User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Hạnh phúc tuyệt vời của đôi cặp tình yêu chung thủy, là không có sự vui mừng nào cho bằng khi cùng nhìn thấy nụ cười đầu tiên của đứa con ruột thịt của chính mình. Họ sinh con ra, là do sự quyết định có trách nhiệm thừa hành thiên chức của bậc làm cha mẹ biết tôn trọng tình người vẹn toàn đạo nghĩa, mà người ta gọi cho nó có một cái danh mỹ miều đó là tình thiêng liêng. Do vậy, tôi biết rằng trước những phút giây chan hòa niềm sung sướng đó, thì tinh thần của cha mẹ tôi rất là mãn nguyện vô cùng. Vì thế, lúc nào tôi cũng nhớ thương người khôn nguôi và không bao giờ tôi lại có ý nghĩ rằng mình phải cần đem so sánh với trường hợp của nhiều đứa bạn đồng tuồi khác.

Tuy nhiên, có điều mà tôi lúc nào luyến tiếc là chưa có dịp để đền đáp lại công đức sinh thành của cha mẹ thì họ đã sớm vội vĩnh viễn ra đi. Và bây giờ, công việc làm ăn sinh sống của tôi hằng ngày, là bất cứ khi nào có thì giờ là phải lập tức đi nhanh ngay vào khu nghĩa địa, để thu nhặt những cành hoa còn tốt trước khi sắp héo tàn đã bị những người phu dọn dẹp lần lượt quăng nó vào thùng rác. Kể ra sáng kiến nầy của tôi cũng hay hay, vì nhờ đó mà tôi không những có dịp làm quen với cuộc đời tự lập mà lại còn có những giấc mơ tươi đẹp cho cuộc đời.

Về những cành hoa mà tôi nhặt lại mang nó đi bán, thường không đẹp cho bằng những cành hoa tươi bày ra ở tại các sạp chợ. Nhưng điều đó không quan trọng, vì ngoài lý do sinh kế tôi còn có mục đích là đi tìm người nói chuyện cho qua buổi, qua ngày. Khách hàng của tôi thường là những cặp tình thân, những đôi vợ chồng trông vẻ lịch sự và những thành phần khách du lịch nước ngoài. Trước khi làm nghề nầy, tôi sống dưới mái gia đình của một người bà con thân tộc mà tôi rất buồn lòng đành phải nói lên một sự ruột thịt mĩa mai. Tuy nhiên, dù nghịch cảnh nầy đối với tôi trong ngày hôm qua là cả một điều trăn trở lớn…nhưng nay, thì đầu óc tôi chấp nhận tất cả những cái gì được gọi là quá khứ chỉ là một sự kiện bình thường trong mọi hoàn cảnh xã hội.

Tôi có một người khách hàng quen thuộc có tánh lạ kỳ. Ông không bao giờ chịu mở hàng mua hoa của tôi khi rao bán, mà chỉ mua giúp cho tôi khi bị bán ế mang về. Thường những lần như vậy thì tôi được dịp nghe ông nói vài lời an ủi, khuyên răn và giảng cho về một ít kinh nghiệm cần cù trong cuộc sống. Điều nầy làm cho tôi cảm động vô cùng. Tuy rằng tuổi của tôi còn nhỏ, nhưng tôi cũng có đủ trí khôn để đánh giá về nhân cách của mọi khách hàng. Do vậy, tôi tìm thấy ở nơi ông có một cái gì khác lạ mà có thể từ lâu chính những người sống ở cạnh bên ông cũng không hề cảm nhận được. Từ chỗ kính mến đó, người ông đã trở thành một hậu cứ của điểm tựa tâm hồn của tôi mỗi khi có chuyện buồn phiền tìm đến tâm sự với ông.

Thấm thoát đó mà đã hơn nửa năm, kể từ khi tôi mỗi ngày phải lê chân vào trong nghĩa địa để nhặt lại những bó hoa còn tươi nằm trong thùng rác. Sau khi đem về nhà, thì tôi lựa ra cọng nào còn tươi tốt thì bó lại với nhau rồi đem ra các quán cóc ven những con lộ lớn mà mời mọc khách hàng. Những người khách nầy thường mua giúp tôi vì lòng hảo tâm thương xót trẻ em nghèo, chớ không phải vì nhu cầu thực sự và sự thực là tôi rất biết ơn tấm lòng họ. Ngoài ra, cái nghề của tôi đôi khi cũng còn là một đề tài để cho số khách hàng nào đó có dịp chọc ghẹo hợp pháp mà không sợ ai cười! Do vậy, trừ ra những người mua hoa vì lòng từ thiện thì bên cạnh đó cũng có kẻ mua hoa chỉ vì thích tán gẫu năm ba phút với tôi cho vui. Tuy nhiên, thì đối với tôi dẫu sao cũng chẳng ra sao vì mục đích của tôi trước hết là phải kiếm cho được số tiền để trả tiền phòng trọ hằng tháng và mua đồ ăn uống hằng ngày. Nhằm bữa đắt hàng có thư thả thì giờ, tôi thường ra chợ tìm mua vài món trái cây rẻ tiền để khi về đi ngang qua nhà của ông khách hàng nhân hậu để biếu với tấm lòng thành.

Nhớ một hôm nào mưa to gió lớn, tôi mang vài trái ổi đến định kính biếu ông nhưng không thấy ai cả. Thấy cửa hé mở vì do gió thổi mạnh, tôi gõ cửa bước vào thì thấy bên trong vỏn vẹn chỉ có cái giường nhỏ cũ kỹ cạnh cái bàn cao hơn thờ Phật khói nhang còn dó. Do dự một hồi, tôi liền đem mấy trái ổi xanh tươi để trên bàn thờ Phật với ý nghĩ rằng khi nào ông về sẽ nhận được. Nhưng bất thình lình ông đã trở về kịp lúc, và vui vẻ nhận món quà mọn nầy với nụ cười bình thường. Lợi dụng cơn mưa dầm chưa dứt hột, tôi tò mò gợi chuyện hỏi thăm về gia cảnh thì được ông chậm rãi thân mật tâm sự cho biết, ông chính là người đã ra tay nghĩa hiệp cứu kẻ sa cơ bị hiếp đáp ở làng bên năm nào. Nguyên do ông đến đây làm ăn sinh sống một mình, là vì ông muốn được thanh tịnh để dễ dàng sám hối tu thân. Tôi thắc mắc hỏi ông sự việc nghiêm trọng nào đến nỗi ông phải tìm đến nơi đây, thì ông đáp do vô tình không thể cứu được một mạng người mà người đó không ai khác hơn là vợ của một người ân nhân giỏi võ vô danh.

Số là người nầy đi chợ mua thuốc trị bệnh khẩn cấp cho vợ, và bị một kẻ bất lương tấn công hành hung cùng lúc đang có động thái giựt bóp tiền. Do vậy, cho nên người giỏi võ nầy mới cho tên đạo tặc kia một bài học nên thân đến nỗi ai thấy cũng phải thương tâm. Vì khi đó, ông vô tình vừa đi ngang qua thấy vậy nên mới bất bình nhảy vào can thiệp dù chưa hiểu rõ đầu đuôi câu chuyện. Bởi thế cho nên như còn đang say máu chưa nguôi cơn giận dữ, cho nên hắn ta đã dùng hết sức bình sanh để quay qua đánh trả lại ông. Vừa mới bắt đầu đấu với nhau vài đường quyền, thì ông biết rõ mình đang đối đầu với một địch thủ vô cùng lợi hại, võ nghệ cao cường cho nên ông không dám khinh thường. Tuy nhiên, trong khi quyết đấu với tinh thần vì nghĩa quên mình để cứu người mắc nạn thể theo tinh thần võ sĩ đạo không sợ hiểm nguy, thì ông đã có tung ra một độc chiêu sinh tử cuối cùng. Có nghĩa là, đối thủ phải bị gục ngã hoặc là ông phải chịu mạng vong…nhưng đối thủ của ông quả là một bậc kỳ tài có tinh thần thượng võ, mà giờ đây mỗi khi hồi tưởng lại thì ông rất là vô cùng thán phục.

Sau khi ngừng lại giây lát để thở ra một hơi dài, thì ông tiếp tục giải bày tâm sự. Là địch thủ của ông đã sử dụng các tuyệt chiêu quyền cước của môn phái Việt võ đạo với trình độ đẳng cấp cao siêu ngoài sự tưởng tượng của ông. Là khởi thế công nhanh nhẹn như sấm sét, nhưng khi sang qua thế thủ thì uyển chuyển vận hành như màn mưa sa giọt nhẹ nhàng. Trong khi đó, thì ông đối đầu lại bằng tinh võ môn công phá của phái Thiếu-Lâm, là thường hay bất ngờ đưa ra những hoa chiêu vô dụng với chủ yếu cố tình đánh lừa cho địch thủ tấn công, để cho ông có dịp liều thân thí mạng một mất, một còn…trường hợp nếu biết mình sẽ bị đánh bại.

Với bản lãnh tinh cao của hắn như vậy, thì hắn có thể đánh trả phản công chuyển bại thành thắng dễ dàng, nhưng ông thấy hắn bất ngờ đã chịu khuất phục vì hắn biết rằng ông đang liều thân thí mạng. Do đó, ông đã được hắn nương tay tha cho mạng sống. Chính vì vậy, ông coi hắn như là một vị ân nhân đã có công tái tạo đời sống cho ông còn đến bây giờ. Hơn thế nữa, sau nầy ông mới biết thêm là người vợ thương yêu của hắn đã chết vì người chồng bị câu lưu không được trở về nhà kịp lúc...Những tiếng thở dài tiếp theo sau đó của ông làm cho tôi cảm động vô cùng. Từ nhỏ tới lớn bây giờ, tôi chưa hề được nghe bất cứ ai kể chuyện đời tư của họ bao giờ, hơn nữa, lại là những câu chuyện oái oăm, kỳ thú có nghĩa tình đạo lý v.v.

Hồi tưởng lại quảng thời gian trước sống chung với bọn trẻ em và lớp người lang thang vô nghề nghiệp tạm trú ở khu xóm nghèo chờ ngày giải tỏa, tôi là nhân chứng hằng ngày cho một xã hội lầm than đói rách. Ngoài tình trạng tả tơi chòi lều lụp sụp được tỏa sáng mờ bằng những bóng đèn điện chiếu vào từ ở ngoài đường, thì còn lại là những ngọn lửa của cây đèn dầu hôi ngút khói đen. Ngoài vấn đề vệ sinh cực kỳ dơ bẩn, thì lại còn có thêm nhiều tệ nạn xấu xa không thể không xảy ra được trong một môi trường thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu tất cả tình thương đùm bọc của con người.

Trong cái xã hội bần cùng nầy, miếng ăn là trên hết, là tất cả cho những mệnh lệnh phải đều tuân phục.Và cũng chính vì bị xã hội vô tình bỏ rơi dành cho một thế đứng ở bên lề, cho nên hầu hết dân đen cùng xóm nghèo đều có chung một mặc cảm như nhau. Họ tâm sự với nhau bằng những ánh mắt căm hờn cho cuộc đời bất công, làm cho họ phải bị đọa đày kiếp sống đem thân bán sức lao động cho người bóc lột. Trái lại về phần trẻ em bụi đời, thì cũng thở than không kém. Mỗi đứa một trường hợp, một hoàn cảnh tự lập khác nhau nhưng tựu chung chỉ là những ván thành công rẻ rúng trong tinh thần khổ nhục và đê tiện.

Tóm lại, nếp sống ở những nơi có xóm nghèo điển hình thường có một nét tô đậm hoàn toàn cách ly với một xã hội bình thường, vì hoàn cảnh túng quẫn kinh niên đã làm cho con người ta lần sinh ra bất mãn, tiêu cực, đôi khi sẽ trở thành những kẻ bất lương. Thật khó có ai ngờ rằng, nơi chòi lều ổ chuột nầy mà đã có những gia đình sinh sống chung nhau từ hằng ba thế hệ. Cảnh trẻ nít khóc la chạy trần truồng ngoài hẻm, trai gái phi xì ke nghiện ngập xác xơ, tụ tập năm ba ăn nói bậy bạ, vô duyên, cộc lốc. Vậy mà đứa nào đứa nấy cũng có những cái tên trong khai sinh rất đẹp như nào là Thiên-Ngân, Ngọc-Kiều, Vương-Vũ, Đại-Gia thậm chí còn có những tên rất ngoại như Sô-Pha, Su-Ky, Đô-La nữa v.v. Vậy phải chăng đó là cái mộng ước rất mông lung của những kẻ quá khổ đau, đặt tên con như vậy là vì muốn cho chúng sau nầy lớn lên có dịp may được mang phép lạ mà tái tạo đổi đời! Nhưng đổi đời đâu chưa thấy, mà chỉ thấy chúng thường xuyên thay nhau vào nhà giam để gỡ lịch dài dài.

Một lần, có các ông nhà báo tò mò đến đây làm cuộc điều tra phóng sự. Sau khi đi một vòng quan sát các ngõ ngách chằng chịch nhơ nhớp, những căn chòi lều tối om giữa ban ngày và viếng thăm các gia đình bệnh hoạn ốm đau, thì mới chận lại một vài đứa trẻ hỏi thăm. Câu hỏi của họ đặt ra thường nhằm vào tình trạng đối đầu về sinh kế tuổi thơ, mà các em sống lây lất qua ngày. Tuy nhiên, họ cũng rất dễ dàng bị lầm lẫn về tướng mạo mỗi khi đánh giá về nhân cách bên ngoài của các trẻ em trong xóm vắng. Thằng Y, con Z là những đứa hiền lương, chân thật nhưng bị bệnh tâm thần cho nên chúng nó thích ăn mặc áo quần lố lăng, tóc tai bù xù hoặc chải theo mốt, thì được họ mở lời xã giao theo kiểu cách bụi đời. Còn ngược lại, trước mặt con W, thằng F nét mặt tươi sáng có ngoại hình dễ mến, thì họ có thái độ thân thiện hơn khi mớm chuyện hỏi thăm. Họ nào có biết đâu rằng, chúng nó chính là một lũ ranh con, du côn thứ thiệt từng chịu án tù, hiện đang sống ngoài vòng pháp luật và lúc nào cũng sẵn sàng qua mặt họ một cái vù.

Trái lại về phần tôi, với kinh nghiệm sống bản thân, tôi có thể nói rằng mình là người thông cảm được phần nào về hoàn cảnh thương tâm của bọn chúng. Nếu ai đã từng đi thực tế để tìm hiểu về tình trạng tâm lý của thế hệ trẻ ngày nay, thì phải thấy rằng chính miếng ăn và sinh lý là nhu cầu bức thiết đem lại hạnh phúc qua ngày cho chúng - nhất là đối với lớp trẻ em lang thang tha phương cầu thực. Dẫu sao, thì nguyên nhân nào cũng có bề mặt trái của nó. Cuộc đời thằng Su-Ky lẽ ra, sẽ không bắt buộc nó phải hành nghề đạo chích. Vậy mà về sau, do túng quẩn cho nên nó đã phải trở thành một kẻ hành nghề bất lương cũng vì lý do một lần bị án treo, là nó bị xã hội người đời tàn bạo vu oan cáo buộc có sự liên can. Cho dù, sự kiện xảy ra vào thời điểm không gian lúc bấy giờ, thì sự cách diện (alibi) của nó cũng đã có được đầy đủ bằng cớ đàng hoàng.

Con Sô-Pha thùy mị dễ thương, mới mười bốn tuổi đã biết quen mùi sinh lý, nó muốn thoát ly khỏi cảnh bần cùng trong gia đình nên đi tìm việc làm nữ tiếp viên. Hằng ngày trong quán, tiệm, nó từng được nghe biết bao nhiêu người khác phái khi có cử chỉ cọ xát, thì nói ngay rằng là đã say mê yêu thương hứa hẹn đủ điều.

Nhưng nó cũng biết lém lắm để được tiền bo, chớ nó đâu có ngu dại gì mà không tinh ý đến từng động thái trong tư thế tấn công của các gã say men. Tình trạng của nó cũng giống như bao nhiêu trẻ em ở xóm nghèo nầy, là đã bị người đời xã hội gạt gẫm quá nhiều rồi, và có cả những bài học tủi nhục không thể nào quên được. Do vậy, hai tiếng tình thương dành cho người nghèo đối với chúng đã trở thành một loại mỹ từ mờ nhạt, rỗng tuếch, hoàn toàn không còn có ý nghĩa gì được gọi là trân quý cả. Kể cả cha mẹ của chúng cũng vậy, tất cả đều không thể tìm được những việc làm nào cố định, dù cho có được đồng lương tối thiểu, khiêm nhường. Chính vì thế, mà bầu không gian sinh tồn ở xóm nghèo nầy có phần nào giống hơi hơi y như hoạt cảnh thời bộ lạc. Ngoài những người già yếu cả ngày không bước chân ra đầu hẻm, mọi sự chung đụng co cụm trong cộng đồng tí hon nầy từ lâu đã là cái nôi sinh sôi nẩy nở tình cảm yêu thương, tương trợ, tương thân. Do vậy, dù cho trước nay không có những trường hợp loạn luân nào xảy ra nhưng tình trạng bê tha, hư hỏng của lớp tuổi trẻ ở nơi đây phải được coi như là nghiêm trọng cần kịp thời cảnh báo. Vì lý do, chúng là hình ảnh của những đứa trẻ em đang sống lạc lõng trong một thế giới không tìm thấy bóng dáng của tình thương và nhân nghĩa. Ngược lại, chỉ thấy có mồ hôi nước mắt tuôn tràn của những kẻ bất hạnh, thất thế bơ vơ ở giữa chợ đời với cuôc sống cơ cực, lầm than và chỉ có được xếp hàng đứng trên thành phần ăn xin một bực.

Ngay cả thân phận của tôi đây cũng vậy. Ngoài những tờ giấy bạc dollar, đồng euro có giá trị nhỏ mà tôi có là do khi có dịp bán hoa cho du khách nước ngoài, thì tôi lại còn có dịp nhận được các tờ giấy bạc trong nước có giá trị cao hơn nhiều lần do những khách vui chơi ăn uống trong lúc cao hứng biếu không. Tuy nhiên, cái giá mà tôi trả lại là đôi khi phải chịu thiệt thòi ít nhiều tổn thương về nhân phẩm! Nhưng đành vậy, vì dù sao thì nghề nghiệp lương thiện của tôi cũng chỉ là bán hoa, chớ không phải bán hoa thể theo như ý nghĩa châm chích của các nhà văn, nhà báo thích dùng ngôn từ nầy để chỉ đích danh vào những thành phần nào đó trong xã hội.

Từ lâu, nhiều bà con quen biết thấy tôi thường xuyên la cà mời mọc khách hàng bán hoa nơi quán phố mà hỏi sao không thấy có bồ nào hết. Tôi chỉ cười trừ cho vui, chớ không hề muốn nói rằng mình từ lâu đã có những hoài bão hay nói cho đúng hơn là những ước mơ nho nhỏ, mà gần giống như chút bé nhỏ mọn nào, nếu đem so với bội phần ý chí gầy nên cơ nghiệp của người xưa. Do vậy, thay vì trả lời thẳng vào vấn đề thì tôi thường hay đánh trống lảng và xoay qua kể lại câu chuyện khác được nghe qua từ lời nói của ông già nhân hậu mua hoa. Rằng đã có một vị tiền hiền thời đại, thuở thiếu thời vì có duyên lành ngộ đạo giải thoát để cứu khổ độ mê, cho nên, đã dứt khoát chối từ mối tình quyến rũ của một cô nàng tuyệt sắc giai nhân, và để lại cho đời bằng mấy vần thơ vô cùng phương phi ý nghĩa...

Là người có định mệnh gắn bó trong thế giới của tuổi thơ xa cha vắng mẹ, tôi rất thông cảm và thương yêu chân thành rất mực đối với hầu hết các trẻ em bạc phước phần trong mọi tình huống. Vả lại, từ lâu tôi cũng đã từng phát tâm nguyện, là sẽ cố gắng làm được một cái gì có ý nghĩa chỉ cần đối với một đứa trẻ em hoạn nạn thôi cũng được. Thế nhưng cho đến giờ phút nầy thì tôi mới hiểu rằng chuyện mơ ước là quyền của mình, còn phước báu có hay không là phải nhìn vào hiện thực. Tuy nhiên, trước sau nghĩ lại thì tôi thấy mình càng mắc cỡ, vì chưa có phương tiện nhỏ nào để giúp ích được cho ai! Nhớ lại khi xưa hồi song thân còn sống, người không bao giờ bỏ qua dịp lễ thí thực cô hồn mà người đã cho là một tập quán văn minh trong nền văn hóa tôn giáo truyền thống của dân ta.

Chính nhờ vào hình thức lễ lạc đặc trưng đó, mà người ta mới có dịp thực tế hơn bao giờ hết là để công bằng tưởng nhớ đến tình thương yêu giữa con người đối xử với nhau cho dù đã có sự biệt ly đôi đường âm dương cách trở.

Do vậy, nhờ nhìn vào trong bản sắc cao quý của tinh thần tương thân ấm lạnh đó, mà từ bao năm qua lúc nào tôi cũng thường có rất nhiều cơ hội để duy trì tập tục và tự an ủi cho mình. Thực ra, tôi vẫn biết sức người có hạn nhưng tôi cũng còn hiểu thêm rằng, ý nghĩa của tinh thần cố gắng thành công ở trên đời, bao giờ cũng được đánh giá quan trọng bên cạnh những lợi phẩm của một sự thành công kết thúc. Tuy nhiên, vì lời nguyền trước nay chưa trọn vẹn cho nên lúc nào tôi cũng cảm thấy khó chịu với lương tâm. Dẫu sao, thì cũng chưa bao giờ tôi lại có ý nghĩ rằng mình cần phải có thêm cho thật quá nhiều tiền, để lo riêng cho cá nhân trong cuộc sống. Nhưng với cái đà nầy, thì cuộc đời của tôi sẽ không thể nào có thể ngóc đầu lên được. Rồi tôi lại so bì với những cô gái sắc tộc miền thượng du Sapa, khi tiếp cận với du khách nước ngoài thì nói tiếng Anh giỏi hơn tôi một bực. Họ không cần nói thạo tiếng Kinh như tôi, mà chỉ lo học hỏi trau dồi tiếng nước ngoài để áp dụng thực tế vào sinh kế. Và thực tế, là có kẻ đã có nhiều cơ hội được hoàn cảnh đãi ngộ xứng đáng hơn thân phận của riêng tôi.

Tôi, từ bao nhiêu năm nay đã tự biết đi và đứng vững bằng đôi chân bé nhỏ của chính mình để tìm lối thoát lần ra khỏi ngoài khu lao động, một nơi được xã hội coi thường và gọi cho cái tên là xóm nghèo rách nát. Vậy thì có lẽ nào, tôi không thể đi thêm những bước kế tiếp với năng lực mà mình sẵn có trong tay. Do vậy, đôi khi tôi đánh bạo tự hỏi rằng tại sao mình không cố gắng đi tìm cơ hội kết hôn với người nước ngoài để cho có cơ hội đổi đời theo như phong trào lan rộng hiện nay mà ai cũng biết! Vì thế, có nhiều đêm tôi nằm gác tay suy nghĩ về quyết định tối hậu nầy như là một canh bạc hệ trọng cuối cùng. Ngoài nỗi cay đắng của những thân phận làm con dâu vô phước ngoại lệ bị ép uổng làm nô lệ tình dục, nô tỳ, thì bao nghịch cảnh bạo hành thương tâm người phụ nữ Việt-Nam ở nước ngoài, theo tôi nghĩ, cũng không phải hoàn toàn là do lỗi của người chồng bản xứ. Vì là cùng chung phận gái có nhiều tâm sự thầm kín, cho nên tôi hiểu rõ tim đen của những thành phần đi làm vợ người mà chẳng có chút tình cảm yêu thương. Cho nên, trước sau gì thì giấc mộng của họ cũng sẽ trở thành cơn ác mộng cuộc đời. Không nói đâu xa, cạnh xóm tôi cũng có nhiều cô gái nửa chợ, nửa quê hằng ngày chờ trông có người kiếm mối tìm chồng giùm. Số phận hẩm hiu của chúng nó đối với bọn trai ở nước mình không coi ra gì, nhưng ngược lại, đối với người bình dân ở nước ngoài thì lại là những thứ món hàng lạ mắt rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, cũng vì lý do từ lâu các cô dâu nầy được sống trong những gia đình bình dân túng quẫn, quá đói nghèo cho nên sinh ra nhiều cố tật kém phần tế nhị, muốn sống theo kiểu mì ăn liền cho nên không thích hợp với tập quán của xã hội văn minh.

Và tôi tự hào, không cho mình là những người thuộc loại thành phần như vậy. Tôi không khôn khéo như lời tôi nói, nhưng tôi biết cố gắng để làm hết công việc và bổn phận của mình. Tấm gương các cô gái buôn hương bán phấn sau khi bị bắt bỏ tù về, cũng như trường hợp của các trẻ em tuổi vị thành niên được cứu thoát ra khỏi động mãi dâm, đã lần lượt tìm cách trở lại hành nghề cũ quả là một vấn nạn xã hội trầm trọng làm nhức đầu cho những ai muốn quan tâm về thực trạng đó. Và lẽ dĩ nhiên, đề tài nầy không nằm trong sự hiểu biết nông cạn của tôi. Tuy nhiên, nếu phải có ý kiến giải quyết, thì tôi cho rằng nguyên nhân của những thành phần rớt vào tình trạng đó là vì họ bị hoàn cảnh phức tạp của xã hội bỏ rơi vào chỗ khốn cùng không phương lựa chọn.

Trở lại về canh bạc mà tôi đang sắp sửa lựa chọn, tôi luôn luôn nghĩ tới bài học tung độc chiêu của ông già nhân hậu có nghề võ ở gần nhà, nghĩa là cần phải đánh liều một phen để thử xem cơn thời vận cuộc đời vì tôi còn trẻ, còn chán thời gian để làm lại cuộc đời nếu không may gặp phải bước sẩy chân. Được ăn cả ngã về không, thật tình công bằng mà xét thì tôi hoàn toàn không có bị một sự lỗ lã nào.

Và tôi quyết định đi tìm tâm sự với ông già nhân hậu.

Sau khi nghe tôi giải bày tâm sự tìm cách cách đổi đời, thì ông già nhân hậu trầm ngâm giây lát nhưng thủy chung không nói một lời nào làm cho tôi hết sức ngạc nhiên về thái độ của ông đối với tôi ngày hôm đó. Tôi biết ông rất là khó xử khi được nghe tôi nói như vậy, tuy nhiên, sau cùng thì ông cũng cất lên bằng giọng nói khàn khàn quen thuộc với những kết luận rằng, là khuyên tôi hãy tự thắp đuốc mà đi theo lời Phật dạy con người phải làm chủ được mình...

Rồi ông vội vã, sắp sửa gom đồ đem đi bán. Nghề của ông là bán thơ dạo. Trên cái xe đạp cũ kỹ của ông chất đầy hàng trăm bài thơ, được viết bằng thư pháp tuyệt đẹp. Phải nói rằng ngày nay, hình thức của các loại bài thơ nầy đã được bày bán khắp nơi nhất là ở tại các chùa chiền, và bán rất chạy vào những dịp cuối tuần, nghỉ lễ, nhất là vào ngày Tết đến Xuân về . Tựa đề của bài thơ nào, thì giới thiệu trọn vẹn về phần nội dung của bài thơ đó. Chẳng hạn như ‘’Yêu’’, ‘’Thương’’, ‘’Đạo’’, ‘’Nghĩa’’, ‘’Tình’’, ‘’Duyên’’ v.v nhưng theo nhận xét của đa số người bán thơ dạo thì đều nói rằng bài thơ ‘’Sống’’ (1) là đưọc nhiều người mua nhất vì nó chuyên chở được những giá trị của tinh thần thanh cao thích hợp với tư tưởng hiện đại của mọi người.

…Trái với mọi khi, lần nầy ông già nhân hậu mua hoa ế của tôi mà không trả tiền. Ông đề nghị đổi trả lại cho tôi bằng một bài thơ thư pháp, mà tính ra thì ông phải bị thiệt thòi nhiều, nhưng ông nói vui thêm là khi có hai phân số muốn cộng lại với nhau là mình có lời rồi. Tôi bán hoa cho người ta chưng bày, còn ông bán thơ dạo cho người ta đọc, như vậy, có thể nói rằng là mẫu số chung của tôi và ông là đem lại được sự thanh nhàn cho người đời thưởng thức.

Tôi muốn được làm mẹ theo luật tạo hóa đã ban cho, vì thế cho nên dù nghèo nhưng không có lý do gì làm cho tôi bỏ đi ý định phải có chồng. Nhưng ngặt có điều, là các chàng trai được làm mai mối trong nước đều chê tôi không phải được như người mẫu chân dài hay có huy chương hoa hậu, đã vậy, mà lại còn mắc phải mạng tuổi Dần. Và như vậy, mối oan nghiệt cho tôi bắt nguốn là ở từ chỗ đó.

Tôi bán hoa, chứ chưa bao giờ tôi có ý nghĩ phải xoay qua nghề bán hoa cho có được nhiều tiền hơn theo như lời rù quến của các thành phần xấu trong xã hội. Tôi sẽ có chồng dù người đó là ai, và khi gặp biết nhau thì tôi sẽ chọn họ trước khi họ chọn tôi. Tôi sẽ chủ động và sẽ không bao giờ lui về thế thủ. Có quyết tâm như vậy thì sau nầy tôi mới không có sự ăn năn, hối hận. Và khi có chồng rồi, thì tôi nguyện tròn chung thủy, quyết noi gương người phụ nữ buôn bán sầu riêng chớ không buôn bán tình duyên dù nếu có xảy ra trong nghịch cảnh éo le.

Thành thật cám ơn người sẽ cho tôi cơ hội làm mẹ, để cho tôi có dịp được hạnh phúc nhìn thấy nụ cười đầu tiên mở ra trên môi của đứa con đầu lòng.

An -Tiêm Mai Lý Cang
(Paris)
  1. - Nguyên văn bài thơ ‘’Sống’’

Sống không giận không hờn không oán trách
Sống mỉm cười với thử thách chông gai
Sống vươn lên theo kịp ánh ban mai
Sống an hòa với những người chung sống
Sống là động nhưng lòng luôn bất động
Sống là thương nhưng lòng chẳng vấn vương
Sống yên vui danh lợi mãi coi thường
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến.



Kiểu chữ Chân Phương trong Thư pháp

 

 

 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com