Một số hãng hàng không đang có kế hoạch bay với ghế giữa để trống để giúp việc 'giãn cách xã hội'. Nhưng việc này có làm được không - và liệu có khả thi về tài chính không.
Khi nhiều quốc gia suy tính việc cách ly vì Covid-19, các hãng hàng không đang xem xét sẽ bay như thế nào khi giới hạn đi lại được nới lỏng. Các hãng hàng không đang lỗ và quyền lợi của họ gắn với việc máy bay hoạt động trở lại. Tuy nhiên sự yên tâm của hành khách sẽ là một trong nhiều rào cản phải vượt qua, nhiều người lo lắng về việc giữ khoảng cách hợp lý với những khách đi cùng chuyến.
Một số hãng hàng không đang nghiên cứu ý tưởng để ghế trống ở giữa để tránh hành khách phải ngồi sát cạnh nhau. Hãng hàng không đường ngắn Châu Âu EasyJet là hãng cuối cùng đưa ra ý tưởng này, với giám đốc điều hành Johan Lundgren mô tả nó vào tuần trước là "một thứ gì đó mà khách hàng muốn được thấy". Các hãng hàng không khác cũng khới lên điều này, gồm hãng Alaska Airlines và hãng hàng không Châu Âu Wizz Air.
Phương án lựa chọn bỏ ghế giữa không được ưa thích sẽ được công chúng đi máy bay rất hoan nghênh. Bạn ngồi bên cửa sổ và có cảnh nhìn đẹp, lại có vách ngăn ghế để dựa đầu ngủ. Ở ghế cạnh lối đi, bạn có thể đi vệ sinh dễ dàng hoặc duỗi cẳng khi nào mình muốn. Ghế ở giữa không có các lợi thế như vậy, trừ khi bạn là một trong những người hay bắt chuyện với bạn ngồi gần.
Nhưng liệu việc bỏ ghế giữa có thực sự giúp chúng ta duy trì được dãn cách xã hội và nếu vậy, các hãng bay có thể duy trì việc này được bao lâu? Nó có phải là một lựa chọn thực tế sau một giai đoạn rất ngắn?
"Ngay bây giờ, chúng tôi cần nó, bởi vì không làm như vậy sẽ mâu thuẫn với các hướng dẫn từ chính quyền và lẽ thường. Nhu cầu cấp thiết để làm chậm tốc độ lây nhiễm được ưu tiên hàng đầu, ngay cả khi giải pháp là không hoàn hảo", Daniel Baron, giám đốc điều hành của LIFT Aero Design có trụ sở tại Tokyo, giúp các hãng hàng không thiết kế cabin và trải nghiệm khách hàng, giải thích. "Tuy nhiên, về lâu dài, nó sẽ không bền vững về kinh tế. Sau khi mọi thứ ổn định, tất cả chúng tôi hy vọng lại quay trở lại với việc đi lại toàn cầu khả thi về kinh tế.
Theo lý thuyết 2 mét giãn cách, thì 4 hành khách cần 26 chỗ ngồi
Một chuyến bay gần như trống từ Milan đến London vào tháng 3. Một số hãng hàng không đang tiến tới bỏ trống ghế giữa trên máy bay có loại ghế này
Máy bay không được thiết kế cho việc giãn cách xã hội - mà hoàn toàn ngược lại. Hàng tỷ đô la đã được sử dụng trong những năm gần đây đặc biệt để bố trí càng nhiều người càng tốt vào các không gian hẹp. Ví dụ, khi chiếc Boeing 777 thân rộng, hai lối đi, 2 động cơ bắt đầu bay vào những năm 1990, hầu hết chúng có 9 chỗ ngồi ở mỗi hàng ghế kinh tế trên các chuyến bay đường dài. Ngày nay, hầu hết tất cả các hãng hàng không dùng máy bay này- dù là bay đường dài như với Emirates hay đường ngắn trong nội địa Nhật Bản - đều có 10 chỗ, nghĩa là chỗ ngồi hẹp hơn và lối đi hẹp hơn.
Bảo đảm giãn cách xã hội trong thời đại Covid-19 có nghĩa là mọi người cách nhau ít nhất 2m. Nhưng điều đó là không thể được trên một chiếc máy bay hiện đại, nơi chỗ ngồi rộng khoảng 45cm, do đó, việc để ghế giữa trống chỉ giúp bạn cách người ngồi cạnh 45cm theo chiều ngang. Bạn cần phải cách nhau hơn 4 chỗ để cách xa 2m. Nói cách khác, đó là khoảng cách giữa 2 ghế cửa sổ ở bất kỳ hàng 6 ghế nào với lối đi ở giữa. (Đó là đã bỏ qua, để đơn giản hóa, sự đi lại của hành khách hoặc đội bay dọc theo lối đi.)
Đó là theo chiều ngang. Còn theo chiều dọc, các hàng ghế có quãng cách khoảng 75-80 cm. Vì vậy, nếu chúng ta muốn giữ khoảng cách hành khách ít nhất 2m, điều đó có nghĩa là phải để cả hai hàng ghế hoàn toàn trống khách. Có nghĩa là chỗ ngồi cho 4 hành khách là 26 ghế, nghĩa là tỷ lệ phần trăm chiếm chỗ chỉ là 15%. Tỷ lệ này trong hàng không gọi là "hệ tố đầy tải".
American Airlines thông báo rằng họ sẽ cắt giảm một phần ba các chuyến bay quốc tế trong bối cảnh du lịch bị chững lại do sự bùng phát COVID-19
Hệ số đầy tải - về bản chất, là tỷ lệ phần trăm chỗ ngồi trên máy bay được hành khách chiếm giữ - xác định xem các chuyến bay có hòa vốn và đáng để hoạt động hay không. Đến một hệ số đầy tải nhất định, các chuyến bay sẽ có lãi và sự khác biệt giữa việc thua lỗ hay không trên một tuyến bay chỉ là một vài hành khách. Năm 2019, Hiệp hội Vận tải Hàng không Quốc tế đã nêu hệ số đầy tải trung bình toàn cầu là 84%, bay nội vùng từ 89% ở Bắc Mỹ đến 71% ở Châu Phi.
Việc bỏ trống các ghế giữa trên một chiếc Boeing 737 hoặc Airbus A320, thường có bố cục 3-3 - và thậm chí một số máy bay lớn hơn như Boeing 787 hoặc Airbus A350, có xu hướng bố cục 3-3-3 - có nghĩa là tối đa hệ số đầy tải là 66,7%. Điều đó đơn giản là không đủ để các hãng hàng không hoạt động mà không bị thua lỗ.
Tuy nhiên, Jason Rabinowitz, người đứng đầu dữ liệu phân loại của Công Ty Công Bố Giá Vé Hàng Không, một công ty thuộc sở hữu của hãng hàng không cung cấp dữ liệu về giá, chỉ ra rằng nhu cầu tại thời điểm này là điều thay thế tạm thời khả thi. "Chừng nào mà hệ số đầy tải vẫn còn thấp thì các hãng hàng không còn có thể bỏ những ghế giữa mà không gặp vấn đề gì.
Các chuyến bay vẫn đang hoạt động ngày nay đang hoạt động như vậy với hệ số đầy tải thấp đến mức đơn giản là không cần phải bố trí vào ghế giữa," ông giải thích.
Những chuyến bay nhìn chung hiện vẫn còn hoạt động, bởi vì chính phủ đã yêu cầu họ di chuyển sự tối thiểu cần thiết về người và hàng hóa trong thời kỳ cách ly này.
Máy bay của Westjet - hãng hàng không lớn thứ hai Canada - 'đắp chiếu' hàng loạt tại Sân bay Quốc tế Vancouver hôm 9/4/2020 tại British Columbia, Canada
Nhưng tình hình hiện tại không thể tiếp tục mãi mãi được. Trừ khi quy định của chính phủ thay đổi, việc giãn cách xã hội là bắt buộc và đã có sự lấp đầy khoản thiếu hụt doanh thu cho các hãng hàng không, "khi mà ngành này bắt đầu phục hồi và khai thác các chuyến bay theo lịch trình khá bình thường, thì các hãng hàng không cuối cùng sẽ không có lựa chọn nào khác ngoài việc phải bỏ việc để trống ghế giữa khi mà hệ số đầy tải tăng lên", Rabinowitz nói. "Khi tiến về phía trước, các hãng hàng không có thể sẽ phải nặng tay hơn một chút trong việc tạo khoảng cách đều đặn cho hành khách trên máy bay, đổi chỗ ngồi đã sắp xếp để tạo điều kiện cho việc giãn cách xã hội được tốt nhất có thể."
Vì vậy, khi chúng tôi bắt đầu bay trở lại, hãy đừng ngạc nhiên nếu chỗ ngồi của bạn cuối cùng lại bị thay đổi.
Việc giữ khoảng cách chỉ là một trong những biện pháp
Không phải tất cả các hãng hàng không đều ủng hộ cách bỏ trống ghế giữa. Michael O'Leary của hãng Ryanair đặt câu hỏi về tính hiệu quả của việc có thêm 45cm khoảng cách, đặc biệt nếu các hành khách không được cách ly đúng đắn khi còn ở mặt đất.
Các sân bay đã lắp đặt các biển báo thúc giục giãn cách xã hội, như tại sân bay Schiphol ở Hà Lan
Daniel Baron của hãng LIFT Aero Design chỉ ra rằng có một số biện pháp khác mà các hãng hàng không có thể sử dụng để cố gắng làm cho việc đi lại an toàn hơn. "Xin đừng quên rằng lưu thông không khí trong cabin máy bay ngang bằng với ở phòng mổ, ông nói. "Sự kết hợp của các việc sàng lọc trước chuyến bay, vệ sinh kỹ lưỡng cabin, bố trí thông minh chỗ ngồi và đeo khẩu trang có thể sẽ là cách làm ngắn hạn và trung hạn.
Những ý tưởng khác cũng sẽ xuất hiện: Delta Air Lines đã thay đổi cách lên máy bay và hiện đang lên máy bay từ phía sau tiến ra phía trước, vì vậy hành khách ngồi phía sau không phải vượt qua những người ngồi ở phía trước. Các hãng hàng không cũng cho lên máy bay ít người hơn tại một thời điểm để cải thiện khoảng cách giữa các hành khách.
Sân bay Haneda của Tokyo vào tháng 3 khi virus corona lan rộng trên toàn cầu. Mặc dù vắng hơn nhiều, sự giãn cách xã hội được áp dụng triệt để tại các sân bay
Nhiều hãng hàng không cũng bỏ hoặc giảm dịch vụ ăn uống trên máy bay để giảm tương tác giữa con người: thí dụ hãng Southwest đang phục vụ các lon nước riêng lẻ thay vì phục vụ uống thường là đầy đủ. Thay vào đó, một số hãng hàng không phát các túi thức ăn ngay từ cổng vào.
Covid-19 đã thay đổi thế giới của chúng ta theo nhiều cách, và sẽ tiếp tục làm như vậy khi chúng ta áp dụng cách làm khéo léo nhất để chống lại nó. Đối với những người cần phải bay và thực hiện bay, và đối với những người, may mắn thay, có thể gác lại để bay sau, cách chúng ta đi lại cũng sẽ thay đổi.
Nguồn: https://baomai.blogspot.com/