Trong cuộc chiến giữa virus SARS-CoV-2 của bịnh Covid-19 và con người, một bên là virus tìm cách sinh sản (multiply) và bảo tồn sự sống còn của nó trên cơ thể con người và bên kia là con người tìm cách bảo tồn sự sống và sức khỏe của mình.
Khả năng miễn nhiễm một phần do hệ miễn nhiễm bẩm sinh, có tính cách tổng quát, được thừa hưởng theo di truyền (innate immune system), một phần là do hệ miễn nhiễm thích ứng với mỗi hoàn cảnh đặc thù, riêng rẽ (adaptative immune system): cơ thể nhớ một “kẻ thù” hay kẻ “xâm lược” nào đó qua một kháng nguyên (antigen) của nó và sau đó thiết lập một phương án phòng thủ qua các kháng thể hiện diện trong máu và phản ứng ở mức tế bào. Phòng thủ qua kháng thể là những protein có khả năng vô hiệu hóa virus không cho xâm nhập tế bào (humoral immune response). Qua cơ chế gọi là miễn nhiễm tế bào (cellular immunity), phát triển những tế bào chuyên môn nhận mặt các virus và tấn công các virus xâm lăng đó hay hủy hoại các tế bào của cơ thể bị bịnh hay chứa những con virus đó.
Ví dụ sau khi được chích ngừa bịnh Covid-19, cơ thể chúng ta “biết mặt” kháng nguyên trên gai (Spike) của virus là bộ phận cần thiết để nó xâm nhập tế bào và sinh ra những kháng thể chống virus này lần sau nó gặp lại. Tuy sự hiện diện của các kháng thể được nhấn mạnh trong các tin tức về vaccine, các vaccine đang dùng tại Mỹ hiện nay như Pfizer và Moderna cũng đã được chứng minh là gây ra một tình trạng miễn nhiễm tế bào quan trọng chống virus Covid và có lẽ khó bị các biến chủng mới “qua mặt” hơn.
Các biến thể mới xuất hiện do đột biến mới xảy ra một cách tự nhiên trong acid nhân DNA hay RNA của virus. Đa số các đột biến có hại cho sự sống còn của nó. Tuy nhiên những đột biến có lợi cho sự sống còn của virus sẽ giúp những biến thể mới này dành chỗ và loại các strain yếu hơn. Trong trường hợp virus Covid-19, biến thể Omicron mới phát hiện mấy tuần nay có lợi thế là tính lây lan rất cao, cao hơn cả biến thể Delta trước nó nhờ những đột biến trong RNA của nó giúp nó sinh sản nhanh. Tuy nhiên, như mọi virus khác, nó cần ở trong tế bào cơ thể con người thì mới sinh sản được, nó cũng phải nhờ một chiến thuật khác nữa là làm sao tránh né được hệ phòng thủ của cơ thể con người, bằng cách thay đổi diện mạo của nó (đứng về phương diện phân tử) để các tế bào nhớ (memory cells) của con người không nhận ra một kẻ thù từng gặp và các kháng thể con người đang mang sẵn (qua chích ngừa hay bệnh lần trước) sẽ không còn khả năng vô hiệu (neutralize) nó được. Để dễ hiểu hơn, trường hợp tương tự như một điệp viên cần xâm nhập một cơ quan phải mang mặt nạ để camera của hệ thống báo động không nhận ra mặt mình là quân gian đã có tên trong hồ sơ, và đem theo chìa khóa mới để mở cửa đã bị thay khóa. Những đột biến trên phân tử RNA của virus giúp nó tự thiết kế những chiến thuật như vậy.
Nói các khác, tiến hóa của SARS-CoV-2 sẽ đi theo hai loại thay đổi lớn:
- Một mặt nó nhân ra thành nhiều bản (nhân bản, multiply) mới nhanh chóng hơn và dễ lây lan từ người này qua người khác hơn (more transmissible), chẳng hạn bằng cách sao chép nhanh hơn để nó lây lan dễ dàng hơn khi người bịnh ho, hắt hơi, khò khè.
- Ngã thay đổi kia cho phép nó vượt qua phản ứng miễn dịch của vật chủ (host).
Khác với lần đầu lúc virus mới xuất hiện (ví dụ vào đầu năm 2020 lúc dịch Covid mới bắt đầu), lúc đó con người chưa có phòng thủ miễn nhiễm gì cả với virus của Covid và virus chỉ cần lây nhanh và sinh sản nhanh là thắng cuộc. Lần này, sau gần hai năm, tỷ số chích ngừa khá cao (hàng tỷ liều đã được chích) và số ca bịnh trong quá khứ (274 triệu ca nhiễm trên thế giới đã được báo cáo) đã giúp con người gầy dựng hệ miễn nhiễm của mình chống con virus của Covid-19, thì chiến thuật làm thế nào khắc phục hay “gạt”, qua mặt hàng rào miễn nhiễm đó rất quan trong so với lúc đầu.
Thật vậy, các nhà sinh học tiến hóa (evolutionary biologist) tin rằng theo luật sinh tồn virus chỉ tăng khả năng sinh sôi nẩy nở của nó đến một mức nào đó thôi, vì nếu người bịnh gục ngã thì nó không còn khả năng được truyền và lây lan rộng thêm nữa. Nhưng nếu người bịnh chỉ bịnh vừa phải (bịnh nhẹ thôi, ít phải vào bệnh viện và ít gây chết người) và được lui tới tiếp xúc với người khác, qua việc ho, hắt hơi nói chuyện của người bịnh, virus có thể tìm được nhiều ký chủ (host hay là người mang mầm bịnh) khác giúp cho nó tồn tại và sống còn trong quần thể con người. Bởi vậy, khắc phục được hệ miễn nhiễm hay đề kháng của những người từng được chích ngừa Covid hay từng bị phơi nhiễm với Covid là một chiến thuật hay và quan trọng để kiếm thêm những ký chủ mới một cách nhanh chóng. Đó cũng là con đường tiến hóa trong quá khứ của các virus khác đã từng thích ứng để sống còn và sống chung với con người, như các bịnh cảm cúm theo mùa (common cold), bịnh cúm influenza, bịnh RSV (respiratory syncytial virus gây ho, khò khè phần lớn ở trẻ em dưới 2 tuổi). Nhưng đây cũng chỉ là một dự đoán lạc quan mà thôi, còn có những dự đoán cũng căn cứ trên dữ liệu khoa học nhưng bi quan hơn nhiều trước khi tình hình sáng sủa hơn.
Hiện nay, sau vài tuần từ ngày phát hiện nó ở Nam Phi, chúng ta biết rằng Omicron có khả năng lây lan hơn các biến thể trước nhiều và có khả năng nhiễm bịnh cho những người từng bị bịnh Covid hay từng tiếp xúc với virus (previous exposure to corona virus) hay từng được chích ngừa. Có những báo cáo cho thấy tỷ lệ tử vong rất thấp và tỷ lệ nhập viện tụt giảm ở Nam Phi sau khi Omicron trỗi dậy; tuy nhiên các nhà nghiên cứu chưa dám kết luận là Omicron “hiền” hơn các biến thể khác vì:
- Người Nam Phi bị nhiễm Omicrom đa số là người trẻ tuổi và có sẵn đề kháng qua cơn bịnh Covid trước hay qua chích ngừa
- Tỷ lệ nhập viện cũng tuỳ vào thuộc vào chủ quan của bác sĩ cũng như tùy số giường có thể dùng được của địa phương đó
- Cần thời gian nhiều hơn nữa để biết rõ hơn tính lây lan, khả năng tránh né phòng thủ của hệ miễn nhiễm của con người, và hâu quả của nó trên đại dịch Covid-19 như thế nào ở những nước Tây Âu như Đan Mạch, Hòa Lan, Anh mà điều kiện y tế và dân số giống Mỹ hơn. Tình trạng khẩn cấp mới đây ở các nước này về sự gia tăng gấp đôi các ca nhiễm mỗi 2 ngày là một báo hiệu đáng lo ngại cho các chuyên gia y tế Mỹ về tình trạng Covid trong tháng giêng năm 2022.
Đồng thời, bức tranh hay “kịch bản” (scenario) của đại dịch trong những ngày tới cũng tùy thuộc vào các biện pháp ngừa bịnh như chích ngừa, cách ly, khẩu trang, giảm du lịch, lockdown (nếu có) được áp dụng như thế nào, có thực hiện được một cách khá đồng bộ trên toàn thế giới (nước giàu hiện nay tích trữ vaccine, cũng như nước nghèo khan hiếm vaccine) hay không.
Hiện nay (20 tháng 12), biến thể chính đang gây phần lớn tử vong và nhập viện do Covid vẫn là biến thể Delta.
Mỗi cá nhân chúng ta đang đứng giữa trận chiến hiện nay giữa con coronavirus gây bịnh Covid với những bước thay đổi về tiến hóa để sống còn của nó và loài người với các tiến bộ về y sinh học (thuốc chích ngừa, thuốc kháng virus Covid) nhưng cũng thiếu quyết tâm chung vì những dị biệt về nguồn lực, văn hóa, tôn giáo, chính trị.
Tốt hơn hết, điều chúng ta có thể cố gắng làm được là thực hiện tỷ số chích ngừa càng cao càng tốt (chích booster là liều thứ 3 dùng thuốc vaccine mRNA của Pfizer hay Moderna; vì chỉ 2 liều đầu tiên không đủ che chở đối với biến thể mới Omicron; không dùng vaccine Johnson&Johnson) cho người lớn trên 18 tuổi (trên 16 tuổi cho thuốc Pfizer), chích ngừa cho trẻ 5-16 tuổi và trong những ngày tháng sắp tới nếu được cho phép, chích ngừa cho trẻ dưới 5 tuổi như chúng ta chích ngừa bịnh cúm hiện nay.
Riêng cho trẻ em trong mùa lễ lạt cuối năm:
1) Du lịch và tụ họp nên được thực hiện một cách an toàn với sự lan rộng của Omicron trong mùa lễ này. Hàn Lâm Viện Nhi khoa Hoa Kỳ (AAP) gợi ý tổ chức ngày lễ với gia đình và bạn bè đã được tiêm chủng đầy đủ. Không tổ chức hoặc tham gia vào bất kỳ lễ hội trực tiếp nào nếu bạn hoặc bất kỳ ai trong gia đình của bạn đã được chẩn đoán hoặc có các triệu chứng của Covid-19. Họp mặt ngoài trời là cách dễ nhất để tăng thông gió (ventilation).
2) Đối với những gia đình dự định đi du lịch với trẻ em dưới 5 tuổi không đủ điều kiện tiêm vắc-xin Covid-19, hãy chọn đi du lịch bằng xe hơi (ô tô) với các thành viên trong gia đình của bạn, nếu có thể. Nếu bạn phải đi máy bay, hãy nhớ đeo mặt nạ và tránh xa những nhóm đông người. Cách tốt nhất để ngăn chặn sự lây lan của Covid-19 và các biến thể của nó là những người đã được tiêm phòng và chưa được tiêm phòng phải đeo khẩu trang tại các cuộc tụ tập trong nhà (indoor) với những người khác.
3) Tất cả các thành viên trong gia đình bạn nên chủng ngừa cúm. Nhiều chuyên gia lo ngại rằng chúng ta có thể có một mùa cúm nặng trong năm nay. Các gia đình có thể sử dụng các phương pháp phòng ngừa giống nhau chống lại Covid-19, virus cúm và đường hô hấp: Đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với xã hội, rửa tay và tiêm vắc xin Covid-19 và chích (hoặc xịt mũi) vắc xin cúm. (Theo CHOC)
Tham khảo:
1) COVID Variants Hint at How the Virus Will Evolve
3) Penn Study Details Robust T-Cell Response to mRNA COVID-19 Vaccines—a More Durable Source of Protection
BS Hồ Văn Hiền
Ngày 20 tháng 12 năm 2021
Nguồn: http://www.advite.com/Covid-19_Trong_Giai_Doan_Omicron.htm