Chỉ là tấm vải hay một dải lụa mềm mại để che thân, nhưng qua bàn tay khéo léo tài hoa của những người thợ, mảnh vải thô mộc hay những dải lụa tơ tằm vô tri đã hóa thân thành những chiếc áo dài với hai vạt áo trước sau, cứ quấn quít, vân vê bước chân thời thiếu nữ để tôn vinh cái vẻ đẹp lung linh đến ngút ngàn, làm thăng hoa hơn cái vóc dáng ngọc ngà của người phụ nữ Việt Nam, khiến lòng người say đắm giữa chốn phồn hoa đô hội. Chiếc áo dài chính là nét văn hóa của người Việt mà không thể nhầm lẫn với bất cứ một dân tộc nào khác.
Chẳng ai biết rõ chiếc áo dài có mặt trong đời sống con người từ bao giờ, từ nơi đâu? Chỉ biết rằng, chiếc áo dài tứ thân đã theo bước chân các bà, các mẹ lên chùa lễ Phật, trẩy hội mùa xuân, tinh khôi nơi giáo đường… còn các Mệ, các O Huế cũng thướt tha trong tà áo dài tím vào buổi chợ, hay những buổi hội làng năm ấy.
Chiếc áo dài bó sát những tấm thân yểu điệu thục nữ giúp người phụ nữ có được một vẻ đẹp nền nã yêu kiều, nhất là những phụ nữ thắt đáy lưng ong, thì chiếc áo dài càng làm tăng thêm sự hấp dẫn và huyền bí nhưng vẫn nguyên vẹn nét kiêu sa đến lạ lùng.
Chiếc áo dài cũng đã trải qua biết bao thăng trầm cùng mệnh nước nổi trôi, cũng từng vui buồn qua mỗi giai đoạn cuộc sống. Chiếc áo dài đẹp là thế, tuyệt vời là thế nhưng vẫn không tránh khỏi số phận hiu hắt muộn phiền. Có những thời kỳ mà áo dài Việt đã mất hẳn ngôi vị nữ hoàng, âm thầm lặng lẽ nhường sàn diễn cho lớp sóng thời trang phương Tây ồ ạt tiến vào chiếm lĩnh thị trường.
Không thể phủ nhận một điều dù thật cay đắng, phũ phàng là đã có một thời gian dài, người ta hầu như quay lưng với tà áo dài thân thương từng gắn bó với người phụ nữ qua bao năm tháng, người ta đã đem xếp, cất những chiếc áo dài đó nơi sâu thẳm của miền quá khứ. Chiếc áo dài giờ trở thành kỷ niệm phai phôi của một thời huy hoàng ở góc khuất nơi chốn xa xăm nào đấy trong suy nghĩ của nhiều người.
Thế nhưng, khi những con sóng xô bờ tràn lên những dải cát, ngay tức khắc, con nước bị cát hút cạn, thấm vào lòng đất để trở về điểm khởi đầu. Bất chợt, người ta nhận ra rằng, chiếc áo dài mong manh là thế nhưng chưa bao giờ lỗi thời, và người ta đem trả lại ngôi vị đã từng được vinh danh của nó. Chiếc áo dài Việt giờ đây lại lần nữa thăng hoa nhờ những bàn tay nghệ nhân mộc mạc, quê mùa, cặm cụi kiếm sống, nhờ sự cần cù chăm chỉ qua từng nét vẽ, từng đường kim mũi chỉ thêu thùa.
Những bức tranh thêu tay, những nét cọ vẽ trên tà áo dài như đang chuyên chở những vui buồn của phận người. Chiếc áo dài giờ đây được cách điệu với hình ảnh Long, Phụng… những con vật thiêng thỏa sức vẫy vùng trên đôi tà áo tung bay càng trở nên sống động lạ thường trong cơn gió chiều. Chính chiếc áo dài nền nã ấy đã nâng bước chân người phụ nữ thêm nhẹ nhàng, thanh thoát cho vóc dáng thon thả, yêu kiều thêm quý phái, thanh tao.
Áo dài đến trường, áo dài đi lễ Phật, áo dài rộn rã nơi lầu chuông bên giáo đường, áo dài vừa kín đáo lại vừa như thấp thoáng chào mời…áo dài có mặt ở những buổi tiệc, áo dài đón khách quý từ khắp nơi trên thế giới, áo dài trên sàn diễn thời trang quốc tế, áo dài vui mùa lễ hội, và áo dài tinh khôi trong ngày cưới của đôi lứa yêu nhau… Thật diệu kỳ!
Áo dài nền nã mà kiêu sa, mộc mạc mà thanh thoát, cao sang mà gần gũi, yểu điệu mà đáng yêu…Áo dài đã lên ngôi và trở thành thương hiệu Việt.
Thướt Tha Đôi Cánh… Áo Dài
Những nhà thiết kế thời trang đã góp phần đưa áo dài Việt Nam tỏa sáng trên sàn diễn thời trang quốc tế. Để hoàn thành một bộ sưu tập áo dài, nhà thiết kế và ekip có khi phải làm việc miệt mài, ròng rã trong suốt 4 tháng liền.
Những tà áo dài thanh thoát trong kiểu dáng và từng đường nét trên nền lãnh Mỹ Á đen óng mượt, huyền ảo pha sắc đỏ, trắng, vàng, lóng lánh ánh bạc cùng những họa tiết thêu tay hình hoa sen, cánh bướm, chuồn chuồn in bóng dáng thôn quê đã chuyên chở trong đó vẻ đẹp duyên dáng, sang trọng của trang phục áo dài truyền thống dân tộc Việt.
Theo ông Michael Gleisner – Giám đốc FTV châu Á: "Mỗi chiếc áo như một câu chuyện riêng, một câu chuyện kể xuyên suốt chiều dài lịch sử hình thành văn hóa Việt Nam, nó thể hiện được những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam". Cô siêu mẫu quốc tế Laury Prudent (Mỹ) đã nói: "Tôi bị hớp hồn bởi nét quyến rũ của áo dài Việt Nam".
Thành công đầu tiên của nhà thiết kế là đã tìm ra chất liệu lãnh Mỹ Á, một loại lụa truyền thống Nam Bộ, hoàn toàn dân dã, có từ hàng trăm năm trước, được tạo nên từ lụa tơ tằm nhuộm nhựa quả mặc nưa nên mang màu đen mềm óng, thanh lịch rất phù hợp với phong cách áo dài.
Những bức ảnh xa xưa về chiếc quần lãnh đen nền nã, bóng láng của bà ngoại, của mẹ đã gợi mở cho các nhà thiết kế yêu bản sắc Việt một ý tưởng "Mơ về châu Á", để rồi khi tìm đến với làng nghề dệt lãnh Mỹ Á (tỉnh An Giang) lúc đó đã mai một, nhưng nhờ sự giúp đỡ của các gia đình dệt vải nên Bộ sưu tập "Mơ về châu Á" đã ra đời và được đón nhận nồng nhiệt bởi sự độc đáo và mới lạ. Cho đến tận bây giờ, lãnh Mỹ Á vẫn là một bí ẩn, một bí mật chưa khám phá hết.
Duyên Dáng Áo Dài… Xứ Huế
Mỗi năm tôi vẫn ghé thăm Huế một lần. Nhiều người bảo chẳng hiểu sao ở xứ Huế từ người buôn gánh bán bưng cho đến những bậc danh gia đài các đều toát lên được nét đoan trang. Trong tấm áo dài bạc màu vì một nắng hai sương, hay may bằng gấm vóc, nhung lụa cao sang người phụ nữ Huế vẫn cứ dịu dàng, quý phái thanh cao đến lạ kỳ.
Áo dài xứ Huế gắn liền với những thăng trầm của lịch sử. Thời Minh Mạng (1820), để khắc phục sự ăn mặc thiếu đồng nhất tại các vùng miền sau giai đoạn Trịnh - Nguyễn phân tranh, nhà vua ra sắc chỉ thống nhất y phục trên toàn quốc. Các phi tần, người hầu kẻ hạ đều mặc áo dài ngay khi ra khỏi cửa cấm cung. Dân gian phải mặc quần, cấm váy. Riêng với người lớn, áo dài trở thành trang phục bắt buộc khi ra đường.
Đến đầu thế kỷ XX, đặc biệt khi trường Nữ sinh Trung học Đồng Khánh ra đời (1917), nhà trường yêu cầu nữ sinh phải dùng áo dài làm đồng phục lúc đến trường. Ngày nay, học sinh trường Hai Bà Trưng (trường Đồng Khánh xưa) cũng như nhiều trường Trung học khác ở Huế đều nhất loạt chọn bộ áo dài trắng và quần trắng để làm đồng phục đến trường.
Bao nhiêu năm nay, dù chất liệu, kiểu dáng có nhiều thay đổi nhưng người phụ nữ Huế vẫn một mực thủy chung với chiếc áo dài. Quan niệm về sắc màu và mục đích sử dụng của người phụ nữ Cố đô thì vẫn vẹn nguyên. Ngoài các nữ sinh thướt tha trong tà áo dài, các bà các chị lúc lên chùa hay ngày lễ, Tết vẫn thường mặc áo dài vì nó vừa kín đáo, vừa giữ được nếp lễ nghi riêng của người Huế. Ngay như các bà các chị đi bán hàng ở chợ thỉnh thoảng cũng thích mặc áo dài.
Phụ nữ Huế rất thích mặc áo dài màu tím, màu tím ấy không phải là màu tím của hoa lục bình (người Huế gọi là bông bèo) ở trong Nam hay tím hoa cà ngoài Bắc. Với người Cố đô, tím Huế không ngả qua đen, không tía qua đỏ mà chỉ đủ đậm như màu mực học trò in trên nền tờ giấy trắng. Chính vì vậy mà người ta mới gọi nó bằng một cái danh từ rất riêng: "màu tím Huế".
Áo nàng vàng tôi về yêu hoa cúc
Áo nàng xanh tôi mến lá sân trường
Sợ thư tình không đủ nghĩa yêu thương
Tôi pha mực cho vừa màu áo tím
Chiếc áo dài xứ Huế đẹp và nên thơ là thế cho nên nó đã trở thành đề tài cho nhiều nhà thiết kế thời trang hiện đại thỏa chí khám phá và khai thác vẻ đẹp diệu kỳ của nó. Nhiều người thành công, nhưng cũng không ít người thất bại bởi suy cho cùng chiếc áo dài Huế không phải là thứ dễ cách tân, chỉnh sửa. Nói như nhà thiết kế Minh Hạnh, người đã có nhiều năm gắn bó với những bộ sưu tập áo dài Huế nổi tiếng là: "Thiết kế áo dài Huế mà không đúng chất Huế thì coi như đó chưa phải là áo dài của Huế".
Áo dài tím đã trở thành hình ảnh biểu tượng của xứ Huế, "Dấu xưa" là bộ sưu tập được thiết kế theo phong cách áo dài xưa với những đường nét hoa văn cổ điển mang đậm phong cách áo dài Huế. Có thể nói, bộ sưu tập áo dài "Dấu xưa" của nhà thiết kế Minh Hạnh đã thể hiện được nét đoan trang, quý phái, sang trọng và đài các của người phụ nữ Huế. Và nó cũng đã góp phần làm cho vẻ đẹp của chiếc áo dài xứ Huế được sống mãi với thời gian.
Non một thế kỷ định hình, trải qua nhiều thế hệ với những bàn tay tài hoa của các nghệ nhân, chiếc áo dài đã đạt được nghệ thuật tạo dáng ưu việt như ngày nay. Không chỉ giúp tăng sức quyến rũ cho từng đường nét trên cơ thể phụ nữ, chiếc áo còn khéo léo làm phai nhạt đi ít nhiều nhược điểm của người phụ nữ, do tạo hóa lắm lúc cũng không tránh khỏi xao xuyến nên trót lơ đãng trong khâu tạo hình.
Có ai đó chẳng đã từng than phiền – phụ nữ là một sản phẩm lầm lỗi của thượng đế. Vậy ngẫu nhiên chăng, chiếc áo với hai tà mỏng manh ra đời là để biến một lỗi lầm trở nên đáng yêu hơn, bởi đã dung hòa được cái chất trữ tình Eva nguyên thủy. Chỉ cần một chút nắng vàng phai, một cơn gió vô tình thoảng qua, bấy nhiêu đó đủ khiến hai tà áo bay lượn, vừa phong kín lại vừa như khơi gợi mời chào.
Chiếc áo dài chẳng đã thừa sức xô giạt cả trời chiều, chao nghiêng dòng Hương Giang, ngẩn ngơ những con đường thành nội trong một buổi chiều xưa năm ấy đó sao! Chiếc áo luôn ấp ủ một nỗi niềm, gợi nhớ muôn vàn kỷ niệm, hoài cảm một hình bóng cũng như lưu luyến một góc nhớ quê nhà…
Đất khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê hương một góc nhớ mênh mông
Giá trị của chiếc áo đâu chỉ giới hạn trong sự thăng hoa vẻ đẹp ngoại hình, Ngoài tác dụng hoàn thiện một dáng dấp, lấy lại niềm tin cho những mảnh đời trót lầm lỡ, chiếc áo còn như một ma lực kỳ diệu, trấn an từng thân phận hồng nhan mà bến bờ yêu đương ngỡ đã vuột khỏi tầm tay. Áo dài luôn đi kèm với loại quần hai ống – dài và rộng bằng chất liệu vải mềm, giúp che giấu khoảng cách giữa đôi chân (đặc biệt với phụ nữ đã làm mẹ) làm tăng phần đài các, trang trọng cho dáng đi.
Khi mặc trên người chiếc áo dài thướt tha, chúng ta có cảm giác thanh thản, nhẹ nhàng như vừa rủ bỏ những muộn phiền, bụi bặm trong cuộc sống. Những người lần đầu ướm thử chiếc áo dài cũng sẽ cảm nhận được sự thay đổi cảm xúc đến bất ngờ: nói năng từ tốn, đi đứng khoan thai, vui đùa chừng mực… thật là một thứ xiêm y mầu nhiệm.
Hành Hương Về Miền Ký Ức
Áo dài là một trong vài từ thuần Việt (như nước mắm, phở, nem…), từ lâu, đã được người nước ngoài sử dụng từ nguyên tiếng Việt, không qua dịch thuật, và trên văn bản, được viết hoa, không dấu: AO DAI. Như thế, áo dài đã trở thành biểu tượng về cái đẹp trong văn hóa mặc của người Việt, được thế giới biết đến, công nhận, ngợi khen, ngưỡng vọng…
Chiếc áo dài là một biểu tượng của quốc gia dân tộc. Trải qua bao biến đổi thăng trầm cùng mệnh nước cũng đã được cải tiến. Chẳng ngạc nhiên khi một người Việt Nam trả lời rằng tà Áo Dài là một trong những hình tượng tiêu biểu ở đất nước này. Thật khó mà dịch từ "Áo Dài" sang bất cứ ngôn ngữ nào vì không ở đâu có một tà áo Dài như ở Việt Nam.
Muốn lần tìm gốc tích, ngọn nguồn của tà áo dài Việt, phải bắt đầu từ những cô thôn nữ vùng châu thổ sông Hồng với nền văn minh lúa nước. Sau đó chính là vẻ đẹp dung nhan, sắc vóc của các cô đào chèo, với xống áo mớ ba mớ bảy của họ, trong vai những nhân vật chèo cổ dân gian nức tiếng ở Việt Nam: Thị Mầu, Thị Kính, Thị Phương, Xúy Vân… Dù họ là đào lệch hay đào chín, hiền ngoan, chung thủy, ăn ở phúc đức đầy đặn, đẹp nết đẹp người như Thị Kính, hay "lệch" như Thị Mầu, Xúy Vân… thì tất cả đều phải mặc áo xống cho thật đẹp.
Chính bộ váy áo tứ thân, năm thân mớ ba mớ bảy đó đều được gọi chung là áo dài, và người phụ nữ Việt đã mặc áo dài ngay cả khi làm việc nặng nhọc: như gánh gồng, cấy lúa, tát nước, gặt hái, chợ búa… Tuy vậy, chiếc áo dài bình dị, mộc mạc chân quê ấy đã đi vào cả văn chương dân gian lẫn văn chương hiện đại thế kỷ XX.
Biết bao thi nhân đã yêu cái xống áo đa tình chênh chao ấy, chính thi sĩ Nguyễn Bính, Nguyễn Nhược Pháp. Về sau, cả thi sĩ Kinh Bắc Hoàng Cầm nữa, cũng đồng tình lên Ngôi "váy áo" qua các thi phẩm nổi tiếng đầy tính dân gian: ghen hờn, lãng mạn, tình tự ở Chân quê, Em đi chùa Hương, Lá diêu bông…
Áo dài tứ thân mớ ba mớ bảy, vốn là vẻ đẹp chân quê, trước tiên là ở dáng áo dài buông xuôi theo thân người mặc, với hai vạt trước buông phủ ngoài váy dài đến gót chân, đúng kiểu "váy Đình Bảng buông chùng cửa võng" mà cô thiếu nữ tuổi trăng rằm đã mặc trong "Lá diêu bông" của Hoàng Cầm, làm lạc mất hồn via của cậu trai lững thững theo chị.
Tôi vẫn tin rằng, còn người đẹp thắt đáy lưng ong thì áo dài Việt sẽ còn đẹp mãi… Tại sao lại không nhỉ? Một thiếu nữ trong chiếc áo dài may khít, ôm lấy cổ kiêu ba ngấn, vai tròn, eo ôm khít "lưng ong", và xẻ tà áo hai bên cho cao, hở lườn chút xíu thấp thoáng vừa đủ gợi cảm.
Đàn ông đóng khố đuôi lươn
Đàn bà yếm thắm hở lườn mới xinh
Tất nhiên, đây phải là lườn đẹp của lưng ong thiếu nữ.
Văn Nhân – Thi Sĩ Với Áo Dài
Tiền thân chiếc áo dài bắt nguồn từ chiếc áo dài lãnh tương tự áo tứ thân. Phía trước có hai tà (hay hai vạt), phía sau hai tà, tượng trưng cho tứ thân phụ mẫu (cha mẹ chồng, cha mẹ vợ). Một vạt cụt, hay vạt chéo phía trước có tác dụng như một cái yếm che ngực, nằm phía bên trong hai vạt lớn, tượng trưng cho cha mẹ ôm ấp đứa con vào lòng. Trong chiếc áo tứ thân, người ta thường buộc hai vạt trước lại với nhau để giữ cho chiếc áo cân đối, tượng trưng cho tình nghĩa vợ chồng âu yếm, quấn quít bên nhau.
Đến ngày nay, chiếc áo dài của quí bà quí cô là một tác phẩm mỹ thuật tuyệt vời. Nó đă trở thành một thứ y phục độc đáo của phụ nữ Việt nam. Tại cuộc hội chợ quốc tế Osaka, năm 1970 tại Nhật bản, chiếc áo dài phụ nữ Việt Nam đă lên ngôi và đem lại vinh dự cho phái đoàn Việt Nam. Khách quốc tế trầm trồ thán phục trước các vạt áo dài lả lơi như đôi cánh bướm đùa vui trong gió. Khách bình phẩm:
- Hơi mỏng! Nhưng rất kín đáo, đủ sức che mắt thánh!
Một nhiếp ảnh gia quốc tế của Việt nam cũng đă hãnh diện về sức quyến rũ của chiếc áo dài nên có nhận xét:
- Nó có sức chở gió đi theo.
Những lời nhận xét trên không có gì quá đáng. Chiếc áo dài Việt nam phô diễn được tất cả đường nét tuyệt mỹ của thân thể, vừa kín đáo e ấp, lại vừa như khêu gợi. Thi sĩ Xuân Diệu thú nhận:
Những tà áo lụa mong manh ấy
Đã gói hồn tôi đến trọn đời.
Chiếc áo dài hiển nhiên là một loại "quốc phục". Khách đến thăm, chủ nhà trịnh trọng mặc chiếc áo dài như là một chiếc áo lễ để tiếp khách. Tại học đường nó là chiếc áo học trò ngây thơ, tung tăng như cánh bướm, gói trọn mộng đẹp của tương lai.
Một chiếc vương miện, thêm vào chiếc áo choàng bên ngoài sẽ trở thành bộ y phục "Hoàng Hậu" cho cô dâu khi bước lên xe hoa. Trong buổi dạ tiệc, chiếc áo dài Việt nam cũng sẽ lộng lẫy, độc đáo, không thua bất kỳ bộ trang phục của quốc gia nào khác trên thế giới.
Tại miền quê Quảng Nam, những người buôn thúng bán bưng, mặc dầu nghèo khổ, cũng luôn luôn bận chiếc áo dài khi ra chợ. Nếu áo rách, sờn vai thì chắp vào chỗ rách một phần vải mới, gọi là áo "vá quàng". Dầu là áo rách, áo vá quàng, vẫn còn nguyên giá trị:
Áo may cái thuở thương nàng
Thương em mặc áo vá quàng năm thân
Trong bài "Áo Trắng" Huy Cận có câu:
Dịu dàng áo trắng trong như suối
Tỏa phất đôi hồn cánh mộng bay.
Còn thi sĩ Đông Hồ cũng đã tình nguyện bán thơ mình để "Mua Áo" cho cô gái xuân, lời thơ nhẹ nhàng phơi phới yêu đương, lả lơi mà trong sạch, nũng nịu mà dễ thương:
Chiếc áo năm xưa đã cũ rồi
Em đâu còn áo mặc đi chơi
Bán thơ nhân dịp anh ra chợ
Đành gởi anh mua chiếc áo thôi
Hàng bông mai biếc màu em thích
Màu với hàng, em đã dặn rồi
Còn thước tấc, quên! Em chưa bảo:
Kích tùng bao rộng, vạt bao dài?
Ô hay! Nghe hỏi mà yêu nhỉ!
Thước tấc anh còn lựa hỏi ai
Rộng hẹp, tay anh bồng ẵm đó
Ngắn dài, người mới tựa bên vai!
Thi sĩ Phan Long cũng trải hồn mình qua bài cảm tác "Chiếc Áo Dài Tà Áo quê Hương" sau đây:
Em yêu mến chiếc áo dài
Thướt tha duyên dáng đẹp hoài thời gian
Ngày xuân nắng trải tơ vàng
Khoe tà áo mới ngập tràn tuổi thơ
Lớn theo lứa tuổi học trò
Tình che vạt trước gió lùa vạt sau
Những ngày đẹp mãi bên nhau
Vạt vui in dấu vạt sầu còn vương
Đẹp sao tà áo quê hương
Áo dài màu trắng nhớ thương năm nào.
Trong muôn vàn thứ lụa là gấm vóc bội phần lộng lẫy, có gì đến phải ngạc nhiên khi chiếc áo dài nhẹ bay giữa lòng thành phố Sài gòn vàng rực một màu nắng phương Nam, làm ngơ ngẩn trong lòng mỗi chúng ta.
Nắng Sài Gòn anh đi mà chợt mát
Bởi vì em mặc áo lụa Hà Đông
Anh vẫn yêu màu áo ấy vô cùng…
Nói cách khác, chiếc áo dài mỗi khi được lồng vào thơ ca sẽ có dịp tỏ bày hết những nỗi niềm của nó. Một sự đan xen giữa màu áo với thời gian và sự rung động đầy chất tình tự và lãng mạn.
Có phải em về, mang theo… tà áo trắng
Để khỏi phai màu như em nói chăng em!
Dù ở bất cứ nơi đâu, hoàn cảnh nào, áo dài Việt cũng vẫn mãi là niềm kiêu hãnh của người Việt Nam. Chính vì vậy mà nhiều người vẫn yêu quý tà áo dài Việt, bởi những tinh hoa và sự duyên dáng được thể hiện qua tà áo dài, đã góp phần vào việc gìn vàng giữ ngọc cho một quốc gia, dân tộc.
Ngược dòng thời gian tìm về nguồn cội, chiếc áo dài đầu tiên của Việt Nam với hai tà áo thướt tha bay lượn quả đã ghi lại rất nhiều nét đan thanh không những qua ca dao tục ngữ mà còn qua điêu khắc, hội họa, văn chương và âm nhạc. Áo dài cũng đã được tiền nhân ghi khắc trên cổ vật, như trống đồng Ngọc Lũ từ hơn ba ngàn năm trước.
Tà áo dài không thể gia công hoặc bán hàng loạt như những loại quần áo may sẵn khác. Mỗi chiếc áo được tạo ra là một công trình nghệ thuật riêng của mỗi người thợ thủ công mà trong đó còn nhắn gửi biết bao điều tâm huyết về văn hóa, nghệ thuật làm tăng thêm vẻ quyến rũ của những đường cong tuyệt mỹ, hầu tôn vinh cái nét đẹp thanh tao, rạng ngời của người phụ nữ Việt.
Song giờ đây với những nhát kéo ngẫu hứng cùng năm bảy sự chắp vá, chạy theo thị hiếu hơn là giữ lại bản sắc và tôn trọng tính mực thước của phong tục tập quán. Chiếc áo bỗng dưng biến dạng – lúc bất cập khi thái quá – không nặng về hình thức phẩm phục cung đình thì cũng hở hang dung tục. Liệu chiếc áo dài Việt Nam có còn giữ được sự đằm thắm, nền nã và quyến rũ nữa không! hay sẽ trở thành ký ức buồn của những tâm hồn Việt.
Viết theo gợi ý của bạn Long Hải
Phan Văn Thanh - Chs trường Văn Đức