Vĩnh Biệt Tiếng Hát Quay Tơ

Danh ca Mai Hương, một trong những giọng hát đẹp nhất của tân nhạc Việt Nam, vừa qua đời vào ngày 29-11 ở tuổi 79.

Từ năm 12 tuổi, cô đã tham gia một cuộc thi hát do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức. cô được vào vòng chung kết với bản Xuân Và Tuổi Trẻ (nhạc La Hối, lời Thế Lữ). Cô kể lại, mỗi lần thi hát, ban tổ chức phải bắt một cái ghế để cô đứng cho vừa với cái micro vừa cao lại vừa to che hết cả mặt mũi!

Vừa qua khỏi lứa tuổi nhi đồng, cô đã bắt đầu hát với những ban hợp xướng, chung với những danh ca thượng thặng nhất bấy giờ như  ca sĩ Anh Ngọc, Ngọc Long, Thái Thanh, Châu Hà, Mộc Lan, Kim Tước, Duy Trác…

Cô nổi tiếng về khả năng vừa đọc bản nhạc đã hát ngay, không cần tập dượt. Cô kể lại:

“Có nhiều hôm vừa ăn cơm tối xong, được điện thoại trên đài gọi đi thu thanh gấp. Tôi và Quỳnh Giao vừa lên đến nơi thì anh Minh Nhật dúi vào tay một bài hát mới toanh, bảo thu ngay bây giờ để phát thanh liền. Thế là chúng tôi mở to con mắt ra để mà nhìn, mà đọc, mà hát. Không có thì giờ để tập vì phải về nhà trước giờ giới nghiêm. Tôi chưa về đến nhà thì bài hát mình vừa thâu đã được phát ra rồi .Tôi vừa bước chân vào nhà, me tôi đã nói: “Me vừa nghe con hát trên đài.”

Sau khi sang hải ngoại vì biến cố 1975, cô làm việc cho ngân hàng Bank Of America, và đều đặn ra những tape nhạc, CD nhạc, mà những thính giả khó tính nhất cũng phải hết lời khen ngợi. Và dĩ nhiên, chỉ những thính giả khó tính mới thưởng thức được những bản nhạc hiếm quý, được cô trân trọng thu âm lại.

Nếu không có Mai Hương, sau 1975, người ta sẽ không còn ai nghe hát lại Đoàn Quân Đi của Việt Lang, Mùa Hoa Nở của Cung Tiến, Nhớ Trăng Huyền Xưa của Nguyễn Văn Quỳ, Cô Hàng Hoa của Thẩm Oánh, Tiếng Hát Quay Tơ của Tử Phác…

Cùng với Kim Tước và Quỳnh Giao, cô đã góp phần làm hiển lộ những viên ngọc quý giá của dòng nhạc tiền chiến bị bụi thời gian phủ lấp, bằng những album nhạc hiếm hoi, đầy giá trị nghệ thuật.

Báo chí Việt Nam tháng trước có nhắc lại một biến cố kinh hoàng trong đời cô:

Thời xưa, Khánh Ly quản lí một số phòng trà tại Sài Gòn, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tới hát. Trong lúc công việc đang suôn sẻ, bỗng một sự việc kinh hoàng xảy đến, khiến cô không thể quên. Tại chương trình Bước Chân Dĩ Vãng, Khánh Ly kể lại:

“Ngày trước, tôi làm quản lí tại một phòng trà ở Sài Gòn, quy tụ nhiều anh chị em nghệ sĩ. Một ngày nọ, phòng trà xảy ra một vụ nổ lớn, làm chết 13 người, máu văng tung tóe.

Lúc xảy ra vụ nổ, tôi cũng ngồi trong phòng trà và chị Mai Hương đang hát. Chính tôi là người đã mời chị Mai Hương đi hát phòng trà. Chị Mai Hương vốn không bao giờ hát phòng trà và tôi cũng không nghĩ có thể mời được chị ấy. Tôi phải năn nỉ mãi, chị ấy mới chịu nhận lời đến hát cho phòng trà của tôi.

Lúc đó, chị Mai Hương đang hát trên sân khấu, còn tôi ngồi ở ngoài nói chuyện với Tuấn Ngọc. Đúng lúc chị Mai Hương gần xong tiết mục của mình, tôi cũng đang ngồi nói chuyện cùng Tuấn Ngọc thì nghe một tiếng nổ kinh khủng. Tôi không nhớ tiếng nổ đó ra sao nữa và khi ấy cũng không còn nhìn thấy gì.

Người tôi nhớ đến duy nhất chỉ là chị Mai Hương. Tôi chạy vội vào phòng thay đồ ca sĩ hay ngồi kêu chị Hương mãi nhưng chị ấy không trả lời.

Tôi gạt tiếp cánh cửa bị sập xuống để chạy ra sân khấu thì thấy chị Mai Hương đang đứng bất động như trời trồng, máu vương lấm tấm tà áo của chị ấy. Tôi mừng lắm vì chị ấy không bị làm sao, nên kéo vội chị ấy vào.

Tuấn Ngọc với tôi không làm sao vì lúc vụ nổ xảy ra, chúng tôi ngồi ở quầy bar nói chuyện với anh chàng pha rượu.

May mắn hơn nữa, khi ấy có một viên đạn bay thẳng qua mặt anh Tuấn Ngọc và tôi, bắn vào mắt anh pha rượu, khiến anh ấy bị mất một mắt. Cả tôi và anh Tuấn Ngọc đều thoát chết, nhưng xe của tôi để ngoài bị cháy rụi.

Vợ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện đã mất trong vụ nổ đó, đầu một nơi mình một nẻo.”

Vụ đánh bom, dĩ nhiên, do lực lượng biệt động Sài Gòn thực hiện. Và sau đó Mai Hương không bao giờ xuất hiện ở các phòng trà, vũ trường lần nữa.

Nhà văn Duyên Anh thường than thở: “Nghe Mai Hương phải đi hát phòng trà, anh thương Mai Hương quá! Giọng ca ấy không thể đứng trên bục hát, trong lúc thực khách ăn uống ồn ào bên dưới được.”

Tháng 2, 1987, Duyên Anh đã viết Mai Hương, Thiên Đường Tìm Lại, đăng trên tạp chí Ngày Nay của Lê Hồng Long, để ca tụng giọng hát Mai Hương:

“…Giọng hát của Mai Hương đôn hậu, thuần khiết. Không hề có làm dáng trong cách truyền đạt ca khúc của nàng. Chất lãng mạn ở giọng hát Mai Hương bảng lảng lãng mạn dân tộc. Ngay cả lối tỏ tình qua lời ca cũng là tình tự dân tộc. Đừng mất công tìm kiếm sự rã rượi ở Mai Hương. Quê hương Việt nam đau khổ thì có, nhưng rã rượi thì không… Giọng hát Mai Hương là giọng hát nguyên chất dân tộc. Bởi vì, nghe nàng hát là thấy vùng đời cũ hiện ra. Nghe nàng hát là nhớ từng miếng nắng, từng hàng cây, từng viên gạch, từng khúc sông, từng ngọn suối… Như thế, Mai Hương, con chim họa mi ngậm hồi tưởng, đậu trên ngọn cao lưu vong, mỗi ngày mỗi hót “Giấc Mơ Hồi Hương”. Có lần, giọng hát truyền cảm tột độ của nàng đã làm tôi xao xuyến khôn cùng. Cơ hồ tôi trở về quê hương tuổi nhỏ và cổ tích của tôi vào một đêm xuân. Tôi đứng ngoài vườn giữa đêm trăng. Ngẩn ngơ…”

Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng viết lại lời một nhạc sĩ nhận xét về giọng ca Mai Hương, rằng: “Nỗi đau trong tình khúc mình là một vết thương thật sự, nhưng hình như nó đã thành sẹo. Vậy mà nhiều khi nghe các ca sĩ hát, ông tưởng chừng như nó còn đang ở trên bàn giải phẫu, đang chảy máu. Sai lầm đó không có ở Mai Hương”.

Ông nói: “Nếu ví giọng hát Mai Hương như một đoá hoa thì đoá hoa ấy đã đạt đến độ mãn khai. Nếu ví giọng hát ấy như một thứ trái, trái ấy đã chín mùi, hương vị có thể hiến dâng đã trọn vẹn.”

Dư âm tiếng hát đã lắng, giòng nhạc đã dứt, nhưng người nghe còn vương vấn mãi trong tâm tưởng một hình ảnh của quê hương Việt Nam những ngày chưa khói lửa chiến tranh. Xin cảm ơn tất cả những nhạc sĩ tài hoa, và những người làm nghệ thuật nói chung, đã đem đến cho đời những bông hoa đầy hương sắc. Và cảm ơn Mai Hương, vì qua giọng hát điêu luyện của mình, chị đã nhắc lại cho chúng ta những nét đẹp tuyệt vời của nhạc Việt Nam. Tiếng hát của Mai Hương luôn đem đến cho người yêu nhạc những giây phút thật ấm lòng, và nếu ngày nào còn người Việt ly hương với nỗi sầu ưu quốc, ngày ấy tiếng hát của chị, như tiếng mẹ ru ta vào đời khi còn thơ dại, sẽ theo chúng ta trên các nẻo đời, sẽ mãi mãi bay cao “như thông đầu non. Vời cao trông mây buồn đứng. Muôn kiếp cô liêu, ngàn năm còn reo.“

FB Đặng Nguyên Triết

Ca Sĩ Mai Hương, Ban Tiếng Tơ Đồng, Qua Đời Ở Tuổi 79

Ca sĩ Mai Hương, gương mặt quen thuộc của ca nhạc miền Nam Việt Nam trước 1975 và hải ngoại, vừa qua đời lúc 2 giờ 50 phút chiều 29 Tháng Mười Một, 2020, tại nhà riêng ở thành phố Irvine, miền Nam California.
 
Ông Trương Dục, chồng ca sĩ Mai Hương, xác nhận tin này với nhật báo Người Việt, và cho biết, “nhà tôi mất trước khi chỉ còn vài ngày nữa là đến sinh nhật lần thứ 79.”
 
Mai Huong SanKhau
Ca sĩ Mai Hương trên sân khấu hải ngoại. (Hình: Gia đình ca sĩ Mai Hương cung cấp)
 
Theo lời ông Trương Dục, ca sĩ Mai Hương tên thật là Phạm Thị Mai Hương, sinh ngày 8 Tháng Mười Hai năm 1941 tại Đà Nẵng. Bà ra đi, để lại chồng và bốn người con (hai trai, hai gái) và 6 người cháu nội, ngoại.
 
Ca sĩ Mai Hương được giới mộ điệu ghi nhận “là một ca sĩ nổi tiếng, thành công với nhiều nhạc phẩm tiền chiến.”
 
Theo trang Wikipedia, ca sĩ Mai Hương “xuất thân trong một gia đình nghệ sĩ, cha mẹ cô là Phạm Đình Sỹ và Kiều Hạnh, hai tên tuổi lớn trong giới sinh hoạt văn hóa nghệ thuật ở Sài Gòn trước 1975. Ông Phạm Đình Sỹ là anh trai của các ca sĩ Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy), Thái Thanh, Hoài Trung và nhạc sĩ Phạm Đình Chương. Bà Kiều Hạnh là một kịch sĩ, diễn viên nổi tiếng, diễn viên đoàn kịch Sao Vàng của Thế Lữ, chị gái của nhạc sĩ Lương Ngọc Trác.”
 
“Thời thơ ấu Mai Hương sống ở nhiều nơi, Huế, miền Bắc, Hà Nội. Cô theo học ở các trường công giáo, Tiểu Học Thánh Linh và Trung Học Nguyễn Bá Tòng. Đến 1952 Mai Hương cùng gia đình chuyển vào Sài Gòn.”
 
“Mai Hương tỏ ra có năng khiếu rất sớm và đến với âm nhạc từ khi còn trẻ. Năm 1953, cô tham dự thi cuộc tuyển lựa ca sĩ của đài phát thanh Pháp Á tại rạp Norodom. Sau khi phần Việt Ngữ của đài này ngưng hoạt động, Mai Hương sang cộng tác với chương trình nhi đồng của nữ ca sĩ Minh Trang trên đài Phát Thanh Sài Gòn, lúc đó còn được gọi là Đài Phát Thanh Quốc Gia.”
 
“Song song với thời gian cộng tác với các chương trình thiếu nhi, Mai Hương theo học trường Quốc gia Âm nhạc được khoảng ba năm. Ở đấy Mai Hương đã học violin, ký âm pháp, đàn tranh và hợp xướng. Sau đó vì bận thi tú tài 1 nên cô phải bỏ dở.”
 
Vẫn theo trang Wikipedia tiếng Việt: “Trước 1975 Mai Hương đã là một giọng ca nổi tiếng nhưng cô ít xuất hiện trước khán giả. Tên tuổi cô được biết đến nhiều từ các chương trình phát thanh và truyền hình. Ngoài đài phát thanh Pháp Á và Đài Phát Thanh Sài Gòn, Mai Hương còn hát trên những đài Quân đội và Tiếng Nói Tự Do cùng trên đài Truyền hình Việt Nam. Mai Hương đã cộng tác với hầu hết những chương trình ca nhạc nổi tiếng vào thời đó với các trưởng ban như Nghiêm Phú Phi, Nguyễn Quý Lãm, Võ Đức Tuyết, Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành… Mai Hương còn đảm nhiệm cả phần đọc truyện và làm phát thanh viên.”
 
maihuongcu Ca sĩ Mai Hương thời trẻ. (Hình: Gia đình ca sĩ Mai Hương cung cấp)
 
Không chỉ ca hát, Mai Hương còn trình diễn trên sân khấu. Lần đầu tiên trong vở kịch thơ Tấm Gương Nhi Nữ chung với các cô chú Thái Thanh, Khánh Ngọc, Hoài Trung và Hoài Bắc.”
 
“Ca sĩ Mai Hương cùng gia đình rời Việt Nam vào ngày 22 Tháng Tư năm 1975. Sau một tuần ở đảo Guam, rồi đến Nam California, tạm trú tại trại Pendleton một thời gian ngắn. Chỉ một năm sau, Mai Hương đã được mời đi trình diễn. Buổi trình diễn đầu tiên của cô trước khán giả Việt Nam tại hải ngoại diễn ra ở thành phố New Orleans.”
 
Đáng chú ý là trong thập niên 1980, Mai Hương cùng với các ca sĩ Kim Tước và Quỳnh Giao thành lập ban tam tấu Tiếng Tơ Đồng chuyên trình diễn Nhạc Tiền Chiến.
 
Vào năm 1980, Mai Hương phát hành băng nhạc đầu tiên của mình tại hải ngoại mang tên Giấc Mơ Hồi Hương, sau đó tiếp tục thu âm và có nhiều CD thành công như Nhặt Cánh Sao rơi, Serenade, Vàng Phai Mấy Lá,… cùng rất nhiều CD khác do các trung tâm như Trường Hải, Diễm Xưa, Giáng  Ngọc, Tú Quỳnh,… thực hiện.
 
Tại Mỹ, ca sĩ Mai Hương cùng gia đình sống tại miền Nam California và bà từng làm việc cho ngân hàng Bank Of America cho đến khi nghỉ hưu.
 
Theo gia đình, tang lễ ca sĩ Mai Hương dự trù sẽ được tổ chức tại Peek Funeral Home, thành phố Westminster, nhưng chưa cho biết ngày giờ cụ thể. (KN)

'Viên ngọc' của nền tân nhạc Việt Nam': Ca sĩ Mai Hương qua đời

Ca sĩ Mai Hương, 'viên ngọc' của nền tân nhạc Việt Nam, qua đời vào ngày 29-11 ở tuổi 79. Bà là con gái của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và cháu ruột danh ca Thái Thanh.
 
Ca sĩ Mai Hương qua đời lúc 14h52 ngày 29-11, hưởng thọ 79 tuổi. Thông tin được nhiều nghệ sĩ trong giới giải trí Việt tại Mỹ báo tin và gửi lời chia buồn đến ông Trương Dục, chồng ca sĩ Mai Hương và các người thân, bạn bè của bà.
 
Mai Hương tên đầy đủ là Phạm Thị Mai Hương, sinh năm 1941 tại Đà Nẵng. Bà là con gái của ông Phạm Đình Sỹ và nữ kịch sĩ Kiều Hạnh.
 
Ông Phạm Đình Sỹ là anh trai của các ca sĩ trong ban hợp ca Thăng Long gồm Thái Hằng (vợ nhạc sĩ Phạm Duy), Thái Thanh, Hoài Trung và nhạc sĩ Phạm Đình Chương.
 
Sinh thời, ông Sỹ làm công chức, thường xuyên phải hoán chuyển nhiều nơi. Do đó, dù gốc Hà Nội, bà sinh ra và sống vài năm đầu đời tại Đà Nẵng.
 
Do đại gia đình có nhiều giọng ca nổi tiếng, Mai Hương lớn lên trong môi trường nghệ thuật và chịu ảnh hưởng từ các tiền bối, trong đó có người cô ruột là "Đệ nhất danh ca" Thái Thanh.
 
Vào năm 1952, gia đình Mai Hương chuyển vào Sài Gòn và sống tại đây đến năm 1975. Bà được nhận xét "sinh ra ở miền Trung, lớn lên ở miền Bắc và thành danh ở miền Nam", hội đủ ba miền của đất nước.
 
Mai Hương và chồng, ông Trương Dục, có cuộc hôn nhân hạnh phúc hơn 60 năm và có 4 người con. Mai Hương từng chia sẻ chồng là mối tình đầu của bà. Họ gặp nhau ở phi trường Tân Sơn Nhất. Trước khi quen ông vào năm 1961, bà chỉ đi hát cho sinh viên nghe nhưng chỉ trong giới hạn giao lưu văn nghệ.
truongducmaihuongdamcuoi
Đám cưới của cặp vợ chồng Mai Hương - Trương Dục - Ảnh Tư Liệu
 
Trong sự nghiệp, Mai Hương hát nhạc của nhiều nhạc sĩ nổi tiếng như Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Dương Thiệu Tước, Phạm Duy, Văn Cao...
 
Bà ra mắt các băng đĩa: Mai Hương và những tuyệt phẩm Đoàn Chuẩn - Từ Linh, Tình khúc Dương Thiệu Tước, Tình khúc Văn Cao - Nhạc tiền chiến 4...

Vĩnh biệt danh ca Mai Hương, đoá hoa của nền tân nhạc Việt

Danh ca Mai Hương, một giọng ca được ví như đoá hoa, như trái chín... của nền tân nhạc Việt Nam đã qua đời ở tuổi 79 tại Mỹ.

Danh ca Mai Hương, một gương mặt rất quen thuộc của các chương trình ca nhạc tại Sài Gòn trước 1975 và hải ngoại, vừa qua đời vào lúc 14 giờ 50 phút ngày 29-11 (giờ địa phương) tại nhà riêng ở Irvine (California, Mỹ).

Thông tin này được nhiều nghệ sĩ hải ngoại chia sẻ và gửi chia buồn đến ông Trương Dục, chồng danh ca Mai Hương.

Danh ca Mai Hương tên đầy đủ là Phạm Thị Mai Hương. Bà người gốc Hà Nội nhưng sinh năm 1941 tại Đà Nẵng. Bà là con gái của ông Phạm Đình Sỹ và nữ kịch sĩ Kiều Hạnh. Ba của danh ca là anh cả của các thành viên Ban Hợp ca Thăng Long như: Hoài Trung (Phạm Đình Viêm), Thái Hằng (Phạm Thị Quang Thái), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), Thái Thanh (Phạm Thị Băng Thanh).

Từ những năm 12, 13 tuổi, danh ca Mai Hương đã dự cuộc tuyển lựa ca sĩ của Đài Phát Thanh Pháp Á với ca khúc Xuân Và Tuổi Trẻ do cô ruột là danh ca Thái Thanh tập luyện giúp. Sau đó, nữ danh ca tiếp tục học ở trường quốc gia âm nhạc song song với việc học phổ thông.

Danh ca Mai Hương tham gia rất nhiều chương trình âm nhạc dành cho thiếu nhi đến học sinh, sinh viên, lẫn các ban nhạc chuyên nghiệp của các đài phát thanh, truyền hình. Rất nhiều bản nhạc được Mai Hương đặt dấu ấn riêng: Tiếng Xưa, Thuyền Mơ, Nguyệt Cầm, Tiếng Sáo Thiên Thai, Trương Chi, Tiếng Hát Quay Tơ, Ước Hẹn Chiều Thu… Đặc biệt, nhiều nhạc phẩm của Đoàn Chuẩn – Từ Linh, Văn Cao, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Văn Khánh, Tô Vũ, Thẩm Oánh… khó ai qua được giọng ca Mai Hương.

Không chỉ thành công ở những bản solo, giọng ca Mai Hương cũng ghi dấu trong nhiều bản nhạc ở hải ngoại với tam ca Tiếng Tơ Đồng gồm: Mai Hương, Kim Tước, Quỳnh Giao. Và khi Ban Hợp ca Thăng Long tái hợp ở hải ngoại, Mai Hương cũng là giọng ca chủ chốt của ban hợp ca.

Bên cạnh đó, nữ danh ca cũng rất thành danh với nhiều ca khúc nhạc Thánh. Một phần trong đó bởi nữ danh ca vốn được gia đình gửi gắm giáo dục tại các trường học Công Giáo như: Tiểu Học Thánh Linh, Trung Học Nguyễn Bá Tòng….

Với một hành trình ca hát hơn 50 năm, rời khỏi ánh đèn sân khấu khi giọng ca không còn khoẻ vào những năm 2000; có thể nói, giọng ca Mai Hương là một giọng ca trưởng thành cùng nền tân nhạc, âm nhạc Việt Nam.

truongducmaihuongDanh ca Mai Hương cùng chồng, ông Trương Dục ở Mỹ. Ảnh: Malia Le

Nhiều người nói cách hát của danh ca Mai Hương ảnh hưởng nhiều từ người cô ruột là Thái Thanh. Tuy nhiên, rất nhiều bản nhạc khi Mai Hương hát, người nghe cảm thấy sự thanh thản. Như nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn viết lại lời một nhạc sĩ nhận xét về giọng ca Mai Hương, rằng:

“Nỗi đau trong tình khúc mình là một vết thương thật sự, nhưng hình như nó đã thành sẹo. Vậy mà nhiều khi nghe các ca sĩ hát, ông tưởng chừng như nó còn đang ở trên bàn giải phẫu, đang chảy máu. Sai lầm đó không có ở Mai Hương”.

Và nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn cũng viết về Mai Hương: “Nếu ví giọng hát Mai Hương như một đoá hoa thì đoá hoa ấy đã đạt đến độ mãn khai. Nếu ví giọng hát ấy như một thứ trái, trái ấy đã chín mùi, hương vị có thể hiến dâng đã trọn vẹn.”

Và trong các danh ca trước 1975 thành danh ở Sài Gòn, cũng hiếm có giọng ca nào có một đời sống riêng tư bình an như Mai Hương. Bà đã tạm rời bỏ đời sống thực trong ngày Chúa nhật đầu tiên của mùa Vọng Giáng sinh 2020, chỉ vài ngày trước sinh nhật bà. Cầu chúc giọng ca đẹp an nghỉ…

Danh ca Mai Hương qua đời

Mai Hương - giọng ca huyền thoại của tân nhạc Việt Nam - qua đời chiều 29/11 vì tuổi cao sức yếu, thọ 79 tuổi.
 
Jimmy Nhựt Hà - MC ở hải ngoại - cho biết anh và ca sĩ Kim Tước đến nhà thăm Mai Hương không lâu trước khi bà mất. Từng nhiều lần làm việc chung, anh nói cố danh ca luôn chu đáo, tử tế với mọi người, thường tâm sự với anh về những câu chuyện hậu trường. Anh cho biết: "Từ đây, 'tiếng hát quay tơ' sẽ không còn dệt những sợi tơ lấp lánh cho nền âm nhạc Việt Nam".
 
Ca sĩ Mai Hân - từng hát cùng Mai Hương thuở thiếu thời - xúc động khi hay tin bạn đồng niên qua đời. Ca sĩ ôn lại ký ức qua một bức ảnh chụp chung với Mai Hương, Quỳnh Giao ngày trẻ. Bà nói: "Cuộc đời thật ngắn ngủi. Vài tháng trước, chúng tôi còn trò chuyện qua điện thoại, giờ bạn đã bỏ lại những người yêu tiếng hát bạn mà ra đi. Vĩnh biệt bạn, tiếng hát tươi xanh và hoa xuân của tôi".
 
Mai Hương thành danh trước năm 1975. Tên tuổi bà được biết đến nhiều khi tham gia các chương trình phát thanh và truyền hình. Giọng hát sang cả, âm vực rộng của Mai Hương một thời lôi cuốn nhiều khán thính giả. Bà từng cộng tác với nhiều show ca nhạc nổi tiếng vào thời đó bên các nhạc sĩ, tác giả tên tuổi như Y Vân, Hoàng Trọng, Vũ Thành... Bà còn đảm nhiệm cả phần đọc truyện và làm phát thanh viên.
 
Nghệ sĩ sinh trưởng trong gia đình giàu truyền thống âm nhạc. Bà là con của nữ kịch sĩ Kiều Hạnh và ông Phạm Đình Sĩ (anh trai của các thành viên nổi tiếng trong ban Thăng Long là Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung, Hoài Bắc - Phạm Đình Chương). 12 tuổi, bà dự cuộc thi tuyển lựa ca sĩ của một đài pháp thanh do cô ruột - danh ca Thái Thanh - khuyến khích và đậu.
 
Từ đó, bà cộng tác với các chương trình thiếu nhi, theo học trường Quốc Gia Âm Nhạc và được những giáo sư nổi tiếng hướng dẫn. Bà học violin với thầy Nhiên, ký âm pháp với thầy Nguyễn Cầu, đàn tranh với thầy Nguyễn Hữu Ba, hợp xướng với thầy Hải Linh. Dù phải dở dang việc học vì bận thi Tú Tài, bà có căn bản vững vàng. Mai Hương được đồng nghiệp nhận xét là nắm rất vững nhạc lý. Bà có thể cầm tờ nhạc lên là có thế hát ngay được, phối hợp rất ăn ý với ban, thay vì phải tập dượt như nhiều ca sĩ.
 
mai huong 2 7732 1606710859
Danh ca Mai Hương thời mới nổi qua các đài phát thanh ở Sài Gòn. Bà sinh năm 1941 tại Đà Nẵng, gia đình gốc Hà Nội. Ảnh: Nhacxua.
 
Dù là giọng ca nổi tiếng, được đánh giá cao, lúc còn trong nước, bà ít khi xuất hiện trước công chúng. Khán giả của bà hầu hết ở tuổi trung niên. Sinh thời, bà từng nói: "Giọng hát của tôi là giọng hát cũ, bài mình hát cũng là bài cũ thì đương nhiên, đối tượng của mình cũng phải là lớp khán giả đó - lớn tuổi và yêu nhạc tiền chiến". Sau này, khi sang Mỹ định cư cùng gia đình, bà tiếp tục nổi tiếng với loạt nhạc phẩm - trong đó có Dòng Sông Xanh (nhạc Áo, lời Việt: Phạm Duy) - ca khúc kinh điển từng được Thái Thanh trình bày. Bà hát được nhiều thể loại - trong đó có nhạc dạ vũ, do một thời gian biểu diễn ở vũ trường. Sau này, bà hạn chế hát ở phòng trà, vũ trường vì theo bà, muốn nghe nhạc với lời hay ý đẹp, không nên nghe lúc khiêu vũ để tập trung vào tinh thần của nhạc phẩm. Những năm cuối đời, bà hạn chế biểu diễn vì sức khỏe xuống dốc.
 
Cuộc hôn nhân 60 năm của bà và chồng - ông Trương Dục - là một trong những mối tình bền lâu nhất làng nhạc. Bà quen ông chỉ ba tháng trước khi kết hôn năm 1961 theo sự sắp xếp của gia đình. Những năm tuổi già, bà sống bình yên bên bạn đời trên vùng đồi Rowland Heights (California) thơ mộng - nơi bà tìm thấy sự thanh thản trong tâm hồn, gác lại một đời cầm ca.
 
Mai Nhật
 
Một kỷ niệm kinh hoàng với ca sĩ Mai Hương
 
maihuongconnhomuaxuan
 
Ca sĩ Mai Hương tên thật là Phạm Thị Mai Hương, sinh năm 1941 tại Đà Nẵng, mất ngày 29 tháng 11, 2020 tại California, hưởng thọ 79 tuổi.
 
Tôi yêu tiếng hát Mai Hương từ thời mới lớn. Tiếng hát cao vút và trong như pha lê. Lúc đó tuy chưa quen Mai Hương vậy mà tôi đã cảm thấy rất gần gũi với Mai Hương. Tôi không hề có cảm giác xa cách giữa một thính giả và một ca sĩ nhà nghề. Tiếng hát Mai Hương, dáng dấp Mai Hương, với tôi thân quen như một người bạn. Một người bạn quen biết rất lâu với nhiều tình cảm đậm đà quý mến. Có lẽ tại vì chúng tôi cùng tuổi với nhau. Có lẽ tại vì Mai Hương lúc nào cũng đơn giản. Ngay cả khi đứng trên sân khấu, trông Mai Hương cũng đơn sơ giản dị như nột cô nữ sinh trên sân khấu nhà trường. Mai Hương không điệu đà, không làm dáng, không tỏ ra mình là ca sĩ nổi tiếng. Tôi thích cái vẻ e lệ dịu dàng của Mai Hương, và nụ cười với chiếc răng khểnh duyên ơi là duyên.
 
phongtratudo
 
Bây giờ tôi xin vào đề câu chuyện kinh hoàng của hai chúng tôi. Tôi lập gia đình rất sớm nên phải theo ông chồng nhà binh di chuyển đi các nơi. Tôi phải rời xa Sài Gòn một thời gian khá dài. Tôi rất buồn vì nhớ bạn bè, nhớ cái không khí văn nghệ của Sài Gòn. Nhớ những khuôn mặt, những giọng hát của các ca sĩ mà tôi yêu mến.

Năm 1971, nhà tôi được thuyên chuyển về lại Sài Gòn. Tôi mừng rỡ quá vì sẽ được gặp lại bao nhiêu là người thân. Tôi về trước lo sửa sang nhà cửa, luôn tiện đưa con gái út (cháu Uyển Diễm vừa tròn 5 tuổi) về Sài Gòn để người bạn thân của chúng tôi, anh nha sĩ Cân chữa răng cho cháu.

Về tới Sài Gòn được hai hôm thì nhóm bạn thân rủ tôi đi phòng trà Tự Do nghe nhạc. Các bạn quảng cáo là có Khánh Ly, Tuấn Ngọc, Khánh Hà, Anh Tú và ban nhạc Blue Jet. Đặc biệt có cả Mai Hương nữa (Mai Hương rất khi ít khi hát ở phòng trà). Nghe nói vậy là tôi đồng ý đi liền dù phải mang theo cả cháu Uyển Diễm vì cháu không chịu rời mẹ.

Nhóm bạn tôi có cả thảy 16 người. Chúng tôi chọn một dãy ghế dài ngay trước sân khấu. Chương trình ca nhạc hôm đó mở đầu với những bài hát thật hay, tôi ngồi ngây người ra nghe. Sau Tuấn Ngọc là Mai Hương. Tôi đang say sưa uống từng lời ca của Mai Hương qua nhạc phẩm “Love Story” lời Việt của nhạc sĩ Phạm Duy thì cháu gái kêu lạnh. Tôi bế cháu lên lòng và ôm chặt cho cháu đỡ lạnh vì cháu mặc váy ngắn mà phòng trà họ để máy lạnh hơi nhiều. Bỗng nhiên một tiếng nổ long trời lở đất. Tôi tưởng như mình đang nằm mơ.

vunophongtratudo
chuongtrinhcanhac
 
Bụi tro màu xám lẫn trong khói bay mù mịt trước mặt. Mai Hương nằm té xỉu ngay trên sân khấu. Tiếng người la hét, rồi người ta chen chúc nhau để thoát ra ngoài. Mùi thuốc nổ khét lẹt xung quanh. Tôi ngồi bất động bàng hoàng như không tin ở mắt mình với những cảnh vật kinh hoàng trước mặt. Ba người bạn trong nhóm của tôi nằm chết dưới sàn ngay cạnh chỗ tôi.

Anh nha sĩ Cân chưa kịp chữa răng cho cháu Uyển Diễm thì đã ra người thiên cổ. Xác anh chị Sang nằm sóng sượt bất động. Đầu anh Sang gối lên chiếc giày màu bạc óng ánh của tôi. Chị Cân bị thương mất một con mắt và vỡ một bên quai hàm máu ra đầy khắp mặt. Anh Hiệp cũng trong nhóm tôi bị sức ép của mìn nổ làm một bên lỗ tai bị rỉ máu. Chi Mô bị thương nhẹ ở chân. Xác chết nằm la liệt dưới sàn. Sợ hãi làm tôi cảm thấy toàn thân lạnh run như người lên cơn sốt rét.

Cháu Uyển Diễm khóc òa lên vì sợ. Tôi ôm con trong tay, lấy hết sức bình sinh rút chân ra khỏi chiếc giày mà ông bạn thân của tôi đang nằm gối đầu yên nghỉ giấc ngàn thu.

Tôi tưởng như mình đi không vững. Tôi cố lết ra khỏi phòng trà. Gần cửa ra vào chiếc màn nhung màu đỏ thắm vẫn còn đang cháy. Bên trong và bên ngoài phòng trà tiếng la hét, tiếng còi xe chữa lửa, xe cứu thương, tiếng người khóc, tiếng người gọi nhau và những ngọn lửa còn âm ỉ cháy bên cạnh những đám khói mờ mịt tạo thành một cảnh tượng hãi hùng náo loạn.

Người bạn đi cùng chở tôi về nhà. Bước qua chiếc gương của cái tủ đứng trong phòng ngủ tôi hết hồn sững lại. Trong gương là hình ảnh người đàn bà mặt mũi, tóc tai, quần áo, đều màu xám. Bụi tro của mìn Claymore, phủ kín người tôi từ đầu tới chân khiến mái tóc đen và chiếc áo đầm hàng ren đen bóng của tôi cũng biến thành màu xám tro. Một chiếc bông tai của tôi văng đi hồi nào, chỉ còn lại chiếc kia toòng teng lủng lẳng bên tai trái trông thật khôi hài.

Tôi bỏ cả giày, quên cả bóp để lại phòng trà. Như một phép lạ, hai mẹ con tôi không hề hấn một chút nào. Sau khi tắm rửa thay quần áo, hai mẹ con tôi chui vào chăn nằm ôm nhau, lúc đó tôi mới bắt đầu khóc. Khóc vì sợ, khóc vì nghĩ đến những người bạn mà mới buổi chiều tối chúng tôi còn ngồi ăn uống vui vẻ với nhau. Sau đó kéo nhau đi phòng trà nghe nhạc. Chỉ mấy tiếng đồng hồ sau tất cả đã biến đổi hoàn toàn. Tôi sẽ chẳng bao giờ còn được nhìn thấy những người bạn thân yêu đó nữa.'

Rồi còn những người bạn bị thương. Chị Cân mà tôi vẫn thân mật gọi tên chị là Mỹ, mới mấy tiếng đồng hồ trước đây chị là người đàn bà hạnh phúc nhất đời. Chị có đầy đủ điều kiện mà mọi người đều mơ ước: sắc đẹp, danh vọng, tiền và tình yêu nồng thắm của anh Cân. Bây giờ chị là người bất hạnh nhất. Chồng chết và khuôn mặt xinh đẹp của chị đã bị tàn phá bởi những mảnh mìn độc ác. Chưa kể những đau đớn về thể xác mà chị phải chịu trong thời kỳ dưỡng thương.

Rồi còn Mai Hương, người ca sĩ mà tôi rất yêu mến, đang nằm sóng soài trên sân khấu, không biết tính mạng sẽ ra sao. Rồi Khánh Ly và gia đình anh em Tuấn Ngọc. Rồi còn bao nhiêu khán thính giả của phòng trà Tự Do có mặt đêm nay nữa. Bao nhiêu gia đình mất đi những người thân yêu. Bao nhiêu người sẽ biến thành người tàn tật?

Hôm sau tôi đi đến nhà xác thăm những người bạn vừa mới ra đi tức tưởi đêm hôm trước. Cảnh tượng ở đây còn làm tôi kinh khiếp hơn. Xác người nằm la liệt. Không hiểu vì không đủ chỗ trong phòng lạnh để chứa xác chết hay sao mà người ta để người chết nằm cả xuống sàn, ra cả ngoài hàng hiên. Mỗi xác người được đặt cạnh một cây nước đá thật lớn (quý vị còn nhớ loại nước đá thật to ở Sài Gòn ngày xưa chứ?). Nghe nói số người chết lên đến hơn 60 người và số bị thương gần 200 người.

Rời nhà xác tôi vừa đi vừa khóc như một người điên. Tôi chạy qua nhà thương thăm Mỹ. Chị nằm đó với lớp băng trắng quấn che gần hết khuôn mặt. Nước mắt tôi lại chảy. Tôi nhìn bạn lòng xót xa vô cùng. Không biết Mỹ đã biết tin người chồng thân yêu, ông anh ruột và bà chị dâu đã vĩnh biệt Mỹ rồi không? Nước mắt tôi cứ tuôn trào như một dòng suối nhỏ không sao ngăn lại được.

Về đến nhà thì hai mắt tôi sưng húp như hai quả bàng nhỏ. Tôi vớ tờ báo đọc vội vàng, sau khi biết tin Mai Hương và các ca sĩ không ai bị thương nặng hay chết cả, tôi mới vui được một chút. Tôi định giấu nhẹm không cho chồng tôi biết vụ tôi đi nghe nhạc ở phòng trà buổi tối, mà dám cả gan mang cả con gái mới 5 tuổi đi theo. Nhưng báo chí đã loan tin tùm lum hết, chẳng biết ở đâu mà họ mò ra cả tên tuổi của tôi. Cho nên chỉ mấy tiếng đồng hồ sau, tôi đã bị ông chồng từ Vũng Tàu gọi về “ca cải lương” cho tôi nghe mệt nghỉ.

Tôi bị chồng la là phải, nghĩ lại tôi mới thấy tôi liều. Ham nghe Mai Hương, Tuấn Ngọc, Khánh Ly quá (lúc đó Khánh Hà, Anh Tú còn quá trẻ nên chưa nổi tiếng mấy) đến nỗi mang cả con bé đi theo. Nghĩ lại tôi thấy mình quá may mắn. Nếu hôm đó cháu Uyển Diễm không mặc váy ngắn, không bị lạnh, và tôi không vừa bế cháu vào lòng, ôm chặt cho nó đỡ lạnh. Nếu cháu vẫn ngồi trên ghế một mình, thì sức nổ mạnh của trái mìn Claymore chắc chắn đã làm cháu chết hoặc bị thương rồi. Và như vậy tôi sẽ phải ân hận suốt đời.

Mai Hương và tôi có duyên nợ với nhau, nên từ ngày lưu lạc qua đất Mỹ, hai chúng tôi lại có cơ hội gặp gỡ và trở nên thân thiết. Sau này nhắc lại vụ nổ ở phòng trà Tự Do, hỏi thăm Mai Hương tôi mới biết, tối hôm đó Mai Hương đã bị cái bóng đèn trên trần sân khấu rơi trúng đầu, làm cháy một ít lông mi ở bên mắt trái và bị thương nhẹ ở khóe mắt. Có thể vì sợ quá nên Mai Hương ngất đi một lúc. Tỉnh dậy Mai Hương nghe tiếng Khánh Ly gọi ầm ĩ, “Chị Mai Hương đâu, chi Mai Hương có sao không?”

Phòng trà vẫn tối mờ mờ vì hệ thống điện bị hư nhiều chỗ, nên Khánh Ly không nhìn thấy Mai Hương nằm xỉu trên sân khấu. Mai Hương tỉnh dậy thì anh Dục chồng Mai Hương cũng vừa đi tới. Áo Chemise của anh ướt đẫm máu làm Mai Hương lo sợ tưởng anh bị thương. Anh cho biết đó là máu của người ngồi bên cạnh bị thương bắn vào áo anh. Anh Dục dìu Mai Hương ra về.

Trên đường ra cửa, Mai Hương thấy xác của nữ tài tử Thúy Ngọc- vợ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện - nằm sõng soài. Ba người cháu của Mai Hương từ Nha Trang vào chơi, đi nghe nhạc cũng bị thương nhẹ. Ra tới ngoài đường, anh Dục và Mai Hương hốt hoảng khi nhìn thấy cái mui vải của chiếc xe hơi La Đà Lạt của hai vợ chồng đang bốc cháy, vì anh Dục đậu ngay góc đường gần sát phòng trà.

Có một điều cho đến bây giờ Mai Hương vẫn không hiểu được là tại sao hôm đó trong ví của Mai Hương lại có mảnh vỡ của đáy ly rượu nằm gọn bên trong, dù cái ví vẫn đóng kín. Ở đời có rất nhiều điều không thể hiểu và không cắt nghĩa được. Chẳng hạn như cả nhóm bạn chúng tôi ngồi sát cạnh nhau, cùng một dãy ghế. Vậy mà kẻ sống, người chết, kẻ bị thương, người bình yên vô sự. Có phải Thượng Đế đã dành sẵn cho mỗi người một số mệnh rồi không?

Những người chết chưa chắc đã xui xẻo, bởi vì họ chết thật nhanh, không cảm thấy đau đớn. Chết trong lúc đang thưởng thức những dòng nhạc thật hay cũng sướng lắm chứ. Sau này tôi nghe nói Việt Cộng đặt mìn ở phòng trà Tự Do chủ tâm để giết ông Tướng McNamara của Mỹ, vì tưởng tối hôm đó ông ta sẽ đến thăm phòng trà Tự Do. Không ngờ phút chót ông ta đổi ý, lại đi một nơi khác.

*
Sau vụ nổ ở phòng trà Tự Do, tôi đã tự nhủ lòng: Ngày nào cũng có thể là ngày cuối cùng trong cuộc đời, bởi vậy hãy sửa soạn sẵn sàng. Cố gắng làm những điều lành, điều tốt, để bất cứ lúc nào Thượng Đế gọi là thơ thới ra đi. Không có gì phải ân hận hay lo sợ.
 
Tôi và Mai Hương thường nói đùa với nhau “mạng chúng mình lớn lắm, mìn Claymore mà còn phải né cơ mà.”
 
(Tác giả Hồng Thủy là cựu học sinh trường Trưng Vương)
 
Danh ca Mai Hương và những ca khúc nhạc cổ điển lời Việt Phạm Duy: Trở Về Mái Nhà Xưa, Dạ Khúc…
 
nhacmaihuong
 
Từ khoảng thập niên 1950, một số nhạc sĩ nổi tiếng của Việt Nam đã bắt đầu soạn lời Việt cho các ca khúc nổi tiếng của Mỹ và Châu Âu, nhưng có lẽ không ai soạn lời Việt cho nhạc ngoại nhiều bằng nhạc sĩ Phạm Duy. Chỉ tính riêng các ca khúc nhạc cổ điển bất hủ được ông viết lời Việt thì đã có thể xếp thành một dòng nhạc riêng, với rất nhiều ca khúc quen thuộc với nhiều thế hệ người Việt: Dòng Sông Xanh, Chủ Nhật Buồn, Trở Về Mái Nhà Xưa, Chiều Tà, Dạ Khúc, Khúc Hát Thanh Xuân…
 
Nhạc sĩ Phạm Duy bắt đầu soạn lời Việt cho nhạc nước ngoài từ khi ông còn rất trẻ, ở tuổi chưa đến 20. Vào thời điểm mà các nhạc sĩ lúc bấy giờ thường chọn nhạc bình dân Pháp để soạn lời, thì Phạm Duy là người tiên phong viết lời Việt cho nhạc cổ điển Âu – Mỹ, bắt đầu với những tác phẩm của nhà soạn nhạc lừng danh người Áo là Johann Strauss. Theo Phạm Duy giải thích thì những bài điệu valse của Johann Strauss tuy là nhạc cổ điển nhưng có bài được phổ biến dưới hình thức ca khúc phổ thông.
 
Ngoài bài valse bất hủ là Le beau Danube bleu (Dòng Sông Xanh), Johann Strauss có một bài valse khác cũng được nhiều người biết đến là When We Were Young, đã được Phạm Duy viết lời Việt có tựa Khúc Hát Thanh Xuân với những ca từ tươi vui:
 
“Ngày ấy khi xuân ra đời, một trời bình minh có lũ chim vui
Có lứa đôi yêu nhau rồi hẹn rằng còn mãi không nguôi…”
 
Trong hồi ký của mình, nhạc sĩ Phạm Duy giải thích về cơ hội được tiếp cận với nhạc cổ điển để rồi sau đó tiếp tục tìm hiểu và viết lời Việt như sau:
 
“Vào tuổi tôi, ai mới bước vào âm nhạc thì cũng đều mê nhạc cổ điển Tây Phương. Tôi có cái may là có một người anh đi du học bẩy năm ở bên Pháp. Khi hồi hương, người anh mang về nhiều đĩa hát loại 78 tours, tất cả là nhạc cổ điển. Tôi đã nghe và đã thuộc lòng nhiều bài được coi như bất tử, chẳng hạn bài Sérénata của Toselli. Bản nhạc Ý đại lợi này thì quá đẹp, lại có thêm lời ca tiếng Pháp rất hay”.
 
Người anh mà nhạc sĩ Phạm Duy nói đến là Phạm Duy Khiêm, một người du học ở Pháp 7 năm, là người Việt Nam đầu tiên lấy bằng tú tài văn chương Pháp. Nhờ người anh tài giỏi đỗ đạt này mà khi chỉ mới 14,15 tuổi, nhạc sĩ Phạm Duy đã được tiếp xúc và yêu nhạc cổ điển.
 
Lúc ấy thành phố Sorrento còn sơ sài với những mái nhà tường đất, những con đường lót đá và đầy bụi ven vực biển, người thưa thớt và dịch vụ nghèo nàn. Nhưng Sorrento lúc ấy cũng rất đẹp trong nét hoang sơ và ngút ngàn của sóng biển ngàn khơi, những ngọn đồi cao chênh vênh cách mặt biển 50m như cánh cung nhìn ra vịnh Napoli tràn ngập trong ánh nắng miền Địa Trung Hải.
 
Ở phần lời Việt, nhạc sĩ Phạm Duy giữ được phần nào tinh thần của bài gốc, nói lên ước mơ được trở về với những điều bình dị nhất của đời người. Ngoài ra ông còn nói rằng bài soạn lời Việt đã được “thêm chút không khí Bồ Tùng Linh, vì tôi là người Á Ðông”.
 
Trở Về Mái Nhà Xưa cũng là ca khúc mà cố danh ca Mai Hương chọn làm bài hát mở đầu cho CD nhạc cổ điển mà bà đã thực hiện cách đây khoảng 20 năm. CD đã chọn ra hầu như tất cả những bài nhạc cổ điển lời Việt quen thuộc nhất với người Việt, như Chủ Nhật Buồn, Dạ Khúc, Dòng Sông Xanh…
 
CD có 11 bài hát nhạc cổ điển bất hủ lừng danh thế giới, tất cả đều được nhạc sĩ Phạm Duy viết lời Việt, và cho đến nay, CD này vẫn được xem là album nhạc cổ điển lời Việt hay nhất. Mời các bạn nghe lại sau đây:
 

 

 

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com