User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

Khoai lang, khoai mì, khoai tây là những loại củ được dùng thay gạo, lúa mì trong những năm thất mùa bị thiên tai hay chiến tranh. Trong thiên nhiên còn có củ nầng nhưng việc tìm kiếm củ nầng rất khó khăn. Các loại khoai mỡ, khoai từ, khoai môn được dùng để nấu canh.

Tuần tự chúng tôi sẽ tìm hiểu qua về các loại khoai ghi trên kể cả củ nầng.

Củ Nầng - Dioscorea hispida - Gia đình: Dioscoreaceae

cunang

Nầng là một loại dây có gai, dài đến 10 m, mọc hoang trong rừng. Lá màu xanh hình bầu dục, có lông. Củ nầng có thể dài đến 1 m sâu dưới đất. Củ có gai nhỏ bên ngoài. Nầng là một loại khoai yamalkaloids độc có thể làm tê liệt thần kinh. Dây nầng được tìm thấy nhiều trong vùng núi Hi Mã Lạp Sơn, vùng Đông Nam Á xuống tận hải đảo New Guinea.

Tên khoa học của nầng là Dioscorea hispida thuộc gia đình Dioscoreaceae.

pdl1

Củ nầng có nhựa màu vàng rất độc. Nó có alkaloid, dioscoreine C 13 H 19 Ở 2 N, phosphorus, chất vôi, chất sắt v. v. Củ nầng vừa có chất độc vừa có chất gây ghiền. Người ta dùng nhựa củ nầng kết hợp với nhựa cây sui Anritiaris toxicaria để tẫm tên thuốc độc.

Người Phi Luật Tân và các dân tộc thiểu số ở Đông Nam Á có nhiều kinh nghiệm dùng nầng đắp vào các vết thương trên mình bò, trâu để giết chết giòi hay đắp vào nơi đau khớp xương của người. Nhựa vàng của củ nầng dùng để tẩy giặt quần áo. Trong y học dân gian Phi Luật Tân người ta dùng nhựa củ nầng như thuốc sát trùng, làm giảm đau nhức, kháng viêm, chống xuất huyết.

Củ nầng là một loại củ lương thực. Nhưng phải mất nhiều ngày ủ nầng trong lu để khử nhựa độc mới ăn được. Thời gian ủ để khử nhựa độc kéo dài cả tháng. Nầng được dùng ăn thay cơm trong Đệ Nhị thế chiến ở nông thôn khi thiếu lúa gạo trầm trọng vì chiến tranh. Nầng chiên với xôi ăn với muối đậu phộng có chút đường rất ngon.

Trong ngôn ngữ Việt Nam, củ nầng chỉ búi tóc của đàn ông hay đàn bà vì vào thế kỷ XIX trước khi người Pháp đô hộ Việt Nam, đàn ông và đàn bà trong nước ta đều có búi tóc (chignon).

Ở xã Xuân Thịnh, quận Sông Cầu, tỉnh Phú Yên có Hòn Nầng, một trái núi nằm giữa một cái đầm nước. Quanh núi có nhiều dây nầng. Tương truyền rằng nầng ở đây đã nuôi sống chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lúc lánh nạn. Ở Hòn Nầng có một cái miếu thờ các công thần đã giúp cho chúa Nguyễn Phúc Ánh trong lúc nguy khốn. Chúa Nguyễn Phúc Ánh lên ngôi năm 1802 tức là vua Gia Long, vị vua sáng lập ra triều Nguyễn.

Khoai Lang - Ipomoea batatas - Gia đình: Convolvulaceae

khoailang

Khoai lang là một loại dây có củ. Cọng, lá và củ đều ăn được. Đó là một nguồn lương thực của loài người cách đây 5, 000 năm.

Khoai lang gốc ở Mễ Tây Cơ. Từ đó nó được trồng trên các hải đảo trong biển Caribbean, Trung và Nam Mỹ. Ngày nay khoai lang được tìm thấy khắp nơi trên thế giới ở những vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Khoai lang không trồng được ở vùng khí hậu ôn đới lạnh. Khoai lang được trồng trên các hải đảo Thái Bình Dương khoảng thế kỷ X sau Tây Lịch.

Tên khoa học của khoai lang là Ipomoea batatas thuộc gia đình Convolvulaceae.

Tên gọi thông thường:

pdl2

Khoai lang được trồng bằng dây. Khoai lang thích hợp với đất pha cát, đất phù sa hay đất núi lửa. Đồng bằng sông Cửu Long, Cao Nguyên Nam Trung Bộ là những vùng trồng khoai lang với năng suất rất cao. Nông dân Việt Nam thường đặt cây bù xích Ageratum conyzzoides hay dây đậu phộng hay các loại dây đậu khác dưới mô đất trồng khoai để khoai có nhiều củ.

Khoai lang thường thấy là khoai Puerto Rico, Jewel, Jersey và Triumph. Khoai lang có màu trắng, đỏ, vàng và tím. Khoai màu vàng có nhiều beta carotene và sinh tố A. Đó là khoai nghệ ở Việt Nam. Khoai ngà có ruột trắng nhiều bột nhưng không ngọt. Khoai Puerto Rico và Jewel to củ nhưng nhão ruột. Khoai Triumph và Jersey có ruột khô. Khoai ruột đỏ thì ngọt nhưng hơi nhão.

Lá non và đọt khoai lang luộc ăn như rau. Nếu ăn đọt và lá thì khoai không có củ. Người ta ăn khoai lang nấu, nướng, nấu chè, làm bột, lát mỏng phơi khô hay lát mỏng chiên ăn với mật đường v. v. Khoai lang được dùng để nấu ca-ri, ra- gu, nấu canh với cá, tôm khô hay thịt v. v.

Mức sản xuất khoai lang trên thế giới hiện nay lối 160 triệu tấn. Trung Hoa chiếm 85% mức sản xuất này với 135 triệu tấn. Các nước còn lại là Ấn Độ, Uganda, Nigeria. Hoa Kỳ chỉ sản xuất lời 600, 000 tấn.

Người bịnh tiểu đường tin rằng ăn đọt khoai lang thì hạ đường trong máu. Khoai lang có sinh tố A, C, B 6, carbohydrates, protein, sợi, chất sắt, vôi v. v. Khoai lang không có nhiều tinh bột.

Trong Đông Y khoai lang được gọi là cam thự. Khoai lang nhuận trường (lá, cọng, củ luộc chín) hữu ích cho người bị bịnh tiểu đường. Người ta cho rằng khoai lang sống có khả năng ngăn ngừa say sóng khi ra biển. Khoai lang đắc dụng vào năm 1945, 1975 và trong phong trào vượt biển ở Việt Nam từ năm 1976 đến 1990.

Ở Nam Mỹ người ta giã nát củ khoai lang vắt nước hoà với nước chanh vắt để làm thuốc nhuộm quần áo. Tuỳ theo tỷ lệ nước vắt khoai lang và nước chanh vắt ta có màu nhuộm vàng, đỏ hồng cho đến màu đen.

Ở Taiwan (Đài Loan) người ta dùng khoai lang để cất cồn.

Nông dân Việt Nam cho biết vài kinh nghiệm nông nghiệp như sau:

Khoai ruộng lạ,
Mạ ruộng quen.

Nói về khoai ca dao Việt Nam có nhận xét:

Đói thì ăn ráy ăn khoai
Chớ thấy lúa trổ tháng hai mà mừng.

Tháng Hai đây là tháng Hai Âm Lịch tức là một tháng sau Tết Nguyên Đán.

Một câu sấm của Phật Giáo Hoà Hảo tiên tri tình trạng thiếu ăn ở miền Nam sau năm 1975 như sau:

Khoai lang rồi lại khoai mì,
Đến khi Tần (1) khởi độ thì khầu ta.

(1) Tần ở đây ám chỉ xứ Cambodia.

Ở Nam Mỹ và vùng Caribbean có một loại khoai lang được xem như là thuốc nhuận trường tự nhiên. Chúng tôi gọi đó là khoai lang trị táo bón dựa vào tên gọi Batatas de purga (khoai lang tẩy xổ) của người địa phương. Tên khoa học của khoai lang trị táo bón này là Operculina macrocarpa thuộc gia đình Convolvulaceae.

Tên gọi thông thường:

pdl3

Củ khoai dùng để trị táo bón, lọc máu, đau bụng, bịnh về da, bịnh đường tiểu nhiễm trùng, kinh nguyệt không điều hoà, suyễn, bại liệt.

Củ khoai lang trị táo bón có polyphenols, phénolic acids như caffein acid, clorogenic acid, gallic acid.

Khoai Mì - Sắn - Manihot dulcis - Manihot esculenta - Gia đình: Euphorbiaceae

khoaimi

Cây khoai mì là một loại cây lương thực, cao lối 2 m, không có nhánh; thân dễ gãy và có nhiều mắt; lá giẹp và dài. Người ta trồng khoai mì bằng thân cây chặt từng khúc ngắn lối 30 cm đặt xiêng xiêng dưới đất trong vòng 6 tháng thì có củ. Nếu để lâu dưới đất củ càng to và nặng cân hơn.

Cây khoai mì còn được gọi là sắn (xin đừng lầm với củ sắn tức củ đậu) gốc ở Mễ Tây Cơ hay nói một cách tổng quát hơn ở Mỹ Châu nhiệt đới.

Tên khoa học của khoai mì (sắn) là Manihot dulcis thuộc gia đình Euphorbiaceae.

Tên gọi thông thường:

pdl4

Khoai mì trồng 06 tháng thì có củ ăn được. Củ cân nặng từ 1 - 2 ki- lô. Đó là một loại cây lương thực hữu ích cho các dân tộc Á- Phi- Châu Mỹ La Tinh sống trong vùng khí hậu nhiệt đới và bán nhiệt đới. Củ khoai mì có nhiều tinh bột nhưng nhựa vàng của khoai mì có prussic acid tức hydrogen cyanide HCN rất độc. Lợi ích kinh tế và dinh dưỡng của khoai mì không thể chối cãi được. Khoai mì dễ trồng, sớm có củ và có năng suất cao. Cây khoai mì có thể sống lâu năm dưới đất. Trong trường hợp đó củ càng to hơn.

Công dụng của khoai mì rất đa dạng: nấu chín để ăn không hay ăn với muối đậu có chút đường, làm bánh, làm bột, làm bánh mì, bột ngọt (mì chính). Bột mì đun sôi với nước nóng dùng để làm hồ, keo dán giấy. Khoai mì lát mỏng, phơi khô để dành làm thức ăn dự trữ. Bột mì ít độc hơn vì phải ngâm khoai nhiều ngày trong nước cho nhựa vàng mất đi sau khi thay nước nhiều lần..

Khoai mì có độc chất cyanogenic glycosides, linamarin, lotautralin. Khoai trồng vào mùa hạn hán độc chất càng gia tăng nhiều hơn. Chỉ cần 40 mg cyanogenic glycosides đủ giết chết một con bò. Các dân tộc ăn khoai mì nhiều thường bị bịnh bướu cổ vì ảnh hưởng của thiocyanate như thường thấy ở Phi Châu.

Mức sản xuất khoai mì hiện nay trên thế giới lối 115 triệu tấn. Thái Lan, Indonesia và Trung Hoa lục địa là những nước xuất cảng khoai mì quan trọng trên thế giới. Hoa Kỳ nhập cảng nhiều khoai mì. Đôi khi nhu cầu bột khoai mì của Hoa Kỳ còn cao hơn cả tổng số sản lượng khoai sản xuất trên thế giới.

Các thành phần của cây khoai mì được dùng trong kỹ nghệ giấy, kỹ nghệ dệt và kỹ nghệ mỹ phẩm, kỹ thuật sinh vật v. v. Ở Mozambique rượu bia Impala và rượu bia Eagle ở Ghana được làm từ bột khoai mì. Ở miền Nam sau năm 1975 người ta cất rượu bằng khoai mì và làm bánh mì cũng bằng bột khoai mì. Khoai mì có vai trò quan trọng trong đời sống dân chúng và trong kinh tế quốc gia trên lục địa Phi Châu. Ở Nam Phi người ta không ăn khoai mì nhưng khoai mì được dùng trong kỹ nghệ.

Khoai mì đóng vai trò cứu đói quan trọng ở Việt Nam vào năm 1945 - 1946 và 1975 - 1990.

Lá khoai mì non luộc ăn được. Lá khoai mì non có 30% protein trong khi củ chỉ có 3%. Lá còn có Ca, sinh tố B, C, carotene, Fe.

Ở Việt Nam không thấy dùng khoai mì để chữa bịnh.

Ở Nam Mỹ, Phi Châu, Phi Luật Tân, Mã Lai, lá, củ và cây khoai mì được dùng trong y học cổ truyền để cầm máu (lá), hạ sốt, trị rắn cắn, mụt chốc, cảm, tiêu chảy (lá sắc nước uống), viêm mắt (eyes) (nhựa lá khoai mì), nhức đầu (giã lá đắp vào nơi bị đau), phụ nữ vô tự (lá sắc nước uống). Lá và củ giã nát đắp vào nơi bắp thịt bị đau. Tinh bột khoai mì rượu Rum dùng để trị bịnh ngoài da của trẻ em.

Độc chất của khoai mì được các nhà khoa học nghiên cứu xem có thể dùng để diệt tế bào ung thư hay không. Vào thập niên 1990 các nhà khoa học Anh thí nghiệm thành công trên chuột nhưng chưa áp dụng vào việc chữa trị ung thư cho người.

Khoai Mỡ - Dioscorea alata - Gia đình: Doscoreaceae

khoaimo

Khoai mỡ và khoai yam cùng một tên khoa học Dioscorea alata thuộc gia đình Dioscoreaceae. Củ khoai yam và củ khoai lang giống nhau nhưng dây khoai lang và dây khoai yam khác nhau.

Khoai lang: đọt và lá luộc ăn được

Khoai yam: đọt và lá khoai yam không ăn được.

Dây khoai mỡ cứng, sần sùi; lá màu xanh tươi hình trái tim giống như lá trầu. Củ khoai mỡ to và có màu tím hay vàng nhạt. Khoai mỡ có nhiều chất nhờn trong khi khoai lang có nhiều bột nhưng không dẻo và nhờn như khoai mỡ. Có khoai lang màu tím nhưng không có đặc tính hoá học giống như khoai mỡ.

Tên gọi thông thường:

pdl5

Khoai mỡ được tìm thấy ở các vùng nhiệt đới và bán nhiệt đới trên thế giới.

Ở Việt Nam khoai mỡ được mài nhuyễn để nấu canh với cá rô hay tôm khô mà thôi.

Ở các nước khác khoai mỡ được dùng để nấu canh, làm bánh ngọt, kem để ăn tráng miệng. Người Phi Luật Tân dùng khoai mỡ để làm vài món ăn ngọt.

Khoai mỡ có sinh tố B 6, C, sợi, potassium. Nó có tính kháng viêm. Thảo mộc dòng Dioscoreasaponins dùng để sản xuất cortisone trị phong thấp, steroid diosgenin dùng làm thuốc ngừa thai, kháng nấm. Khoai mỡ hữu ích cho người bị bịnh trỉ, phong hủi và người bị lao trong thời kỳ bình phục.

Khoai Môn - Colocasia esculenta - Gia đình: Araceae

khoaimon

Khoai môn là một loại thảo mộc có tàu dài, mình xốp; lá to hình tam giác màu xanh lá cây hơi sậm. Khoai môn là thức ăn bổ dưỡng phản ánh văn học lương thực của các dân tộc sống trên các hải đảo Thái Bình Dương. Đó cũng là thức ăn được các dân tộc nông nghiệp miền nhiệt đới Á Châu, Châu Mỹ và Phi Châu ưa thích.

Tên khoa học của khoai môn là Colocasia esculenta thuộc gia đình Araceae. Người Anh gọi khoai môn là taro; cocoyam, dasheen (từ tiếng Pháp: De Chine- xuất phát từ Trung Hoa) Chữ taro âm theo cách gọi của dân sống trên hải đảo Thái Bình Dương; Hawaii: halo; Fiji: dalo; Nhật: satoimo; Tagalog: gabi; Nepal: karkalo. Dasheen là tên gọi dân chúng trong vùng Caribbean.

Khoai môn gốc ở Mã Lai được đưa sang Ấn Độ từ năm 5000 trước Tây Lịch. Từ Ấn Độ khoai môn được du nhập vào Ai Cập. Dưới thời đế quốc La Mã người Âu Châu biết dùng khoai môn vì đế quốc La Mã lan rộng sang miền đông Địa Trung Hải và Bắc Phi. Sau đó việc dùng khoai môn không còn ở Âu Châu nữa.

Khoai môn được trồng bằng củ. Khác với khoai lang và khoai mì, khoai môn cần đất màu mỡ và nhiều nước. Phải mất 06 tháng khoai mới có củ ăn được. Lá và củ khoai môn có chất độc calcium oxalate gây nôn, ngứa cuống họng nếu ăn sống. Chất độc này biến mất khi khoai được nấu chín.

Khoai môn nấu với chút muối dùng để ăn; làm bánh, nấu chè, nấu ca- ri, cháo lươn với khoai, ngó khoai môn nêm với mắm ruốc; vịt nấu chao và khoai môn v. v. Người Trung Hoa rất thích ăn bánh khoai môn. Khoai môn còn được dùng làm chao. Các dân tộc sống trên các hải đảo Thái Bình Dương, Mỹ Châu nhiệt đới ăn khoai môn thay bắp và lúa gạo vậy.

Ở Việt Nam người ta phân biệt:

- khoai môn sọ củ tròn và nhỏ nhưng có nhiều bột
- môn sen dẻo và ngon
- môn Tàu củ to, lá màu xanh sẫm
- môn sáp: bùi, củ và lá đều to
- môn nước: không có củ (công dụng không rõ ràng ngoại trừ dùng lá để đựng cá lia thia)

Về khoai môn ca dao Việt Nam có câu:

Nước đổ lá môn
Sóng xao đầu vịt.

Gió đưa bụi chuối sau hè,
Bụi môn (1) trước cửa ai dè em hư.

(1) Môn (Hán- Việt): cửa. Câu này có thuật chơi chữ Môn và Cửa.

Các quốc gia sản xuất nhiều khoai môn trên thế giới hiện nay phần lớn nằm trên lục địa Phi Châu như Nigeria, Ghana, Côte d’Ivoire. Ở Á Châu có Trung Hoa, Cambodia và New Guinea.

Ở Á Châu nhiệt đới, hải đảo Thái Bình Dương, Tây Phi, Nam Mỹ có môn tai voi, bụi to và củ to. Đó là một nguồn lương thực quan trọng. Tên khoa học của loại môn tai voi hay môn TanniaXanthosona nigrum. Ở Nam Mỹ gọi là Tannia, Malanga, Yautia. Người Anh gọi là arrowleaf elephant.

Khoai Tây - Solanum tuberrosum - Gia đình: Solanaceae

khoaitay

Gọi đơn giản là khoai tây vì đó là một loại khoai không có ở Việt Nam trước khi người Pháp đô hộ. Khoai được người Pháp đem vào Việt Nam nên gọi là khoai Tây vì nước Pháp nằm về phía Tây mặc dù Pháp không phải là nơi phát xuất của khoai Tây.

Tên khoa học của khoai Tây là Solanum tuberrosum thuộc gia đình Solanaceae.

Tên gọi thông thường là:

pdl6

Sinh quán của khoai Tây là dãy núi Andes ở Nam Mỹ. Nó được trồng quanh hồ Titicaca dọc theo biên giới Peru- Bolivia. Khoai Tây gắn liền với văn minh Inca. Do đó người bản địa ở Nam Mỹ có nhiều kinh nghiệm trồng và tồn giữ khoai Tây lâu dài. Đến thế kỷ XVI các nhà chinh phục Tây Ban Nha đem khoai Tây về xứ trồng. Từ đó khoai Tây được phổ biến khắp Âu Châu. Vào thế kỷ XVII khoai Tây mới được trồng ở Bắc Mỹ. Diện tích trồng khoai Tây gia tăng nhanh chóng khi người tỵ nạn Ái Nhĩ Lan vào Londonderry, New Hampshire sau nạn đói vì khoai Tây bị thất mùa trên đảo quốc của họ.

Khoai Tây được trồng bằng củ, củ để mọc mầm hay củ cắt nhỏ ở những nơi có mầm non. Khoai Tây thích hợp với khí hậu ôn đới. Tuỳ theo loại khoai, phải mất từ 3 đến 6 tháng mới có thu hoạch.

Cây cao lối 60 cm; lá xanh tươi. Hoa màu tím nhạt với nhuỵ vàng. Trái có nhiều hột và độc chất solanine. Các loại khoai thường thấy là: khoai Russet Burbank, Red Norland, Yukon Gold, Atlantic, Kufri Jyoti v. v. Người Pháp thích khoai Tây ruột vàng. Loại khoai này gốc ở Pas de Calais. Người Anh không thích khoai ruột vàng. Anh và Pháp ít khi có tương đồng. Từ năm 1932 Anh không mua khoai Tây của Pháp nữa.

Kẻ thù của khoai Tây là sâu rầy, bịnh nấm, côn trùng dưới đất (con sùng), vi khuẩn. Rầy phá hại khoai Tây mang tên khoa học Chrysomelidae thuộc nhóm Coleoptera. Loại rầy độc hại là rầy Leptinotarsa decemlineata phá hại khoai Tây Colorado. Ấu trùng của loài sâu bướm Phthorimaca operculella thuộc gia đình Gelechiidae hay đục phá dây và củ khoai Tây. Sâu Empoasca fable cắn phá lá khoai Tây. Sâu Paratrioza cockerelli bám vào khoai Tây, cây thuốc lá, cây cà chua và gây bịnh cho cây.

Từ năm 1845 đến 1847 khoai Tây ở Ái Nhĩ Lan bị rụng lá. Mùa khoai Tây thất bát gây ra nạn đói làm cho 01 triệu người chết. Trên một triệu người Ái Nhĩ Lan bỏ nước sang Hoa Kỳ sau nạn đói ghê gớm này.

Khoai Tây có vai trò quan trọng trong đời sống hằng ngày của các dân tộc ăn lúa mì sống trong vùng ôn đới. Khoai Tây quan trọng hơn khoai lang trong đời sống các dân tộc ăn cơm. Người ta ăn khoai Tây luộc, nướng, nghiền nhuyễn ăn với chút bơ mặn. Khoai Tây lát mỏng chiên làm potato chips hay xắt miếng dày và dài lối 15 cm và chiên để có món French fries. Các nhà hàng bán steak hay nhà hàng Mc Donald hay Burger King luôn luôn có món French fries. Khoai Tây nướng với bơ, nghiền nhuyễn cũng được bán trong các nhà hàng bán steak. Khoai Tây cũng được dùng để làm bột, làm cồn ethanol, cất rượu Vodka ở Nga v. v. Nhưng rượu Vodka nổi tiếng của Nga được cất từ lúa mì hay lúa mạch.

Mức sản xuất khoai Tây trên thế giới ngày nay là 350 triệu tấn. Trung Hoa, Ấn Độ, Nga, Ukraine và Hoa Kỳ là nhưng xứ sản xuất nhiều khoai Tây. Khoai Tây có thể trồng trên Cao Nguyên Nam Trung Bộ, nơi có khí hậu mát mẻ. Khoai Tây có sinh tố B 1, B 2, B 3, B 6, C, Ca, K, Mg, Ph, muối. Lá, cọng, trái khoai Tây có độc chất. Đó là glycoalkaloid (solanine) gây nhức đầu, chuột rút, tiêu chảy và bất tỉnh mê man.

Ở Bắc Phi, Tây Phi, Đông Phi, Ấn Độ và vài nơi ở Đông Nam Á có một loại khoai Tây khổng lồ thuộc gia đình dây rau muống và dòng Ipomoea. Tên khoa học của loại khoai Tây khổng lồ này là Ipomoea digitata thuộc gia đình Convolvulaceae. Người Anh gọi là Giant potato; Hindi: Bhuyikohaba; Sanskrit: Vidari. Loại khoai Tây khổng lồ này dùng để cất rượu thuốc; lá và rễ giã nát đắp trên vùng phổi của người bị bịnh lao (TB), phụ nữ bị nhiễm trùng ở vú (kinh nghiệm y học cổ truyền Ấn Độ). Khoai Tây khổng lồ có taraxerol, taraxerol acetate, beta- sitosterol, scopolotin kháng vi trùng, kháng ung thư. Ấn Độ có nhiều kinh nghiệm về việc dùng khoai Tây khổng lồ trong y học trị liệu. Khoai Tây khổng lồ được dùng để trị sưng lá lách, sưng gan, kinh nguyệt quá đa; kích thích tuyến sữa (do sự hiện diện của ergonovine); kích dục; hạ huyết áp; hạ cholesterol; chống béo phì (obesity).

Khoai Từ - Dioscorea esculenta - Gia đình: Dioscoreaceae

khoaitu

Khoai từ là thân thuộc gần của khoai yam cùng dòng Dioscorea và gia đình Dioscoreaceae. Người Anh gọi khoai từ là Chinese yam, Lesser yam; Asiatic yam. Người Pháp gọi khoai từ là Igname des blancs (khoai mỡ của người da trắng), Igname de Chine (khoai mỡ Trung Hoa). Người Tây Ban Nha gọi là name asiatico (khoai mỡ Á Châu) v. v.

Dây khoai từ sần sùi. Lá dày, láng, màu xanh tươi. Củ khoai từ có vỏ sần sùi vì vậy người ta gọi là khoai từ gai. Có những củ khoai từ có nhánh như củ gừng tựa như bàn tay của người bị phong hủi nên gọi là khoai từ cùi. Khoai từ, khoai mỡ, khoai yam có nhiều liên hệ về dinh dưỡng lẫn trị liệu.

Khoai từ được trồng nhiều ở Á Châu, Phi Châu và Châu Mỹ nhiệt đới. Ở Việt Nam người ta ăn khoai từ luộc hay canh khoai từ nấu với cá hay tôm khô như canh khoai mỡ.

Khoai từ có allontoin được dùng như thuốc ngừa thai, kháng khuẩn, kháng nấm. Thảo mộc dòng Dioscorea có nhiều saponins dioscin. Diosgenin được dùng làm thuốc sản xuất kích thích tố steroid, chữa đau khớp xương, chứng ói mửa của phụ nữ mang thai, ho, tiêu chảy, hạ máu đường v. v.

Phạm Đình Lân, F.A.B.I

 

Tìm các bài BIÊN KHẢO khác theo vần ABC . . .

Tống Phước Hiệp

Địa chỉ E-Mail để liên lạc với chúng tôi: trangnhatongphuochiep.com@gmail.com