Người Tây Phương thích xài giấy vệ sinh hơn người Đông Phương. (Hình minh họa: Jeenah Moon/Getty Images)
Hầu như gần hết lịch sử nhân loại, chúng ta không cần xài giấy vệ sinh. Theo hồ sơ lưu lại, lần đầu tiên con người xài giấy cho mục đích vệ sinh là vào thế kỷ thứ 6 ở Trung Quốc, theo đài BBC.
Tuy nhiên, mãi đến năm 1857 thì người ta mới bắt đầu sản xuất giấy vệ sinh để bán. Người làm công việc này là thương gia người Mỹ Jospeph Gayetty.
Trước đó, người ta dùng đủ thứ khác nhau để “chùi.” Người Nhật cổ đại thì dùng chiếc que. Người La Mã thì dùng chung miếng bọt biển (sponge) ở nhà vệ sinh tập thể, khiến dịch bệnh dễ lây lan.
Ngoài ra, người ta còn xài nhiều thứ khác như miếng vải giặt được, cùi bắp, cỏ, da thú, tuyết, và cả cục gạch.
Những yếu tố khiến người ta quyết định xài thứ gì là: vật đó mắc hay rẻ, có dễ kiếm không, xài thoải mái không, và thậm thí là thời tiết như thế nào.
Thời xưa, giấy xài một lần rồi bỏ là rất đắt tiền, chỉ là đặc quyền dành cho giới thượng lưu. Chuyện xài giấy vệ sinh cũng có thể cho biết người ta thuộc tầng lớp nào.
Người Ấn Độ dùng bình “lota” đựng nước khi đi cầu. (Hình: khalilicollections.org)
Thời kỳ Chiến Tranh Lạnh, phần lớn những quốc gia cộng sản dùng giấy vụn hoặc giấy cuộn rất thô cứng do nhà nước sản xuất bằng giấy báo tái chế.
Thực vậy, một trong những điệp vụ đạt nhiều kết quả nhất của Tây Phương thời Chiến Tranh Lạnh là Điệp Vụ Tamarisk, trong đó điệp viên của Anh và Mỹ gom được rồi sắp xếp lại nhiều tài liệu mật mà lính Xô Viết xé làm giấy vệ sinh.
Tuy nhiên, nhiều nơi coi giấy vệ sinh là ghê tởm và không hiệu quả. Năm 1795, ông Narayan Singh, một giới chức đế chế Mughal, bày tỏ thái độ khinh thường với những thương gia người Anh bằng câu hỏi: “Chúng tôi còn mặt mũi gì nữa khi làm ăn với một nhóm thương gia mà chưa biết rửa đít?”
Cũng như hầu hết nơi khác trên thế giới, ở Ấn Độ xưa kia và ngày nay, khi đi cầu, người ta thích dùng nước hơn. Thông thường, người ta để sẵn bình nước, mà họ gọi là “lota,” ở nhà vệ sinh. Họ cầm bình nước bằng tay phải và rửa bằng tay trái.
Ở Trung Đông, nơi phong tục Hồi Giáo khuyến khích xài nước, người ta gắn vòi xịt nước cạnh bồn cầu.
Nhật nổi tiếng là nước sản xuất bồn cầu công nghệ cao, tự động “chùi rửa, sấy khô,” không cần dùng tay.
Bồn cầu công nghệ cao “làm được đủ thứ” của Nhật. (Hình: pickadvisor.org)
Và mặc dù suốt nhiều thế kỷ, người Tây Phương thường chê thói quen đi cầu của người Đông Phương, mà họ dùng cụm từ “bàn tay trái dơ dẩn,” về mặt khoa học, có lẽ ông Narayan Singh nói đúng. Hết nghiên cứu này đến nghiên cứu khác đều cho thấy xài nước thì sạch hơn xài giấy vệ sinh. Hãy tưởng tượng bị rớt xuống vũng bùn, chúng ta sẽ dùng khăn giấy khô lau hay dùng vòi nước xịt?
Giấy vệ sinh cũng là vật gây nguy hại khủng khiếp cho môi trường. Để sản xuất giấy vệ sinh, mỗi ngày có 27,000 cây xanh bị chặt bỏ khắp thế giới. Sản phẩm này còn thường xuyên làm nghẹt cầu cống, mà cơ sở hạ tầng của hầu hết quốc gia đều không thể giải quyết vấn đề này.
Để sản xuất giấy vệ sinh, mỗi ngày có 27,000 cây xanh bị chặt bỏ khắp thế giới. (Hình minh họa: PATRICIA DE MELO MOREIRA/AFP via Getty Images)
Vậy, tại sao nhiều người vẫn nhất quyết xài giấy vệ sinh? (Th.Long)
Nguồn: https://www.nguoi-viet.com/