Con người khi lìa đời là hết hay phần gọi là “linh hồn” vẫn còn tồn tại?
Ngày nay nhiều người, kể cả các nhà khoa học hiện đại, tin rằng con người có linh hồn mặc dù chưa ai có thể chứng minh được điều đó, nhưng trong cuộc sống vẫn thường xảy ra những hiện tượng chứng tỏ tồn tại một thế giới tâm linh vô hình song song với thế giới hữu hình. Thi hào Nguyễn Du viết: “Thác là thể xác, còn là tinh anh”.
Ðặc biệt Phật Giáo cho rằng những linh hồn người quá cố chưa được siêu thăng, còn bị giam trong các tầng địa ngục, sẽ được phép trở về dương gian vào ngày Rằm tháng Bảy âm lịch để thăm gia quyến. Vì thế, hằng năm, trong suốt tháng Bảy âm lịch, các chùa đều lập đàn cúng nhằm giúp các cô hồn cơ hội tu tỉnh để được siêu thoát khỏi cảnh địa ngục. Ðó chính là ý nghĩa của Lễ Vu Lan mà sự tích được sưu tầm như sau đây:
Ý Nghĩa Ngày Lễ Vu Lan
Hàng năm cứ đến ngày Rằm tháng Bảy Âm lịch, các chùa đều làm Lễ Vu Lan. Ðó là ngày Phật Giáo cho rằng các vong hồn ở âm phủ được phép trở về dương thế để nghe kinh kệ, hưởng hương nhang cho u linh họ được soi sáng. Các gia đình làm mâm cúng ở nhà hay ở chùa. Nhiều người còn làm cơm cúng cho các vong hồn không có thân nhân. Ca dao có câu:
Tháng Sáu buôn nhãn bán trăm
Tháng Bảy ngày Rằm xóa tội vong nhân
Nói tới ngày lễ Vu Lan, người ta không thể không nhắc tới sự tích Vu Lan Bồn hay sự tích Mục Kiền Liên cứu mẹ khỏi địa ngục và bài “Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh” của Nguyễn Du cũng như là tản mạn thêm về vấn đề có hay không có linh hồn.
Sự Tích Vu Lan Bồn hay Mục Kiền Liên
Phật Giáo tin rằng con người ta khi chết nếu có tội nặng thì linh hồn sẽ bị đọa xuống hỏa ngục để chịu các hình phạt.
Vu Lan Bồn nói gọn là Vu Lan do chữ Phạn Ullambana (đọc: Ô-lam-bà-nã), nghĩa là, dâng chậu hay dâng bát để cứu nạn treo ngược. Tội nhân ở âm phủ bị treo ngược nên không ăn uống được gì vì nuốt vào thì lại trôi ngược ra. Muốn cứu tội nhân, thân nhân phải cúng quải (vái): làm đồ ăn đặt vào trong một cái chậu (bồn), xin chư tăng nhân danh Tam Bảo (Phật, Pháp, Tăng) cầu cho vong hồn được sớm giải thoát khỏi địa ngục.
Ngoài Lễ Vu Lan còn có Hội Vu Lan Bồn là một pháp hội lo cứu khổ, cứu nạn cho cha mẹ đã khuất bóng khỏi bị treo ngược ở âm phủ. Hội này dùng một cái chậu lớn đựng những thức ăn chay cúng dường Tam Bảo. Những thức ăn dùng để cúng các cô hồn không có bà con thân thích cúng quải và cũng là để bố thí chúng sinh nghèo đói kéo về hưởng một ngày cơm chay no bụng.
Ngày Hội Vu Lan cũng gọi là Hoan Hỉ Hội hay Hoan Hỉ Nhật vì là ngày lành cho tất cả các tì kheo ra khỏi Hạ và là ngày các chư tăng, chư Thánh, chư Phật hộ niệm cho các vong linh bị đọa địa ngục.
Tục lệ này bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của một đệ tử của Phật họ Mục, quê ở Kiền Liên, nên gọi là Mục Kiền Liên. Sự tích này được ghi trong nhiều kinh, sách với một vài khác biệt nhỏ. Trong sách Phạn, Mục Kiền Liên là một vị Ðại Thánh, Bồ Ðề Bồ Tát, được Phật Thích Ca khen ngợi là “thần thông đệ nhất” trong hàng đệ tử. Truyện về mẹ ông tóm lược như sau:
Nguyên mẹ của Mục Kiền Liên là bà Thanh Ðề, một con người gian ác, điêu ngoa. Bao nhiêu tiền của con đem về bà phung phí, lại nói dối là đã cúng chùa hết. Mục Kiền Liên biết mẹ gian dối quá nên đau khổ mà ngất đi. Bà Thanh Ðề sau đó chết và bị đầy xuống địa ngục.
Chôn cất mẹ xong, Mục Kiền Liên làm nhà bên mộ mẹ và ở đó ba năm mới bỏ đi quy y Phật. Khi đắc đạo A La Hán, ông đi tìm mẹ ở địa ngục. Ông khải thỉnh Ðức Phật về thuyết Kinh Vu Lan Bồn cứu độ cho mẹ ông.
Ðức Phật dạy vào ngày Rằm Tháng Bảy, làm một trăm phần chay, đựng trong một cái chậu, đem cúng dường Tam Bảo và tụng kinh, rồi đem thức ăn ấy bố thí chúng sinh. Khi được tha khỏi địa ngục, mẹ ông biến thành một con chó cứ quấn quýt bên ông để xin lỗi. Ông bèn dùng thần thông biến mẹ ông thành người và khuyên nhủ mẹ tiếp tục tu tỉnh. Kể từ đó, hai mẹ con ngày đêm ăn chay, niệm Phật. Rồi một hôm vào ngày Rằm tháng Bảy, bà Thanh Ðề hóa thành Tiên bay về Trời.
Tóm lại, Lễ Vu Lan nêu lên hai điểm:
1 - Cuộc sống có luân hồi và quả báo. Linh hồn con người vốn ô trọc, đầy tội lỗi từ vô thủy, vô chung, và sẽ tái sinh để trả nợ do nghiệp quả tạo ra trong những kiếp trước cho đến khi nào dứt nghiệp, linh hồn được trong nhẹ sẽ nhập vào một cõi Trời, khỏi phải trở lại cõi trần.
2 - Những linh hồn tội lỗi bị đày đọa xuống các tầng địa ngục sẽ có thể được cứu vớt nếu có sự cầu nguyện trợ lực của các vị thần thánh, chư tăng, và các thân nhân, bằng hữu. Nhưng, cần phải có sự tập trung đông đảo cầu nguyện mới tạo được một lực cộng hưởng đủ mạnh để giải cứu tội hồn.
Như người ta đã biết, Nguyễn Du là một nhà thâm Nho, nghĩa là, ông lầu thông các triết lý của Phật, Lão, và Khổng. Riêng về Ðạo Phật, ông bầy tỏ những thuyết nhà Phật rất đầy đủ trong Truyện Kiều, chẳng hạn, “Thuyết Thiên Mệnh”, “Luật Nhân Quả” hay “Luật Quả Báo” và “Thuyết Luân Hồi”:
Cho hay muôn sự tại Trời
Phụ người chẳng bõ khi người phụ ta
Mấy người bạc ác tinh ma
Mình làm mình chịu, kêu mà ai thương
*
Ngẫm hay muôn sự tại Trời
Trời kia đã bắt làm người có thân
Bắt phong trần phải phong trần
Cho thanh cao mới được phần thanh cao
Có đâu thiên vị người nào
Chữ tài, chữ mệnh dồi dào cả hai
Có tài mà cậy chi tài
Chữ tài liền với chữ tai một vần
Ðã mang lấy nghiệp vào thân
Cũng đừng trách lẫn Trời gần, Trời xa
Thiện căn ở tại lòng ta
Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ tài
Riêng về tâm linh, Nguyễn Du tin con người có linh hồn:
Kiều rằng: “Những bậc tài hoa
Thác là thể phách, còn là tinh anh
Dễ hay tình lại gặp tình
Chờ xem ắt thấy hiển linh bây giờ”
Và ông bày tỏ niềm tin về linh hồn qua bài “Văn Tế Thập Loại Chung Sinh” dài tới 184 câu làm bằng thể song thất lục bát. Niềm tin tưởng mãnh liệt này giúp ông tạo được một bài văn tế hết sức cảm động và đầy màu sắc Phật Giáo trong đó ông nói tới gần như đủ loại cô hồn không còn ai hương khói.
Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh
Tiết tháng bảy mưa dầm sùi sụt
Toát hơi may lạnh buốt sương khô
Não người thay buổi chiều thu
Ngàn lau khóm bạc, lá ngô dòng vàng
Thương thay thập loại chúng sinh
Phách đơn, hồn chiếc, lênh đênh quê người
Hương khói đã không nơi nương tựa
Phận mồ côi lần lữa đêm đêm
Còn chi ai khá, ai hèn
Còn chi mà nói ai hèn, ai ngu?
Tiết đầu thu dựng đàn giải thoát
Nước tĩnh bình rưới hạt dương chi
Muôn nhờ Phật Lực từ bi
Giải oan cứu khổ, hồn về Tây Phương
Nào những kẻ tính đường kiêu hãnh
Chí những chăm cướp gánh non sông
Nào những kẻ màn lan, trướng huệ
Những cậy mình Cung Quế, Hằng Nga
Nào những kẻ mũ cao áo rộng
Ngọn bút son thác sống ở tay
Nào những kẻ bày binh, bố trận
Ðem mình vào cướp Ấn Nguyên Nhung
Cũng có kẻ mắc vào khóa lính
Bỏ cửa nhà gồng gánh việc quan
Cũng có kẻ nhỡ nhàng một kiếp
Liều tuổi xanh buôn nguyệt, bán hoa
Cũng có kẻ nằm cầu, gối đất
Rõi tháng ngày hành khất ngược xuôi
Cũng có kẻ mắc đoàn tù dạc
Gửi thân vào chiếu rách một manh
Kìa những đứa tiểu nhi tấm bé
Lỗi giờ sinh lìa mẹ, lìa cha
Kìa những kẻ chìm sông lạc suối
Cũng có người sẩy cỗi, sa cây
Có người gieo giếng, thắt dây
Người trôi nước lũ, kẻ lây lửa thành
Người thì mắc sơn tinh, thủy quái
Người thì sa nanh sói, ngà voi
Có người hay đẻ không nuôi
Có người sa sẩy, có người khốn thương
Gặp phải lúc đi đường nhỡ bước
Cầu nại hà kẻ trước người sau
Mỗi người một nghiệp khác nhau
Hồn siêu, phách lạc biết đâu bây giờ?
Nguyễn Du mời mọi người hãy đến chay đàn tế chúng sinh làm phước:
Mười loài là những loài nào?
Gái, trai, già, trẻ, đều vào nghe Kinh
Kiếp phù sinh như bào, như ảnh
Có chữ rằng: “Vạn cảnh do không”
Ai ơi lấy Phật làm lòng
Tự nhiên siêu thoát khỏi trong luân hồi
Ðàn chẩn tế vâng lời Phật giáo
Có của chi bát nước nén nhang
Gọi là manh áo, thoi vàng
Giúp cho làm của ăn đường thăng thiên
Như vậy, suy luận từ bài này ra, chúng ta thấy Nguyện Du tin ở thuyết luân hồi và tin con người có linh hồn. Ðây là một vấn đề mà khoa học chưa thể trả lời được, tuy nhiên đa số các nhà khoa học không phản bác lại thuyết có linh hồn và luân hồi và môn Siêu Hình Học càng ngày càng càng mở rộng nhằm tìm hiểu môi trường tâm linh và mối tương quan giữa người chết và người còn sống.
Có Linh Hồn Hay Không
Ðây là một câu hỏi lớn còn đang trong vòng nghiên cứu và giải thích. Vấn đề vẫn chỉ là “Tin hay Không Tin” mà thôi:
Thượng Ðế vốn vô ngôi, vô ảnh
Tâm linh ngời ánh sáng Tình Thương
Vô thủy, vô chung tỏa khắp muôn phương
Nếu bạn tin thì là Có
Nếu không tin, thì Có cũng là Không
(Minh An Hải Bằng.HDB)
Ở Tây Phương, E.B. Tylor (1832- 1917), giáo sư khảo cổ học của Ðại Học Oxford ở Anh, cho rằng:
Những kinh nghiệm như là các giấc mơ, những thị ảnh (visions) hay ảo giác (hallucinations) và sự vô hồn của các xác chết khiến cho người xưa tin là có linh hồn.
Người Ai Cập tin linh hồn là bất diệt và khi xác bị hủy hoại thì linh hồn nhập vào một xác thân khác. Nhà toán học Pythagore cho rằng tất cả có linh hồn thênh thang quanh quẩn trong thế giới hữu cơ.
Triết gia Platon cũng cho linh hồn sống lâu hơn thể xác.
Người Trung Hoa cổ đại tin có sự sống sau khi chết.
Người Hindu (Ấn) tin mỗi người có một linh hồn riêng biệt và trải qua nhiều kiếp đầu thai và hồn phải cố gắng tu để hội nhập với “Thực Tại Tối Cao” gọi là Brahman hay Brahm.
Phật Giáo nhìn nhận con người có linh hồn (thức) và con người phải trải qua nhiều kiếp cho đến khi dứt được luân hồi theo định luật nhân quả.
Người Nhật theo Thần Ðạo (Shinto) tin rằng linh hồn của người chết hãy còn nhân cách vì còn uế tạp và thân nhân phải tẩy uế thì linh hồn mới siêu thăng.
Người Do Thái tin linh hồn là bất tử sau khi thân thể chết.
Cơ Ðốc Giáo không tin có luân hồi hay tái sinh. Khi Lazarus chết, Jesus nói với các môn đồ rằng Lazarus đã yên nghỉ và so sánh trạng thái chết với giấc ngủ. Sau này, Jesus cùng đi với em gái của Lazerus tới mồ của Lazarus và gọi Lazarus thức dậy.
Ông Cayce, một bác sĩ Tâm Thần Hoa Kỳ ở Hopskinville, Kentucky, có khả năng soi hồn để chữa bịnh đã bị nhiễm từ các kiếp trước.
Tóm lại, rất nhiều hiện tượng trong đời sống hàng ngày cho thấy sự hiện diện của một môi trường tâm linh gắn liền với môi trường hữu cơ của con người và có thể chỉ có một số người có cơ duyên đặc biệt mới có thể tiếp xúc được một phần của thế giới tâm linh này. Có người tin rằng chung quanh một người sống có nhiều linh hồn còn lẩn quất để phù hộ hoặc báo oán. Người đó sẽ suy nghĩ và hành động theo các xung lực giao thoa của các nhóm hồn này. Vì thế, nếu người đó sống lương thiện và ăn ở có nhân đức thì người đó sẽ đánh bạt được những ô linh xâm nhập tâm linh.
Niềm tin này cho phép giải thích tại sao có những kẻ tàn sát sinh linh mà không gớm tay vì đó là những kẻ bị quỷ ám hay đã bán linh hồn cho quỷ. Ngược lại, có những người hy sinh cuộc đời cứu giúp người khác vì họ chính là hiện thân của các vị Bồ Tát trong trần gian.
Tin như vậy thì thấy rằng thế giới tâm linh và thế giới hữu hình kết hợp như bóng với hình; xoay vòng, thế giới này tạo thế giới kia và ngược lại theo quy luật Tuần Hoàn của Tạo Hóa.
Chữ Hiếu Ngày Nay Biểu Hiện Thế Nào
Cuộc sống thay đổi thì cách biểu hiện lòng hiếu thảo cũng thay đổi. Chịu ảnh hưởng của văn hóa Tây Phương, thời buổi nay, nói chung, con cái không giữ thái độ cung kính với cha mẹ như trước đại khái như là “không đi thưa về trình, trưa sớm hỏi han, dâng trà buổi sớm, và buông mùng buổi đêm. Thậm chí còn cãi lý và chê cha mẹ chậm tiến đủ điều. Một số cha mẹ nằm trong nhà dưỡng lão mà con cái ít lui tới thăm nom, trừ trường hợp cha mẹ còn của cải để lại!
Tất cả sự kiện đó nói lên tấm lòng nhân đạo và biết ơn trong tâm hồn người con đã không còn. Ðây là một trong những hậu quả của sự chạy đua với cuộc sống vật chất mà quên mất tình người, không có niềm tin ở sự nhiệm mầu của đời sống tâm linh, nghĩa là không tin tưởng vào sự phù hộ của tổ tiên, ông bà, cha mẹ; họ đơn giản nghĩ rằng chết là hết chuyện. Phần lớn những người này thật sự không đạt được hạnh phúc mà họ mong muốn. Những người mải mê với danh vọng thì rồi cũng bị mất chỗ đứng. Những người ham tiền bạc thì bị thua lỗ. Những con cái chỉ nghĩ đến gia đình riêng tư thường rút cục gia đình không được thuận hòa, hạnh phúc. Cái họa tự nhiên ở đâu xẩy tới không sao lường trước được. Ai tin thì sẽ thấy; ai không tin thì thấy cũng không tin.
Cuộc sống dư giả ở Mỹ tạo điều kiện để cha mẹ không phải lệ thuộc nhiều vào con cái và người Mỹ đã quá quen với lối sống tự lập nên vấn đề nương tựa giữa cha mẹ và con cái không còn là vấn đề quan yếu. Nhưng, phần lớn người Á Ðông lớn tuổi vẫn còn sống theo nền nếp cũ, còn tự cho mình phải có bổn phận lo cho con cái từ A đến Z và mong rằng con cái cũng sẽ đền đáp lại bằng cách săn sóc họ lúc tuổi già và họ không thông cảm rằng cuộc sống chạy đua với thời gian và tốc độ hôm nay không cho phép con cái săn sóc chu đáo như thời trước nữa rồi.
Làm sao giải quyết được nghịch cảnh này? Chỉ có một cách là dung hòa: cha mẹ không nên ỷ vào công lao nuôi nấng con cái để rồi đòi hỏi chúng phải phụng dưỡng lại mình chỉ để tỏ cho người ta thấy là con mình có hiếu. Ngược lại, con cái không nên lợi dụng lý do xa xôi, cách trở, hay công việc quá bận rộn (vì dù sao cũng có những ngày nghỉ phép) mà để cha mẹ sống như những người không có con cái.
Trong thực tế hiện nay, nhìn thấy một số con cái bị ảnh hưởng của lối sống Mỹ đã tỏ ra như quên mất ơn dưỡng dục của cha mẹ, một tác giả không rõ tên đã viết một bài thơ rất cảm động bằng tiếng Anh tựa đề là “To Our Dear Child” như để nhắc nhở những người con đừng quên những gì cha mẹ chúng đã làm cho chúng. Bài thơ này được nhà văn Huy Phương phỏng dịch ra tiếng Việt và đăng trong cuốn Ấm Lạnh Quê Người, trang 280 như sau:
Gửi Con Yêu Dấu:
Nếu một mai thấy cha già, mẹ yếu
Hãy thương yêu và thấu hiểu song thân
Những lúc ăn, mẹ thường hay vung vãi
Hay tự cha không mặc được áo quần
Hãy nhẫn nại nhớ lại thời thơ ấu
Mẹ đã chăm lo tã, áo, bế bồng
Bón cho con từng miếng ăn, hớp sữa
Cho con nằm trên nệm ấm, chăn bông
Cũng có lúc con thường hay trách móc
Chuyện nhỏ thôi mà mẹ nói trăm lần
Xưa kia bên nôi, giờ con sắp ngủ
Chuyện thần tiên mẹ kể mãi không ngưng
Có những lúc cha già không muốn tắm
Ðừng giận cha và la mắng nặng lời
Ngày còn nhỏ con vẫn thường sợ nước
Từng van xin “đừng bắt tắm mẹ ơi!”
Những lúc cha không quen xài máy móc
Chỉ cho cha những hướng dẫn ban đầu
Cha đã dạy cho con trăm nghìn thứ
Có khi nào cha trách móc con đâu?
Một ngày nọ khi mẹ cha lú lẫn
Khiến cho con mất hứng thú chuyện trò
Nếu không phải là niềm vui đối thoại
Xin đến gần và hãy lắng nghe cha
Có những lúc mẹ không buồn cầm đũa
Ðừng ép thêm, già có lúc biếng ăn
Con cần biết lúc nào cha thấy đói
Lúc nào cha thấy mệt, muốn đi nằm
Khi già yếu phải nương nhờ gậy chống
Xin nhờ con đỡ cha lấy một tay
Hãy nhớ lại ngày con đi chập chững
Mẹ dìu con đi những bước đầu ngày
Một ngày kia cha mẹ già chán sống
Thì con ơi đừng giận dữ làm chi
Rồi sau này đến phiên con sẽ hiểu
Ở tuổi này sống nữa để làm chi?
Dù mẹ cha cũng có khi lầm lỗi
Nhưng suốt đời đã làm tốt cho con
Muốn cho con được nên người xứng đáng
Thì giờ đây con cũng chẳng nên buồn
Con tức giận có khi còn xấu hổ
Vì mẹ cha già ăn đậu ở nhờ
Xin hãy hiểu và mong con nhớ lại
Những ngày xưa khi con tuổi ấu thơ
Hãy giúp mẹ những bước dài mệt mỏi
Ðể người vui đi hết chặng đường đời
Với tình yêu và cuộc đời phẩm giá
Vẫn yêu con như biển rộng sông dài
Luôn có con trong cuộc đời
Yêu con cha có mấy lời cho con
Bố Mẹ của Con
(Cần cuốn Ấm Lạnh Quê Người, xin liên lạc với tác giả Huy Phương qua điện thoại: (949) 654 – 7715)
Qua ý nghĩa của bài thơ trên, ta thấy: trong cuộc sống, tốt hơn hết là tỏ ra thông cảm để tha thứ, chịu đựng, và chấp nhận, với thái độ buông bỏ tất cả để khỏi vướng mắc bất cứ một cái gì làm tâm tư không được thoải mái trong những ngày còn lại trên cõi đời vô thường này và hãy trở về với cuộc sống gần gũi với thiên nhiên như Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm, thọ 95 tuổi (1491- 1585), khuyến khích:
Một mai, một cuốc, một cần câu
Thơ thẩn dẫu ai vui thú nào
Ta dại ta tìm nơi vắng vẻ
Người khôn người đến chốn lao xao
Thu ăn măng trúc, đông ăn giá
Xuân tắm hồ sen, hạ tắm ao
Rượu đến cội cây ta sẽ uống
Nhìn xem phú quý tựa chiêm bao
Hoặc, đi tìm một nguồn vui nào đó để chia xẻ:
Tìm Nguồn Vui
Hãy đi tìm nguồn vui trong giúp đỡ
Những người già, tàn tật, hoặc trẻ thơ
Xin hãy biến thì giờ thành sức khỏe
Ði bộ, ngồi thiền cho trẻ tâm hồn
Gần thiện trí thức để nâng cao trí tuệ
Ðọc sách, chơi đàn, kinh kệ dồi trau
Thời gian là lều thuốc nhiệm mầu
Chôn tất cả những mối sầu kim cổ
Hãy chìa tay săn sóc người cùng khổ
Tha nhân vui, đời ta cũng nở hoa
(Hải Bằng.HDB)
Bạch Cúc.NTN & Hải Bằng.HDB