User Rating: 1 / 5

Star ActiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Cần Thơ là nơi tập trung những món ngon đại diện cho ẩm thực của người miền Tây. Đã đến Cần Thơ, bạn đừng bỏ qua cơ hội được thưởng thức các món ăn đặc sản nơi đây.

Gà um dâu Hạ Châu

Để chế biến món gà um dâu ngon, đầu bếp phải chọn nguyên liệu tươi, xử lý khéo léo. Gà để um phải là gà vườn, từ 1,1- 1,2kg/con, thịt chắc; dâu tươi nguyên, căng mọng, vừa chín tới.

Dâu tươi tách vỏ, lấy ruột dâu sên với đường vàng, khi dâu đã sệt lại thì trộn với gà, nêm nếm thêm gia vị cho vừa ăn rồi bỏ lên bếp lửa nhỏ, rim gà thêm 10-15 phút.

Món ăn được bày ra trên đĩa, trang trí vài tép tỏi chiên vàng, hành tây xắt sợi, ớt lát, rau răm và vài múi dâu tươi, trông hấp dẫn, mùi thơm thoang thoảng.

Ăn kèm món gà um dâu Hạ Châu là bánh mì nóng giòn, muối tiêu chanh. Vị chua, ngọt thanh, mùi thơm dịu của dâu Hạ Châu thấm vào thịt, chút hăng, cay của các rau mùi kèm theo, tạo nên hương vị rất đặc biệt, ăn hoài không ngán.

Bánh hỏi mặt võng

Bánh hỏi là món ăn phổ biến khắp các tỉnh miền Trung, Nam và thường ăn kèm với heo quay hay thịt kim tiền. Những ai khi đi ngang qua Cần Thơ hẳn sẽ không quên được món bánh hỏi mặt võng truyền thống làm nức tiếng đất Phong Điền. Bánh hỏi mặt võng khác các loại bánh hỏi thông thường.

Thứ nhất là ở hình dạng của bánh được làm khá công phu và mất nhiều thời gian. Thứ hai bánh có vị ngọt, mặn hòa quyện hài hòa từ bí quyết quấy bột, nêm gia vị và độ trong dai không dùng chất phụ gia.

Tùy theo sở thích mà bánh hỏi được ăn kèm với các món mặn khác nhau nhưng độc đáo hơn cả mọi người vẫn thường ăn bánh hỏi mặt võng với thịt nướng kim tiền. Bởi kim tiền là sự kết hợp cân đối giữa nhân mỡ béo thơm và chất thịt mềm mịn, dù có nguội cũng không gây cảm giác ngán.

Bên cạnh đó, rau thơm và nước chấm cũng không kém phần quan trọng trong sự tạo nên vị thanh mát cho món ăn.

Chả chìa bắp non

Chả chìa bắp non là một món ăn hấp dẫn, có thể ăn chơi hoặc ăn chung với cơm nhưng cũng là món lai rai tuyệt vời. Bắp non mềm mại, hạt dẻo, thơm ngon, vị ngọt, dinh dưỡng cao, nhiều vitamin… Người ăn thưởng thức bằng mọi giác quan, mắt nhìn, mũi ngửi, lưỡi nếm, tay cầm…

Chả có thể ăn kèm với sa lách, rau răm, chấm tương ớt hoặc nước mắm chua cay, thứ nào cũng đậm đà và ngon tuyệt, càng ăn càng khoái khẩu.

Pizza hủ tiếu

"Pizza" là tên gọi chiếc bánh hủ tiếu chiên giòn. Trước khi chế biến, bánh hủ tiếu được phơi khô, ướp bột nêm và tiêu cho thơm. Hủ tiếu cho ngập trong chảo dầu sôi, lật đều hai mặt để bánh chín vàng và rắc hành lá nhuyễn lên trên.

Để bánh béo hơn, nhiều người còn cho thêm nước cốt sữa dừa hoặc thịt khìa nước dừa thái nhuyễn. Pizza hủ tiếu thường ăn kèm nước mắm chua cay hoặc tương.

Hủ tiếu khô Sa Đéc

Hủ tiếu mà được bày trong… đĩa, thật làm người ta hiếu kỳ. Đây là một loại hủ tiếu đặc biệt của vùng Sa Đéc, một trong những đặc sản Cần Thơ. Những cọng hủ tiếu tươi to, trắng ngà bày lên đĩa, bên trên là tim, gan, thịt heo thái. Thêm chút hẹ, xà lách tươi xắt nhuyễn và hành phi càng tăng sự hấp dẫn cho món ăn. Điểm nhấn đáng chú ý nhất là nước sốt màu vàng đậm rưới trên cùng đĩa hủ tiếu. Đó là bí quyết làm nên vị khác lạ, ngon lành khi ăn. Để người ăn không cảm thấy khô, đĩa hủ tiếu được phục vụ kèm chén nước dùng nếu khách thích.

Ngoài hủ tiếu khô, bạn còn có cơ hội được ăn hủ tiếu hấp lạ lạ, dành cho người thích khám phá hương vị.

Lẩu mắm

Miền Tây là đất sản sinh món lẩu mắm. Thế nhưng yếu tố góp phần đưa món ăn bình dân này lên hàng đặc sản phải kể tới Cần Thơ. Món lẩu được nấu bằng mắm sặc là sự giao thoa hài hòa của nền ẩm thực người Khmer với lưu dân phương Nam khai khẩn.

Ở miền Tây, bất cứ món ăn nào, từ kho, xào, canh…, đều nhất thiết phải có bông hay rau. Trong đó, lẩu mắm càng nhiều rau càng ngon, thường phải có đủ  loại như đọt, lá non và không thể thiếu bông. Danh sách bao gồm từ kèo nèo, rau muống, bông súng, so đũa tím, bông bí, đậu rồng, bông kim châm, rau nhút, bông chuối đến bông điên điển đặc trưng mùa nước nổi.

Sài Gòn cũng bán lẩu mắm nhưng ít nơi nào có loại bông chỉ trổ theo mùa nước nổi như miền Tây. Người miền Tây hay nói chơi rằng không có gì “mát rần trời” bằng chén lẩu mắm bỏ đầy ụ rau, tôm, thịt lươn, cá hú,… xì xụp húp trong những ngày mưa gió dầm dề.

Kho quẹt

Kho quẹt từng được coi là “món ăn nhà nghèo” của dân bản xứ. Những khi thiếu thốn, chỉ cần bắc chảo, rót chút nước mắm rồi “quẹt”, qua “quẹt” lại. Khi mắm cô đặc, bám vào thành chảo, thơm ngút trời là có thể dùng chan cháo trắng hay chấm rau ăn cơm. Cách chế biến kho quẹt được lấy làm tên đặt cho món này.

Kho quẹt ngày nay vào nhà hàng, được cải tiến thêm bằng các nguyên liệu như tôm khô, thịt băm nhuyễn hay chỉ mắm kho với hành phi. Rắc thêm chút tiêu, món này còn làm gia vị cho đĩa rau tập tàng (nhiều loại rau luộc trong một đĩa).

Đặc biệt, ăn cùng kho quẹt không thể thiếu cơm cháy. Với miếng cơm cháy giòn giòn, gắp thêm vài cọng rau và để trên miếng kho quẹt, nhiều người dễ bâng khuâng thoảng nhớ vị quê nhà, thuở còn khốn khó.

Canh chua cá hú bông so đũa

Bữa ăn của người Nam Bộ hiếm khi thiếu canh chua. Trong đó, canh chua (hoặc lẩu) cá hú bông so đũa thường được nấu bằng nguyên liệu chính là cá hú hoặc đầu cá ngát.

Mỗi nồi canh chua ăn kèm một rổ rau đầy ắp, gồm kèo nèo, rau nhút, rau đắng hay bông so đũa tím thường trồng ngay tại nhà hoặc gần đó. Mùi thơm các loại rau hòa cùng vị béo và ngọt ngào của da, thịt cá. Canh chua thường ăn với cơm hay bún.

Bánh tét lá cẩm

Ở Cần Thơ, bánh tét ngon nhất thuộc về gia tộc họ Huỳnh ở Bình Thuỷ. Con cháu họ Huỳnh đã làm cho đòn bánh tét độc đáo hơn bằng cách nấu lá cẩm lấy nước xào nếp dẻo với nước cốt dừa và dùng thịt, trứng vịt muối làm nhân.

Cắn một miếng bánh tét màu tím, nếp dẻo và cái vị ngọt của thịt, của hương thơm trứng muối như đọng trong đầu lưỡi. Nó khác với những đòn bánh tét đậu trắng, đậu đen nhân mỡ hành, nhân chuối theo kiểu truyền thống của người Việt.

Bánh tét từ lò Chín Cẩm, Tư Đẹp khá nổi tiếng, ngày thường bán ở chợ Xuân Khánh, An Thới, Mít Nài... nhiều du khách thập phương biết tiếng đều tới tận điểm bán hàng mua về làm quà.

Nem nướng Cái Răng

Nem nướng thì vùng đất nào cũng có, nhưng mỗi nơi lại mang một hương vị, sắc thái riêng gắn với con người và thổ nhưỡng nơi đó. Bên bờ kinh Cái Răng từ hơn nửa thế kỷ trước đã nổi lên một đặc sản nem do chính tay người phụ nữ mà dân trong vùng gọi là Tư Khem sáng tạo nên. Nem Cái Răng không chỉ nổi danh trong thời gian đó mà lưu lại cho đến hôm nay, cho biết bao người khi đến vùng đất này phải tìm mà thưởng thức cho thỏa lòng.

Nem nướng Cái Răng ngon nhất vẫn là làm từ thịt lợn tươi. Cũng như một vài món ăn khác, người phương Nam ưa dùng rau thơm gói bánh tráng. Món nem nướng Cái Răng lại càng cần rau thơm, chuối chát, dưa leo, dứa, khế... mà phải là loại khế chua thì mới thấm vị. Cầm một nửa chiếc bánh tráng nem mỏng tang, gắp ít rau đặt thêm khoanh chuối chát, dứa, khế rồi để viên nem lên, cuốn lại, chấm vào chén tương xay đặc sệt. Tương xay vừa mịn, vừa ngọt thơm, rắc thêm nhúm đậu phộng và chút ớt đỏ mới nhìn đã thích mắt. Ngoài món nước chấm bằng tương xay, thực khách có thể chấm cùng nước mắm chanh tỏi ớt pha thật khéo thì ai một lần thưởng thức sẽ không thể nào quên.

Chuối nếp nướng

Ở đâu thì người bán cũng nướng khoai, nướng chuối, nướng ngô theo cùng một kiểu, còn chuối nếp nướng lại khác. Sài Gòn thì trái chuối nếp thon dài, Mỹ Tho thì trái to bự ăn một quả là căng bụng, còn ở Cần Thơ, trái chuối nướng be bé, xinh xinh, không thon dài mà cũng không mập. Chuối nếp nướng ngon là những trái có màu nâu giòn của lớp nếp ngoài, màu trắng mềm của lớp nếp trong, màu vàng vừa chín tới của trái chuối không hề nhũn.

Trời mưa, cầm trái chuối nướng nóng vùi trong tấm lá chuối tươi vừa mua ở gánh hàng rong, vừa xuýt xoa thổi vừa cắn ngập hàm răng vào, vừa la ngon quá, là cũng đủ làm nên những phút giây hạnh phúc. Không sơn hào hải vị, chỉ là thú ăn chơi, nhưng ăn một lần là ghiền luôn món chuối nướng thơm thảo mùi ruộng đồng dân dã.

Bánh cống

Bánh cống là thứ bánh dân dã, đã rẻ lại ngon, ai đã ăn một lần không dễ quên. Người Cần Thơ xem bánh cống là thứ quà vặt nên chỉ để ăn vào buổi chiều hay tối, từ khoảng 16, 17h trở đi.

Cái cống để đổ bánh là một vật dụng nhỏ và sâu lòng, hình dáng tựa như cái phin cà phê, lại có tay cầm dài như cái muôi múc canh. Thời xa xưa, nó được đẽo gọt từ thân cây tre, sau này người ta làm cống bằng nhôm để bánh to hơn, sử dụng lâu hỏng hơn.

Bánh cống ăn với nước mắm chua ngọt và các loại rau diếp cá, đọt xoài, cải đắng, xà lách, húng quế… Chỉ nhìn đĩa bánh vàng ươm và rổ rau tươi xanh là đã muốn thưởng thức. Mùi đậu xanh, mùi thịt, mùi tôm chiên trộn lẫn vào nhau thơm nức mũi, bát nước mắm lấm tấm hạt ớt, tép chanh, trong veo mấy cọng dưa chua đu đủ. Đúng là một món ăn phong phú về cả mùi vị và màu sắc.

Bánh tầm bì

Hương vị bánh tầm bì ở Cần Thơ rất đặc biệt: bánh được hấp trong cái xững trên bếp than, nên luôn nóng hổi. Những sợi bì óng ánh tươm mỡ, thơm ngon. Còn nước mắm thì vàng sóng sánh, trong vắt. Cái vị béo của nước cốt dừa luôn hoà quyện vào những sợi bánh tầm trắng phau đi cùng rau, giá, dưa chua Còn nếu thêm chút xíu mỡ hành nữa thì quá lại tuyệt vời. Một món ăn sáng vừa rẻ tiền, lại vừa giản dị. Cho dù đi nơi đâu, hay là người Cần Thơ xa quê hương sẽ luôn nhớ về hương vị ấy.

Bánh xèo

Ở miền Tây, người ta không gọi là “làm” bánh xèo mà là “đổ” bánh xèo. Khi đổ, người ta múc một chén bột đổ vào một chảo gang nóng bừng, nghe “xèo” một tiếng, cái tên bánh "xèo" cũng có lẽ khởi nguồn từ âm thanh vui tai ấy.

Loại bột để làm bánh xèo là bột gạo pha nước cốt dừa, nghệ củ cho có màu vàng tươi và một ít hành lá thái mỏng tạo màu xanh non nổi bật trên chiếc bánh vàng rộm sau khi đổ.

Cái hồn để làm nên mùi vị bánh xèo đặc trưng, không lẫn vào đâu được là ở phần nước chấm. Nước chấm phải được pha chế đúng kỹ thuật mới làm tôn hương vị của món ăn nóng sốt này. Chính vì vậy, mỗi người lại có một bí quyết làm nước chấm riêng.

Bánh xèo ăn kèm với nhiều loại rau như: cải xanh, xà lách, cùng các loại rau thơm. Cũng như bánh cống, ăn bánh xèo đúng điệu phải dùng tay chứ không dùng đũa.

Lẩu bần Phù Sa

Sự hấp dẫn của lẩu bần không chỉ nằm ở cái tên “trái bần” đồng quê dân dã mà chính là hương vị rất đặc trưng của món ăn. Vị chua của lẩu bần rất thanh và dịu. Tinh tế một chút khi thưởng thức lẩu bần, người ăn còn cảm nhận ra mùi thơm dịu nhẹ của hương bần, gợi thương, gợi nhớ về “hương đồng gió nội”.

Nồi lẩu ngon, phải dùng bần chín bởi bần sống sẽ làm cho nồi lẩu có vị chát. Cũng có thể biến tấu các loại thực phẩm chính để nấu lẩu bần. Tùy theo mùa, đó có thể là các loại cá da trơn như cá tra, cá ba sa, cá ngát hoặc cá điêu hồng... sang hơn khách có thể thưởng thức món lẩu bần nấu ba ba, cua đinh.

Vào mùa nước nổi, rau ăn kèm với lẩu bần ngoài bông so đũa, bắp chuối hột, cọng bông súng và một số loại rau canh chua thông thường khác, khách còn được thưởng thức bông điên điển - một loại bông dân dã nên rất “hợp tình hợp cảnh”.

Đặc biệt là khách đến khu du lịch Phù Sa có thể gọi món lẩu bần vào bất cứ mùa nào dù đó là mùa không có bần chín bởi nhà bếp ở đây đã có cách chiết xuất nước cốt trái bần để phục vụ du khách quanh năm.

 

Source: 24h

 

 

Tìm các bài THỨC ĂN khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com