út.
Hầu như chiều nào cũng vậy. Khi mặt trời sắp lặn thì đã thấy vài ba con sâu rượu từ nhiều ngã khác nhau, lững thững hướng về cây ngủ chiều. Cũng có những thằng đạp xe đạp lọc cọc từ hướng Phan Thiết lên hoặc từ hướng Ma Lâm xuống cũng tắp vào nhà thằng Chín Út. Gần như tất cả những cuộc nhậu tại đây đều tụ họp một cách tình cờ, ngẫu nhiên, không ai hẹn ai cả. Nay thì năm ba thằng này, mai thì vài ba thằng nọ, giống như thay phiên nhau ‘trực làng’. Chỉ có thằng Chín Út là chiều nào cũng phải chịu trận.
Mở đầu cuộc nhậu, bao giờ thằng Chín Út cũng đem ra một xị trước, rồi lần lượt đến những người khác. Cho đến khi tàn cuộc thì mỗi thằng cõng ít nhất cũng gần một chai ba xị.
Thắm thoát mà đã gần hết năm. Mọi gia đình đều nôn nao chuẩn bị Tết. Tôi đang lui cui sửa lại cái đít thùng cho bà Mười Dậu thì thằng Chín Út bước tới:
“Dẹp đồ nghề đi anh Tám”
“Giỡn chú, còn sớm mà”
“Bữa nay nhà em cúng tất niên. Mình nhậu một bữa cho đã anh Tám”
“Có ai đến chưa?”
“Đông đủ rồi”
“Thôi được, chú về trước đi, tôi dẹp đồ nghề xong, đến liền”
Tôi đang loay hoay dọn dẹp đồ nghề thì có tiếng một người đàn bà ơi ới từ trên xe ngựa gọi vói lại:
“Anh Tám ơi! Anh gò cái đít tôi chưa? Anh gò cái đít tôi chưa?”
Bà Mười Dậu vừa ráng gân cổ hỏi lớn vừa đưa tay ngoắc ngoắc về phía tôi. Tôi chưa kịp trả lời thì chiếc xe ngựa đã chạy xa rồi. Thằng Chín Út vừa đi được một đoạn, nghe tiếng gọi, nó dừng lại nhìn tôi cười ngặc nga ngặc nghẽo.
“Anh Tám ơi, cái đít của bà Mười Dậu cứng lắm đó, nhớ gò cẩn thận nghe!”
Ngồi ở gốc ngủ chiều, tôi chứng kiến không biết bao nhiêu là chuyện “tiếu lâm” trên trời, dưới đất xảy ra hàng ngày. Nhờ vậy mà cũng đỡ buồn phần nào.
Trên bộ ván kê ở góc nhà, tôi thấy đã có chừng sáu bảy người đang ngồi trò chuyện. Hầu hết trong số đó là bạn nhậu của thằng Chín Út. Tôi bước tới ngồi bên cạnh anh Mười Mẽo. Tôi nhớ rõ, hôm đó là chiều hai mươi tám tết. Không khí đón Tết năm đó kể ra cũng khá rộn ràng. Kẻ mua người bán ồn ào, tấp nập chung quanh gốc ngủ chiều. Chốc chốc lại nghe một vài tràng pháo nổ lẹt đẹt đâu đó. Tôi nhìn qua cửa sổ, những chiếc xe lam, xe ngựa chở đầy người và hàng Tết từ Phan Thiết chạy về. Nhìn thiên hạ đua nhau sắm Tết rồi nghĩ đến lũ con ở nhà mà nghe lòng buồn rười rượi.
Cuộc nhậu đã đến lúc hào hứng. Mọi người dành nhau nói, dường như chẳng còn ai chịu nhường ai. Rồi tiếng gõ chén bát, tiếng cãi nhau, tiếng hát vọng cổ của thằng Chín Út, tất cả tạo thành một thứ hợp âm vô cùng độc đáo. Anh Mười Mẽo là người lớn tuổi nhất và cũng là người “quậy” nhất trong đám:
“Tụi mầy im hết đi. Tao lớn nhất thì phải nhường cho tao nói chứ”
“Không được. Phải quay đầu vịt, người nào mỏ vịt chỉ trúng mới được nói”
Thằng Ba Bụi phụ họa:
“Đúng đó. Nhậu mà phân biệt lớn nhỏ cái gì”
Anh Mười Mẽo nổi sùng:
“Ê, vừa phải thôi nghe mậy. Đồ không biết lớn nhỏ”
Thằng Chín Út thấy tình hình hơi căng, nên kéo thằng Ba Bụi ra ngoài:
“Nhường ảnh chút đi”
Thằng Ba Bụi sừng sộ:
“Nhường cái con khỉ”
Hắn nói xong bỏ về luôn.
Cuộc nhậu đang hào hứng, bỗng chốc trở nên nặng nề. Thằng Chín Út buồn buồn:
“Thôi kệ nó, mình tiếp tục đi các anh”
Thấy cuộc nhậu có tiếp tục cũng chẳng còn vui vẻ gì, nên tôi đề nghị:
“Mình làm thêm một ‘tua’ nữa rồi ‘dứt’ để tụi nhỏ nó ngủ”
Mọi người đồng ý.
Việc nhậu nhẹt thường xuyên ở nhà thằng Chín Út đối với mọi người thì chẳng có gì đáng nói, nhưng đối với tôi thì lại khác, vì tôi là người ‘học tập cải tạo’ mới về, trong thời gian còn quản chế. Việc tụ tập nhậu nhẹt ồn ào là một việc không tốt cho bản thân, tôi biết vậy nên từ giã mọi người ra về. Đêm đã khuya. Xóm làng đã yên giấc. Bầu trời cao lồng lộng, nhấp nháy những vì sao.
Nguyễn Đức Nhơn