User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 
bangkok
Học sinh tại một lớp học ở Bangkok, Thái Lan trong thời đại dịch Covid-19. (Hình minh họa: Lauren DeCicca/Getty Images)
 
Đại dịch Covid-19 đã dẫn đến đại họa cho nhân loại. Thế giới đã có 26,731,461 người nhiễm bệnh và 877,011 người chết. Về mặt kinh tế, chỉ nhìn qua một vài con số, Hiệp Hội Vận Tải Hàng Không Quốc Tế (IATA), loan báo toàn ngành sẽ bị giảm doanh thu $314 tỷ, nhưng chỉ mới tính đến 6 tháng đầu năm, con số thực tế đã lên tới $419 tỷ. Công ty sòng bài và khách sạn MGM loan báo sa thải 20,000 nhân viên. Số người thất nghiệp toàn cầu đã tăng từ 5.3 triệu người đến 24.7 triệu người. Covid-19 làm Mỹ thâm thủng ngân sách $3,300 tỷ.
 
Nhưng đó chỉ là những số liệu làm thống kê được! Thật ra nhân loại đang đi vào một thời kỳ đen tối, khi nhân tâm ly tán, cuộc sống thường nhật thay đổi, sự giao tiếp giữa con người và con người đi đến một giai đoạn, trong lịch sử chưa bao giờ xảy ra. Thay vì giữa những tai họa, trên trái đất con người càng thương yêu, đùm bọc nhau, thì ở đây người ta càng lạnh nhạt, càng ngày càng xa cách nhau. Tin tức cho biết trong mùa dịch Covid-19, việc ly dị ở Hoa Kỳ tăng 34%. Phải chăng đây là hậu quả của công việc làm tại nhà, vợ chồng phải nhìn mặt nhau hằng ngày.
 
Bạn đã biết, tuổi trẻ làm lễ cưới ở tòa án, ăn ở với nhau, nhưng chưa có được một buổi tiếp tân để gặp bạn bè, thân thuộc trong một tiệc cưới đông vui. Cũng không có tuần trăng mật. Người ta sợ máy bay, khách sạn, còn tệ hơn là một đám cưới “chạy tang!” của Việt Nam.
 
Ngày xưa chỉ trong những gia đình bất hòa, anh em không muốn nhìn mặt nhau, thì giỗ cha giỗ mẹ, mới “nhà ai nấy cúng!” Nhưng ngày nay, những ngày giỗ lớn cũng phải dẹp bỏ, vì sợ những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc có thể đưa đến chuyện rủi ro lây bệnh, vì không tin ai, đã tiếp xúc với ai, đã đi những đâu? Khói nhang hiu hắt, chuyện cúng giỗ thời này chỉ gây thêm cho con cháu những chuyện rắc rối và xui rủi.
 
Trong những gia đình Á Châu, ông bà lại phải thêm gánh nặng, mà chưa biết bao giờ mới được nhẹ vai: vất vả trông cháu trong những ngày nhà trường đóng cửa! Lễ tốt nghiệp, sinh nhật, kỷ niệm ngày cưới là những chặng đường đáng nhớ của một đời người, ngày nay chỉ là một chút nhớ thoáng qua, người ta không có thời giờ nghĩ đến, và nghĩ đến chuyện ấy hôm nay, trong hoàn cảnh này, hình như không phải lúc.
 
Những chuyên viên y tế làm việc ở tuyến đầu, vật lộn với Covid-19, không được gần gũi với gia đình, thậm chí không còn được ôm con. Giờ đây cấp cứu vào bệnh viện, không ai trong gia đình được đi theo bạn. Bạn sẽ nằm đó một mình, không ai viếng thăm. Viện dưỡng lão giờ đây thành nỗi sợ hãi của người già. Trong gia đình, mỗi đêm, chúng ta sợ cả đến một tiếng ho.
 
Gặp nhau, ai cũng dè chừng, không dám đến gần nhau. Sẽ không còn thân thiện giữa con người và con người. Dễ thường, ngày nay, trong mùa dịch, người ta không còn thấy hứng thú hôn nhau hơn là ngày trước.
 
Bạn còn nhớ ngày xưa, một chuyến thăm bạn, khi xuống phi trường, gia đình bạn ra đón, tay bắt mặt mừng, ôm chầm lấy nhau. Ngày nay ai có hứng thú mời bạn đến nhà chơi, và ai đề nghị một chuyến đi thăm bạn? Cái không khí thân mật đầm ấm ngày trước xưa không còn nữa! Hãy nói như Trịnh Công Sơn: “Những hẹn hò từ nay khép lại!”
 
Xin chờ một ngày hết dịch, một này có vaccine, hay một ngày không có ai mang con dịch Covid-19 trong người trên trái đất này. Nhưng ngày đó hẳn còn xa, và chưa ai ước tính hay dám khẳng định đó là lúc nào?
 
Chờ cho đến khô héo. Những món tiền đặt cọc tại nhà hàng Tàu cho những tiệc cưới, đã hoãn đi hoãn lại nhiều lần, cho tới một này nào chưa ai biết trước, thôi thí cứ “tuần tự như tiến,” lấy nhau rồi thì đẻ con đẻ cháu cho cha mẹ bồng, còn chuyện lên sân khấu, để hai họ chúc mừng, đi chào hỏi và nhận quà tặng của bà con, nghĩ cho cùng không có cũng chẳng sao!
 
Nhu cầu của con người là hợp quần. Không ai là người cô độc, sống thui thủi một mình, không bạn bè, không giao tiếp. Bởi vậy con người mới tham gia câu lạc bộ (club) theo sở thích và nghề nghiệp như CLB Moto, CLB Du Thuyền. Chúng ta, lớn thì có hội đồng hương, ái hữu, binh chủng… nhỏ thì có nhóm, có bè, không tổ chức cờ bạc, thì cũng nhậu nhẹt hay cà phê suông! Bóc những liên hệ ấy đi, chúng ta trở thành trần trụi và cô độc. Bệnh dịch Covid-19 có thể gây căng thẳng cho mọi người. Các giới hạn như cách ly giao tiếp xã hội, có thể khiến mọi người cảm thấy bị cô lập và cô đơn, đương nhiên làm tăng sự căng thẳng và lo lắng.
 
Tám tháng nay rồi, không hội họp, không bạn bè, không tiệc tùng. Bộ suit cũng như quân phục bị bỏ quên trong xó tủ, nói chi tới cái cà vạt đẹp, và đôi giày mới mua năm ngoái. Nhu cầu trang điểm của quý nương cũng bị bỏ quên. Không tiệc tùng, không tiếp tân thì làm đẹp với ai bây giờ? “Vắng chàng trang điểm má hồng với ai?”
 
Trò chuyện qua điện thoại đâu có vui bằng gặp gỡ, tay bắt mặt mừng, chuyện trò, cười nói. Xa mặt cách lòng, bạn bè ít gặp, tình thân cũng phai nhạt dần dần.
 
Số người nhiễm bệnh và qua đời vì dịch tại Mỹ chưa thấy có dấu hiệu giảm. Tết năm nay chắc chắn là một cái Tết buồn. Sẽ không có đốt pháo múa lân, không có hội chợ, diễn hành ngày Tết, là những cơ hội tụ tập đông người. Và cũng không có “Rose Parade” như truyền thống của Pasadena từ 1890 đến nay. Một sinh hoạt văn hóa truyền tống tốt đẹp kéo dài hơn 100 năm như thế, mà ngày nay phải hủy bỏ, quả là điều đáng tiếc và mất mát lớn của cộng đồng.
 
Khi cô đơn người ta kêu gào “Xích lại gần anh thêm tí nữa!”,”Gần thêm nữa! Thế vẫn còn xa lắm!” (XD). Bây giờ vào mùa dịch thì: “Hãy đứng cách tôi ba bước!” “Xin đừng đến gần tôi!” “Tránh chỗ đông người!” Khoảng cách an toàn bây giờ không còn là 3 feet nữa mà là 21 feet.
 
Và nói cả như Nguyễn Bính: “Đừng tắm chiều nay bể lắm người!” nhưng hôm nay không phải vì ghen đâu, em nhé!
 
 
Huy Phương

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com