
Có một lần tôi phạt con tôi vì tội cứng đầu, nó vừa khóc vừa làm theo nhưng vẫn không chịu nhận lỗi. Tôi càng phạt nó nặng hơn và bỏ đi. Một hồi sau, tôi trở lại hỏi tại sao con không chịu nhận lỗi? Đứa bé trả lời: Con đâu hiểu ba nói gì đâu? Hối hận thì chuyện cũng đã rồi, nhưng từ đó tôi học được một bài học quý giá về sự bất đồng tư tưởng. Nhiều người trong chúng ta, mỗi khi nói chuyện với ai, cố gắng diễn đạt ý của mình cho người kia hiểu nhưng chưa chắc họ hiểu được hết ý của mình vì mỗi người có một sự hiểu biết, sự nhận thức khác nhau. Đặt biệt là tư tưởng của người lớn và của người trẻ tuổi hơn, làm gì cũng bị hiểu lầm hoặc hiểu không hết ý. Cho nên mỗi khi dạy con cái, hãy đặt mình vào độ tuổi của chúng và dùng ngôn ngữ của chúng thì may ra chúng hiểu được ý mình.
Đa số những đứa Mỹ con của chúng ta thường chuyển dịch từ tiếng Việt qua tiếng Anh để hiểu hoặc từ tiếng Anh qua tiếng Việt để nói. Cho nên bị vấp phạm theo kiểu dịch sát nghĩa chữ theo chữ mà không đúng câu kệ hay ý nghĩa chính của từng chữ. Cũng giống như chúng ta lúc mới bắt đầu học nói tiếng Anh vậy, dịch chữ theo chữ để hiểu và nói. Cũng vì vậy mà chúng ta và con cái khó hiểu hết được ý nhau mà đôi khi bị hiểu lầm vì hiểu sai lệch ý của người kia. Lần kia, tôi đi đến nhà người bạn trong khu chung cư có đông người Việt ở. Vừa quẹo vào nhà người bạn thì tôi nghe nhà bên cạnh có giọng người đàn bà nói: “giữ đít con, nhanh lên coi chừng nó rớt ra cả nhà”.
Vừa bấm chuông tôi vừa cười vì đứa con của chị nhà bên cạnh đang bị Tào Tháo rượt. Bước vào nhà người bạn, tôi thấy vợ chồng anh ta đang dọn dẹp đồ ăn vừa mới đi chợ về. Hỏi ra thì biết được, chị hàng xóm cũng vừa mới quá giang đi chợ với vợ chồng người bạn về. Tôi kể lại câu chuyện vừa mới nghe được trước khi vào đây và cả ba chúng tôi đều cười lớn tiếng. Tôi đã hiểu sai ý câu nói của chị nhà bên cạnh. “giữ đít con, nhanh lên coi chừng nó rớt ra cả nhà” có ý là giữ đáy cái bao đựng đồ ăn khi mang vào bếp, kẻo không bao rách rồi đồ ăn rớt ra cả nhà. Cũng một câu nói bằng tiếng Việt rõ ràng như vậy, mà mang hai ý nghĩa khác nhau. Hiểu được sự việc, nghĩ khác, không hiểu nghĩ khác. Huống gì không cùng chung ngôn ngữ, không cùng chung ý tưởng thì làm sao hiểu nhau cho đặng.
Ngoài ra, dạy con phải tùy cá tính và tùy theo lứa tuổi hiểu biết của chúng. Không thể nào dùng lời lẽ, cách dạy đối với đứa 16 tuổi áp dụng cho đứa 10 tuổi được. Và càng không thể nào dùng trí khôn của người 50 tuổi để khuyên bảo đứa 20 tuổi. Cho dù chúng hiểu được ý của mình nhưng làm sao để chúng áp dụng cho phù hợp vào sinh hoạt của chúng, trong khi hai cảnh sống hoàn toàn khác nhau! Còn nếu chúng không hiểu được mình nói cái gì thì chúng ta sẽ cho là chúng bướng bỉnh, khó dạy! Càng nhỏ tuổi chừng nào thì chúng ta càng dùng những chữ đơn giản hoặc những cách dạy thực tế mà chúng nhìn thấy được, hiểu được.
Ví dụ như việc cản không cho con chơi game trong máy game nhiều. Cách dạy đối với đứa 4-6 tuổi chẳng hạn, chúng ta chỉ cần nói đơn giản và không giải thích nhiều là “chơi game như vậy đủ rồi vì con đã chơi nhiều giờ rồi”, có thể chúng sẽ nói là “con chơi đâu có nhiều giờ đâu”. Không nên đính chính vì chúng chỉ biết là chơi game chưa đủ thích chứ chúng không biết là mấy giờ chúng bắt đầu chơi game và đã chơi được bao lâu rồi. Nếu chúng ta đính chính thì chỉ nói qua nói lại mà thôi, chi bằng giải thích cho chúng biết là “con đã chơi game nhiều giờ quá rồi, nếu con còn tiếp tục chơi nữa thì ngày mai Ba/Mẹ sẽ cho con chơi ít lại”. Lúc này chúng nghe được câu “ngày mai chơi ít lại” nên sợ và có thể nghe lời chúng ta dễ dàng hơn. Có nhiều trường hợp, chúng ta nói “chơi game vậy đủ rồi, chơi nhiều quá hư mắt”. Chúng sẽ cãi lại vì chúng đâu có bị hư mắt đâu mà mình nói như vậy, chứ chúng không hiểu hết ý của mình. Còn đối với tuổi lớn hơn, có thể chúng hiểu được ý của mình muốn nói là chơi game nhiều sẽ bị hại mắt như thế nào. Hoặc rằng giải thích cho lứa tuổi này biết là giờ nào có thể chơi game được và mỗi lần chơi được bao lâu, chúng sẽ tự biết để chia thời khóa biểu cho chúng mà không làm cho chúng ta la rầy nhiều.
Đối với tuổi khoảng 15-18, chúng nghĩ là đã hiểu biết được hết mọi chuyện, nên chuyện gì cũng làm khôn hoặc cãi bướng, giống như “ếch ngồi đáy giếng”. Nếu chúng ta lấy đó làm bực mình thì mọi chuyện sẽ thêm phức tạp, bằng chi dằn cơn giận và điều đình với chúng là mình sẽ chấp nhận cho chúng làm điều chúng muốn nhưng điều kiện là chúng phải chấp nhận điều mình yêu cầu, chứ la rầy và cấm thì chúng sẽ tìm mọi cách để làm cho bằng được, lúc đó việc chúng làm còn tệ hại hơn là chúng ta biết.
Nói tóm lại, chúng ta nên tìm hiểu cá tính của từng đứa con và tìm hiểu việc chúng đang làm như thế nào trước khi dạy bảo chúng. Nước Mỹ là một nước tự do nhưng không vì vậy mà cha mẹ muốn nói gì thì nói, muốn cấm con cái như thế nào thì cấm. Những đứa Mỹ con của chúng ta đã học được tính dân chủ từ trường học nên chúng thường chấp nhận nghe theo lý lẽ hơn là sự không hợp tình, hợp lý theo lối nghĩ của chúng mà chúng ta đặt ra. Nói một cách khác, muốn con cái học tốt theo cách dạy của chúng ta thì chúng ta hãy tập học tốt theo lối hiểu của chúng. Nếu làm được vậy thì cách dạy dỗ của chúng ta sẽ có hiệu quả hơn nhiều.
Đỗ Hoài Linh