.
Ai ơi dẫu có đi xa,
Nhớ gieo vạn thọ mười ba tháng mười.
(Ca dao)
Bông Vạn Thọ được trồng ở nước mình từ khi nào thì không ai biết? Nhưng chắc chắn bông Vạn Thọ đã từ xa xưa lắm rồi được người mình trân trọng chưng trên bàn thờ, bàn ông Thiên trước nhà… để dâng lên Trời Đất, cúng Tổ tiên nhân ngày rằm mùng một, giỗ kỵ và nhứt là ba ngày Tết Nguyên đán trọng đại thiêng liêng…
Vạn Thọ là loại bông dễ trồng, hạp với thời tiết miền Nam, nên người miền vườn ai cũng ưa thích trồng trong vườn gia đình và quanh nhà. Tuy không là loài bông hiếm lạ, nhưng Vạn Thọ là một cây dễ chăm sóc, cho nhiều bông. Bông Vạn Thọ có sắc màu tươi thắm, giữ được lâu và nhứt là mang tên Vạn Thọ giàu ý nghĩa nữa.
Ngày Tết nhà nhà chưng Vạn Thọ ngoài là do chuộng ở màu vàng tươi tắn, Vạn Thọ còn là hiện thân của sự may mắn và thịnh vượng, sống lâu. NênTết ở miền quê miệt vườn không thể thiếu hoa Vạn Thọ.
Hồi còn nhỏ sống ở quê, thường nghe Bà tôi bảo “Có trồng Vạn Thọ mới có mà dùng”. Khi cần chỉ việc cắt cành hoặc nhổ nguyên cây cắm vào bình, cho vào chút nước, chưng trên bàn Thiên trước ngõ, trên trang thờ trong nhà cũng tiện lợi…
Ở tiểu bang California, nơi nắng ấm, có nhiều người Việt, bông Vạn Thọ là loại bông được trồng trang trí trong vườn nhà, phổ biến nhứt là ở công viên vào mùa hè, khiến người mình ai trông mà không nhớ Tết Việt Nam!
Không biết với bạn thế nào, nhưng với tôi thì bông Vạn Thọ để lại trong ký ức nhiều kỷ niệm nhẹ nhàng, êm đềm và khó quên!
Nhớ lại lúc nhỏ ở quê nhà, hễ vào cuối năm, trời bắt đầu se lạnh, hình ảnh những liếp bông Vạn Thọ của ai đó trồng thẳng tắp chạy dọc theo con đường làng như đưa bọn trẻ chúng tôi đến trường.
Rồi bắt đầu đến những ngày cuối tháng Chạp âm lịch, sáng sớm thấy có mấy bà mẹ choàng khăn đội nón lá, gánh đầy ấp bông Vạn Thọ nhanh chân cho kịp buổi chợ Tết.
Sáng hăm ba ra đầu ngõ tôi gặp cây bông, cây bông Vạn Thọ Bông Vạn Thọ, dáng hơi to to, mùi hương đơn sơ mà nồng ấm Bông Vạn Thọ, dáng không cao sang, mà ai cũng tìm mua về cho Xuân đến nhà...
(Bông Vạn Thọ, Nhạc sĩ Võ Thiện Thanh)
Ở quê tôi nghề trồng Vạn Thọ bán ngày Tết, ngày rằm tháng Giêng hàng năm đã trở thành nghề lưu truyền của nhiều gia đình. Bởi có nhiều gia đình như gia đình tôi có lệ dâng cúng ông bà, các đấng thiêng liêng với bông Vạn Thọ, tục lệ nầy đã đi vào tâm khảm, ký ức của tôi từ thuở bé thơ cho đến hôm nay. Qua bao nhiêu năm trôi theo vận nước, đi đây đó nhiều nơi, có dịp nhìn ngắm biết bao là kỳ hoa dị thảo đẹp quý hiếm, nhưng sao tôi vẫn yêu thích bông Vạn Thọ. Nhứt là vào dịp Tết.
Những luống hoa Vạn Thọ hồn nhiên xoay tròn trong nắng, như reo gọi đám mây nhàn thấp xuống, chở sắc vàng ấm áp bình dị của mùa Xuân đi khắp làng quê. Bản tính muôn loài vốn sinh động, bao la, nhưng với Vạn Thọ thì phải nói thêm về một điều gì hơn thế, đó chính là nét vàng thiêng rạng rỡ trên mỗi nhành hoa.
Vạn Thọ được thu thập từ hoang dã cũng như canh tác trồng trọt cho mục đích nghi lễ và trang trí. Loài cây này nhân giống rất dễ dàng bằng cách gieo hạt, phát triển nhanh, thời gian thu hoạch ngắn. Nó được trồng rộng rãi như một loài cây cảnh thương mại.
Vạn Thọ còn tượng trung cho sự trường tồn vĩnh cửu. Trong tiếng Hy lạp cổ, tên của nó có nghĩa là “bông hoa cho người đã khuất” vì thế nó được sử dụng trong tín ngưỡng, để trang trí trên bàn thờ và trồng trong các nghĩa trang, lăng mộ.
Mùi bông VạnThọ, mùi Tết năm xưa ở quê nhà luôn sống dậy trong tôi vào cuối năm Tết về. Quên sao được mùi Vạn Thọ thoang thoảng trong nhà vào đêm 30 Tết, lúc cả nhà quay quần bên mâm cơm cúng cuối năm. Mùi hương khói, mùi Vạn Thọ tỏa ra từ bàn thờ Tổ tiên tạo nên không khí đầm ấm như có Tổ tiên về ăn Tết cùng con cháu.
Ai ơi dẫu có đi xa,
Nhớ gieo Vạn Thọ mười ba tháng mười.
Câu ca dao như nhắc nhớ chúng ta mùa đoàn tụ, mùa Tết. Và sống ở đây mỗi khi Tết đến không biết còn có ai chạnh nhớ đến mùi Vạn Thọ trên quê hương không?. Ở đó có hoa ươm nắng vàng nhắc nhớ con cháu dù giàu nghèo nhớ về quê đón Xuân, nghe lại hương Vạn Thọ ngày Tết…
Garden Grove, đầu tháng 11, 2013
Viết tặng những ai còn nhớ hương Vạn Thọ ngày Tết
Nam Sơn Trần Văn Chi