User Rating: 0 / 5

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

.

Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ trong Vũ Trung tùy bút, bài Thi ca kể tên cùng Nguyễn Tông Khuê, Nguyễn Huy Oánh là ba bậc thầy phục hưng thi ca. Nhưng ngày nay chúng ta không còn biết tác phẩm, chỉ biết ông là anh họ Hồ Xuân Hương. Điều này ngược lại ngày xưa các danh sĩ đương thời như Tốn Phong trong bài tựa Lưu Hương Ký, biết Hồ Xuân Hương vì là em quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, một bậc thầy thi ca danh tiếng đương thời. Hồ Sĩ Đống từng giữ chức Hành Tham Tụng (Quyền Thủ Tướng), đứng đầu triều đình. Dòng dõi họ Hồ Quỳnh Lưu với những tên tuổi như Hồ Tông Thốc, Hồ Sĩ Dương, Hồ Phi Tích không thua kém gì họ Nguyễn Tiên Điền, Nguyễn Trường Lưu, Phan Thu Hoạch, hay Ngô Tả Thanh Oai. Ông anh họ Hồ Xuân Hương cũng ngang chức vụ với Tiến sĩ Nguyễn Khản, anh cùng cha khác mẹ thi hào Nguyễn Du. Hai người thay nhau đối đầu với kiêu binh trong những ngày cuối cùng triều nhà Trịnh. Hồ Sĩ Đống thành công và Nguyễn Khản thất bại. Cả hai cùng mất trước khi nhà Trịnh sụp đổ, nhưng Hoàng Lê Nhất Thống chí lại không nhắc đến quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, một người mất mà cả nhân dân, binh sĩ ai cũng thương tiếc.

Với quan Hoàng Giáp Nguyễn Tông Khuê, Phạm Đình Hổ khen rằng thơ ông tinh vi đẹp đẽ, nhưng lại cho rằng: có phần vụn vặt quá. Với quan Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh, ông khen là thơ của bậc thanh cao, nhưng lại cho là: vẫn có ý mô phỏng (thi ca danh tiếng Trung Quốc). Nhưng với quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, ông lại khen: "Thơ Hoàng Hậu công thì chủ lấy khí phách, không làm lấy điêu khắc, vẽ vời làm khéo." Về Tiến sĩ Nguyễn Khản , Phạm Đình Hổ viết trong bài Nhà họ Nguyễn Tiên Điền trong Vũ Trung tùy bút tr 177: "Ông lại thích nghề hát xướng, sành âm luật, thường đặt những bài hát nhạc phủ ra làm điệu hát mới; viết xong bài nào thì những nghệ sĩ ngoài giáo phường tranh nhau truyền tụng. Ta có câu thơ rằng: Án phách tân truyền Lại bộ ca (nghĩa là gõ phách truyền tụng bài hát mới của quan Lại bộ) chính là chỉ việc ấy."(Lại Bộ tương đương Bộ Nội Vụ, quyền Thủ Tướng ngày nay). Nguyễn Du chịu ảnh hưởng rất nhiều ở tài năng, hào hoa phong nhã ông anh cả. Nguyễn Hành trong bài thơ Thướng Thúc phụ Đông Các Đại Học sĩ đã tả tài năng Nguyễn Du: Giang hồ, Long miếu hai điều đủ, Thi họa cầm thư bốn nghệ tinh. Nguyễn Du còn hơn cả ông anh, là có một đời đi giang hồ khắp Trung Quốc, dạo chơi Ngũ Hồ như Lý Bạch, Đào Uyên Minh. Ông anh cả ra đời đã đỗ đạt cao, được đãi yến ở Lễ Bộ đường, cha đang làm quan Lễ thị tự tay gắn bông hoa mũ cho con. Xuân Hương Hồ Phi Mai có lẽ giống ông anh Hồ Sĩ Đống: thơ chủ lấy khí phách, tự nhiên, không lấy điêu khắc vẽ vời làm khéo.

Hồ Sĩ Đống, còn có tên là Hồ Sĩ Đồng, tự Long Cát, Long phủ, Thông Phủ hiệu Dao Đình, Trúc Hiên, sinh tại Xã Hoàn Hậu, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An. Quỳnh Lưu là một địa danh văn hóa xuất phát nhiều nhân tài, có ba họ lớn là họ Hồ, Hoàng, Vũ.. Họ Hồ dòng dõi Trạng Nguyên Hồ Hưng Dật thế kỷ thứ 10, Trạng nguyên Hồ Tông Thốc đời Lê.. Họ Hồ Quỳnh Lưu, Nghệ An có nhiều người đỗ đạt cao, làm quan to: Hồ Bỉnh Quý. Tiến sĩ Đệ Nhị Giáp chế khoa 1577. Hồ Sĩ Dương (đời 8) Tiến sĩ Đệ Tam giáp 1652. Hồ Phi Tích (đời 9) Tiến sĩ đệ nhị giáp 1700. Hồ Sĩ Tân (đời 11) Tiến sĩ Đệ Tam Giáp 1721. Vua Quang Trung Nguyễn Huệ (1753-1792) con Hồ Phi Phúc, quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống (1739-1785), nữ sĩ Hồ Xuân Hương (1772-1822) và tú tài Hồ Phi Hội (1802-1875) cùng đời thứ 12, có cùng một ông tổ đời thứ 8 là Hồ Sĩ Anh.(Theo gia phả Hồ Phi Hội, thư viện Hoàng Xuân Hãn, Paris). Ngày nay chúng ta chỉ còn biết ba đời, chứ ngày xưa bốn đời là bà con gần lắm, gọi nhau là em, anh thân thuộc. Ông tổ ba đời Nguyễn Huệ, là Hồ Thế Viêm thuộc, con Hồ Sĩ Anh, sinh Hồ Phi Khang, Phi Khang sinh Phi Phúc, di dân vào ấp Tây Sơn, Bình Định, đổi họ Nguyễn và sinh ba anh em Nhạc, Huệ, Lữ.

ảnh minh họa

Mối quan hệ Hồ Xuân Hương và Nguyễn Du, có điểm giống nhau cùng là mồ côi cha, và cùng có hai ông anh đứng đầu triều đình. Ngày nay anh em cùng cha khác mẹ có khi không nhìn mặt nhau, khác với ngày xưa, khi cha mất, ông anh cả con bà cả là "quyền huynh thế phụ ", nuôi hết cả bầy em con các thứ thiếp của cha như em ruột mình. Khi Nguyễn Du (1766-1820) 12 tuổi, mồ côi cha lẫn mẹ, nhỏ tuổi hơn cả cháu Nguyễn Thiện(1763- 1818) con Nguyễn Điều (1748-1786) 3 tuổi, nhỏ tuổi hơn cháu rễ Nguyễn Huy Tự (1743-1790) 23 tuổi. Ông anh cả Nguyễn Khản(1734-1786) đã nuôi Nguyễn Du trong tư dinh Kim Âu, phía nam chùa Bích Câu, phía Tây thuộc chùa Tiên Tích, gần Quốc Tử Giám . Nguyễn Du được anh cho dạy võ nghệ bởi một tân khách tên Nguyễn Đăng Tiến, tước Quản Vũ Hầu, tức Cai Già (theo Lịch Triều Tạp Kỷ của Ngô Cao Lãng tr 281, Hoàng Lê Nhất Thống Chí gọi là Cai Gia) gốc người Việt Đông, Trung Quốc. Là "giặc già" " phản Thanh phục Minh" sang Việt Nam lánh nạn. Ông còn lớn tuổi hơn Nguyễn Khản (hơn Nguyễn Du 31 tuổi) nên Nguyễn Du trong Thanh Hiên thi tập gọi ông là Nguyễn Đại Lang, và có kết nghĩa sinh tử với ông (bài thơ Lưu biệt Nguyễn Đại Lang). Nguyễn Du đã lấy quê Việt Đông của ông gán cho Từ Hải, người Huy Châu (An Huy).

Hồ Sĩ Đống, con ông Hồ Sĩ Danh (1704-1783) đỗ Giám sinh, có 5 anh em trai:

Hồ Sĩ Dược, con trưởng đỗ Tứ trường thi Hương.
Hồ Sĩ Đống
Hồ Sĩ Thích, đỗ Tam trường
Hồ Sĩ Trù, sinh đồ

Hồ Sĩ Hữu, đỗ khoa Liệu sử khả, đời Gia Long, được bổ làm Tri huyện. Vua Gia Long mở kỳ thi đầu tiên năm 1807, nhưng từ năm 1802 vua đã mời những người đã thi đỗ thời Lê- Trịnh ra làm quan, như Nguyễn Du dâng bò ngựa tại Phù Dung, Sơn Nam được phong ngay tri huyện Phù Dung năm 1802. Khi Nguyễn Du được thăng Tri phủ Thường Tín , Nguyễn Kính thay thế, khoa 1806 Nguyễn Kính dự thi kỳ thi Hương đỗ Cử nhân được bổ làm Tri huyện Tiên Minh. Tại một số nơi khác sai các quan sát hạch người được tiến cử.
Ông Trần Thanh Mại, Đào Thái Tôn căn cứ theo bài tựa Lưu Hương Ký, của Tốn Phong cho rằng : Hồ Xuân Hương em ông Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống, mà phỏng đoán là Hồ Xuân Hương con một thứ thiếp ông Hồ Sĩ Danh. Giáo sư Hoàng Xuân Hãn bác bỏ việc này, ngày xưa từ em rất rộng, em họ một nhà quyền quý, nhà sang thường xưng là em thân thiết, không nhất thiết là em cùng cha. Các bản gia phả đều chép Hồ Xuân Hương con ông Hồ Phi Diễn (1703-1786).

Hồ Sĩ Đống đỗ Hội Nguyên, Đình Nguyên, Tiến Sĩ Đệ Nhị giáp năm 1772 . Khoa này không có Trạng Nguyên nên người đỗ đầu là Hoàng Giáp, nên còn gọi là Song nguyên Hoàng Giáp.

Đống có nghĩa là đòn dông, nóc nhà. Còn có nghĩa là người có tài gánh vác được việc quan trọng đất nước. Bậc lương đống.

Năm 1774, Ông được bổ làm Bố Chính Kinh Bắc, rồi Án Sát Hải Dương.

Năm 1777, ông được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh, Chánh sứ là Võ Khâm Tự (1736-1778) còn có tên Võ Trần Thiệu, Võ Trần Tự. Phó sứ thứ hai là Nguyễn Trọng Đương. Khởi hành tháng giêng năm Mậu Tuất 1778, mùa thu tháng 8 tới Yên Kinh, và mùa Đông lên đường trở về nước. Trong lần đi sứ này Võ Khâm Tự được mật chỉ chúa Trịnh Sâm (1737 -1782), gọi đến dinh Trung Hòa đường dặn dò, trao quốc thư: xin vua nhà Thanh phong vương thay vua Lê, lấy lý do nhà Lê nay con cháu chẳng còn ai xứng đáng. Võ Khâm Tự biết ý chúa Trịnh không thể từ chối được, nhưng không thể làm điều ấy, khi đi đến Động Đình Hồ. Tháng 6 năm Mậu Tuất, Võ Khâm Tự họp mật cùng Hồ Sĩ Đống và Nguyễn Trọng Đương dặn bảo mọi công việc, ông đem chiếu chỉ chúa Trịnh Sâm ra đốt, làm tờ khải, tờ bẩm để lại và tự tử trên thuyền. Hồ Sĩ Đống đi sứ về cũng không nói gì với chúa Trịnh Sâm, chúa Trịnh Sâm đành im đi không hỏi đến. Trong bài Thần Hồ Động Đình trong Vũ Trung Tùy Bút, Phạm Đình Hổ có chép bài thơ Viếng Võ Khâm Tự của Hồ Sĩ Đống:

Hai lần làm Chánh Sứ đi sứ nhà Thanh; Bậc công khanh tuổi cao đức trọng.(Theo Phạm Đình Hổ, bài Thần Hồ Động Đình, sđd tr 209, là ông cậu ông, lúc đã đã hơn ngoài sáu mươi). Bang giao tốt đẹp thành công tưởng như ngọc bạch. Bậc tiên cốt nào hay phải lụy bụi nhơ chốn trần gian, (việc chúa Trịnh Sâm muốn được phong Vương thay nhà Lê). Khóc người đồng hương Châu Hoan, Nghệ Tĩnh, xin dâng một lễ. Tiếng danh tài bút ngài là bậc công thần. Từ nay trăng thu trên Hồ Động Đình bao la này, lại chiếu nơi quê nhà bóng dáng người xưa.

Viếng Quan Chánh Sứ Võ Khâm Tự

Hai độ hoàng hoa chánh sứ thần,
Tuổi cao đức trọng bậc công khanh.
Bang giao những tưởng như ngà ngọc,
Tiên cốt nào hay gió bụi trần.
Giọt lệ đồng châu dâng một lễ,
Tiếng danh tài bút bậc công thần.
Trăng thu thấp thoáng trên hồ rộng,
Lại chiếu quê nhà bóng cố nhân.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Điếu Võ Khâm Tự

Hoàng hoa lưỡng độ phú tư tuân,
Uyên đức kỳ niên cánh kỷ nhân.
Cộng tiễn bang giao nhàn ngọc bạch,
Thùy tri tiên cốt lịch phong trần.
Sinh sô lệ sái đồng chu khách,
Tái bút danh qui tuẫn quốc thần.
Trù tướng thái hồ thù nguyệt sắc.
Dạ lai do chiếu ốc lương tần.


Trên đường đi sứ Hồ Sĩ Đống có làm bài thơ Sơn Hành tức sự. Tức sự đi đường núi: Đường dài dằng dặc, gióng ngựa chạy xăm xăm. Đi hết đồng bằng lại xuyên qua rừng. Buổi sớm gió thổi phơ phất ngọn cờ lau trắng. Màu cây hòa khí núi, trời suốt ngày âm u. Trời đất giăng bày bao nhiêu cách trở. Núi khe trải khắp biết mấy cao sâu. Xưa nay cần lao là phận bầy tôi. Chí tang bồng hồ thỉ đã có sẵn riêng ta.

Tức Sự Đi Đường Núi

Đường dài thăm thẳm ngựa xe băng,
Đi hết đồng bằng xuyên lối rừng.
Sớm sáng cờ lau phơ phất gió,
Chiều tà cây khí tối tăm đồng.
An bài trời đất bao ngăn trở,
Trải khắp non khe thẳm điệp trùng.
Tự cổ cần lao là phận dưới,
Chí khí tang bồng vốn tự thân.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt:

Sơn Hành Tức Sự

Chu đạo uy trì lạc bí xâm,
Đạp cùng binh dã cánh xuyên tâm.
Lô kỳ kinh hiểu phong nhưng phất,
Thụ sắc hòa lam nhật tận âm.
Thiên địa an bài trùng hạn cách.
Sơn khê bão lịch kỷ cao thâm.
Cần lao tự cổ nhân thần chức,
Bồng thỉ tang hồ tự túc tâm.


Tại Yên Kinh (Bắc Kinh) trong thời gian đi sứ Hồ Sĩ Đống có gặp gỡ các sứ thần Triều Tiên: Lý Quang, Trinh Vũ Thuần và Duẫn Phường khi chia tay ông có bài thơ tặng các sứ thần: Việc nước xong rồi đường chia hai ngã. Chỉ bể Đông quyến luyến biết bao. Phận kẻ nho sĩ phải giữ cho tròn chí khí. Chuyện thơ văn thi phú là chuyện trời cho. Cùng khoe văn chương điển tích, cùng chung một quỹ đạo Nho học giống nhau. Giữ lễ nghi, để chứng tỏ nước mình có người tài. Vạn dặm gặp nhau đây nào có dễ. Mỗi sáu năm, mới có hội sứ giả các nước gặp nhau một lần tại Yên Kinh.

Tặng Triều Tiên Quốc Sứ
Lý Quang – Trinh Vũ Thuần - Duẫn Đường

Việc nước xong rồi hai ngã đường,
Chỉ bể Đông nhìn bao vấn vương.
Phận kẽ sĩ phu tròn chí khí,
Trời cho duyên phận chuyện văn chương.
Khoe văn điển lệ xe cùng quỹ,
Giữ lễ trí tài sĩ đảm dương.
Vạn dậm tương phùng nào có dễ,
Sáu năm hội ngộ sứ triều vương.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Công đình triều bãi lộ phân thù,
Dao chỉ Đông Doanh ức sứ hồ.
Chí khí khả năng truy cảo đới,
Thiên chương hề quản phó tương bồ.
Phu nhân thử nhật xa đồng quỹ,
Binh lễ tòng lai quốc hữu nho.
Vạn lý tương phùng tri phủ dị,
Lục niên vương hội nhất thành đồ.


Sau khi đi sứ về năm 1778 ông được thăng Tả Thị Lang Bộ Hộ. Tước Dao Đình Hầu.

Tháng 9 năm Nhâm Dần 1782 Chúa Trịnh Sâm mất. Kiêu binh giết Việp Quận Công Hoàng Đình Bảo phế chúa Trịnh Cán, đưa con cả Trịnh Tông lên nối ngôi. Trịnh Tông phong Hồ Sĩ Đống làm Bồi Tụng, Hữu thị Lang Bộ Hộ. Hồ Sĩ Đống được cử đi phủ dụ kiêu binh có hiệu quả, quân lính nghe lời ông, nhân dân tin cậy ông. Từ đó ông chuyển sang hàm quan võ Đô Chỉ Huy Sứ kiêm Bồi Tụng Chánh Sự phủ đường. Năm 1783 làm Hành Tham Tụng (Quyền Thủ Tướng).

Năm 1783, Ông xin thôi chức về thọ tang cha Hồ Sĩ Danh (1706-1783). Ông xin nghỉ việc quan đợi hết tang sẽ về kinh, nhưng chúa Trịnh không cho. Nguyễn Khản làm Thượng Thư Bộ Lại, thay thế làm hành phủ liêu Tham Tụng, kiêm Trấn Thủ Thái Nguyên, Hưng Hóa, tước Toản Quận công. Nguyễn Điều, làm Trấn Thủ Sơn Tây thay anh. Kiêu binh không phục Nguyễn Khản xử chém 7 kiêu binh nhân bữa tiệc nhà vua khoản đãi có công đưa tự hoàng Lê Duy Kỳ (Chiêu Thống) từ nhà giam về lên ngôi Hoàng Thái Tử, kiêu binh làm loạn phá Kim Âu dinh. Nhờ có một kiếm khách người Trung quốc liều chết chống cự, Nguyễn Khản chạy thoát bỏ trốn lên Sơn Tây. Bàn mưu cùng Nguyễn Điều đem quân các trấn về đánh kiêu binh, nhưng việc không thành, vì kiêu binh giữ chặt chúa Trịnh Tông, mưu bị bại lộ.

Tháng 10, Hồ Sĩ Đống đang có tang được triệu về kinh, đối phó tình hình, được chuyển sang quan võ, nhậm chức Đô Chỉ Huy sứ, kiêm Bồi Tụng phủ sự (Phó Thủ Tướng) cùng ông Hành Tham Tụng Bùi Huy Bích xử trí mọi việc có phương pháp dần dần ổn định tình hình kiêu binh ở kinh đô. Hồ Sĩ Đống được ban chức Tham Đốc kiêm Ngự Sử đài, Đô Ngự sử Bồi Tụng tước Ban Quận Công. Ông được cử đi Phú Xuân Cai quản Tả Uy Cơ, Án Sát Quảng Nam, Đốc Thị Thuận Hóa. (Chức vụ Bảng Nhãn Lê Quý Đôn từng phụ trách từ năm 1776, khi Hoàng Ngũ Phúc và Nguyễn Nghiễm chiếm được Thuận Hóa của chúa Nguyễn). Tại Thuận Hóa quan trấn thủ là tướng Phạm Ngô Cầu, phó tướng là Hoàng Đình Thể, hiệp mưu là Vũ Tá Kiên, có 3000 quân lưu đồn và 30 000 quân thay phiên đi thú.

Việc Hồ Sĩ Đống, một vị quan cao cấp triều đình được cử đi Quảng Nam, nơi có ba anh em Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ, nhà Trịnh không còn kiểm soát được nữa; phải chăng triều đình muốn dùng mối liên hệ gia đình để nối lại sự thần phục nhà Tây Sơn?. Nguyễn Nhạc từng được nhà Trịnh phong cho làm Quảng Nam trấn thủ năm 1777. Tuy nhiên chưa tìm thấy một tài liệu lịch sử nào anh em Tây Sơn tiếp xúc họ Hồ Quỳnh Lưu. Việc vua Quang Trung xây dựng Phượng Hoàng Trung Đô tại núi Dũng Quyết, Nghệ An phải chăng là một dấu hiệu muốn tìm về nguồn gốc.

Năm Mậu Tuất 1778, sau khi giết được các chúa Nguyễn Thái Thượng Vương, Tân Chính Vương, lấy xong đất Gia Định để lại Tổng Đốc Chu trấn thủ. Nguyễn Nhạc xưng đế hiệu, đặt niên hiệu là Thái Đức gọi thành Đồ Bàn là Hoàng đế thành, phong cho Nguyễn Lữ làm Tiết Chế. Nguyễn Huệ, Long Nhương tướng quân. Khi Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ về Qui Nhơn rồi thì các tướng chúa Nguyễn lại nổi lên, đánh đuổi Tây Sơn lấy lại thành Sài Gòn, tôn Nguyễn Phước Ánh 17 tuổi lên làm Đại Nguyên súy, Nhiếp quốc chính. Ít lâu sau chúa Nguyễn lại lấy lại Bình Thuận và Diên Khánh.

Năm 1780 Nguyễn Ánh xưng vương hiệu. Đỗ Thành Nhân làm Ngoại hữu Phụ Chính, Thượng Tướng công.

Năm 1782 Vua Tây Sơn và Nguyễn Huệ đem hơn 100 chiến thuyền vào cửa Cần Giờ đánh chúa Nguyễn Ánh ở Thất Kỳ Giang. Nguyễn Vương thua to chạy về Ba Giồng rồi chạy ra Phú Quốc. Khi Tây Sơn rút về Quy Nhơn, tướng Chu Văn Tiếp lại đánh thành Sài Côn rước chúa Nguyễn Ánh về.

Năm 1783 Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ lại đem binh vào đánh. Nguyễn Ánh lại bỏ chạy ra Phú Quốc.

Năm 1784. Hai vạn quân Tiêm La (Thái Lan ngày nay) cùng 300 chiến thuyền sang tiếp viện chúa Nguyễn. Nguyễn Huệ lại phá tan quân Tiêm La tại Rạch Gầm. Nguyễn Ánh lại bỏ chạy sang Tiêm La.

Hồ Sĩ Đống đến Quảng Nam trong tình hình này, Tây Sơn không còn thần phục nhà Lê - Trịnh, mà xưng đế hiệu, không thấy sử chép, ông có gặp gỡ ba anh em Tây Sơn, người bà con 4 đời không? Nhưng anh em Tây Sơn đang bận đánh dẹp chúa Nguyễn Ánh ở Gia Định, nên Hồ Sĩ Đống không làm được việc gì.

Quan Trấn thủ Thuận Hóa bấy giờ là tướng Phạm Ngô Cầu, là một người nhu nhược, vô mưu lại tham lam, chỉ lo việc làm giàu, chứ không lo nghĩ đến việc binh. Quan Phó đốc thị là Nguyễn Lệnh Tân viết thư bày tỏ mọi lẽ xin chúa Trịnh cho tướng khác vào thay, nhưng chúa Trịnh không nghe lại đòi Nguyễn Lệnh Tân về.

Bùi Huy Bích lên thay làm Tham Tụng, Trương Đăng Quỹ, Trần Công Thước, Mai Thế Uông làm Bồi tụng. (Trương Đăng Quỹ và Công Thước là môn sinh Thám Hoa Nguyễn Huy Oánh đỗ Tiến Sĩ, Bùi Huy Bích là môn sinh Lê Quý Đôn). Hồ Sĩ Đống lại được triệu về kinh coi việc chính sự trong phủ. Đô Chỉ Huy Sứ, Tham Đốc Quyền Phủ Sự tước Ban Quận Công. Từ Quảng Nam về Phú Xuân ông có bài thơ, nói lên nỗi lo lắng của ông trong tình hình chuyển biến phúc tạp, trong cơn loạn lạc cờ đến tay ai nấy phất, do lòng kiêu ngạo ai cũng xưng vương, xưng đế. Bậc thánh nhân có ra đời trong lúc này là trời khiến cho lòng thương dân trong cơn hoạn nạn. Nhìn về núi bắc, nước trong đôi mắt thêm sáng suốt. Từ trong triều ra đến cõi biên cương lòng không an, trong triều đình bọn kiêu binh lộng quyền, ngoài bờ cõi tướng giữ thành nhu nhược hèn kém. Thức cả đêm mới chợp mắt mơ màng, tiếng gà đã gáy vang báo sáng.

Nhớ Đế Kinh

Vạn dặm nhớ về cảnh Đế Kinh,
Thuyền về tạm nghỉ Phú Xuân thành.
Người do kiêu ngạo thành lăng vũ,
Trời khiến thương dân bậc thánh nhân.
Núi bắc nước trong thêm sáng mắt,
Trong triều ngoài cõi chẳng nguôi lòng.
Canh khuya tựa gối mơ màng mộng.
Điếm cỏ tiếng gà ai gáy vang.

Nhất Uyên dịch thơ

Nguyên tác phiên âm Hán Việt

Thiên lý quan hà mộng Đế kinh,
Quy châu cơ bạc Phú Xuân thành.
Nhân do kiêu dưỡng thành lăng vũ,
Thiên vị ân ưu khởi thánh minh.
Sơn bắc thủy quang song trú nhãn.
Triều cơ biên sự lưỡng quan tinh.
Trung tiêu cảnh cảnh tân y chẩm,
Mao điếm thờ văn kê sổ thành.


Bùi Huy Bích và Hồ Sĩ Đống làm dịu được tình hình kiêu binh. Hồ Sĩ Đống bệnh không đi chầu, nhà vua, nhà chúa sai ngự y đến thăm bệnh và thuốc thang cho ông. Nhưng ngày 10 tháng 10 năm Ất Tỵ (1785) quan Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống bị bệnh nặng và qua đời, hưởng dương 47 tuổi, được truy tặng Hình Bộ Thượng Thư. Nhân dân, binh sĩ xa gần nghe tin, mến thương ông đều khóc. Xét thấy nhà cửa ông thanh bạch không có của cải gì, chúa ban cho 2 tấm đoạn, 13 nén bạc, truyền cho ba đạo thủy binh Sơn Nam, Thanh Hóa, Nghệ An hộ tống quan tài về an táng ở quê nhà thôn Quỳnh Đôi, huyện Quỳnh Lưu. Ngệ An. Bùi Huy Bích, quan Hành Tụng soạn văn tế ông.

Song Nguyên Hoàng Giáp Bùi Dương Lịch (1757-1828) viết về Hồ Sĩ Đống như sau:

"Tham Đốc Ban Quận công Hồ Sĩ Đống là người ôn hòa bình dị, thi đỗ Hoàng Giáp, vâng mệnh đi sứ có công. Khi Tĩnh Vương (Trịnh Sâm) còn sống ông chưa được trọng dụng, nhưng lòng người đều kính phục đức vọng của ông. Đến Đoan Vương (Trịnh Tông hay Trịnh Khải) ông được thăng chức Hành Tham Tụng (Quyền Tể Tướng). Đến khi ông ốm, chúa thượng sai người đến thăm hỏi, lại ban tước Ban Quận công. Ông mất quân lính các đoan cơ, thuyền đội ở kinh không ai là không thương xót."

Ông Hoàng Giáp Bùi Huy Bích, quan Hành Tụng, (môn sinh Lê Quý Đôn) làm bài văn tế ông có câu:

"Kẻ sĩ đại phu có văn học có đức độ, có phẩm vọng như ông ít lắm."

Qua những dòng điếu văn trên, cho biết Hồ Sĩ Đống là người được lòng quân sĩ và đã làm yên được đám kiêu binh. Khi Hồ Sĩ Đống mất rồi thì Nguyễn Khản mới từ Hà Tĩnh đem thủ hạ ra Thăng Long, bàn kế sách chúa Trịnh rước vua Lê lên Sơn Tây, các tướng ở lại Thăng Long đóng quân theo lối vẩy sộp, đối phó với quân Tây Sơn, Chiêu dụ giặc cướp, ban chức tước để chúng quấy phá sau lưng thủy binh Tây Sơn. Kế sách không được thi hành, kiêu binh lại làm loạn vu cho Nguyễn Khản rước Tây Sơn về. (Theo Nguyễn Thu. Lê Quý Kỷ Sự tr 33). Nguyễn Khản lại chạy và mất vì bạo bệnh trong buổi loạn ly này. Tại Thanh Chương, Nguyễn Điều vì việc nước cũng uất ức mà mất. Những trụ cột nhà Trịnh mất đi, chính trị nhà Trịnh bị tê liệt, vì kiêu binh không điều khiển được. Nguyễn Huệ, với quân sư Trần Văn Kỷ, dùng mưu kế cho người làm thầy bói khiến tướng Phạm Ngô Cầu, trấn thủ Phú Xuân lập đàn tràng, cúng tế bảy ngày bảy đêm, việc này khiến quân sĩ mỏi mệt, lại dùng thư phản gián trá hàng, gửi lầm địa chỉ giữa Cầu và phó tướng Hoàng Đình Thể, hai người nghi kỵ không tiếp ứng nhau. Khi quân Nguyễn Huệ đến, Phú Xuân sụp đổ nhanh chóng, quân sĩ cúng tế quá mỏi mệt bỏ chạy.. Phạm Ngô Cầu đầu hàng, Hoàng Đình Thể tự đâm cổ chết trên mình voi. Nguyễn Hữu Chỉnh làm tiền quân cho Tây Sơn tiến chiếm Vị Hoàng Doanh, kho lương thực dễ dàng, tướng Ngô Cảnh Hoàn tử trận. Trận đánh quyết định tại Sơn Nam với tướng nhà Trịnh Dương Tích Nhưỡng, Nguyễn Huệ cho 5 chiếc thuyền không thả nổi giữa giòng sông, quân Trịnh, suốt đêm bắn loạn xạ hết tên, đạn, khi quân Nguyễn Huệ phản công, quân Trịnh hết tên, đạn chỉ bỏ thuyền, bỏ đội ngũ mà chạy. Chúa Trịnh Tông lên voi dàn quân từ lầu Ngũ Long, không có kinh nghiệm thua trận bỏ chạy, bị bắt và tự sát năm 1786.

Xuân Hương Hồ Phi Mai năm đó 14 tuổi. Liên tiếp trong hai năm 1785 – 1786 Hồ Xuân Hương phải chịu hai cái tang lớn, tang ông anh Hồ Sĩ Đống và tang thân phụ Hồ Phi Diễn (1803-1886) . Nguyễn Du, 20 tuổi, trong năm 1786 chịu tang hai ông anh trụ cột gia đình. Nguyễn Khản và Nguyễn Điều trong hoàn cảnh Thăng Long loạn ly nhà Trịnh sụp đổ. Nguyễn Du và Nguyễn Quýnh khởi nghĩa tại Tư Nông cùng quyền Trấn thủ Thái Nguyên là Nguyễn Đăng Tiến năm 1787. Cuộc khởi nghĩa thất bại bị tướng Tây Sơn, Vũ Văn Nhậm bắt, nhưng trọng khí khái nên tha chết cho đi đâu thì đi, cả ba đi Vân Nam, Nguyễn Du đi giang hồ Trung Quốc trong ba năm. Bốn năm sau Nguyễn Du trở về Thăng Long, khi ông anh Nguyễn Nể, anh cùng cha cùng mẹ ra làm quan Tây Sơn, được vua Quang Trung phục tài, thường gióng ngựa quý đến thăm. Nguyễn Du đứng trong bóng tối dinh Kim Âu, lắng nghe tiếng đàn cô Cầm, người nhạc nữ cung vua Lê ngày trước đánh đàn cho quan tướng Tây Sơn nghe, họ vung tiền thưởng hào phóng hơn cả bọn vương tôn đất Ngũ Lăng. Nguyễn Du gặp Hồ Xuân Hương tại Cổ Nguyệt đường. Mối tình ba năm vẹn (1790-1793), ở Tây Hồ nơi Gác Tía câu cá của anh Nguyễn Khản, cạnh đền Khán Xuân, Nguyễn Du diễn nôm Truyện Kiều, đi hái sen cùng cô hàng xóm. Phạm Đình Hổ làm thơ chữ Hán trêu Xuân Hương vì yêu người viết truyện Đoạn trường tân thanh, nên thường đứng trước gương uốn éo như Đoạn Trường (đứt ruột). (Xem Hồ Xuân Hương qua thơ Phạm Đình Hổ, site Vanhoanghean, chimvietcanhnam).

Hồ Sĩ Đống được Phạm Đình Hổ đánh giá là một trong ba bậc thầy thi ca đương thời, lúc sống được mọi người yêu mến, chết ai cũng thương tiếc thế mà ngày nay bị chìm vào quên lãng vì thi ca ông chỉ sáng tác bằng chữ Hán. Không ai còn biết đến tác phẩm ông.

Tác phẩm Hồ Sĩ Đống hiện nay còn có trong Thư Viện Khoa Học Xã Hội và Thư Viện Trường Viễn Đông Bác Cổ Paris: Dao Đình sứ tập (ký hiệu A.515) và Dao Đình thi tập (A.1852). Ngoài ra ông còn có bài tựa tập Sứ Hoa tùng vịnh của Nguyễn Tông Khuê.

"Tập thơ Bắc sứ của Nguyễn tiên sinh hiệu Thư Hiên được người trong nước truyền tụng đã lâu. Mùa thu năm Giáp Ngọ (1774) tôi đến nhậm chức Bố Chánh sứ hiện khuyết ở trấn Kinh Bắc. Khi ấy con trai của tiên sinh là Cư Chính đang làm việc ở ty Án sát, nhân đó tôi được xem toàn tập thơ. Thấy giấy cũ nhiều chỗ đã phải tu bổ, tôi bèn xin ông đem khắc in để truyền mãi về sau. Cư Chính mừng nói rằng "Đó là chí nguyện của tôi vậy!". Và ông nhờ tôi đề tựa, lúc đó tôi chối từ. Ít lâu sau tôi về kinh, rồi chuyển đi làm Án sát Hải Dương. Từ đấy lâu không được tin tức của Cư Chính.

Năm Đinh Dậu (1777), tôi phụng mệnh đi sứ phương Bắc. Mùa xuân năm Mậu Tuất (1778), trên đường đi sứ qua Kinh Bắc, tôi cùng với kẻ tùy tùng ở bản bộ là Nguyễn Đình Luyện – thư lại cũ của Thư Hiên công, từng đã đi theo Thư Hiên công, qua thăm Cư Chính, Cư Chính nhân dịp bèn đem cho tập thơ cả hai tập tiền, hậu, bảo tôi cho khắc in, lại tỏ ý nhờ tôi sửa lại những chỗ sai lầm và viết cho lời tựa.

Nhớ lúc ở kinh thành, tiên sinh đã về hưu, tôi vì lẽ không được tới dưới cửa học tập mà lấy làm buồn. Nay hân hạnh được nối theo bước trước, tham quan phong vật nước ngoài. Phàm những non sông cảnh vật trên đường trải qua, chứng nghiệm vào những câu tự tình và tiểu dẫn, đều có thể lĩnh hội được cả, không đợi phải hỏi. Đến như những lời thuật hoài, khiển hứng khi rảnh việc đem ra xem, càng đủ chứng tỏ "Thơ là chỗ đi tới của chí". Đó cũng là một mối nhân duyên gặp gỡ vậy!

Ôi ! tiên sinh từ khi chiếm giải Hội Nguyên đình thi khoa Tân Sửu (1721), đã hai lần phụng mệnh đi sứ phương Bắc, tiên sinh làm quan đến Hộ bộ Tả thị lang, giữ đạo chính, tuy bị kẻ hằn thù vu cáo mà tội, song lúc tiên sinh trở về vườn thì danh vọng lại càng trọng. Những kẻ hậu tiến hết thảy đều tôn kính tiên sinh. Cái điều hiển hách với đời, truyền bá về sau, há phải đâu chỉ riêng ở văn tự thôi đâu!

Cư Chính là người đốc tín, hiếu học, sở đắc nơi gia huấn, tài thơ hết sức trội bật. Ngẫu nhiên tôi cùng làm việc với Cư Chính thành ra chơi thân. Ông đã mấy lần nhắc nhở, nên tôi không dám vì sự thô lậu mà từ chối, đành kể qua sự việc, chép sơ lược trên đầu sách."

Trước tiết Trùng dương hai ngày, tháng cuối thu, năm Mậu Tuất (1778) niên hiệu Càn Long. Hậu học Hồ Sĩ Đống, tự Long Phủ cúi đầu ghi ở trong thuyền khi qua Kim Lăng.

Phan Huy Chú (1782-1840) Trong Lịch Triều Hiến chương loại chí, mục Văn tịch chí có trích hai bài: Đăng Nhạc Dương lâu và Đăng Hoàng Hạc lâu viết: "Thơ ông hồn hậu, phong nhã, có khí khái"

Lê Quý Đôn viết: "Thơ Hồ Sĩ Đống góp phần tạo nên thể cách trầm hùng nhuần nhã của thơ đi sứ thời Lê Trung hưng."

Paris, 11-1-2015
Phạm Trọng Chánh
*Tiến sĩ Khoa Học Giáo Dục Viện Đại Học Paris V. Sorbonne.

Tài liệu tham khảo:
Hồ Sĩ Húy. Song nguyên Hoàng Giáp Hồ Sĩ Đống (1739-1785).
Phạm Đình Hổ. Vũ Trung Tùy Bút. Đông Nam Á. Paris.
Trần Trọng Kim. Viêt Nam Sử Lược. quyển I I. Sống Mới. 1978.
Nguyễn Thu. Lê Quý Kỷ Sự. nxbKHXH. Hà Nội 1974.
Ngô Cao Lãng. Lịch Triều Tạp Kỷ. tập II. nxbKHXH. Hà Nội 1975.
Ngô Văn Gia phái. Hoàng Lê Nhất Thống Chí. Văn Học. Hà Nội 1970.
Bùi Dương Lịch. Lê Quý dật sử. nxbKHXH, Hà Nội 1987.
Tài liệu về dòng dõi họ Hồ. hogiatrang.com/ hogiatochtn.

 

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com