.
(*Tưởng niệm bốn năm, ngày Mẹ khuất núi 24/08/2011-24/08/2015)
Bây giờ là cuối tháng tám tây lịch, cũng là trung tuần tháng bảy âm lịch, có ngày Đại Lễ Vu Lan để nhắc nhở mọi người con đừng bao giờ lãng quên công lao cha mẹ đã mang nặng đẻ đau, khổ công nuôi dưỡng, dạy dỗ cho họ thành nhân với đời.
Thật ra thì đối với nền văn hóa Việt Nam nói chung, hay chí ít, với cá nhân tôi nói riêng, ngày nào cũng là ngày mà mọi người con phải tỏ lòng hiếu để với các bậc sinh thành, nhất là với tình yêu mẫu tử. Mà điều này, đau đớn thay, tôi chỉ nhận ra từ khi Mẹ tôi khuất núi.
Trước kia, có lần tình cờ tham dự một buổi lễ Vu Lan, tôi thật sự dửng dưng với ánh mắt xót xa, khuôn mặt sầu thảm của những người phải gắn lên ve áo một bông hồng màu trắng. Tôi cũng chưa thấy niềm vui là đâu, khi được nhận một bông hồng màu đỏ thắm, tượng trưng cho hạnh phúc còn có mẹ hiền một bên.
Người ta sẽ không cảm thấy nuối tiếc cái gì chưa mất đi. Và không thiếu những người thật sự lơ là với những ngọt ngào âu yếm của tình mẹ đang hiện hữu bên mình.
Họ cảm thấy đó là một tất yếu của Thượng Đế, như sông thì phải có nước, bầu trời phải có không khí, và con người thì phải có Mẹ Cha.
Nếu chúng ta chịu khó ngồi phân tích thử xem, một ngày nào đó, không còn nước thì sông chẳng là sông, bầu trời mất đi không khí mọi sinh vật sẽ bị hủy diệt và không có cha mẹ chúng ta sẽ là một Tề Thiên Đại Thánh chăng?
Dĩ nhiên sẽ có người phản biện rằng sông không có nước là không được, sinh vật chẳng có không khí thì chẳng xong, nhưng cha mẹ khuất núi, họ vẫn sống bình thản, có sao đâu!
Ở phạm trù tình cảm, sự mất mát ấy là vô cùng lớn lao mà khi tuổi đời chúng ta càng cao, càng thấy thấm thía nỗi xót xa. Tôi đã từng trải qua những ray rứt như vậy, và đến bây giờ vẫn chưa nguôi ngoai.
Đọc cái tựa đề, có lẽ mọi người nghĩ rằng Mẹ tôi là một nhạc sĩ, nếu không cũng là ca sĩ. Không! Bà không là nhạc sĩ, mà cũng chẳng là ca sĩ, chỉ là một người phụ nữ bình thường như hàng triệu người đàn bà Việt Nam khác, sinh ra lớn lên trong thời ly loạn. Và cả đời chỉ biết dành tình yêu cho mái ấm gia đình, chăm lo cho chồng con, thậm chí có thể hy sinh tất cả mọi thứ vì tình yêu ấy.
Từ lúc chào đời cho đến khi biết nhận diện cuộc sống chung quanh, tôi chưa hề được gặp mặt cha. Mà chỉ quẩn quanh với Mẹ, cùng bà ngoại, một người phụ nữ đảm đang trong một thôn làng hẻo lánh, nhỏ bé quê mùa của miền Bắc.
Những trưa hè oi ả, kẽo kẹt võng đưa ru tôi ngủ, khác với những bà Mẹ lam lũ trong làng, ru con bằng những câu hò, vè quen thuộc.
Mẹ tôi, do được ông bà ngoại cho học hành dăm ba chữ, nên cất tiếng hát:
Từ chàng ra đi, lưng khoác chiến y
Và hồn nương bóng quốc kỳ
Nàng ngừng con thoi, có khi nhớ chàng
Có muốn gì đâu, lệ thấm tơ vàng
Chàng ngồi trên yên, mơ bóng dáng em
Mịt mù sau đám khói tên
Bâng khuâng mắt nhìn tay kiếm
Không sao giấu đôi lệ hiền
(Chinh Phụ Ca - Phạm Duy)
Những âm thanh ấy nuôi tôi lớn dần với năm tháng. Và cũng từ những lời ca ấy, đã hình thành bóng dáng thân yêu của người cha. Đó là một trang nam tử oai hùng, lẫm liệt, mà theo thời gian, hình ảnh ấy lớn dần trong tôi với những trận địa kinh hồn, phèng la trống giục, cờ xí rợp trời. Cha tôi anh dũng hiên ngang trên lưng chiến mã, tả xung hữu đột, xông pha giữa lằn tên mũi đạn, mồ hôi thấm đẫm chinh y mà nụ cười vẫn thắm nở trên môi.
Rồi một ngày kia, ca khúc khải hoàn, cha trở về giữa đoàn quân chiến thắng với nét phong sương còn in đậm trên khuôn mặt rạng ngời hạnh phúc. Đó là lúc mẹ tôi hát đến đoạn:
Rồi nhìn qua song, em thấy trước sông
Ngựa hồng âu yếm bước sang
Trên lưng có chàng trai tráng
Mang theo biết bao ngày vàng…
Thế nhưng, cái ngày huy hoàng ấy chưa bao giờ đến, và cũng chẳng bao giờ đến cả, khi mẹ nhận được hung tin cha tôi đã hy sinh ngoài quan ải! Thế là tay xách nách mang, mẹ địu tôi trên đôi vai còm cõi, rong ruổi, gian nan trên bước đường trốn chạy một thiên đường hư ảo.
Để lại bà ngoại thân thương của tôi, sau này trở thành nạn nhân của những cuộc đấu tố man rợ hơn thời hồng hoang. Khi mà chính những kẻ đã được bà cưu mang, nuôi nấng chăm sóc trong trận đói Ất Dậu, dùng nước tiểu đổ trên đầu bà, để chứng tỏ lòng trung thành với chủ nghĩa.
Những giây phút đầu tiên bỡ ngỡ trên miền đất xa lạ, tưởng chừng sẽ vô vàn khó khăn với một bà mẹ trẻ, chưa hề biết cầm cái cái cày, chiếc bừa cùng một cậu con nhóc tỳ sáu bảy tuổi, ăn chưa no lo chưa tới.
Nhưng, miền Nam quả là một vùng đất hứa, và dân miền Nam hiền hòa, chân chất lại rất tốt bụng. Chúng tôi được giúp đỡ một cách tận tình về mọi mặt trong cuộc sống. Xin cảm ơn mảnh đất màu mỡ này cũng như tấm lòng bao dung nhân ái của người dân miền Nam, với nụ cười hệch hạc mà bên trong ẩn chứa một tấm lòng vàng. Chỉ đôi khi, tôi bị những đứa bạn cùng trang lứa ở trong xóm, cũng như ở trường học chọc ghẹo, đứa có chút văn hóa thì hát:
Quê hương tui, cái mùng mà kêu cái màn…
Đứa thô lỗ thì dùng cả một câu vè:
Bắc Kỳ ăn cá rô cây!
Ăn nhằm lựu đạn, chết cha Bắc Kỳ
Ban đầu, khó chịu ghê lắm, muốn gây gổ lại, nhưng chúng đông hơn, nên đành ấm ức về kể với Mẹ! Mẹ đã khuyên, vẫn là những lời khuyên quý báu của Mẹ, qua câu chuyện ngụ ngôn:
- Khi có ai đó cho con một vật gì, con không nhận, thì vật ấy thuộc về ai?
- Dạ…Nếu con không nhận thì…vẫn thuộc về người cho ạ!
- Như thế thì con đừng nhận và nó sẽ vẫn thuộc về người ấy mà! Lâu ngày, họ thấy không có hiệu quả, sẽ thôi con ạ!
Từ đấy, tôi yên tâm phớt tỉnh Ăng Lê với những màn chọc cười ấy. Quả nhiên, lâu ngày rồi cũng phôi phai vào quên lãng. Năm tháng dần qua, tôi đã lớn khôn, Mẹ không còn đong đưa nhịp võng ru tôi nữa. Nhưng thỉnh thoảng vẫn thấy Mẹ se sẽ hát một mình:
Ngày nào bao xa, em thấy bay về
Một đàn chim én không nhà
Về làn du phong với mây ráng hồng
Có tiếng diều trong đậu trước khuê phòng…
Nghĩa là hình ảnh của cha vẫn được Mẹ giấu kín trong tim. Và bóng dáng ấy, cũng theo với tháng năm lớn dần trong tôi. Cho đến một ngày, tôi đủ ý thức để nhận ra bổn phận của mình trong cơn khói lửa điêu tàn sau trận chiến mùa xuân Mậu Thân. Mẹ, một lần nữa, gạt nước mắt tiễn tôi lên đường đi vào nơi gió cát.
Đằng đẵng hơn bảy năm trời dãi nắng dầm sương nơi vùng hỏa tuyến, thêm hơn năm năm trong trại lao động khổ sai, đã làm tiêu hao một phần rất lớn tuổi trẻ của tôi nói riêng cũng như của bao lớp thanh niên thế hệ cùng trang lứa nói chung.
Sau khi ra khỏi nhà tù nhỏ để vào một khám đường lớn, lại phải lăn lộn, bươn chải lo miếng cơm manh áo và hàng tuần phải đối đầu với những lần trình diện quản chế để tranh đấu trước áp lực cưỡng bức đi kinh tế mới.
Rồi khi lưu lạc nơi xứ người, hàng trăm thứ lo toan, tưởng chừng đã là một khối đá ngàn cân vùi lấp trên những âm thanh ngọt ngào của tuổi thơ, cùng những hình ảnh hào hùng một thời tôi mơ mộng.
Nào ngờ, cách đây không lâu, trong lần tham dự lễ ra mắt sách của một thân hữu, đến phần văn nghệ, mọi người đang ồn ào trao đổi những chi tiết trong quyển thơ mới, bỗng im bặt, khi tiếng hát lảnh lót của một cô ca sĩ trẻ vang lên:
Từ chàng ra đi lưng khoác chiến y
Mà hồn nương bóng quân kỳ…
Tôi nghe như có ai đó vừa nhỏ vào sống lưng mình những giọt nước đá lạnh ngắt. Cô có giọng hát hay, kỹ thuật điêu luyện, nhưng giữa bài hát và con người cô là một sự đối chọi, tương phản rõ rệt. Trang phục rất “mốt” cùng lứa tuổi quá trẻ của cô để trình bày một nhạc phẩm mang tính chất hoài cổ làm người xem có cảm giác khập khễnh. Thế mà tôi như uống từng lời ca của cô. Uống ừng ực từng nốt nhạc như một kẻ đang lạc lõng giữa sa mạc hoang vu, vớ được một ốc đảo xanh tươi. Cơn choáng váng qua mau, hình ảnh về người Mẹ hiền với mái tóc bạc phơ, cùng những lời hát thuở ấu thơ ùn ùn kéo về trong tâm thức.
Tôi quơ vội mảnh giấy trên bàn, đưa lên như để chùi mồ hôi, nhưng thật ra là kịp ngăn chận những giọt lệ vừa ứa ra khóe mắt. Bởi mẹ tôi đã cỡi hạc vân du từ mấy năm nay rồi. Vu Lan này là mùa giỗ thứ tư của bà.
Mẹ đã ra đi, nhưng bóng dáng của Mẹ cũng như những lời hát ru ngày nào vẫn còn ở lại bên con mãi mãi.
Mẹ dấu yêu ơi!
Như là ngọn sóng xôn xao
Ngàn đời lặng lẽ vỗ vào sườn non.
Đá kia rồi có lúc mòn
Nhưng lời ru Mẹ, theo con suốt đời.
(Xuân nhớ Ca dao Mẹ - dtt)
Dương Thượng Trúc