User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

teen lfmg

Đa số chúng ta trong cuộc sống thường nhật phải đảm nhận rất nhiều vai trò khác nhau, từ một người chủ hay đồng nghiệp trong sở làm; hoặc một người lãnh đạo hay thành viên trong hội đoàn; thiện nguyên viên trong xã hội và cộng đồng, đến một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ trong gia đình. Trong tất cả các vai trò ấy, không có vai trò nào khó hơn và quan trọng hơn vai trò làm cha, làm mẹ của con cái ở lứa tuổi thanh thiếu niên từ 13 đến 19 tuổi – cái lứa tuổi “teenagers” mà khi nghe nhắc đến mọi người điều gật gù, đồng thương cảm! Những đứa con ngoan ngoãn, thuần tính, thích được lòng cha mẹ tự nhiên biến mất. Thay vào đó là những cô cậu tính tình vui buồn bất chợt, khi vui vẻ cười nói huyên thuyên, khi cau có lầm lì, ra vào không nói năng, lúc hỏi tới chỉ trả lời ầm ừ từng chữ!

Tất cả những phương thức dạy dỗ con cái lâu nay bỗng nhiên không còn đem lại kết quả khả quan như trước. Làm sao bây giờ? Có người thì tự tách rời, bỏ mặc con, tránh không để ý đến cho yên chuyện. Các giới thượng lưu ở các quốc gia như Anh, Thụy Sĩ có thói quen gửi con vào các trường nội trú gọi là “academy” hoặc “prep schools” – nam riêng, nữ riêng – cho người khác dạy. Đến khi con qua lứa tuổi này rồi thì chúng cũng trở thành người xa lạ trong gia đình. Có bậc cha mẹ thì nhất quyết muốn uốn nắn con theo ý cha mẹ và truyền thống lâu nay của gia đình. Điều này thường gây ra sự xung đột và căng thẳng trong gia đình. Như vậy thì sao? Phải làm thế nào?

Bản thân chúng tôi cũng đã từng loay hoay tìm những giải đáp cho câu hỏi trên. Chúng tôi cũng mua bao nhiêu là sách “dealing with teenagers”. sách dạy về “parenting”, và sách về tâm lý của tuổi thanh thiếu niên. Chúng tôi quan sát bạn bè có con trong lứa tuổi ấy và chất vấn bạn bè có con đã trưởng thành tốt đẹp. Có những điều đọc trong sách vở thì thấy quá dễ dàng và hiển nhiên nhưng khi có chuyện với con cái thì không nhớ tới để áp dụng. Có những lời chia sẻ của bạn bè đem về áp dụng thì lại áp dụng không đúng cách hoặc phải lúc. Suy đi nghĩ lại, chúng tôi thấy rõ những điều nêu ra trong sách vở cũng như do bạn bày vẽ đều có giá trị nhưng làm sao để áp dụng hiệu quả là một vấn đề! Dần dần chúng tôi tự biến chế và qua những ẩn dụ chúng tôi đã áp dụng một vài định luật của khoa học tự nhiên vào khoa học nhân văn vật lý để bất cứ người cha và người mẹ của thanh thiếu niên nào cũng dễ dàng nhớ và áp dụng.

  1. Go with the Flow – Thuận Theo Chiều Gió:

Nếu bạn có thời giờ rảnh, nên có lúc ra bờ biển hay bờ hồ ngắm những chiếc thuyền buồm căng gió chạy trên mặt nước. Chiếc thuyền lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, vượt trên những đợt sóng, tiếp tục tiến tới đích. Người lái thuyền buồm dựa trên các định luật vật lý căn bản để xoay cánh buồm theo chiều gió (wind force), lái mũi thuyền theo dòng nước (water current) và giữ cho thuyền luôn di động (the law of motion). Người lái buồm luôn luôn để ý đến những nguyên tắc trên để thích nghi (adjust) với các yếu tố trong thiên nhiên, ứng dụng (adapt) môi trường mình đang có để đi đến đích (goal).

Hướng dẫn con cái ở tuổi thanh thiếu niên cũng như điều khiển một chiếc thuyền buồm. Cuộc đời con cái chúng ta khi nào cũng đi tới, cũng có sự đổi thay. Dòng nước cuốn và cơn gió thổi là những gì đang xảy ra trong cuộc sống của chúng. Chiếc thuyền buồm cuộc đời của con đang di động. Chúng ta không thể bắt thuyền quay về hướng chúng ta đã định cho con em chúng ta một cách gắt gao. Khi thấy con đi sai hướng, hãy nhìn hướng gió, dòng nước và điều chỉnh từ từ. Có thể con thuyền sẽ đi lâu hơn mới về tới đích, nhưng nếu tiếp tục điều chỉnh và hướng theo chiều gió, có ngày sẽ đến. Điều quan trọng là không để mặc con thuyền trôi dạt không định hướng hay quặt tay lái bắt đổi hướng bất thình lình. Cả hai phương cách có thể làm con thuyền đi mất hoặc lật đổ rồi chìm luôn. Làm cha, làm mẹ, chúng ta là người lái thuyền buồm – cần sự uyển chuyển và kiên nhẫn cũng như cần quan sát, để ý, và nhận thức ngoại cảnh cũng như các yếu tố ảnh hưởng chung quanh đời sống con. Thuận buồm, xuôi gió, thuyền sẽ đến đích!

* Một câu truyện phản ảnh nguyên tắc trên:

Có một gia đình bạn chúng tôi có cô con gái học rất giỏi và rất được bạn bè cùng thầy cô yêu quý. Cô ta là được bầu là “most popular” tại trường trung học của cô và được chọn là “prom queen” của năm Lớp 10. Cô tham dự rất nhiều sinh hoạt của trường và có nhiều bạn. Ở lứa tuổi này, cô rất gần và trung thành với nhóm bạn của cô, cả trai lẫn gái. Khi lên Lớp 11, cô hay đến nhà bạn chơi hay đi theo những sinh hoạt ở lại qua đêm do trường tổ chức. Dần dần mối liên hệ mật thiết với bố mẹ của cô bị giảm đi. Mặc dầu cô vẫn duy trì sự lễ phép trong gia đình và chuyên cần trong việc học, cô ít tâm sự với bố mẹ hơn lúc trước. Những buổi họp mặt gia đình họ hàng bắt đầu vắng bóng cô vì cô bận học và bận tiếp xúc với bạn bè cùng lứa. Một vài lần, bố mẹ đã phải hốt hoảng lấy xe chạy đi khắp vùng tìm cô vì đã quá nửa đêm không thấy cô về. Đến khi về nhà, cô thản nhiên giải thích là cô đến nhà bạn chơi, nói chuyện và ngủ quên ở đó. Bố mẹ bắt đầu gặng hỏi cô rõ hơn về những người bạn cô thường giao du. Cô thú thật với bố mẹ là đám bạn của cô, tuy vẫn là những người cô đã từng quen biết lâu năm từ bậc Tiểu Học, bây giờ có những bạn đã vào băng đảng, đã từng bị bắt và bị tù. Tuy nhiên, đối với cô, những người này vẫn là bạn thân thiết của cô.

Bố mẹ cô hoang mang. Tục ngữ ca dao vẫn có câu, “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”, nên bố mẹ khuyên cô nên tìm bạn mới. Cô trả lời là những người bạn này cần cô hơn lúc nào hết vì họ đang gặp khó khăn. Bố mẹ băn khoăn nhưng hiểu là nếu cấm thì dễ dàng tạo sự xung khắc và hai bên không còn trao đổi tâm sự được nữa. Một mặt khác, tâm lý tuổi thanh thiếu niên, điều gì càng bị cấm càng có hấp lực mạnh hơn. Bố mẹ cô đành phải thuận theo vì không có cách nào hơn. Từ đó, thỉnh thoảng bố cô tìm cách hỏi thăm về những người bạn này, nhất là những người đang ở trong tù. Một hôm, khi cô xin tiền bố mua quà vào tù thăm bạn thì không những bố cô vui vẻ cho tiền mà còn sẵn sàng chở cô vào tù thăm bạn. Từ đó thỉnh thoảng bố đi cùng cô vào tù thăm những người bạn trong băng đảng của cô. Trong thời gian này, cô tiếp xúc với đủ hạng người và bắt đầu chứng kiến những sự kỳ thị và bất công trong xã hội nên có những lúc cô chán nản và bỏ nhà theo bạn một vài ngày cuối tuần mà không cho bố mẹ biết. Đối với một gia đình Việt Nam, con gái bỏ nhà đi là một chuyện “tày trời!” Bố mẹ đau khổ nhưng không tỏ thái độ ruồng bỏ hay thất vọng khi cô trở về mà nhẹ nhàng khuyên nhủ cô đừng nên vì quá lo cho bạn bè mà xao lãng chuyện học. Bố mẹ tiếp tục thay phiên chở cô đi học buổi sáng và thỉnh thoảng cùng ghé vào nhà thờ cầu nguyện trước khi đến trường. Năm lên Lớp 12 Trung Học, cô bắt đầu ý thức sự khác biệt giữa cô và bạn bè. Cô bắt đầu hiểu là mọi người đều có cơ hội và trách nhiệm trong cuộc sống. Cô không còn cảm thấy bị ràng buộc bởi những người bạn kia nữa và dần dần tập trung vào sinh hoạt trường và cuộc sống gia đình trở lại. Cuối năm, khi ra trường Trung Học, cô đạt được điểm cao và lên Đại Học hệ thống U.C. dễ dàng. Mỗi khi nghĩ lại khoảng thời gian ấy, bố mẹ cô còn rùng mình hãi hùng tưởng chừng như cơn ác mộng! Chính nhờ sự uyển chuyển và biết hướng dẫn con thuận theo chiều gió và điều chỉnh từ từ mà cơn ác mộng ấy đã không thành sự thật. Ngày nay, cô con gái là một Giáo Sư Trung Học thành công vì cô biết và hiểu tâm trạng của học sinh cô đang dạy. Nhờ sự hướng dẫn khôn khéo và tình thương yêu vô bờ của bố mẹ, cô trở thành người hữu dụng và đem được những kinh nghiệm khó khăn của tuổi mới lớn ra giúp người khác.

  1. Action -> Reaction – Tác Động ‘Tác Động Phản Kháng:

Đây là một định luật vật lý căn bản. Mỗi tác động đều nảy sinh một tác động phản kháng hoặc phản ứng lại tác động trước. Ví dụ như “Everything that goes up must come down” – Cái gì đi lên cũng phải rơi xuống lại vì sức hút của trái đất. Khi một trái banh bị ném xuống đất thì nó dội lên lại. Định luật này cũng được áp dụng trong khoa học nhân văn. Tác dụng một lời khen đưa đến phản ứng vui vẻ của người được khen. Một lời chê đưa đến sự chống chế, bào chữa hay phật lòng. Mỗi tác động, bất cứ là một sự hành xử hay lời nói điều nảy sinh ra một phản ứng. Phản ứng này lại có tác dụng nảy sinh ra một phản ứng khác. Thông thường, chúng ta có thể dự đoán được phản ứng của người thân thuộc dựa trên tâm lý thông thường và những liên hệ quá khứ. Khi người chồng đi làm về bước vào nhà nét mặt đăm chiêu, đến chiếc ghế trước TV ngồi phịch xuống và vặn TV lên, người vợ biết là ông ta có chuyện không vui và phản ứng bằng cách lùa con ra sân chơi để bố nghỉ mệt và thư giản. Khi cậu con trai đưa phiếu điểm cho bố mẹ xem, cậu biết là cha mẹ sẽ có phản ứng giận dữ vì những con “C” và “D” trong sổ điểm. Cậu gồng mình và phập phòng chuẩn bị lời phân trần biện hộ khi cha mẹ trách mắng. Sau đó, cậu sẽ về phòng và vặn nhạc thật lớn lên nghe, hay chơi một game trên internet với bạn để cho bớt bực bội. Qua tới ngày hôm sau thì cậu quên hết những lời la mắng, khiển trách của bố mẹ… cho tới chu kỳ sau! Cậu không phải là một đứa con hư, chỉ ham chơi hơn ham học. Những lời trách mắng cậu con trai 16 tuổi như nước đổ đầu vịt. Cha mẹ cậu sẽ cảm thấy chán nản, thất vọng, và bất lực!

Theo định luật actio’reactio, nếu không có tác động, thì không có tác động phản kháng hoặc phản ứng. Nếu bố mẹ thay vì lớn tiếng trách cứ cậu con ham chơi hơn ham học, không hành xử như thế mà hành xử theo một cách thức khác hoàn toàn mà cậu con không dự đoán được, phương trình actio’reactio’ action-‘reaction sẽ bị gián đoạn, đưa đến sự suy nghĩ, suy xét lại. Thông thường, một phản ứng quen thuộc lâu ngày thành một tác động phản xạ (a reflex) không cần suy nghĩ. Điều cần thiết là tạo cơ hội và môi trường cho lứa tuổi thanh thiếu niên dừng lại và suy nghĩ. Khi có sự suy nghĩ, con người không nhắm mắt làm ngơ trước những điều phải trái. Để thoát khỏi sự hành xử theo phản ứng, cha mẹ phải làm những điều “bất ngờ” làm cho con cái “mất thăng bằng” (off-balance) vì chúng không biết phản ứng như thế nào. Khi bị mất thăng bằng, chúng phải suy nghĩ lại (reflect) để điều chỉnh (readjust) sự suy nghĩ và hành động của mình. Lúc đó, cha mẹ và con cái có thể tìm một đường hướng mới để đi tới đích.

* Một câu truyện phản ảnh nguyên tắc trên:

Một người bạn chúng tôi lâm vào tình cảnh “gà trống nuôi con” đã nhiều năm. Một buổi tối sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, người bố bước vào phòng cậu con trai út là một học sinh Trung Học 17 tuổi. Đây là thời gian cậu phải chuẩn bị học thi cho những kì thi lên Đại Học trong năm tới. Tuy nhiên, người bố thấy cậu đang nằm dài trên giường, vừa coi TV vừa “chat” với bạn trên internet. Trên bàn và trên kệ, chồng sách vở nằm ngay hàng thẳng lối, không có dấu hiệu gì của một người đang học thi. Khi thấy bố vào, cậu ngồi lên chào bố. Người bố hỏi, “Hình như ngày mai con có cuộc thi quan trọng phải không? Sao, con đã chuẩn bị kỹ càng chưa?” Cậu con trả lời, “Bố, con chán học lắm rồi. Con thấy học cho lắm cũng vậy thôi. Chả có gì quan trọng cả!” Người bố cảm thấy một cơn giận đang âm ỉ nổi dậy trong lòng. Bao năm tháng, ông cố gắng một mình lo toan mọi việc cho các con thong thả ăn học. Kỳ vọng duy nhất ông đặt vào các con là phải lo chăm học và giữ đạo nghĩa. Bây giờ cậu con út ngang xương tuyên bố không muốn học! Ông lặng người suy nghĩ. Sau đó người bố bình tĩnh trả lời, “Được rồi. Con không muốn học thì bố cũng không ép. Mấy sách vở này bây giờ con không cần nữa thì để bố dẹp cất đi cho rộng phòng”.

Người bố ra garage, lấy vào mấy thùng giấy carton, thong thả xếp từng cuốn sách vào thùng rồi lấy băng keo dán lại. Ông khiêng từng thùng ra ngoài garage cất, xong bước vào phòng đối diện với cậu con trai. Ông móc túi lấy tiền từ trong ví ra và nói, “Ngày mai, con không phải đi học thì con có thể đi chơi. Đây, bố cho con ít tiền mặt. Con cầm lấy mà tiêu”.

Sau đó, người bố ngồi xuống bàn giấy của con, lấy giấy viết ra và nói, “Để bố viết một lá thư cho bà Hiệu Trưởng, xin phép cho con nghỉ học”.

Viết lá thư xong, ông gấp lại, bỏ vào phong bì và đặt trên bàn rồi đứng dậy. “Thôi, bố mệt rồi, bố về phòng nghỉ. Con không phải đi học ngày mai thì con cứ tự nhiên thức khuya, coi TV. Không sao cả”.

Nói rồi, người bố vào phòng riêng đóng cửa lại. Chừng một tiếng đồng hồ sau, có tiếng gõ cửa. Giọng người con trai rụt rè nói, “Bố, con muốn nói chuyện với bố”. Người bố mở cửa ra và cậu con bước vào phòng. Cậu nhìn bố nói, “Bố, con suy nghĩ lại rồi. Con muốn tiếp tục đi học!” Người bố vui vẻ trả lời, “Ồ! Vậy thì mình xuống nhà đem sách ra lại con nhé”. Nói xong, hai bố con khiêng hai thùng sách từ garage trở lại phòng, mở ra, và sắp sách lại trên kệ y như cũ. Từ đó về sau, cậu con trai không bao giờ than phiền về chuyện học và người bố không bao giờ nhắc lại chuyện cũ!

Năm nay cậu con trai ra trường, tốt nghiệp một lần hai môn và đã có việc làm tốt chờ sẵn.

  1. The Necessary and Sufficient Condition – Điều kiện ắt có và đủ:

Trong toán học và luận lý học, điều kiện phụ thuộc rất thông dụng, ví dụ như: “Nếu Y hiện diện thì X cũng xuất hiện”. Phần “nếu Y hiện diện” là mệnh đề điều kiện, phần “X cũng xuất hiện” là kết quả.

Có hai loại điều kiện: ắt có và đủ. (a) Điều kiện ắt có là điều kiện khi thiếu không thể đem lại kết quả. Ví dụ: Nếu thiếu Y thì không có X – Nếu thiếu không khí thì không có sự sống. Điều kiện ắt có cho sự sống là không khí, tuy nhiên chỉ có không khí cũng chưa đủ để có và duy trì sự sống. (b) Điều kiện đủ là điều kiện tự nó bảo đảm kết quả, không cần phụ thuộc vào bất cứ một điều kiện nào khác. Nếu có X, tức nhiên phải có Y – Nếu là một hình vuông, tức nhiên phải có bốn gốc vuông. Đã có bốn gốc vuông thì chắc chắn là hình vuông.

Trong vai trò làm cha làm mẹ của con em lứa tuổi thanh thiếu niên, điều kiện để dẫn đến sự thành công là gì? Điều kiện nào là điều kiện ắt có và điều kiện nào là điều kiện đủ? Để hiểu rõ hơn sự khó khăn, phức tạp và tế nhị đòi hỏi bậc cha mẹ trong lúc này, chúng ta mượn các khái niệm toán học. X cần thiết nhưng không đủ để đưa đến Z: X là tình thương cha mẹ dành cho con, nhưng thương không vẫn chưa đủ để giúp con nên người. Nhưng nếu thiếu X thì không thể nào có Z – thiếu tình thương cha mẹ, chắc chắn con sẽ không có cơ hội thành công.

Như vậy thì điều kiện ắt có (X) là tình yêu thương cha mẹ dành cho con; điều kiện đủ (Y) là tình thương không vị kỷ – nghĩa là cha mẹ đặt hạnh phúc và tương lai con trên hết; và kết quả (Z) là sự thành người của con sau này.

Xã hội Việt Nam đặt nặng vấn đề sĩ diện và quan niệm dạy con chú trọng vào việc uốn nắn con theo khuôn khổ và truyền thống gia đình. Vì sĩ diện, khi con cái không làm theo ý cha mẹ, cha mẹ cảm thấy bị sỉ nhục và có những lời lẽ quyết liệt (ultimatum) ví dụ như: “Mày mà bước ra khỏi căn nhà này thì đừng bao giờ trở về nữa!”, “Con mà đi theo băng đảng thì ba mẹ từ con luôn!” Khi con làm cha mẹ phật lòng, giận dữ, cha mẹ lớn tiếng la mắng ngay cho thỏa sự tức giận và bực dọc. Có thương con, cha mẹ mới tức giận, buồn lòng.

Tuy nhiên để đạt được kết quả (Z) – con nên người mai sau, chúng ta cần để ý hơn về yếu tố (Y). Giận và buồn bực là những cảm xúc không ngăn được khi có chuyện làm chúng ta phật lòng. La mắng, sỉ nhục, nặng lời, đánh đập, trừng phạt là những hành động chúng ta có thể kềm hãm được khi cân nhắc hậu quả và mục đích tối hậu – giúp con nên người. Yếu tố (Y) giúp người cha người mẹ nghĩ tới hành động và sự hữu hiệu trong việc hướng dẫn con. Yếu tố (Y) giúp cha mẹ không bỏ rơi (give up) con lúc khó khăn. Tình thương không vị kỷ (Y) giúp cha mẹ dám tâm sự, chia sẻ, tìm giải pháp và sự giúp đỡ bên ngoài để hướng dẫn con.

Cha mẹ nào mà không yêu thương con. Yêu thương là điều kiện ắt có để hướng dẫn, dạy dỗ con nên người. Có yêu đủ hay không là yếu tố quan trọng để định đoạt sự thành công hay thất bại trong vai trò làm cha, làm mẹ. Trong hai ví dụ đưa ra trong hai định luật trước, những người bố người mẹ kia là người có thật, không phải do chúng tôi dựng lên để “make a point!” Nhưng khi chỉ nghe kể lại mà chưa tiếp xúc với họ thì có lẽ bạn cũng thấy “khó tin.” Thật ra họ cũng là những người bình thường như chúng ta thôi – họ cũng có lúc nóng giận, mất bình tĩnh, không kiên nhẫn, v.v… Tuy nhiên khi là cha là mẹ thì họ yêu con họ hơn chính bản thân họ. Họ yêu con đủ để làm những chuyện bình thường họ không làm được. Họ yêu con đủ để đặt hạnh phúc và tương lai con lên trên cá nhân họ. Khi yêu con nhiều và đủ, người cha người mẹ có thể vượt qua tất cả để “cứu” con.

* Một câu truyện khác:

Không phải chỉ có cha mẹ Á Đông hay Việt Nam mới biết yêu con hết lòng. Một trong những bạn và đồng nghiệp chúng tôi là một bà gốc Mỹ Latin. Khi hai vợ chồng ly dị thì cô con gái bà mới 15 tuổi. Từ bé đến lớn bà cho con theo học trường tư, trường đạo. Đến khi ly dị phải dọn nhà đi xa, trong năm đầu, bà vẫn đưa con về trường cũ học, khá xa nhà. Sang tới năm sau, cô con gái đề nghị bà chuyển cô về một trường công lập gần nhà để cô dễ dàng có bạn cùng lớp cùng xóm. Bà mẹ cô là một nhà giáo dục thuần thành – vừa là counselor cho một trường Đại Học, vừa là một Ủy Viên Giáo Dục học khu trong vùng. Bà sinh hoạt nhiều trong cộng đồng nên được nhiều người biết đến. Bà đồng ý đổi trường cho con. Cô con gái, lúc trước sống trong khuôn khổ trường đạo khép kín và kỉ luật chặt chẽ, nay ra một môi trường mới, cô thay đổi rất nhanh. Trường mới của cô nằm trong khu vực trung lưu – đa số gia đình có mức lợi tức cao vì cả hai cha mẹ đều đi làm (2-income families); do đó, các cô cậu thanh thiếu niên có tiền tiêu rộng rãi nhưng thiếu sự kiểm soát của người lớn. Qua tới năm Lớp 10 Trung Học, cô con gái bắt đầu theo bạn uống bia, rượu – lúc đầu chỉ vào những cuối tuần, dần dần qua những ngày giữa tuần.

Có những buổi chiều bà mẹ đi làm về, vào phòng thấy con nằm dài, hơi thở nồng mùi rượu, say be bét. Bà mẹ bỏ làm, chạy vào trường nói chuyện, tìm hiểu, và tìm cách giúp đỡ con. Bà khám phá ra là nạn uống rượu rất phổ biến trong trường và hầu như ai cũng làm ngơ. Miễn sao học sinh vẫn tiếp tục đến trường, không say sưa trong khuôn viên trường thì nhà trường không có trách nhiệm gì hết! Thất vọng, bà đưa con trở về lại trường cũ, hy vọng cô sẽ tách rời các bạn cũ ảnh hưởng xấu. Vì là một người mẹ độc thân, gia cảnh cô quạnh chỉ có hai mẹ con, bà vẫn phải đi làm và chỉ dò hỏi con lúc về nhà buổi tối. Cô con gái tỏ ra thuần thục hơn, ít đàn đúm bạn bè uống rượu hơn. Tuy nhiên, sau lưng bà, cô vẫn lén lút gặp đám bạn cũ. Không những thế, đám bạn bắt đầu cho cô nếm mùi thuốc phiện, cần sa, ma túy và không lâu sau, cô bị nghiền.

Triệu chứng của những người nghiện thuốc mà vẫn có thuốc hút hoặc hít đầy đủ thì rất khó phát hiện trong giai đoạn đầu. Đến khi bà mẹ biết rõ thì cô con gái đã nghiện nặng rồi. Cô bỏ bê trường lớp và không còn thiết tha điều gì ngoài việc tìm chất thuốc phiện đưa vào người cho qua cơn ghiền. Có những đêm hai mẹ con lời qua tiếng lại và cô con gái mở cửa bỏ nhà đi. Bà mẹ đi tìm con miết không thấy phải báo Cảnh Sát. Đó là một sự nhục nhã cho bà vì bà vừa là một Counselor, vừa là một Ủy Viên Giáo Dục và là Dân Cử. Tuy nhiên lúc ấy, bà chẳng nghĩ gì hơn ngoài việc tìm con, sợ con lang thang, vất vưởng ngoài đường giữa đêm khuya nguy hiểm.

Trong suốt thời gian đó bà mẹ có cảm tưởng mình đang sống trong địa ngục. Bà vừa giận con, vừa thương xót cho con thân xác tàn tạ, vừa tủi hổ với chính bản thân mình. Bà yêu con và nhất quyết tìm cách giúp con.

Sau khi nói chuyện với những người đồng nghiệp và nghiên cứu trên Internet, bà tìm một Trung Tâm chuyên giúp thanh thiếu niên cai nghiện và bắt kịp lại chương trình học. Trung tâm này tọa lạc tại một quần đảo hoang dã trong vùng biển Carribean. Đây là biện pháp cuối cùng dùng để cải huấn những thanh thiếu niên bị nghiện.

Trung tâm này là nhà trọ nguyên năm của các cô cậu để vừa “cai” thuốc cho họ, vừa dạy kèm ráo riết để họ có thể trở về trường học cũ và ra trường cùng với chúng bạn. Chi phí cho trọn năm là 40 ngàn mỹ kim. Bà mẹ nhất quyết gửi con đi mặc dầu bà phải lấy hết tiền trong quỹ tiết kiệm và mượn thêm tiền của người anh họ. Sau khi tham khảo với người mẹ, trung tâm cho người đi theo cô con gái để quan sát trong hai ngày. Đến ngày thứ ba, họ đón cô khi cô vừa trong một khu phố Shopping Center bước ra. Hai người ập tới mang cô vào xe van có bà mẹ ngồi đợi. Bà mẹ ôn tồn giải thích cho cô là cô phải đi học ở xa, một năm sau mới về lại nhà. Mặc cho cô la khóc, nguyền rủa, chiếc xe chở cô lên phi trường với một xách hành lý người mẹ sắp sẵn. Họ đưa cô lên một chiếc máy bay tư, nhỏ, đậu sẵn ở sân bay trong tiếng la khóc ai oán của cô con gái. Bà mẹ đứng lặng người nhìn theo, lòng quặn thắt, cầu mong mình đã hành xử đúng.

Một năm sau, bà mẹ được tin lên đón con về. Bà phải đi hết hai chuyến máy bay, một chuyến xe đò và một cuốc xe ngựa mới lên đến nơi. Trung tâm nằm trên một ngọn núi nhìn xuống biển, bốn bề là rừng cây um tùm. Bên trong gọn gàng, sạch sẽ và chỉ có những tiện nghi tối thiểu, không hơn những nhà nội trú hoặc dòng tu. Các khóa sinh phải tự dọn dẹp, nấu nướng, giặt giũ và lau chùi nhà cửa, phòng ngủ của mình. Thức ăn dinh dưỡng nhưng đạm bạc. Kỷ luật của trung tâm rất chặt chẽ và khắt khe. Ngoài giờ ngủ, mỗi giờ đều được tính sẵn theo thời khóa biểu mọi người phải tuân theo. Khóa sinh phải học tất cả các bộ môn đang học trong trường, kể cả thể dục, ngoại ngữ, toán, sử, v.v… Đa số các thanh thiếu niên đến từ những gia đình có tiền và chức tước ở Hoa Kỳ và các quốc gia Âu Châu. Các cô cậu sau khi “thuần thành” và xuất trại, chẳng ai dám tái phạm vì không bao giờ muốn trở về lại chốn này lần thứ hai!

Trong suốt tháng đầu khi trở về nhà, cô con gái đi học tử tế nhưng không nói lời nào với bà mẹ. Mỗi khi bà mẹ hỏi thăm, tìm cách trò chuyện, cô nhìn bà mẹ với một ánh mắt oán hờn. Sáu tháng sau, cô bắt đầu tường thuật lại những ngày “huấn nhục” cô trải qua trong trung tâm ấy. Một năm sau, khi đã hoàn toàn hòa nhập lại đời sống học sinh và theo kịp bạn bè, bất chợt một buổi tối cô ôm mẹ hôn và nói, “Con cảm ơn mẹ!”. Hiện tại, cô vừa chuyển lên trường Đại Học bốn năm sau khi học hai năm đầu ở Đại Học cộng đồng. Cho tới bây giờ, người mẹ mới tin là mình đã quyết định đúng! Lòng yêu con và sức mạnh của tình yêu con giúp bà không bỏ rơi con và làm đủ mọi cách để con vượt qua những khó khăn của tuổi trưởng thành.

* “In Love” and “Love” – “Yêu” và “Thương”:

Cách đây không lâu, một người bạn đồng nghiệp của tôi khoe hình cháu ngoại cháu nội mới nhận được và nói một cách đầy hứng thú và nhiệt tình, “I’m just in love with them!” Tôi ngạc nhiên nhìn bà hỏi, “Tại sao bà nói là “in love” thay vì “love”” Bà suy nghĩ một lúc và trả lời, “Mỗi lần tôi biết có cháu sắp đến chơi là tôi vui lắm. Nguyên ngày tôi chỉ mong đến chiều về để tôi gặp cháu. Khi đi shopping, tôi toàn nghĩ đến cháu và lựa áo quần đẹp cho chúng. Mỗi lần tôi nghe cháu bịnh là tôi lo lắng, gọi điện thoại thăm hỏi liên tục!” Bà ngưng một lúc rồi tiếp lời, “Lúc con tôi còn nhỏ, khi chúng còn là baby tôi cũng cảm thấy y như vậy. Lúc nào tôi cũng nghĩ đến con và sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ con tôi và cho chúng được sung sướng hạnh phúc. Bây giờ thì tôi vẫn ‘love’ con tôi nhưng tôi thật sự là ‘in love’ với cháu tôi!”

Lời chia sẻ của bà bạn làm chúng tôi suy nghĩ về sự khác biệt giữa hai trạng thái “love”“in love” – bình thường chữ “in love” chỉ dùng trong sự liên hệ tình cảm giữa nam và nữ lúc hai người mới yêu nhau. Khi ấy tình cảm còn đang nồng nàn, sôi động, lúc nào cũng muốn gần nhau; trong mắt họ, không ai đẹp hơn người mình yêu; người kia làm gì, nói gì người nọ cũng thấy hay và hấp dẫn hết. Hai người đang yêu nhau cũng dễ sẵn sàng hy sinh cho nhau, kiểu “Romeo” và “Julliette”. Chúng tôi nhớ lại lúc con mình còn bé dại và hồi tưởng lại cái cảm xúc hạnh phúc lúc bồng bế con trong tay và cái cảm tưởng là không ai đẹp hơn con mình và mình sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bảo vệ con. Ai từng làm cha làm mẹ cũng đã trải qua những cảm xúc như thế. Do đó, dùng chữ yêu con lúc con mới ra đời và còn bé bỏng thật là chính xác. Trải qua nhiều năm tháng cái tình “yêu” con đằm thắm lại và chuyển thành “thương.” Nói như thế, chúng ta có thể cho chữ “yêu” tương đương với “in love”“thương”“love”.

Lứa tuổi thanh thiếu niên – teenagers – là lứa tuổi “khó yêu” nhưng “đáng yêu” hay cần được yêu nhất! Trong lứa tuổi này, con cái bắt đầu muốn có sự tự lập, tự tách riêng khỏi lệ thuộc cha mẹ để chuẩn bị làm “người lớn” – đây là một tiến trình tự nhiên trong sự phát triển của con người, bất kể chủng tộc, văn hóa và màu da. Những câu phát biểu ý kiến trái ngược với cha mẹ, những hành vi chống đối hay tỏ ra bất cần đều nằm trong diễn tiến đi từ sự lệ thuộc (dependence) đến sự tự lập (independence) mà xã hội Âu Mỹ cho là tự nhiên. Ngoài sự thay đổi về tâm lý các cô cậu còn bị giao động về các biến chuyển thể lý.

Trong giai đoạn này, vai trò cha mẹ chuyển đổi từ trách nhiệm “dạy dỗ” (teaching/nurturing) đến “hướng dẫn” (guiding/facilitating). Người cha người mẹ phải chấp nhận sự thay đổi từ “tập quyền” – cha mẹ là người nắm quyền quyết định tất cả những vấn đề quan trọng – đến “phân quyền” – cho phép con cái góp ý kiến và cùng quyết định những gì ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc đời chúng. Đây không phải là chuyện dễ làm, nhất là khi cha mẹ tin là mình khôn ngoan hơn, từng trải hơn, nhiều kinh nghiệm đời hơn, v.v… như câu ca dao “Trứng làm sao khôn hơn rận”. Có thể trong một số gia đình Việt Nam hải ngoại, cha mẹ vẫn áp dụng nguyên tắc “áo mặc sao qua khỏi đầu” một cách hữu hiệu. Tuy nhiên, đa số gia đình chúng ta có lẽ nên “điều chỉnh” lại một tí để có sự dung hòa giữa Đông và Tây để bớt sự căng thẳng và xung đột giữa cha mẹ và con cái lứa tuổi teenagers. Cha mẹ có thể hướng dẫn con đi từ sự lệ thuộc, nương tựa vào cha mẹ (dependence) đến sự tương trợ (interdependence.) Đó là điển hình sự hòa hợp giữa Đông và Tây thích hợp cho gia đình người Việt hải ngoại.

Lứa tuổi teenagers với những phản kháng và chống đối là lứa tuổi “khó yêu” nhất. Tuy nhiên, đây cũng là lúc cha mẹ cần “yêu” con nhất. Khi con cái biết chắc và tin tưởng vào tình yêu tuyệt đối của cha mẹ và gia đình, chúng sẽ từ từ vượt qua tất cả những khó khăn của lứa tuổi này để thành người. Ba nguyên tắc chúng tôi chia sẻ phần trên nghe thật đơn sơ nhưng không dễ áp dụng, trừ khi cha mẹ tìm cách “fall in love” lại với con cái mình. Trên kệ tủ phòng ngủ và quanh nhà, chúng tôi chưng hình các con lúc chúng còn bé dại. Mỗi lần chúng tôi cảm thấy bực mình, khó chịu vì chúng thì chúng tôi nhìn vào những khuôn mặt bụ bẫm và ngây thơ đáng yêu của chúng và sự khó chịu và bực dọc từ từ tan biến…

Nguyen Lam Kim Oanh

* Tác Giả Bài Viết – Giáo Sư Nguyễn Lâm Kim Oanh là:

– Phó giám đốc (Associate Director), CLMER Center for Language Minority and Research Education, Đại học CSU Long Beach,
– Giám đốc (Executive Director), SLI Strategic Language Initiative, CaliforniaState University System, Hệ thống Giáo dục Đại học Tiểu bang,
– Giám đốc (Director of Advanced Research and Training), IFLE International and Foreign Language Education US Department of Education, Nha Ngoại ngữ và Giáo dục Quốc tế trong Bộ Giáo Dục Hoa Kỳ,
– Senior Advisor, White House Initiative on Asian Americans and Pacific Islanders, Ủy ban Đặc trách Người Mỹ Gốc Á trực thuộc Phủ Tổng Thống.

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com