User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
tettronghonnamcu
 
Đi đâu và về đâu trong những ngày cuối năm cảm giác cứ như chết lặng, cứ như muốn ước quay về thời gian cũ trong ngôi nhà 13 Hoàng Diệu Quy Nhơn. Ở đó vào những ngày cuối năm, anh chị em chúng tôi được hưởng cái không khí của một gia đình đông anh em luôn bận rộn chuẩn bị cho một cái Tết đủ đầy. Khởi đầu là chuẩn bị cho các thợ thuyền của ba tôi có một buổi Tất Niên vui vẻ ngay tại nhà tôi. Tôi chỉ phụ cho có vậy thôi còn má tôi lo tất tần tật, tủ chén bát nhà tôi phải đủ đề đãi 100 người. Ba tôi tham gia như một đầu bếp chính, ông rất rộng rãi đãi anh em thợ như những người thân bên ông trong nghề nghiệp. Tôi nhớ quang cảnh quanh cái giếng nhà tôi lúc ấy nhộn nhịp từ sáng tinh mơ. Tiếng động khi chiếc gàu liên tục mang nước đủ để chuẩn bị sơ chế thức ăn. Năm nào cũng vậy món không thể thiếu là heo quay bánh hỏi, con heo vàng ươm vừa ra lò nóng và giòn. Chúng tôi chờ cúng xong là xin ba cái đuôi của con heo ngoằn ngoèo, mỗi đứa chỉ được cắn một lần thật giòn rụm và nhớ mãi cái mùi vị của nó. Trải chiếu và hai hàng thợ ngồi hai bên khề khà với ly rượu đế hay bia cho nam và nước ngọt cho nữ. Lời chúc cho nhau trong công việc làm ăn rộn vang như pháo Tết.
 
Sau tiệc Tất Niên cùng thợ thuyền ba tôi tập trung vào việc gói bánh tét, chuẩn bị nếp, đậu xanh, thịt mỡ heo, lá chuối và dây lạt. Gần Tết người giúp việc nhà phải về với gia đình của họ nên chúng tôi chia nhau công việc. Lớn thì đãi đậu, ngâm nếp, nhỏ thì lau lá ngâm lạt, ba tôi thì mua thịt heo và chính ông lựa. Miếng thịt phải dài và mỡ nhiều hơn nạc rồi ướp muối và thật nhiều tiêu. Khi mọi việc chuẩn bị đã xong như nếp đã vớt ráo nước, đậu xanh sau khi hầm chín được vắt lại vừa đủ trong nắm tay và thau thịt heo sẵn sàng. Khi ông gói chỉ có em trai kế tôi ngồi buộc lạt, bánh tét ông gói cũng trên hai hay ba chục đòn. Đó cũng là món ba tôi thích nhất và con của ông cũng thích không kém. Chưa được ăn đã muốn để dành khi ra Giêng sẽ được ăn bánh tét chiên. Sau khi gói xong ba tôi chuyển sang nấu bánh, bánh nấu gần như một ngày và cả xóm Hoàng Diệu khu tôi ở nhà nhà đều nổi lửa. Vui ơi là vui!
 
Món thứ hai sở trường của ba tôi là món xôi ngọt đậu đen, xôi đậu đen ngọt nấu thật dẻo sau đó dùng khuôn dện lại và rắc trên mặt những hạt mè trắng. Sau đó cắt thành từng khuôn bánh nhỏ vừa ăn đó cũng là đặc sản Quảng Nam quê cha tôi đó. Má tôi chuyên rim mứt từ lúc bắt đầu 20 tháng Chạp như mứt gừng, dừa, bí đao, và đôi lúc cả mứt khoai nữa. Đêm nào rim mứt là bà thức rất khuya để trông chừng chảo mứt nhất là lúc nước đường trong thau bắt đầu dẻo lại. Nhìn bà dùng tay gỡ từng lát gừng hay pha màu cho mứt dừa mới thấy sự chăm chút của người phụ nữ Việt Nam trong mọi gia đình như nhau. Những ngày giáp Tết trời trở lạnh có lò lửa đang rim mứt, mùi mứt gừng cay cay, hay miếng bánh xôi ngọt hấp dẫn chúng tôi tha hồ thèm. Nhưng đó là vật phẩm cúng ông bà chúng tôi chưa được đụng đến. Có chăng chỉ là vét lại nồi xôi đậu phần cháy hay cạo lớp cuối cùng các loại mứt dính vào chảo.
 
Ngoài mứt má tôi còn làm bánh in và bánh thuẫn nhưng phải sau khi làm mứt. Sau khi làm mứt xong má tôi tận dụng mứt gừng hay mứt bí bị gãy nát làm nhân bánh in. Bột nếp có sẵn chỉ cần trộn đường xay vào dùng tay nhồi nhuyễn, sau đó đặt vào khuôn bánh và giữa là nhân bánh. Ép thật chặt sau đó dùng chày gõ vào khuôn bánh và từng chiếc bánh được hình thành. Chưa xong đâu nhé còn phải sấy lại bánh thì bánh mới lâu hư, các bà nội trợ tha hồ cho cả xóm xem phẩm vật của mình để so sánh. Món bánh thứ hai mà má tôi thích đó là bánh thuẫn làm từ bột bình tinh, trứng gà, và đường. Cái khổ nhất của món này là khi đánh trứng, bánh nổi hay không là do khâu này. Dù năm nào cũng làm nhưng má tôi luôn hồi hộp ở lứa bánh đầu tiên. Mỗi lần mở nắp khuôn bánh mùi thơm bay ngào ngạt và chúng tôi chỉ mong chúng hỏng để được ăn ngay lúc đó.
 
Chiều 30 tháng Chạp còn phải chuẩn bị mâm cơm đón ông bà về ăn Tết cùng con cháu. Hai món chủ lực của nhà tôi vào ngày cuối năm thì ba tôi là đầu bếp chính là nồi nước xương có măng khô, nấm khô và các loại phụ liệu khác và nồi thịt kho trứng. Ba tôi nấu nồi xương hầm măng rất lớn, các loại củ trong nồi bao giờ cũng được ăn trước còn măng và nấm thì ăn sau cùng lúc với các khúc xương đã nhừ. Lúc đó cảm giác nhai cả xương cùng lát măng hay nấm khô như thấm gia vị hơn và đi kèm với bún thì không còn gì bằng. Nồi thịt kho trứng đã có một thẩu dưa giá chua to đùng mà má tôi làm để ăn kèm. Thế là ba ngày Tết chúng tôi chơi đùa thỏa thích đến khi đói bụng thì các món này đã sẵn sàng. Ba ngày đó không cần chờ nhau ăn cùng mà thật là tự do ăn những món mình thích và không sợ bụng đói.
 
Càng nghĩ lại tôi không hiểu tại sao ba má tôi có thể chuẩn bị thật lớn như vậy với chính đôi bàn tay của mình cho lũ con đang tuổi háu đói. Tuyệt đối không có món nào mua hay đặt hàng như bây giờ đâu, món ngon vì cái tâm của cha mẹ đặt vào đấy. Hỏi sao thời đó ai là trẻ thơ khi nghe từ Tết là sướng lịm cả người vì không có một ngày lễ nào thắm đượm hồn năm cũ bằng. Chắc chắn các con của ba má không quên cái thời gian chuẩn bị đón Tết đâu. Ba má có biết mỗi lần gắp một lát bánh tét hay ăn một miếng mứt hay cắn vào miếng bánh xôi ngọt cảm giác không ngon như ngày xưa nữa.
 
Hồn Tết năm cũ vẫn phảng phất đâu đây vào những chiều cuối năm để con nhớ, con thèm, con khao khát mong thấy lại ngày xưa dù chỉ thoáng trong giấc mơ thôi.
 
Thuan Tran
 

Tìm các bài VĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com