Hội nghị đánh giá Hiệp ước Cấm phổ biến Vũ khí Hạt nhân (NPT) được tổ chức 5 năm 1 lần để thảo luận về phương hướng của giải giáp vũ khí hạt nhân toàn cầu. Hội nghị đánh giá NPT dự kiến diễn ra vào 27/4 tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York. Tuy nhiên, do đại dịch Covid-19, LHQ vừa thông báo hoãn hội nghị này theo đề nghị của thứ trưởng ngoại giao Argentina vốn được chỉ định là chủ tịch hội nghị. Thời gian sẽ tổ chức lại chưa rõ vì tình hình lây lan trên thế giới chưa có dấu hiệu giảm.
Trong lúc thế giới đang bị con virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) tấn công, đọc tin tức trên nhiều người nghĩ ngay đến Công ước Vũ khí Hoá học (CWC). Tổ chức Cấm Vũ khí Hóa học (Organization for the Prohibition of Chemical Weapons (OPCW)), một tổ chức liên chính phủ có trụ sở tại Den Haag, Hà Lan đã thành hình nhầm mục đích cấm phát triển, sản xuất, tàng trữ và sử dụng vũ khí hóa học. Công ước này được ký vào ngày 13/1/1993 tại Paris có hiệu lực vào ngày 29/4/1997
(Phần lớn các cơ quan quản lý các công ước quốc tế đều ở Hà Lan, các cơ quan quản lý các Hiệp ước Quốc tế thì có trụ sở tại Liên Hiệp Quốc, New York?)
Quá trình thành hình CWC:
Lịch sử chiến tranh sinh học và hóa học đã có từ khi con người biết dùng cung tên để giết hại nhau. Nhà khảo cổ Simon James cho biết 20 lính La Mã đã bị giết chết tại Syria vào năm 256 trước Công Nguyên, vào thời đó người ta đã biết đốt cháy lưu huỳnh và nhựa đường để tạo ra chất độc. Thời Đế quốc La Mã, người ta đã nghĩ ra cách tẩm thuốc độc vào xác thú vật rồi bỏ xuống giếng của phe địch.
Năm 1899, “Hiệp ước The Hague” ra đời, sau đó là phiên bản mới năm 1907 cấm “sử dụng thuốc độc, đạn độc và các loại đạn truyền khí gây ngạt và khí độc. Nhưng hiệp ước này đã không được tôn trọng trong Thế chiến thứ nhất, vài chục loại hóa chất và biến thể của chất khí đã được phát triển. Quân đội Đức đã dùng hơi độc và vi khuẩn làm chết gia súc rồi gởi vào vùng đối phương để tiêu diệt. Lần thứ hai trong trận áp đảo thị trấn Ypres ở Pháp, quân đội Đức đã mang hàng ngàn ống thủy tinh chứa khí độc cực mạnh để làm vũ khí diệt địch. Kết quả hàng trăm lính Pháp tử trận nhưng chính phía Đức cũng bị rúng động vì những cái chết kỳ dị. Một hình thức chiến tranh tàn độc nhất của nhân loại.
Trong Thế Chiến Thứ Nhất
Năm 1918, vào cuối Thế Chiến Thứ Nhất, việc sử dụng vũ khí hóa học bị quốc tế lên án là không thể chấp nhận được. Nhưng giữa hai cuộc chiến và sau Chiến Tranh Lạnh, Mỹ và Nga vẫn sản xuất loại vũ khí này.
Năm 1925, Nghị định thư Geneva ra đời áp đặt việc cấm dùng vũ khí gây ngạt, khí độc hoặc các loại tương tự và vi khuẩn trong chiến tranh.
Năm 1972, Anh, Nga và Mỹ đã đồng ý là sẽ không phát triển, sản xuất và tàng trữ vũ khí vi khuẩn (sinh học) hoặc vũ khí độc tố và phá hủy những kho vũ khí đang tồn trữ.
Năm 1978, tại Geneva, một ủy ban giải giới và sau đó là hội nghị giải trừ quân bị đã làm việc về việc cấm vũ khí hóa học.
Năm 1984, Phó Tổng Thống Bush đề xuất kiểm tra kiểm soát là có thể ở mọi nơi và mọi lúc «anywhere, anytime», Đề nghị này được Liên Xô chấp nhận ba năm sau đó (năm 1987).
Ngày 13/1/1993, Một thỏa thuận cấm sử dụng vũ khí hóa học (The Chemical Weapons Convention (CWC)) chính thức ra đời tại Paris, Pháp, có hiệu lực từ ngày 19/4/1997. Có chữ ký của 130 quốc gia. Một cơ quan thanh tra quốc tế có quyền hạn điều tra việc khai báo, tiêu hủy kho tàn trữ và giám sát các ngành công nghiệp hóa chất nhạy cảm. Hiệp ước này không chỉ cấm việc khai thác, sản xuất, tàng trữ và sử dụng các vũ khí hóa học mà còn quy định là phải phá hủy tất cả các vũ khí hóa học đang tàng trữ trong vòng 10 năm.
Năm 2007, 66 cơ sở sản xuất vũ khí hóa học đã được OPCW kiểm tra và ngừng hoạt động, 61 trong số đó đã được chuyển đổi sang sử dụng dân sự hoặc bị phá hủy. Đến cuối tháng 2 năm 2008, 47 trong số các cơ sở đã bị phá hủy và 19 cơ sở được chuyển đổi cho mục đích dân sự. OPCW đã tiến hành 4.167 cuộc thanh tra 1.103 khu công nghiệp và 195 nơi có liên quan đến vũ khí hóa học. Có tất cả 13 quốc gia công bố có thiết bị sản xuất vũ khí hóa học là: Bosnia, Herzegovina, Trung Quốc, Pháp, Ấn Độ, Iran, Iraq, Nhật Bản, Libya, Nga, Serbia, Anh, Hoa Kỳ.
Tháng 6/2013, số thành viên của CWC đã lên tới 189 quốc gia, trong đó 2 quốc gia Do Thái và Miến Điện đã ký nhưng chưa phê chuẩn công ước. Các quốc gia không tham gia gồm có: Angola, Miến Điện, Egypt, Israel, Bắc Triều Tiên, South Sudan, Syria. Ba quốc gia thành viên đã thông báo không còn vũ khí hóa học trên lãnh thổ của họ là: Trung Quốc, Ý và Panama. 12 quốc gia đã khai báo các cơ sở sản xuất vũ khí hóa học: Bosnia và Herzegovina, Anh, Nga, Hoa Kỳ, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Ấn Độ, Iran, Libya, Serbia và Montenegro. Hàn Quốc là quốc gia không xác định có khả năng. 10 quốc gia đã tuyên bố vẫn còn sở hữu vũ khí hóa học trước đây là: Đức, Úc, Bỉ, Canada, Hoa Kỳ, Pháp, Ý, Nhật Bản, Anh và Slovenia. Việc phá hủy vũ khí hóa học đòi hỏi phải có kỹ thuật và chi phí cao. Do đó, năm 2004, OPCW đã tài trợ 2 tỷ USD cho chương trình phá hủy này. Tính tới tháng 1/2013, 78% kho vũ khí hóa học trên thế giới đã được phá hủy.
Năm 2019 (tháng 11), Cập nhật các phụ lục của công ước do việc bỏ sót một loại vũ khí hóa học mới được thiết kế trong chiến tranh lạnh.
Hiện có khoảng 70 loại hóa chất khác nhau đang được sử dụng trong vũ khí hóa học, ở dạng lỏng hay dạng khí hoặc chất rắn, mục đích là làm đối phương chết vì ngạt thở, thiếu dưỡng khí vào máu trong vòng 6 đến 8 phút, làm rối loạn tuần hoàn mạch, làm tim co bóp yếu, giảm huyết áp, máu thoát ra từ phổi, phát sinh tình trạng ụ máu lây lan các cơ quan nội tạng khác, người đờ ra, mất tự chủ đưa tới vãi phân và nước tiểu trước khi tắt thở hẳn.
Vũ khí hạt nhân là loại vũ khí hủy diệt hàng loạt mà năng lượng của nó được tạo ra từ các phản ứng phân hạch hạt nhân. Một quả bom hạt nhân nhỏ, mang tên “Little Boy”, có đường kính 71 cm, dài 3 m nhưng có sức công phá lớn kinh hoàng, tương đương với 16 nghìn tấn thuốc nổ TNT, đã giết chết tức khắc 70 000 người khi nổ và khoảng 70.000 người bị thương ở Hiroshima (6/8/1945).
Điều lo ngại nhất hiện nay là ngoài các nước trong Hội Đồng Bảo An Liện Hiệp Quốc (Mỹ, Nga, Anh, Pháp, Trung quốc), ngày có nhiều quốc gia như Bắc Triều Tiên, Ấn Độ, Pakistan, Iran và Do Thái cũng đang phát triển tên lửa mang đầu đạn hạt nhân. Vì gọn nhẹ nên tên lửa có thể được phóng đi từ các bệ phóng di động trên mặt đất, từ các chiến hạm hoặc từ các máy bay chiến đấu.
Từ đầu tháng 2/2019, Mỹ và Nga hủy Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung đã ký vào năm 1987. Điều này cũng làm cho mọi người dân trên thế giới lo lắng thêm.
Song song với đó, vũ khí hóa học tuy nhỏ bé hơn nhưng cũng là vũ khí kinh khủng không kém, không thua gì vũ khí hạt nhân, nó không chỉ giết hại đối thủ mà còn phá hoại môi trường sống của con người, để lại hậu quả nặng nề do di truyền cho bao nhiêu thế hệ về sau.
Nếu như một quốc gia hay một tổ chức khủng bố nào đó có người lãnh đạo điên khùng cho phát triển những loại vũ khí hóa học gây bệnh truyền nhiễm mạnh hơn Covid-19 hiện nay và dùng nó để tấn công đối thủ thì thế giới sẽ điêu tàn.
Các nước lớn trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc cùng với Đức, Nhật, Ấn Độ, Brazil, Ý và Tây Ban Nha cần ngồi lại với nhau để ngăn chặn việc sử dụng các loai vũ khí giết người tàn ác này. Nếu như các nước lớn ích kỷ chỉ nghĩ cho riêng mình thì một ngày nào đó nhân loại sẽ nhận những thảm họa khôn lường?
Montreal, ngày 28/3/2020
Ngô Khôn Trí