Tui sinh ra lớn lên ở một làng nhỏ vùng đồng bằng sông Cửu Long. Văn hóa và kiến thức của gia đình tui rất hạn hẹp. Hồi nhỏ bị Má la mắng khi giận anh em tụi tui khi phạm lỗi.
- Nói với tụi bây như “nước đổ đầu vịt”, như “đàn gãi tai trâu”.
Tui chỉ đoán mò là bị quở “lì lợm”, nói mãi mà không nghe lời. Đầu vịt có lông nên nước chảy đi hết có nghĩa có đổ nước cũng như không, không bao giờ ướt. “Đàn gãi tai trâu” thì tui mù tịt. Làm sao dùng cây đàn mà gãi lỗ tai con trâu cho được? và nó có ngụ ý nghĩa gì?
Thật ra câu nầy phải là “Đàn phẩy tai trâu” mới đúng. Câu ngụ ngôn nầy được truyền qua nhiều người ở những khu vực khác nhau, cộng thêm người miền Tây làm biếng bóp miệng đánh lưỡi nên từ “phẩy” hay “khải” có nghĩa đánh đàn thành ra “gảy” và dân quê tui nói trại ra thành “gãi”.
Dân quê tui không xem chính tả, văn phạm là quan trọng trong việc đối thoại hàng ngày. Người quê tui nghĩ con trâu không có khả năng thưởng thức nghệ thuật, chỉ biết nghe lời người nắm mũi chỉ huy đi cày bừa thôi. Đàn phẩy/khải bên tai không có ảnh hưởng gì hết.
Tui xin kể một câu chuyện vui vui với con trâu.
Khoảng năm 1956-1958 gì đó, ông hàng xóm nhà tui có mua 2 con trâu về cho cày bừa mấy công đất lầy lội ở vùng sâu mà những con bò không làm nổi.
Mỗi ngày 2 bận tui phải đi ngang qua cái chuồng trâu để đến trường.
Người ta đồn con trâu không thích màu trắng nên hay rượt và húc người mặc đồ trắng khi đến gần nó.
Tui không tin chuyện nầy.
Một ngày trên đường đi học về, tui và thằng bạn cùng xóm đều mặc áo trắng, đứng trước chuồng trâu la lối chọc cho con trâu giận với ý định kiểm chứng lời đồn đúng hay sai.
Con trâu ngừng nhai cỏ, ngửng đầu nhìn tụi tui la ó càng lúc càng inh ỏi.
Tui thấy nó dỉnh 2 cái lỗ tai, thở khì khì, mắt trừng trừng nhìn tụi tui một hồi rồi xông thẳng về hướng tụi tui đang đứng.
Hết hồn hết vía tui chạy một hướng, thằng bạn chạy một hướng. Con trâu chạy theo sau lưng tui. Sợ quá tui nhảy cái “phóc” lên chán ba cây chòi mòi bên đường.
Con trâu dừng lại, ngó lên phía tui, lấy chân trước cào mặt đất một hồi rồi dùng trán húc thân cây chòi mòi.
Trong khi tui ôm chặt cây chòi mòi, sợ té xuống thì toi mạng với con trâu, một con ong “vò vẽ” bay tới chích vô đầu tui đau như trời giáng. Tui lấy tai vò đầu khi nó bay về ổ. Một bầy ong từ ổ bay xuống sửa soạn làm thịt tui.
Tiến thối lưỡng nan, không còn sự lựa chọn tui buông tay nhảy xuống lưng con trâu. Đàn ong rượt theo. Chích tui và chích luôn con trâu.
Bị chích đau con trâu chạy, mang tui trên lưng, chắc nó quên lửng chuyện muốn cho người phá phách một bài học để đời.
Con trâu phóng xuống nước, hất tui văng khỏi lưng của nó.
Tui phải lặn sâu dưới nước, lội xa xa mới dám trồi lên thở nhanh, lấy hơi rồi lặn tiếp để tránh đàn ong bay lờn vờn trên mặt nước, chờ cơ hội chích tiếp.
Thấy tui ôm đầu rên hì hì, quần áo ướt hết, Má hỏi:
- Lén đi đi tắm sông về bị nhức đầu hả?
- Hổng có, tui trả lời, - bị ong chích đau quá Má ơi.
Má tui xuống bếp lấy con dao đi ra cái lu bắt con cá lóc, dùng cái sống dao đập đầu xong lóc mấy miếng thịt gần dưới đuôi, vô đắp lên những chỗ ong chích. Người ta đồn trong dân gian là thịt cá lấy nọc độc.
Vài phút sau là tui không còn đau nhức nhiều như trước nữa nhưng chưa hết hoạn nạn vì Tía tui đi ruộng vừa về tới. Sau khi nghe Má tui kể chuyện bị ong đánh (chích) trên cây chòi mòi, Tía hỏi:
- Tại sao mầy đi ăn cắp vặt chòi mòi nhà người ta? Tội nầy 100 roi.
- Tui đi học về bị trâu rượt, tui trả lời, - leo lên cây chòi mòi trốn bị ong đánh chớ không phải ăn cắp.
Tía tui bước lại gần xem xét cái đầu đang ê đau xong bước ra ngoài không còn muốn đánh đòn tui nữa.
Cũng may cho tui là giấu chuyện chọc con trâu nên không bị đòn. Tui mà khai sự thật thì chắc là hôm đó đầu đau mà bàn tọa chắc cũng đau lắm với mấy chục roi rồi.
......
12/2020
Thanh Anh