User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
daukhuynhdiepbst
 
Năm 1946, khi một chiếc xe đạp cũng là cả một gia tài với nhiều người thì “papa” của cậu học sinh Bùi Kiến Thành đã mua một chiếc xe tải lớn, dài 7-8 m nhưng không đóng tải mà dùng mặt bằng để chất lên đó một chiếc xe hơi Austin mới cáu cạnh. Gắn kèm chiếc xe là cái bảng to ghi: Giải thưởng Bác Sĩ Tín. Ai mua dầu của BS Tín cũng được cho một con số kèm theo. Đi cùng với chiếc xe là đoàn múa lân đánh trống tùng tùng xèng. Xe chạy từ Nghệ An, Hà Tĩnh suốt cho tới Cà Mau. Một chiếc xe quá lạ lùng và tưng bừng như vậy bảo sao dừng ở bãi chợ nào trẻ em, người lớn đều không xúm coi rần rần. Xổ số trúng thưởng sau đó được tổ chức rất nghiêm túc, ngoài xe hơi Austin còn có mấy chục giải phụ là xe đạp. Đó là chiêu mà BS Tín nghĩ ra để từ Nam chí Bắc ai ai cũng biết đến dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín cũng như nhà thuốc Bác Sĩ Tín.
 
Trước khi sản xuất dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín, ông Bùi Kiến Tín khởi nghiệp ở Quy Nhơn, làm các loại thuốc ho, bổ huyết, thuốc trị táo bón. Bà Hòa tích cực tham gia cùng chồng ngay từ những ngày này. BS Tín nói cần một cái nồi đồng thật lớn để nấu thuốc thì bà liền nhận nhiệm vụ đi kiếm cho ra cái nồi như thế. Bà đi về quê ngay lúc đám giỗ ở một nhà thuộc tộc họ Bùi thì gặp ông Bùi Thuyên, là cha ruột nhà thơ Bùi Giáng. Nghe chuyện, ông Bùi Thuyên bèn cho mượn cái nồi khá to! Như vậy, sự nghiệp làm thuốc của BS Tín khởi thủy xem ra lại có dây mơ rễ má với cái nồi đồng của gia đình thi sĩ Bùi Giáng…..! …Dầu gió được BS Tín bào chế có công thức đặc biệt bao gồm các loại dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu… và không thể thiếu tinh dầu khuynh diệp. Đây là loại tinh dầu có mùi rất đặc trưng, người bình dân quen gọi “mùi bà đẻ” bởi nó được các “bà đẻ” miền Nam... ưa chuộng…..
Dầu Khuynh Diệp Bác Sĩ Tín
 
Những năm 1950, Sài Gòn có một loại dầu gió mà hầu như gia đình nào cũng để ở trong nhà để phòng thân. Đó là dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín.
 
Ngoài việc trị cảm lạnh, nhức đầu, sổ mũi loại dầu này còn là người bạn đồng hành không thể thiếu đối với các sản phụ và em bé nên còn được gọi là “dầu bà đẻ”. Gần 50 năm đã trôi qua nhưng mùi hương đặc trưng của dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín vẫn còn đọng lại trong ký ức của người dân.
 
Bác Sĩ Tín tên đầy đủ là Bùi Kiến Tín, người Quảng Nam. Năm 1944 ông vào Sài Gòn lập ra Viện Bào Chế Đông Dược Miền Nam gọi là “Nhà Thuốc Bác Sĩ Tín” tại Phú Lâm, Quận 6.
 
Thời bấy giờ rất thiếu thuốc nên các bệnh thường gặp như cảm lạnh, đau đầu, sổ mũi cũng phải dùng thuốc Tây y nhập khẩu có giá rất cao. Trong bối cảnh đó, Bác Sĩ Tín đã tìm mọi cách để bào chế ra một loại thuốc có công dụng tương đương nhưng giá rẻ hơn, vì thế, dầu khuynh diệp đã ra đời.
 
Công thức dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín gồm dầu tràm, dầu bạc hà, dầu hương nhu nhưng chủ yếu là tinh dầu khuynh diệp. Nhưng thời bấy giờ, Việt Nam không sản xuất được nên phải nhập khẩu từ Bồ Đào Nha.
 
Đến năm 1975, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín ngưng sản xuất, Cộng Sản “quốc hữu hóa” và đổi tên thành Xí Nghiệp Dược Phẩm số 26, nay là Công Ty Dược Phẩm OPC.
Ông Lê Minh Điểm người tiếp quản nhà thuốc Bác Sĩ Tín sau năm 1975 vẫn còn lưu giữ 2 chai dầu khuynh diệp. Gần 50 năm đã qua nhưng mùi hương đặc trung vẫn còn nguyên vẹn.
 
Để quảng bá dầu khuynh diệp, Bác Sĩ Tín đã dùng nhiều cách độc đáo. Trong cuốn sách của ông Bùi Kiến Thành, con trai Bác Sĩ Tín có viết: “Bác Sĩ Tín đã mua mấy chục chiếc xe tải để đi khắp nơi quảng bá và bán tận tay tới người dân. Mỗi năm có khoảng 20 triệu chai dầu khuynh diệp được bán ra”.
 
Hơn 40 năm đã qua, dầu khuynh diệp Bác Sĩ Tín đã không còn xuất hiện trên thị trường nhưng mùi thơm thoang thoảng đặc trưng vẫn đọng lại trong ký ức của người Sài Gòn xưa.
 
VTV

 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com