Tiếng ho khủng bố (nguồn: www.pixabay.com)
Chưa bao giờ người ta sợ tiếng ho trong mùa dịch Coronavirus đến thế. Sự hãi sợ xảy đến không những cho người ho, mà nó còn lây lan mãnh liệt hơn cho người không ho khi chứng kiến hay bị ở gần người bị ho mà không có gì che đậy hay ho vào mặt họ. Bản thân người ho lo lắng không biết rõ tiếng ho của mình có dính dáng gì tới con vi trùng Covid-19 hay không, và nỗi lo sẽ biến thành sợ sệt. Người ngồi gần hay tiếp xúc với người ho còn sợ hơn vì không biết người này có dương tính hay chứa chấp con vi rút tàng hình này hay không. Sốt cao, khó thở thì không ai thấy, ho giống như một cái còi báo động cho mọi người rằng con vi trùng Covid-19 có thể đang bay lơ lửng gần họ. Ho giống như một chiếc áo voan mỏng lúc tỏ lúc mờ đang trùm lên con Covid-19 để người ta nhận diện. Tiếng ho tự nó mang tính đe doạ, khiếp sợ và hoang mang cho số đông những người nghe hay thấy nó nên nói một cách suy diễn nó mang tính "khủng bố".
Vài sự kiện có liên quan tới tiếng ho khủng bố đang xảy ra trong mùa dịch toàn cầu này.
Theo một bản tin của BBC ngày 9 tháng 3, 2020, tiếng ho của 1 phụ nữ đã gây ra hàng hoạt những phản ứng khác nhau trong truyền thông của dân chúng Úc. Trong một chuyến xe lửa của thành phố Sydney, nhà báo Andy Park của tập đoàn phát thanh truyền hình Úc trong lúc ngồi gần hai hành khách trên tàu, đã chứng kiến và ghi lại sự việc họ cãi nhau chỉ vì người phụ nữ ho. Clip video ngắn này cho thấy người đàn ông Úc yêu cầu người phụ nữ che miệng khi bà ta ho. Bà ta nói bà chỉ ho trong miệng, mà không ho ra ngoài. Ông ta nói "Thật là kinh tởm". Thế là tức quá bà ta ho vào mặt người đàn ông.
Các trường hợp lây nhiễm ở Úc cũng như toàn thế giới đã gia tăng trong những tuần gần đây, với hơn 80 trường hợp ở Úc và ba trường hợp tử vong cho đến ngày tôi viết bài này.
Cũng trong 1 bản tin cùng ngày, một đoạn phim cho thấy một người phụ nữ Trung Hoa tức giận ho vào mặt tiếp viên phi hành hãng Thai Airways, khi bà được thông báo không được xuống máy bay trong nhiều giờ vì lý do phải qua thủ tục sàng lọc bệnh dịch Covid-19. Bà này đã phải ngồi trên chuyến bay từ Bangkok đến Thượng Hải trong 10 tiếng đồng hồ. Khi máy bay đáp, bà được thông báo phải chờ thêm vì mọi người phải qua thủ tục sàng lọc xem có ai nhiễm vi khuẩn Covid-19 không. Bà nổi nóng vung tay chân và ho vào mặt tiếp viên hàng không như một vũ khí đe doạ lây nhiễm. Phải 6 nhân viên phi hành đoàn mới khuất phục bà ta được để còng tay bà. Giám Đốc công ty An Ninh Hàng Không Thái giải thích "Chúng tôi đã phải chờ 7 tiếng đồng hồ để bên quan chức nhà nước Trung Quốc đến sàng lọc trước khi mở cửa máy bay cho khách hàng xuống". Bà Trung Hoa này sau khi được giải thích đã nguội lại và đợi sàng lọc để xuống máy bay.
Ở Mỹ tình trạng sợ ho và kỳ thị người ho cũng không khác gì. Trong các chuyến xe điện ngầm ở New York, một phương tiện công cộng, là nơi lúc nào cũng có chứa chật cứng những người. Bà Robyn Gershon, Giảng Sư phòng của Đại Học New York Phòng Chống Thiên Tai cho biết, "Tôi luôn thủ sẵn khăn giấy để che miệng và mũi để khi nào có người ho, tôi che liền, tuần rồi gần chỗ tôi đứng có người đã ho, may quá tôi có đeo kính dù gì cũng che được đôi mắt. Chuyến bay chiều ngày 8 tháng 3 của hãng United Airlines từ bang Colorado đến New Jersey đã phải chuyển hướng bay qua Denver sau khi vài hành khách gây náo loạn đòi bỏ người ho xuống vì phát hiện một người trong chuyến bay bị ho, hắt hơi chỉ vì bị dị ứng. Cảm, cúm, cổ họng khô vì dị ứng phấn hoa hay sặc nước cũng bị ho.
Tại một trường Trung Học ở Los Angeles, một học sinh Việt Nam 13 tuổi đã bị thầy giáo cách ly, bắt em ngồi ở một góc, sau đó đưa lên phòng y tá, khi phát hiện em bị ho. Em nói em ho khi uống nước bị sặc và em nghĩ mình bị kỳ thị vì em là 1 học sinh Á Châu, trong khi các bạn khác ho thì chẳng sao. Sau đó, em đã bị các học sinh khác chọc ghẹo, nói là em bị nhiễm Coronavirus. Dylan nói rằng thầy giáo đã có vẻ bực bội khi thấy em trở lại lớp học. Qua ngày hôm sau, theo lời kể của Dylan Muriano, thầy giáo đó đã cáo buộc em đã gây rối trong lớp và bắt em phải đến văn phòng của Hiệu Trưởng để chịu kỷ luật và buộc phải chuyển lớp, không cho học ở lớp khoa học danh dự cho học sinh giỏi nữa. Mẹ em là Leyna Nguyễn, một cựu xướng ngôn viên tin tức và phóng viên lâu năm của hai đài truyền hình KCAL-9 và KCBS-2 đã đưa mọi việc ra ống kính truyền thông và nhờ Luật Sư can thiệp.
Một em học sinh Trung Học 16 tuổi khác ở học khu San Fernado Valley cũng bị tấn công và bắt nạt bởi các học sinh trong lớp do bị nghi là dính Coronavirus và vì em là học sinh Á Châu. Trước đó em bị bệnh được đưa vào bệnh viện khẩn cấp và chụp MRI để chắc chắn em không bị chấn động chỗ nào khác. Ngoài ra, sự kỳ thị người Á Châu còn xảy ra trong thời gian này ở nhiều nơi khác nữa.
Đã vậy cả thế giới các nơi có dịch bệnh ai cũng trang bị mặt nạ khẩu trang trong khi dân Mỹ thì tin tưởng vào lời khuyên của Trung Tâm Kiểm Soát và Phòng Ngừa Dịch Bệnh CDC là không nên đeo khẩu trang vì nó không giúp ích gì lại còn có thể có hại. Nếu đeo thì những người bị ho nên đeo để tránh đờm dãi bay ra hay trúng vào người khác. Nên dùng khăn giấy để che, hay ho vào khuỷ tay áo. Theo tôi, nếu người ho mà đeo khẩu trang, có lẽ sẽ không gặp vấn đề làm phiền người khác hay khiến họ sợ sệt.
Thật ra cho đến nay, số khẩu trang của Hoa Kỳ có, không đủ dành cho những nhân viên y tế chăm sóc người bị lây nhiễm, huống gì người dân. Cơ quan CDC khuyên nên để dành cho những người cần thật cần. Các tin tức cho biết Mỹ vẫn thiếu rất nhiều các dụng cụ phòng chống dịch bệnh, kể cả các bộ thử nghiệm dịch. Khi chưa có dịch, khẩu trang là thứ người ta chỉ đeo khi làm vườn hay để chống bụi bặm. Khi nạn dịch bùng phát, giá khẩu trang không những tăng vọt mà còn khan hiếm đến nỗi, có tiền cũng không có mà mua. Bên Việt Nam có xưởng sản xuất khẩu trang mà còn bị khan hiếm, đã có những người đi thu lượm những khẩu trang xài rồi bỏ đi về tái chế, bán lại làm giàu.
Do các kinh nghiệm sống có được, nhiều người Á Đông ở Mỹ vẫn đeo khẩu trang dù không bị ho, ai nói mặc kệ. Một hôm tôi vào một siêu thị Á Đông không đeo khẩu trang vì tôi không có cái nào, tôi thấy các nhân viên của chợ đều đeo khẩu trang. Khi vào khu bán rau, đang lựa rau thì gần chỗ tôi đứng một thanh niên Mễ, tay chân đều có hình xâm nổi cơn ho dữ dội. Anh ta ho mà không bịt miệng, nước văng tùm lum, thế mà cứ đi tới đi lui mua sắm khắp chợ trông thật kinh khủng. Tôi len lén tránh ngay ra xa, không dám trở lại khu rau quả nữa. Đó là cái cảm giác chính tôi thấy người khác ho mà không đeo khẩu trang, "khủng bố" đến dường nào. Trông cái tướng xâm mình đầy tay của anh ta, ai dám nói anh bịt miệng lại khi ho? láng cháng mình bị vỡ mặt chứ chẳng chơi. Mấy hôm sau tôi bị cảm lạnh, ho muốn nổ cả phổi. Tuy không sốt nhưng cũng sợ sợ, liền đi cho bác sĩ khám. Bước vào văn phòng bác sĩ, tôi thấy ngay cái thông cáo bảo ai bị ho phải đeo khẩu trang. Ông bác sĩ cũng đeo khẩu trang và rửa tay liên tục. Các cô y tá thì không đeo. Tôi bảo cô y tá, tôi bị ho mà không có cái khẩu trang nào xin cô cho 1 cái. Cô đưa tôi một cái và chỉ 1 cái thôi không hơn. Sau khi khám, bác sĩ bảo tôi chỉ bị cảm lạnh, không sốt ok rồi, tuy nhiên ông vẫn cho tôi đi chụp hình phổi để chắc ăn.
Gần đây nhất một phụ tá bác sĩ Hoa Kỳ, người bị nhiễm dịch đã chia sẻ tình trạng sức khoẻ của anh cho đài The New York City WCBS biết. "Sức khoẻ của tôi ngày một xấu đi". James Cai mới bị nhiễm và phải nhập viện, dù tuổi mới 32. Anh tin rằng anh bị nhiễm khi đi dự một buổi họp ở một khách sạn về sức khoẻ trong khu Time Square New York. Anh thêm, "Nó xảy ra nhanh lắm, Vi khuẩn Covid-19 là mọi thứ: Tiêu chảy, chảy nước mắt, đau ngực, khó thở, sốt cao, sức khoẻ mỗi ngày một xấu đi.". Anh nhấn mạnh "Mọi người phải cẩn trọng, vì dịch này rất ư là nghiêm trọng. Nhiều người nói, không sao đâu, không cần đeo khẩu trang, tôi không tin như vậy"
Trịnh Thanh Thủy
Tài liệu tham khảo
Otherwise healthy NJ coronavirus patient says he’s ‘getting worse’ every day